Mỗi đứa trẻ ra đời với thông điệp rằng Đức Chúa Trời chưa nản lòng với con người. – Rabbindranath Tagore trong tác phẩm Những Con Chim lạc Đàn (Stray Birds)
Nếu đứa trẻ sống với những lời chê bai, thì sẽ học cách lên án.
Nếu đứa trẻ sống với sự hận thù, thì nó học cách đánh nhau.
Nếu đứa trẻ sống với sự chế giễu, thì nó học biết sự hổ thẹn.
Nếu đứa trẻ sống với sự xấu hổ, thì nó sẽ học biết mặc cảm tội lỗi.
Nếu đứa trẻ sống với sự chịu đựng, thì nó học biết kiên nhẫn.
Nếu đứa trẻ sống với sự khen ngợi, thì nó học biết cách thưởng thức.
Nếu đứa trẻ sống với sự khuyến khích thì nó học biết lòng tự tin.
Nếu đứa trẻ sống với sự công bằng, thì nó học được công lý.
Nếu đứa trẻ sống với sự an ninh, thì nó học được đức tin.
Nếu đứa trẻ sống với sự tán đồng, thì nó học yêu mến chính mình.
Nếu đứa trẻ sống với sự chấp nhận và tình bạn, thì nó học cách khám phá tình yêu trên thế giới này. – Dorothy Law Nolte
TRẺ CON CẦN ĐƯỢC CHẤP NHẬN
Trong lời giới thiệu cho cuốn sách xuất sắc của mình, Trốn hay tìm (Hide or Seek), James Dobson kể về một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với John McKay, huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng tại Đại hoc Nam California. Huấn luyện viên này được yêu cầu này đưa ra lời nhận định về John, Jr., một cầu thủ thành công trong đội bóng của cha mình. Ông công nhận: “Tôi rất vui vì John đã có một mùa bóng rất tốt hồi năm ngoái. Cháu chơi bóng giỏi và tôi rất hãnh diện về cháu, nhưng tôi cũng sẽ hãnh diện y như vậy nếu cháu chưa bao giờ chơi bóng đá.”
Việc MsKay chấp nhận con trai mình không phải tùy thuộc vào nó có khả năng hay không, hoặc nó có tham gia đá bóng hay không.
Thật không may khi phụ huynh thường làm cho con em mình có ý nghĩ là chúng được chấp nhận khi chúng thất bại. Thái độ chấp nhận tạo nên cơ sở lành mạnh cho sự tăng trưởng và lòng tự tin. Xem thường trẻ con – hoặc khi thì chấp nhận chúng, khi thì tỏ ra khó chịu đối với chúng – khiến cho trẻ có nhận thức lẫn lộn về mình, vừa xem trọng mình, vừa khinh khi mình.
Những đứa trẻ nào cảm thấy không được cha mẹ chấp nhận dễ trở nên yếu đuối trước áp lực của nhóm bạn bè xấu. Những em đó phấn đấu để được kẻ khác chấp nhận. Những em đó cũng rất có nguy cơ cảm thấy Đức Chúa Trời ghét bỏ chúng nó.
Sức khỏe thể chất lệ thuộc chủ yếu vào thực phẩm và việc luyện tập cơ thể, thì cũng vậy, sự lành mạnh về cảm xúc tùy thuộc chủ yếu vào sự quí trọng thích đáng mà chúng ta dành cho chính mình. Điều này phát triển do được chấp nhận và do ý thức rằng mình hữu dụng. Nếu không khí của gia đình vui vẻ, thỏa lòng chấp nhận con em chúng ta, thì chúng cảm thấy được tôn trọng và có thể đứng vững vàng.
Phương cách mà trẻ con được chấp nhận trong những năm thơ ấu sẽ quyết định phần lớn sự quí trọng mà chúng dành cho chính mình cũng như cho kẻ khác khi chúng trưởng thành.
Cha mẹ là tấm gương cho con cái soi mình. Điều này ảnh hưởng đến cách nhìn của chúng về chính mình và giúp chúng hiểu được mình là loại người thế nào. Chúng sớm tiếp thu không khí tình cảm của gia đình và nhận biết chúng đang được bảo bọc bằng sự chăm sóc và yêu thương, hay bị vây phủ bằng sự ích kỷ và căng thẳng.
Tại Sao Trẻ Con Cảm Thấy Ít Được Chấp Nhận?
1. Thường xuyên chê bai trẻ con tạo ra cảm tưởng thất bại, bị hất hủi và thiếu khả năng. Một thanh niên nọ khi mô tả những năm niên thiếu của mình đã nói: “Tôi cảm thấy ít khi nào, nếu có, mình đã làm điều gì đúng. Cha mẹ tôi chê bai tôi đủ mọi thứ. Tôi từng trải nỗi chán nản, thất vọng thường xuyên, và cuối cùng tôi cảm thấy sợ hãi khi phải tự nỗ lực làm điều gì đó. Nếu như chẳng có một ai tin tôi và giao phó cho tôi làm một việc gì đó suốt thời niên thiếu, thì tôi nghĩ rằng tôi hẳn chẳng bao giờ có lòng tự tin để nắm giữ một công việc hoặc quyết định một điều gì quan trọng và kiên trì với quyết định ấy.
2. So sánh con cái với người khác khiến chúng nghĩ mình ít được chấp nhận. Không có hai đứa trẻ nào giống nhau, và so sánh đứa này với đứa kia là điều bất công lớn. Việc so sánh thường khởi sự rất sớm. Một bà mẹ trông thấy đứa bé con hàng xóm và nói lên ý kiến của mình về nó. Đứa con của bà phải cố để có những phẩm chất tốt như thế. Việc so sánh thường xuyên hình thành mặc cảm tự ti, vốn là điều gây tai hại cho sự phát triển nhân cách. Mặc cảm tự ti phát sinh từ ước muốn tự tôn. Đứa trẻ cảm thấy không được chấp nhận khi thành tích thể thao, âm nhạc hay toán học của mình không đạt được kết quả tốt như những em có khả năng trổi vượt hơn. Mỗi chúng ta đều thua sút một số người nào đó về một số phương diện. Nếu chúng ta chuyên chú về những điều này, chúng ta sẽ nản lòng. Trái lại mỗi chúng ta đều có một số ưu điểm, những điều mà chúng ta vượt trội hơn kẻ khác. Chúng ta nên tập trung vào những ưu điểm này.
Một nhà tâm lý học thực hiện một cuộc kiểm tra thường lệ của mình đưới hình thức một cuộc thử nghiệm. Khi ông phân phát bài kiểm tra, ông loan báo rằng một người trung bình có thể làm xong bài trong khoảng 1/5 thời gian thực sự dành cho bài. Khi chuông reo báo cho biết rằng thời gian của sinh viên trung bình đã hết, thì một số người giỏi nhất lớp trở nên rất bối rối, vì nghĩ rằng trí thông minh của họ bị trụt xuống thấp.
Một cuộc nghiên cứu khác về sinh viên cho thấy điều mà những giả định khác có thể làm được. Những nhà tâm lý chọn một nhóm sinh viên trung bình và bảo với các giáo viên rằng những sinh viên này rất thông minh. Vào cuối năm, vì lòng nhiệt tình và kỳ vọng cao của giáo viên dành cho, kết quả học của họ trổi vượt hơn kết quả của nhóm sinh viên giỏi nhất trường.
3. Việc cha mẹ mong mỏi con cái đạt được những ước mơ bất thành của mình khiến con cái cảm thấy mình không được chấp nhận. Một bà mẹ có lẽ đã ao ước mình thành bác sĩ. Nhưng bà chẳng bao giờ thực hiện được điều đó. Thế là từ lúc con gái bà được sinh ra, bà lên kế hoạch cho con mình đi học trường y khoa. Nhiều phụ huynh, vì thiếu suy nghĩ, đã muốn cho con em mình hoàn thành những ước mơ mà họ chưa bao giờ thực hiện. Áp đặt những kỳ vọng như thế lên con cái khiến chúng cảm thấy không được chấp nhận.
4. Bảo bọc con cái quá đáng thường góp phần khiến con cái có cảm nghĩ không được chấp nhận. Các phụ huynh đôi khi giống như một người mẹ kia nói rằng: “Này con, mẹ không muốn con xuống nước cho đến khi con học bơi.” Nhưng cậu con trai sẽ học bơi cách nào? Sự bảo bọc sơ sài còn ít nguy hiểm hơn là bảo bọc quá đáng. Dĩ nhiên cha mẹ phải tìm cách bảo vệ con khỏi nguy hiểm, tuy nhiên, sự bảo bọc con quá đáng có thể làm nhũn chí phiêu lưu của con cái và truyền cho chúng tính sợ sệt thay vì lòng tự tin. Một thương tích trong thân thể vẫn tốt hơn một tinh thần què quặt.
5. Kỳ vọng quá nhiều vào con cái khiến chúng cảm thấy không được chấp nhận. Một đứa trẻ có thể cảm biết được ngay cả những nỗi băn khoăn âm thầm của bố mẹ muốn có được một đứa con gương mẫu. Sự cố gắng quá nhiều để đạt cho được kết quả cha mẹ hằng mong đợi có thể làm cho đứa con đầy ắp cảm nghĩ mình thiếu kém thay vì lòng tự trọng và cảm biết mình được chấp nhận.
Điều này không có nghĩa là để mặc con cái muốn làm gì thì làm, chìu theo mọi ước muốn và đòi hỏi dại dột của trẻ con. Hành vi nào không thể chấp nhận được thì cần phải bị ngăn chặn lại.
Sự chấp nhận có nghĩa là tôn trọng tình cảm và nhân cách của đứa con, đồng thời để cho đứa trẻ biết rằng hành vi sai là không thể chấp nhận được. Sự chấp nhận có nghĩa là cha mẹ lúc nào cũng yêu mến con mình, bất kể hành động hoặc ý nghĩ nào của đứa con.
Điều Gì Hình Thành Cảm Thức Được Chấp Nhận?
Nếu cảm biết được chấp nhận là điều rất thiết yếu để phát triển lòng tự tin và khả năng, thì mỗi phụ huynh có thể làm những gì để con em biết rằng chúng được chấp nhận?
1. Thừa nhận con cái có tính độc nhất. Khi một bà mẹ có hai cô con gái thuật lại với chồng mình về những điều đã xảy ra trong ngày, bà nói rằng: “Một đứa đã làm điều này.” Hoặc: “Một đứa đã nói điều nọ.” Bà đã đối xử với chúng cách giống nhau, và đó là điều cướp đi cá tánh riêng của từng đứa.
Không có hai đứa trẻ nào giống y như nhau. Clyde Beatty nhận ra sự khác biệt giữa những con vật khi ông huấn luyện sư tử. Ông nói: ‘Không có hai con sư tử nào giống y như nhau. Con Queenie thì ủ rủ, còn con Brutus thì hay đùa nghịch. Con Nero thì ích kỷ, còn Napoleon thì cáu kỉnh. Nếu bạn đối xử với chúng y như nhau thì bạn sẽ gặp rắc rối.”
Thế nên mỗi đứa trẻ cũng khác nhau. Đối xử với hết thảy con cái như nhau sẽ gặp rắc rối. Một số phụ huynh bói rằng: “Tôi không thể hiểu được đứa con út của tôi có gì sai trật. Chúng tôi đã đối xử với hết thảy các con y như nhau.” Chính nỗ lực để đối xử với hết thảy con cái y như nhau có thể đã gây ra rắc rối. Nhận biết những khả năng khác nhau, tránh so sánh đứa con này với đứa con khác, và đối xử với mỗi đứa con một cách riêng sẽ đem cho con cảm nghĩ được chấp nhận.
Khi một đứa trẻ được tặng một món quà, cha mẹ không nên có ý nghĩ rằng những đứa khác trong gia đình đồng thời cũng phải nhận được quà. Dĩ nhiên cha mẹ phải lưu ý rằng trong một khoảng thời gian nhất định, quà cho các con phải đồng đều. Nhưng đừng bao giờ nên tạo cho con có cảm tưởng rằng nếu nó không có quà thì những anh chị em khác cũng không được có quà, vì điều này sẽ khuyến khích tính ích kỷ của trẻ.
Chúng ta cần phải dạy con cái biết chung vui với nhau khi có đứa nào nhận được quà. Cha mẹ phải xem mỗi đứa con có tính đặc thù. Khi cha mẹ mua cho một đứa con nào đó một món quà đặc biệt cần thiết cho nó hoặc được nó yêu thích, thì họ nên cảm thấy thoải mái khi tặng quà cho nó, đồng thời giúp nó hiểu rằng những đứa khác cũng sẽ được quà mà chúng yêu thích vào một thời điểm khác.
Con cái cũng nhận biết rằng chúng có những nét độc đáo riêng và được yêu mến khi chúng cảm biết rằng cha mẹ chấp nhận chính con người của chúng. Màu mắt hay màu tóc, việc chúng mập mạp hay gầy yếu, năng động hay trầm lặng, tất cả đều không thành vấn đề. Điều quan trọng là con cái cảm nhận được tình thương sâu xa và thái độ chấp nhận của cha mẹ.
2. Giúp con cái thỏa lòng vì những thành quả chúng đạt được. Một người cha nọ kể lại thế nào ông đã cho phép đứa con nhỏ của mình sử dụng chiếc Rototiller trong vườn. Cậu con trai còn quá nhỏ đến nỗi cậu phải vói tay lên khỏi đầu để cầm lái. Nhưng người cha đi sát bên cạnh để khích lệ cậu.
Đối với cậu bé này, việc lái chiếc Rototiller là một thành quả lớn. Và cậu cảm thấy thỏa mãn thực sự khi làm được điều ấy. Một người cha khôn ngoan sẽ đứng bên cạnh con mình khi nó cố gắng thử làm những việc có tính phiêu lưu. Khi đứng bên cạnh thay vì bảo bọc quá đáng, người cha không chỉ chấp nhận con mình, mà còn chuẩn bị cho nó bước ra đời.
3. Hãy cho con cái biết bạn yêu thương chúng, cần chúng và thật sự thích chúng. Đứa con là món quà của Đức Chúa Trời, là cơ nghiệp của Chúa. Một trong những điều nguy hại nhất mà đứa trẻ có thể từng trải, đó là cảm thấy mình như một tai ách, là kết quả của sự mang thai ngoài ý muốn, của một cuộc hôn nhân cưỡng bức, hoặc là mối cản trở hạnh phúc của bố mẹ, một gánh nặng về tài chánh, một chướng ngại ngăn cản cha mẹ vui chơi, thông công với bạn bè.
Trẻ con nhanh chóng cảm nhận được bản chất của tình cảm bố mẹ dành cho chúng. Quả là hạnh phúc cho những đứa trẻ thường xuyên được cha mẹ nhắc nhở rằng họ cần đến chúng và yêu thích chúng nhất. Làm sao trẻ con biết được điều này? Chúng biết được điều ấy khi cha mẹ dành thì giờ ở với chúng, giúp chúng thực hiện những công việc nho nhỏ, và khi cha mẹ tận dụng mọi cơ hội để biểu lộ tình thương đối với chúng.
4. Hãy chấp nhận các bạn hữu của con. Bạn bè rất quan trọng đối với trẻ con. Gia đình phải là nơi con cái có thể tự do đưa bạn về chơi và là nơi mà bạn của chúng thích đến.
Nhiều đứa trẻ thiếu thốn tình bạn hoặc chỉ có những quan hệ không thoải mái vì chúng không cảm thấy tự do đưa bạn về nhà. Khi cha mẹ có ý chỉ trích công khai bạn bè của con mình thì họ đang làm cho con cái bị tổn thương. Để cho các con biết rằng bạn quí mến bạn hữu của chúng sẽ góp phần làm chúng cảm biết mình được chấp nhận.
5. Hãy duy trì mối tương quan chân thật với con cái. Rất nhiều lần các bậc phụ huynh đòi hỏi con em mình phải hoàn hảo. Điều này có hại cho cả cha mẹ lẩn con cái. Khi chúng ta đủ chân thật để thú nhận những thất bại của mình cùng với sự kiện chúng ta vẫn chưa hoàn hảo trong tư cách là cha là mẹ, thì chúng ta sẽ làm vơi đi nhiều mối căng thẳng khó chịu, đồng thời đem lại hy vọng cho con cái. Nếu cha mẹ có thể nhận lỗi lầm của mình cách dễ dàng hơn và thậm chí cười với các lỗi lầm của mình cách dễ dàng hơn và thậm chí cười với các lỗi lầm ấy, thì bầu không khí trong gia đình sẽ khá hơn rất nhiều.
Một người cha kể lại việc đứa con trai của ông đi học về với điểm môn số học thấp. Ông nói: “Lúc tôi chê bai nó thậm tệ, chắc hẳn nó đã tưởng rằng tôi luôn được điểm A về môn này. Tuy nhiên sự thật như thế nào? Sau khi tôi học môn số học được một học kỳ thì thầy tôi đã gọi tôi lên và bảo: ‘Em quá kém môn số học, nhưng tôi sẽ cho em đạt để khỏi phải gặp lại em nữa.’ Khi giã vờ như tôi giỏi hơn, tôi đã làm cho con tôi có cảm giác tuyệt vọng. Nếu như tôi chân thật bảo nó rằng tôi biết điều nó đang trải qua, bởi vì tôi cũng đã có lúc gian nan về môn số học, thì hẵn đã đem lại cho con tôi hy vọng.”
Nhiều bậc phụ huynh cứ tái diễn hoài màn kịch làm ra vẻ mình hoàn hảo. Họ chỉ biết nói: “Cha/mẹ luôn hoàn hảo. Cha/mẹ chẳng bao giờ sai lầm ngu ngốc như con. Cha/mẹ là tấm gương mà con phải theo.” Khi nói thế họ làm cho con chán nãn. Thái độ này góp phần làm cho đứa trẻ có cảm nghĩ nó không được chấp nhận.
Có lẽ con của bạn sợ bóng tối và làm ầm lên khi đi ngủ. Nếu bạn thành thật nói: “Ba/mẹ biết con cảm thấy thế nào rồi. Ba/mẹ cũng từng sợ bóng tối đấy.” thì bạn sẽ giúp con mình thắng hơn sự sợ hãi. Nếu bạn gọi nó là đứa hèn nhát và chế giễu nó về sự sợ hãi đó, thì bạn sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy nó không được chấp nhận. Quả tốt hơn biết bao khi chấp nhận những cảm giác này như là điều bình thường và khích lệ con bàn luận với bạn về các cảm giác đó. Một nỗi sợ hãi sẽ không còn đáng sợ nữa khi chúng ta bàn về nó.
6. Hãy lắng nghe những gì trẻ con nói. Quả thực lắng nghe là một trong những cách tốt nhất để nói rằng: “Cha/mẹ chấp nhận con.” Sự tương giao chân thật tùy thuộc vào thái độ chấp nhận. Hết thảy chúng ta sẵn sàng trao đổi tới chừng mực mà chúng ta cảm thấy mình được chấp nhận và thương yêu. Bất cứ khi nào chúng ta thấy ai đó tỏ ra chán ngán điều chúng ta nói thì chúng ta lập tức ngưng lại. Nhưng khi có người lắng nghe chúng ta nói và thực sự quan tâm đến, điều tốt lẫn xấu, đến niềm vui lẫn nỗi buồn, đến thành công lẫn thất bại của chúng ta, thì chúng ta biết rằng người ấy chấp nhận chúng ta.
Đứa con thấy mình được chấp nhận khi cha mẹ dành thì giờ lắng nghe chúng. Đối với trẻ, tình thương thường được hiểu là THỜI GIỜ. Tôi xin viện dẫn một bức thư nói rõ điều này.
Kính thưa bố mẹ,
Con xin cảm ơn về mọi điều bố mẹ dành cho con, nhưng con đang đi Chicago để khởi đầu một cuộc sống mới.
Bố mẹ đã hỏi con tại sao con đã làm mọi điều kia và tại sao con đã gây cho bố mẹ quá nhiều phiền toái. Con sẽ đưa ra câu trả lời, nhưng con tự hỏi bố mẹ có chịu hiểu hay không. Bố mẹ có nhớ không khi con khoảng sáu, bảy tuổi, con thường muốn bố mẹ lắng nghe con nói? Con nhớ hết mọi thứ tốt đẹp mà bố mẹ tặng con nhân lễ Giáng sinh và sinh nhật con, và con thật vui về những món quà ấy – khoảng được một tuần – nhưng phần thời gian còn lại trong suốt cả năm con thật sự không cần quà tặng. Luôn mọi lúc con chỉ muốn bố mẹ lắng nghe con như là một con người biết cảm nhận mọi sự, vì con nhớ ngay cả khi con còn nhỏ con cũng đã biết cảm nhận rồi. Nhưng bố mẹ nói bố mẹ bận.
Thưa mẹ, mẹ là một người nấu ăn tuyệt vời và mẹ đã mệt nhọc quá nhiều vì làm những thứ khiến mẹ bận rộn. Nhưng mẹ có biết không, con ắt cũng đã thích bánh lạt với bơ đậu phộng nếu như mẹ chỉ cần ngồi lại với con giây lát trong ngày và nói với con: “Nói cho mẹ việc ấy đi để biết đâu mẹ có thể giúp con.” Còn khi Donna ra đời, không thể hiểu tại sao mọi người đã làm ầm lên, vì con nghĩ rằng không phải do lỗi của con khiến tóc của Donna bị quăn hoặc màu da em ấy trắng bệch như thế, và em không cần phải đeo kính có tròng dày cộm như con. Điểm số em trong lớp cao cũng hơn con phải không?
Nếu Donna có con, thì con hy vọng mẹ sẽ bảo Donna chú ý đến đứa con nào không thường hay cười, bởi vì đứa ấy sẽ thực sự đang khóc thầm. Rồi khi Donna sắp bận rộn làm nhiều bánh thì mẹ nên bảo em ấy phải chắc là con mình đã nói hết những gì chúng muốn với mẹ chúng, bởi vì các ý tưởng đối với con trẻ rất quan trọng, dầu chúng không có nhiều từ vựng để sử dụng khi kể về những điều mà chúng có trong đầu.
Con nghĩ rằng những đứa bé nào đang làm quá nhiều điều khiến người lớn tức giận, lo lắng là những đứa thực sự đang tìm kiếm một người dành thời giờ để lắng nghe chúng trong chốc lát, một người biết đối xử với chúng như cách đối xử với một người trưởng thành có thể giúp được chúng, mẹ biết chứ – tức lịch sự đối với chúng. Nếu như bố mẹ biết nói “xin lỗi” khi ngắt lời con thì hẳn con đã rất sung sướng!
Nếu có ai hỏi con ở đâu, thì xin bố mẹ nói với họ rằng con đã đi kiếm một người có thì giờ, bởi vì con có rất nhiều điều muốn nói.
Thương cả nhà
Con trai của bố mẹ
7. Hãy đối xử với con cái như những người quan trọng. Một cặp vợ chồng nọ được hàng xóm khen ngợi về việc họ đối xử với con cái “như bạn bè.” Lúc đầu cặp vợ chồng này bối rối. Nhưng sau đó họ hiểu rằng khi họ nói “Làm ơn,” “Cám ơn con.” “Xin lỗi con,” và nói chung là cố gắng tỏ ra lịch sự, thì những người vốn không quen với những điều ấy nghĩ rằng họ đang đối xử với con cái “như bè bạn.”
Con cái là bạn theo ý nghĩa chúng cần phải được tôn trọng như những con người.
Một số phụ huynh mình đẩy con em mình qua một bên thay vì nói “Xin lỗi con” hoặc “Cho bố mẹ đi qua nhé.” Cách dạy đứa con biết sống tôn trọng chính là tôn trọng nó.
John Locke cách đây nhiều năm đã khuyên: “Bạn đối xử với con như một người trưởng thành sớm chừng nào, thì nó sẽ sớm làm người trưởng thành chừng đó.” Trẻ con có khả năng phi thường để sống phù hợp với tiếng tăm của chúng. Gọi đứa trẻ là một đứa ranh con tinh quái thì rất có thể nó sẽ hành động như một đứa ranh con. Bảo nó là một thằng tồi thì rất có khả năng nó sẽ chứng tỏ mình đúng như vậy. Nói với bạn bè rằng con mình là một con tiểu quỷ thì chẳng bao lâu họ sẽ phải đồng ý với bạn.
Trái lại, bậc cha mẹ nào tin cậy con cái mình và trông mong nơi chúng điều tốt nhất thì thường nhận thấy rằng con cái sống đúng theo như mình mong đợi.
8. Hãy để con cái tăng trưởng và phát triển theo cách riêng, độc đáo của chúng. Cha mẹ hay có khuynh hướng dùng áp lực đối với con cái mình – nhất là đối với con cả. Cha mẹ trao đổi ý kiến với hàng xóm. Họ khoe khoang các thành tích của con mình. Họ muốn con mình khác người, xuất sắc trong lối ứng xử cũng như trong những thành quả. Họ đòi hỏi con họ cư xử như những người trưởng thành ngay lập tức.
Cha mẹ thường có những ý kiến cương quyết về những gì mà con cái phải đạt được trong âm nhạc, trong thể thao, về trí thông minh hoặc nhan sắc, và về những phương diện khác tương tự như thế. Tất cả tạo nên một sức ép rất lớn nơi đứa con và có thể có tác dụng ngược lại. Một bà mẹ có năm người con đã lớn bảo rằng: ‘Nếu như tôi phải làm lại từ đầu, thì tôi sẽ cố gắng để cho mỗi đứa con phát triển trong bầu không khí thoải mái hơn. Tôi sẽ để cho những sở thích và đức tính riêng biệt của mỗi đứa con phát triển cách dễ dàng hơn.”
Cuối cùng, chỉ khi đứa trẻ thấy được cha mẹ chấp nhận thì nó mới cảm thấy được người khác cũng như Đức Chúa Trời chấp nhận. Mỗi đứa đều đặc biệt như những dấu tay của nó. Nhà tâm lý học Duval đề nghị một luật cơ bản: “Hãy chấp nhận đứa con mà bạn có và học cách yêu thích nó vì chính con người rất đặc biệt của nó.” Có quá nhiều điều để thưởng thức nơi mỗi đứa trẻ. Thì giờ để tỏ ra yêu thích và chấp nhận đứa trẻ là vào ban ngày, trong lúc chúng vui chơi hoặc hoạt động, chứ không phải sau khi đứa trẻ được đặt vào giường ngủ, hoặc sau khi nó đã lớn và ra khỏi nhà.
BÀI TRẮC NGHIỆM DÀNH CHO CÁC BẬC PHỤ HUYNH
Đánh dấu câu trả lời vào cột thích hợp: Đúng (Đ), Sai (S) hoặc Thường xuyên (T).
Đ S T |
|
1. Tôi chấp nhận con tôi vì bản thân nó chứ không phải vì thành tích của nó.
2. Tôi khích lệ con mình nhiều hơn là chê bai nó. 3. Tôi tránh so sánh con mình với những đứa trẻ khác. 4. Tôi cố gắng đối xử với mỗi đứa con như là một cá nhân riêng biệt. 5. Tôi cảm thấy rằng tôi không ấp ủ con quá mức. 6. Tôi nhìn vào mắt con khi con nói chuyện với tôi. 7. Tôi đối xử với con tôi cách lịch sự như cách tôi đối xử với bạn bè của mình. 8. Tôi thú nhận những lỗi lầm và thái độ sai của mình với con tôi. 9. Tôi tìm cách trách quở mắng con mình khi nó tỏ ra sợ sệt hoặc lo lắng. 10. Con tôi cảm thấy được tự do đưa bạn nó về nhà. |
PHẦN THẢO LUẬN
1. Hãy đưa ra thêm những ví dụ cho thấy con cái bị ép phải hoàn thành những ước mơ của cha mẹ chúng.
2. Hãy thảo luận về những khó khăn khi phải chấp nhận con đồng thời phải cho nó biết rằng hành vi sai trật là điều không thể chấp nhận được.
3. Hãy thảo luận về lời đề nghị rằng cha mẹ cần phải thấy thoải mái khi cho quà một đứa con mà không cần phải đồng thời cho quà những đứa khác.
4. Hãy thảo luận những phương cách cụ thể để giúp con biết rằng bạn yêu nó. Hãy minh họa điều này từ kinh nghiệm của bạn.
5. Làm thế nào cha mẹ có thể ân cần tiếp đón các bạn của con khi cha mẹ cảm thấy rằng những đứa bạn ấy không phải là bạn tốt nhất đối với con mình.
6. Hãy thảo luận nan đề của tình trạng cha mẹ bị cám dỗ giả bộ làm ra mình hoàn hảo và nói lên hậu quả mà thái độ này có thể gây ra đối với đứa con.
7. Bạn có cảm thấy rằng bạn đã thúc ép con cả của mình quá mức không.