Vào thứ Sáu ngày 14 tháng 4 năm 2023, nhà huy động công tác truyền giáo là George Verwer, 84 tuổi, đã về với Cứu Chúa và Chủ của chúng ta sau hai tháng chiến đấu với bệnh ung thư Sarcoma. Ông để lại vợ là Drena và ba người con là Ben, Daniel và Christa.
Tuổi thơ
George Verwer Jr. sinh ngày 3 tháng 7 năm 1938, ở Ramsey, New Jersey, trong gia đình có cha mẹ là người Hà Lan nhập cư rất yêu thương con trai của họ, gia cảnh ổn định và không quá nghiêm khắc.
Cuộc sống luôn vui vẻ, George đã có một cuộc sống trọn vẹn. Ông không nhớ một ngày buồn bã nào trong tuổi thơ của mình. Ông nghĩ mình là một vận động viên thể thao hấp dẫn hồi tiểu học, mặc dù ông không giỏi mấy để tiếp tục trở thành vận động viên trung học phổ thông.
Sự tinh nghịch trong kinh doanh của ông đã thể hiện rõ ràng ngay từ khi còn nhỏ. Ông là đứa trẻ đã từng đốt cháy khu rừng địa phương, nhưng cũng bắt đầu kinh doanh bình chữa cháy của riêng mình bên cạnh công việc thu thập tem gửi qua bao thư.
Có lần, ông đã ấp ủ một kế hoạch mua và sau đó bán những tạp chí “dành cho phụ nữ” để kiếm lời – mặc dù ông chưa bao giờ làm được. Ông chống lại việc uống rượu, nhưng ông thích đi chơi và khiêu vũ, thức suốt đêm để nghe các bản nhạc mới nhất từ những năm 1950. Ông có nhiều bạn gái, nhưng ông muốn giữ mình “trong sạch” và không đi quá xa. Ông luôn kể chuyện dí dỏm và có thể khiến bạn học cùng trường cười phá lên. Mỗi năm, ông đi bộ về nhà với rất nhiều tiền mặt vào “Đêm Khờ Dại” (một đêm trước Lễ Halloween), lúc cửa sổ bị vỡ và mọi thứ bị đánh cắp.
Cải đạo
Nếu hỏi George có phải là Cơ Đốc Nhân không, có lẽ ông sẽ nói là phải. Vào các Chúa Nhật, mẹ đưa ông đi nhóm tại Hội Thánh Cải Chánh ở Hoa Kỳ (người cha vô tín của ông thì ở nhà), nhưng ông không được nghe giảng Kinh Thánh từ bục giảng của Hội Thánh chính thống này. Đối với ông, đó là một câu lạc bộ xã hội còn hơn ngoài đời.
Nhưng có người đã bắt đầu cầu nguyện cho George. Dorothea Clapp và gia đình bà đã sống đối diện trường trung học phổ thông, con trai của bà là Danny từng làm chủ tịch Hội học sinh trong năm nhất của George. Trong mười bảy năm, bà Clapp đã trung tín cầu nguyện cho học sinh của trường trung học Ramsey biết Chúa. Khi George Verwer trở thành sinh viên năm thứ hai rơi vào sóng ra-đa của bà, thì bà đã đưa ông vào danh sách cầu nguyện của mình (bà gọi đó là “danh sách thăm viếng của Đức Thánh Linh”) rồi cầu nguyện để ông sớm tin cậy Đấng Christ và một ngày nào đó sẽ trở thành giáo sĩ. Bà có một quyển Phúc âm Giăng của Liên đoàn Kinh Thánh Bỏ túi, và gửi nó cho ông qua đường bưu điện như một món quà. George đọc đi đọc lại suốt cả năm, nhưng chẳng mấy hiệu quả.
Một ngày nọ, ông ở tiệm tạp hóa để mua tạp chí phụ nữ, thì để ý thấy tạp chí đăng bài đặc biệt về nhà truyền giáo 35 tuổi tên là Billy Graham. George đã mở tạp chí ra đọc, thì mới biết Graham là một người đặc biệt.
Vào mùa xuân năm 1955, một người đàn ông sống cùng dãy phố với George đã mời ông dự một sự kiện ở thành phố New York, lúc đó Graham là diễn giả khách mời tại lễ kỷ niệm lần thứ 15 của Lời Sự Sống tại Madison Square Garden, do người sáng lập Lời Sự Sống cũng là nhà truyền giáo Jack Wyrtzen tổ chức.
Vào ngày 3 tháng 3 năm 1955, George và một vài người khác – bao gồm một cô gái học cùng trường và trường Chúa Nhật với ông – đã lên xe buýt đi 30 dặm đến sân vận động Madison Square Garden ở Manhattan.
Khi George lên xe buýt vào chiều thứ Năm hôm đó, ông không hề nghĩ đến việc trở thành Cơ Đốc Nhân. Nhưng đến cuối bài giảng, Graham đưa ra lời kêu gọi, khuyến khích người nghe tiến lên quyết định tin Chúa. Nhưng George không di chuyển. Khi những người khác bắt đầu đi qua lối đi, Billy tiếp tục nài xin họ tiến lên trong lúc bài thánh ca “Just as I Am” cất lên làm nhạc nền. George bắt đầu bị cáo trách về tội lỗi và cảm biết được sự hư mất của mình. Ý nghĩ tràn ngập trong đầu ông là: “Đây là chân lý; mình đã tìm được rồi; đây là điều quan trọng nhất trong cuộc đời”. Ông và cô gái đi cùng đều tiến lên trong đêm đó để tiếp nhận Đấng Christ. Cuộc đời của ông không còn như xưa nữa.
George thấy đức tin của mình gần như bị cám dỗ ngay lập tức. Khi họ tiến ra khỏi sân vận động Madison Square Garden vào đêm hôm đó với tư cách là những người tin Chúa được tái sinh, thì một thành viên trong băng đảng đường phố đã nói gì đó với George khiến ông phải đáp lời. Hắn ta nhanh chóng hạ gục George. Một thủ lĩnh băng đảng gọi thành viên của mình dừng lại, còn George cảm biết được ân điển của Chúa. Sau này, George kể lại rằng ông thường xuyên bị hạ gục trong cuộc đời – rất thường xuyên bị hạ gục bởi “mê tham của mắt” – nhưng Chúa đã luôn gìn giữ và nâng đỡ ông.
Mãi cho đến vài ngày sau, George mới cảm biết được sự cứu rỗi chắc chắn khi đi ngang qua một cánh đồng để lên xe buýt đến trường, nhờ có quyển sách nhỏ nổi tiếng của George Cutting, An ninh, Chắc chắn và Vui sướng cho Cơ Đốc nhân. Sau đó, ông tiếp tục đọc quyển sách bán chạy nhất của Billy Graham là Bình an với Chúa: Bí quyết hạnh phúc (xuất bản năm 1953), ông đã nhận được nhiều nền tảng thần học từ các bài giảng và ấn phẩm của Graham.
Nhà truyền giáo
Khi Đức Chúa Trời cải đạo George Verwer, Ngài không chỉ tạo nên một con người mới, Ngài còn tạo ra một nhà truyền giáo nữa. Vào năm cuối cấp, ông được bầu làm Chủ tịch Hội học sinh, ông đã sử dụng vị trí này để phân phát 1,000 quyển Phúc Âm Giăng. Ông cũng bắt đầu phát sách Cơ Đốc miễn phí – một thói quen mà ông đã tiếp tục trong gần 70 năm sau đó. Cá nhân ông đã cho đi hàng trăm ngàn quyển sách với hy vọng đạt mốc một triệu quyển sách cho cá nhân. Nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, George đã thấy một số bạn cùng lớp tiếp nhận Chúa qua tinh thần sốt sắng kêu gọi người khác tiếp nhận Tin Lành.
Giáo sĩ
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông đã vào trường Cao đẳng Maryville, một trường cao đẳng dân lập Cơ Đốc ở Tennessee. Qua học kỳ đầu tiên, ông nảy ra một ý tưởng: ông có thể quay lại trường trung học Ramsey trong Lễ giáng sinh và tổ chức một sự kiện ở trường cũ của mình.Ngạc nhiên thay, trường trung học công lập đã đồng ý, cả khán phòng chật kín 600 học sinh. George Verwer Sr. thậm chí còn đến tham dự để ủng hộ nỗ lực mới của con trai mình.
Khi đến giờ kêu gọi người nghe tiếp nhận Chúa, George đã rất ngạc nhiên khi thấy 125 học sinh đứng lên bày tỏ khao khát tiếp nhận Đấng Christ. Đáng ngạc nhiên nhất là George Sr. đã đứng lên trong số đó. Cha của ông đã trở thành “anh em đồng đức tin” của ông.
Cuối năm đó, George vô cùng sửng sốt khi biết rằng cứ 10 người ở Mexico thì 7 người không có Kinh Thánh. Giải pháp dường như rất rõ ràng đối với George là: ông cần đến đó và phát Kinh Thánh cho họ. Bạn của ông là Dale Rhoton nói rằng ông sẽ cầu nguyện với George về điều này. Sau khi họ quỳ gối cầu nguyện cùng nhau trong vài phút, George quay sang Dale và hỏi rằng: “Cậu sẵn sàng đi chưa?” Dale trả lời: “George, phải mất một thời gian nữa”. George chán nản và bối rối: “Tại sao mọi người mất nhiều thời gian để nhận ra điều này như vậy?”
Vào mùa hè năm 1957, George và Dale cùng với một người bạn là Walter Borchard – cả hai đều 18 tuổi – bán tài sản của mình, chất lên chiếc xe tải Dodge đời 1949 những quyển truyền đạo đơn và 1,000 quyển Phúc Âm Giăng bằng tiếng Tây Ban Nha, rồi lái xe đến Mexico. Họ gọi mục vụ của mình là “Gửi Tia Sáng” được thành lập hợp pháp một năm sau đó. Họ trở lại Mexico vào mùa hè năm 1958 và 1959.
Vào thời điểm này, George đã chuyển đến Trường Kinh Thánh Moody ở Chicago. Ông gặp và bị thu hút bởi một phụ nữ trẻ tên là Drena. Trong lần gặp đầu tiên, ông nói với bà là: “Chắc là chúng ta không có gì đâu nhỉ, nhưng anh sẽ trở thành giáo sĩ, nếu em cưới anh, em sẽ bị bộ tộc ăn thịt người ở New Guinea ăn thịt”.
Cả hai đã kết hôn với nhau ở Milwaukee vào năm 1960 sau khi George tốt nghiệp. Họ bỏ qua tuần trăng mật và đi thẳng đến Mexico để thực hiện công tác truyền giáo. Họ đã cam kết không chi bất kỳ khoản tiền nào. Khi đến Wheaton, George đã đưa chiếc bánh cưới của mình cho nhân viên trạm xăng để mua xăng. Người công nhân là một Cơ Đốc Nhân đã đổ đầy bình xăng và không lấy bánh của hai người. Nhưng đến trạm xăng tiếp theo, người nhân viên đã lấy bánh để họ đổi lấy xăng. Cả hai đến Mexico mà không tốn một xu nào cả.
Huy động Truyền giáo
Đến năm 1960, George và những người bạn của ông chuyển sự chú ý của họ sang châu Âu, tìm cách huy động các Hội Thánh địa phương thực hiện công tác truyền giáo toàn cầu do người bản địa chứ không phải các giáo sĩ hải ngoại lãnh đạo. Đến năm 1963, họ mở rộng công tác sang Ấn Độ và Trung Đông, rồi vào năm 1970, mục vụ – nay được gọi là Huy động Truyền giáo (OM)—đã mua con tàu đầu tiên.
Ngày nay, OM có mặt tại hơn 85 quốc gia (bao gồm châu Mỹ Latinh, Trung Á, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, Trung Đông và châu Âu). Họ có khoảng 3,500 công nhân và ước tính có hơn 125,000 người đã tham gia vào hoạt động truyền giáo của OM.
Chương cuối cùng
George Verwer chuyển giao quyền lãnh đạo OM vào năm 2003 khi được 65 tuổi. Nhưng ông không “nghỉ hưu”. Ngay cả ở độ tuổi 70 và 80, Verwer vẫn còn sức lực của một người bằng nửa tuổi mình. Ông mặc áo khoác hình quả địa cầu đặc trưng của mình, nói chuyện bên cạnh (và thường cầm) một quả địa cầu được thổi phồng lên như một thí dụ trực quan, tìm mọi cách thúc đẩy học sinh đọc và cầu nguyện, chia sẻ và đi ra. Một lần nọ, ông nhảy quanh sân khấu, khiến khán giả của mình cười rần, sau đó không hề báo trước, ông đánh động vào lương tâm của họ bằng thực trạng những người chưa bao giờ nghe Tin Lành rất cần được nghe Tin Lành.
Di sản
George Verwer là một người không bao giờ quên Tin Lành tốt đẹp dường nào. Đam mê của ông là nhìn thấy tất cả dân tộc trên thế giới được vui mừng đời đời ở trong Đấng Christ.
Rất ít người trong nửa sau thế kỷ 20, đã huy động mọi người vươn đến các nhóm dân tộc chưa bao giờ nghe Tin Lành, rất ít người trang bị cho người tin Chúa và chưa tin Chúa bằng tài liệu Phúc Âm. Tất cả bắt đầu với một người mẹ cũng là người hàng xóm rất trung tín, người đó đã cam kết cầu nguyện và gửi cho một sinh viên Phúc Âm Giăng, sau đó là một doanh nhân đã liều lĩnh mời một sinh viên tham gia một chiến dịch truyền giáo, tiếp theo là một nhà truyền giáo trẻ tuổi rao giảng sứ điệp về thập tự giá. Đức Chúa Trời luôn vui lòng sử dụng những sự dại của kẻ yếu, để hoàn thành những điều vĩ đại vì sự vinh hiển của Danh Ngài.
The Gospel Coalition là một hội đoàn gồm các mục sư và nhiều Hội Thánh thuộc phong trào Cải Chánh chú trọng vào Phúc Âm trong mọi hoạt động. TGC nhắm đến việc rao truyền Phúc Âm của Chúa Jêsus, môn đồ hóa và giữ vững chân lý của Kinh Thánh là tiêu chuẩn của Hội thánh thông qua việc phát triển những nội dung, sự kiện, khóa học, sách báo, đào tạo và tài liệu khắp toàn cầu.
(Nguồn:https://tienphong.org)