Biết Thời Điểm Để Làm Việc Phi Thường – Phần 1

Share

Môn đồ của Chúa là người học và sống theo Lời Chúa trong thời gian Chúa ban và sống hành động đúng với thời điểm Chúa bày tỏ.

Người xưa có câu: “Thời thế tạo anh hùng”. Câu nói này dựa trên kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng thời điểm và thời cuộc cực kỳ thuận lợi có thể đưa đẩy một người vô danh vào địa vị của một vị anh hùng; và ngược lại một người có phẩm chất anh hùng, dù có tài nhưng không gặp thời điểm và thời cuộc tốt thì dù có cố gắng cũng không thể vươn lên đến vị trí anh hùng được.  Cho dù có “bôn ba chẳng qua thời vận”.

Cũng theo kinh nghiệm lịch sử con người, khi nói về những yếu tố tạo nên sự thành công và kết quả, người xưa thường nhắc đến câu: “Thiên thời, địa lợi và nhân hòa”. Thiên thời là thời điểm và thời cuộc thuận lợi trời cho. Địa lợi là vị trí địa lý hay vị thế của điều được dùng làm “căn cứ” có đủ mọi điều kiện tốt đẹp. Nhân hòa nói về tình trạng có được lòng dân, có đủ nhân tài và sự hòa hợp giữa họ với nhau, và sự trung thành của họ đối với người lãnh đạo. Nói tóm lại, người ta cho rằng sự thành công dựa trên ba yếu tố then chốt là Trời ban cho cơ hội, địa điểm và nhân sự (đặc biệt là sự hiệp một của nhân sự). 

Thực ra trước khi có kinh nghiệm lịch sử thì nguyên lý này đã được Thánh Kinh dạy cho dân Chúa. Châm Ngôn 3:5-6, Chúa dạy rằng ai tin cậy Chúa thì Chúa sẽ “san bằng” mọi sự để tạo nên thời thế thuận lợi: 

5 Hãy hết lòng tin cậy CHÚA, Chớ nương cậy nơi sự sáng suốt của con. 6 Hãy nhận biết Ngài trong mọi đường lối mình, Ngài sẽ làm cho đường lối của con bằng thẳng.” 

Giáo Huấn 3:1-8 nói đến sự khôn ngoan thật là sự nhận biết được thời mùa của mọi sự tồn tại và mọi biến chuyển của chúng. Chú ý là trong dòng mạch văn của sách Giáo Huấn, chữ “thời mùa” này có nghĩa rộng hơn và bao gồm mọi điều mà các từ ngữ thiên thời, địa lợi, nhân hòa nói đến. Tác giả sách Hê-bơ-rơ 11:4-39 đã kể ra một danh sách dài những anh hùng đức tin. Họ có một mẫu số chung là tin cậy Chúa và khôn ngoan bước đi trong thời điểm của Chúa. 

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu Lời Chúa để nhìn biết và sống trong thời gian và đi theo thời điểm của Chúa cho chính mình, hầu cho chúng ta có thể trở thành những người làm việc phi thường cho Chúa.

1. Khái Quát Về Chronos/Thời gian và Kairos/Thời Điểm

Tiếng Hy-lạp dùng từ Chronos/Thời gian (χρόνος) để chỉ số lượng thời gian, thời giờ và dùng từ Kairos với ý nghĩa thời điểm. 

Thời gian và thời điểm là để dùng cho thế giới của con người. Khi dựng nên vũ trụ và con người Đức Chúa Trời đã thiết lập thời gian, và đặt chúng ta vào trong thời gian để có thời điểm sinh ra và kết thúc sự sống trên đất của chúng ta. 

Kairos/Thời điểm (καιρός) là thời gian định sẳn, cơ hội, thời điểm thiên thượng như được chép 86 lần trong Tân Ước. Kairos còn được dùng để chỉ thời gian mà công vụ của Đức Chúa Trời bước vào thời gian của chúng ta. Theo đó Ngài cho những biến cố xảy ra, để con người ý thức nhận biết và tìm kiếm Ngài như được chép trong Công vụ 17:26-27:

26 Từ một người, Ngài dựng lên tất cả các dân tộc trong nhân loại cho họ ở khắp mặt địa cầu, định thời gian (Kairos) hiện hữu và biên giới cho họ cư trú, 27 Để tìm kiếm Đức Chúa Trời, may ra có thể dò dẫm mà tìm được Ngài, dù Ngài không ở xa mỗi người trong chúng ta.”

Dĩ nhiên Đức Chúa Trời là Đấng Tự Hữu và hằng có đời đời. Ngài không có bắt đầu cũng không có kết thúc. Ngài vượt trên tất cả mọi thời gian và thời điểm của con người.

2. Kairos – Thời điểm thiên thượng định sẳn, cơ hội

Đức Chúa Trời sắp xếp thời điểm và Ngài dùng những thăng trầm cuộc sống, những mất mát và biến cố hoạn nạn xảy ra trong những thời điểm này để con người phải nhìn ra sự bất lực của chính mình và bởi đó họ chú tâm đến khía cạnh tâm linh của đời sống. 

Khi tâm trí loài người nhận biết có sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và họ được thách thức hãy tin cậy phó thác đời sống mình cho Chúa. Chúa sắp xếp thời điểm để họ khám phá mục đích, ý muốn và sứ mạng mà mà Ngài ủy nhiệm cho họ trên đất để họ được đồng công phục vụ Ngài. Những sắp xếp thời điểm này gọi là Kairos. Sách Tít 1:2-3 đã phân tích rõ hai chữ “Chornos và Kairos” này như sau:

2 trong niềm hy vọng sống vĩnh phúc mà Đức Chúa Trời, Đấng không hề nói dối, đã hứa từ trước khi có thời gian (Chronos: Thời gian hay thì giờ Chúa dựng nên). 3 Vào đúng thời kỳ (Kairos: Thời điểm Chúa định sẳn, cơ hội hay thời điểm thiên thượng), Ngài bày tỏ Lời Ngài qua việc truyền giảng Phúc Âm đã được ủy nhiệm cho tôi theo lệnh của Đức Chúa Trời, Đấng cứu rỗi chúng ta.”

Có những thời điểm Chúa cho những nan đề làm đảo lộn mọi kế hoạch và công việc của con người, khiến chúng ta phải điều chỉnh cái nhìn về cuộc sống, mục đích sống, những thứ tự ưu tiên. Từ đó chúng ta thay đổi cá tính và công việc để phù họp với sứ mạng thánh là những gì Chúa muốn mình làm. Vì thế, khi bạn có hoạn nạn, thử thách và nan đề hãy chú ý vì có thể đây là kairos của mình, hãy hỏi Chúa muốn nói gì và muốn mình làm gì? 

3. Đức Chúa Trời định thời gian, mùa và chọn thời kỳ/thời điểm

Một phân đoạn Kinh Thánh mà chúng ta đều biết nhưng lại không am tường là sách Giáo huấn 3:1-4,11 nói về Đức Chúa Trời định cho tất cả mọi việc theo định kỳ và “Mọi sự Ngài làm đều đúng thời, đúng lúc”. 

1 Mọi sự đều xảy ra theo thời điểm, Mọi việc trên đời đều có định kỳ: 2 Có kỳ sinh, có kỳ tử; Có kỳ gieo trồng, có kỳ gặt hái; 3 Có kỳ giết hại, có kỳ cứu chữa; Có kỳ đập phá, có kỳ xây dựng; 4 Có kỳ than khóc, có kỳ vui cười; Có kỳ tang chế, có kỳ ca múa… 9 Có ích lợi gì lâu bền cho người lao công khổ nhọc? 10 Tôi quan sát những công việc Đức Chúa Trời ban cho loài người để họ làm. 11 Mọi sự Ngài làm đều đúng thời, đúng lúc. 

Sách Giáo huấn 9:11-12 còn cho chúng ta biết là chúng ta không biết được thời điểm đến khi nào để mà tránh được những tai họa đến với mình. Do đó những ai đang xa Chúa và đi theo ý riêng hãy quay đầu năn năn trước khi tai họa thình lình ập xuống. 

11 Tôi lại nhận thấy rằng trên đời này: Không phải lúc nào người chạy nhanh cũng thắng cuộc, Người mạnh sức cũng thắng trận, Người khôn ngoan luôn no đủ, Người thông sáng luôn giàu sang, Người trí thức cũng được biệt đãi. Vì thời điểm và cơ hội xảy đến cho mọi người. 12 Không ai biết được lúc nào tai họa xảy đến cho mình. Như cá mắc phải lưới ác nghiệt, Như chim sa vào bẫy, Loài người cũng bị nhốt chặt. Trong thời tai họa thình lình ập xuống.

Vì “Mọi sự đều xảy ra theo thời điểm; Mọi việc trên đời đều có định kỳ; Mọi sự Ngài làm đều đúng thời, đúng lúc”. Do đó tất cả những gì xảy ra cho chúng ta luôn có lý do và mục đích của Chúa phía sau đó. Hãy nhận biết Ngài trong mọi hoàn cảnh. 

Nếu là người yêu kính Chúa, thì dù gặp thời điểm hoạn nạn, chúng ta hãy xem đó là điều Chúa muốn đem ích lợi cho mình trong hiện tại và cho cả tương lai. Như Giô-sép bị các anh phản bội bán làm nô lệ, và vợ Phô-ti-pha vu khống là Giô-sép muốn hảm hiếp bà khiến Phô-ti-pha bỏ ông vào tù. Không có sự hảm hại của họ, Giô-sép không thể làm thủ tướng Ai-cập. Vì,

[bs-quote quote=”Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những người yêu kính Đức Chúa Trời, tức là những người được kêu gọi theo mục đích của Ngài” style=”style-19″ align=”center” author_job=”Rô-ma 8:28″][/bs-quote]

Ý thức điều này, chúng ta sẽ không phạm tội oán trách Chúa, nhưng có thể cầu nguyện, cảm tạ, ngợi khen và tung hô Ngài trong mọi hoàn cảnh như Phao-lô và Si-la trong tù và có thể làm và nói như Gióp:

[bs-quote quote=”20 Gióp liền trỗi dậy, xé áo mình và cạo đầu rồi sấp mình xuống đất mà thờ lạy 21 và nói: “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ; Tôi cũng sẽ trần truồng trở về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; Đáng chúc tụng danh Đức Giê-hô-va!” 22 Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội và chẳng nói điều gì xúc phạm đến Đức Chúa Trời” style=”style-19″ align=”center” author_job=”Gióp 1:20-22 (BHĐ)”][/bs-quote]

4. Nhận biết thời điểm và biết làm gì trong trong thời điểm 

Chúa Giê-su bảo dân chúng về việc một khi đã nhận ra những dấu hiệu chung quanh để biết thời điểm Kairos là việc bình thường không gì khó hiểu cả, Ngài phán:

[bs-quote quote=”54Khi thấy mây kéo lên phía tây, các người liền nói: ‘Trời sắp mưa bão!’ thì có mưa bão thật. 55 Khi thấy gió nam thổi, các người nói: ‘Sắp nóng bức!’ thì trời oi bức. 56 Hỡi bọn đạo đức giả, đã biết phân biệt các hiện tượng của trời đất, sao các người không biết phân biệt thời đại (Kairos) hiện nay?” style=”style-19″ align=”center” author_job=”Lu-ca 12:54-56″][/bs-quote]

Biết thời điểm của Chúa là việc quan trọng, nhưng nếu không biết phải làm gì trong thời điểm đó thì chẳng ích lợi gì cả. Trong Kinh Thánh có nói đến, 

[bs-quote quote=”Người Y-sa-ca, là những người hiểu biết thời thế, biết dân Y-sơ-ra-ên phải làm gì, có 200 trưởng tộc cùng tất cả họ hàng dưới sự hướng dẫn của họ” style=”style-19″ align=”center” author_job=”I Sử ký 12:32″][/bs-quote]

Đế quốc Ba Tư và Mê-đi đứng vững vì vua A-suê-ru “hội ý với các nhà thông thái hiểu biết thời vận, vì vua có lệ tham khảo ý kiến tất cả những người thông thạo luật pháp và vấn đề xét xử” (Ê-xơ-tê 1:13). Vua Sa-lô-môn là vị vua khôn ngoan nhất, ông có nhiều trưởng lão cố vấn mình (IISử ký 10:6). Vua nói: “Người khôn ngoan hiểu biết thời thế và định được tình hình” (Giáo huấn 8:5). 

Khi thời điểm đến, người bị tù không biết ngày ra là Giô-sép giải giấc mơ cho vua Pha-ra-ôn và chỉ cách cho vua làm sao đem đất nước thoát khỏi nạn đói kém trầm trọng, ông trở thành thủ tướng và khiến Ai-cập trở thành đế quốc giàu có và hùng mạnh.

Khi vua Nê-bu-cát-nết-xa nằm mơ, nhưng quên giấc mơ của mình, không ai biết và giải giấc mơ của ông. Vua ra lệnh giết tất cả những người thông thái trong đó có Đa-ni-ên và ba người bạn của ông. Đa-ni-ên xin vua cho gia hạn để ông cầu nguyện, Chúa đã nhậm lời ông và Đa-ni-ên giải được điềm chiêm bao. Vua Nê-bu-cát-nết-sa rung sợ sấp mình xuống đất lạy Đa-ni-ên, ban thưởng cho ông và “lập ông cai trị toàn tỉnh Ba-by-lôn và đứng đầu các thủ lĩnh của các nhà thông thái Ba-by-lôn” (xem Đa-ni-ên đoạn 2). 

Người nhận biết thời điểm và biết làm gì trong trong thời điểm là người làm những công việc vô cùng phi thường, nhưng đồng thời họ là người gan dạ mạo hiểm phiêu lưu sống bởi đức tin. 

Họ là người sống để giải quyết nan đề cho người khác và thế giới. Nhiều khi họ phải quyết định chọn giữa ý Chúa và ý người và giữa cái sống và cái chết.

Mạc-đô-chê đã nhận thấy thời điểm Chúa dùng Hoàng hậu Ê-xơ-tê cứu dân Giu-đa. Ông kêu bà hãy xin vua A-suê-ru cứu dân mình thoát họa diệt vong, Mạc-đô chê nói:

[bs-quote quote=”Nếu con giữ yên lặng trong lúc này, người Do-thái sẽ được giúp đỡ và giải cứu từ nơi khác. Nhưng con và dòng họ con sẽ bị tiêu diệt. Biết đâu con được chức hoàng hậu là vì cớ thời điểm như thế này! ” style=”style-19″ align=”center” author_job=”Ê-xơ-tê 4:14″][/bs-quote]

Hoàng hậu Ê-xơ-tê dù sợ chết, nhưng can đảm đáp ứng sự thách thức của Mạc-đô-chê. Bà kêu gọi tất cả mọi người Do Thái gồm có bà và các tì nữ, kiêng ăn, không uống chi cả suốt ba ngày ba đêm. Với đức tin quả quyết bà nói: “Nếu tôi phải chết thì tôi chết!” (Ê-xơ-tê 4:16 BTT). 

Vào thời điểm có nan đề lớn trước mắt, người của Đức Chúa Trời phải nhìn thấy đây là cơ hội và thời điểm Chúa chuẩn bị cho mình, họ sẽ phải đối diện với áp lực rất lớn trước sự nguy hiểm, thậm chí có thể mất mát và hy sinh tính mạng. Vì kẻ thù đang chờ sẳn và nó sẽ tấn công họ cách rất khốc liệt. Khi đó chúng ta phải hết sức nhờ cậy Chúa Thánh Linh, cầu xin Chúa ban thêm đức tin và lòng can đảm để đối diện với nan đề hay kẻ thù trước mắt. Chúa sẽ giúp chúng ta đắc thắng cho danh Ngài. Tương tự như Đa-vít phải đối diện Gô-li-át, như ba bạn Đa-ni-ên trước lò lữa hừng. Chúng ta phải trong tư thế sẳn sàng nói, “Nếu tôi phải chết thì tôi chết!”. Nhưng Chúa chắc chắn sẽ phù hộ tôi, vì tôi nương náu mình nơi Chúa và“Ngài bầy tiệc đãi tôi; Trước mặt kẻ thù nghịch tôi” (Thánh thi 23:5).

Thật ra, sự cản trở của Satan sẽ không hại được bạn, nhưng giúp bạn tiến thêm một bước cao hơn. Không có chiến trận sẽ không có kẻ chiến thắng; không có thắng trận sẽ không có chiến lợi phẩm. Kẻ thù sẽ không giết bạn nhưng nó giúp bạn thêm mạnh mẽ làm những việc phi thường để bày tỏ vinh quang Chúa. 

Biết thời điểm và biết phải làm gì dẫn đến thành công không tưởng tượng

5. Không nhận biết thời điểm và không vâng lời sẽ có sự cố và nguy hiểm

Một trong những kẻ thù lớn và nguy hiểm cản trở chúng ta đi trong thời điểm Chúa là tinh thần/linh tôn giáo, vì nó chống nghịch cùng Thánh Linh Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã khóc cho dân thành Giê-ru-sa-lem vì Ngài đến để cứu họ, nhưng họ đã không tiếp nhận Ngài. 

Điều thật đáng tiếc là những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái rành Kinh Luật, dù thấy những dấu hiệu của Đấng Mê-si đã được bày tỏ và thể hiện trong chức vụ của Chúa Giê-su, nhưng họ không tiếp đón Chúa Giê-su mà còn chống đối, bắt bớ và đóng đinh Ngài. Vì thế, Chúa Giê-su báo trước về những tai họa sẽ xảy đến cho họ và điều này đã được ứng nghiệm vào Năm 70 SCN:

[bs-quote quote=”Chúng sẽ phá đổ ngươi và con cái trong thành ngươi ra bình địa, chúng sẽ không để tảng đá nào chồng lên tảng đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời điểm ngươi được thăm viếng ” style=”style-19″ align=”center” author_job=”Lu-ca 19:44″][/bs-quote]

Khi Hoàng hậu Ê-xơ-tên ngần ngại trả lời là bà không muốn gặp vua để xin cứu dân Do Thái vì có thể bị mất mạng, Mạc-đô-chê trả lời Hoàng hậu Ê-xơ-tê như sau: 

[bs-quote quote=”Con chớ tưởng rằng trong tất cả những người Do Thái, chỉ mình con sẽ thoát chết vì con ở trong cung vua. Nếu con giữ yên lặng trong lúc này, người Do Thái sẽ được giúp đỡ và giải cứu từ nơi khác. Nhưng con và dòng họ con sẽ bị tiêu diệt” style=”style-19″ align=”center” author_job=”Ê-xơ-tê 4:13,14″][/bs-quote]

Những vị trí và chức vụ mà Chúa giao cho chúng ta đều nằm trong thời điểm và sứ mạng mà Ngài dành cho chúng ta. Ngài đòi hỏi chúng ta hoàn toàn đáp ứng trong thời điểm Ngài mang đến. Chức vụ càng cao thì sự đòi hỏi và sự trả giá càng cao. 

Người lãnh đạo thuộc linh phải biết mình có trách nhiệm tìm biết ý Chúa và đường lối Chúa cho cá nhân, mục vụ, hội thánh, hệ phái hay tổ chức và cho dân tộc mình. Sẽ có những thời điểm Chúa nâng cao, ban thưởng nhưng cũng có lúc Ngài làm cho chúng ta bị sĩ nhục và bị trừng phạt. Nếu chúng ta không chú ý thì tai họa sẽ đến trên chúng ta, gia đình, hội thánh, hệ phái, dân chúng và quốc gia. Riêng chúng ta còn sẽ phải khai trình với Chúa sau này. Sau đây là những tấm gương không đi đúng thời điểm kairos mà chúng ta phần chú ý để tránh:

Khi Chúa bảo Hê-li dạy con ông, vì họ phạm tội trong đền thờ, gây vấp phạm cho dân sự nhưng ông không nghe. Thì sau đó hai đứa con trai ông chết, Chúa phạt dòng dõi con cháu ông chết trẻ, còn người sống sót thì ăn xin (I Sa-mu-ên đoạn 2). 

Khi Dân Y-sa-ra-ên đến thời điểm chiếm đất hứa, nhưng nghe theo mười thám tử là những người lãnh đạo không có đức tin nói lời tiêu cực mà phản đối Môi-se thì họ và dân sự chết trong đồng vắng, những người có đức tin như Giô-suê và Ca-lép và những người dưới 20 tuổi phải chờ đến 40 năm sau mới vào đất hứa (Dân số 13,14). 

Vì đi trước thời điểm Môi-se sợ hãi phải ẩn trốn trong đồng vắng 40 năm (Xuất hành 2:11-15). 

Khi Chúa sai Giô-na nói tiên tri cho thành Ni-ni-ve, ông không chỉ bỏ trốn mà còn đi ngược lại theo hướng tránh xa thành này, nên tàu ông bị bão và ông bị cá nuốt vào bụng. Trong bụng cá Giô-na ăn năn và vâng lời đi giảng cho Thành Ni-ni-ve (Giô-na 1,2). 

Vua Sau-lơ dù được cho cơ hội làm vua, nhưng ông không chuyên tâm phục vụ Chúa và dân sự Ngài. Ông chỉ lo bảo vệ ngai vua, xây dựng vương quốc riêng của mình. Ông và cả gia đình ông đều chết, chỉ còn một đứa cháu nội què chân được sống. 

Vào thời điểm thiên sứ báo tin cho thầy tế lễ Xa-cha-ri là vợ chồng ông sẽ có con dù họ đã quá tuổi sinh sản, thay vì vui mừng ca ngợi và tôn thờ, ông không tin lời thiên sứ nên bị phạt câm cho đến khi Giăng Báp-tít ra đời (Lu-ca 1:18-20).

  • Một là biết ý Chúa đi trong thời điểm để thành công; 
  • Hai là chết vì mất cơ hội; 
  • Ba là bị lỡ mất cơ hội và 
  • Bốn là chờ bị phạt rồi mới đi.

 

Người Dọn Đường & Phạm Phi Phi

(Ngoại trừ ghi chú về bản dịch, các câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Bản Dịch Mới 2002)

Xin xem phần 2 để biết thêm

  • Đáp ứng trước Kairos/Thời điểm.
  • Người của sứ mạng đi trong Kairos/Thời điểm 
  • Ma quỷ có thời điểm cho chúng ta và nó tấn công vào thời điểm Chúa đem đến cho chúng ta.
  • Chúng ta làm gì trong Chronos/Thời gian sẽ quyết định Kairos/Thời điểm của mình. 
  • Phải chuẩn bị gì cho thời điểm?

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan