KHI THẤT BẠI CỨU RỖI – CÒN THÀNH CÔNG LẠI HỦY HOẠI

Share

Giống như hầu hết những người ở tuổi tứ tuần hoặc lớn hơn nữa, tôi đã nếm trải cả thất bại lẫn thành công. Tôi có thể nhìn lại đời mình và thấy những lĩnh vực tôi đã thành công ngoài mong đợi và những lĩnh vực tôi đã thất bại thảm hại. Nhưng tôi đã học được cách biết ơn Chúa vì cả thành công lẫn thất bại. Tôi đã học được cách nhìn thấy bàn tay nhân từ của Chúa trong từng điều một.

Thành công có gì đó rất hấp dẫn. Cảm giác thật tuyệt khi chúng ta nổi trội trong nghề nghiệp, đạt được mục tiêu, vượt hơn bè bạn, ghi được dấu ấn. Cảm giác thật tuyệt khi nhận được lời khen từ những người mà mình ngưỡng mộ. Cảm giác thật tuyệt khi cảm thấy cuối cùng mình cũng tạo được sự khác biệt.

Tuy thành công này có thể là một phước hạnh lớn lao với chính chúng ta và những người khác nhưng nó cũng có thể là yếu tố gây nên tội thờ thần tượng.

Còn thất bại mang lại cảm giác thật tồi tệ. Thật là khủng khiếp khi không thăng tiến trong nghề nghiệp, không đạt được mục tiêu, bị bạn bè vượt mặt, không ghi được dấu ấn cho bản thân. Thật tan nát cõi lòng khi không nhận được lời khen từ những người mà mình ngưỡng mộ.

Tuy thất bại này có thể là nỗi buồn khôn tả với chính chúng ta và những người khác nhưng nó cũng có thể là yếu tố làm nên phước hạnh.

Đây là điều tôi đã học được qua 40 năm thành công và thất bại: Sự săn sóc mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta có thể bộc lộ rõ khi Ngài để chúng ta thất bại hơn là cho phép chúng ta thành công. Lý do là vì chúng ta thường xử trí thất bại tốt hơn thành công.

Thất bại có cách đưa chúng ta đến với giới hạn của bản thân, khiến chúng ta càng trông cậy nơi Chúa hơn. Thành công có cách để tăng sự tự tin của chúng ta vào bản thân, khiến chúng ta càng ít trông cậy Chúa đi. Đôi khi thất bại lại cứu chúng ta còn thành công lại hủy hoại chúng ta.

Một trong những lời tôi thường cầu nguyện, ấy là sự thành công tôi đạt được không vượt quá sự thánh hóa của tôi. Tôi thà thất bại còn hơn có được thành công mà không kham nổi. Giống như mọi Cơ Đốc nhân, mong muốn thành công của tôi phải tương xứng với mong muốn được thánh hóa của tôi. Có lẽ điều này lý giải tại sao chúng ta lại thấy quá nhiều lãnh đạo Cơ Đốc nổi lên quá nhanh nhưng lại sụp đổ quá khủng khiếp đến vậy. Họ khao khát thành công và đã đạt được, nhưng lại không có sự thánh hóa để chống đỡ cho nó. Tôi tự hỏi liệu họ có phải những người đầu tiên nói rằng biết đâu một liều thất bại lành mạnh lại là điều họ cần nhất.

Như lời của một giáo sĩ vĩ đại: “Chúng ta muốn chờ đợi những điều lớn lao từ Chúa và cố gắng làm những điều lớn lao cho Chúa”, nhưng tương ứng với những mong đợi và cố gắng của chúng ta phải là những mong đợi lớn lao tới sự thánh khiết và cố gắng lớn lao để đạt được điều đó. Mong muốn thành công và cố gắng đạt được nó là tốt, nhưng chúng ta phải sẵn sàng nhận từ tay Chúa phước hạnh của Ngài thể hiện trong cả thành công lẫn thất bại.

Tim Challies, tác giả bài viết là mục sư tại Grace Fellowship Church tại Toronto, Ontario, Hoa Kỳ. Tim là tác giả của một số cuốn sách và ông chia sẻ những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình mỗi ngày tại trang web Challies.com.

– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc

Nguồn:  https://giangluankinhthanh.net

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan