Bình An Hay “Shalom” Là Gì?

Share

Chúa Giê-xu phán, “Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27). 

Khi Chúa Giê-xu gặp các môn đồ của Ngài, sau khi phục sinh, Ngài tiếp tục phán với họ, “Bình an” (Giăng 20:19,21,26). Dưới những bối cảnh này rõ ràng là chữ “bình an” có đầy những ý nghĩa đặc biệt. Sự bình an mà Chúa Giê-xu ban cho chúng ta là gì? Để hiểu lời của Chúa Giê-xu, chúng ta phải suy gẫm những mặt khác nhau của từ Hê-bơ-rơ shalom, là từ gốc của chữ “bình an” trong tiếng Anh.

Shalom là một trong những chữ và hình ảnh mấu chốt của sự cứu rỗi trong Kinh Thánh. Từ Hê-bơ-rơ này, một cách phổ thông nhất, nói về tình trạng của một người không bị thương tích và an toàn và tốt đẹp trong tổng thể con người. Trong Tân Ước, shalom được tỏ ra như là sự giải hòa của mọi sự với Đức Chúa Trời xuyên qua công việc của Đấng Christ: “19Vì Đức Chúa Trời đã vui lòng … ở trong Ngài (Christ)… mà hòa giải muôn vật với chính mình, bởi huyết Ngài trên thập tự giá đem bình an đến cho cả những vật dưới đất và những vật trên trời. “ (Cô-lô-se 1:19-20)

Shalom được trãi nghiệm như là một tình trạng tốt lành toàn vẹn trong mọi mặt – thể lý, tâm lý, xã hội và thuộc linh; nó tuôn tràn ra từ một quan hệ của một người được đặt đúng chỗ với Đức Chúa Trời, chính mình và những người khác.

Shalom với Đức Chúa Trời.

Nền tảng nhất, shalom có nghĩa là sự giải hòa với Đức Chúa Trời. Chúa có thể ban cho chúng ta hay cất đi sự bình an với Ngài (Thi Thiên 85:8; Giê-rê-mi 16:5). Vì Phi-nê-a đã làm nguôi mất đi cơn thịnh nộ của Chúa trên tội lỗi của dân sự nên ông và gia đình ông được ban cho một “giao ước bình an” với Chúa (Dân Số Ký 25:12). Một trong những loại tế lễ của giao ước Môi-se là tế lễ shelamim – tế lễ bình an hay giao thông (fellowship) – loại tế lễ duy nhất trong các tế lễ Lê-vi mà người dâng tế lễ được nhận lại một phần để ăn. Tội lỗi phá vỡ shalom. Khi bất cứ điều gì chữa lành sự ngăn cách và lấp vào chỗ sứt mẻ giữa chúng ta và Đức Chúa Trời, thì có bữa ăn lễ hội và vui mừng trong sự hiện diện của Ngài.

Shalom với Những Người Khác

Shalom cũng có nghĩa là hòa bình với những người khác, hòa bình giữa các nhóm. Nó có nghĩa là chấm dứt mọi sự thù nghịch và chiến tranh (Phục Truyền 20:12; Các Quan Xét 21:13). Người đàn bà khôn ngoan ở thành A-bên Bết-ma-ca giữ được shalom, sự hòa bình của thành này bằng cách ngăn chặn được một cuộc phong tỏa và chiến tranh (2 Sa-mu-ên 20:14-22). Nhưng shalom không chỉ có nghĩa là sự giải hòa giữa các phe nhóm hay các nước đang có chiến tranh (1 Các Vua 5:12). Nó cũng là về xã hội với các quan hệ giữa các cá nhân và giai cấp. Giê-rê-mi đòi hỏi rằng nếu không chấm dứt sự bóc lột, tham lam và bạo động trong các mối quan hệ xã hội, sẽ không có shalom, cho dù các tiên tri giả có nói tiên tri là có bình an (Giê-rê-mi 6:1-9,14; so sánh với Giê-rê-mi 8:11).

Shalom Với Chính Mình

Shalom chứa đựng không chỉ sự bình an bề ngoài – hòa bình giữa các phe nhóm – nhưng cũng là sự hòa bình từ bên trong. Những người tin cậy Chúa có sự an ninh nội tại; thế nên họ có thể ngủ yên lành (Thi Thiên 4:8). Đức Chúa Trời ban “sự hòa bình toàn vẹn” (hay shalom-shalom) – thí dụ, sự bình an sâu xa về tâm lý và cảm xúc – với những người kiên định tâm trí của mình trong Ngài (Ê-sai 26:3). Kết quả của sự công chính trước Chúa là “sự bình an: Thành quả của công chính là sự yên ổn và an ninh mãi mãi” (Ê-sai 32:17).

GIÁ TRẢ CHO SHALOM: CHÚA GIÊ-XU

Shalom Được Tiên Tri

Shalom trở nên một chủ đề chính yếu đặc biệt trong các văn phẩm tiên tri. Các tiên tri giải thích những cuộc xâm lăng và lưu đày là do mất đi shalom – như là một sự rủa sã trên Y-sơ-ra-ên vì đã phá vỡ giao ước và là một sự đoán phạt trên sự bất vâng phục (Ê-sai 48:18; Giê-rê-mi 14:13-16; Mi-chê 3:4-5,9-12). Nhưng chúng cũng chỉ về tương lai đi đến một thời điểm của sự shalom toàn vẹn, không chỉ cho Y-sơ-ra-ên nhưng cho toàn thể thế giới (Ê-sai 11:1-9,45:7). Chỉ Đức Chúa Trời có thể sáng tạo nên shalom, và món quà này sẽ đến xuyên qua công việc của Đấng Mê-si-a, Hoàng Tử của shalom (Ê-sai 9:6-7). Vì thế, có lẽ shalom là một đặc tinh căn bản tiêu biểu nhất của tương lai của vương quốc Đức Chúa Trời, một thời điểm mà chính Chúa đến để sửa chữa tất cả mọi sự sai trật với thế giới.

Khi các thiên sứ bảo những người chăn chiên về sự giáng sinh của Đấng Christ, họ gọi Ngài là đấng sẽ đem bình an đến cho loài người (Lu-ca 2:14). Chúa Giê-xu là Hoàng Tử của shalom, là người sẽ đem đến sự bình an của vương quốc Chúa mà các tiên tri đã báo trước (Rô-ma 14:17; 1 Cô-rinh-tô 14:33). Tin lành của Chúa Giê-xu là “tin lành của bình an.” (Ê-phê-sô 6:15so sánh với Công Vụ 10;36; Ê-phê-sô 2:17)

Shalom Được Làm Trọn.

Chúa Giê-xu trước hết giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời. Ngài là Phi-nê-a tối hậu để làm nguôi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời và đem gia đình của Ngài vào trong một giao ước bình an. Nhưng Ngài làm điều đó bằng cách chính Ngài mang lấy sự rủa sã của tội lôi để cho tất cả những ai hiệp một trong Ngài bởi đức tin mà nhận sự ban phước bình an của Ngài (Ga-la-ti 3:10-13). “Nhưng những kẻ ác giống như biển động, Không yên tịnh được,

… “Những kẻ gian ác chẳng được hưởng bình an.” (Ê-sai 57:20-21). Chúa Giê-xu kêu lớn tiếng khi Ngài mất sự giao thông với Đức Chúa Cha và trãi nghiệm sự thống khổ bên trong không thể tưởng tượng được (Ma-thi-ơ 27:46). Ngài trãi nghiệm nỗi đau vô tận để cho chúng ta có thể biết sự bình an bất tận (Giăng 14:27).

Shalom Được Trải Nghiệm

Đức Chúa Trời giải hòa mọi sự với Ngài qua Đấng Christ (Cô-lô-se 1:20), và dù hiện nay Ngài chưa làm cho mọi sự trở nên ngay thẳng (Rô-ma 8:19-23), những ai tin phúc âm sẽ bước vào và trãi nghiệm sự giải hòa này.

Sự bình an này trên hết là sự bình an với Đức Chúa Trời qua sự xưng công chính bởi đức tin (Rô-ma 5:1-2). Có một sự ngăn cách giữa Đức Chúa Trời và con người, nhưng Chúa Giê-xu đã trả món nợ và có sự bình an. Sự bình an này không thể tăng lên hay giảm đi. Dù chúng ta thật là “vô đạo” nhưng trong Đấng Christ chúng ta được kể là công chính và được chấp thuận (Rô-ma 4:5).

Chúa Giê-xu cũng đem đến sự bình an của Đức Chúa Trời – sự bình an bên trong. Sự bình an của Đức Chúa Trời đóng đồn lũy trong tấm lòng để chống lại sự lo lắng, khó khăn và sầu thảm (Phi-líp 4:4-7). Để có sự bình an sâu thẳm khiến chúng ta có thể thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những khi khốn khó rất lớn (Phi-líp 4:12-13). Sự bình an của Đấng Christ liên hệ sát sao với sự vui mừng (Giăng 15:11; Rô-ma 15:13) khiến chúng ta có thể nói rằng sự vui mừng là sự bình an và giải hòa của Đức Chúa Trời thể hiện ra. Đức Chúa Trời bình an sẽ thánh hóa chúng ta, khiến chúng ta tăng trưởng những phẩm tính và sự trưởng thành giống như Đấng Christ (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:23; so sánh với Ga-la-ti 5:22).

Sau cùng, Chúa Giê-xu đem đến cho chúng ta sự bình an với mọi người khác. Sự bình an của chúng ta với Chúa và đến từ Chúa đem lại cho chúng ta những tài nguyên để giữ gìn sự hiệp một và tình yêu thương với những người khác qua sự tiếp tục tha thứ và kiên nhẫn (Cô-lô-se 3:13-15). Đấng Christ là sự bình an của chúng ta, và bởi sự chết của Ngài trên thập tự giá Ngài cất đi ngay cả những sự ngăn cách cao độ về văn hóa và chủng tộc đang chia rẻ chúng ta (Ê-phê-sô 2:11-12).

 

Ngọc Nga

(Lược dịch theo: thenivbible.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan