Công Việc Của Đức Thánh Linh Cho Thời Kỳ Cuối – P.2

Share

Công Việc Của Đức Thánh Linh Trên Cơ-đốc nhân

 

Như đã nói trong phần 1, Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, tốt lành, đầy lòng nhân từ và thương xót. Ngài “ban cho mọi người cách rộng rãi” (Gia-cơ 1:5); một cách “không tả xiết!” (2 Cô-rinh-tô 2:9). Ngài yêu chúng ta “đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Giăng 3:16). Ngài không dừng ở chỗ ban Chúa Giê-su cho chúng ta, mà Ngài còn ban cho chúng ta Đức Thánh Linh là Đấng Phù Hộ, Đấng Giúp Đỡ ở trong chúng ta và ở với chúng ta đời đời. Chúng ta đã nhận tặng phẩm là Chúa Giê-su là món quà cứu rỗi. Nhưng Đức Thánh Linh là một tặng phẩm khác vô cùng đặc biệt và cũng do Đức Chúa Cha ban cho con cái Ngài. 

Nhận biết Đức Thánh Linh là ai? Ngài có vai trò và giúp đỡ Cơ-đốc nhân như thế nào? Điều này sẽ quyết định hoàn cảnh, tương lai và số phận của Cơ-đốc nhân và Hội Thánh của chúng ta. Xin Đức Thánh Linh soi sáng mỗi người chúng con để nhận biết vai trò và công việc của Ngài trên đời sống chúng con. A-men.

3. CÔNG VIỆC CỦA ĐỨC THÁNH LINH TRÊN CƠ ĐỐC NHÂN

[bs_smart_list_pack_start][/bs_smart_list_pack_start]

Đức Thánh Linh Tái Sanh Chúng Ta

Vai trò cứu tội nhân của Đức Thánh Linh thật vô cùng quan trọng, chúng ta không thể đánh giá thấp việc này. Chúa Giê-su đã phán với Ni-cô-đem trong Giăng 3:5 như sau: 

 Thật, Ta bảo ông, nếu không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh ra, không một người nào được vào Nước Đức Chúa Trời!” Vì “Khi đến, Ngài sẽ làm thế gian nhận thức về tội lỗi, về lẽ công chính và về sự định tội 

– Giăng 16:8

Khi chúng ta giảng về ăn năn thì Đức Thánh Linh cáo trách tội nhân và họ sẽ mở mắt nhìn thấy tội lỗi mình. Sự định tội khiến tội nhân muốn được khoan hồng, ăn năn tiếp nhận tình yêu cứu rỗi của Chúa, và xin sự tha thứ. Chúa Giê-su phán trong Lu-ca 24:47, “người ta phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho tất cả các nước về sự ăn năn để được tha tội”. Sự ăn năn mở đường cho sự khoan hồng hay ân điển rồi dẫn đến phước hạnh và đời sống thay đổi. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Vậy anh em hãy ăn năn, quay về Đức Chúa Trời, ngõ hầu tội lỗi của anh em được tẩy sạch, để thời kỳ tươi mới được đến từ Chúa” (Công vụ 3:19).

Đầy dẫy Thánh Linh là điều kiện để cho khi nói về tội lỗi thì tội nhân bị cáo trách. Chúng ta thấy Giăng Báp-tít dù không đầy dẫy quyền năng Thánh Linh và không hề làm một phép lạ nào, nhưng ông được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ trong bụng mẹ (chúng ta cần phân biệt giữa sự đầy Thánh Linh và đầy dẫy quyền năng Thánh Linh). Khi còn là thai nhi trong bụng bà Ê-li-sa-bét Giăng Báp-tít có thể nhận biết Đấng Mê-si khi còn trong bụng bà Ma-ri (Lu-ca 1:39-44). Nhờ sự đầy dẫy Đức Thánh Linh lời giảng của ông có thể khiến rất nhiều tội nhân ăn năn (Lu-ca 3). Ngay cả “vua Hê-rốt sợ Giăng, biết ông là người chánh trực và thánh thiện, nên tìm cách bảo vệ ông.Vua rất thích nghe lời Giăng, dù mỗi khi nghe, Vua thường bối rối” (Mác 6:20). 

Đức Chúa Trời muốn dùng đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh của chúng ta để Đức Thánh Linh cáo trách tội nhân, vì Ngài muốn sử dụng miệng chúng ta như miệng Ngài. Đức Chúa Trời phán với Giê-rê-mi là Ngài đã lập ông làm tiên tri và đặt lời Ngài trong miệng ông để thực thi chương trình thiết lập và hủy diệt của Ngài. 

9 Rồi Đức Giê-hô-va đưa tay chạm vào miệng tôi. Đức Giê-hô-va phán với tôi: “Nầy, Ta đã đặt lời Ta trong miệng con. 10 Hãy xem, ngày nay Ta đã lập con nắm quyền trên các dân tộc, các vương quốc, Để con bứng gốc hoặc phá sập, Tiêu diệt hoặc lật đổ, Xây dựng hoặc vun trồng.” 

– Giê-rê-mi 1:10 (BTTHĐ 2010)

Lời nói của những người đầy dẫy Thánh Linh là những lời nói “quý giá hay cao trọng” là lời tôn ngợi và tôn thánh Chúa trong mọi hoàn cảnh, lời nói tích cực, không phải chỉ trích, lầm bầm, lên án, than phiền và những lời đùa vô giá trị. 

Chúa sẽ dùng miệng chúng ta như là miệng của Ngài. Chúa đã kêu Giê-rê-mi ăn năn trở lại để Ngài tiếp tục sử dụng môi miệng ông, và Giê-rê-mi đã kể lại như sau:

Nếu con ăn năn, quay về, Ta sẽ nhận con lại, Cho con đứng trước mặt Ta. Nếu con nói lời quý giá thay vì lời thấp hèn, Con sẽ trở nên giống như miệng của Ta

– Giê-rê-mi 15:19

Do đó, “Trên hết mọi sự, hãy gìn giữ tấm lòng của” chúng ta “Vì các nguồn sự sống xuất phát từ đó (Châm ngôn 4:23). Chúa Giê-su phán: “Nhưng điều gì miệng nói ra phát xuất từ trong lòng” (Ma-thi-ơ 15:18). Một người đầy dẫy Đức Thánh Linh bên trong khi nói về tội lỗi thì lời nói đó xuất phát ra với uy quyền của Đức Thánh Linh cáo trách người nghe và khiến họ bị bắt phục mà ăn năn. Điều này được chứng minh qua chức vụ của Giăng Báp-tít, Chúa Giê-su và các sứ đồ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không ngạc nhiên sẽ có một số người chống đối, vì họ “yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng vì hành vi của họ là gian ác (Giăng 3:19).

Đức Thánh Linh Giải Phóng Ban Tự Do

Trước kia chúng ta thuộc về sự tối tăm, dù đã tin nhận Chúa Giê-su, nhưng chúng ta vẫn còn chất chứa sự tối tăm. Vai trò của Đức Thánh Linh là giải phóng chúng ta khỏi mọi đồn lủy của các lối suy nghĩ thế gian và sự áp bức của Satan để trở nên những tạo vật mới trong Đấng Christ (2Cô-rinh-tô 5:17). 

Khi kiên trì sống trong lời dạy của Chúa thì Đức Thánh Linh làm cho lẽ thật giải phóng chúng ta (Giăng 8:31,32). Sứ đồ Phao-lô nói trong 2 Cô-rinh-tô 3:17 khi Chúa là Thánh Linh làm Chúa thì “Thánh Linh của Chúa ở đâu, ở đó có tự do”. Chúa Giê-su đã công bố chức vụ của Đức Thánh Linh trên sứ mạng của mình để giải phóng những người bị áp bức dưới quyền lực của ma quỷ như sau:

18 Thần Chúa ngự trên Ta; Vì Ngài đã xức dầu cho Ta; Để truyền giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ, Ngài đã sai Ta công bố cho kẻ bị tù được phóng thích, Cho kẻ mù lòa được sáng mắt, Cho người bị áp bức được giải thoát, 19 Và công bố kỷ nguyên thi ân của Chúa.

– Lu-ca 4:18,19

Chúa Giê-su phán cùng những người Pha-ri-si, “Nếu Ta nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời đuổi quỷ, thì Nước Đức Chúa Trời đã đến cùng các ông” (Ma-thi-ơ 12:28). Như vậy, khi chúng ta cầu nguyện để “Nước Cha được đến, Ý Cha được nên, Ở đất như ở trời.” (Ma-thi-ơ 6:10) trên đời sống và chức vụ chúng ta, thì Đức Thánh Linh sẽ ban và vận hành trong chúng ta những ơn quyền để giải phóng chữa lành và phục hồi những người đang sống trong sự rủa sả, bị ma quỷ lừa dối, áp bức gây bệnh tật khiến tâm trí họ bị u mê và làm cho các mối quan hệ gãy đổ.

Đức Thánh Linh Thánh Hóa Thay Đổi Đời Sống

Phao-lô giải thích cho tín hữu Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca là họ “được cứu rỗi nhờ Thánh Linh thánh hóa và nhờ tin chân lý” (2 Tê-sa 2:13). Qua đọc, học, nghe, rồi tin và làm theo Kinh Thánh, thì Đức Thánh Linh khiến đời sống Cơ-đốc nhân được thay đổi có “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, nhu mì, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22,23). Đây là những bông trái kết quả bởi Đức Thánh Linh tác động trên đời sống Cơ-đốc nhân sau khi tin nhận Chúa Giê-su. Vì họ là tạo vật mới trong Đấng Christ (Đấng Chịu Xức Dầu bởi Thánh Linh), “những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17 BHĐ). 

Đức Thánh Linh được xưng là Thần Kính Sợ Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta kính sợ Chúa đến trọn đời. Chúa hứa: 

Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới và đặt một thần linh mới trong các ngươi; ta sẽ bỏ đi tấm lòng bằng đá khỏi xác thịt các ngươi và ban cho các ngươi tấm lòng bằng thịt

– Ê-sai 11:2; Ê-xê-chi-ên 36:26; Hê-bơ-rơ 8:10

Đức Chúa Trời đặt Thánh Linh Ngài bên trong chúng ta để khi chúng ta sống nhờ Thánh Linh và bước theo Thánh Linh thì chúng ta sống đắc thắng và được tự do khỏi quyền lực của xác thịt và luật pháp mà trở nên công chính. Phao-lô nói:

16 Nếu anh chị em sống theo Thánh Linh thì sẽ không thi hành theo dục vọng xác thịt. 17 Vì bản tính xác thịt ham muốn những điều trái với Thánh Linh và Thánh Linh ước muốn những điều trái với bản tính xác thịt; hai bên chống nghịch nhau như vậy, nên anh chị em không làm được những điều mình muốn. 18 Nhưng nếu anh chị em được Thánh Linh hướng dẫn thì không lệ thuộc dưới Kinh Luật… 25 Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống thì hãy bước theo Thánh Linh.

– Ga-la-ti 5:16-18, 25

Đức Thánh Linh Là Đấng Yên Ủi Ở Trong Và Ở Với Chúng Ta Đời Đời

Con người thường bị cô đơn, ruồng bỏ, khinh dễ và bị coi thường. Khi còn ở trần gian, Chúa Giê-su đã hướng dẫn, giúp đỡ và dạy các môn đệ của Ngài; nhưng khi Ngài sắp rời họ, Ngài hứa rằng Thánh Linh là Đấng Phù Hộ hay Đấng Yên Ủi của Đức Chúa Trời sẽ đến với các môn đồ và ngự trong họ và với họ, thay thế sự hiện diện thể lý của Chúa Giê-su. Rồi Ngài ban cho họ một lời khích lệ lớn lao: 

16 Ta sẽ cầu xin Cha, Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi khác để ở với các con đời đời, 17 tức là Thần Chân Lý mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì không thấy và không biết Ngài. Nhưng các con biết Ngài vì Ngài đang ở với các con, và sẽ ở trong các con. 18 Ta không để các con mồ côi đâu, Ta sẽ đến với các con” “Và này, Ta hằng ở cùng các con luôn cho đến tận thế”

– Giăng 14:16-18 (BTT); Ma-thi-ơ 28:19

Thân thể chúng ta giờ đây là đền thờ Đức Thánh Linh đang ngự (1 Cô-rinh-tô 3:17,19). Sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong rương giao ước – đã từng chu cấp Ma-na và nước uống trong đồng vắng, rẽ sông Giô-đanh, làm sụp đổ thành Giê-ri-cô, giúp dân Y-sơ-ra-ên đánh tan mọi kẻ thù – giờ đây đang ở trong chúng ta. 

Đấng mà người của thế gian không bao giờ có được, muốn thông công cùng chúng ta (2 Cô-rinh-tô 13:14). Ngài biết tất cả mọi điều dù là sự kín nhiệm nhất trong Đức Chúa Cha và Ngài muốn bày tỏ cho chúng ta để chúng ta hiểu những ân phúc Đức Chúa Trời ban cho mình (1 Cô-rinh-tô 2:10-12). Khi có mối quan hệ mật thiết với Đức Thánh Linh như bạn thân hay như vợ chồng thì những gì Chúa Thánh Linh muốn và những gì chúng ta nói ra đều hợp nhất với nhau (Công vụ 15:28).

Đức Thánh Linh Giúp Đỡ Và Đồng Công

Từ tiếng Hy Lạp dịch ra Đấng An Ủi, Đấng Cô Vấn (được tìm thấy trong Giăng 14:16, 26; 15:26; và 16:7) là “Paraclete”. Hình thức của từ này là thụ động và ý nghĩa tượng hình của từ này nói về một người được gọi đến bên cạnh một người khác. Ở đây nói đến một khái niệm phụ giúp liên quan đến mục đích của việc kêu gọi bên cạnh để tư vấn hoặc hỗ trợ người cần nó. Đấng cố vấn này, hay Paraclete, là Chúa Thánh Linh, Ngôi Thứ Ba của Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Ngài được sai để giúp chúng ta. Ngài là một thân vị và Ngài ngự trị trong mọi tín đồ. Chúa Giê-su gọi Đức Thánh Linh là một Đấng Giúp Đỡ khác (Đấng ở bên cạnh giúp đỡ), cũng như Chúa Giê-su. Chúa Thánh Linh không khác với Đức Con về thần tánh, vì cả hai đều là Đức Chúa Trời. Hãy chú ý điều này:

Đức Thánh Linh là Đấng được Đức Chúa Trời ban cho, Ngài được kêu gọi bên cạnh để tư vấn, hỗ trợ và giúp đỡ, nhưng chỉ cho những ai kết thân với Ngài, nhờ cậy Ngài, cần Ngài và kêu cầu Ngài.

Kinh Thánh cho thấy rõ gương của Chúa Giê-su đã được Đức Chúa Trời xức dầu “bằng Đức Thánh Linh và quyền năng, rồi Ngài đi khắp nơi làm việc nhân đức và chữa lành tất cả những người bị ma quỷ áp chế” (Công vụ 10:38 BTTHĐ). Chúa Giê-su cũng “nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời đuổi quỷ” (Ma-thi-ơ 12:28). Và Ngài “cậy Đức Thánh Linh truyền dạy các sứ đồ Ngài tuyển chọn” (Công vụ 1:2). Tất cả những gì Chúa Giê-su làm đều nhờ cậy Đức Thánh Linh.

Trong thời kỳ các sứ đồ, chúng ta thấy có mẫu số chung là họ thực hành các mục vụ bằng sự nhờ cậy Đức Thánh Linh giống như Chúa Giê-su: 

  • Phúc Âm Mác đã tường thuật cho chúng ta: “Còn các môn đệ Ngài ra đi truyền giảng khắp nơi, Chúa cùng làm việc với họ và xác chứng lời họ bằng nhiều dấu lạ kèm theo” (Mác 16:20). 
  • Phao-lô khẳng định về việc mình hầu việc Chúa như sau, “chúng ta là kẻ chịu phép cắt bì thật, là kẻ cậy Thánh Linh Đức Chúa Trời mà hầu việc Đức Chúa Trời, khoe mình trong Đấng Christ, và không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ” (Phi-líp 3:3 BTT). Ông nói thêm là mình “không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy” (1 Cô-rinh-tô 2:13). Phao-lô cầu xin Chúa Cha, “nhờ quyền năng Đức Thánh Linh, tăng cường con người bề trong” của các tín đồ (Ê-phê-sô 3:16). 
  • Nhiều người không thể tranh luận với chấp sự Sê-tiên vì “họ không chống lại nổi trí khôn cùng Đức Thánh Linh mà Sê-tiên nhờ cậy để nói” (Công vụ 6:9,10)

Có sự khác biệt giữa ở với nhaucùng làm việc với nhau. Đức Thánh Linh ở trong chúng ta, nhưng Ngài có làm đồng công làm việc với chúng ta là hai việc hoàn toàn khác biệt. 

Dấu hiệu Thánh Linh đồng công với chúng ta, sẽ khiến chúng ta được ơn trước Chúa và khiến chúng ta khác biệt với tất cả những người khác. Đấng từng thông công và đồng công với Môi-se khiến ông trở thành người lãnh tụ vĩ đại, Ngài đang muốn có mối quan hệ này với chúng ta. Môi-se đã thốt lên như sau: 

15 Môi-se thưa: “Nếu chính Ngài không cùng đi, xin đừng đem chúng con lên khỏi đây. 16 Nếu Ngài không cùng đi với chúng con thì làm sao người ta biết được rằng con và dân của Ngài được ơn trước mặt Ngài? Có Ngài đi cùng thì con và dân của Ngài sẽ được phân biệt với muôn dân trên mặt đất.

– Xuất Hành 33:15-16 (TTHĐ)

Thánh Linh ở bên trong chúng ta khiến chúng ta khác biệt những người không tin Chúa Giê-su, nhưng đồng thời nếu Ngài đồng công với chúng ta thì sẽ khiến chúng ta khác biệt với những Cơ-đốc nhân không mời Ngài đồng công với mình. Mức độ mối thông công thân mật với Đức Thánh Linh sẽ phân biệt rõ điều này. Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ ý định kế hoặch của Đức Chúa Trời cách cụ thể để chúng ta và ban năng lực và chu cấp mọi điều để chúng ta cùng làm việc với Ngài. 

Đức Thánh Linh Dùng Lời Chúa Dạy Dỗ Và Soi Sáng

Đức Chúa Trời là Đấng huyền nhiệm, nhưng Ngài soi sáng chúng ta qua Lời Ngài. Tác giả Thi thiên 119:105 nói: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, Là ánh sáng cho đường lối tôi”. Kinh Thánh là Logos cũng là Chúa Giê-su. Chúng ta được Chúa Giê-su “ban cho hiểu biết sự huyền nhiệm về Nước Thiên Đàng”, nhưng những người khác thì không (Ma-thi-ơ 13:11). Môi-se đã đưa ra bí quyết là sự huyền nhiệm được giấu kín trong Lời Chúa, và sẽ được bày tỏ cho chúng ta qua Lời Đức Chúa Trời. 

Những điều huyền nhiệm chỉ có CHÚA, Đức Chúa Trời chúng ta biết, nhưng được dành cho chúng ta. Nhưng những điều đã được khải thị (soi sáng/bày tỏ), là những lời trong kinh luật này, thuộc về chúng ta và con cháu chúng ta đời đời, để chúng ta vâng giữ và làm theo 

– Phục truyền 29:29

Đức Chúa Trời đã ban cho Giô-suê bí quyết tương tự để được thịnh vượng và thành công như sau: 

Quyển sách kinh luật này chớ xa miệng con, hãy suy gẫm ngày và đêm hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong sách; vì như vậy đường lối con mới được thịnh vượng và thành công

– Giô-suê 1:8

Đa-ni-ên được chức vụ cao đứng đầu nhiều triều đại vì ông kính sợ vâng giữ Lời Chúa, không cho mình bị ô uế bởi thế gian, ông tin cậy nương nhờ nơi Chúa. Do đó 

Đa-ni-ên… có tài trí vượt bực, tri thức và sự thông hiểu để giải nghĩa chiêm bao, giải thích những điều huyền nhiệm, và giải quyết các vấn đề gút mắc

– Đa-ni-ên 5:12

Đức Chúa Trời là Đấng huyền nhiệm, Lời Ngài thì sâu nhiệm (Phục truyền 29:29). Chúng ta có thể biết và giảng dạy Kinh Thánh như người Pha-ri-si, nhưng đó là lời xác thịt không ích lợi gì cả và cũng chẳng thay đổi ai. Nhưng nếu có sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh thì Lời Chúa sẽ là lời “Thần linh và sự sống” (Giăng 6:63). Sứ đồ Phao-lô giải thích như sau:

12 Nhưng,chúng ta không nhận lấy linh của thế gian mà là Thánh Linh từ Đức Chúa Trời, để có thể hiểu được những ân tứ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. 13 Chúng tôi truyền đạt điều nầy, không nhờ những ngôn từ học hỏi được nơi sự khôn ngoan của loài người, nhưng nhờ sự chỉ dạy của Thánh Linh, dùng lời lẽ thuộc linh giãi bày những chân lý thuộc linh

– 1 Cô-rinh-tô 2:12-13 (TTHĐ)

Chúa Giê-su báo trước về Đức Thánh Linh là Đấng Phù Hộ mà Cha phái đến, “Ngài sẽ dạy dỗ mọi điều và nhắc lại cho các con nhớ tất cả những gì Ta đã truyền dạy các con”. Ngài dạy chúng ta biết Chúa Giê-su (Giăng 14:25,26). Chính Chúa Giê-su đã “cậy Đức Thánh Linh truyền dạy các sứ đồ” hiểu biết Lời Chúa (Công vụ 1;2). Do đó, khi muốn dạy dỗ và chia sẻ Lời Chúa cho ai, chúng ta cần cậy sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh. Ngài được xưng là Thần khôn ngoan, Thần hiểu biết và Thần tri thức (Ê-sai 11:2), Ngài biết tất cả mọi điều và Ngài sẽ cố vấn giúp chúng ta thoát khỏi mọi nan đề và khiến chúng ta thành công. Nếu có những vấn đề vô cùng khó khăn “không thể hiểu nổi thì phải nhờ Đức Thánh Linh mà suy xét” (1 Cô-rinh-tô 2:14).

Đức Thánh Linh Dẫn Dắt

Chúa Giê-su được Đức Thánh Linh dẫn dắt vào đồng vắng (Lu-ca 4:1). Vì Ngài biết nếu Chúa Giê-su không chiến thắng Satan nơi đồng vắng một mình thì Ngài không thể chiến thắng nó trong chức vụ giải cứu đuổi quỷ chữa bệnh nơi công cộng. Lu-ca 4:1,13-15 ghi nhận như sau:

1 Đức Giê-su đầy dẫy Thánh Linh, từ sông Giô-đanh trở về và được Đức Thánh Linh đưa vào đồng hoang,… 13 Sau khi cám dỗ đủ cách, quỷ vương lìa khỏi Ngài, chờ cơ hội khác. 14 Đức Giê-su đầy quyền năng của Đức Thánh Linh, trở về Ga-li-lê. Tiếng đồn về Ngài lan khắp các vùng lân cận. 15 Ngài dạy dỗ trong các hội đường của họ; mọi người đều ca ngợi Ngài.

Đức Thánh Linh là Thần Chân Lý và là Thần mưu lược, Ngài biết trước tương lai, Ngài biết con đường mà ma quỷ cài bẫy dụ dỗ con cái Ngài. Nhưng đồng thời Ngài cũng biết chương trình tốt lành và trọn vẹn mà Cha dành sẳn cho chúng ta. Nếu chúng ta nhờ cậy Ngài, thì Ngài sẽ hướng dẫn các con vào con đường chân lý toàn vẹn, và loan báo cho chúng ta những việc đang xảy đến (Giăng 16:13). Ngài ấn chứng trong lòng khiến chúng ta nói ra (Công vụ 15:28). Phao-lô nói: “Vì tất cả những ai được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt đều là con của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:14).

Chúng ta có thể thấy công việc dẫn dắt của Chúa Thánh Linh trong việc Ngài sai Phi-líp gặp hoạn quan Ê-thi-ô-pi, sau đó Ngài đem ông đến A-xốt, để ông giảng tất cả các thành trên con đường đến tận Sê-sa-rê (Xem Công vụ 8:26-30). Chúa Thánh Linh sai phái Phao-lô và Ba-na-ba đi truyền giáo. Ngài đóng những cánh cửa giảng Tin Lành ở Tiểu Á, nhưng mở cửa cho đoàn truyền giáo vào Mê-xê-đoan (Công vụ 13:1-3; 16:6-10)

Đức Thánh Linh Cầu Thay Và Tiếng Lạ

Những yếu đuối của chúng ta, những điều chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào hay phải cầu nguyện những gì? Thì Đức Thánh Linh là Đấng cầu thay cho chúng ta. Phao-lô nói:

26 Đức Thánh Linh cũng giúp sự yếu đuối của chúng ta; vì chúng ta không biết chúng ta nên cầu xin điều gì cho phải lẽ, nhưng chính Đức Thánh Linh cầu nguyện thay cho chúng ta bằng những lời rên xiết không nói được. 27 Đấng xét thấu lòng dạ con người biết ý tưởng của Đức Thánh Linh, vì Ngài cầu nguyện thay cho các thánh đồ theo như ý của Đức Chúa Trời  

– Rô-ma 8:26, 27

Chức năng của Đức Thánh Linh là giúp đỡ, một trong công tác Ngài làm là làm việc qua chúng ta. Do đó, khi cầu nguyện trong ngôn ngữ Thánh Linh là tiếng mới, tiếng lạ hay tiếng thiêng liêng (là các thứ tiếng loài người, thiên sứ và tiếng chỉ có Đức Chúa Trời biết) là chúng ta đồng công với Đức Thánh Linh cùng cầu nguyện với Ngài theo như ý của Đức Chúa Trời. Bởi đức tin chúng ta cầu nguyện trong sự không hiểu biết hay cầu nguyện trong sự huyền nhiệm thì Đức Thánh Linh sẽ đem lời cầu nguyện chúng ta khiến nó trở khiến thành lời cầu thay của Ngài dâng lên Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 13:1, 14:2,14)

Sứ đồ Phao-lô nói tiếng lạ rất nhiều, vì đây là một trong cách ông trò chuyện tương giao với Đức Thánh Linh, tâm linh ông nối kết với Đức Thánh Linh. Phao-lô chứng minh điều này qua lá thư gửi đến Hội Thánh Cô-rinh tô, ông nói, “tôi nói tiếng lạ nhiều hơn hết thảy anh chị em” (1 Cô-rinh-tô 14:18). Qua mối tương gia trò chuyện với Đức Thánh Linh luôn, Phao-lô nhận sự mặc khải để viết hầu hết các sách trong Tân Ước, hiểu biết huyền nhiệm của sự cứu rỗi và chạy xong cuộc chạy đua. Ông đã nói như sau:

nhờ sự chỉ dạy của Thánh Linh, dùng lời lẽ thuộc linh giãi bày những chân lý thuộc linh. Người không có Thánh Linh không nhận được những điều từ Thánh Linh của Đức Chúa Trời

– 1 Cô-rinh-tô 2:13,14

Phao-lô cũng ra lệnh cho Hội Thánh Ê-phê-sô dùng tiếng lạ cho cuộc chiến thuộc linh vì nó là vũ khí của Đức Chúa Trời ban cho họ và cho chúng ta ngày nay. Ông ra lệnh, “hãy luôn luôn cầu nguyện trong Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 6:18). Khi chúng ta cầu nguyện trong Đức Thánh Linh Khi cầu nguyện trong Thánh Linh, Ngài sẽ chỉ dẫn và sai phái chúng ta đến những nơi mà Ngài kêu gọi chúng ta (Công vụ 13:1-4)

Đức Thánh Linh Trong Sự Xức Dầu Ban Thẩm Quyền Và Quyền Năng

Đức Chúa Trời là Đấng Xức Dầu, Chúa Giê-su là Đấng Chịu Xức Dầu, còn Đức Thánh Linh là “Dầu.” Sự xức dầu Thánh Linh trên các vua, tiên tri và thầy tế lễ để họ mặc lấy thẩm quyền và uy quyền cho chức vụ mà Ngài gọi họ. Chúa Giê-su đã được xức dầu trước khi thi hành chức vụ (Lu-ca 4:18). Tương tự như thế trên các môn đệ Chúa Giê-su. 

Chúa Giê-su phán: “Ta đây, sẽ ban cho các con điều Cha Ta đã hứa (là Đức Thánh Linh); còn về phần các con, hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền năng từ trên cao” (Lu-ca 24:48-49). Sau đó, Lu-ca ký thuật lời Chúa Giê-su trong Công vụ 1:8:

Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu- đê, xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất.

Sự xức dầu không chỉ cho các sứ đồ, môn đồ nhưng đồng thời cũng dành cho tín đồ là những người tin. Mác đã tường thuật diễn tiến điều Chúa Giê-su dạy và kết quả của sự vâng lời của họ như sau:

15 Hãy đi khắp thế giới, truyền giảng Phúc Âm cho mọi người. 16 Ai tin và chịu phép báp-tem sẽ được cứu rỗi, ai không tin sẽ bị đoán phạt. 17 Những người tin sẽ được các dấu lạ này kèm theo: Họ sẽ nhân danh Ta đuổi quỷ, nói các ngôn ngữ mới, 18 bắt rắn, và nếu uống nhằm chất độc, cũng không bị hại; họ đặt tay trên người bịnh thì người bịnh sẽ được lành. 20 Còn các môn đệ Ngài ra đi truyền giảng khắp nơi, Chúa cùng làm việc với họ và xác chứng lời họ (là những người tin) bằng nhiều dấu lạ kèm theo.

– Mác 16:17,18,20

[bs_smart_list_pack_end][/bs_smart_list_pack_end]

KẾT

Trong chương trình của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Đức Chúa Cha sai phái Chúa Giê-su để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, sự tối tăm, rủa sả bệnh tật… Ngài cũng sai phái Đức Thánh Linh đến với chúng ta trước để cứu chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi, ách thống trị của ma quỷ và sự chết của cả thân thể và linh hồn. Đức Thánh Linh thánh hóa chúng ta để chúng ta có thể sống giống Chúa Giê-su. Ngài phù hộ ban thẩm quyền và quyền năng để chúng ta phục vụ Đức Chúa Trời và làm tròn những gì chúng ta được Đức Chúa Trời kêu gọi. 

Trong Cựu Ước, Ngài mặc lấy quyền phép trên cuộc đời của Giô-suê (Dân số 27:18), Vua Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 11:15), Đa-vít (1 Sa-mu-ên 16:13) vv… để họ hoàn thành những gì họ được gọi.

Trong Tân Ước, Đức Thánh Linh đầy dẫy quyền phép trên cô gái bình thường trong thôn quê là nữ đồng trinh Ma-ri để bà sinh Chúa Giê-su (Lu-ca 1:30-37), Ngài đầy dẫy và quyền năng trên Chúa Giê-su (Lu-ca 4:1,14), kế đến là trên các môn đồ sau ngày lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2). Dù Phi-e-rơ và Giăng là hai người bình thường kém học thức (Công vụ 4:13), nhưng Đức Thánh Linh đã làm việc vĩ đại qua họ. Qua Đức Thánh Linh, 

Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột trong thế gian để làm hổ thẹn những người khôn. Đức Chúa Trời đã chọn những điều yếu đuối trong thế gian để làm hổ thẹn những kẻ mạnh

– 1 Cô-rinh-tô 1:27

Chúng ta đang ở vào thời kỳ cuối cùng mà Đức Thánh Linh đang tuôn đổ. Ngài muốn làm việc trên tất cả con cái Ngài đặc biệt là những ai biết Ngài là Đấng Phù Hộ, Đấng Giúp Đỡ. Nếu chúng ta thiết lập mối quan hệ khắn khít với Đức Thánh Linh, nhờ cậy Ngài, xin sự cố vấn từ Ngài thì Ngài sẽ “dùng quyền năng tác động trong chúng ta, có thể thực hiện muôn phần hơn mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:20). 

Thomas Arnold thốt lên điều chúng ta phải suy nghĩ và tra xét chính mình:

“Người không nhận biết Đức Chúa Trời là Đức Thánh Linh, cũng không thể biết gì về Đức Chúa Trời cả.” 

 

Người Dọn Đường & Phạm Phi Phi.

(Kinh Thánh trích dẫn trong bài viết này là từ Bản Dịch Mới 2002)

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan