Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và Chúa Giê-su

Share

Chúng ta đang ở trong thời kỳ mà Kinh Thánh gọi là thời kỳ cuối cùng. Chúa Giê-su sẽ trở lại để đoán xét tất cả và biến đổi tất cả. Ngài đã báo trước rất rõ ràng về những dấu hiệu sẽ xảy ra trước ngày Ngài trở lại. Ngài cũng dạy rất rõ ràng là không ai biết trước khi nào Ngài trở lại. Nhưng trước khi Chúa Giê-su trở lại, Đức Chúa Trời đã hứa: ‘Trong những ngày sau cùng, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên tất cả mọi người” (Công Vụ 2.17; Giô-ên 2.28).

Trong Cựu Ước chỉ có một số ít người được Đức Thánh Linh đến ngự đầy dẫy như các tổ phụ, các tiên tri, các vua kính yêu Chúa vv… Nhưng sau khi Chúa Giê-su về trời, Đức Thánh Linh đến đầy dẫy trên mọi con dân Chúa không phân biệt nam, nữ, người trẻ hay người già để giúp chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su từ cách suy nghĩ, lời nói và hành động. Đồng thời Đức Chúa Trời đang kêu gọi chúng ta đồng công với Thánh Linh rao giảng Tin Lành và xây dựng vương quốc của Ngài, từ nơi hội thánh địa phương đến toàn thế giới (Mác 16.15-18; Công Vụ 1.8). 

Hiện tại, Sa-tan đang “nổi giận vô cùng; Vì biết thì giờ nó gần hết rồi” (Khải huyền 12:12). Nó đang điên cuồng dùng tất cả những thủ đoạn và sức mạnh của nó để tấn công Hội Thánh Chúa, đặc biệt các đầy tớ Chúa; nó đang cản trở công việc Chúa và muốn đưa nhân loại vào hố thẳm của tội lỗi và sự hủy diệt. 

Do đó một trong những điều Chúa Giê-su luôn nhấn mạnh là “hãy tỉnh thức và sẵn sàng” (Lu-ca 22.46). Phê-rơ nói: “Hãy tự chủ và tỉnh thức. Kẻ thù của anh chị em là ma quỷ như sư tử rống, đang rình rập chung quanh để tìm xem người nào nó có thể ăn nuốt được (1 Phê-rơ 5.8). Trong hướng suy gẫm này, chúng ta có một bài học quý báu là bài học về Sa-tan nhập vào Sứ đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt khiến ông trở thành kẻ phản Chúa để sau đó hối hận treo cổ chết. Bài học giúp chúng ta nhận biết những lý do nào trong nếp sống của Giu-đa đã khiến Sa-tan có thể làm được như vậy.  Đây là một vấn đề rất quan trọng cho mỗi một người chúng ta. Vì Chúa luôn luôn muốn đại dụng mỗi người chúng ta trong cách của Ngài nhưng bất cứ người nào đang được Chúa đại dụng mà lại buông mình vào nếp sống mở đường để Sa-tan nhập vào điều khiển, người đó sẽ trở nên gian ác hơn cả những người chưa tin: *vua Sau-lơ đuổi giết Đa-vít là nhân sự đắc lực của mình; **vua Đa-vít, người yêu Chúa hết lòng nhưng trong lúc sa ngã đã cướp vợ người và sau đó giết chồng người. Trái lại người được Chúa đại dụng, dù có lúc sa ngã, nhưng biết ăn ăn đến với Chúa như Đa-vít, Phê-rơ, Phao-lô vv… sẽ được Chúa phục hồi, đắc thắng và đại dụng hơn trước.

1. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là ai?

Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là con của Si-môn Ích-ca-ri-ốt, một trong trong mười hai sứ đồ được Chúa Giê-su tuyển chọn (Giăng 6:71; Lu-ca 6:12-15). Ông và các môn đồ khác được chính Chúa Giê-su trực tiếp dạy dỗ, ban cho quyền năng đễ chữa bệnh, đuổi quỷ và sai đi rao giảng về Nước Thiên Đàng. Nhưng Sa-tan lại có thể nhập vào ông. Bốn sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng kể rằng Giu-đa sắp xếp với giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái, dẫn binh lính của thầy thượng tế đến vườn Ghết-sê-ma-nê bắt Chúa Giê-su với tiền công là 30 miếng bạc. Ông làm dấu hiệu cho binh lính biết người mà ông hôn chính là Chúa Giê-su để giúp chúng nhận diện và bắt Ngài. Sau khi thấy Chúa Giê-su bị bắt, đánh đập cách tàn nhẫn và bị án treo chết trên cây thập giá, ông hối hận treo cổ tự tử.

Sa-tan không thể nhập vào và điều khiển người tin kính. Phao-lô cho biết rằng: “Anh chị em không biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ở trong anh chị em, là Đấng anh chị em đã nhận từ Đức Chúa Trời” (1Cô-rinh-tô 6:19). Vì thân thể chúng ta là đền thờ Chúa nên ma quỷ không thể cư trú được. Riêng Sứ đồ là người đặc biệt gần gũi Chúa được Ngài sai ra đi với đầy dẫy tình yêu thương và quyền năng Thánh Linh để chữa bệnh và đuổi quỷ vv…  Sứ đồ không thể bị quỷ nhập. Nhưng tại sao Giu-đa bị Sa-tan nhập?

2.  Những lý do khiến Sa-tan nhập vào và dẫn đến sự sa ngã của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt

2.1 Giu-đa theo Chúa Giê-su vì quyền lợi – Động cơ sai.

Các môn đồ đi theo Chúa Giê-su đều nghĩ rằng họ sẽ cùng Ngài lật đổ đế quốc La Mã, Chúa Giê-su sẽ làm vua và họ sẽ hưởng tất cả vinh hoa của những chức vụ cao trọng vì họ đi theo Ngài. Nhưng Chúa Giê-su luôn nói trước cho các môn đệ mình biết là Ngài sẽ bị bắt và bị đóng đinh trên thập giá và sau ba ngày thì Ngài sẽ sống lại. Mỗi lần đoàn dân đông tìm cách tôn Chúa Giê-su làm vua thì Ngài ẩn tránh (Giăng 6:15). Điều này làm Giu-đa hoàn toàn thất vọng vì đã trả giá đi theo Chúa Giê-su, có thể bị mất mạng nhưng sau cùng lại không có danh, lợi hay đạt được mục tiêu của đời này mà ông theo đuổi.  Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã theo Chúa Giê-su với những động cơ hoàn toàn sai lầm. 

Qua gương của Giu-đa, chúng ta phải luôn luôn kiểm tra động cơ sống theo và phục vụ Chúa của mình vì ” Nếu hy vọng của chúng ta trong Chúa Cứu Thế chỉ về đời này mà thôi thì chúng ta là những kẻ đáng thương hại hơn hết trong tất cả mọi người.”  (1Cô-rinh-tô 15:19).  Chúng ta không theo Chúa vì tiền, lợi và danh.  Nhưng hơn thế nữa, chúng ta không theo Chúa vì những ơn phước, quyền phép hay ân tứ Thánh Linh. Chúng ta theo Chúa vì Chúa đã dựng nên chúng ta; đã sáng tạo mọi sự để phục vụ sự sống của chúng ta; đã chết thay cho tội lỗi chúng ta; đã ban đầy dẫy Thánh Linh cho chúng ta để chúng ta sống một đời sống được biến đổi giống Chúa Giê-su hơn trong mỗi ngày; đã niêm ấn chúng ta cho sự sống vĩnh phúc trong nước của Ngài. Chúng ta theo Chúa vì Chúa đã yêu thương chúng ta và mở mắt chúng ta để chúng ta kinh nghiệm được tình yêu đó mà trở nên yêu Chúa và theo Chúa (1 Giăng 4.10,19). Nói tóm lại, chúng ta theo Chúa vì yêu Chúa chứ không phải vì bất cứ một điều gì khác.

2.2 Giu-đa vẫn sống tham lam – Sống theo con người cũ tư dục.

Kinh Thánh ghi lại rằng một lần kia, khi Ma-ri lấy ra một cân dầu cam tùng tinh chất quý giá xức chân Đức Giê-su và lấy tóc mình lau chân Ngài. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt lên tiếng: “5Sao không đem dầu nầy đi bán, lấy ba trăm đồng đê-na-ri để bố thí cho kẻ nghèo?” 6 Anh ta nói vậy chẳng phải vì quan tâm gì đến người nghèo, nhưng vì vốn là tay trộm cắp mà lại giữ túi tiền, nên hễ có tiền vào là anh lấy bớt.“(Giăng 12:5-6).  Vì sẳn có tính tham lam của con người cũ và biết ra theo Chúa Giê-su sẽ không có lợi mà còn gặp nguy hiểm sinh mạng, ông chuẩn bị trước cho tương lai mình.  Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đến cùng các thượng tế, và nói: “Các ông bằng lòng trả tôi bao nhiêu để tôi nộp người cho các ông?” Họ trả cho hắn ba chục miếng bạc. Một đơn vị tiền tệ bằng bạc nặng 11.50gm

16 Từ lúc ấy, Giu-đa tìm dịp để nộp Đức Giê-su.” (Ma-thi-ơ 26:15).   

Động cơ theo Chúa sai lầm và con người cũ theo tư dục kết lại với nhau khiến Giu-đa Ích-ca-ri-ốt không có tâm trí để hiểu Chúa và sống theo Chúa.  Ông không thể hiểu được ý nghĩa thuộc linh của việc Ma-ri xức dầu Chúa Giê-su.  Đây là sự xức dầu mang tính tiên tri về việc Chúa Giê-su sẽ hy sinh trên thập giá (Ma-thi-ơ 26.10-13).  Ông chỉ thấy giá trị của bình dầu là ba trăm đê-na-ri rất lớn và có thể dùng tốt hơn cho việc giúp người nghèo.  Thực ra ông cũng chẳng quan tâm gì đến người nghèo!  Con người cũ ‘trộm cắp’ và ‘tham muốn’ vẫn đang sống mạnh mẽ trong ông.  Giu-đa có động cơ theo Chúa sai và vẫn sống theo con người cũ tư dục nên lẽ tự nhiên là ông không thể hiểu Chúa và theo Chúa.  Đã sẵn có động cơ theo Chúa sai và nếp sống theo con người cũ tư dục, nay lại tiến đến chỗ không thể hiểu và theo Chúa, tình trạng Giu-đa mở đường cho ma quỷ nhập vào mình là lẽ tự nhiên. 

2.3 Giu-đa để cho ma quỷ gieo và nhập vào những giây phút quan trọng nhất của đời ông

Kinh Thánh nói rất rõ là2 Trong bữa ăn tối, quỷ vương đã gieo vào lòng Giu-đa, con của Si-môn Ích-ca-ri-ốt, ý tưởng phản bội Ngài” và ” 27 Ngay khi Giu-đa nhận miếng bánh, Sa-tan nhập vào hắn” (Giăng 13:2,27). Đây là bữa ăn tối của lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua nhắc đến sự kiện Đức Chúa Trời giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ Ai-cập. Đây là lễ kỷ niệm quan trọng nhất của dân Y-sơ-ra-ên. Đây cũng là bữa ăn tối quan trọng nhất trong cuộc đời của Chúa Giê-su và các môn đệ trong giai đoạn trước khi Ngài phục sinh. Nhưng Giu-đa để cho Sa-tan nhập vào và điều khiển ông trong buổi ăn tối trọng đại này!

Ở đây cho thấy Sa-tan tiến hành một kế hoạch hủy diệt người theo Chúa thường là với hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Gieo cám dỗ vào lòng chúng ta mà những cám dỗ này luôn luôn là mọi điều làm thỏa mãn con người cũ xác thịt và tham muốn của chúng ta. Nếu người bị nó gieo vào lòng làm theo điều nó gieo thì họ sẽ trở nên nô lệ của tội lỗi như Chúa Giê-su cảnh báo: “Ai phạm tội thì trở nên tôi mọi của tội lỗi’ (Giăng 8.34, BTT).  Nô lệ của tội lỗi là cớ để ma quỷ tự do đóng đồn lũy trong chúng ta và sai khiến chúng ta. Giai đoạn 2: Một khi nhập vào được một người, ma quỷ sẽ điều khiến người đó làm theo ý nó để sau cùng nhận lấy hậu quả là sự chết. Gia-cơ 1:14,15 nói rõ về diễn tiến này: “14 Nhưng mỗi người bị dục vọng mình lôi cuốn và quyến rũ. 15 Dục vọng thai nghén sinh ra tội lỗi; tội lỗi trưởng thành sinh ra sự chết.”  Sa-tan có thể gieo và nhập vào bất cứ ai trong chúng ta, ngay cả trong người có chức vụ sứ đồ khi người đó không còn để Chúa ngự trong lòng nhưng để dục vọng cai trị mình.

Dục vọng tình dục là một trong những vũ khí lợi hại nhất của Sa-tan. Phạm tội gian dâm là phạm đến thân thể mình là đền thờ  của Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh.   

15 Anh chị em không biết rằng thân thể anh chị em là một phần thân thể của Chúa Cứu Thế hay sao? Thế thì tôi có nên lấy một phần thân thể của Chúa Cứu Thế làm thân thể của gái điếm không? Không khi nào. 16 Anh chị em không biết rằng: Ai ăn nằm với gái điếm tức là kết hợp thành một thân thể với nó sao? Vì Kinh Thánh chép: “Hai người sẽ trở nên một thân.” Sa 2:24;

17 Nhưng ai kết hợp với Chúa thì có cùng một tinh thần (spirit hay linh) với Ngài. 18 Hãy tránh xa sự gian dâm, mọi tội người ta phạm đều là ngoài thân thể, nhưng người gian dâm phạm đến chính thân thể mình.“ (1Cô-rinh-tô 6:15-18).

Nếu không ăn năn, tội gian dâm làm chúng ta mất đi sự kết hợp thánh với Chúa.  Không có Chúa ngự trị, đời sống tâm linh trở nên trống rỗng và từ đó Sa-tan có thể nhập vào! 

3.  Những bài học về cuộc đời Giu-đa Ích-ca-ri-ốt.

3.1 Giu-đa đã đánh mất mọi cơ hội và tiềm năng vươn lên cao của mình.

Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là môn đồ thân cận của Chúa Giê-su. Ông sống với Ngài trong khoảng 3 năm. Ông hiểu mọi sinh hoạt và nhân cách thiên thượng của Chúa Giê-su. Ông thấy rõ tình yêu thương cứu chuộc nhân loại và lòng thương xót của Ngài dành cho những người nghèo khó hay bị xã hội ruồng bỏ. Ông chứng kiến và kinh nghiệm những phép lạ lớn lao của Ngài như: chữa bệnh, đuổi quỷ, khiến người chết sống lại, dẹp yên bảo tố, đi bộ trên mặt biển, hoá bánh cho hơn 5000 người ăn… Chính ông ở sát bên cạnh và được nghe những lời giảng dạy quí giá của Chúa Giê-su. Ông được Chúa Giê-su ban cho quyền uy để chữa bệnh, đuổi quỷ và chứng kiến thấy quyền năng Chúa thể hiện qua mình.

Giu-đa đã có thể trở thành một sứ đồ vĩ đại như những sứ đồ khác. Điều đáng buồn và tiếc cho Giu-đa là ông đã đánh mất tất cả cơ hội và tiềm năng của mình khi sống bên cạnh Chúa Giê-su. Ông đã học và nhận quyền năng của Chúa Giê-su, nhưng trong suốt 3 năm bên Ngài ông không hề học trở nên giống như Ngài. Có lẽ ông đã thi đậu về phần quyền năng và chức vụ nhưng lại thi rớt môn học trở nên giống Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã ảnh hưởng thay đổi vô số người vào thời đó và cho đến hôm nay nhưng Ngài không ảnh hưởng thay đổi được ông. Lý do không phải Chúa Giê-su không có quyền năng thay đổi ông nhưng vì tâm trí và tấm lòng ông không có Ngài mà chỉ có những gì của thế gian. Sứ đồ Giăng dạy:  

15 Đừng yêu thế gian cùng những gì ở trong thế gian. Nếu ai yêu thế gian thì tình yêu thương của Đức Chúa Cha không ở trong người đó. 16 Vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của xác thịt, dục vọng của mắt và kiêu ngạo về cuộc sống vật chất đều không đến từ Đức Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian  (1 Giăng 2.15-17).

Ngược lại với Giu-đa, Sau-lơ (sau này đổi tên là Phao-lô). Sau-lơ thù ghét đạo Chúa và tìm bắt giết mọi người tin Chúa Giê-su. Nhưng thật sự động lực và tấm lòng của Sau-lơ là muốn sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Lý do ông bắt đạo là vì ông không biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế mà Đức Chúa Trời hứa ban. Thế nên, trên đường đi Đa-mách, khi Sau-lơ nghe được Chúa Giê-su phán rằng ông đang bắt bớ Ngài, ông đầu phục Chúa Giê-su ngay lập tức. Từ lúc đó trở đi, ông đã thay đổi hoàn toàn. Ông trở thành Phao-lô, từ bỏ con người cũ của mình mà tận hiến cuộc đời mình cho chức vụ sứ đồ ra đi rao giảng Tin Lành cho đến chết. Ông nói: “Hãy bắt chước tôi, như chính tôi bắt chước Chúa Cứu Thế (1Cô-rinh-tô 11.1). “Tôi coi mọi sự như là lỗ vì sự hiểu biết Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa tôi, là điều tối trọng đại. Vì Ngài, tôi chịu lỗ tất cả, tôi coi những điều đó như rơm rác để được Chúa Cứu Thế.”  (Phi-líp 3:8).  Dù không có một giây phút ở gần Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt nhưng Sau-lơ có động lực sống làm đẹp lòng Chúa và sẵn sàng từ bỏ mọi sự để sống theo Chúa.  Chúa biến đổi ông thành một sứ đồ vĩ đại của Ngài.

3.2 Giu-đa đánh mất mối quan hệ mật thiết với Chúa Giê-su để trở nên giống Ngài và đắc thắng.

Thông thường khi ở gần và chịu ảnh hưởng sâu đậm của ai thì chúng ta sẽ trở nên giống người đó.  Giu-đa ở sát bên cạnh Chúa nhưng lòng ông xa cách Ngài nên không thể theo Ngài.  Trái lại, Phao-lô không sống gần Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt nhưng ông biết Ngài và đặt Ngài là tất cả của đời ông.   Chúng ta hãy luôn khao khát tìm kiếm cũng như xin Chúa ban cho mọi cơ hội quan hệ mật thiết với Ngài để Ngài luôn biến đổi đời sống mỗi ngày của chúng ta.  Chúa như là một nguồn nam châm tâm linh vĩ đại.  Cho dù mỗi người chúng ta là một thỏi sắt tầm thường, nhưng khi luôn gần Chúa, Chúa sẽ biến đổi chúng ta trở nên giống Ngài.  Khi đó Ngài sẽ chuyển tải mọi mỹ đức, nhân cách và quyền năng của Ngài vào đời sống chúng ta, giúp chúng ta đứng vững và đắc thắng Satan và mọi cám dỗ.  Nơi nào có mặt chúng ta là có sự hiện diện của Chúa, thần quyền của Ngài và ân tứ hiểu biết của Thánh Linh sẽ thể hiện.  Ở nơi đó ma quỷ sẽ bị lộ diện và nó sẽ bị chúng ta đuổi đi như trường họp Chúa Giê-su và Phao-lô (Mác 1.21-28; Công vụ 16:16-18). 

Quan hệ mật thiết với Chúa là thường xuyên cầu nguyện riêng tư với Chúa; là hòa nhập cuộc sống của mình vào đời sống của thân thể của Chúa là Hội Thánh để đóng góp phục vụ và được nuôi dưỡng;  là đi trong sự kêu gọi sai phái của Chúa và đến gần với những mục vụ yêu thương phục vụ người nghèo;  là nếp sống cậy nhờ quyền năng Thánh Linh để yêu thương, cầu nguyện, chữa bệnh và chia xẽ tin lành cho mọi người (Lu-ca 4.18-29). Những điều này là cốt lõi làm cho mọi sinh hoạt như là thờ phượng, học Kinh Thánh, cầu nguyện, thông công phục vụ trở nên có ý nghĩa và có sức sống.  Nếu không có những điều này, mọi sinh hoạt đó sẽ trở nên nghi lễ tôn giáo nhàm chán.

3.3.  Giu-đa đánh mất phần thưởng Đức Chúa Trời dành cho mình.

Chúa Giê-su hứa chắc với các môn đệ trong đó có Giu-đa là28Thật, Ta bảo các con, trong thời đại mới, khi Con Người ngồi trên ngai vinh quang của Ngài, các con, những kẻ theo Ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngai cai trị mười hai chi tộc Y-sơ-ra-ên. 29 Và ai từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, ruộng đất vì cớ danh ta sẽ được nhận gấp trăm lần hơn và thừa hưởng sự sống vĩnh phúc.” (Ma-thi-ơ 19.28-29). Đáng tiếc là Giu-đa vừa phục vụ Chúa vừa thỏa mãn cuộc sống riêng của ông. Ông mất phần thưởng đời này lẫn đời sau. 

Khi một người ăn năn, gặp Chúa, được Chúa biến đổi và ban cho đời sống kết quả, thì ma quỷ sẽ dùng mọi cách phá hoại bằng cách lừa dối người đó, đánh lạc hướng đi sống theo Chúa của người đó.  Một trong những cách lừa dối của nó là gieo vào lòng chúng ta một nếp sống đặt trọng tâm vào sự thỏa hiệp ‘vừa phục vụ Chúa vừa thỏa mãn cái tôi của mình.’  Chúa Giê-su đã dạy rất rõ ràng không thể nào vừa phục vụ cái tôi vừa phục vụ Chúa:  “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, hằng ngày vác thập tự giá mình và theo Ta. 24 Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; nhưng ai hy sinh tính mạng vì Ta, thì sẽ cứu được. 25 Nếu một người được cả thế gian mà chính mình phải bị hư mất hay tổn hại, thì lợi ích gì đâu? (Lu-ca 9.23b-25).

3.4.  Giu-đa đã đánh mất 3 cơ hội đắc thắng.

Cơ hội thứ nhất:   Nhận lấy lời cảnh cáo kêu gọi ăn năn. 

Kinh Thánh ghi lại  buổi Lễ Vượt Qua là cơ hội cuối cùng cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt ăn năn. 

“Thật vậy, Ta bảo các con: Một người trong các con sẽ phản Ta.”  22 Các môn đệ nhìn nhau hoang mang, không biết Ngài nói về ai.”  Giăng hỏi: “Thưa Chúa, ai vậy?”  26 Đức Giê-su trả lời: “Đó là người Ta sẽ trao miếng bánh mà Ta nhúng nước chấm này.” Rồi Ngài lấy một miếng bánh, nhúng vào nước chấm trao cho Giu-đa, con của Si-môn Ích-ca-ri-ốt. 27 Ngay khi Giu-đa nhận miếng bánh, Sa-tan nhập vào hắn. Đức Giê-su bảo: “Việc anh sắp làm hãy làm nhanh lên!” ” (Giăng 13.21-30).

Chúa Giê-su đã chỉ đích danh ông là người sẽ phản Ngài.  Ngài cho ông có cơ hội ăn năn. Chúa biết rõ bản tính yếu đuối của chúng ta. Ngài luôn tạo mọi cơ hội để cáo trách và nhắc nhở chúng ta ăn năn hầu cho Ngài có thể tha thứ, tẩy sạch, chữa lành và phục hồi chúng ta. Nhưng Giu-đa vẫn ra đi để thực hiện ý riêng phản bội của mình. 

Mỗi người chúng ta đều có những giai đoạn yếu đuối vấp phạm bởi động cơ sai và tư dục của mình. Nhưng chúng ta luôn có cơ hội được Chúa cảnh báo để tỉnh thức và ăn năn. Nhưng nếu không thực sự và quyết tâm ăn năn thì chúng ta sẽ trở nên nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ.

Nếu bạn bị cám dỗ và đã phạm tội, thì chắc chắn ma quỷ đang gieo trồng vào lý trí và suy tưởng của bạn một độc chất rất nguy hiểm là mặc cảm tội lỗi để nó làm cho bạn không dám đến gần Chúa. Giống như dân Y-sơ-ra-ên không dám đến gần Chúa vì sợ tội lỗi mình sẽ khiến sự vinh hiển của Chúa giết chết. Đừng để ma quỷ lừa dối, nhưng hãy nhớ Chúa Giê-su “đã đến, tìm và cứu kẻ bị hư mất” (Lu-ca 19:10). Nếu bạn càng sợ và càng xa Chúa bao nhiêu thì sau đó bạn càng phạm tội nghịch Ngài nhiều bấy nhiêu.   

Không ai mà không có lúc yếu đuối phạm vào những điều tham dục và chịu đau đớn vì không làm được điều lành mình muốn làm. Chúa biết sự yếu đuối bất toàn và nỗi đau sâu thẳm của chúng ta. Ngài sẵn sàng nhận lấy lòng ăn năn của chúng ta để có thể xóa sạch tất cả cho chúng ta. Chúa kể lòng ăn năn thống hối là một lễ vật tế lễ, là một điều thánh đối với Chúa (Thánh Thi 51.17).  Tế lễ ăn năn là cớ Chúa rửa sạch tội lỗi phục hồi tư cách công chính của chúng ta và tái tạo sự sống mới của Chúa trong chúng ta. Tế lễ ăn năn làm chúng ta trở lại nên thánh và tiếp tục là đền thờ của Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh (1 Cô-rinh-tô 3.16-17; 6.19). Bởi sự nên thánh đó mà sự vinh hiển thánh và ngự trị của Chúa bao phủ chúng ta. Có thể nói tế lễ ăn năn tạo nên một bầu khí quyển thuộc linh bảo vệ và phát triển sự sống trong Chúa của chúng ta. Nếu bầu khí quyển trái đất bảo vệ trái đất bằng cách đốt cháy tiêu những thiên thạch từ bên ngoài trái đất đâm vào trái đất như thế nào – thì bầu khí quyển thuộc linh của Chúa ban qua tế lễ ăn năn cũng bảo vệ đời sống chúng ta đốt cháy tội lỗi hay những tấn công của ma quỷ gấp triệu lần hơn như thế. 

Cơ hội thứ hai:   Cùng với Chúa cầu nguyện. 

Khi ra đi như vậy, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã bỏ luôn cơ hội thứ hai là cùng với Chúa Giê-su cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Chính trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-su đã đánh thức các môn đệ mà nói rằng: “Các con hãy cầu nguyện, để khỏi sa vào bẫy cám dỗ” (Lu-ca 22.40). Người cầu nguyện sẽ không sa vào bẫy cám dỗ và thoát khỏi bẫy đang bị cám dỗ.Người thích cám dỗ sẽ không đi vào chổ cầu nguyện, thậm chí ngay giờ cầu nguyện cũng sẽ là giờ họ đang bị cám dỗ mạnh nhất.  Khi Chúa Giê-su đang cầu nguyện thì Giu-đa đang dẫn người đến bắt Ngài.

Cầu nguyện là chỗ trú ẩn an toàn mà Đấng Chí Cao ban cho chúng ta; là nơi chúng ta tương giao thân mật với Chúa; là nơi Chúa Giê-su nói rằng Ngài không coi chúng ta là tôi tớ nữa nhưng là những người bạn thiết để Ngài có thể bày tỏ cho chúng ta mọi điều mà Ngài nhận từ Đức Chúa Cha (Giăng 15.14-15).  Chúa sẽ báo trước việc sẽ đến. Ngài sẽ ban cho chúng ta có lời khôn ngoan, mặc khải, tiên tri vv để nâng chúng ta lên một bước cao hơn trong tình yêu thương, ân sủng và quyền năng đắc thắng của Ngài (Giê-rê-mi 33.3). Ngài sẽ cung ứng dư dật mọi nhu cầu của chúng ta từ thể chất, tài chánh, tâm hồn cho đến thuộc linh (Ma-thi-ơ 7.7).

Cơ hội thứ ba:  Được phục hồi trở lại và trở nên một sứ đồ Chúa đại dụng.  

Cũng như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, tất cả các sứ đồ của Chúa đều chối bỏ Ngài. Nhưng sau đó, trong lúc Giu-đa tự tử chết đi thì mười một sứ đồ còn lại được Chúa phục hồi để trở nên những người phục vụ Chúa vĩ đại.

Vấn đề là Giu-đa không có Chúa trong lòng nên ông phải gánh chịu những điều tệ hại nhất là lòng hối hận trong xác thịt (không phải ăn năn), bị tội lỗi cắn xé, bị Sa-tan lên án và lòng ‘không tin’ Chúa Giê-su. Chúng kết hợp với nhau khiến ông mang lấy sự tuyệt vọng tận cùng và nó dẫn ông đến chỗ treo cổ tự tử. Trong khi đó các sứ đồ và các môn đệ dù đã chối bỏ Chúa nhưng vẫn không phải là bị Sa-tan nhập và chết đi nên vào 3 ngày sau khi Ngài chết trên thập giá họ gặp được Chúa Giê-su phục sinh vinh hiển. Vì gặp được Chúa Giê-su sống lại vinh hiển mà họ kinh nghiệm sâu xa tột cùng về quyền năng đắc thắng tội lỗi và sự chết, và ân sủng lạ lùng của Ngài. Sau đó, họ sống với Chúa Giê-su phục sinh và được Ngài dạy dỗ trong 40 ngày.  Sau khi Chúa Giê-su thăng thiên, họ dốc lòng cầu nguyện theo lời Ngài dạy và Đức Chúa Cha ban cho họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh để Đức Thánh Linh luôn ở trong họ, với họ và trên họ. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Phê-rơ, người chối Chúa Giê-su ba lần, giảng cho 3000 người nam tin Chúa. Dường như là Chúa đãi Phê-rơ theo cách là mỗi một tội chối Chúa mà ông ăn năn thì Ngài ban cho ông 1000 lần ân sủng!

Giu-đa đã đánh mất 3 cơ hội lớn, nhưng 3 cơ hội này vẫn còn hiệu lực cho bạn hôm nay!

Kết Luận:

Chúng ta đang ở trong thời kỳ mà Kinh Thánh gọi là thời kỳ sau rốt hay thời kỳ cuối cùng. Chúa Giê-su sẽ trở lại để đoán xét tất cả và biến đổi tất cả. Ngài đã báo trước rất rõ ràng về những dấu hiệu sẽ xảy ra trước ngày Ngài trở lại. Ngài cũng dạy rất rõ ràng là không ai biết trước khi nào Ngài trở lại. Càng gần đến ngày Chúa Giê-su trở lại, Đức Thánh Linh sẽ càng gia tăng tuôn đổ đầy dẫy trên con dân Chúa và hội thánh của Chúa một cách chưa từng thấy trước đây.  Sa-tan sẽ điên cuồng chống lại bằng tất cả những thủ đoạn và quyền lực tối tăm của nó để đưa nhân loại vào hố thẳm của tội lỗi và sự hủy diệt. Đối tượng đầu tiên để nó đánh phá và hủy diệt là hội thánh của Chúa, đặc biệt những người muốn sống theo Chúa và muốn được Ngài đại dụng.

Bài học về Sa-tan nhập vào Giu-đa Ích-ca-ri-ốt nói lên một vấn đề thuộc linh rất quan trọng: Sa-tan luôn luôn tìm mọi cách kích động con người cũ tham muốn tư dục của chúng ta để gieo mọi loại cám dỗ vào chúng ta. Khi chúng ta nghe và làm theo, chúng ta trở nên nô lệ của nó. Ý định quỷ quyệt của nó là làm cho chúng ta giống như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt ở bên Chúa Giê-su nhưng không để Chúa Giê-su ngự vào lòng hầu cho nó có thể nhập vào và điều khiển chúng ta. 

Chúng ta phòng ngừa bằng cách:

1.  Luôn xác định và kiểm chứng động cơ và ý nghĩa việc chúng ta sống theo Chúa. Chúng ta sống theo Chúa vì yêu Chúa chứ không phải vì những điều Chúa ban cho chúng ta. 

2.  “Tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa vào chước cám dỗ“, vì “tâm linh thì mong muốn nhưng thể xác lại yếu đuối” (Ma-thi-ơ 26:41). 

3.  Đặt ý Chúa trên mọi lời nói, suy nghĩ, việc làm và sự tiếp thu vào là cách duy nhất loại trừ lời giả dối cám dỗ nói rằng chúng ta có thể vừa sống làm điều tốt theo ý riêng của mình vừa sống có Chúa làm chủ đời mình. Vì “Thế gian cùng với dục vọng của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý định của Đức Chúa Trời tồn tại đến đời đời.” (1 Giăng 2.15-17) và “Nếu mt người được c thế gian mà chính mình phi b hư mt hay tn hi, thì li ích gì đâu?” (Lu-ca 9.23b-25). 

Chúng ta chống trả bằng cách:

1.  Đầu phục Đức Chúa Trời nhưng chống lại quỷ vương thì nó sẽ trốn xa chúng ta (Gia-cơ 4.7-8a).

2.  Trang bị toàn bộ vũ khí của Đức Chúa Trời để có thể đứng vững chống cự lại các mưu kế của quỷ vương. (Ê-phê-sô 6:10-11), đặc biệt học cách chống trả và xua đuổi ma quỷ bằng Lời Đức Chúa Trời. Hãy bắt chước Chúa Giê-su, mỗi khi kẻ cám dỗ tấn công, bạn hãy nói với nó: Hỡi Sa-tan kẻ cám dỗ hay nghe đây. Vì có Lời Chúa chép rằng….

3.  Không bao giờ để cho mặc cảm phạm tội đẩy chúng ta ra xa khỏi Chúa nhưng biết rằng ăn năn là một của tế lễ thánh đẹp lòng Chúa và Chúa dùng của lễ này để nâng chúng ta lên cao hơn trong tình yêu thương của Ngài và trong chương trình Ngài sẽ đại dụng chúng ta.

 

Phạm Phi Phi & Người Dọn Đường

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan