Lay Động Thế Giới Qua Sự Cầu Nguyện – Chương 14

Share

14BẠN CÓ UY QUYỀN CẦU NGUYỆN QUA THẬP TỰ GIÁ

 

Cơ Đốc Nhân cần vui mừng nhiều hơn nữa qua sự toàn thắng vinh quang của Đấng Christ tại thập tự giá. Tuy nhiên, không cần chờ đến khi vào thiên đàng mới nhận biết hết tầm quan trọng vĩnh cửu của thập tự giá cho chính mình và cả thế giới. Trong chương trình của Đức Chúa Trời, thập tự giá của Đấng Christ không còn là công cụ làm hổ nhục và tra tấn, nhưng đã trở thành vinh quang lớn nhất của Ngài.

Bạn còn nhớ Chúa Jêsus đã cho môn đệ xem các dấu đinh trên tay, chân Ngài và dấu giáo đâm bên sườn Ngài như thế nào không (Gi 20:20,27)? Trong thân thể phục sinh, Ngài vẫn mang các dấu vết này, là giá mà Ngài đã trả cho sự cứu rỗi chúng ta. Tôi tin rằng một ngày kia, bạn sẽ vui mừng khi gặp Chúa cách riêng tư và được rờ bàn tay mang dấu đinh, như Ngài đã chỉ cho các môn đồ trước đây. Khải 5:6 đảm bảo với chúng ta rằng suốt cõi đời đời, Chúa Jêsus sẽ tiếp tục mang ấn chứng của sự thương khó Ngài trên cây thập tự, như là huy hiệu danh dự độc tôn của Ngài.

Xin cho phép tôi chia sẻ với bạn về chiến thắng vinh hiển của Đấng Christ. Bạn cần phải hiểu để có thể trói buộc Sa-tan cách hiệu quả hơn trong các chiến trận cầu nguyện và giành được các thắng lợi mới.

Vương quốc của Sa-tan

Sa-tan – kẻ thù chính của Đức Chúa Trời và Hội thánh – có vương quốc gian ác của nó. Nó cai trị các thiên sứ sa ngã, các quỷ sứ (tà linh với uế linh) và các tội nhân, tức là những kẻ mà Đức Chúa Trời kể là con cái Ma quỷ (Gi 8:44). Ngày nay, các thiên sứ sa ngã không có quyền hoạt động. Chúng bị giam nơi tối tăm (tiếng Hy Lạp là Tartarus: địa ngục, theo (II Phie 2:4), bị cùm bởi xiềng xích đời đời, chờ ngày phán xét.

Tuy nhiên, ngày nay các quỷ sứ lại rất năng động. Từ Hy Lạp daimon, quỷ sứ hoàn toàn khác với từ được sử dụng để nói về thiên sứ sa ngã, angelos. Các quỷ sứ cũng được gọi là uế linh; pneumaton akatharton (Công 5:16) và các tà linh, pneumata ta ponera (19:12-16). Chúng ta không biết được nguồn gốc của chúng, nhưng Đức Chúa Trời không dựng lên các tạo vật gian ác bao giờ; vì vậy, chúng (giống như các thiên sứ sa ngã) hiển nhiên đã có một thời là thánh khiết, rồi trở nên tội lỗi bởi chính sự lựa chọn của mình.

Trong sự chống nghịch cố hữu với Đức Chúa Trời và loài người, Sa-tan rất phụ thuộc vào các quỷ sứ này. Đức Chúa Trời là Đấng toàn tại, trong khi Sa-tan chỉ có thể có mặt tại một chỗ vào một thời điểm nhất định. Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri, trong khi Sa-tan phải phụ thuộc vào thông tin từ các quỷ sứ của nó. Nhưng Sa-tan lại là kẻ lừa dối cả thế giới này (Khải 12:9) và là cha của kẻ nói dối (Gi 8:44). Giống như nó dạy các quỷ sứ nói dối, thì chắc rằng chúng cũng nói dối với chính nó, vì Sa-tan dường như thường hành động dựa trên các thông tin không chính xác. Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, trong khi Sa-tan có quyền lực hữu hạn và thường xuyên phải làm việc qua một hay nhiều quỷ sứ.

Sa-tan là kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời và Đấng Christ, chống nghịch Hội thánh – Cơ Đốc Nhân và cả nhân loại. Nó không yêu thương những kẻ thuộc về mình; nó coi khinh và ghét bỏ chúng. Cách duy nhất để nó tấn công Đức Chúa Trời là làm hại người mà Ngài yêu thương; vì vậy nó luôn tìm cách cản trở, hành hại và nguyền rủa con người. Khi nói đến việc trói Sa-tan, có nghĩa là trói buộc quyền lực của nó, là quyền lực thường được thực hiện qua các quỷ sứ.

Chúng ta không biết cách Sa-tan tổ chức, sắp xếp các quỷ sứ trong vương quốc gian ác của nó. Kinh Thánh đã dùng một số thuật ngữ để chỉ về các linh và thường bày tỏ chúng đều ở dưới quyền thống trị của Sa-tan. Dưới đây là một số từ trong tiếng Hy Lạp, cùng với các câu Kinh Thánh trưng dẫn:

– Archai: Kẻ cai trị (Icô 15:24; Êph 1:21, 3:10, 6:12; Côl 1:16; 2:10,15)

– Exousiai: Quyền thế (Icô 15:24; Êph 1:21, 3:10, 6:12; Côl 1:16; 2:10,15)

– Dunameis: Quyền phép (Rô 8:38; Icô 15:24; Êph 1:21)

– Kuriotes: Quyền thống trị, chức chúa Tể (Êph 1:21, Côl 1:16)

– Thronoi: Ngôi vua (Côl 1:16)

– Archontes: Người cai trị, lãnh đạo (I Cô 2:6)

– Kosmokratores: Vua chúa của thế gian mờ tối (Êph 6:12)

Có lẽ các từ này nói đến cấp bậc thẩm quyền khác nhau, các vị thế hay nhiệm vụ khác nhau dưới sự lãnh đạo của Sa-tan. Điều quan trọng là các hữu thể này đều bị giới hạn trong quyền lực, tri thức, và lãnh vực hoạt động. Tất cả đều bị Đấng Christ đánh bại tại thập tự giá. Tất cả đều biết rằng chúng đang chờ ngày phán xét và theo sau là sự hình phạt đời đời dành cho mình (Mat 8:29).

Sa-tan và toàn bộ tà linh của nó đã bị đánh bại tại thập tự giá

Bạn có nhận biết sự toàn thắng của Đấng Christ tại đồi Gô-gô-tha trọn vẹn như thế nào không? Sự chiến thắng đó thuộc về chúng ta vì Chúa Jêsus đã thế chỗ chúng ta, mang lấy tội của chúng ta trên thập tự giá. Ngài đã trả giá để cứu chuộc chúng ta. Ngài đã làm ứng nghiệm các lời tiên tri và tất cả hình bóng trong Cựu Ước. Mọi tế lễ chuộc tội từ A-đam trở đi đã được Đức Chúa Trời chấp nhận dựa trên sinh tế thánh, trọn vẹn và cuối cùng của Đấng Christ trên thập tự giá. Vì vậy, mọi của lễ từ một tội nhân ăn năn đều được Đức Chúa Trời chấp nhận, như là thêm một tài khoản trong sổ cái hay thêm một giấy nợ mà Chúa Jêsus đã thanh toán. Ngợi khen Đức Chúa Trời! Chúa Cứu thế đã trả hết trên thập tự giá! Đồi Gô-gô-tha là sự toàn thắng đời đời cho bất cứ ai muốn nhận điều đó (Khải 22:17).

Chương trình của Đức Chúa Trời cũng đã hoàn tất. Từ ban đầu, ý định Ngài thiết lập mối thông công đời đời với con người, để một ngày kia họ sẽ được phục cư trên đất công nghĩa và mới mẻ (Khải 21:1). Mọi điều mà con người đã đánh mất qua sự sa ngã sẽ được phục hồi tại đồi Gô-gô-tha. Tội lỗi, đau khổ, nước mắt, sự chết, sự rủa sả – mọi điều ác đã xâm nhập thế gian qua sự sa ngã của loài người – sẽ được cất bỏ mãi mãi (21:4-5; 22:3,5).

Chương trình đời đời của Đức Chúa Trời đã bị Sa-tan làm cho gián đoạn. Sự gián đoạn này đã kéo dài vài nghìn năm qua. Thời gian này là quá dài so với đời sống con người trên đất, nhưng theo cái nhìn của Chúa thì đó chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi. Sự gián đoạn quỷ quái này sẽ chấm dứt bởi sự tái lâm khải hoàn của Đấng Christ. Sự tái lâm này sẽ xảy ra vì cớ Gô-gô-tha. Cõi đời đời không giới hạn này sẽ thật sự vượt xa và che phủ sự gián đoạn do Sa-tan và tội lỗi đem lại trong khoảng vài nghìn năm, đến mức khi chúng ta vào thiên đàng thì sự cai trị của tội lỗi sẽ chỉ như một cơn ác mộng.

Sự chiến thắng của Đấng Christ tại đồi Gô-gô-tha chính là sự sụp đổ toàn vẹn và đời đời của Sa-tan. Thoạt tiên, Sa-tan tưởng mình đã thắng, điều này cho thấy tri thức và sự hiểu biết của nó giới hạn biết bao. Trong thực tế, thập tự giá đã hủy phá Sa-tan, tội lỗi, sự chết và toàn bộ vương quốc của nó, nhưng vẫn chưa tiêu diệt Sa-tan và các thiên sứ sa ngã – vô số các quỷ sứ. Chúng sẽ bị hành hại đời đời trong hồ lửa (Khải 20:10). Địa ngục đã được chuẩn bị cho Sa-tan và các quỷ sứ nó. Con người sẽ đi vào hồ lửa chỉ vì họ đã liên minh với Sa-tan và không chịu ăn năn, để được giải cứu khỏi tội lỗi qua sự chuộc tội mà Đấng Christ đã thực hiện tại Gô-gô-tha (c.14-15). Chúng ta hãy lưu ý ngôn ngữ gợi hình mà Kinh Thánh dùng để minh họa sự thất bại nhục nhã của Sa-tan tại đồi Gô-gô-tha như sau:

Tại thập tự giá, Chúa Jêsus đã xua đuổi Sa-tan, “vua chúa của thế gian này” (Gi 12:31-33). Ngày nay Sa-tan là một kẻ chiếm đoạt bất hợp pháp. Thập tự giá đã xét xử nó cách sơ thẩm. Những sự tự cho là xứng đáng của nó đã bị hủy phá; thẩm quyền tự xưng của nó đã bị vô hiệu hóa. Sự thất bại của nó thật hoàn toàn đến mức nó đã bị mất địa vị và thẩm quyền. Tiếng Hy Lạp ekballo có nghĩa là “xua đuổi, truất khỏi”. Thập tự đã đoán phạt số phận Sa-tan là phải bị đuổi khỏi thế giới loài người, dù nó vẫn cố tích cực hoạt động và mãnh liệt trong sự giận hoảng vô ích của mình. Nó là archon, nghĩa là chúa cai trị đời này, cho đến khi Đức Chúa Trời thực hiện sự phán xét của thập tự giá lúc Đấng Christ tái lâm.

Tại thập tự giá, Chúa Jêsus đã “tước bỏ các thế lực và chủ quyền cai trị” (Côl 2:15). Tước bỏ theo nguyên gốc Hy Lạp là apekoyo, nghĩa là “cởi bỏ, lột bỏ hoàn toàn và trở nên bất năng”. Tại thập tự giá. Đấng Christ đã hoàn toàn cất bỏ mọi chủ quyền cai trị của ma quỷ. Theo phong tục phương Đông cổ đại, từ này mô tả hình ảnh lột bỏ áo bào của vị quan tướng bị phế truất. Tại thập tự giá các kẻ đứng đầu cai trị các thế lực và vương quốc của Sa-tan đã bị tước chủ quyền và danh dự của mình. Bây giờ chúng không có quyền gì để chống đối, hù dọa hoặc gây khó dễ cho bạn nữa.

Song bức tranh này còn nhiều điều đáng nói hơn. Phao-lô tuyên bố Đấng Christ “đã dùng thập tự giá ..nộp ta tỏ tường giữa thiên hạ” (c.15). Một lần nữa, hình ảnh minh họa này được trích dẫn từ lịch sử xưa: sau một trận chiến cam go, vị vua chiến thắng thường tổ chức cuộc diễu hành khải hoàn. Đoàn quân chiến thắng diễu hành qua các đường phố giữa hai bên là hàng nghìn người đang vui mừng hoan nghênh. Lúc quân nhạc đang biểu diễn thì chiến xa và các quân lính khiêng các chiến lợi phẩm thu được từ phe bại trận và vua cùng tất cả các tướng lĩnh bại trận hoặc các tù binh tuyển chọn khác đều bị dẫn đi trong xiềng xích, sự hổ nhục bị phơi bày cách tỏ tường giữa thiên hạ.

Chữ Hy Lạp edeigmatisen có nghĩa là “công khai bày tỏ ra”. Suốt khoảng thời gian chịu chết và sống lại, khi Đấng Christ công bố (ekarussen) sự thất bại của Sa-tan tại thập tự giá cho các tà linh bị cầm tù (I Phi 3:19) thì trong hình ảnh biểu tượng Ngài đang diễu hành cách khải hoàn qua ngục tù của các linh với Sa-tan cùng các tà linh cai trị của nó bị xiềng xích, kéo lê trong sự thất bại đầy nhục nhã sau lưng Ngài. Phao-lô công bố: Ngài đã nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ sự thất bại của chúng và bây giờ mọi tà linh đều biết sự nghiệp của chúng đã bị đánh bại đời đời, quyền cai trị quỷ quái của chúng đã bị tước bỏ, và chúng chỉ còn chờ đến thời điểm Chúa định để nhận sự đoán phạt đời đời (Mat 8:29).

Tại thập tự giá, Sa-tan và các uế linh đã bị hủy diệt (Hê 2:14). Hủy diệt bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp katargeo, nghĩa là “vô hiệu hóa hành động, làm mất tác dụng”. Từ này được lập lại nhiều lần để bày tỏ cách vô hiệu hóa mọi hoạt động mà sự chết và hiện ra của Đấng Christ (parousia) thực hiện trên các quyền lực thuộc linh đe dọa, hủy diệt loài người. Theo ICôr 15:24, điều này bao gồm mọi lãnh thổ và mọi quyền cai trị của ma quỷ. Theo câu 26, sự chết là kẻ thù cuối cùng sẽ bị mất hết tác dụng. Mọi kẻ đang “đi đến sự hư mất” bao gồm chính Sa-tan (Hê 2:14) và tất cả tà linh cầm đầu của nó (I Cô 2:6).

Kết quả của sự Chết, Phục sinh và Thăng thiên là Đấng Christ được ngồi trên ngôi vinh hiển. “Đấng Christ ..cao hơn mọi quyền phép, mọi thế lực, mọi quân chủ ..Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ” (Êph 1:21-22). Các thuật ngữ này bao gồm mọi hữu thể trên trời, có lẽ cả các thiên sứ thánh lẫn các thiên sứ sa ngã – hiện là các quỷ sứ. Theo Thi 110:1, cụm từ “làm bệ chân cho Ngài” (Bản King James) cũng bao gồm mọi uế linh vì chúng được gọi là các kẻ thù của Đấng Christ. Ngài ngồi bên hữu Đức Chúa Trời, trên mọi hữu thể thiêng thượng và dĩ nhiên là trên tất cả các linh sa ngã ở bất kỳ cấp bậc nào. Một cách đầy uy quyền, các linh sa ngã này đều ở “dưới chân Ngài” vì chúng đã đại bại rồi. Song, chúng đang khoác lác như thể mình chưa bị đánh bại và đang cố khẳng định quyền thống trị loài người.

Từ bệ chân là ẩn dụ được minh họa trong Giô-suê 10:24, mô tả cảnh tượng các sĩ quan chỉ huy của Giô-suê đã đạp chân lên đầu các vua đối nghịch bại trận trước khi giết họ. Một ngày kia, Chúa Jêsus sẽ đặt tất cả các tà linh đại bại này dưới chân Ngài và cũng dưới chân chúng ta nữa, vì chúng ta là những chiến sĩ đắc thắng. Sau đó, Ngài sẽ ném tất cả bọn chúng vào địa ngục.

Các tà linh này đã biết rõ chúng bị bại trận và kết cuộc của chúng sẽ là gì nên chúng rất sợ chúng ta và lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng biết rằng chúng ta có uy quyền từ Chúa Jêsus. Khi bạn chống lại chúng trong danh và quyền năng Ngài, chúng không chỉ từ từ lui mà thật sự trốn chạy xa khỏi bạn (Gia 4:7)

Tóm lại: Sa-tan có thể gầm rống như sư tử, giận hoảng, cố làm bạn sợ nhưng chúng chỉ là kẻ chiếm đoạt bất hợp pháp. Nó không có một quyền lợi, chỗ đứng, thẩm quyền hoặc vị trí hợp pháp nào trong đời sống của bạn cả.

a) Nó đang bị Chúa Jêsus trục xuất và xua đuổi (Gi 12:31).

b) Là kẻ thù muôn kiếp đã bại trận, nó đã bị lột chiến bào, tước vũ khí và đã bị sỉ nhục tỏ tường trước thiên hạ trong cuộc diễu binh khải hoàn của Đấng Christ. Ngài phơi bày Sa-tan bị nhục nhã như chiến lợi phẩm hàng đầu của mình, khải thị cho mọi hữu thể trên trời và dưới địa ngục rằng Sa-tan đã thất trận (Côl 2:15). Con sư tử rống giả mạo kia đã bị đánh bại bởi chính Sư tử chân thật của chi phái Giu-đa là Chúa Jêsus Christ – Con Người và Con yêu dấu của Đức Chúa Trời (Khải 5:5).

c) Quyền lực của nó đã bị vô hiệu hóa, nó cùng mọi thế lực của nó đã bị mất tác dụng hoạt động khi bất kỳ quyền năng nào can thiệt đến (Hê 2:14; I Cô 2:6, Icôr 15:24).

d) Nó và tất cả bè lũ quỷ sứ của nó đều bị chà đạp dưới chân Chúa Jêsus cách tỏ tường và sẽ sớm bị đặt ở đó một cách tuyệt đối (Êph 1:21-22). Đúng ra, nó cũng sẽ thực sự bị nghiền nát (syntribo) dưới chân của bạn nữa (Rô 16:20). Syntribo có nghĩa là “nghiền nát, đập ra từng mảnh” – một thất bại tan nát và hoàn toàn.

Do đó, Chúa Jêsus cũng phán với chúng ta khi Ngài răn bảo môn đồ mình: “Này, Ta đã ban quyền cho các ngươi ..và mọi quyền của kẻ nghịch dưới chân các ngươi; không gì làm hại các ngươi được” (Lu 10:19). Dù không xứng đáng, chúng ta vẫn phải khiêm nhường mà tin chắc mà nhận lấy uy quyền này, hành động theo sự đắc thắng vinh hiển của Đấng Christ tại đồi Gô-nô-tha khi chúng ta đánh bại và trói buộc quyền lực của Sa-tan trong danh Ngài.

                                                                                                                                                                   

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan