Nếu Bắt Đầu Lại Gia Đình: Tôi Sẽ Khích Lệ Nhiều Hơn (P.6)

Share

Nếu bắt đầu lại gia đình, tôi sẽ thoải mái nói lời khen tặng và tán thưởng. Tôi đã trách mắng con cái về những lỗi lầm của chúng, đôi khi tôi rầy la chúng vì những vi phạm vô cùng nhỏ nhặt. Nhưng các con tôi lại quá ít khi nghe được những lời khen ngợi và khích lệ khi chúng làm tốt một công việc hoặc cư xử đáng khen.

Một diễn giả thảo luận đề tài “Nếu tôi có con ở tuổi thiếu niên” đã nói: “Tôi sẽ luôn khen ngợi. Nếu thằng bé thổi còi, tôi sẽ ráng tìm cho ra ít nhất là một âm điệu êm tai tôi để tôi thành thật khen nó một lời. Nếu tôi thích bài luận văn của nó, tôi sẽ nói cho nó biết, hy vọng là nó sẽ được điểm cao khi nộp bài. Nếu nó chọn sơ mi, cà vạt vớ hoặc giày hay bất kỳ thứ gì hợp ý tôi, tôi cũng đều tán thưởng”.

Có lẽ không một điều gì khác có thể khuyến khích trẻ con yêu đời, thích thành đạt và đầy tin tưởng hơn là khen thành thật – không phải tâng bốc – lời tán thưởng chân thành khi chúng làm tốt công việc.

Khi còn bé, Sir Walter Scott bị cho là ngốc nghếch trong nhà trường. Ông thường bị phạt đứng trong góc dành cho trẻ tối dạ, đầu đội nón chóp nhọn nhục nhã. Lúc vào khoảng mười hai tuổi, ông bất ngờ được có mặt trong một gia đình đang đãi một số khách là nhà văn nổi tiếng. Robert Burns là thi sĩ Tô Cách Lan đang chiêm ngắm một bức tranh bên dưới có hai câu thơ.

Burns hỏi tên tác giả của hai câu thơ. Dường như chẳng ai biết. Cuối cùng, một cậu bé lén đến bên ông, nói tên tác giả và đọc luôn phần còn lại của bài thơ. Burns lấy làm kinh ngạc và thích thú. Đặt tay lên đầu cậu bé, ông la to: “Bé con ơi, con sẽ là một vĩ nhân của Tô Cách Lan trong tương lai”. Từ hôm đó Walter Scott là một đứa trẻ khác hẳn. Chỉ một câu nói khích lệ đã đưa cậu vào con đường danh vọng. Goeth nói: “Trong việc khen ngợi và yêu thương trẻ, chúng ta yêu và khen không phải ở bản chất của đứa trẻ mà là ở hy vọng chúng ta mong chờ nơi bé”.

Để khích lệ con cái, tôi sẽ quyết tâm nhớ những điều tốt chúng làm và biểu lộ niềm vui, lòng biết ơn và khen ngợi nhiều hơn. Tôi sẽ nhớ rằng mỗi ngày cống hiến nhiều cơ hội khích lệ chúng, ngay cả trong những điều nhỏ nhặt nhất, Christian Bovec có viết: “Lời khen ngợi sáng suốt đối với trẻ con cũng giống như mặt trời đối với bông hoa”. Mặt trời giúp hoa nở đẹp muôn màu. Cũng vậy, lời khen ngợi cũng cần thiết để trẻ phát triển một sức sống tươi đẹp, hạnh phúc và nhân ái.

Lời khích lệ mang lại năng lực tươi mới, mà theo lời tiến sĩ Henry H. Goddard, có thể được đo lường trong phòng thí nghiệm. Tại Trường Huấn Luyện Vineland, tiến sĩ Goddard dùng một dụng cụ để đo sự mệt mỏi. Khi ai đó nói với một đứa bé mệt mỏi: “Con làm giỏi lắm, John ạ” thì vòng cung năng lực của cậu bé hướng lên cao. Lời nói gây nản chí và bắt bẻ tạo một ảnh hưởng có thể có thể đo ngược lại.

Cần nhớ là bất cứ khi nào có thể được, nếu muốn khen con thì tôi phải ngưng nói những lời la rầy nóng nảy khi chúng bất cẩn làm dơ hoặc hư hại quần áo. Longfellow nói: “Áo rách thì vá ngay lại được nhưng lời nói nặng thì gây thương tích cho một tâm hồn con trẻ”. Có nhiều lần tôi đã gây thương tích cho một tâm hồn rất lâu sau khi áo rách đã được vá.

Bây giờ tôi biết rằng khích lệ là cách tốt hơn để kỷ luật thay vì khiển trách hoặc quở mắng. Lời nói nhân ái, tán thưởng sẽ khích lệ và thêm năng lực cho mọi nỗ lực của chúng ta. Ruth Hayward trong “The Positive Discipline of Praise” (Kỷ luật Tích cực của lời khen) kể lại cách bà cố gắng sửa lại chữ viết xấu của con gái bà. Đó là một cuộc vật lộn dai dẳng giữa hai mẹ con. Vào giữa năm thứ ba, con gái bà gặp mặt cô giáo mới. Sau buổi học đầu với cô giáo mới, bé gái về nhà vô cùng phấn khởi “Cô giáo nói con có thể viết đẹp, con không sợ hãi cô giáo. Các bạn nói, cô thấy đứa nào cũng giỏi cả”. Từ đó về sau, bé gái rất thích đi học. Mỗi khi được khen, cô bé lại thích làm vui lòng mọi người hơn.

Bây giờ tôi biết rằng sự bắt bẻ, nhất là không kèm theo lời khích lệ, luôn luôn gây tổn thương thay vì nâng đỡ. Bắt bẻ và chỉ trích cướp mất sự tự tin của đứa bé. Thành thật khích lệ, ngược lại, tạo niềm tự tin – điều tối quan trọng đối với cuộc sống tương lai hạnh phúc – và giúp trẻ trưởng thành.

Bây giờ tôi biết là tất cả chúng ta đều vô cùng khao khát được tán thưởng. Như nhà tâm lý học William James của trường đại học Harvard nói: “Nguyên lý sâu xa nhất của bản chất con người là khao khát được tán thưởng”. Và khi nhu cầu này được đáp ứng bởi những con người chúng ta yêu thương, thì chúng ta cũng trưởng thành trong nhiều vẻ đẹp khác.

Tôi muốn thường xuyên tự nhắc nhở mình khích lệ những tiềm năng kín giấu trong các con. Tôi muốn mở rộng tầm nhìn của mình để không chỉ nhìn thấy con mình trong tương lai. Mà phải thấy triển vọng tương lai của chúng nữa. Không có chỗ nào thiết yếu để thực hành điều này hơn là ngay tại trong gia đình.

Bây giờ tôi biết rằng khi chúng ta biểu lộ sự tán thưởng trong những việc nhỏ của cuộc sống, thì tình yêu cùng sự tán thưởng mới mẻ sẽ nảy nở trong mỗi thành viên trong gia đình. Nếu bắt đầu lại gia đình, tôi sẽ kiên trì khen ngợi hằng ngày.

 

(Nguồn: John M. Drescher, Nếu Bắt Đầu Lại Gia Đình)

Dịch: Hội Thánh Cộng Đồng Việt Nam

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan