Lay Động Thế Giới Qua Sự Cầu Nguyện – Chương 23

Share

23BẠN CÓ THỂ CHIA SẺ KINH NGHIỆM VÀ CHIA SẺ SỰ PHỤC HƯNG

 

Đức Chúa Trời hoạch định cách tuyệt vời rằng bạn và Hội thánh Ngài kinh nghiệm phước hạnh cách tối đa. Đấng yêu thương ban Thánh Linh ngự trị lòng mỗi tín đồ, khích lệ chúng ta mong đợi Ngài hiện diện cách nhân từ khi các tín hữu nhóm lại để thờ phượng và phụng sự. Đức Chúa Trời là Đấng ban cho dồi dào về vật chất, há không cung ứng cho chúng ta càng nhiều hơn nữa về thuộc linh sao? (Lu 11:3).

Phục hưng là chương trình toàn cầu của Đức Chúa Trời

Phấn hưng dường như là chương trình đồng nhất của Đức Chúa Trời cho cả loài người, thiên nhiên và Hội thánh. Lương thực làm nhiên liệu cho cơ thể chúng ta, ban sức mạnh và sự đổi mới vật lý; giấc ngủ đem lại sự nghỉ ngơi và phục hồi cho cả thể xác lẫn tâm trí. Ở nhiều nơi trên trái đất, chu kỳ các mùa cung cấp sự đổi mới hàng năm. Thật là niềm vui khi ngắm các nụ chồi xuân đua nhau nở trên cây cối sau mùa đông hanh khô và cằn cỗi. Tại nhiều nơi ở Ấn Độ và các miền nhiệt đới khác, con người và thiên nhiên chịu mùa nắng nóng khô hạn kéo dài, báo trước cơn mưa của gió mùa gần đến làm sống lại mặt đất khô nẻ.

Với Cơ-đốc nhân cũng vậy, Đức Chúa Trời đã định sẵn những thời điểm phục hồi thuộc linh mà tiêu biểu là đời sống quyền năng, mới mẻ, phước hạnh và vui mừng thuộc linh, đầy kết quả và hương thơm tươi mới cho Chúa. Chúng ta thường gọi từng trải này là “phục hưng”. Các khoảng thời gian đặc biệt phước hạnh này thường quá hiếm hoi mà vài nhóm Hội thánh dường như chưa bao giờ kinh nghiệm. Thậm chí các Mục Sư và dân sự đã tìm cách duy trì sự phục hưng liên tục cho biết những lần khô hạn thuộc linh mà họ không truy nguyên được bất kỳ sự không vâng lời cụ thể hoặc sự lơ đễnh cố ý nào. Mọi Cơ-đốc nhân đều cần được Đức Chúa Trời liên tục chạm đến đời sống họ cách mới mẻ. Quả thực, “những lần làm tươi mới” đến từ Chúa (Công 3:19).

Các ví dụ biểu tượng trong Kinh Thánh về Đức Thánh Linh khích lệ chúng ta mong đợi một chức vụ dư dật cùng với sự hiện diện của Ngài. Dầu để xức, biểu tương cho Đức Thánh Linh, đổ trên đầu A-rôn dư dật đến mức đã tuôn tràn xuống râu và cà vạt áo của ông (Thi 133:2). Nước chỉ về Đức Thánh Linh, được hứa ban cho cách dư dật. Đức Chúa Trời khiến nước phun ra (Thi 78:20; 105:41; Ês 35:6; 48:21). Ngài ban nhiều sông và suối phước hạnh (Thi 46:4; 78:16; 126:4; Ês 30:25; 33:21; 35:6). Dòng sông thánh ở Ê-xê-chi-ên được mở rộng và sâu cách lạ lùng (Ê-xê 47:1-5), đem sự sống cho bất cứ nơi nào nó chảy đến (c.9,12).

Đức Chúa Trời “tuôn đổ” Thánh Linh Ngài trên dân sự Ngài giống như mạch nước ban sự sống, “Vì Ta sẽ rót nước trên kẻ khát, cho suối chảy nơi đất khô. Ta sẽ đổ Thần Ta trên dòng dõi ngươi và phước lành Ta trên những kẻ ra từ ngươi” (Ês 44:3; cũng xem Ês 32:15; Ê-xê 39:29; Giô-ên 2:28-29; Công 2:17-18). Đức Thánh Linh không chỉ tuôn đổ cho con cái Đức Chúa Trời mà Ngài còn tuôn đổ chính mình Ngài qua đời sống họ như những suối nước, đem phước hạnh đến cho nhiều người khác (Gi 7:38-39).

Một người hay một việc càng thuộc linh thì càng cần được Chúa thường xuyên thăm viếng cách cấp bách. Đó là điểm khác biệt giữa sự sống còn đơn thuần và nếp sống sung mãn; giữa tính chính thống và tính sống còn của Tin Lành; giữa sự thỏa mãn với hiện trạng và việc kinh nghiệm sự xức dầu mới của Thánh Linh và thực hiện các bức phá mới đầy cảm động cho Đức Chúa Trời.

Tất cả chúng ta đều tin nơi sự phục hưng và tươi mới. Chúng ta biết rõ mình cần nó. Nhưng phải chăng chúng ta thật sự muốn có phục hưng chỉ vừa đủ để tìm mặt Đức Chúa Trời, để trả cái giá dọn đường cho việc Ngài ngự đến trong sự phục hưng? Không ai có thể dự báo, sắp chương trình cho phục hưng hay làm gì để có được phục hưng. Chúng ta không thể làm nảy sinh phục hưng nhờ sự trung tín, bận rộn công việc Chúa hoặc các hoạt động thuộc linh. Đức Chúa Trời là nguồn duy nhất của sự phục hưng.

“Phục hưng”, chúng ta có ý muốn nói gì?

Thường có sự phân biệt rõ nét giữa truyền giảng Phúc âm và phục hưng. Mọi sự vận hành kéo dài của Thánh Linh Đức Chúa Trời giữa vòng dân sự Ngài thường có liên quan đến một nhà truyền giảng tin lành, một tiên tri hay một công cụ là con người. Song, hầu hết sự truyền giảng được Đức Chúa Trời tôn trọng và hướng dẫn, đang khi đem lại phước hạnh và bông trái thuộc linh, lại quá thiếu hụt sự phục hưng. Vậy, sự phục hưng thật chính là gì?

Phục hưng là một biểu lộ của Đức Chúa Trời thánh khiết, chủ tể và toàn năng. Đức Chúa Trời thăm viếng dân sự Ngài với phước hạnh đặc biệt và tươi mới. Các cuộc phục hưng thường đem lại một ý thức mới về Đức Chúa Trời, một khải thị mới, một nhạy bén mới về Ngài, đôi khi kèm theo sự cảm nhận kinh khiếp về các đòi hỏi thánh khiết và công bình của Đức Chúa Trời. Đây là lúc Đức Chúa Trời tỏ ra cánh tay thánh khiết trong sự cứu rỗi và tiếng phán thánh khiết của Ngài rót vào ý thức nội tâm của dân sự Ngài. Các cuộc phục hưng là công việc tể trị, siêu nhiên của Đức Chúa Trời can thiệp thình lình vào nếp sống và sự làm chứng của Hội thánh. Theo một ý nghĩa, đó là tiên vị có tính chất của Đấng Mê-si-a về sự chinh phục cuối cùng của Chúa Cứu Thế. Chúng luôn là công tác của Đấng đáng chúc tụng là Chúa Thánh Linh.

Có hai giả thuyết trình bày cái nhìn Cơ-đốc nhân cực đoan về phục hưng. Một quan điểm tin chắc rằng phục hưng là thực hữu nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Chúa Trời vì là công việc tể trị của Ngài và chúng ta chỉ có thể chờ đợi cho đến khi Chúa chọn thăm viếng chúng ta cách tươi mới. Quan điểm kia trái lại cho rằng nhờ các nỗ lực tôn giáo của mình, chúng ta có thể đem lại phục hưng. Khi thật sự cầu nguyện đủ, hạ mình đủ và làm theo ý muốn Chúa cách đầy đủ, chúng ta có thể thấy được sự phục hưng bất kỳ lúc nào. Lẽ thật Kinh Thánh và kinh nghiệm của dân sự Đức Chúa Trời đã nhiều lần bày tỏ rằng khi dân sự Chúa đóng vai trò sống còn trong việc dọn đường cho Chúa thì không một ai hay nhóm nào có thể ấn định được phục hưng sẽ xảy ra tại đâu, lúc nào và ra sao.

Có người đã giải thích Giăng 3:8 “Gió muốn thổi đi đâu thì thổi” có ý nói không thể đoán định công việc của Thánh Linh. Tôi thiết nghĩ câu này minh họa Thánh Linh nắm giữ ý chỉ tối cao liên quan đến công việc thuộc linh của Ngài. Câu này muốn nói công tác của Thánh Linh là không thấy được chứ không là bất định; việc Chúa làm là kỳ bí, không phải thất thường. Thánh Linh không phải là gió, Ngài chỉ được biểu tượng hóa theo cách nào đó qua gió. Ngài là Đức Chúa Trời có chủ đích. Ngài làm việc theo kế hoạch của Ngài và vì các lý do thánh. Ngài là Đức Chúa Trời của lời hứa và của giao ước không hề dời đổi. Ngài là Đức Chúa Trời quyền năng và thánh khiết, Ngài muốn chúng ta dự phần trong công tác Ngài.

Các giao ước và lời hứa của Đức Chúa Trời cho chúng ta biết Ngài muốn ban phước cho dân sự Ngài. Các giao ước và lời hứa này công bố luôn các điều kiện để được ban phước: chúng ta đáp ứng với Lời Ngài, sự kêu gọi và tiếp trợ của Ngài. Những lời hứa của Ngài sẽ được ứng nghiệm. Đức Chúa Trời đã sắp xếp như vậy, nhưng trước hết chúng ta phải hạ mình xuống, tìm kiếm mặt Ngài và có một số bước chủ động vâng lời Ngài.

Lịch sử phục hưng đề cập hai vai trò đặc biệt cho con cái Chúa là cầu nguyện và vâng lời. Vâng lời có thể bao gồm nhiều điều nhưng luôn luôn có sự cầu nguyện. Nếu có một chìa khóa chính tại trung tâm phục hưng, đôi khi kín giấu nhưng luôn hiện hữu thì đó là cầu nguyện. Sự vâng lời cầu nguyện dẫn đến mọi sự vâng lời cần thiết khác.

Khi nào bạn phải cầu nguyện cho chính mình được phục hưng?

Làm sao biết khi nào chính lòng mình cần được phán hưng về mặt tâm linh? Khi nào là lúc thực hành sự cầu nguyện tìm kiếm các phước hạnh và hồi sinh mới mẻ từ Chúa? Sau đây là vài gợi ý. Hãy cầu nguyện:

a. Khi bạn cảm nhận tâm linh mình bơ phờ, liên tục thiếu hụt vị ngon đối với sự ăn nuốt Lời Chúa, sự cầu nguyện và thông công nhóm lại với Hội thánh.

b. Khi lời Đức Chúa Trời thật sự hiếm ban phước cho bạn; khi bạn ít khao khát có thêm thì giờ đọc và ăn nuốt Lời Ngài; khi bạn ít cảm nhận Thánh Linh phán dạy đang khi bạn đọc Lời Đức Chúa Trời.

c. Khi bạn thấy mình thiếu sự khiêm nhường sâu xa, sự nhân từ của Thánh Linh, sự nhẫn nhục yêu thương.

d. Khi bạn thật thiếu lòng thương xót những người đang thống khổ và có nhu cầu; khi bạn thấy mình ít quan tâm đến những người chưa có Đấng Christ, ít có trách nhiệm cá nhân với sự hiện diện và phước hạnh của Đức Chúa Trời trên Hội thánh hoặc nhóm địa phương của mình.

e. Khi sự cầu nguyện là một nghĩa vụ hơn là niềm vui; khi Chúa ít đặt vào lòng bạn gánh nặng cầu nguyện cho người khác; khi bạn thật sự ít cảm nhận được Chúa gần gũi mình lúc cầu nguyện.

Khi nào bạn cầu nguyện cho nhóm được phục hưng?

Làm sao biết được khi nào bạn cần quan tâm sâu sắc và cầu nguyện đầy đủ cho sự phục hưng tươi mới trên Hội thánh địa phương hoặc bất cứ nhóm nào mà bạn đang tham dự?

a. Khi buổi cầu nguyện của nhóm không còn sức sống; khi các thành viên dường như không còn háo hức để hướng dẫn cầu nguyện; khi chỉ có vài người ngợi khen Đức Chúa Trời cách nửa vời vì những gì Ngài đang làm.

b. Khi các buổi nhóm của Hội thánh ít cảm nhận có Đức Chúa Trời đang hiện diện và phán bảo cách riêng tư với mọi người; khi sự thờ phượng dường như thiếu sự tự do vận hành của Thánh Linh, niềm vui và lời tạ ơn tuôn tràn; khi có một hội chúng già nua thiếu hẳn các cặp vợ chồng trẻ và thanh niên.

c. Khi các thành viên dường như thờ ơ với sự nghiêm trọng của tội lỗi hoặc không bày tỏ ý thức rõ rệt về trách nhiệm luân lý đạo đức; khi Hội thánh thiếu khải tượng và mối quan tâm sâu sắc đến việc chinh phục cộng đồng và những người mới cho Đấng Christ.

d. Khi người ta ít được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt để làm chứng cho người khác, trợ giúp kẻ đang thiếu thốn hoặc khích lệ người khác; khi việc dâng hiến cho sự nghiệp của Đức Chúa Trời không còn là niềm vui nhưng miễn cưỡng, không thỏa đáng; khi dân sự thiếu khải tượng về điều Đức Chúa Trời muốn làm qua họ với tính cách là một nhóm.

e. Khi có sự căng thẳng giữa các cá nhân, linh phân rẽ hoặc sự không tha thứ trong Hội thánh hay nhóm.

Lời cầu nguyện của bạn dọn đường cho phục hưng

Bạn có thể giúp dọn đường cho sự thức tỉnh tâm linh mới mẻ, cho sự thăm viếng thật của Thánh Linh Đức Chúa Trời trên dân sự tươi mới về tâm linh và đạo đức mà sự phục hưng chân thật đem lại. Các gợi ý đơn giản và các minh họa đầy cảm xúc như sau có thể giúp hướng dẫn bạn.

1. Hãy nài xin Đức Thánh Linh làm sâu sắc lòng đói khát của bạn. Đức Chúa Trời luôn khởi sự chuẩn bị cho sự phục hưng từ lòng khao khát quyền năng và sự hiện diện mới mẻ của Ngài qua một hoặc nhiều người. Có người đã nói, khi Đức Chúa Trời có kế hoạch ban phước cho dân sự Ngài thì Ngài kêu gọi Hội thánh cầu nguyện. Nếu bạn có sự đói khát để được thấy Đức Chúa Trời hành động giữa vòng dân sự Ngài thì sự khao khát thánh khiết đó đến từ Đức Thánh Linh. Hãy nài xin Đức Chúa Trời làm sâu sắc hơn nữa đói khát của bạn đối với công tác thiêng liêng của Ngài trong đời sống bạn, trong Hội thánh, nhóm sinh hoạt của bạn hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới mà Chúa dẫn dắt bạn để tập trung vào sự cầu nguyện.

2. Hãy nài xin Đức Chúa Trời đặt gánh nặng cầu nguyện của Ngài cho phục hưng trong lòng bạn. Đây chính là một món quà quý giá Chúa ban cho bạn để làm thành mục đích của Ngài. Hoặc liên hệ với sự phục hưng cho bạn, cho Hội thánh hay công trường truyền giáo nào đó, Đức Chúa Trời vui lòng phân bổ trách nhiệm thuộc linh đặc biệt cho các người cầu thay của Ngài.

Cách đây nhiều thập kỷ, một anh em tin kính Chúa ở Anh quốc đã là một trong số người cầu thay kín giấu của Đức Chúa Trời (Ês 62:6-7). Ông cầu nguyện liên tục cho công tác của một hiệp hội truyền giáo đang làm việc tại Trung Hoa. Sau khi ông qua đời, người ta tìm thấy trong nhật ký của ông hơn 20 danh sách ghi tên một trong các trạm truyền giáo ở Trung Hoa và Đức Chúa Trời đã khiến ông cầu nguyện bằng đức tin cho cơn phục hưng tại đó. Khi kiểm lại, họ thấy Đức Chúa Trời đã đổ cơn thức tỉnh thuộc linh trên mỗi nơi này suốt khoảng thời gian nhiều năm, theo đúng thứ tự mà người cầu thay của Đức Chúa Trời cho biết Ngài đã giúp ông công bố bằng đức tin, việc làm đầy năng quyền của Thánh Linh Đức Chúa Trời! Không ai biết đến người chiến sĩ cầu nguyện này mãi cho đến sau khi ông qua đời nhưng Chúa đã cho ghi lại. Thật là vinh dự và là sự ngạc nhiên thánh khi thiên đàng bày tỏ các con cái của Đức Chúa Trời đã từng khó nhọc quặn thắt trong sự cầu nguyện nhận được phần thưởng đặc biệt dành cho họ.

3. Hãy xin Đức Chúa Trời ban cho bạn một lời hứa để công bố bằng đức tin. Đức Chúa Trời giữ các giao ước của Ngài; những lời hứa của Ngài là chân thật. Hãy xin Đức Chúa Trời khắc sâu vào lòng bạn một lời hứa để bạn đứng vững trên đó bằng đức tin khi cầu nguyện cho sự phục hưng. Một lời hứa thường xuyên sử dụng trong II Sử 7:14. Nhưng cũng có những lời hứa tuyệt diệu khác trong Lời của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh có thể khắc ghi trong lòng bạn bất kỳ lời hứa nào trong số này.

4. Hãy hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện. Hãy thưa với Đức Chúa Trời rằng bạn thật không xứng đáng khi cầu thay cho các nhu cầu này. Ngài ban phục hưng và ân điển lớn lao cho những ai hạ mình xuống trước ngôi Đức Chúa Trời (Ês 57:15).

5. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời dẫn dắt bạn gặp một đối tác cầu nguyện. Sau đó hãy hiệp ý trong sự cầu nguyện. Khi mối quan tâm của bạn sâu xa hơn thì Đức Chúa Trời có thể dẫn bạn đến với một người đã chia sẻ khải tượng và gánh nặng của bạn hoặc sẽ nhanh chóng trở nên một trong tâm linh với bạn. Khi các con cái Chúa hiệp một trong sự cầu nguyện (Mat 18:19) thì Đức Chúa Trời đáp lời nhanh chóng hơn (xem chương 34).

Lịch sử đầy đủ về cách Đức Chúa Trời sử dụng các lời cầu nguyện của con cái Ngài để chuẩn bị cho sự phục hưng hiếm khi được mọi người trên thế giới này biết đến. Người bạn thân yêu của tôi, Mục Sư Duncan Campbell, hầu việc Chúa ở Hội thánh Scotland và nhiều năm liền là Hiệu trưởng trường Kinh Thánh và Trung tâm Đào tạo Truyền giáo Đức tin ở Edinburgh đã chia sẻ với tôi về những sự khởi đầu cuộc phục hưng đầy kinh ngạc ở Hebrides, được biết đến như là “cơn thức tỉnh Lewis”.

Hai phụ nữ lớn tuổi ở làng Barvas thuộc đảo Lewis bắt đầu các buổi cầu nguyện hằng đêm kết hiệp nhau nài xin Đức Chúa Trời đổ cơn phấn hưng xuống địa phương họ. Đêm qua đêm, họ cầu thay trước mặt Ngài. Sau vài tháng, họ không hề biết rằng có vài nam thanh niên yêu mến Chúa đã bắt đầu nhóm lại hằng đêm bên bờ làng bên kia để cầu nguyện cho sự phục hưng. Khi các bà này tiếp tục cầu nguyện, Đức Chúa Trời đã tỏ cho họ rằng Mục Sư Duncan Campbell nổi tiếng sẽ đến Barvas để dẫn dắt họ. Khi họ viết thư mời, ông phúc đáp: Thật tiếc là phải từ chối vì lịch công tác đã quá đầy. Họ thưa: “Ông có thể nói là mình sẽ không đến nhưng Đức Chúa Trời đáp rằng ông đang trên đường đến đây!”

Một thời gian sau đó, Quản nhiệm Hội thánh Trưởng lão địa phương – Mục Sư James M.Mackay đi dự một hội đồng của các hải đảo thuộc Anh quốc. Tại đó, Tiến sĩ T. Fitch đã mời ông Campbell đến dự các buổi nhóm đặc biệt.

Vào tháng 12/1949, cuối cùng Mục Sư Duncan Campbell cũng đã đến Hebrides để bắt đầu một loạt các buổi nhóm. Sau vài đêm, sự hiện diện đầy kinh ngạc của Đức Chúa Trời đã đổ xuống làng này, đem lại sự cáo trách sâu sắc về tội lỗi. Từ đó, cơn phục hưng lan từ làng này sang làng khác theo làn sóng, tiếp diễn từ năm 1949-1953 cho đến khi đời sống của toàn thể các cộng đồng được biến đổi. Nhiều người thình lình bị Đức Thánh Linh cáo trách khi đang ngồi ở nhà, ngã sấp mặt xuống trước Đức Chúa Trời và được hoán cải tin Chúa cách đầy năng quyền. Các người khác thì được Thánh Linh bắt phục khi họ đang đi trên đường phố và ngã quỵ xuống, quỳ gối cầu nguyện. Chỉ riêng có một đêm kia, có quá nhiều người đang cầu nguyện bên ngoài đồn cảnh sát đến nỗi các sĩ quan cảnh sát phải cho người đi gọi tôi tớ Chúa và Duncan Campbell.

Các quán rượu đều đóng cửa vì không có khách. Xe buýt đến khắp đảo, đem những đoàn người đến dự các buổi nhóm. Đôi khi các buổi nhóm kéo dài và kết thúc mãi đến tận 2,3 giờ sáng. Các Hội thánh trước đây chỉ có 4, 5 người nhóm cầu nguyện trở thành trung tâm của đời sống thôn dã ở nhiều địa phương. Cuộc phục hưng này đến từ Đức Chúa Trời, nhưng theo mức người ta biết thì nó đã bắt đầu khi Đức Chúa Trời dẫn dắt hai bà lớn tuổi kia cùng hiệp nhau cầu nguyện.

6. Hãy mời gọi những người khác gia nhập các buổi nhóm cầu nguyện đặc biệt cho sự phục hưng. Các buổi nhóm địa phương có thể được kêu gọi cho mục đích tìm kiếm Đức Chúa Trời. Có thể gửi thư cho cả những ai ở xa để kêu gọi cầu thay cho đến khi Đức Chúa Trời đáp lời. Sự phục hưng đã đến với công tác của Hội OMS ở Bắc Kinh, Trung Hoa sau khi các giáo sĩ cầu nguyện và kiêng ăn mỗi buổi trưa trong 6 tuần lễ. Một số Mục Sư bản xứ đã được mời gia nhập nhóm cầu nguyện. Sự phục hưng đã đổ xuống, trước tiên là các Hội thánh ở thành phố Bắc Kinh và sau đó là các Hội thánh thôn quê.

Cơn phục hưng lớn đã trải khắp nước Mỹ vào năm 1857-1858 được biết đến như “Cuộc phấn hưng của buổi nhóm cầu nguyện hiệp một”. Nó bắt đầu khi có người đã mời một số người khác đến để cùng cầu nguyện vào buổi trưa ngày 23/09/1857 tại một Hội thánh Cải chính miền Bắc của người Hà Lan ở thành phố New York. Dần dần đám đông gia tăng. Khi tin tức về buổi nhóm cầu nguyện lan đến các thành phố bên ngoài thì các nhóm cầu nguyện nở rộ.

Sau 6 tháng, 10.000 thương gia nhóm họp hằng ngày vào buổi trưa (chỉ riêng ở thành phố New York thôi). Đến tháng 5, 50.000 người đã được đem về với Chúa ở thành phố đó. Các buổi cầu nguyện hiệp một bắt đầu lan rộng khắp vùng New England, vượt thung lũng Ohio xuống tận Texas và trải dọc bờ biển phía tây. Nhiều phần thuộc Hoa Kỳ và Canada được vây phủ bởi tinh thần cầu thay này đã được nuôi dưỡng và cưu mang từ các buổi nhóm cầu nguyện.

Nhóm Giám lý báo cáo đã có 8.000 tân tín hữu trong các Hội thánh của họ trong 1 tuần lễ. Nhóm Báp-tít cho biết đã có hơn 17.000 người trở về với Đấng Christ trong vòng 3 tuần. Suốt 2 năm có sự gia tăng bình quân 10.000 người mỗi tuần gia nhập các Hội thánh khắp Hoa Kỳ. Người ta dè dặt ước tính trong 2 năm, đã có ít nhất 1 triệu người tin Chúa trên tổng số 30 triệu dân Hoa Kỳ lúc đó. Đây là cơn phấn hưng toàn quốc. Đây là công tác tể trị của Đức Chúa Trời, Đấng kêu gọi con người cầu nguyện và đáp lời cách quyền năng. Theo cái nhìn của con người, sự phục hưng đã khởi sự từ một người ở một thành phố, bắt đầu một buổi cầu nguyện cho phục hưng.

7. Đừng mệt mỏi về việc nắm vững sự cầu nguyện. Cầu nguyện cho sự phục hưng đất nước hoặc địa phương có thể liên tục trong nhiều tháng hoặc thậm chí vài năm trước khi sự đáp lời đầy đủ đến. Đừng bỏ cuộc. Trong thời điểm của Đức Chúa Trời, sự phục hưng sẽ đến khi bạn bền đỗ cầu nguyện (Gal 6:9).

Hãy nhớ rằng, bạn không thể ấn định cách Đức Chúa Trời sẽ hành động trong sự phục hưng. Bạn không thể chọn những ai Chúa sẽ sử dụng trong việc giúp đem phục hưng đến. Ngài đã quyết định hành động qua các công cụ là con người. Có thể bạn không bao giờ biết hết những con người Chúa dùng vào việc dọn đường cho sự phục hưng.

Nhưng bạn cần biết chắc điều này: Đức Chúa Trời luôn muốn cáo trách dân sự về tội lỗi và đưa họ vào sự ăn năn. Ngài luôn muốn thăm viếng dân sự Ngài cách mới mẻ qua sự phấn hưng và phước hạnh thuộc linh. Bạn có sẵn lòng là một trong các ống dẫn của Ngài cho sự phấn hưng không? Bất cứ Đức Chúa Trời phán bảo điều gì, bạn hãy làm đi, Ngài sẽ ban phước cho bạn.

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan