Đầu Tư Tâm Linh: Trách Nhiệm & Mạng Lịnh Đầu Tư Tâm Linh Cho Con Cái Của Cha Mẹ

Share

CHA MẸ GIEO TRỒNG LỐI SỐNG TIN KÍNH

Một thế hệ Phục Hưng phải bắt đầu từ một gia đình Phục Hưng.  Nước có thể uống ngon và có mùi vị ngọt khi giếng nước đó đào sâu vào đúng mạch nước ngầm bên dưới lòng đất.  Đời sống tâm linh của cá nhân của các bậc phụ huynh (cha mẹ) sâu nhiệm lời Chúa, vững vàng trong đức tin, hăng say hầu việc Chúa thì con cái mới ảnh hưởng được và sống đạo được giữa một thế giới thiếu bình an, bị nhiều áp lực và cám dỗ từ bạn bè chung quanh.  Đây là chìa khóa của sự giáo dục con cái mình thành công trong bước đường theo Chúa. “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó”  (Châm Ngôn 22:6).

Có một câu hỏi được đặt ra về vấn đề “Giáo Dục trẻ con” như sau:  “Chúng ta có nên ép buộc con cái theo hay tin vào tín ngưỡng hoặc niềm tin của mình không?

Vì đứa trẻ sẽ lắng nghe và dần hồi sẽ khám phá sự thật về những gì cha mẹ các em giảng dạy, quyết định, ngay cả luân lý và đạo đức.

Nhà tâm lý học Freud cho biết rằng:  “Khái niệm về sự đúng đắn và sự sai lầm, ông gọi là supergo thành hình ở trong đứa trẻ từ 1 đến 7 tuổi rất là quan trọng và sẽ ảnh hưởng rất lớn, sâu đậm trong cuộc đời đứa bé đó…ngay cả khái niệm lẫn quan điểm về Đức Chúa Trời (the concept of God)”.  Vì thế, tiến sĩ James Dobson đã quả quyết rằng:  Nếu bậc cha mẹ hoặc người đỡ đầu nuôi nấng muốn con cái mình có một đức tin vững vàng và đời sống có ý nghĩa trong Chúa thì hãy từ bỏ các lối sống sai lạc, vô vị.  Vì đứa trẻ sẽ lắng nghe và dần hồi sẽ khám phá sự thật về những gì cha mẹ các em giảng dạy, quyết định, ngay cả luân lý và đạo đức.  Cách sống đạo và dạy đạo cho con cái có thể đem đến hạnh phúc và thành công hay là thảm kịch và hậu quả không lường được tùy thuộc vào hạt giống mà họ gieo vào tâm trí và tiềm thức con em mình trong tuổi ngây thơ.  Đây là nguyên tắc của cuộn băng trống khi được thâu sang vào từ cuộn băng chính, thì sẽ phát ra y như sứ điệp của cuộn băng chính. Lời Thánh Kinh có chép rằng “Chớ hề dối mình Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga-la-ti 6:7).  

Là bậc sinh thành ra con em mình, việc sinh đau đỡ nặng vẫn chưa chấm dứt tại đó.  Trách nhiệm nuôi nấng, chăm sóc tinh thần lẫn tâm linh là điều tối quan trọng cho mỗi người cha và người mẹ.  Cha mẹ có thể nhìn xa hiểu rộng, từng trải đường đời, va chạm nhiều trong cuộc sống, nên có thể giúp con cái học để tránh và học để lánh những cạm bẫy, thất bại và cám dỗ của đời đem đến.  Để tránh hiểm họa, “chẩu” là thượng sách của người Trung Hoa.  Lời của Chúa trong Thánh Kinh đã dạy rằng: những “Người khôn khéo thấy trước sự tai hại, bèn họ ẩn núp mình; còn kẻ ngu muội cứ đi qua, và phải mang lấy tai vạ” (Châm Ngôn 27:12).  “Nhưng ai tìm cầu Đức Giê-hô-va hiểu biết mọi sự” (Châm Ngôn 28:5b).

CHA MẸ GƯƠNG MẪU TRONG THÁNH KINH

Đức Chúa Trời đặt tên “Cha của nhiều dân tộc” cho Áp-ra-ham với mục đích duy trì gia sản tâm linh, đức tin, và giao ước với Đức Chúa Trời.  Công tác quan trọng mà Thượng Đế giao cho Áp-ra-ham là “Đầu Tư Tâm Linh”.  “Vì Áp-ra-ham chắc sẽ được trở nên một dân lớn và cường thạnh; các dân tộc trên thế gian đều sẽ nhờ người mà được phước.  Ta đã chọn người đặng người khiến dạy các con cùng nọâi nhà người giữ theo đạo Đức Chúa Giê-hô-va, làm các điều công bình và ngay thẳng” (Sáng thế Ký 18:18,19).

Bà An-ne và chồng là Ên-ca-na đã hằng đêm ngày cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, vui lòng dâng con trai mình là Sa-mu-ên (nghĩa là Đức Chúa Trời nhậm) để hầu việc Chúa.  Không có điều gì phước hạnh cho bằng cha mẹ cầu nguyện và dâng đời sống con cái mình cho Đức Chúa Trời để Ngài toàn quyền uốn nắn và đại dụng.  Chúa rất đẹp lòng về thái độ dâng con của bà An-na cho Chúa:  “Ấy vì đứa trẻ này mà tôi cầu nguyện…tôi cũng dâng nó cho Đức Giê-hô-va; tôi cho Đức Giê-hô-va mượn nó trọn đời nó” (1 Sa-mu-ên 1:27,28).  Cả hai vợ chồng này đã dâng cho Chúa của lễ sống và thánh, dâng cho Chúa tuổi trẻ hồn nhiên và trong trằng của Sa-mu-ên.  Có ai mà lại không thương con mình, không muốn gần gũi để nâng niu chăm sóc con mình?  Nhưng, “Ên-ca-na trở về nhà mình tại Ra-ma, còn đứa trẻ ở lại phục vụ Đức Giê-hô-va trước mặt Hê-li, thầy tế-lễ” (1 Sa-mu-ên 2:11).  Điểm son mà chúng ta có thể ghi nhận ở đây qua sự đầu tư tâm linh của An-na và Ên-ca-na cho con trai mình là Sa-mu-ên là một đặc ân và phước hạnh cho những ai có tấm lòng khao khát muốn dâng con cái mình cho Chúa.

Ông Gióp trong Thánh Kinh là một người khôn ngoan, trung tín với Chúa, và kính sợ Chúa, nên Chúa đã ban phước cho ông càng bội phần hơn khi ông thật sự yêu Chúa mặc dù theo Chúa phải gặp nhiều thử thách.  “Như vậy, Đức Giê-hô-va ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang thì,…Gióp còn sống một trăm bốn mươi năm; người thấy các con trai, cháu, chít mình đến đời thứ tư.  Rồi Gióp qua đời tuổi cao tác lớn” (Gióp 42:12,16,17).

Gương của các bậc cha mẹ trong Thánh Kinh đều đầu tư tâm linh cho con cái họ từ trong lòng mẹ hay lúc còn thơ ấu.  Đây chính là nguyên tắc căn bản của sự đầu tư tâm linh.  Vì Chúa Jêsus cũng quí trọng linh hồn các em như linh hồn của người lớn, Chúa quí trọng các em như là công dân của nước Trời, và Ngài xem các em như là viên ngọc của Thiên Đàng.  Chính Chúa Jêsus đã phán cùng môn đồ rằng:  “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy” (Mác 10:14).

Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta có đầu tư tâm linh cho chính mình, con cái, cho Hội Thánh Chúa, và cho quê hương Việt Nam chưa?  Người Trung hoa có câu châm ngôn rất là thâm thúy và sâu sắc:

“Nếu bạn muốn hưởng 1 năm giàu có thịnh vượng, hãy trồng lúa gạo.

Nều bạn muốn hưởng 10 năm giàu có thịnh vượng, hãy trồng cây ăn trái.

Nếu bạn muốn hưởng 100 năm giàu có thịnh vượng, hãy trồng người.

Nếu bạn muốn hưởng sự sống đời đời nơi Thiên Đàng, hãy Đầu Tư Tâm Linh” 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan