Chưa ai từng thấm nước vào đất sét rồi để đó, như thể do may mắn và ngẫu nhiên tự nó sẽ có gạch.
– PlutarchNhững lời dạy về đạo chỉ có giá trị đối với trẻ khi nó kinh nghiệm ý nghĩa các lời ấy trong gia đình.
– Canon Lumb“Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây làm uổng công.”
– Thi thiên 127:1Lạy Chúa, con không xin
Ngài cho con một công việc cao trọng,
Một sự kêu gọi cao cả, hay một công tác kỳ diệu nào đó.
Xin hãy cho con một bàn tay nhỏ bé để con nắm trong tay mình.
Cho con một đứa bé để con chỉ lối
Qua con đường êm ái, kỳ lạ dẫn đến Ngài.
Xin cho con một giọng nói nhỏ nhẹ để cất lên lời cầu nguyện;
Xin cho con một cặp mắt sáng ngời để xem thấy mặt Ngài.
Lạy Chúa, mão miện duy nhất mà con xin được đội
Đó là: con có thể dạy dỗ một đứa bé.
Con không cầu xin được đứng
Giữa vòng những người thông thái, đáng kính hoặc vĩ đại.
Con chỉ cầu xin rằng, con được cầm tay em bé cùng nhau bước vào cổng Thiên đàng
– Tác giả vô danhChúng là thần tượng của những trái tim và các gia đình;
Chúng là thiên sứ cải trang của Đức Chúa Trời;
Ánh mặt trời vẫn còn ngủ trên những lọn tóc dài của chúng,
Vinh quang Ngài vẫn còn ánh lên trong đôi mắt chúng;
Những kẻ lạc lỏng xa nhà và xa thiên đàng này,
Chúng đã làm tôi mạnh mẽ hơn và dịu dàng hơn;
Và giờ đây tôi hiểu được vì sao Jêsus có thể so sánh
Nước Đức Chúa Trời với một đứa trẻ thơ.
Charles M. Dickenson trong tác phẩm “Trẻ thơ”
TRẺ CON CẦN ĐỨC CHÚA TRỜI
Khi công chúa Margaret được năm tuổi, báo chí tường thuật rằng một hôm cô bước ra khỏi nhà thờ với vẻ thất vọng cay đắng. Lời cầu nguyện của vị Mục Sư đã làm cô khó chịu.
Công chúa hỏi mẹ mình: “Tại sao ông Mục Sư chỉ cầu nguyện cho bố mẹ và chị Elizabeth thôi? Con cũng xấu như mọi người vậy.”
Người lớn rất dễ dàng bỏ qua nhu cầu thuộc linh cũng như những lo âu của trẻ con. Biết được mình liên hệ thế nào với Đức Chúa Trời là điều quan trọng đối với trẻ. Cần phải sớm dạy những quan niệm đúng đắn về Đức Chúa Trời cho trẻ. Thí dụ trẻ thường xuyên tiếp thu những quan điểm tai hại qua các câu nói như “Đức Chúa Trời không yêu thương con khi con hư hỏng,” hoặc “Nếu con cứ ngoan ngoãn, con sẽ được vào thiên đàng.” Trẻ con chẳng bao giờ biết chắc về tình trạng thuộc linh của chúng khi những câu nói “nếu” được dùng.
Horace Bushnell nói: “Gia đình và tôn giáo là những từ ngữ có liên hệ họ hàng với nhau, bởi vì gia đình là trung tâm của tôn giáo; còn tôn giáo là yếu tố thiêng liêng của gia đình… Một ngôi nhà không có mái hầu như không khác gì một gia đình không có tôn giáo.”
KINH THÁNH VÀ TRẺ CON
Đáng ngạc nhiên là Kinh Thánh dành rất ít để nói về chủ để thiếu nhi. Khi xét đến tính dồi dào của các tài liệu bàn về quan hệ cha mẹ – con cái ngày nay thì chúng ta ắt mong đợi Kinh thánh nói nhiều hơn về vấn đề này. Kinh thánh khuyến giục cha mẹ phải là hạng người đúng đắn. Kinh thánh giả định – nếu điều trên là đúng – rằng trẻ con sẽ lớn lên yêu mến Đức Chúa Trời và hầu việc Ngài.
Một trong những phát biểu xưa nhất hướng dẫn các bậc cha mẹ xuất hiện trong Phục truyền 6:6-8:
Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng người;
Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái người, và khá nói đến,
Hoặc khi ngươi ngồi trong nhà,
Hoặc khi đi ngoài đường,
Hoặc khi ngươi nằm,
Hay là khi chổi dậy.
Khá buộc nó trên tay mình như là một dấu,
Và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chí.
Cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi.
Một số nguyên tắc được nêu rõ ràng ở đây đã tái xuất hiện dưới một hình thức diễn đạt khác trong suốt Kinh thánh.
1. Kinh thánh dạy rằng trước hết cha mẹ phải có mối liên hệ tốt với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã phán về Áp-ra-ham rằng: “Vì ta biết người, đặng người sẽ dạy dỗ con cái mình…đi theo đường lối người.” Cha mẹ phải chỉ đơn thuần chỉ bảo con cái đường lối phải đi. Nếu muốn sự dạy dỗ của mình có giá trị, thì cha mẹ phải sống theo như mọi điều họ mong đợi nơi con mình. Cha mẹ không thể chỉ biết đường và chỉ đường, mà họ cũng phải đi trên đường ấy nữa.
Những phụ huynh nào chỉ kể cho con em mình nghe những sự kiện tôn giáo rồi đưa chúng đến nhà thờ, chỉ có thể có ít hy vọng rằng con em họ chịu chấp nhận những sự kiện ấy, hoặc chịu tiếp tục đi nhà thờ. John Balguy nói: “Dù cha mẹ có dạy cho con cái bất cứ điều tốt nào đi nữa, mà lại đồng thời làm gương xấu cho con, cũng có thể được xem như là lấy một tay đưa chúng đồ ăn, còn tay kia đưa thuốc độc.”
Trẻ con chỉ có thể hiểu được về Đức Chúa Trời, tình yêu, sự thương xót, sự tha thứ, sự chấp nhận, cũng như về chân lý của Lời Đức Chúa Trời tới mức độ mà chúng kinh nghiệm những điều ấy trong các mối tương quan, nhất là tại gia đình.
2. Kinh thánh đặt trách nhiệm dạy đạo cho con trẻ trực tiếp trên cha mẹ. Đức Chúa Trời đã ấn định gia đình phải là nơi dạy dỗ con cái trong đường lối mà chúng phải theo. Đức Chúa Trời không mong Hội thánh, vị truyền đạo, nhà trường, hay bất cứ cơ quan nào khác làm công việc này. Cha mẹ không thể trách cứ những cơ quan nói trên khi con cái họ đi sai đường.
Phân đoạn trong Phục truyền trích dẫn ở trên nói rằng cha mẹ phải ân cần dạy dỗ. Cùng một từ ngữ ấy được dùng trong tiếng Hi-bá-lai liên hệ đến việc giải phẩu. Cha mẹ phải áp dụng chân lý giống như nhà phẫu thuật sử dụng con dao – cách chính xác khi có nhu cầu trong đời sống đứa con.
Sự phát triển thuộc linh khởi sự từ trong gia đình. Dầu cho Hội thánh có cẩn thận dạy đạo cho trẻ con đến mức nào đi nữa, nhưng nếu không có sự hợp tác và khích lệ trong gia đình thì toàn bộ nỗ lực ấy bị tổn hại.
Richard Baxter, một nhà truyền đạo nổi tiếng người Anh, đã nhận phục vụ tại một giáo khu giàu có và học thức. Trong ba năm ông tận tụy giảng đạo mà không có kết quả gì. “Cuối cùng, vào một ngày kia,” ông viết, “Tôi gieo mình xuống đất trong phòng làm việc của tôi và khóc: ‘Lạy Chúa, Ngài phải làm một điều gì đó cho những con người này, nếu không con sẽ chết mất.’” Rồi ông tiếp: “Tôi nghe như thể Chúa phán với tôi, rằng: ‘Baxter, con đang phục vụ sai chỗ rồi. Con mong sự phục hưng đến qua Hội thánh. Hãy thử làm việc trong từng gia đình,’”
Baxter đi từ nhà này đến nhà khác, hướng dẫn phụ huynh dâng chính mình cho Đức Chúa Trời và thiết lập sự thờ phượng trong gia đình. Lửa bắt đầu bùng cháy cho đến khi toàn thể hội chúng được tươi tỉnh và ngọn lửa phục hưng tâm linh lan khắp xứ.
Đức Chúa Trời đặt trách nhiệm lớn lao trên cha mẹ trong việc dạy dỗ con cái. Điều này rất rõ ràng trong phân đoạn sách Phục truyền. Cũng hãy lưu ý phân đoạn sau đây.
[bs-quote quote=”Hỡi dân sự ta, hãy lắng tai nghe luật pháp ta,
Hãy nghiêng tai qua nghe lời của miệng ta.
Ta sẽ mở miệng ra nói thí dụ,
Bày ra những câu đố của đời xưa,
Mà chúng ta đã nghe biết,
Và tổ phụ chúng ta đã thuật lại cho chúng ta.
Chúng ta sẽ chẳng giấu các điều ấy cùng con cháu họ,
Bèn sẽ thuật lại cho dòng dõi hậu lai những sự ngợi khen Đức Giê-hô-va,
Quyền năng Ngài, và công việc lạ lùng mà Ngài đã làm.
Ngài đã lập chứng cớ nơi Gia-cốp,
Định luật pháp trong Y-sơ-ra-ên,
Truyền dặn tổ phụ chúng ta phải dạy nó lại cho con cháu mình,
Hầu cho dòng dõi hậu lai, tức là con cái sẽ sanh ra
Được biết những điều đó,
Rồi phiên chúng nó truyền lại cho con cháu mình;
Hầu cho chúng nó để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời,
Không hề quên các công việc Ngài,
Song gìn giữ các điều răn của Ngài,
Để chúng nó chẳng như tổ phụ mình
Là một dòng dõi cố chấp phản nghịch,
Chẳng có lòng chính đáng,
Có tâm thần không trung tín cùng Đức Chúa Trời.” style=”style-14″ align=”center” author_name=”Thi thiên 78:1-8″][/bs-quote]
Hãy chú ý trách nhiệm được đặt rõ ràng trên cha mẹ thể nào. Mục đích của lời dạy này cũng rõ ràng – (1) để cho con cái cũng sẽ tin cậy nơi Đức Chúa Trời, (2) để chúng sẽ không quên công việc Đức Chúa Trời làm hoặc quên giữ các điều răn Ngài, và (3) để chúng sẽ không trở nên ngỗ ngược, ngang ngạnh, hoặc phản nghịch.
Cũng hãy lưu ý đến ảnh hưởng của những bậc cha mẹ trung tín thuộc nhiều thế hệ trên vị truyền đạo trẻ Ti-mô-thê. Sứ đồ Phao-lô viết: “Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc nay cũng ở trong con nữa.” (II Tim 1:5)
[bs-quote quote=”Về phần con, hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy, vì biết con đã học những điều đó với ai; và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ. Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” style=”style-14″ align=”center” author_name=”II Ti-mô-thê 3:14-16″][/bs-quote]
3. Kinh thánh dạy cách rõ ràng rằng sự dạy dỗ của cha mẹ phải thường xuyên và liên tục. Việc dạy phải được tiến hành bằng lời nói và gương sống luôn mọi lúc. Đó không phải là một hoạt động ngẫu hứng, mà phải được thực hiện sáng, trưa, chiều, tối.
Nhiều thanh niên phản ứng cách tiêu cực trước thái độ tin kính chỉ được thể hiện vào sáng Chúa nhật hoặc vào giờ gia đình lễ bái. Chúng nhanh chóng cảm nhận tính thiếu nhất quán của một đời sống như thế. Trong cuốn sách nhan đề “Một Chú Bé Tỉnh Lẻ” (A Small Town Boy), Rufus Jones kể lại giờ gia đình lễ bái buổi sáng trong gia đình nơi anh lớn lên. “Tôn giáo trong gia đình chúng tôi có một điều gì hơn nữa chứ không phải chỉ có buổi thờ phượng chung mỗi buổi sáng thôi. Cuộc sống trong gia đình chúng tôi dầm thấm thực tế và hành động yêu thương… Đó là một gia đình theo lối xưa, nơi mà sự dưỡng dục lúc nào cũng tiếp diễn. Đó là một trung tâm xây dựng đời sống. Chính tại nơi đây mà những chiếc neo của tôi đã được trui rèn.”
Đức Chúa Trời ban cho trẻ con một cảm quan nhạy bén đặc biệt trước sự hiện diện và công việc Ngài thực hiện trong công cuộc sáng tạo. Trẻ con lớn lên về mặt tâm linh khi cha mẹ liên kết Đức Chúa Trời với cuộc sống chung quanh họ. Đức Chúa Trời cũng đã khiến trẻ con có đủ thứ thắc mắc. Chúng ta được biết rằng đứa trẻ trung bình hỏi 500.000 câu hỏi trước khi nó được 15 tuổi. Đó là nửa triệu cơ hội để dạy dỗ. Nhiều câu hỏi trong số này là những câu “tại sao” và “thế nào”, vốn đưa chúng ta đến ngay chân Đức Chúa Trời.
Đối với nhiều phụ huynh, sự tự do tôn giáo có nghĩa là tự do không tôn giáo. Họ dành thời gian tích lũy của cải thay vì xây dựng nhân cách. Một số người đã chấp nhận niềm tin sai lạc rằng không nên dạy đạo cho con trẻ, e rằng trẻ có thành kiến. Họ nói rằng hãy để cho trẻ chọn. Nhưng cách nhìn đó như thế đã khiến trẻ có thành kiến rồi. Thiếu được dạy dỗ về Đức Chúa Trời khiến đứa trẻ trở thành con mồi cho đủ loại tà giáo và triết lý sai lạc.
Trong cuốn sách rất hay của mình nhan đề “Làm Thế Nào Để Thật Sự Thương Con” (How to Really Love Your Child), nhà tâm thần học Ross Campbell đề cập đến quan niệm sai lầm song rất phổ biến này: ‘Tôi muốn con tôi học cách tự quyết định sau khi nó được biết mọi sự. Nó không nên cảm thấy bị buộc tin điều mà tôi tin. Tôi muốn nó học biết về các tôn giáo và các triết lý khác nhau; rồi khi lớn lên, nó có thể tự quyết định.’
“Người cha/mẹ này đang trốn tránh trách nhiệm hoặc, nói khác đi, đang tỏ ra không biết gì về thế giới mình đang sống. Đứa trẻ nào được trưởng dưỡng theo cách này thật đáng tội nghiệp. Nếu không được hướng dẫn và giải thích liên tục những vấn đề đạo lý, đạo đức và tâm linh, thì nó sẽ trở nên ngày càng bối rối về thế giới này.”
“Một lý do khác nữa cho thấy cách nhìn này về lãnh vực thuộc linh là vô trách nhiệm, đó là ngày càng có nhiều nhóm, nhiều tổ chức và nhiều tà giáo đang đưa ra các giải đáp tai hại, nô dịch và sai lạc đối với các vấn đề của đời sống. Bọn này không muốn gì khác hơn là tìm được một người được trưởng dưỡng theo đường lối có vẻ cởi mở này. Người ấy dễ thành con mồi cho bất kỳ nhóm nào đưa ra những giải đáp cụ thể, dầu đó là những giải đáp sai lạc hoặc có khuynh hướng nô dịch…”
“Tôi thật kinh ngạc khi thấy rằng một số bậc cha mẹ có thể tiêu xài hàng ngàn đô-la và sẵn lòng làm bất cứ thứ gì tạo ảnh hưởng chính trị để bảo đảm rằng con họ được trang bị kỹ lưỡng về mặt giáo dục. Song đối với sự trang bị quan trọng hơn hết cho những trận chiến tâm linh suốt cả đời cũng như để tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, thì đứa trẻ bị bỏ mặc để tự chống đỡ và trở thành mồi ngon cho các tà giáo.”
Cũng vậy, một đức tin không được gia đình cung ứng thì sẽ được cung ứng bởi phim ảnh, băng đảng ngoài đường phố, hoặc một nhóm nào khác. Hoặc đứa trẻ cho rằng một niềm tin mà cha mẹ không thể thực hiện trong suốt 15 đến 20 năm (?) thì không đáng để nó chọn lựa.
Kinh thánh dạy rằng: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải đi, hầu cho đến khi về già nó không hề lìa khỏi đó.” Thật đúng là chúng ta hướng dẫn con trẻ bằng cách dạy dỗ hoặc truyền đạt kiến thức. Nhưng sự hướng dẫn hiệu quả nhất là làm gương. Từ “dạy” liên hệ chủ yếu đến tấm gương. Từng trải tôn giáo quan trọng của gia đình bao gồm những điều diễn ra giữa các thành viên trong gia đình hết ngày này sang ngày khác.
Trong một bài báo trên tờ Gia Đình Cơ Đốc (The Christian Home), Donald Stuart Williamson viết: “Đức Chúa Trời yêu thương và chữa lành chúng ta qua những người khác, dựa vào mối tương giao thân mật giữa người với người. Đó là lý do tại sao tình cảm và cảm xúc trong gia đình chính là từng trải tôn giáo của gia đình ấy.” Gương của bố mẹ sẽ theo đuổi và ảnh hưởng đến đứa con suốt cả cuộc đời.
Cuốn sách cổ điển của Ian Maclaren tựa đề “Bên cạnh Bụi Tầm Xuân Bonnie”(Beside the Bonnie Briar Bush), có một chương cảm động là “Bài giảng Của Mẹ Ông.” Chương ấy kể về một mục sư trẻ người Tô-cách-lan mới tốt nghiệp từ đại học Edinburgh; ông này đến giáo khu đầu tiên của mình ở Drumtockty với bốn chiếc xe ngựa chất đầy đồ đạc. Bà cô còn độc thân của ông làm người giữ nhà cho ông. Ông cẩn thận soạn bài giảng đầu tiên cho giáo khu mới này. Nó là một bản thảo rất uyên bác.
Đang khi đọc bài giảng cho người cô nghe vào tối thứ sáu thì tâm trí họ nhớ lại thời gian năm năm qua. Họ nhớ lại lúc quỳ gối bên giường bệnh của mẹ ông lúc đang hấp hối. Họ nhớ lại lời bà khuyên nhủ con trai, cũng như lời làm chứng về đức tin và hy vọng. Bà trao cho ông chiếc đồng hồ và sợi dây chuyền, rồi bảo: “Chẳng có một giờ nào mẹ quên cầu nguyện cho con. Nếu Đức Chúa Trời kêu gọi con vào chức vụ, thì con đừng từ chối; và ngày đầu tiên con giảng trong Hội thánh, hãy nói một lời lành cho Chúa Jêsus Christ.”
Người cô nhắc ông nhớ lại lời trối trăn của mẹ ông. Các lời này thay đổi bài giảng của ông ngay đêm đó đến nỗi khi ông đứng lên giảng sáng Chúa nhật có thể gọi đúng là Bài giảng của mẹ ông.
Một thanh niên nói cậu thích một bản dịch Kinh thánh nào đó. Bạn cậu đáp: “Tôi thích bản dịch của mẹ tôi hơn. Mẹ tôi thể hiện Kinh thánh qua đời sống hằng ngày của bà. Bản dịch của bà là bản dịch trong sáng nhất.”
Gypsy Smith viết: “Cha tôi đang già yếu rồi. Chẳng bao lâu tôi sẽ nhận được tin báo rằng cha tôi qua đời. Tôi sẽ đi nhìn mặt cha tôi lần cuối, rồi tôi sẽ nói: ‘Ba ơi, ba đã chuẩn bị cho con đầy đủ. Ba làm con thấy khó mà đi sai đường!”
Dù cha mẹ có ảnh hưởng lớn trên con cái, chúng ta không nên rơi vào bẫy khi nghĩ rằng nếu như cha mẹ làm mọi điều hoàn hảo, thì đứa con rồi sẽ trở nên đúng đắn. Nhiều lần trong các buổi hội thảo và cầu nguyện về gia đình, các phụ huynh hỏi tôi: “Kinh thánh há chẳng nói rằng nếu chúng ta dạy dỗ con cái con đường mà nó phải đi, thì nó không lìa khỏi đó, và thậm chí nếu nó có rời khỏi một thời gian, thì nó cũng sẽ quay trở lại hay sao?”
Câu trả lời là chúng ta không dám chấp nhận một thuyết tiền định (delerminsm) mà sẽ tước đi quyền lựa chọn của đứa con. Đức Chúa Trời – Cha thiên thượng của chúng ta, làm mọi sự cách hoàn hảo. Ngài không phạm sai lầm nào, nhưng Ngài không tước đoạt quyền tự do lựa chọn của những tạo vật của Ngài. Ngay cả những người từng kinh nghiệm ơn phước tốt nhất của Ngài vẫn có thể, và thỉnh thoảng đã xây khỏi đường lối Ngài. Tuy nhiên, lời hứa liên hệ đến ảnh hưởng và gương sống của một gia đình tin kính là một lời hứa mạnh mẽ.
BÀI BẢN VÀ KHÔNG BÀI BẢN
Cả sự dạy dỗ tại lớp lẫn lối dạy dỗ tại nhà đều quan trọng trong việc rèn luyện con cái. Sự thờ phượng trong gia đình và trong Hội thánh, mối thông công với các tín hữu khác, các nhóm thanh niên, cũng như những từng trải kinh nghiệm, trong đó người trẻ học hỏi với các bậc phụ huynh và Đức Chúa Trời là điều rất quan trọng.
Cần phải nhấn mạnh quá đáng việc dạy dỗ tại nhà. Phần nhiều sự thực hành đạo là bắt chước. Khi cha mẹ kiên trì cầu nguyện, đọc Kinh thánh cũng như đáp ứng bằng tình yêu thương và lòng trắc ẩn, thì sẽ để lại ảnh hưởng quan trọng trên con cái. Khi cha mẹ dành thì giờ để thảo luận những đạo đức, đọc hoặc kể những câu chuyện nói lên niềm tin tôn giáo, và lưu tâm rằng các con mình có đủ sách báo khải đạo thích hợp cho mỗi đứa, thì ấy là họ đang dạy dỗ và nuôi dưỡng đức tin gia đình.
Chính trong những việc nhỏ xảy ra hằng ngày mà chân lý thuộc linh được truyền đạt.
BA ẨN DỤ
Để kết luận, tôi xin chia sẻ ba ẩn dụ do Alta Mae Erb kể trong cuốn sách của mình nhan đề “Sự Dưỡng Dục Con Cái Trong Chúa” (Christian Nurture of Children):
Tôi nắm tay một đứa bé. Nó và tôi phải đi chung nhau trong ít lâu. Tôi phải dắt nó đến với Cha. Đây là một công tác làm tôi mòn mỏi, một trọng trách thật đáng sợ. Và tôi chỉ nói với bé về người Cha. Tôi vẽ nên vẻ mặt nghiêm khắc của Cha, nếu như đứa bé làm buồn lòng Ngài. Chúng tôi đi dưới những tàn cây cao. Tôi nói rằng Cha có quyền năng khiến cây đổ xuống bằng một cú sét đánh. Chúng tôi đi trong ánh nắng, tôi dạy đứa bé về sự cao cả của Cha, Đấng đã làm nên mặt trời thiêu đốt, lòe sáng.
Rồi một buổi hoàng hôn chúng tôi gặp Cha. Đứa bé núp đằng sau tôi; nó sợ hãi. Nó không dám ngước nhìn gương mặt rất yêu thương của Cha. Nó nhớ lại bức tranh tôi đã vẽ; nó không chịu đặt tay nó trong bàn tay Cha. Tôi đứng giữa đứa bé và Cha, tôi không hiểu. Tôi đã rất bận tâm, rất nghiêm túc dạy đứa bé nhưng bé vẫn còn sợ Cha.
Tôi nắm tay một đứa bé. Tôi phải dắt nó đến với Cha. Tôi cảm thấy gánh nặng bởi vô số điều mà tôi phải dạy dỗ cho nó. Chúng tôi không đi la cà. Chúng tôi vội vã đi từ chỗ này đến chỗ khác. Lúc thì chúng tôi so sánh các chiếc lá, lúc thì chúng tôi xem xét một tổ chim. Trong khi đứa bé hỏi tôi về tổ chim ấy, tôi lại hối nó đuổi theo một con bướm. Nếu nó có ngủ gục, thì tôi đánh thức nó dậy, e rằng nó sẽ lỡ mất điều gì chăng. Tôi muốn nó thấy mọi thứ.
Chúng tôi nói về Cha thường xuyên cách vội vã. Tôi rót vào tai nó mọi câu chuyện mà nó cần phải biết, nhưng chúng tôi thường bị gián đoạn bởi tiếng gió thổi, là điều chúng tôi phải bàn đến; bởi sự xuất hiện của các vì sao mà chúng tôi cần phải tìm hiểu; bởi những dòng suối róc rách mà chúng tôi phải truy tìm cho ra nguồn gốc.
Và rồi trong buổi hoàng hôn, chúng tôi gặp Cha. Đứa bé chỉ liếc nhìn Cha. Cha đưa tay ra, nhưng đứa bé không màng nắm lấy. Mặt nó đỏ ửng vì sốt. Nó kiệt sức khụy xuống đất và ngủ thiếp đi; tôi lại đứng giữa đứa bé và Cha tôi, không hiểu được. Tôi đã dạy cho nó rất nhiều điều cơ mà, nhưng đứa bé vẫn không quý mến Cha.
Tôi cầm tay đứa bé và dắt đưa nó đến Cha. Lòng tôi tràn đầy sự biết ơn vì được đặc quyền vui sướng này. Chúng tôi đi chầm chậm. Tôi điều chỉnh bước chân tôi cho thích hợp với bước đi ngắn của đứa bé. Chúng tôi nói về những thứ mà đứa bé lưu ý đến. Đôi khi đó là một trong những chim chóc của Cha; chúng tôi xem nó xây tổ, và chúng tôi nhìn thấy mấy quả trứng trong đó. Rồi chúng tôi thắc mắc về sự chăm sóc chim mẹ dành cho con.
Đôi khi chúng tôi hái vài đóa hoa của Cha và vuốt nhẹ lên những cánh chúng. Chúng tôi thường kể về Cha. Tôi kể chuyện cho đứa bé và bé thì kể lại cho tôi. Chúng tôi, đứa bé và tôi, kể đi kể lại những chuyện ấy nhiều lần. Thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại nghỉ dựa lưng vào những cây của Cha, và để cho gió làm mát dịu mặt chúng tôi và chúng tôi yên lặng.
Và rồi lúc hoàng hôn chúng tôi gặp Cha. Mặt của đứa trẻ sáng lên. Nó trìu mến, tin cậy, hăm hở ngước nhìn gương mặt Cha; nó đặt tay mình vào tay Cha. Giây phút ấy chẳng ai nhớ đến tôi. Tôi thấy thật thỏa lòng.
BÀI TRẮC NGHIỆM DÀNH CHO CÁC BẬC PHỤ HUYNH
Đánh dấu câu trả lời vào cột thích hợp: Đúng (Đ), Sai (S) hoặc Thường xuyên (T).
Đ S T | |
1. Tôi dành thì giờ thường xuyên để cầu nguyện và đọc Kinh thánh một mình.
2. Trong gia đình tôi, người cha nhận trách nhiệm chính yếu cho vai trò hướng dẫn tâm linh. 3. Gia đình chúng tôi đọc Kinh thánh và cầu nguyện chung với nhau đều đặn. 4. Tôi cố gắng làm gương về những điều mà mình dạy con. 5. Chúng tôi không “gửi” con cái mình đến nhà thờ một mình. Cả gia đình chúng tôi đi nhà thờ đều đặn. 6. Nói chuyện về Đức Chúa Trời, về sự cầu nguyện, về việc đọc Kinh thánh, và về những đề tài tôn giáo khác là điều bình thường trong gia đình tôi. 7. Con cái chúng tôi cảm biết rằng những mối quan tâm tôn giáo chiếm ưu tiên hàng đầu trong gia đình và trong các quyết định của chúng tôi. |
PHẦN THẢO LUẬN
1. Phục truyền 6:6-8 có thể được thực hiện ra sao ngày nay?
2. Hãy thảo luận phát biểu của Canon Lumb: “Những lời dạy đạo chỉ có giá trị với một đứa trẻ khi nó kinh nghiệm ý nghĩa các lời ấy trong gia đình.”
3. Nếu cha mẹ không đi nhà thờ thì gửi con đến đó có ích lợi gì không?
4. Nếu chỉ có người mẹ cầu nguyện trong gia đình hoặc đọc cho con nghe các bài học Kinh thánh, thì sự việc này nói cho đứa con điều gì?
5. Hãy thảo luận ý kiến cho rằng người cha phải gánh trách nhiệm chủ yếu về những vấn đề thuộc linh trong gia đình.
6. Bạn có cảm nghĩ gì về thuyết tiền định theo như được nêu lên trong phần sau của chương này?
7. Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn về phát biểu cho rằng “Một đứa trẻ không thể là một con người toàn vẹn nếu chỉ có các nhu cầu về thể chất, xã hội, tinh thần và tình cảm được đáp ứng, trong khi nhu cầu tôn giáo lại không được màng tới hoặc bị bỏ mặc để tự phát triển.”
8. Hãy thảo luận ý kiến cho rằng người cha đem lại cho con khái niệm ban đầu về Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể làm được gì cho những đứa trẻ thiếu một người cha yêu thương, nhân từ và chu đáo?
9. Hãy suy nghĩ về ba ẩn dụ ở cuối chương và phân tích lý do tại sao hai giáo viên trước thất bại, trong khi người thứ ba lại thành công.