Chúng ta có thể phục vụ Chúa với nhiều động cơ khác nhau. Có người vì danh, có người vì lợi và có người vì quyền thế. Nhưng cũng có người phục vụ vì họ là người của công việc “làm đến hết, làm đến chết”. Họ yêu mến Chúa giống như Ma-thê là có lòng tiếp đón Chúa Giê-su vào nhà, nhưng chỉ để Ngài làm khách, họ không gần Ngài và biết ý Ngài, sau đó lại phiền trách Ngài. Đây cũng có thể là một trong những động cơ khi chúng ta phục vụ Chúa với các ân tứ Thánh Linh đem sự chữa lành và giải cứu cho người khác. Dù là động cơ nào đi nữa, hay phục vụ trong lãnh vực nào đi nữa, nếu động cơ không đúng thì chúng ta sẽ bị ô uế. Chúng ta sẽ không đứng vững trước những thử thách và cám dỗ từ đó dẫn đến vấp phạm, vấp ngã, và bỏ cuộc.
Kinh Thánh trưng dẫn cho chúng ta nhiều lần về động cơ của Chúa Giê-su trong mục vụ của Ngài. Trong Phúc Âm Ma-thi-ơ 14:14, khi nghe tin Giăng Báp-tít bị chém đầu, “Chúa Giê-su rời đó xuống thuyền, đi riêng ra một nơi thanh vắng. Nghe vậy, đám đông từ các thành phố đi bộ theo Ngài. Vừa ra khỏi thuyền, thấy đám dân đông, Ngài động lòng thương xót và chữa lành những người bệnh”. Điều này cho thấy Chúa Giê-su không ngại khi dân chúng quấy rầy đến đời sống riêng tư của Ngài. Động cơ yêu thương và lòng thương xót dẫn Ngài đến hành động chữa lành cho dân chúng.
Trong Tin Lành Giăng 7:38,39 Chúa Giê-su phán: “Người nào tin Ta thì sông nước trường sinh sẽ tuôn tràn từ cõi lòng mình. Đức Giê-su nói điều nầy để chỉ về Thánh Linh mà những người tin Ngài sắp nhận lãnh”. Dòng sông trường sinh hay nước hằng sống nói về sự tuôn chảy của Đức Thánh Linh bên trong của những người tin và nó được khai phóng bởi đức tin. Dù vậy vẫn chưa đủ. Phao-lô nói: “chỉ đức tin hành động trong tình yêu thương mới ích lợi” hay có hiệu lực (Ga-la-ti 5:6b). Tình yêu thương là bông trái của Đức Thánh Linh và ân tứ Thánh Linh cũng đến từ Ngài. Như vậy Đức Thánh Linh tuôn chảy khai phóng quyền năng để tha thứ, giúp đỡ, ban cho, phục vụ, dạy dỗ, chữa lành và làm phép lạ khi chúng ta động lòng thương xót.
Lòng thương xót là chìa khóa thiên thượng để khai phóng dòng sông ân điển và quyền năng thiên thượng đến cho người cần thiết.
Chữ lòng thương xót trong tiếng Hy-lạp là σπλαγχνίζομαι (Splagchnizomai) là động từ. Có nghĩa là động lòng trắc ẩn, cảm thấy thương hại và động lòng thương xót. “Splagchnizomai” là lòng trắc ẩn, lòng thương xót của Đức Chúa Trời khuấy dậy bên trong chúng ta bởi Thánh Linh. Ngài khai phóng ân điển quyền năng tuôn chảy qua hành động chúng ta đem đáp ứng nhu cầu cho người có cần. Động lòng thương xót không phải chỉ là cảm xúc mà từ cảm xúc đi đôi với hành động. Chúng ta hãy xem Kinh Thánh mô tả chữ “động lòng thương xót” đem đến những hành động gì trong bốn sách phúc âm?
1. Động lòng thương xót là tha thứ
Một người có lòng thương xót hay động lòng thương xót sẽ dễ dàng tha thứ lỗi lầm và sự vi phạm mà những người chung quanh làm tổn thương mình. Người này là người mang lấy bản tính yêu thương, nhân từ, chậm nóng giận và hay tha thứ của Đức Chúa Trời. Họ không chấp nhận tội lỗi nhưng tha thứ và cảm thông tội nhân để cứu họ thoát khỏi sự hư mất. Chúa Giê-su để lại cho chúng ta một gương khi người ta đem đến Ngài người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa Giê-su đã cứu bà khỏi bị ném đá của người Do Thái. Ngài không định tội bà, nhưng bảo bà là: “Ta đây cũng không kết tội chị đâu; về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!” (Giăng 8:11). Kinh Thánh còn cho chúng ta thêm những thí dụ như sau:
– Trong sách Ma-thi-ơ 18:27 một người đầy tớ mắc nợ vua một số tiền quá lớn không trả nổi. “Vua động lòng thương xót, thả người đầy tớ ấy ra và tha hết nợ”.
– Khi đứa con hoang đàng phá của ăn năn trở về nhà thì “khi nó còn ở đàng xa, người cha thấy nó thì động lòng thương xót, liền chạy ra ôm cổ nó mà hôn”. Ông tha thứ và phục hồi đứa con trai hoang đàng của mình (Lu-ca 15:20).
Động lòng thương xót là tha thứ và phục hồi nhưng không có sự định tội
2. Động lòng thương xót là tận tâm giúp đỡ, chăm sóc và ban cho
Người phục vụ Chúa phải mang tấm lòng thương xót của Ngài và phải được thể hiện qua sự giúp đỡ mang tính thực tế như câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành. Do đó, phục vụ tôn giáo không phải là phục vụ Chúa.
Người phục vụ tôn giáo như thầy tế lễ và người Lê-vi, trong Lu-ca 10, khi thấy một người bị cướp và bị đánh nằm dọc đường, thì chỉ nhìn xem mà chẳng làm gì cả vì họ sợ nếu đụng đến người bị thương mình sẽ bị ô uế không thể phục vụ trong đền thờ. Họ cho rằng công việc phục vụ tôn giáo cao trọng hơn con người. Nhưng ngược lại người Sa-ma-ri đã vượt qua sự bận rộn, hàng rào chủng tộc, sự kỳ thị và ông không tính toán sự tốn kém sẳn sàng giúp đỡ người bị nạn đến cùng. Chúa Giê-su kể là có một “33 người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy nạn nhân, động lòng thương xót, 34 áp lại, băng bó vết thương,thoa dầu, bóp rượu; rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, chở đến quán trọ săn sóc. 35 Hôm sau, người ấy lấy hai đồng đê-na-ri đưa cho chủ quán và dặn: ‘Hãy săn sóc nạn nhân, tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả cho!’” (Lu-ca 10:33-35).
Người cha có đứa con bị quỷ ám đã nhiều lần quỷ ném cháu vào lửa, vào nước, để giết cháu đi. Ông kêu nài Chúa Giê-su: “Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, xin thương xót chúng tôi và giúp cho!” (Mác 9:22 22 BHĐ). Chúa Giê-su đã động lòng thương xót và giải cứu đứa bé trai này khỏi quỷ ám.
Mục đích Chúa Giê-su đến thế gian là “tìm và cứu kẻ bị hư mất” (Lu-ca 19:10). Ngài phán: “Hãy đi và học cho biết ý nghĩa câu này: “Ta chuộng lòng thương xót hơn vật tế lễ!” Vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng gọi người tội lỗi.” (Ma-thi-ơ 9:13). Khi chúng ta coi trọng giáo nghi, giáo điều và giáo quyền hơn con người, chúng ta trở nên kẻ chống lại Đức Chúa Trời.
Động lòng thương xót là tận tâm phục vụ con người chứ không phục vụ tôn giáo
3. Động lòng thương xót là dạy dỗ và đào tạo môn đồ
Người động lòng thương xót có tầm nhìn xa không chỉ đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người khác, nhưng họ hiểu rằng sở dĩ nhiều người sống trong sự lưu lạc và hủy diệt vì thiếu hiểu biết (I-sa 5:13; Ô-sê 4:6). Vì thế, người động lòng thương xót sẽ dành thời gian dạy dỗ cho nhiều người có sự hiểu biết để họ không sống trong lầm lạc và bị Satan cướp, giết và hủy diệt. Chúa Giê-su đã cho chúng ta gương của Ngài như sau “Vừa ra khỏi thuyền, Ngài thấy đoàn dân đông đúc thì động lòng thương xót, vì họ như chiên không có người chăn. Ngài bắt đầu dạy họ nhiều điều” (Mác 6:34).
Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-su cho chúng ta là “Vậy, hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ Ta…. và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con (Ma-thi-ơ 28:19,20). Vì khi dân sự vâng lời Chúa sẳn sàng mang ách của Chúa Giê-su và học theo Ngài, thì tâm hồn họ sẽ tìm được yên nghỉ (Ma-thi-ơ 11:29). Cơ đốc nhân cần được dạy dỗ và đào tạo thành môn đồ để họ được “cứu chuộc khỏi mọi điều gian ác và tẩy sạch để biến… thành một dân tộc thuộc riêng về Ngài, một dân sốt sắng làm các việc lành (Tít 2:14).
Động lòng thương xót là bỏ công sức dạy dỗ và đào tạo môn đồ để họ trở nên một dân sốt sắng làm các việc lành
4. Động lòng thương xót là cầu nguyện và vượt qua mọi cản trở để giảng Tin Lành
Trong Ma-thi-ơ 9:36-38, Chúa Giê-su “36 nhìn thấy đoàn dân đông đảo, Ngài động lòng thương xót, vì họ bị hà hiếp và khốn đốn như đàn chiên không người chăn. 37 Ngài bảo các môn đệ: Mùa gặt thật trúng, nhưng thợ gặt thì ít. 38 Vậy, hãy cầu xin Chúa mùa gặt sai thêm thợ gặt vào đồng lúa của Ngài”. Sau đó trong đoạn kế tiếp Chúa Giê-su gọi mười hai môn đệ đến và ban cho quyền uy để đuổi tà linh và chữa lành mọi bệnh tật. Ngài sai họ ra đi giảng về Nước Thiên Đàng (Ma-thi-ơ 10:1-5).
Tình yêu và lòng thương xót đã khiến Chúa Giê-su không chỉ nhìn bề ngoài tốt đẹp, nhưng thấy dân chúng bị ma quỷ “hà hiếp và khốn đốn như đàn chiên không người chăn”. Đây là động cơ Chúa Giê-su thức thâu đêm cầu nguyện (Lu-ca 6:12). Trời còn mờ mờ sáng, Ngài dậy đi vào nơi vắng vẻ cầu nguyện (Mác 1:35). Chúa Giê-su coi việc giảng Tin Lành là thức ăn quan trọng hơn cả thức ăn thuộc thể. Ngài nói, “Thức ăn của Ta là tuân theo ý muốn của Đấng đã sai Ta và hoàn thành công việc Ngài” (Giăng 4:31-34). Chúa Giê-su đã chuyển giao động cơ động lòng thương xót của Ngài cho chúng ta với sứ mạng “đi khắp thế giới, truyền giảng Phúc Âm cho mọi người” (Mác 16:15,16).
Động lòng thương xót vượt qua mọi giới hạn, nhu cầu ăn ngủ để chuyên tâm cầu nguyện và rao giảng Tin Lành.
5. Động lòng thương xót là khai phóng sự chữa lành và phép lạ
Như đã nói trên, khi Chúa Giê-su “động lòng thương xót” thì Ngài bày tỏ quyền năng chữa lành cho những người bệnh (Ma-thi-ơ 14:14). Khi Ngài động lòng thương xót bèn rờ đến mắt hai người mù thì họ “thấy được và đi theo Ngài” (Ma-thi-ơ 20:34 BTT). Tương tự như thế lúc người bị bệnh phung đến quỳ xuống Chúa Giê-su, khẩn cầu Ngài: “Nếu Thầy muốn, Thầy có thể chữa tôi lành”. Chúa Giê-su “động lòng thương xót, đưa tay sờ người và bảo rằng”: “Ta muốn, hãy lành đi.” Thì lập tức bịnh phung biến mất, người phung này được chữa lành (Mác 1:41,42).
Có một đám đông theo Chúa Giê-su nghe Ngài giảng dạy, họ đói bụng. Chúa Giê-su gọi môn đệ đến bảo: “Ta cảm thương (động lòng thương xót) đoàn dân này vì đã ở với Ta ba ngày rồi mà không có gì ăn cả. Ta không nỡ tâm để họ đi về bụng đói, e bị xỉu dọc đường chăng.” Sau đó Ngài làm phép lạ hóa bảy cái bánh vài con cá cho 4000 người ăn chưa kể đàn bà và trẻ em. Họ ăn còn dư lại 7 giỏ (Ma-thi-ơ 15:32).
Một hôm, Chúa Giê-su đi vào một thành tên là Na-in, Ngài thấy bà góa có đứa con trai chết “Chúa động lòng thương xót, bảo bà là “Đừng khóc nữa!” và Ngài đã khiến đứa trẻ sống lại (Lu-ca 7:13).
Mỗi khi chúng ta phục vụ, ban cho, giúp đỡ, dạy dỗ, chữa bệnh hay làm phép lạ với động cơ “động lòng thương xót’ thì Đức Thánh Linh sẽ đồng công với chúng ta. Ngài “là Đấng dùng quyền năng tác động trong chúng ta, có thể thực hiện muôn phần hơn mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:20).
Động lòng thương xót sẽ khai phóng chúng ta thành con người có phép lạ của Đức Chúa Trời
Làm sao để động lòng thương xót được thể hiện qua chúng ta?
Chúa Giê-su phán: “Phước cho những người có lòng thương xót; Vì sẽ được thương xót!” (Ma-thi-ơ 5:7). Chúng ta càng thương xót người khác thì càng được Chúa thương xót mình. Mức độ lòng thương xót của con người khác với lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương (1 Giăng 4:8). Chúng ta không thể “động lòng thương xót” như Chúa Giê-su đã có, nếu chúng ta không xin Cha ban cho mình tấm lòng của Ngài. Chúa Giê-su phán “Người nào thấy Ta là đã thấy Cha (Giăng 14:9). Chúa Giê-su là Đấng “giải bày Đức Chúa Trời cho chúng ta” (Giăng 1:18), để chúng ta thấy được tình yêu và lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Tương tự như thế, khi chúng ta phục vụ với tình yêu và lòng thương xót thì nhờ đó mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Giê-su (Giăng 13:35).
Cơ-đốc nhân không thể phục vụ Chúa cách hiệu quả đúng mức nếu chúng ta chưa thấy những gì Chúa thấy và không động lòng thương xót như chính Ngài, cho đến khi cặp mắt tâm linh của chúng ta được mở ra để chúng ta thấy như chính Chúa thấy và lòng chúng ta cảm nhận những gì Chúa cảm nhận. Chúa Giê-su nói về chức vụ của Ngài như sau: “Thật vậy, Ta bảo các người: Con chẳng tự mình làm gì, trừ những việc Con thấy nơi Cha, vì điều nào Cha làm thì Con mới làm!” (Giăng 5:19). Ngay cả trong sự giảng dạy của Ngài cũng vậy, Chúa Giê-su phán: “Ta truyền lại những gì Ta thấy nơi Cha” (Giăng 8:38). Khi nghe tin La-xa-rơ bệnh nặng Chúa Giê-su không đi đến đó chữa lành cho ông ngay. Nhưng Ngài chờ La-xa-rơ chết bốn ngày, thân thể bị hôi thúi thì Ngài đến mới đó kêu La-xa-rơ sống lại. Lý do Ngài đến trể là “việc xảy ra để Đức Chúa Trời được hiển vinh và Con của Ngài cũng nhờ đó được hiển vinh!” (Giăng 11:3,4).
Khi được tái sinh, mắt tâm linh chúng ta mở ra và bắt đầu “thấy Nước Đức Chúa Trời!” (Giăng 3:3). Tuy nhiên muốn bước đi trong đường lối Chúa chúng ta cần phải đọc Lời Chúa để nhìn “thấy những điều diệu kỳ trong kinh luật của Ngài” (Thánh thi 119:18). Nhờ đó đó chúng ta có thể đi trong đường lối Ngài, theo chân lý Ngài (Thánh Thi 86:11). Hãy cầu nguyện để Chúa lấy cái vảy ra khỏi mắt tâm linh của mình (Công vụ 9:18). Hãy xin Chúa mở mắt chúng ta như Phao-lô đã cầu nguyện: “Tôi cầu xin Đức Chúa Trời của Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta, chính Cha vinh quang ban cho anh chị em tâm linh khôn ngoan và được khải thị để nhận biết Ngài. Soi sáng con mắt trong lòng anh chị em để hiểu thấu niềm hy vọng của ơn Ngài kêu gọi là gì” (Ê-phê-sô 1:17,18).
Khi có mắt tâm linh khôn ngoan và được khải thị, chúng ta sẽ bước đi trong sự kêu gọi và trong thời điểm của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ thấy những điều Chúa thấy, nói những điều Chúa nói và làm những gì Ngài muốn làm. Đồng thời chúng ta sẽ thấy uy quyền trên bất cứ điều gì Chúa giao cho chúng ta. Uy quyền để “bất cứ điều gì buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời; bất cứ điều gì mở dưới đất, thì cũng sẽ mở trên trời.” (Ma-thi-ơ 16:19). Qua sự cầu nguyện và phục vụ của chúng ta thì ý Cha được nên, vương quốc Cha được thể hiện ở đất cũng như ở trên trời (Ma-thi-ơ 6:10).
Kết:
Chúa Giê-su Christ, Đấng động lòng thương xót, Ngài đã với đến nhân loại bày tỏ lòng thương xót của Đức Chúa Trời trong nhiều lãnh vực khác nhau, Ngài công bố:
Thần của CHÚA ở trên Ta; Vì CHÚA đã xức dầu cho Ta; Đặng loan báo tin mừng cho những kẻ nghèo khổ. Ngài sai Ta đi băng bó những tấm lòng tan vỡ; Công bố tự do cho những kẻ bị tù đầy; Loan tin phóng thích cho những người bị xiềng xích; Công bố năm thi ân của CHÚA (I-sa 61:1,2).
Chúa Giê-su là sự trả lời cho cội rễ vấn nạn tâm linh và hậu quả tội lỗi trong xã hội của con người. Ngài mang hy vọng đến với những người không còn gì để hy vọng. Ngài tuyên bố sự tha thứ của Đức Chúa Trời, nơi mà con người bị hành hạ và lên án bởi tội lỗi. Ngài đem sự chữa lành thể xác và tâm hồn nơi ma quỷ áp bức. Ngài ban bánh và nước cho người đói khát. Ngài dạy dỗ Lời Đức Chúa Trời để con người không sống trong tối tăm lầm lạc, nhưng bước đi trong ánh sáng sự sống.
Chúa Giê-su phán: “Như Cha đã sai phái Ta, giờ đây Ta cũng sai phái các con!” (Giăng 20:21). “Thật vậy,Ta bảo các con: Người nào tin Ta, thì cũng sẽ làm những việc Ta làm, và còn làm những việc vĩ đại hơn nữa, vì Ta trở về cùng Cha” (Giăng 14:12). Chúa Giê-su đã về trời, nhưng Ngài hứa Đức Thánh Linh đã từng ở trong Ngài và làm việc vĩ đại qua Ngài sẽ được ban cho chúng ta. Đức Thánh Linh hiện nay đang ở trong chúng ta. Ngài không thiếu quyền năng, nhưng Ngài thiếu những người động lòng thương xót để Ngài làm việc quyền năng qua họ. Chúng ta đang bị thách thức bởi mạng lệnh của Chúa Giê-su là “Hãy có lòng thương xót như Cha các con là Đấng có lòng thương xót” (Lu-ca 6:36). Có như thế chúng ta sẽ phục vụ trong quyền năng vô hạn của Đức Thánh Linh, không bị ô uế, có thể đứng vững không bị vấp phạm, vấp ngã, và bỏ cuộc.
Chúng ta được Chúa cứu và kêu gọi tiếp tục chức vụ Chúa Giê-su trên đất. Chúng ta là mắt, tai, miệng, đôi bàn tay, đôi chân, và trái tim Ngài trên đất. Do đó, “đêm đã khuya, ngày gần rạng. Vậy chúng ta hãy vứt bỏ những công việc đen tối, mặc lấy áo giáp sáng láng” (Rô-ma 13:12). Hãy có đồng một tâm tình và tấm lòng thương xót của Đấng Christ, nhờ cậy Đức Thánh Linh hầu việc Đức Chúa Trời để đem “Phúc Âm về Nước Đức Chúa Trời… truyền giảng khắp thế giới để làm chứng cho muôn dân”. Vì mùa gặt đã chín, phục hưng hiện đến và sự tận thế đã gần kề (Ma-thi-ơ 24:14). A-men.
Cầu nguyện:
Xin Cha tha thứ cho con đã sống quá ích kỷ, định kiến, thiếu tình yêu thương và lòng thương xót. Xin Cha giải phóng con khỏi sự lên án kết tội nhau và ban cho con biết động lòng thương xót như chính Cha trên Trời. Xin khiến con dễ dàng tha thứ cho người khác, tận tâm giúp đỡ, chăm sóc và ban cho, sốt sắng dạy dỗ và tạo môn đồ; xin giúp con cầu nguyện và vượt qua mọi cản trở để giảng Tin Lành với dấu kỳ phép lạ. Xin mở mắt con để thấy điều Cha muốn làm và có đức tin cùng sự can đảm đồng công với Ngài. Con tin là con sẽ thấy Đức Thánh Linh khai phóng quyền năng lớn lao qua con. Nguyện Ba Ngôi Đức Chúa Trời được vinh hiển qua những công việc phục vụ từ lòng thương xót trong con. Nhân Danh Chúa Giê-su Christ A-men.
Người Dọn Đường
(Ngoại trừ ghi chú về bản dịch, các câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Bản Dịch Mới 2002)