Câu Chuyện Ngụ Ngôn Về Hạt Giống – Mác 4:26-29

Share

Góc nhìn của Tiên Phong. Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Câu chuyện ngụ ngôn trong mấy câu Kinh Thánh này rất súc tích và chỉ được ký thuật lại trong Phúc Âm Mác. Nhưng đây là điều rất thú vị đối với hết thảy những ai có lý do để hy vọng mình là Cơ Đốc nhân thật. Phân đoạn này cho chúng ta thấy công tác của ân điển trong linh hồn của một người. Kinh Thánh kêu gọi chúng ta tra xét mình trong những điều thiêng liêng.
Có vài cách diễn đạt trong câu chuyện ngụ ngôn mà chúng ta không được nhấn mạnh quá xa. Đó là việc đi ngủ và thức dậy của người nông dân, cũng như đêm và ngày. Trong câu chuyện này, cũng như nhiều câu chuyện ngụ ngôn của Chúa, chúng ta phải cẩn thận ghi nhớ phạm vi và mục tiêu chính của toàn bộ câu chuyện mà không nhấn mạnh quá nhiều vào những chi tiết nhỏ nhặt. Đối với phân đoạn ở trước mặt chúng ta, điều chủ yếu được dạy dỗ là sự tương đồng chặt chẽ giữa một vài hoạt động quen thuộc trong gieo trồn và công tác của ân điển ở trong lòng. Chúng ta hãy giới hạn sự tập chú của mình vào điều này.

1. Phải có người gieo giống

Trước hết, chúng ta được dạy rằng, để hạt giống được phát triển, cũng như trong công tác của ân điển, phải có người gieo giống.

Trái đất, như tất cả đều biết, không bao giờ tự nảy mầm hạt giống nào cả. Trái đất là mẹ của các loài cỏ dại nhưng không phải của lúa mì. Bàn tay con người phải cày xới và gieo giống, bằng không sẽ chẳng có mùa gặt nào cả.
Tương tự, lòng của con người sẽ không bao giờ tự mình hướng về Đức Chúa Trời, ăn năn, tin cậy và vâng lời đâu. Không hề có ân điển. Hoàn toàn đã chết ở trước mặt Đức Chúa Trời và không thể tự có sự sống thuộc linh được. Con người phải nhờ Thánh Linh của Ngài hành động và khiến họ trở thành tạo vật mới. Chúa phải dùng những kẻ hầu việc Ngài để gieo giống tốt là Lời Chúa.

Chúng ta không được quên lẽ thật này. Ân điển ở trong lòng loài người là một điều lạ lùng. Một nguyên tắc mới từ bên ngoài, được ban phát từ trời và được trồng ở trong linh hồn của con người. Nếu không thì chẳng có người nào sống mà tìm kiếm Đức Chúa Trời cả. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thường hành động qua những công cụ của ân điển. Coi thường các giáo sư và truyền đạo, chính là những công cụ, tức là mong đợi kết quả mà chẳng có sự gieo giống.

2. Có nhiều điều vượt quá khả năng của chúng ta

Thứ hai, chúng ta được dạy rằng để hạt giống lớn lên, cũng như với công tác của ân điển, có nhiều điều nằm ngoài hiểu biết và kiểm soát của con người.

Người nông dân khôn ngoan nhất trên trái đất không thể giải thích được hết những điều xảy ra trong hạt lúa mì sau khi người đó gieo giống. Người đó biết một có thực trạng đó là trừ khi mình gieo hạt giống xuống đất và lấp nó lại, thì sẽ không có hạt lúa mì nào được gặt đúng kỳ cả. Nhưng người này không thể yêu cầu mỗi hạt giống phải nảy mầm. Ông ta không thể giải thích vì sao số này nảy mầm và số khác chết đi. Ông không thể chỉ định giờ giấc khi nào chúng phải mọc lên. Ông không thể xác định sự sống ấy sẽ như thế nào. Đây là những vấn đề mà ông không thể đụng vào. Phần của người đó là gieo giống, còn Đức Chúa Trời làm cho tăng trưởng. Đức Chúa Trời làm cho lớn lên (1 Cô-rinh-tô 3:7).

Công tác của ân điển ở trong lòng người cũng mầu nhiệm và không thể dò được giống như thế. Chúng ta không thể giải thích vì sao Lời Chúa lại tác động đến người này mà không phải người kia. Chúng ta không thể giải thích vì sao có vài trường hợp – tuy đủ điều kiện và đã được khuyên dỗ – người ta vẫn từ chối Lời Chúa và tiếp tục chết đi trong tội lỗi và sự vi phạm. Chúng ta không thể giải thích vì sao có những trường hợp – tuy khó khăn mọi bề và chẳng cần nhiều lời lẽ – người ta được tái sinh và trở thành Cơ Đốc nhân cách quyết đoán. Chúng ta không thể xác định phương cách mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban sự sống cho một linh hồn và quá trình một người tin Chúa nhận được bản chất mới chính xác như thế nào. Tất cả đều là những điều kín nhiệm đối với chúng ta. Chúng ta thấy những kết quả nhất định, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy xa hơn. “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy” (Giăng 3:8).

Chúng ta cũng hãy suy xét lẽ thật này, vì trong đó có sự dạy dỗ sâu nhiệm. Đúng là những người hầu việc Chúa và các giáo sư phải hạ mình xuống. Có khả năng cao, có tài giảng dạy, chăm chỉ làm việc đến mấy cũng không thể quyết định được sự thành công. Chỉ có Đức Chúa Trời mới ban phát sự sống thuộc linh. Nhưng đây cũng là chân lý cung cấp một liều thuốc giải độc cho sự lo lắng quá mức và chán nản. Công việc chính của chúng ta là gieo giống. Thế là xong, chúng ta cứ chờ đợi bằng đức tin và kiên nhẫn nhìn thấy kết quả. Chúng ta có thể nằm ngủ vào ban đêm, [thức] dậy vào ban ngày và giao phó công việc của mình cho Chúa. Chỉ có Chúa có thể mới làm được, nếu Chúa thấy phù hợp, Ngài sẽ cho nó kết quả.

3. Sự sống chắc chắn sẽ xuất hiện

Thứ ba, chúng ta được dạy rằng, hạt giống lớn lên như thế nào thì công tác của ân điển cũng thế ấy, sự sống chắc chắn sẽ xuất hiện.

Có một câu châm ngôn nói thế này: “Thiên nhiên không làm gì bị ràng buộc”. Lúa mì chín sẽ không xuất hiện ngay khi hạt nảy mầm. Cây lúa phải trải qua nhiều giai đoạn mới được chín muồi – trước tiên là lá lúa, sau đó là tới ngọn, rồi mới có hạt phát triển ở ngọn lúa. Nhưng trong toàn bộ giai đoạn này, có một điều rất đúng đó là: ngay cả lúc yếu đuối nhất, cây lúa vẫn sống.
Công tác của ân điển cũng phát triển dần ở trong tấm lòng giống như vậy. Con cái của Đức Chúa Trời không sinh ra được hoàn hảo liền trong đức tin, hoặc hy vọng, hoặc kiến thức, hoặc kinh nghiệm. Họ thường có khởi đầu rất nhỏ. Họ chỉ phần nào nhìn thấy tội lỗi của mình, sự trọn vẹn của Đấng Christ và sự thánh khiết thật đẹp đẽ. Nhưng đứa trẻ yếu đuối nhất trong gia đình của Đức Chúa Trời là con thật của Đức Chúa Trời. Dù yếu đuối và bệnh tật nhưng họ vẫn sống. Hạt giống của ân điển đã thực sự lớn lên ở trong tấm lòng của người đó, mặc dù hiện tại chỉ nằm trong lá lúa. Chúa sống lại từ kẻ chết. Người khôn ngoan nói rằng: Con chó sống hơn là sư tử chết (Truyền đạo 9:4).

Chúng ta hãy suy xét lẽ thật này, vì trong đó có chứa sự yên ủi. Chớ coi thường ân điển chỉ vì nó yếu ớt, hoặc nghĩ rằng người ta không được cải đạo vì họ chưa có đc tin mạnh mẽ như sứ đồ Phao-lô. Chúng ta hãy nhớ rằng ân điển, giống như mọi thứ khác, phải có một khởi đầu. Cây sồi khỏe nhất đã từng là một quả sồi. Người mạnh nhất đã từng là một em bé. Thà có ân điển một vạn lần trong lá lúa còn hơn không có ân điển.

4. Không có mùa gặt cho đến khi hạt giống chín muồi

Cuối cùng, chúng ta được dạy rằng, để hạt giống lớn lên, cũng như trong công tác của ân điển, không có mùa gặt cho đến khi hạt giống chín muồi.

Không có người nông dân nào nghĩ đến việc cắt lúa mì khi cây lúa còn xanh. Người đó đợi cho đến khi mặt trời, mưa, hơi nóng và giá rét làm xong mọi việc, rồi những bông lúa trĩu nặng. Khi đó, ông ta mới dùng lưỡi liềm và gặt lúa mì nhập vào kho của mình.
Đức Chúa Trời cũng thực hiện công tác của ân điển của Ngài giống như vậy. Chúa không cất dân sự của Ngài ra khỏi thế gian này cho đến khi họ đã chín muồi và sẵn sàng. Chúa không bao giờ cất họ đi cho đến khi công việc của họ được hoàn thành. Họ không bao giờ chết cách vô ích, tuy nhiên cái chết của họ cũng là những bí ẩn đối với loài người. Giô-si-a và Gia-cơ, em của Giăng, đều phải chết trong khi họ vẫn còn rất hữu dụng. Vua Edward VI không được phép sống đến tuổi trưởng thành. Nhưng chúng ta thấy trong buổi sáng phục sinh có một nhu cầu. Sự chết của họ cũng như sự ra đời của họ đã được hoàn thành cách mỹ mãn. Người nông dân vĩ đại không bao giờ cắt lúa của mình cho đến khi cây lúa đã chín muồi. Qua câu chuyện ngụ ngôn, chúng ta hãy ghi vào lòng lẽ thật này để được yên ủi khi chứng kiến sự qua đời của từng người tin Chúa. Chúng ta hãy yên tâm rằng không có cơ hội, không có tai nạn và không có sai lầm nào xảy ra khi con cái của Đức Chúa Trời qua đời. Tất cả đều là “ruộng của Đức Chúa Trời” và Chúa biết rõ nhất khi họ đã sẵn sàng cho mùa gặt.

——————————————–
Tiên Phong chuyển ngữ và xuất bản tài liệu Cơ Đốc để rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vì sự vui mừng của người Việt, đặc biệt là qua sự chịu khổ, trong Đức Chúa Jêsus Christ.

 

 

 

Nguồn: tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan