Nghệ thuật thơ trong Kinh thánh bày tỏ những diễn tả tổng thể và toàn diện cảm xúc của con người – từ chiều sâu của sự tuyệt vọng cho đến chiều cao của sự vui mừng. Trong khi lời thơ dùng những hình ảnh sống động để diễn tả những sự kiện hay chủ đề trong mọi dạng, hầu hết nghệ thuật thơ kinh thánh có thể được gom lại quanh hai chủ đề: kinh nghiệm về sự đau khổ của con người và sự xác định vương quyền thiên thượng.
Sự Đau Khổ Của Con Người
Những bài thi thiên than thở, tạ ơn và sách Ca Thương phản ảnh kinh nghiệm về tội lỗi và sự tà ác xảy đến cho mỗi một con người trong thế giới sa ngã. Những chi tiết có thay đổi, nhưng kinh nghiệm thì như nhau. Phẩm tính này làm cho nghệ thuật thơ kinh thánh có đặc tính diễn đạt gần như là cho cả thế giới và vượt thời gian.
Mỗi một con người, vào một thời điểm nào đó, kinh nghiệm sự không công bình và bất công. Khi nhiều bài thi thiên than thở có thực chất là những bài cầu nguyện xin Chúa giải cứu hay tha thứ, những bài thi thiên này tiếp tục ảnh hưởng trên cách con người cầu nguyện.
Chúng có thể là những bày tỏ dạn dĩ về sự thống khổ và tuyệt vọng của cá nhân khiến tỏ ra rằng đó là sự lành mạnh để đặt những cảm xúc vào chữ và cũng an ủi chúng ta với sự nhận biết rằng những người khác cũng cảm biết những đau đớn tương tự.
Vương Quyền Thiên Thượng Của Đức Chúa Trời.
Chủ đề của vương quyền thiên thượng bao gồm những ý tưởng về Chúa như là một chiến sĩ, đấng sáng tạo và quan án công bình. Các bài thi thiên ca ngợi Chúa về sự giải cứu Y-sơ-ra-ên của Ngài (thí dụ Thi Thiên, 78) và diễn cảm quyền năng của Ngài trên sự sáng tạo (thí dụ Thi Thiên, 104) để sau cùng ca ngợi quyền tể trị của Ngài trên vũ trụ.
Tương tự như vậy, hình ảnh Đức Chúa Trời như là người chiến sĩ thiên thượng rập chân bước vào chiến trường thay cho dân sự của Ngài (thí dụ, Thi Thiên 68) nhấn mạnh đến vương quyền của Ngài trên những người Ngài chọn. Chủ đề vương quyền thiên thượng đem lại hy vọng rằng một ngày kia sự tể trị của Chúa sẽ được phục hồi toàn vẹn và những hoàn cảnh gây ra đau khổ và đau đớn trong thế giới sẽ chấm dứt.
Những Loại Thi Thiên Trong Kinh Thánh.
Cấu trúc thơ trong Thi Thiên theo khá gần với những mẫu thường được nhận biết và chia thành bốn loại chính: ca thương, cảm tạ, ca ngợi và vương quyền.
Thi Thiên Ca Thương
Một thi thiên ca thương là một tiếng kêu gào đến Đức Chúa Trời bởi sự khốn khổ hay tuyệt vọng. Đôi khi người ca thương được trình bày với tư cách đại diện toàn thể cộng đồng, nhưng cũng có vài người ca thương là do động lực của những hoàn cảnh cá nhân.
Thi thiên Ca Thương dùng những chủ đề phổ thông và ngôn ngữ khuôn mẫu để diễn tả kinh nghiệm đau khổ. Một thi thiên ca thương điển hình (thí dụ, Thi Thiên 10; 28; 59) có thể bao gồm những phần như sau dù thứ tự của chúng có thể khác nhau:
- Lời trình với Chúa
- Lời than thở
- Lời cầu xin Chúa giúp
- Tuyên ngôn tin cậy
- Lời quả quyết vô tội
- Lời xưng nhận tội
- Lời diễn tả lòng cảm tạ
Đôi khi, tác giả thi thiên kiên quyết rằng sự đau khổ của mình là bất công vì mình vô tội. Trong những trường hợp khác, tác giả xưng nhận rằng mình đã phạm tội nhưng thật lòng ăn năn. Và lời ca thương có thể được kết luận với lời hứa nguyện ca ngợi Chúa sau khi được giải cứu khỏi sự khốn khổ.
Thi Thiên Cảm Tạ
Trong một số cách, một thi thiên cảm tạ được cấu trúc như là một một sự tiếp diễn hay đáp ứng với một ca thương. Ca thương luôn luôn kết thúc với lời hứa nguyện ca ngợi Chúa, và một thi thiên cảm tạ làm trọn lời hứa nguyện đó.
Một vài phần phổ thông của một thi thiên cảm tạ đi song song với những phần của một thi thiên ca thương. Thí dụ, một thi thiên cảm tạ gồm có một phần tóm tắt những nghịch cảnh và một tường trình về sự giải cứu của Chúa. Ca thương giải thích những nghịch cảnh và có một lời kêu cầu Chúa giải cứu. Thi thiên cảm tạ là một sự bày tỏ ca ngợi Chúa được thúc đẩy bởi một kinh nghiệm riêng biệt về ân sủng của Ngài. Thi Thiên 30, 116 và 124 là những thí dụ điển hình. Nối kết theo cấu trúc này với ca thương làm phân biệt thi thiên cảm tạ khác với thi thiên ca ngợi.
Thi Thiên Ca Ngợi
Thi thiên ca ngợi (hay thánh ca) ca mừng kinh nghiệm của con người về sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Khác với thi thiên cảm tạ với khuynh hướng dâng lời ca ngợi Chúa vì cớ một sự trả lời đặc biệt cho sự cầu nguyện, các thi thiên cảm tạ là những bày tỏ cảm xúc ca ngợi những thuộc tính của Đức Chúa Trời và những hành động của Ngài trong sự sáng tạo.
Các thi thiên ca ngợi có một dạng đơn giản: lời kêu gọi hãy ca ngợi, sự bày tỏ lòng ca ngợi và một lời ca ngợi kết thúc. Thi Thiên 8 và 29 là những thí dụ điển hình. Những thi thiên tấn phong và thánh ca Si-ôn là những loại thi thiên ca ngợi đặc biệt. Thi thiên tấn phong như Thi Thiên 47 tán dương Chúa như là vua của Y-sơ-ra-ên. Thánh ca Si-ôn như Thi Thiên 48 tán dương sự Chúa chọn Si-ôn là nơi Ngài ngự trên đất.
Thi Thiên Hoàng Gia
Các thi thiên hoàng gia nhấn mạnh vai trò của một vị vua con người, được Chúa chọn làm người lãnh đạo Y-sơ-ra-ên. Những thi thiên này tán dương vương quyền trong khi trình bày vị vua là người dựa vào Đức Chúa Trời để thành công. Thi Thiên 20, 45 và 72 là những mẫu thí dụ của thi thiên hoàng gia. Chúng không có một mẫu hay cấu trúc câu thơ đặc biệt. Cách nhận biết một thi thiên là thi thiên hoàng gia là chỉ dựa vào nội dung của nó có hay không có liên hệ đến vương quyền con người trong một cách nào đó.
Các thi thiên có thể đem lại những khảo sát lịch sử – những ghi chép trong thể thơ về mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời với Y-sơ-ra-ên (thí dụ, Thi Thiên 78). Các thi thiên khôn ngoan ca ngợi sự hữu ích của đời sống công chính (thí dụ, Thi Thiên 37). Những thi thiên khác như có chức năng như là những bài hát thờ phượng được ca lên khi dân sự vào đền thờ để thờ phượng (thí dụ, Thi Thiên 15 và 24).
Thực Hành
Nghệ thuật thơ trong Thi Thiên đem những biểu cảm chân thật đến với Đức Chúa Trời khi các tác giả thi thiên gặp phải những điều thực hữu của đời sống. Kinh Thánh có 150 bài thi thiên, một số ngắn, một số dài. Hãy xét đến việc đọc một thi thiên trong mỗi ngài để có thể đọc toàn bộ Thi Thiên hai lần mỗi năm.
Nguyễn Bình
(Lược dịch theo: thenivbible.com)