Điều Gì Tạo Nên Sự An Tâm
Có thể bạn nói rằng chỉ cần đổi những điểm ở trên từ ý tiêu cực sang ý tích cực sẽ cho thấy cách đem lại cho trẻ con sự an tâm mà chúng cần. Điều này đúng. Nhưng chúng ta cần xem xét kỹ hơn bảy nhân tố tích cực giúp hình thành nên cảm giác yên ninh nơi trẻ con.
1. Sự hòa thuận giữa cha và mẹ. tình yêu thương mà cha mẹ dành cho nhau là nhân tố quan trọng nhất. Sự cãi vả thường xuyên giữa cha mẹ khiến đứa trẻ bị giằng xé và để đưa chúng rơi vào tình trạng không có nơi nương dựa. Bên dưới những bất đồng ý kiến thỉnh thoảng xảy ra, trẻ con luôn cần cảm nhận được tình yêu, sự tin cậy và lòng chung thủy của bố mẹ đối với nhau.
Với số lượng lớn những trường hợp ruồng bỏ nhau hoặc li dị ngày nay thì chẳng có gì khó hiểu là tại sao có quá nhiều trẻ em lại bất an như thế. Một người kia viết về thời thơ ấu của mình thế này: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến cha mẹ hôn nhau. Nan đề chính của tôi khi còn bé là cảm giác bất an ghê sợ.” Bàn về mối liên hệ giữa cha và mẹ, tiến sĩ David Goodman phát biểu: “Con thơ của bạn sẽ mỉm cười với bạn và sau đó với thế giới này, nếu cả hai bạn không bao giờ ngưng mỉm cười với nhau. Không sự kiện nào trong việc dạy dỗ con cái đúng hơn và quan trọng hơn điều này.”
Tiến sĩ Kenneth Foreman viết: “Nhân viên quản chế tại Louisville, Kentucky, nói rằng trẻ em phạm pháp xuất thân từ mọi loại gia đình trừ một loại. Ông ta chưa bao giờ tìm thấy một trẻ em phạm pháp có bối cảnh gia đình trong đó vợ chồng hòa thuận nhau.” Nhà tâm thần học Justin S. Green đồng ý về điều này. “Trong hai mươi lăm năm làm việc, tôi chưa hề thấy một đứa trẻ nào có vấn đề tình cảm nghiêm trọng khi bố mẹ nó yêu thương nhau, và tình yêu của họ dành cho con là kết quả tự nhiên của tình yêu giữa họ.”
2. Tình yêu liên tục và phong phú của cha mẹ dành cho con. Qua sự chăm sóc yêu thương của cha mẹ, trẻ con có được cảm giác đầu tiên về sự an toàn trong một thế giới xa lạ. Tình yêu lâu bền này có nghĩa là chấp nhận dầu con cái tốt hay xấu. Trẻ con rất dễ bị tổn thương khi cha mẹ tỏ ra không cần đến chúng. Để cảm thấy bình an, trẻ con cần được bồng ẵm, được ôm vào lòng và được nghe nói rằng chúng ta yêu thương chúng. Tình thương giúp con cái đối đầu với tất cả những gì xảy đến.
Một đứa bé bị bệnh nằm trong bệnh viện được khen ngợi về cách mà nó chịu đựng cơn đau. Cậu bé đáp: “Ta có thể chịu đựng hầu như bất kỳ điều gì vì con biết rằng những người thân trong gia đình yêu thương ta.” Khi trẻ con được bình an trong tình thương yêu của gia đình thì chúng có thể chịu được các lời chế giễu của những bạn đồng trang lứa. Chúng ta có thể đứng vững trước áp lực của việc “Mọi người đang làm điều đó.” Chúng có thể ngẫng đầu lên khi thua một trận so tài hoặc thất cử ở trưởng. Chúng có thể đương đầu với tất cả điều gì xảy đến cho mình.
Một bác sĩ hỏi một bé gái: “Gia đình có ý nghĩa gì đối với cháu?” Em đáp: “Gia đình là nơi cháu về khi trời tối.” Thật phước thay cho một đứa trẻ có thể trở về chỗ yên ninh trong một gia đình yêu thương khi đêm tối đến. Nhưng cũng thật buồn biết bao khi nhiều em trở về gặp cảnh gia đình cũng tối.
3. Sự quây quần trong gia đình. Trẻ con cảm thấy bình an, yên ninh khi chúng kinh nghiệm được sự hiệp một trong gia đình. Tác giả Gordon trong cuốn “Một cảm giác diệu kỳ” kể về một điều gia đình ông cũng làm khi ông còn bé. “Dĩ nhiên trong thời thơ ấu tôi cũng có những thứ đồ chơi thông thường, nhưng giờ đây tôi đã quên những thứ ấy.” Rồi ông hoan hỉ hồi tưởng lại: “Tôi nhớ ngày chúng tôi đi trên toa xe dành cho công nhân, cũng như lúc chúng tôi cố gắng lột da cá sấu, vỏ sò, bông hoa, các đầu mũi tên – bất cứ thứ gì lạ thường hoặc đẹp mắt.”
Những cuộc nghiên cứu cho thấy trẻ con khởi sự chạy theo đám đông làm bậy khi chúng thiếu đi tình cảm gắn bó trong gia đình. Trong khi phục hồi những trẻ em bị mất cả cha lẫn mẹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, người ta thấy rằng những kẻ nào nhớ lại các việc đã làm chung trong gia đình là những em có khả năng trở lại cuộc sống bình thường mau nhất.
Tại một buổi nhóm cầu nguyện cho gia đình, một phụ nữ Thụy sĩ đã chia sẻ kinh nghiệm của mình. Khi bà còn thơ ấu, gia đình bà không giàu có về vật chất. Tình thương trong gia đình lại ít khi được biểu lộ tỏ tường. Nhưng có một kỷ niệm mà bà ấp ủ hơn hết là ngày mẹ của bà dành ra cả buổi chiều để làm cho bà con búp bê bằng rơm. Hành động đơn sơ ấy đem đến cho bà một điều mà tiền bạc không thể nào làm được.
Một giáo viên mẫu giáo trong thành phố chúng tôi đã hỏi lớp học trước ngày lễ Mẫu thân (nhớ ơn mẹ): “Tại sao các em nghĩ rằng mẹ là đáng yêu hơn cả?” Câu trả lời của các em đã tiết lộ nhiều điều. Xin lưu ý các loại câu trả lời giống nhau nhiều nhất. những việc nhỏ nhặt cũng làm trong gia đình được nhắc đến nhiều nhất. Cũng lý thú khi phân tích những gì không có trong danh sách này. Đây là danh sách:
- Mẹ em chơi với em nhiều.
- Vì mẹ chơi bài Bingo tối qua và mẹ cho em uống thuốc cảm.
- Vì mẹ mua đồ cho em.
- Vì mẹ giặt quần áo cho em và hôn tạm biệt em khi em đi học.
- Vì mẹ giặt giũ, nấu nướng và yêu thương em.
- Vì mẹ nấu cơm cho em và cắt cỏ.
- Vì mẹ nấu cơm cho chúng em.
- Vì mẹ nướng khoai tây và dọn bữa ăn tối, cũng như chăm sóc em của em.
- Em không thể nghĩ ra lời nào. (Điều này có thể có nghĩa là nhiều.)
- Vì mẹ ôm em và mẹ rất đẹp.
- Vì mẹ hôn em, ôm chặt em và chăm sóc em.
- Mẹ là người nấu ăn giỏi nhất và làm tô súp cho em.
- Mẹ nấu ăn cho em và ru em ngủ.
- Mẹ nấu món thịt bò cho bố.
- Mẹ lau nhà, dọn giường và rửa chén để chúng em có thể ngồi tiếp tục ăn.
- Vì mẹ làm món ăn thết đãi cho sinh nhật của em.
- Vì mẹ dọn giường cho chúng em và đắp mền cho chúng em suốt cả đêm.
- Vì mẹ giúp em, Jeff, Greg và bố chơi bóng bàn.
- Vì mẹ giúp chúng em làm các thứ. Mẹ làm thức ăn và gọi mọi người khi dọn xong bữa ăn.
- Vì em thương mẹ, và bố thương mẹ nhiều, và em trai của em không thích hôn mẹ, nhưng có lần bà em đã hôn nó khi nó ngủ. Ha!
- Em không biết tại sao.
- Vì mẹ làm món bắp rang và luôn luôn tốt với em.
- Vì mẹ cho em mọi thứ thuốc mà em cần và chăm sóc em.
Những phát biểu ở trên cho ta thấy các em hờ hững được an vui trong gia đình.
4. Thói quen đều đặn. Các giờ giấc đều đặn cho các việc trong nhà sẽ giúp hình thành cảm giác yên tâm. Điều này không có nghĩa là áp dụng những luật sắt bất di bất dịch. Nhưng nó có nghĩa là một thời biểu cho các bữa ăn, cho các việc trong gia đình, cho giờ đi ngủ là điều tốt và có tác dụng gây dựng những mối tương quan lành mạnh.
5. Kỷ luật thích hợp. Những bậc cha mẹ quá nuông chìu, thiếu cương quyết, những người để mặc con cái làm theo ý thích chóng qua hoặc ước muốn bốc đồng là mối đe dọa thật sự đối với sự yên ninh của một đứa trẻ. Những trẻ như thế không bao giờ biết rõ người ta mong gì ở chúng hoặc điều nào chúng được hay không được phép làm. Kỷ luật nếu áp dụng cách công minh trong tình yêu thương sẽ đem lại bình an và nề nếp cho đời sống trẻ con.
6. Vuốt ve con trẻ. Người ta đã chú ý nhiều đến tác dụng của hành động vuốt ve trong việc hình thành cảm giác được yên ninh và được chấp nhận. Tiến sĩ Frederic Burke, một bác sĩ nhi khoa ở thủ đô Washington, vạch ra tầm quan trọng của việc cha mẹ ru con ngủ. Ông nói: “Tôi mạnh mẽ ủng hộ việc dùng chiếc ghế xích đu. Và ở đây, tại đại học Georgetown, chúng tôi thực hành điều mà mình giảng dạy. Chúng tôi đặt những chiếc ghế đu trong tất cả các nhà trẻ của chúng tôi. Chúng giúp cho cả mẹ lẫn con.
Phần lớn các bà mẹ đều nhận thức rằng một em bé sơ sinh được bồng ẵm, vuốt ve, âu yếm.” Tiến sĩ Burke nói tiếp: “Tất cả những động tác này đều dễ chịu, êm dịu, và khiến trẻ cảm thấy yên ninh hơn.. Tôi tin chắc rằng từng trải đầu đời này về đôi tay trìu mến của bố mẹ được ghi khắc vào tâm trí đứa trẻ; và dù rõ ràng đã bị quên đi, nhưng kinh nghiệm ấy có một ảnh hưởng to lớn trên cái tôi của đứa trẻ và trên loại thiếu niên mà nó sẽ trở thành.”
Thế nên sự vuốt ve, âu yếm ngày nay được nhấn mạnh như một phần quan trọng trong kinh nghiệm của trẻ. Nếu có thể được thì nên nuôi con bằng sữa mẹ. Thường xuyên bồng ẵm con và vuốt ve con khi nói chuyện với nó là những yếu tố tâm lý tích cực trong quá trình xây dựng bình an nội tâm, sự thỏa lòng và những mối tương quan bền chặt. Chúng ta truyền đạt được rất nhiều qua động tác vuốt ve trẻ. Một số người lớn gặp khó khăn nhiều trong việc kết thân với người khác cũng như trong việc giữ tròn chức năng trong hôn nhân vì lúc còn bé họ chẳng bao giờ được bố mẹ vuốt ve, âu yếm.
Việc bồng ẵm đứa trẻ, đặt tay lên vai nó, ôm chặt và hôn, nắm tay nó khi đi dạo – tất cả đều tạo nên sự gần gủi và mối quan hệ bền chặt. Tình cảm này không thể thay thế được bằng cách vung tiền mua thật nhiều thứ cho trẻ.
7. Ý thức rằng mình không lẻ loi. Làm thành viên của một nhóm nào đó là một nhu cầu sâu xa về mặt tâm lý. Trẻ con muốn mình là một phần của một gia đình, một lớp học hay một đội bóng. Nếu chúng cảm thấy chúng không thuộc về một tập thể thì chắc chắn chúng cảm thấy bất an.
“Cách đây nhiều năm, tờ New York Times có đăng một câu chuyện hấp dẫn với tựa đề “Cậu bé không muốn mình lẻ loi”. Bài báo kể về một cậu bé đang đi trên xe lửa vào trung tâm thành phố. Cậu ngồi xích lại gần một phụ nữ mặc đồ xám. Lẽ đương nhiên mọi người nghĩ rằng cậu có mối liên hệ nào đó với bà này. Thế nên chẳng lạ gì khi cậu cọ quẹt đôi giày bẩn vào người phụ nữ ngồi bên cạnh kia của cậu, thì bà này nói với phụ nữ mặc đồ xám: “Xin lỗi bà, nhưng xin bà vui lòng bảo con bà lấy chân xuống khỏi ghế. Giày của nó đang làm bẩn áo tôi.”
Người phụ nữ bận đồ xám đỏ mặt. Rồi đẩy nhẹ cậu bé ra, bà nói: “Nó không phải là con tôi. Tôi chưa bao giờ gặp nó cả.”
Cậu bé ngồi vặn vẹo cách ngượng ngùng khó chịu. Cậu còn quá nhỏ nên đôi chân của cậu đong đưa khỏi chiếc ghế. Cậu bé chớp mắt và cố hết sức để không bật khóc.
“Cháu xin lỗi đã làm dơ áo bà” cậu nói với người phụ nữ. “Cháu không cố ý làm thế.”
“Ồ, không sao.” bà này đáp lại với vẻ hơi bối rối. Rồi vì mắt cậu vẫn nhìn dán chặt vào bà, nên bà nói thêm: “Có phải cháu đang đi đâu – một mình không?”
Cậu bé gật đầu: “Thưa vâng ạ. Cháu lúc nào cũng đi có một mình. Cháu không có bố mẹ. Bố mẹ cháu chết cả rồi. Cháu sống với dì Clara, nhưng dì ấy bảo rằng dì Mildred cũng phải giúp lo cho cháu một phần. Thế nên khi dì ấy chán cháu và muốn đi đâu đấy thì dì ấy gửi cháu sang ở với dì Mildred.”
Người phụ nữ nói: “À, như thế cháu đang trên đường đến nhà dì Mildred đấy à?”
“Thưa vâng.” Cậu bé tiếp: “nhưng thỉnh thoảng dì Mildred không có ở nhà. Cháu rất mong hôm nay dì ấy có nhà bởi vì trời có vẻ sắp mưa, và cháu không muốn ở ngoài đường khi trời mưa.”
Người phụ nữ ấy cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ khi bà nói: “Cháu còn quá nhỏ để tự xoay xở như thế này.”
“Ồ, không sao đâu.” Cậu bé nói. “Cháu chưa bao giờ bị lạc đường cả. Nhưng đôi khi cháu cảm thấy cô đơn. Thế nên khi cháu thấy một người nào đó mà cháu nghĩ mình muốn làm con, thì cháu ngồi xích lại thật gần và tưởng tượng cháu là con của người ấy. Cháu đang làm như mình là con của dì này thì cháu làm cho áo bà bị bẩn. Cháu quên cả đôi chân của mình.”
Người phụ nữ vòng tay ôm cậu bé và âu yếm siết cậu vào lòng. Cậu bé muốn thuộc về một người nào đó. Và tận sâu kín trong lòng bà này ước gì cậu thuộc về mình.
Cậu bé này, bằng một cách vụng về của trẻ con, đã bày tỏ một nhu cầu phổ quát. Và dầu là ai, bao nhiêu tuổi, mọi người không ai muốn mình lẻ loi.”
Cảm biết mình không lẻ loi là điều thiết yếu cho sự an tâm cũng như ý thức về giá trị của trẻ. Khi trẻ biết mình là thành viên trong gia đình và có giá trị ở đó, thì việc chúng cảm biết mình được chấp nhận, được yêu thương và quan trọng đối với người khác cũng như đối với Đức Chúa Trời không còn là một bước khó khăn nữa.
Có một người kia là con của một nhân vật nổi tiếng. Người này hồi tưởng lại khi còn bé mình đã nhớ bố ra sao khi bố vì công việc phải vắng nhà lâu. Một đêm nọ biết rằng bố sẽ về, nên cậu rất muốn thức để đợi đón bố. Tuy nhiên cậu bị bắt phải đi ngủ sớm vì phạm lỗi. Cậu thức giấc khoảng 10 hoặc 11 giờ và nghe tiếng của bố. Cậu thức dậy, thay đồ và đi xuống lầu. Cậu không thể không ra chào bố được cho dù cậu có thể bị la mắng vì hành động của mình. Nhưng bố ôm cậu vào lòng và nói: “Con yêu của bố.” ngày nay sau nhiều năm, người này nói rằng ông vẫn còn nhớ “cái cảm giác ngọt ngào được làm con của bố.”
Cảm giác rằng mình không lẻ loi được hình thành như thế nào? Bằng cách làm việc chung với nhau. Bằng cách chia sẻ những mối quan tâm chung và giao phó trách nhiệm cho nhau. Quan tâm đến bản thân của con thay vì quà tặng trong các dịp sinh nhật sẽ tạo nên trong người con cảm thức mình thuộc về gia đình. Con cái thấy yên tâm khi lời cầu nguyện được dâng lên vì cớ chúng, khi ý kiến của chúng được tôn trọng, và khi chúng được tham gia vào các dịp hệ trọng cũng như vui vẻ của gia đình. Chúng cảm biết mình là thành viên trong gia đình khi chúng được chia phần công việc và trách nhiệm của gia đình.
Cuối cùng chúng ta phải nhớ rằng sự bình an trong tình cảm cũng như trong tâm linh là quan trọng hơn nhiều so với sự yên ninh về vật chất và kinh tế. Trẻ con có thể chịu đói nghèo, khổ sở và nguy hiểm đến mức đáng kinh ngạc nếu như chúng được bình an trong tình cảm và tâm linh.
Những đứa trẻ đầy đủ mọi thứ vật chất trong đời nhưng lại thiếu tình thương của cha mẹ sẽ chết đói về mặt tình cảm và phản loạn. Trái lại những đứa trẻ dù bị đói khát và thiếu thốn vật chất, nhưng có tình yêu của cha mẹ và sự bình an trong gia đình thì có thể trưởng thành, trở nên những người cao quí và can đảm.
BÀI TRẮC NGHIỆM DÀNH CHO CÁC BẬC PHỤ HUYNH
Đánh dấu câu trả lời vào cột thích hợp: Đúng (Đ), Sai (S), hoặc thường xuyên (T).
Đ S T
1. Tôi nghĩ rằng con cái chúng tôi cảm thấy yên ninh cách thỏa đáng.
2. Chúng tôi cẩn thận khi bàn về tình hình thế giới để không tạo nên mối sợ hãi trong lòng con cái mình.
3. Chúng tôi luôn tìm cách để khỏi truyền cho con cái các nỗi sợ hãi của mình.
4. Nếu chúng tôi cần phải vắng nhà khi con cái đi học về, thì chúng tôi cẩn thận cho chúng biết chúng tôi đang ở đâu.
5. Có thể con cái chúng tôi e sợ rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi có nguy cơ thất bại.
6. Chúng tôi luôn ôm hôn các con và nói cho chúng biết chúng tôi yêu thương chúng.
7. Chúng tôi có thói quen ôm con vào lòng và đọc chuyện cho chúng nghe.
8. Chúng tôi có giờ giấc tại nhà cho các bữa ăn, công việc gia đình cũng như việc ngủ nghỉ.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Hãy thảo luận những điều khác mà bạn cảm thấy có thể tạo nên cảm giác an ninh hoặc không an ninh trong lòng con mình.
2. Hãy thảo luận lời phát biểu: “Trẻ con cảm thấy bất an nếu chúng không biết các giới hạn cho hành vi của mình.”
3. Bạn cảm thấy ổn không khi một người mẹ đi làm xa nhà?
4. Hãy nêu ra và thảo luận những việc mà cả gia đình bạn làm chung với nhau.
5. Bạn có thỉnh thoảng cho quà con cái để thay thế cho tình yêu thương của bạn không? Tại sao điều này tạo ra cảm giác bất an?
6. Lãnh vực mà với tư cách là cha/mẹ tôi cảm thấy bất an nhiều nhất là …………..
7. Việc dời nhà của gia đình có tạo nên cảm giác bất an trong lòng con bạn không?
8. Bạn nghĩ mình có nhiều hay ít thời gian dành cho con cái hơn so với bố mẹ hoặc ông bà bạn? Tại sao?
9. Hãy nghĩ ra ba cách thức có thể khiến cho những giờ họp mặt của gia đình tốt hơn.
(Nguồn: John M. Drescher, Seven Things Children Need)
Dịch: Hội Thánh Cộng Đồng Việt Nam