Hamas là một tổ chức thoát thai từ “Phong Trào Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) được thành lập năm 1988. Tên gọi Hamas là do ghép lại những chữ đầu của “Phong Trào Kháng Chiến Hồi Giáo” trong tiếng Ả Rập. Cũng trong tiếng Ả Rập, từ hamas còn có nghĩa là “nhiệt huyết”, “nhiệt tình” hoặc “cuồng tín” trong tiếng Ả Rập. (Trong tiếng Do Thái, Hamas có nghĩa là “sự độc ác”, “bạo lực” hay “sự hủy diệt”.)
Hamas là một trong hai đảng nắm quyền ở Pha-lét-tin. Đảng còn lại là Fatah, cũng là do ghép lại những chữ đầu, có nghĩa là ‘chinh phục’. Có hai vùng lãnh thổ của Palestine: Hamas cai trị ở Gaza, trong khi Fatah cai trị ở Bờ Tây (West Bank). Hamas nắm quyền ở Gaza vào năm 2006 từ Fatah sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ. Vào thời điểm đó, xung đột giữa hai bên đã nổ ra khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Cả Fatah và Hamas đều là những phong trào Hồi giáo cực đoan. Đôi khi trong quá khứ, họ đã đấu tranh với nhau nhưng họ cũng đã nỗ lực hàn gắn quan hệ. Fatah đã ca ngợi Hamas về vụ tấn công ngày 7 tháng 10 và kêu gọi tất cả người dân Palestine vùng dậy đoàn kết.
Huynh Đệ Hồi Giáo là ai?
Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo là một phong trào phấn hưng Hồi Giáo được thành lập ở Ai Cập. Vào năm 1928. Mục tiêu cuối cùng của nó là thành lập một nhà nước cai trị bằng luật Hồi giáo. Huynh Đệ Hồi Giáo có mạng lưới người ủng hộ ở nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và khắp châu Âu. Tổ chức có nhiều chi nhánh, hầu hết trong số đó là các chiến binh.
Huynh Đệ Hồi Giáo, giống như nhiều phong trào phấn hưng Hồi giáo khác, được thành lập để chống lại sự thống trị của phương Tây. Tất cả các phong trào này đều tin rằng sự suy tàn rõ ràng của thế giới Hồi giáo trong những thế kỷ gần đây – được biểu hiện ra với sự trổi dậy của phương Tây – là do người theo Hồi giáo không tuân thủ luật pháp của Đức Chúa Trời.
Một khi người Hồi giáo tuân theo đạo Hồi một cách trung thành và áp dụng luật Hồi giáo một cách nghiêm túc – bao gồm cả việc theo đuổi thánh chiến chống lại những người không theo Hồi giáo – thì những người theo đạo Hồi sẽ thành công và thống trị thế giới một lần nữa. Đây là mục tiêu không tưởng của họ.
Từ lâu nay các quốc gia Hồi giáo đã trải nghiệm nhiều vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị, và Huynh Đệ Hồi Giáo đã nắm bắt lấy lòng người mong muốn có một lối thoát ra khỏi những vấn đề này. Huynh Đệ Hồi Giáo phản ứng trước sự thất bại kinh tế xã hội lan rộng của các quốc gia Hồi giáo với khẩu hiệu “Hồi giáo là giải pháp”. Nhất quán với niềm tin của mình, tổ chức này cũng đổ lỗi cho chính phủ ở các nước Ả Rập không áp đặt đạo Hồi nghiêm ngặt để giải quyết những đau khổ của người Hồi giáo.
“Con người Hồi giáo” hay đặc tính Hồi giáo (Islamist) là gì?
Con người hay đặc tính Hồi giáo là một thuật ngữ được sử dụng cho một hình thức Hồi giáo chủ trương đạt được sự thống trị chính trị cho tôn giáo. Một phong trào Hồi giáo nhằm mục đích thành lập một nhà nước Hồi giáo trong đó Sharia (luật Hồi giáo) là luật pháp của quốc gia. Thuật ngữ này có thể được áp dụng cho nhiều phong trào phục hưng Hồi giáo. Từ này thường được sử dụng như một cách để tránh gọi các phong trào cực đoan là ‘Hồi giáo.’ Vì vậy việc dùng thuật ngữ này có thể thể khiến tất cả người Hồi giáo bị bôi xấu một cách bất công là theo chủ nghĩa cực đoan.
Hồi giáo là gì?
Hồi giáo là một tôn giáo chủ trương một lối sống toàn diện, quy luật hóa cả cá nhân và quốc gia. Nó được dựa trên và xây dựng theo khuôn mẫu từ sự dạy dỗ và tấm gương của Muhammad, một người Ả Rập sống cách đây 1400 năm ở Ả Rập. Sharia là một hệ thống luật pháp và nguyên tắc được xây dựng dựa trên nền tảng của Muhammad và cuốn sách của ông, Kinh Qur’an, mà ông tuyên bố là một sự mặc khải trực tiếp từ Chúa.
Khi người phương Tây nói đến “tôn giáo”, họ có thể nghĩ đến điều gì đó mang tính cá nhân, cá nhân, nội tâm và tâm linh. Hồi giáo có thể giống như vậy đối với con người, nhưng trong những cách thể hiện đa dạng, nó thường còn hơn thế nhiều. Nó có thể mang tính chính trị và người Hồi giáo thường tìm cách chiếm giữ và thống trị quảng trường công cộng cho tôn giáo của họ. Chính vì lý do này mà các đảng chính trị ở các nước Hồi giáo thường thể hiện bản sắc tôn giáo.
Một số nhà phê bình Hồi giáo nói rằng nó hoàn toàn không phải là một tôn giáo mà là một hệ thống chính trị, vì vậy nó không nên được coi là một phong trào tôn giáo hướng thiện mà là một phong trào chính trị. Tôi tin rằng đây là một sự hiểu biết hạn chế và sai lầm về tôn giáo. Đó là một cách hiểu rất phương Tây về tôn giáo có thể là gì. Hồi giáo vừa là một tôn giáo vừa là một hệ thống chính trị. Thực vậy, truyền thống Hồi giáo không thừa nhận sự khác biệt giữa tôn giáo và chính trị; giữa thế tục và tâm linh; hoặc giữa cái gì là dân sự và cái gì là quân sự. Tất cả là thuộc về Hồi giáo. Điều đó không làm cho Hồi giáo bớt đi tính tôn giáo chút nào. Nó làm cho nó không chỉ là một tôn giáo.
Mục tiêu của Hamas là gì?
Các mục tiêu của Hamas được đặt ra trong một tài liệu được gọi là Hiến chương Hamas, được thông qua vào tháng 8 năm 1988. Không có bằng chứng nào cho thấy Hamas đã từ bỏ hoặc rút lui khỏi dù chỉ một dòng chữ trong giao ước của họ. Mục tiêu cơ bản nhất của Hamas là thực hiện Hồi giáo một cách trọn vẹn và nghiêm ngặt. Hiến chương nêu rõ về Hamas:
“Allah, Đức Chúa Trời, là mục tiêu của nó, Đấng Tiên Tri là tấm gương của nó, và Qur’an là hiến pháp của nó. Jihad là con đường của nó, và cái chết vì Allah là mong muốn cao cả nhất của nó.” Hiến chương cũng nêu rõ mục tiêu cốt lõi của Hamas là tiêu diệt Israel. Nó trích dẫn lời của người sáng lập Huynh Đệ Hồi Giáo, Hassan Al-Banna:
“Israel sẽ tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi Hồi giáo xóa sổ nó”.
Sứ mệnh tiêu diệt Israel được coi là một lời kêu gọi thiêng liêng. Vì vậy, Hiến chương có đầy đủ các câu Kinh Qur’an đề cập đến cuộc chiến chống lại những người không tin vào đạo Hồi. Tuy nhiên, tiêu diệt Israel chỉ là một phương tiện để đạt được mục tiêu tận cùng và bao trùm là thực hiện toàn vẹn đạo Hồi, điều được cho là không thể thực hiện được chừng nào những người không theo đạo Hồi còn cai trị trên các vùng đất Hồi giáo.
Tương lai diệt chủng do Hiến chương Hamas dự kiến đã nhiều lần được ca ngợi trong các bài giảng của các nhà truyền giáo Hamas. Ví dụ, vào ngày 7 tháng 4 năm 2023, Sheikh Hamad Al-Regeb nói rằng người Do Thái sẽ chỉ bị đánh bại bởi vũ khí và khủng bố, và sau đó ông ấy đã cầu nguyện nhiều lần, “Ôi Allah, xin cho chúng tôi có thể tóm được cổ của người Do Thái” (tức là cắt cổ họng hoặc chặt đầu họ).
Hamas có ủng hộ giải pháp hai nhà nước không?
Vì những lý do nêu trên, Hamas hoàn toàn chống nghịch lại giải pháp hai nhà nước Pha-lét-tin và Do Thái. Mọi cuộc tấn công vào Israel đều được thiết kế để ngăn chặn điều này xảy ra. Giao Ước Hamas (The Hamas Covenant) tuyên bố rằng “cái gọi là giải pháp hòa bình và hội nghị quốc tế là trái ngược với các nguyên tắc của Phong Trào Kháng chiến Hồi giáo. … Không có giải pháp nào cho vấn đề Palestine ngoại trừ thông qua Jihad (Thánh Chiến).” Đối với Hamas, đó hoặc là chiến thắng quân sự hoặc không là gì cả.
Ngọc Nga
(Lược dịch theo: https://dailydeclaration.org.au)