Các câu Kinh Thánh này miêu tả một cơn bão trên biển Ga-li-lê khi Chúa và các môn đồ của Ngài đang qua bờ bên kia, Chúa đã làm phép lạ để dẹp yên cơn bão trong tích tắc. Một vài phép lạ như câu chuyện này được ký thuật lại trong Phúc Âm có thể tác động đến tâm trí của các sứ đồ. Có ít nhất bốn người trong số các sứ đồ là ngư phủ. Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng đã vốn biết những cơn bão trên biển Ga-li-lê từ khi còn nhỏ. Có rất ít sự kiện trong hành trình trên đất của Chúa chứa đựng sự dạy dỗ phong phú hơn những gì xảy ra trong phân đoạn này.
Tôi tớ của Đấng Christ không được miễn trừ khỏi cơn bão
Trước tiên, chúng ta đã thấy ngay từ đầu rằng Đấng Christ không hề miễn trừ các tôi tớ của Ngài khỏi cơn bão. Đây là mười hai môn đồ đang trên đường thực hiện nghĩa vụ. Họ đi theo Chúa Giê-xu đến bất cứ nơi nào. Họ có mặt mỗi ngày ở trong chức vụ và lắng nghe lời Chúa. Họ đang làm chứng cho thế gian thấy mỗi ngày dù có bất các thầy thông giáo và người Pha-ri-si nghĩ như thế nào đi nữa, họ đã tin Chúa Jêsus, yêu mến Ngài và không hổ thẹn từ bỏ tất cả vì Ngài. Tuy nhiên, chúng ta thấy những người này đang gặp nguy hiểm, bị cơn bão xô đẩy và có khả năng bị chết đuối.
Hãy quan sát kỹ bài học này. Nếu là Cơ Đốc nhân thật, chúng ta không nên mong đợi mọi thứ sẽ suôn sẻ trên hành trình về thiên quốc. Chúng ta không nên làm lạ khi đối diện với bệnh tật, mất mát, tổn hại và thất vọng giống như thế gian. Sự tha thứ miễn phí và sự tha thứ trọn vẹn, ân điển trên đường đi, và vinh hiển ở phía cuối con đường – đây là những điều Cứu Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Nhưng Chúa không hứa rằng chúng ta sẽ không hề bị hoạn nạn.
Chúa yêu chúng ta đến nỗi không hứa điều đó. Qua gian khổ, Chúa dạy chúng ta nhiều bài học quý giá mà nếu không có những bài học đó, chúng ta sẽ không bao giờ học được. Qua hoạn nạn, Chúa bày tỏ sự trống rỗng và yếu đuối của chúng ta, kéo chúng ta đến ngôi ân điển, thánh hóa tình cảm của chúng ta, trừ bỏ thế gian ra khỏi chúng ta và khiến chúng ta trông đợi thiên quốc. Trong ngày được sống lại, chúng ta cả thảy đều nói rằng: Tôi đáng bị hoạn nạn thay! (Thi thiên 119:71).Chúng ta sẽ cảm tạ Đức Chúa Trời vì cơn bão.
Đấng Christ thực sự là con người
Thứ hai, chúng ta học được rằng Đức Chúa Jêsus Christ thực sự là con người. Những câu Kinh Thánh này cho chúng ta biết rằng khi cơn bão bắt đầu và sóng va đập vào thân tàu, Chúa đang nằm ngủ ở phía sau con tàu. Chúa có một thân thể giống hệt của chúng ta – một thân thể biết đói, khát và biết đau đớn, mệt mỏi và cần nghỉ ngơi. Không có gì lạ khi thân thể của Ngài cần được nghỉ ngơi vào lúc này. Chúa đã chăm chỉ làm việc Cha giao phó suốt cả ngày. Chúa đã rao giảng cho rất nhiều người ở ngoài trời. Không có gì lạ khi trời tối, Chúa đã làm xong công việc, Ngài nằm ngủ.
Hãy để ý kỹ bài học này. Chúng ta được kêu gọi để đặt niềm tin vào một Cứu Chúa mà Ngài vừa là con người vừa là Đức Chúa Trời. Chúa biết những thử thách của con người, vì Chúa đã trải qua những điều đó. Chúa biết bệnh tật của con người, vì Chúa đã cảm nhận được những bệnh tật đó. Chúa thấu hiểu mỗi khi chúng ta kêu cầu Ngài vùa giúp trong thế gian thiếu thốn này. Chúa là Cứu Chúa mà những người nam và người nữ với những mệt mỏi và căng thẳng đang sống trong thế gian mệt mỏi cần được yên ủi ngày và đêm. Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta (Hê-bơ-rơ 4:15).
Đấng Christ có quyền phép tối cao
Thứ ba, chúng ta học được rằng Đức Chúa Jêsus Christ, là Đức Chúa Trời, có quyền năng tối cao. Qua những câu Kinh Thánh này, chúng ta thấy Chúa đang làm một điều mà ai cũng biết là không thể làm được. Chúa phán cùng gió thì gió vâng lịnh Ngài. Chúa phán cùng các lượn sóng, thì chúng vâng lịnh Ngài. Chúa làm yên cơn bão dữ tợn bằng tiếng phán – “Hãy êm đi, lặng đi!” Đó là mấy lời của Đấng đã tạo ra muôn vật. Những hiện tượng ấy nhận ra tiếng phán của Chúa và yên lặng ngay tức thì giống như mấy kẻ hầu người hạ. Hãy suy nghĩ về bài học này và ghi nhớ trong đầu của mình. Đối với Đức Chúa Jêsus Christ, không gì là không thể.
Không có ham muốn nào dữ tợn như bão tố mà Chúa không thể dẹp yên. Không có tính tình nào hung dữ và bạo lực đến nỗi Chúa không thể thay đổi. Không có lương tâm nào bị quấy rầy mà Chúa không thể phán bình an và làm cho bình tịnh. Người ta sẽ không bị tuyệt vọng nếu chịu từ bỏ sự kiêu ngạo và hạ mình nhận biết mình là một tội nhân đến cùng Đấng Christ. Chúa có thể làm phép lạ ở trong lòng người đó. Người ta sẽ không bị tuyệt vọng nếu đã phó thác linh hồn mình trong sự gìn giữ của Đấng Christ. Chúa sẽ dẫn người đó vượt qua mọi hiểm nguy. Đấng Christ sẽ giúp người đó chiến thắng mọi kẻ thù. Nếu người thân chống đối, thì chúng ta phải làm sao? Nếu hàng xóm láng giềng chế nhạo, thì chúng ta phải làm sao? Nếu đang sống trong khu vực khó khăn, thì chúng ta phải làm sao? Nếu sự cám dỗ quá lớn, thì chúng ta phải làm sao?
Nếu Đấng Christ bênh vực và ở trên tàu cùng với chúng ta, thì chẳng có gì phải lo sợ. Đấng ở với chúng ta lớn hơn hết thảy kẻ nào chống đối chúng ta.
Đấng Christ có lòng kiên nhẫn và thương xót khi đối xử với chúng ta
Cuối cùng, chúng ta học được từ phân đoạn này rằng Đức Chúa Jêsus Christ thật kiên nhẫn và biết cảm thông khi đối xử với dân sự của Ngài. Trong trường hợp này, chúng ta thấy các môn đồ đang thiếu đức tin và rất sợ hãi. Họ quên hết những phép lạ và sự chăm sóc mà Thầy của mình đã làm trong những ngày qua. Họ không thể nghĩ đến điều gì khác ngoài mối nguy hiểm đang ở trước mặt mình. Họ vội vàng đánh thức Chúa dậy và kêu lên rằng: “Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?” Chúng ta thấy Chúa đã đối xử cách dịu dàng và mềm mại với họ. Chúa không quở trách họ cách gay gắt. Chúa không đe dọa sẽ bỏ mặc họ vì sự vô tín của họ.
Chúa chỉ hỏi một câu rất sâu sắc: “Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?”
Hãy quan sát kỹ bài học này. Đức Chúa Jêsus có sự thông cảm và đầy lòng thương xót. Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy (Thi thiên 103:13). Chúa không đối xử với những người tin Chúa tùy theo tội lỗi của họ, cũng không ban thưởng tùy theo sự gian ác của họ. Chúa thấy sự yếu đuối của họ. Chúa biết những thiếu sót của họ. Chúa biết rõ đức tin, lòng trông cậy, tình yêu thương và lòng can đảm của họ. Tuy nhiên, Chúa không hề bỏ mặc họ. Chúa luôn ở với họ. Chúa yêu thương họ cho đến cuối cùng. Chúa nâng đỡ khi họ vấp ngã. Chúa phục hồi khi họ phạm lỗi. Sự kiên nhẫn của Chúa, giống như tình yêu thương của Ngài, vượt quá mọi sự hiểu biết. Khi Chúa thấy một tấm lòng ngay thẳng, thì Chúa bỏ qua những thiếu sót vì sự vinh hiển của Ngài.
Hãy nhớ rằng Chúa Jêsus không hề thay đổi. Tấm lòng của Ngài vẫn y nguyên như lúc Chúa vượt biển Ga-li-lê và dẹp yên cơn bão. Ở bên hữu Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus vẫn hằng cảm thông – vẫn toàn năng – vẫn thương xót và kiên nhẫn đối cùng dân sự của Ngài. Hãy khoan dung và kiên nhẫn hơn đối với anh em của chúng ta trong đức tin. Họ có thể mắc sai lầm trong nhiều việc, nhưng nếu Chúa Jêsus đã tiếp nhận và dung chịu những người thể ấy, thì chắc chắn chúng ta cũng có thể dung chịu những người đó. Hãy thêm lên sự trông cậy ở trong chúng ta. Chúng ta có lẽ là kẻ yếu đuối, mỏng manh và hay thay đổi; nhưng nếu chúng ta thực sự nói rằng mình đến cùng Đấng Christ và tin cậy Ngài, thì hãy yên lòng. Có một câu hỏi mà lương tâm cần phải trả lời không phải là: Chúng ta giống các thiên sứ chăng? Chúng ta sẽ trở nên hoàn hảo khi bước vào thiên quốc phải không? Mà câu hỏi cần đặt ra là: Chúng ta có thành thật đến gần Đấng Christ chăng? Chúng ta có thực sự ăn năn và tin Chúa chăng?1
- Biển Ga-li-lê, hay Tiberias, là một cái hồ mà sông Giô-đanh chảy qua, dài khoảng 22,5 ki-lô-mét và rộng 9,6 ki-lô-mét. Nằm trong một thung lũng rất sâu, thấp hơn mực nước biển rất nhiều – bề mặt của nó thấp mực nước biển của Địa Trung Hải khoảng 200 mét – được vây quanh bởi những ngọn đồi dốc. Những cơn gió giật hoặc cơn bão bất ngờ được toàn bộ du khách bảo là điều rất bình thường ở trong hồ. Biển Ga-li-lê và các nước xung quanh được Chúa hiện diện ban phước trong suốt chức vụ trên đất của Ngài nhiều hơn bất kỳ phần nào khác của Palestine.
———————————————————–
Tiên Phong chuyển ngữ và xuất bản tài liệu Cơ Đốc để rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vì sự vui mừng của người Việt, đặc biệt là qua sự chịu khổ, trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Nguồn: tienphong.org