Khi Đức Chúa Trời muốn một công việc lớn lao được thực hiện trên thế giới này hoặc một sai lầm nghiêm trọng cần được sửa lại, thì Ngài giải quyết vấn đề một cách khác thường. Ngài không làm dậy lên những trận động đất hoặc cho gọi đến những cơn sấm sét.
Thay vào đó, Ngài cho một em bé yếu đuối được sinh ra. Có lẽ trong một gia đình đơn sơ và do một người mẹ nào đó không tiếng tăm. Rồi Đức Chúa Trời đặt ý nghĩ của Ngài vào lòng người mẹ ấy và bà thì đặt ý tưởng ấy vào tâm trí đứa con.
Và rồi Đức Chúa Trời chờ đợi.
Sức mạnh lớn nhất trên thế giới này là những em bé. – E. T. Sullivan
Chúng ta thường phán đoán không đúng về con cái mình, nhất là khi chúng còn bé, khi mà nếu như chúng ta không yêu thương chúng thì đó là điều rất tai hại đối với chúng. – George Santayana
Tôi yêu những bé thơ; và thật không phải là một điều tầm thường khi những bé thơ ấy, mới được Đức Chúa Trời cho sanh ra, lại yêu thương chúng ta. – Charles Dickens
Trẻ con không biết cha mẹ yêu thương chúng ra sao, và chúng sẽ chẳng bao giờ biết mãi cho đến khi cha mẹ đã khuất hoặc khi chúng có con cái. – P. Cooke
TRẺ CON CẦN YÊU THƯƠNG VÀ CẦN ĐƯỢC YÊU THƯƠNG
Trong cuốn sách nhan đề “Liệu pháp thực tại” (Reality Ther-apy), nhà tâm thần học nổi tiếng, tiến sĩ William Glasser, tin rằng chẳng có điều mà chúng ta gọi là bệnh tâm thần. Glasser nói rằng những triệu chứng lệch lạc mà chúng ta dùng để liệt là bệnh tâm thần chẳng qua là kết quả của tình trạng không được thỏa mãn hai nhu cầu cơ bản của đời sống. Hai nhu cầu ấy là yêu thương và được yêu thương. Nếu một trong hai nhu cầu này không được đáp ứng thì người ta có khuynh hướng suy sụp về tình cảm. Như Victor Hugo đã nói: “Hạnh phúc tuyệt đỉnh của đời sống nằm ở chỗ chúng ta tin rằng mình được yêu.”
Một em bé, một đứa trẻ đang lớn, một thiếu niên, một người chưa lập gia đình, những bậc cha mẹ cũng như người lớn tuổi – hết thảy đều cần tình thương cũng như những biểu lộ của tình thương. Và tình thương không thể được xem là một chuyện đương nhiên.
Tiến sĩ Rene Spitz, một nhà phân tâm học ở New York, đã dành ra ba tháng quan sát phản ứng của các em bé trong ngôi nhà dành cho trẻ em bị bỏ rơi, nơi mà các cô dưỡng nhi quá bận rộn đến nỗi mỗi cháu chỉ có được “một phần mười bà mẹ.” Tiến sĩ Spitz nhận thấy khoảng 30% các em bé này đã chết lúc chưa đầy một tuổi. Tiến sĩ Spitz nói: “Sự đói khát tình thương cũng nguy hiểm như sự đói khát về thể chất. Nó chậm hơn nhưng cũng tác hại y như vậy. Nếu không được thỏa mãn tình thương trẻ con sẽ chết.”
Khao khát yêu thương và được yêu thương tuy âm thầm nhưng rất mãnh liệt. Suốt cả cuộc đời, chúng ta luôn muốn kết bạn. Là cha mẹ, cách mà chúng ta biểu lộ tình thương với con mình ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng của chúng trong việc cảm thông, hiểu biết người khác. Chúng ta kể con cái như một phần gắn liền của cuộc đời chúng ta, biểu lộ tình thương với chúng cũng như đáp ứng tình thương của chúng tới mức nào, thì con cái sẽ có khả năng xem người khác là cần thiết trong cuộc đời, trong tình bạn và trong tình yêu của chúng tới mức đó.
Tiến sĩ John G. McKensie nói: “Chắc chắn việc được yêu thương và sống yêu thương mang lại cho chúng ta cảm thức mình thuộc về một người nào đó, một cảm giác yên tâm mà vốn rất cần thiết nếu muốn có lòng tự tin. Không có lòng tin chúng ta không thể đối mặt với cuộc đời.”
Trong bài thơ (sonnet) “Những cánh cửa” (Doors), Hermann Hagedorn diễn tả cảm giác của một đứa bé không được yêu thương.
Như một em bé chạy đến cửa phòng của mẹ
Hăm hở tìm kiếm vòng tay âu yếm.
Thấy cách cửa đã đóng, rồi với gương mặt âu lo
Em gọi mẹ, qua những tiếng khóc nức nở.
Vừa gọi, vừa la vào tấm ô cửa –
Cứ thế trước cánh cửa không bao giờ mở, đau ốm và tê dại,
Tôi lắng tai để nghe được lời mà sẽ chẳng bao giờ có
Rồi cuối cùng tôi biết rằng tôi không được phép vào phòng nữa..
Sự nín lặng! Và trong sự nín lặng cùng với bóng tối
Cánh cửa đóng đó, những giọt nước mắt của tiếng khóc nức nở xa xa
Đập mạnh lên tâm hồn tôi, như biển ma
Vỗ vào những bến bờ thần tiên; và qua tiếng nức nở, hãy lắng nghe!
Xuôi theo hành lang năm tháng dọc theo những căn phòng xinh xắn
Các cánh cửa âm thầm đóng lại, từng cái một.
Thế nên đứa trẻ không được yêu suốt đời đứng trước “những cánh cửa đóng.”
Khi được hỏi có yêu thương con cái không thì chúng ta, những bậc cha mẹ, luôn trả lời: “Dĩ nhiên chúng tôi yêu các con.” Tuy nhiên chúng ta biết rằng có một câu hỏi quan trọng hơn, đó là: “Con bạn có biết rằng chúng được yêu thương không?”
Một cuộc nghiên cứu về những thiếu niên có tâm lý bất thường tại một trường trung học lớn ở Oklahoma cho thấy rằng việc nói cho con cái biết rằng chúng nó được yêu là điều quan trọng dường nào.
Trước tiên các nhân viên tư vấn làm việc một thời gian dài để chiếm được thiện cảm và lòng tin của mười học sinh mà các giáo viên cảm thấy là những em bị bỏ bê nhiều nhất, cũng là những em cá biệt nhất trong trường. Sau đó, đội tư vấn đã hỏi từng em: “Lần cuối mà cha, mẹ em nói rằng họ yêu thương em đến nay đã bao lâu rồi?” Chỉ có một học sinh nhớ lại mình đã nghe điều đó rồi, nhưng em không thể nhớ là mình đã nghe vào lúc nào.
Trái lại, các nhân viên tư vấn đã sử dụng tiến trình y như vậy với mười em mà các giáo viên cảm thấy rằng đó là những em đạt đỉnh cao nhất trong trường, đồng thời được công nhận là những lãnh đạo xuất sắc. Hết thảy, không trừ một em nào, đều chắc chắn được nghe cha mẹ nói yêu chúng trong vòng 24 giờ qua. Chúng đáp lại bằng những câu như “Sáng nay.” “Tối qua,” hoặc “Hôm qua.”
1.Tình yêu là một đáp ứng cần phải học mới có được. Chúng ta học yêu thương. Một đứa trẻ sinh ra chưa hề biết thế nào là yêu thương, nhưng lại có khả năng rất lớn để yêu thương. Một số em bé đã héo hon rồi chết khi bị từ chối tình thương. Các em khác thì lại phát triển những tính cách khác thường.
Đứa trẻ cần tình thương nồng ấm và thân mật mỗi ngày. Đứa trẻ cần bàn tay yêu thương vỗ về khi gặp lo âu cũng như nó cần thức ăn và không khí trong lành vậy. Thật ra một đứa trẻ cần tình thương nhiều nhất khi nó không dễ thương hoặc đang có nan đề.
Khi trẻ con nhận được tình thương thì nó đáp ứng lại tình thương đó và học biết bày tỏ tình thương để đáp lại. Thái độ đáp ứng này ngày càng gia tăng. Buồn thay đối với một số người, nhất là nam giới, sự đối xử dịu dàng bị xem là một điều cấm kỵ. Nhưng mạnh mẽ tức là dịu dàng. Mạnh mẽ có nghĩa là có lòng thương xót. Mạnh mẽ là yêu thương. Những kẻ nhu nhược là những con người tàn nhẫn, vô tâm và thiếu tình thương.
2. Tình yêu giữa bố mẹ ảnh hưởng đến khả năng yêu thương của con cái. Sau khi tôi nói chuyện về những mối tương quan gia đình với một số đông phụ huynh thì một người cha đến với tôi và hỏi: “Theo như tôi hiểu những gì ông trình bày tối nay thì điều lớn lao nhất mà tôi có thể làm cho con tôi là yêu thương mẹ của nó. Có đúng không ạ.?”
“Đúng vậy,” tôi đáp.
Sự nhìn biết cha mẹ yêu thương nhau đem đến cho con cái sự an tâm, bình ổn cùng với một quan niệm thiêng liêng về đời sống mà chúng không thể có được bằng bất cứ phương thức nào khác. Những đứa con nào biết rằng cha mẹ yêu thương nhau hoặc nghe cha mẹ bày tỏ những lời yêu thương đối với nhau, thì chỉ cần ít lời giải thích cũng hiểu được tính cách yêu thương của Đức Chúa Trời cũng như vẻ đẹp của phái tính.
Điều này có nghĩa là tình yêu mang tính cụ thể. Yêu thương nghĩa là trung tín thực hiện những hành động yêu thương nho nhỏ. Nó có nghĩa sự ân cần và tử tế đặc biệt, và viết thư với lời lẽ yêu thương khi xa nhà. Nó có nghĩa là thì thầm những lời yêu thương đối với vợ hay chồng mình vào tai của đứa con. Nó có nghĩa là khen ngợi nhau trước mặt con.
Trẻ con cần tình thương và muốn biết về tình thương nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Nếu tình yêu thương chân thật không có được trong gia đình thì chúng sẽ thâu lượm những ý tưởng sai trật về tình yêu từ phim ảnh, tiểu thuyết và các tạp chí khiêu dâm. Trẻ con cần xem thấy tình yêu thương chân chính của bố mẹ chúng. Một học sinh trung học đã viết: “Điều làm tăng thêm hạnh phúc của chính tôi và gia đình tôi là cách mà bố mẹ tôi thương yêu nhau.”
3. Tình thương yêu phải được bày tỏ bằng lời. Yêu thương liên hệ đến cả cuộc đời. Để giúp biến tình yêu nên thực tiễn cũng như để xem xét những ẩn ý của tình yêu, chúng ta cần bàn về một số điều cụ thể.
Tình yêu phải được truyền đạt thế nào? Chúng ta nói chúng ta cảm nhận tình yêu. Đúng vậy. Con người có thể truyền đạt tình yêu bằng nhiều cách khác ngoài lời nói. Ví dụ như nắm tay, ôm nhau, mỉm cười, vỗ vai, và nhìn sâu vào mắt của người mình yêu. Điều quan trọng cho trẻ con là chúng cần cảm nhận và biết được tình yêu giữa cha mẹ bằng phương cách không lời.
Trong gia đình chúng tôi có một mật mã không lời đơn giản mà chúng tôi dùng để truyền đạt tình yêu thương. Khi đi bên nhau tay trong tay, lúc ngồi tại bàn hay bất cứ lúc nào có vẻ thuận tiện, chúng tôi bóp nhẹ vào bàn tay của nhau ba cái ra hiệu với ý nghĩa “Bố/mẹ yêu con.” Thật dễ dàng biết bao nhưng cũng ý nghĩa biết bao. Nhiều lần trước khi đi ngủ, các con tôi đến hôn tôi chúc ngủ ngon và đưa tay ra bóp nhẹ tay tôi ba cái.
Phương cách hiệu quả nhất để dạy con biết yêu thương là làm kiểu mẫu về tình yêu. Như một nhà viết kịch xưa đã nói: “Kẻ nào không tỏ ra tình yêu thì chẳng yêu gì cả.” Nhưng tình yêu cũng cần được biểu lộ bằng lời. Một số người cảm thấy rằng lời yêu thương dành cho con cái mang tính riêng tư quá và không nên để lộ cho chúng biết. Thường thì những người như thế mâu thuẫn với chính mình khi họ không ngần ngại thốt ra những lời nạt nộ và mắng mỏ con. Để trước sau như một, chúng ta nghĩ họ cũng nên để cho con cái họ đoán luôn cả những cảm giác thất vọng lẫn không hài lòng của họ hay vì nói chúng ra. Lời yêu thương là rất cần thiết. Có nặng lắm chăng khi nói rằng tình yêu không được bày tỏ bằng lời thì không phải là tình yêu thật?
Một trong những câu nói thường nghe trong mọi gia đình, nhất là của trẻ con, là câu hỏi: “Bố/mẹ biết gì không?” Một gia đình mà tôi quen biết luôn đáp lại ngay: “Có, bố/mẹ biết cái gì rồi. Bố/mẹ yêu con.” Thật đẹp làm sao! Đứa con trai trong gia đình ấy bị bịnh nặng trong bệnh viện đến nỗi không nói được. Khi cha mẹ nó đến bên giường, họ thì thầm vào tai con: “Con biết gì không?” Cho dù cậu rất yếu ớt và không nói được, đôi mắt cậu ánh lên câu trả lời một cách rõ ràng.
4. Tình yêu thương cần phải có hành động. Nói những lời yêu thương nhưng không làm theo sự thôi thúc của tình yêu thì cũng vô ích. Một bé gái nói cách buồn bã: “Mẹ nói rằng mẹ thương con, nhưng mẹ chẳng có chút thì giờ nào dành cho con.”
Một cậu bé trai cứ xin bố nó giúp xây một nhà chơi (clubhouse) ở sân sau nhà. Cha nó hứa sẽ làm. Nhưng cứ mỗi cuối tuần, ông lại bận việc kinh doanh, chơi gôn, làm những việc cấp thiết trong nhà, hoặc bận xã giao với bạn bè.
Một hôm cậu bé bị xe hơi đụng và được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy ngập. Khi người cha đứng bên giường bệnh của đứa con hấp hối, thì điều cuối cùng cậu bé thốt lên với nụ cười là: “Này bố, con nghĩ rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ xây được nhà chơi ấy.”
Dĩ nhiên cậu bé không cần cái nhà chơi như cậu cần bố mình.
Một người cha kể lại lời khen ông nhận được từ con mình, vừa tốt nghiệp trung học và chuẩn bị vào đại học. Cậu mời bố bơi thuyền với mình. Người cha không nhiệt tình lắm với việc lao thuyền nhanh qua các ghềnh đá, mang thuyền vòng qua thác nước và sống thiếu thốn phương tiện nơi vùng hoang dã. Sau đó, ông ta giải thích: “À, tôi không giỏi bơi lội. Chuyến đi xem chừng quá nhọc nhằn. Thế nên tôi bảo con: ‘Hãy rủ một đứa bạn thân cùng đi với con dì., rồi bố sẽ trả tiền cho cả hai đứa.” Nhưng người con đáp: “Bố ơi, con không muốn đi với bạn con. Con muốn bố đi với con.” Đó là một lời khen tặng của con dành cho bố nó.
5. Yêu thương cần phải tin cậy. Rufus Mosely kể lại rằng anh được lớn lên ở một nơi xa xôi thuộc vùng núi phía nam. Đời sống ở đấy rất khó khăn. Chẳng một ai khá giả. Nhưng với sự khích lệ của cha mẹ, anh đã đoạt được một học bổng vô đại học. Vào ngày anh lên đường đi học, cha tóm tắt những lo âu cũng như kỳ vọng của mình bằng câu nói sau: “Này con, bố không biết nhiều về thế giới mà con sắp đi đến, nhưng bố tin cậy con.” Mosely nois: “Tôi không bao giờ quên các lời ấy.”
Myers và Myers trong cuốn “Gia đình tạo nên con người” (Homes Build Persons) viết rằng: “Khi cha mẹ yêu thương con cách khôn ngoan, thì họ giúp con cái cảm biết rằng tự chúng đích thực là những con người.” Muốn vậy cần phải có lòng tin cậy. Những bậc cha mẹ hay hoài nghi tạo ra những đứa con hay hành động lén lút.
6. Tình yêu đòi hỏi thái độ sẵn lòng lắng nghe. Phần lớn cha mẹ ít chịu nghe con mình nói. Cha mẹ bận rộn với gánh nặng công việc và thường mệt mỏi. Lời chuyện trò huyên thuyên của đứa con hình như không mấy quan trọng. Tuy nhiên nhờ lắng nghe chúng ta học biết nhiều điều hơn là nói – nhất là từ con trẻ.
Lắng nghe chăm chú những đau đớn nho nhỏ, những lời than phiền cũng như những niềm vui của con là cách bày tỏ tình yêu thật sự. Chú ý hoàn toàn vào lời nói và nhìn sâu vào mắt chúng khi nói là thái độ bày tỏ tình thương. Bạn có bao giờ thấy những đứa trẻ lấy tay giữ mặt bố mẹ chúng và xoay mặt họ hướng vào chúng chưa? Tuy nhiên biết bao lần cha mẹ lại nhìn đi một hướng khác khi đứa con đang nói. Biết bao lần đứa con muốn chia sẻ, nhưng bố mẹ thì cứ mãi mê đọc báo hoặc phạt con vì đã làm gián đoạn công việc của mình.
Chắc chắn có mối tương quan mật thiết giữa việc cha mẹ lắng nghe những ưu tư của con khi nó còn bé với mức độ mà đứa con sẽ chia sẻ những mối bận tâm của nó khi đến tuổi thiếu niên. Cha mẹ nào dành thì giờ để am hiểu những gì con mình nói lúc nó còn ấu thơ cũng sẽ hiểu được con mình sau này trong cuộc đời. Và cha mẹ nào biết lắng nghe khi con còn nhỏ thì về sau cũng sẽ được con lắng nghe mình nói.
7. Tình yêu có nghĩa là chia sẻ kinh nghiệm. Việc chia sẻ kinh nghiệm về công việc cũng như trong vui chơi cho con cái thấy rằng cha mẹ yêu thương và chấp nhận chúng. Trong tạp chí “Nông trường và trại chăn nuôi” (Farm and Ranch). Một người mẹ kia kể lại việc con gái bà ở tuổi thiếu niên đã tỏ ra bực tức, ngang ngạnh và hay òa khóc khi bị quở mắng nhẹ nhàng nhất.
Bà viết: “Thay vì phạt Betty và thường xuyên nhắc nhở nó về tuổi của nó, tôi quyết định dành cho nó nhiều sự giúp đỡ qua thái độ yêu thương và tán đồng. Tôi ngưng bảo con làm những bổn phận nào đó, và thay vào đó tôi bảo nó cùng làm việc và san sẻ những bổn phận của tôi. Trước đây nó đã phải rửa chén buổi tối một mình với thái độ bực bội khó chịu – giờ đây, chúng tôi làm việc ấy cùng với nhau, vừa làm vừa chuyện trò.
“Tôi đặc biệt lưu tâm đến việc thỉnh thoảng ôm lấy con để tỏ tình yêu thương và khen ngợi nó thật nồng nhiệt khi nó đáng được khen. Cả hai vợ chồng tôi đều dẹp các trò chơi tiêu khiển của riêng mình sang một bên để chơi với nó… Dần dần chúng tôi đã tìm lại được con mình.”
Kenneth E. Eble trong cuốn sách nhan đề “Một nền giáo dục hoàn hảo” (A Perfect Education) có nói rằng: “Tiếng cười, tình yêu và sự học hỏi liên hệ mật thiết nhất và lý tưởng nhất trong vui chơi.” Khi cha mẹ chỉ cho con cách thức làm việc này việc nọ, khi cả nhà cùng làm việc và vui chơi với nhau, tạo ra bầu không khí thoải mái bằng cách cùng sẻ chia với nhau những giờ phút thú vị, thì đứa con học được cách bày tỏ tình yêu.
Khi cha mẹ và con cái quây quần với nhau thì họ cảm thấy được hiệp một cảm thông để trao đổi với nhau hơn. Còn nếu cha mẹ không chơi với con cái thì con cái cảm thấy cô đơn, thiếu tình thương.
Trong những buổi hội thảo về gia đình suốt nhiều năm, tôi đã hỏi những bậc cha mẹ cũng như ông bà: “Quí vị nhớ những giờ phút tốt đẹp nào trong thời thơ ấu của mình?” Tất cả các câu trả lời đều cho thấy điều mà họ vẫn còn nhớ mãi đến ngày nay là những lúc vui vẻ mà cả gia đình quây quần bên nhau. Điều mà người ta nhắc lại cách sung sướng thường là một kinh nghiệm, dù nhỏ nhặt và dường như không quan trọng vào lúc ấy, song giờ đây lại rất đặc biệt vì việc ấy được cả gia đình cùng làm. Và cứ mỗi lần từng trải ấy được nhắc lại, thì cha mẹ con cái như cùng nhau sống lại kinh nghiệm đó. Thế nên giờ ăn, giờ ngủ, giờ rỗi rãnh, giờ làm việc, giờ vui chơi, giải trí, cùng mọi thì giờ khác dành chung cho cả gia đình cần được chúng ta tận hưởng, bởi vì tất cả những dịp này đem lại cơ hội để gia đình bày tỏ tình yêu thương với nhau.
8. Tình yêu xây dựng những mối quan hệ cởi mở và thoải mái. Lý do quan trọng nhất khiến đứa trẻ trở nên ngoan là tình yêu thương cua cha mẹ nó. Khi thiếu tình thương thì đứa trẻ mất đi động lực trở nên ngoan. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ những mối liên hệ cởi mở và thoải mái. Tình yêu thương cần phải hiện diện luôn mọi lúc và không điều kiện. Tiến sĩ David Goodman khuyên rằng: “Đừng bao giờ nói với con rằng: ‘Bố/mẹ sẽ thương cho con nếu…’ Cũng đừng nói rằng: ‘Bố/mẹ sẽ thương con, nhưng ..’ Chỉ nói rằng: ‘Bố/mẹ thương con’ cách thật lòng và chứng tỏ lời đó bằng sự vuốt ve, âu yếm, bằng sự chăm sóc, an ủi, bằng sự vui vẻ cùng tiếng cười, và mọi điều khác mà đứa con cần để cảm thấy hoàn toàn an tâm rằng nó được thương yêu.”
Tình yêu thương luôn chú ý đến con người thực sự bên dưới những trò đùa tinh nghịch của trẻ con. Tình yêu thương tìm cách để hiểu được khát vọng bày tỏ chính mình của đứa trẻ. Tình yêu thương luôn lắng nghe ngay cả khi bị thương tổn. Đứa trẻ bỏ nhà đi lang thang là đứa trẻ cảm thấy khó chịu khi sống trong tình trạng thiếu vắng tình yêu.
James L. Ilymes, Jn., đề nghị rằng cha mẹ nên yêu thương con cái mỗi ngày một cách mới y như cách chúng lớn lên mỗi ngày. Trẻ con thực sự sống bằng tình thương chứ không phải bằng nhà ở, thực phẩm hay quần áo.
9. Tình yêu thương nhận rằng con người quí hơn đồ vật. Như chúng ta đã nhận xét trước đây, dường như khó cho nhiều bậc phụ huynh học biết rằng con cái mình cảm thấy yên tâm khi chúng được thương hơn là được quà. Con cái có thể nhận được những món quà tuyệt đẹp mà vẫn cảm thấy bị ghét bỏ. Tại sao? Bởi vì chúng cần cha mẹ chứ không phải cần những món quà.
Một gia đình kia gửi đứa con trai nhỏ ở với bạn khi họ đi xa. Lúc trở về họ cho con một món đề chơi đẹp và đắt tiền. Cậu bé òa khóc, ném đồ chơi xuống sàn nhà, dẫm lên nó, làm cho nó vỡ vụn. Cha mẹ cậu đã trách mắng cậu nghiêm khắc.
Nhưng không cần phải là nhà tâm lý nhi đồng mới hiểu được điều đã xảy ra. Cặp vợ chồng này thường để con ở với bạn trong nhiều ngày. Mỗi lần như thế họ đều đem quà về. Thay vì giang rộng đôi tay ôm con mừng, họ chỉ cầm một món quà trong tay. Cậu bé cảm biết rằng mình bị mua chuộc.
Sâu xa trong lòng trẻ con khao khát tình thương. Một món quà vô tri vô giác chẳng bao giờ thay thế tình thương được.
Các bậc phụ huynh đôi khi nói: “Tôi đã làm việc khổ nhọc suốt cả đời. Tôi sẽ làm cho cuộc sống con tôi thoải mái hơn.” Những người như thế thường phá hủy chính kết quả mà họ mong muốn. Họ muốn đứa con biết rằng họ rất yêu thương nó. Nhưng họ đã cướp đi thì giờ dành cho con mình trong khi làm việc vất vả để chu cấp những thứ mà họ nghĩ sẽ làm cho con mình hạnh phúc. Đứa con cảm thấy rằng vật chất đã trở nên quan trọng hơn con người. Chúng ta không nghi ngờ về ý định tốt của những bậc phụ huynh đó, nhưng kết quả sau cùng thật đáng buồn.
Thế thì tình yêu là gì? Tình yêu là dành thì giờ cho nhau. Tình yêu là chuyện trò khi ngồi quanh bàn ăn hoặc bên lửa trại. Tình yêu là một gia đình đi dạo hoặc chạy chơi trong rừng hoặc trong công viên. Nó là niềm hạnh phúc có được do sự chơi chung. Tình yêu là nắm tay nhau thực hiện một kế hoạch nào đó. Tình yêu là chơi một trò chơi mà mọi người đều có thể tham gia và cùng vui thỏa. Tình yêu là cười vào chính mình và đem lại cho kẻ khác một cảm giác rằng mình thuộc về một ai đó. Yêu thương là nói về một mối quan tâm chung hoặc cầu nguyện với nhau. Yêu thương là lắng nghe. Nó là bất kỳ lời nói hay hành động nào tạo nên cảm giác rằng mình yêu và đang được yêu.
BÀI TRẮC NGHIỆM DÀNH CHO CÁC BẬC PHỤ HUYNH
Đánh dấu câu trả lời vào cột thích hợp: Đúng (Đ), Sai (S) hoặc Thường xuyên (T)
Đ S T | |
1. Tôi nói cho con về tình thương trong vòng 24 giờ vừa qua.
2. Cả gia đình chúng tôi làm nhiều điều chung với nhau. 3. Con tôi thấy được tự do bàn luận với tôi về những kinh nghiệm khi xa nhà. 4. Tôi dành thì giờ đều đặn cầu nguyện với con tôi. 5. Chúng tôi có một buổi tối họp mặt gia đình mỗi tuần. 6. Con cái chúng tôi biết rằng vợ chồng chúng tôi yêu thương nhau. 7. Bầu không khí trong gia đình chúng tôi là bầu không khí yêu thương. |
PHẦN THẢO LUẬN
1. Hãy thảo luận về tính sáng suốt của việc xem trọng con người hơn là vật chất.
2. Hãy ước lượng thời gian mà gia đình bạn cùng nhau đi dạo trong một tuần.
3. Hãy thảo luận câu nói: “Điều lớn lao nhất mà tôi có thể làm cho các con tôi ấy là yêu thương mẹ của chúng.”
4. Cụ thể bạn đã nói hay làm những gì trong gia đình mình để bày tỏ tình yêu của bạn dành cho con?
5. Hãy thảo luận câu: “Những cha mẹ đa nghi tạo ra những đứa con hay hành động lén lút.”
6. Có phải tình thương của bạn thường là tình yêu “có điều kiện” hay không?
7. Hãy thảo luận câu: “Tôi đã làm việc khổ nhọc cả cuộc đời tôi. Tôi sẽ làm cho cuộc sống con tôi thoải mái hơn.”
(Nguồn: Bảy Điều Cần Cho Con Em Chúng Ta, Mục sư John M. Drescher)