Cảnh Báo Chống Lại Sự Chia Rẽ; Sự Tha Thứ; Sự Trừng Phạt Mác 3:22-30

Share

Tất cả chúng ta đều biết cảm giác đau đớn như thế nào khi hành vi của mình bị hiểu lầm và xuyên tạc chỉ vì chúng ta đang làm điều đúng. Đó là một thử thách mà Đức Chúa Jêsus Christ đã phải chịu đựng liên tục, trong suốt chức vụ trên đất của Ngài. Chúng ta có một thí dụ trong phân đoạn này. Các thầy thông giáo từ thành Giê-ru-sa-lem xuống đã thấy những phép lạ mà Ngài đã làm. Họ không thể phủ nhận thực trạng của mình. Sau đó, họ đã làm gì? Họ đã cáo buộc Cứu Chúa vì Ngài đã liên minh và hiệp nhất với ma quỷ. Họ nói rằng: “Người bị quỷ Bê-ên-xê-bun ám” và “nhờ phép chúa quỷ mà trừ quỷ”. Trong câu trả lời của Chúa trước lời buộc tội độc ác này, có những lời lẽ cần phải đặc biệt chú ý. Hãy xem xét những bài học nào có thể áp dụng cho chúng ta.

Sự bất hòa và chia rẽ

Trước tiên, chúng ta phải nhận thấy tội ác của sự bất hòa và chia rẽ lớn đến mức nào.

Đây là một bài học sâu sắc được phơi bày ngay từ lúc Chúa bắt đầu trả lời các thầy thông giáo. Chúa cho thấy điều vô lý là khi cho rằng quỷ Sa-tan sẽ đuổi quỷ Sa-tan và hắn đang tìm cách tiêu diệt chính quyền lực của mình. Chúa đưa ra một dữ kiện phổ biến, ngay cả kẻ thù của Ngài cũng phải cho phép, đó là ở đâu có sự chia rẽ thì ở đó không có sức mạnh. Nếu một nước tự chia nhau, thì nước ấy không thể còn được.

Đây là một lẽ thật không được xem xét cách cặn kẽ. Không có sự lạm dụng quyền phán xét cá nhân nào có thể tạo ra nhiều điều gian ác như vậy. Sự chia rẽ của Cơ Đốc nhân là nguyên nhân lớn dẫn đến sự yếu đuối của Hội thánh hữu hình. Họ thường lãng phí năng lượng, thời gian và sức mạnh đáng lẽ đã có ích cho những điều tốt đẹp hơn. Họ cho kẻ vô tín một lập luận quan trọng để chống lại chân lý của Cơ Đốc giáo. Họ giúp đỡ ma quỷ. Quỷ Sa-tan thực sự là nhân tố chính thúc đẩy sự chia rẽ tôn giáo. Nếu hắn không thể dập tắt Cơ Đốc giáo, thì hắn sẽ cố gắng làm cho Cơ Đốc nhân cãi cọ với nhau và khiến người này nghịch cùng người lân cận mình. Không ai biết rõ “chia rẽ là chiến thắng” bằng ma quỷ.

Chúng ta hãy giải quyết, tùy vào khả năng của mình, để tránh đụng vào những khác biệt, bất đồng và tranh chấp trong Cơ Đốc giáo. Chúng ta hãy gớm ghiếc và ghê tởm chúng như dịch bệnh xảy ra với các Hội thánh. Chúng ta không thể nào quá trung thành với tất cả chân lý cứu rỗi. Nhưng thật dễ dàng để nhầm lẫn sự thận trọng bệnh hoạn với sự tận tâm, sốt sắng về những chuyện vặt vãnh với sốt sắng về lẽ thật. Không gì bào chữa cho việc tách biệt khỏi một Hội thánh ngoại trừ sự tách biệt của Hội thánh đó khỏi Phúc Âm. Chúng ta hãy sẵn sàng nhượng bộ và hy sinh nhiều hơn vì sự hiệp một và sự hòa bình.

Tuyên bố của Đấng Christ về sự tha thứ tội lỗi

Thứ hai, chúng ta phải thấy lời tuyên bố vẻ vang mà Chúa đã phán về sự tha thứ tội lỗi. Chúa phán rằng: “mọi tội lỗi sẽ tha cho con cái loài người, và hết thảy những lời phạm thượng họ sẽ nói ra cũng vậy”. Mấy lời này nhẹ nhàng lọt vào tai nhiều người. Họ không thấy sự tốt đẹp đặc biệt nào ở trong đó. Nhưng đối với người nào tỉnh thức về tội lỗi và biết mình cần sự thương xót, thì mấy lời này thật ngọt ngào và quý giá. Mọi tội lỗi sẽ được tha. Tội lỗi lúc còn trẻ và khi về già; tội lỗi của tâm trí, bàn tay, lưỡi, trí tưởng tượng; tội lỗi chống lại tất cả điều răn của Đức Chúa Trời; tội lỗi của những kẻ bắt bớ như Sau-lơ; tội lỗi của những kẻ thờ hình tượng như Ma-na-se; tội lỗi của những kẻ thù công khai nghịch cùng Đấng Christ như người Do Thái đã đóng đinh Ngài; tội lỗi của những kẻ phản bội Đấng Christ như Phi-e-rơ – tất cả đều được tha thứ. Huyết của Đấng Christ có thể tẩy sạch tất cả. Sự công bình của Đấng Christ có thể che đậy tất cả và giữ gìn tất cả khỏi tầm nhìn của Đức Chúa Trời. Giáo lý được đề cập ở đây là sự cao cả và vinh hiển của Phúc Âm.

Điều đầu tiên mà Phúc Âm bày tỏ với loài người là sự tha thứ vô điều kiện, sự tha thứ trọn vẹn, sự tha thứ hoàn toàn mà không cần phải trả tiền và không cần phải trả giá. Nhờ có Chúa Jêsus mà sự tha thứ tội lỗi được rao truyền cho chúng ta, cũng nhờ Ngài mà người nào tin thì được tự do khỏi mọi sự (Công vụ 13:38-39).

Chúng ta hãy giữ chặt giáo lý này, đừng chậm trễ, nếu chúng ta chưa tiếp nhận điều này bao giờ. Giáo lý này dành cho chúng ta cũng như cho nhiều người khác. Ngày hôm nay, nếu chúng ta đến cùng Đấng Christ, thì chúng ta sẽ được tha thứ hoàn toàn. “Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết” (Ê-sai 1:18).

Chúng ta hãy bám chặt vào giáo lý này, nếu chúng ta đã tiếp nhận nó rồi. Đôi khi chúng ta cảm thấy yếu đuối, đáng chết và bỏ đi. Nhưng nếu chúng ta thực sự đến cùng Chúa Jêsus bởi đức tin, thì tội lỗi của chúng ta sẽ được tha thứ hoàn toàn. Chúng bị ném ra sau lưng Đức Chúa Trời – bị xóa khỏi sách kỷ niệm của Ngài – chìm xuống đáy biển sâu. Chúng ta hãy tin và đừng sợ hãi.

Một linh hồn có thể hư mất mãi mãi trong địa ngục

Cuối cùng, chúng ta phải chú ý rằng linh hồn của một người có thể hư mất mãi mãi trong địa ngục. Mấy lời của Chúa chúng ta rất rõ ràng và chính xác. Chúa nói về một người không bao giờ nhận được sự tha thứ, nhưng vi phạm một tội lỗi đến đời đời.

Đây là một sự thật vô cùng khủng khiếp. Nhưng đó là sự thật, chúng ta không được nhắm mắt làm ngơ trước sự thật đó. Chúng ta thấy điều này được khẳng định hết lần này đến lần khác trong Kinh Thánh. Nhiều hình ảnh minh họa đã được đưa ra, từ ngữ cũng được dùng để làm rõ và không gây nhầm lẫn. Nói tóm lại, nếu không có một tội lỗi đời đời, thì chúng ta có thể gạt Kinh Thánh sang một bên và nói rằng lời lẽ chẳng có ý nghĩa gì cả.

Chúng ta cần phải ghi nhớ lẽ thật đáng sợ này trong những ngày sau rốt. Các giáo sư đã đứng lên công khai tấn công giáo lý về sự trừng phạt đời đời hoặc hết sức nỗ lực để giải thích giáo lý đó khác đi. Lỗ tai của loài người đang bị những lời lẽ có vẻ hợp lý về tình yêu thương của Đức Chúa Trời và một Đức Chúa Trời yêu thương không thể cho phép có địa ngục đời đời. Sự trừng phạt đời đời được đề cập giống như một câu hỏi suy đoán đơn thuần mà loài người có thể tin vào bất cứ điều gì họ muốn. Trong cơn ba đào của giáo lý sai lạc này, chúng ta hãy giữ vững chân lý kinh điển. Đừng hổ thẹn khi tin rằng có một Đức Chúa Trời đời đời, một thiên đàng đời đời và một địa ngục đời đời. Chúng ta hãy nhớ rằng tội lỗi là điều ác muôn đời. Sự chuộc tội có giá trị đời đời là điều cần kíp để giải cứu người tin Chúa ra khỏi hậu quả của tội lỗi – điều này dẫn đến việc người nào không tin Chúa sẽ bị hư mất đời đời vì họ từ chối giải pháp cứu rỗi đã được ban cho loài người. Hơn hết, chúng ta hãy quay lại với những lời phát biểu rõ ràng trong Kinh Thánh của ngày hôm nay. Một bản văn đơn giản có giá trị bằng một ngàn lập luận sâu sắc.

Cuối cùng, nếu thực sự có một tội lỗi đời đời, thì chúng ta hãy chăm chỉ để mình không sa vào tội lỗi đó. Chúng ta hãy tự cứu lấy mình và đừng lần lữa (Sáng thế ký 19:16-17). Hãy chạy trốn để tìm nơi ẩn náu để trông cậy vào Phúc Âm đã được giảng ra ở trước mặt chúng ta và đừng bao giờ nghỉ ngơi cho đến khi chúng ta biết chắc và cảm thấy mình được an toàn. Đừng bao giờ hổ thẹn khi tìm kiếm sự an toàn. Hãy hổ thẹn về tội lỗi, thế gian và sự ham mến xác thịt. Nhưng chúng ta không cần phải hổ thẹn khi tìm kiếm sự cứu rỗi khỏi địa ngục đời đời.

Ghi chú

Phân đoạn này cho biết có một tội lỗi sẽ không được tha thứ. Phải thẳng thắn thú nhận rằng bản chất chính xác của tội lỗi này không được định nghĩa trong Kinh Thánh. Một quan điểm có thể xảy ra nhất đó là một người biết rõ Phúc Âm mà vẫn chủ ý từ chối sứ điệp này để phạm tội. Đó là một kết hợp giữa sự sáng ở trong đầu và sự thù hận ở trong lòng. Ranh giới của sự hiểu biết trộn lẫn với sự vô tín phải bị vượt qua để trở thành một tội lỗi không thể tha thứ được đang bị ngăn trở khỏi chúng ta. Đức Chúa Trời đã thương xót truyền dạy rằng loài người không cần phải quyết định cách tích cực cho bất kỳ người nào rằng họ đã phạm một tội lỗi không thể tha thứ được nữa. Nhưng cho dù rất khó xác định tội lỗi không thể tha thứ là gì, thì cũng không khó để chỉ ra tội lỗi đó đâu. Chúng ta có thể gần như chắc chắn rằng người nào sợ hãi vì họ đã phạm tội không thể tha thứ được nữa là những người vẫn chưa phạm tội ấy đâu. Thật ra họ sợ hãi và lo lắng về điều đó là bằng chứng mạnh mẽ nhất có lợi cho họ.

 

 

 

Nguồn: https://tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan