Lay Động Thế Giới Qua Sự Cầu Nguyện – Chương 3

Share

3

QUYỀN NĂNG KHÔN XIẾT CỦA BẠN

 

Đặc ân lớn nhất mà Đức Chúa Trời ban cho bạn là được tự do đến gần Ngài bất cứ lúc nào. Không những được quyền nói chuyện với Ngài, mà bạn còn được Ngài mời gọi; không những được phép, mà bạn còn được Ngài mong đợi. Đức Chúa Trời chờ đợi bạn tương giao với Ngài. Bạn có khả năng tiếp cận ngay lập tức và trực tiếp với Đức Chúa Trời. Ngài yêu mến loài người (và đặc biệt nhất là các con cái của Ngài) nhiều đến nỗi tự cung ứng chính mình để chúng ta có thể đến gần Ngài trong mọi lúc. Có ít nhất 7 yếu tố trong quyền năng lạ lùng mà Ngài ban cho chúng ta.

Quyền năng để ra mắt Ngai Thiên thượng

Là con cái Chúa, bạn có đủ thẩm quyền để tiếp xúc với Đức Chúa Trời – Chúa tể cả vũ trụ này, bất cứ lúc nào bạn muốn. Ngài luôn ngự ngôi trên trời; song qua lời cầu nguyện, bạn có thể bước vào sự hiện diện của Ngài như bất kỳ thiên sứ nào hoặc thiên sứ trưởng. Bạn không cần chờ được mời, vì giấy mời đã giao cho bạn rồi. Bạn không cần hẹn trước, vì quyền gặp Đức Chúa Trời ngay lập tức đã được ban cho rồi. Ngài không bao giờ quá bận đến nỗi không thể lắng nghe bạn, không bao giờ quá vướng víu mà không đáp lời bạn.

Trước khi gặp nữ hoàng Elizabeth, người ta đã bảo tôi rằng: Bạn không bao giờ được nói trước, mà hãy đợi cho đến khi nghe xong. Bạn không bao giờ được hỏi một điều gì, mà phải trả lời hoàng gia. Và họ bảo tôi: Trước khi trả lời, bạn phải nói: “Tâu nữ hoàng”.

Khi bạn thưa chuyện với Chúa của vũ trụ bao la này, thì hoàn toàn ngược lại. Chúa Jêsus phán: “Khi các ngươi cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha!” (Lu 11:2). Chẳng có tước hiệu trang trọng nào mà bạn không dám bỏ đi e rằng mình không tôn kính Đức Chúa Trời, chẳng có từ ngữ gợi ý nào khiến cho lời cầu nguyện của bạn thêm phần thiêng liêng hoặc chắc chắn sẽ được nhậm, chẳng có nghi thức nào mà bạn buộc phải sử dụng cả.

Khi nữ hoàng Elizabeth viếng thăm Ấn Độ, một bé gái đã được chọn trước để tặng hoa cho bà. Trước đó hàng tuần, em đã luyện tập chính xác cách khẽ nhún đầu gối để chào nữ hoàng và cách lui bước từ từ (mà không bị vấp ngã!), để chắc chắn rằng mình không quay lưng về phía nữ hoàng. Nhưng bạn có thể biết chắc rằng chính các con của nữ hoàng không bị điều lệ đó áp đặt trên mình!

Trong sự cầu nguyện, bạn đến với Đức Chúa Trời với tư cách là con cái Ngài. Bạn không cần phải cố khiến mình dễ được chấp nhận hơn. Bạn không cần chuẩn bị trước cách kỹ càng những gì muốn nói. Bạn đến với con người thật của mình, mở lòng ra và thưa với Ngài những cảm nghĩ và ước muốn của mình. Không có dáng điệu cầu nguyện nào thiêng liêng hơn cái khác. Bạn là con cái Đức Chúa Trời và Ngài tha thiết, sẵn lòng gặp bạn!

Quyền năng để cộng tác với Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời đã chọn hoàn thành nhiều mục đích tối thượng của Ngài với sự phụ giúp của chúng ta. Phao-lô đã nhiều lần nhắc nhở: Đức Chúa Trời đã chỉ định chúng ta như một người đồng công đặc biệt cho việc phát triển Tin Lành. Phao-lô muốn nhấn mạnh trọng trách thiêng liêng của chúng ta là cùng làm việc với Đức Chúa Trời. Mọi hình thức vâng lời Ngài là cấp thiết, nhưng có nhiều trường hợp chúng ta bị giới hạn, không thể có mặt ở nơi có nhu cầu hay thiếu hụt các kỹ năng hoặc sự đào tạo chuyên biệt. Nhưng chúng ta luôn có thể làm việc với Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện.

Qua sự cầu nguyện, chúng ta có thể hợp tác với Đức Chúa Trời bất kỳ ở đâu, lúc nào và cho loại nhu cầu nào. Chúng ta được dựng nên để cầu nguyện. Chúng ta được cứu bởi ân điển Chúa để bước vào chức vụ cầu nguyện. Chúng ta có tự do, quyền hạn và tư cách là con chính thức của Đức Chúa Trời, được kêu gọi để cùng làm việc với Ngài, được chọn cho mục đích rõ rệt này.

Hơn nữa, Đức Chúa Trời phán trong (Xuất 19:5-6) “Các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế gian đều thuộc về ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ”. Ê-sai đã nói tiên tri: “Các ngươi sẽ được gọi là thầy tế lễ của Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 66:6). Tại sao Chúa Jêsus lại khiến chúng ta thành “thầy tế lễ” để hầu việc Đức Chúa Trời (Khải 1:6)? Tại sao tất cả các Cơ Đốc Nhân lại được gọi là “chức tế lễ thánh, chức thầy tế lễ nhà vua” (I Phi 2:5,9).

Hiển nhiên, một phần mục đích của Đức Chúa Trời trong việc chỉ định chúng ta làm thầy tế lễ là vì chúng ta có nhiệm vụ ngợi khen và thờ phượng Ngài. Song điều này còn hàm ý hơn thế rất nhiều. Chúng ta phải là “chức thầy tế lễ nhà vua”. Ngày nay, Đấng Christ cai trị thế giới này qua lời cầu nguyện. Chúng ta phải dự phần trong sự cai trị này bằng việc cầu thay cho người khác như Đấng Christ hằng luôn cầu thay cho họ (Hê 7:25). Chúng ta đã được Chúa ban cho quyền chính thức tiếp cận Ngai thiên thượng hầu cho chúng ta có thể kết nối sự cầu thay của mình với Đấng Christ.

Nếu Đấng Christ đã cầu thay, thì sao sự cầu thay của chúng ta lại cần thiết? Lời cầu nguyện nhỏ bé của chúng ta có thể thêm gì cho sự cầu thay đầy năng quyền của Ngài đây? Đức Chúa Trời đã vui lòng đưa vào chương trình đời đời rằng chúng ta, các con cái của Ngài, đồng tham dự với Đấng Christ trong vai trò cầu thay và đồng cai trị với Ngài ngày nay. Nếu chúng ta không dùng các giây phút rảnh rỗi vào chức vụ cầu thay cho người khác và công việc Chúa, thì chúng ta đang làm Ngài thất bại trong sự kêu gọi đặc biệt mà Ngài dành cho chúng ta. Nếu muốn, chúng ta có thể biến bất kỳ chương trình phát thanh, truyền hình hoặc mục báo nào thành một lời kêu gọi cầu nguyện. Chúng ta có thể nhạy bén để hòa vào nhịp đập của lòng Đức Chúa Trời cho một thế giới đổ vỡ. Cầu nguyện là cách tối ưu để trở thành người đồng công với Đức Chúa Trời.

Quyền năng để chống trả và đánh bại Sa-tan

Sa-tan là kẻ cừu địch hàng đầu của Đức Chúa Trời và loài người. “Kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quang anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy chống cự nó” (I Phi 5:8). Nó là quân sư bậc thầy đứng đằng sau tất cả tà linh trên thế giới. Vương quốc nó bao gồm các thiên sứ sa ngã, các quỷ sứ và các kẻ tội lỗi. Nó luôn tìm cách làm nản chí, gây trì hoãn và đánh bại những người làm việc cho Đấng Christ và công việc Ngài. Nó quyết tâm chống phá bằng mọi cách. Một trong các danh xưng của nó là “kẻ hủy diệt” (Khải 9:11). Nó tìm kế hủy diệt con người, gia đình, dân tộc, chương trình và công việc của Đức Chúa Trời.

Sa-tan điều phối đội linh uế linh được gọi là quỷ sứ. Chúng có quyền lực làm khổ những người chúng nhập vào. Đôi lúc, Sa-tan như có thể vận dụng một sự điều khiển nào đó trên các thế lực thiên nhiên và giả mạo công việc của Đức Chúa Trời bằng các “phép lạ” của quỷ (II Tês 2:9), Nó có quyền lực và tà uy lớn đến nỗi thiên sứ trưởng Micaen cầu xin Chúa quở phạt Sa-tan (Giu 9).

Làm sao mà bạn và tôi có thể chống cự hay đánh bại được Sa-tan? Tất nhiên chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể cầm giữ, bắt phục và đánh bại một kẻ thù quyền lực như vậy. Dầu vậy, Kinh Thánh đã xác nhận ban uy quyền này cho các Cơ Đốc Nhân bình thường như bạn và tôi.

Chúng ta không được chiều theo cám dỗ. Chúa Jêsus đã nêu gương về điều này bằng việc sử dụng lời Chúa (Mat 4:1-11). Ngài thôi thúc Phi-e-rơ chiến thắng bằng sự tĩnh thức và cầu nguyện (Mat 26:41).

Chúng ta phải đứng vững trong đức tin. Kinh Thánh hứa: “Hãy chống trả ma quỷ, thì nó sẽ lánh xa anh em” (Gia 4:7). Từ Hy-lạp chống trả có nghĩa “đứng vững chống lại”. Có Chúa Jêsus ở cùng, chúng ta có thể chống trả lại Sa-tan.

Chúng ta phải cầu nguyện. Đây là vũ khí mạnh nhất của chúng ta. Cầu nguyện phô bày sự hiện diện của Đấng Christ, Sa-tan và các quỷ sứ của nó phải bật ngửa như đám đông trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Gi 18:6). Cầu nguyện nắm lấy và dàn dựng các lời hứa của Đức Chúa Trời giống như một bức tường ngăn cách chúng ta với quyền lực của sự tối tăm. Cầu nguyện dẫn đường cho các thiên sứ của Đức Chúa Trời chạy ùa đến trợ giúp chúng ta (II Vua 6:15-17; Đa 10:13; Hê 1:14). Cầu nguyện có thể đánh trận với bất cứ liên minh nào của các thế lực Sa-tan.

Mô tả trận chiến thuộc linh ở Ê-phê-sô 6, Phao-lô viết: “Vì chúng ta đánh trận chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối này, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (c.12). Trong câu 11, Phao-lô nói chúng ta cần phải đứng vững chống lại các mưu kế của ma quỷ. Sau đó ông đã liệt kê một loạt các phương diện khác nhau về khí giới thuộc linh mà chúng ta phải mang trong chiến trận với Sa-tan. Nhưng khi được vũ trang đầy đủ, chúng ta đánh trận ra sao? Phao-lô nêu 2 cách: bằng gươm của Thánh Linh là lời Đức Chúa Trời và sự cầu nguyện.

Cầu nguyện là chiến lược chủ yếu mà Đức Chúa Trời ban cho để chiến thắng và đánh đuổi Sa-tan. “Hãy nhờ Đức Thánh Linh thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin” (Êph 6:18). Qua sự cầu nguyện, Đức Thánh Linh có thể ban quyền năng cho chúng ta mạnh đến nỗi sự cầm buộc của Sa-tan trên đời sống chúng ta bị bẻ gãy, sự ngăn trở của Sa-tan trên đường về thiên quốc bị đẩy lùi và công việc của Sa-tan bị huỷ phá. Đấng Christ đã đến để hủy phá công việc của ma quỷ (I Giăng 3:8). Ngài đã thực hiện điều này cách đầy uy lực tại đồi Gô-gô-tha và Đấng Christ đã củng cố sự đắc thắng đó qua lời cầu nguyện của Nàng dâu Ngài là Hội Thánh. Đó là lý do vì sao dân sự của Đức Chúa Trời cũng là đạo quân cầu nguyện của Vua thiêng thượng.

Nếu dân sự Chúa chấp nhận vai trò thiêng liêng là đạo quân của Đức Chúa Trời, cùng kêu gọi nhau ưu tiên cầu nguyện, cùng liên kết nhau chiến đấu trong sự cầu nguyện, dưới sự hướng dẫn và xức dầu của Đức Thánh Linh, chúng ta đã thấy Sa-tan đại bại và sự thăm viếng phục hưng được Đức Chúa Trời tuôn đổ xuống rồi. Chúng ta đã có thể thấy mùa thu hoạch linh hồn mới nhất mà mình chưa từng biết.

Chúng ta được Chúa kêu gọi để ngăn chặn, đẩy lui và đánh bại Sa-tan qua sự cầu nguyện và kiêng ăn. Nhưng chúng ta lại ít cầu nguyện, quá thụ động, quá tự mãn với tình trạng thuộc linh nghèo nàn và gần như khô hạn của mình. Chúng ta dường như thuận cho ma quỷ giành thắng lợi. Đức Chúa Trời ôi! Xin thức tĩnh chúng con! Đức Chúa Trời ôi, hãy dạy chúng con cầu nguyện! Đức Chúa Trời ôi! Hãy dẫn chúng con vào chiến trận cầu nguyện nơi chúng con công bố rằng những người chủ chốt, toàn bộ các gia đình, thậm chí toàn bộ các lục địa đều thuộc về Ngài. Bằng đầu gối của bạn, việc truyền bá Phúc âm cho thế giới có thể được cách mạng hóa! Bằng đầu gối của bạn, sự chiến thắng khải hoàn của Đấng Christ sẽ được phô bày!

Quyền năng vượt trên quy luật thiên nhiên

Cầu nguyện có thể vượt trên các “quy luật thiên nhiên”. Cầu nguyện có thể đem đến câu trả lời đầy phép lạ từ Đức Chúa Trời cho các nhu cầu tuyệt vọng của con người. Nếu điều này không có thật, thì cầu nguyện cho nhiều hoàn cảnh, nan đề sẽ là vô ích. Nếu Chúa bị giới hạn khi đáp lời nài xin, thì cầu nguyện như là chơi một canh bạc với mình. Nhưng hoàn toàn không hề như vậy! Cầu nguyện rất thật, y như Đức Chúa Trời là thật vậy. Tuy nhiên chẳng có gì mà Đức Chúa Trời không làm được nếu điều đó phát triển vương quốc Ngài và phù hợp với ý muốn Ngài. Cầu nguyện giải phóng quyền năng của Đức Chúa Trời.

Đấng Christ là Đấng sáng tạo và bảo tồn vũ trụ này (Gi 1:3; Cool 1:16-17). Ngài là Đức Chúa Trời của chương trình, của quy cũ và quyền phép. Chúng ta gọi cách hoạt động bình thường của Ngài là ‘quy luật’ thiên nhiên. Ngài đã hoạch định và tạo lập vũ trụ theo cách các quy luật cao có thể vượt qua các quy luật thấp hơn. Ví dụ luật lực đẩy (tác động) có thể tạm thời vượt qua trọng lực. Khi chúng ta tung một quả bóng lên, luật lực đẩy cho thấy quả bóng sẽ bay lơ lửng trên không cho đến khi lực đẩy này hết hiệu lực, là thời điểm mà luật trọng lực lại có tác dụng thay thế và quả bóng rơi xuống đất.

Các định luật thấp hơn theo quy tắc thường xuyên phục vụ cho các định luật cao hơn, hòa hợp và có thể bị các luật cao hơn vượt qua. Các quy luật quản trị vật chất có thể bị các quy luật sinh học và sự sống vượt trội hơn. Đến phiên các quy luật này lại có thể phục vụ quy luật về tâm lý. Các quy luật luân lý vượt trội hơn quy luật vật lý và các quy luật thuộc linh lại vượt trên tất cả. Đức Chúa Trời là Thần và Ngài trổi hơn mọi loài thọ tạo. Ngài tuyệt đối tự do, vì là Đấng sáng tạo, bảo tồn và quản trị muôn loài. Ngài tự do vượt qua bất kỳ quy luật nào, vì chúng chỉ tỏ bày trí sáng tạo của Ngài, là cách mà Ngài thường dùng để hành động trên thế giới Ngài đã tạo dựng. Vượt qua một “quy luật” không phải là làm hỏng hay phá bỏ quy luật ấy, nhưng tạm thời thay thế nó cho một mục đích cao cả hơn.

Khi Đức Chúa Trời vượt qua cách hoạt động thông thường của Ngài (quy luật thiên nhiên) và tỏ bày cách đặc biệt ý muốn Ngài, chúng ta gọi đó là phép lạ. Đối với Đức Chúa Trời, đó chỉ là một công việc khác của Ngài mà thôi. Vì vậy, Chúa Jêsus đã nhắc đến các phép lạ của Ngài như là những “công việc” (tiếng Hy-lạp erga; xem Gi 9:4; 10:25;32;38). Cầu nguyện luôn là giải pháp vì Đức Chúa Trời toàn năng, tể trị trên tất cả công việc của Ngài. Ngài có những mục đích và chương trình đời đời. Ngài sẽ luôn vượt trên bất cứ quy luật thông thường nào để hoàn thành các mục đích thuộc linh và chương trình đời đời của Ngài. Do đó, cầu nguyện luôn khiến chúng ta hợp tác với mục đích đời đời của Đức Chúa Trời và để nhận được quyền phép lạ lùng của Ngài. Chúa không bảo hành cho phép lạ, nhưng Ngài luôn cởi mở với lời cầu nguyện của chúng ta để ý chỉ Ngài được thành tựu vì vinh hiển của Ngài. Cầu nguyện là cách Chúa quy định để đem quyền phép Ngài đáp ứng nhu cầu con người.

Quyền năng để được thiên sứ trợ giúp

Chúng ta đang sống ở thời đại đầy nghi ngờ thắc mắc về cõi siêu nhiên. Rất ít Cơ Đốc Nhân suy nghĩ đến sự dạy dỗ của Kinh Thánh về thiên sứ. Hê 1:14 bảo chứng rằng tất cả thiên sứ là “Linh hầu việc đã được sai xuống để phục vụ” con cái Đức Chúa Trời. Chúng ta không biết hết mọi cách phục vụ của họ, nhưng Kinh Thánh đề cập cụ thể những điều sau:

Họ bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm. Họ bảo vệ Gia-cốp sau đêm ông cầu nguyện (Sáng 32:1). Họ bảo vệ Ê-li-sê, người cầu nguyện (II Vua 6:17).

Họ giải cứu con cái Đức Chúa Trời. Các thiên sứ đã giải thoát Phi-e-rơ ra khỏi tù (Công 12:1-11). Một thiên sứ đến báo cho Phao-lô biết ông và mọi người trên tàu sẽ được cứu thoát (Công 27:23) và mạng sống họ sẽ “được Đức Chúa Trời gia ơn mà ban cho ông” nhắc đến lời Phao-lô nài xin.

Họ đem các thông điệp cho con cái Đức Chúa Trời. Có rất nhiều dẫn chứng trong Kinh Thánh về điều này. Các thiên sứ báo tin cho các kẻ chăn chiên (Lu 2:9-13), cho các phụ nữ lúc Chúa Jêsus phục sinh (Mat 28:2-7), và báo tin cho Cọt-nây Chúa nhậm lời cầu nguyện của ông (Công 10:1-7). Họ có thể đem những lời gợi ý cho bạn hoặc người khác quá các ý nghĩ.

Họ bổ lại sức lực thuộc thể. Họ bổ lại sức lực cho Đấng Christ sau những giờ phút Ngài tranh chiến nặng nề trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Lu 22:43).

Chắc hẳn, sự trợ giúp của các thiên sứ cho con cái Chúa thường là vô hình, nhưng có thật. Tiểu sử của Cơ Đốc Nhân liệt kê hàng loạt các trưng dẫn về sự vùa giúp của thiên sứ, vô hình lẫn hữu hình.

Khi hầu việc Chúa ở Ấn Độ, tôi cảm biết chắc chắn các thiên sứ hầu việc đang giúp tôi rất nhiều dịp, dù không nhìn thấy họ. Thí dụ có lần tôi cảm thấy có nguy hiểm cần đổi đường đi và sau đó tôi thấy rằng mình vừa kịp tránh một đám đông nổi loạn chống Cơ Đốc Nhân. Lần khác, tôi đã đi qua một đám đông đang la hét vào mặt mình mà không sợ hãi. Không có một bàn tay nào đụng đến tôi cả và tôi bỗng nhận thức rằng mình đang được sự Đức Chúa Trời hiện diện bao bọc. Cả hai lần trên, về sau tôi khám phá rằng một con cái Chúa ở bên kia bán cầu vào đúng lúc đó đã được thúc đẩy để dốc lòng cầu nguyện cho tôi, vì tôi đang ở trong sự nguy hiểm, dù họ không hề biết chút gì về hoàn cảnh của tôi lúc ấy.

Đức Chúa Trời sẽ vui mừng sử dụng bất cứ phương tiện nào để bảo vệ kẻ thuộc về Ngài, khi chúng ta làm trọn phận sự mình và cầu nguyện theo điều Ngài mách bảo. Chúng ta có lời hứa của Đức Chúa Trời và có quyền công bố lời đó. Xin Ngài ban thiên sứ bảo vệ các tôi tớ Ngài đang hầu việc Chúa ở những nơi đặc biệt nguy hiểm – như là các khu tập trung nội thành hoặc các điểm truyền giáo mong manh. Chúng ta không ngần ngại xin Chúa sai thiên sứ bảo vệ đặc biệt các người thân yêu của mình.

Quyền năng dời núi

Trong Kinh Thánh, đôi khi “núi” được sử dụng theo nghĩa biểu tượng, chỉ về sức mạnh và tính ổn định. Mặt khác, núi thường chỉ về các khó khăn, nan đề và cản trở. Do vậy, khi dọn đường cho Chúa, chúng ta phải làm sao cho ngay thẳng các sự cong quẹo và san bằng các núi. Sau đó, vinh hiển của Chúa sẽ được bày tỏ (Ês 40:3-5; Lu 3:4-6). Khi Thánh Linh quyền năng của Chúa hành động thì núi đồi vốn không thể dời chuyển bằng bất kỳ cách nào khác đều là số không trước quyền phép của Đức Chúa Trời (Xa 4:4-6). Đức Thánh Linh – Đấng duy nhất hoàn thành công việc này – có thể khiến đồi núi sừng sững trở thành những con đường và xa lộ cho sự di chuyển mau lẹ (Ês 49:11).

Chúa Jêsus đã dùng hình ảnh minh họa này của Cựu Ước trong một số bài giảng. Khi môn đồ của Ngài không đuổi được quỷ đang ám một cậu bé bị nó hành hại, Chúa Jêsus đã dạy nếu có đức tin nhỏ bằng hột cải, họ có thể bảo với “núi này” (tượng trưng cho tình huống hoặc nan đề không thể vượt qua) thì “nó sẽ dời đi. Không có sự gì mà các ngươi không làm được” (Mat 17:20). Ngay sau đó, Ngài lại thêm: bi kịch này chỉ có thể giải quyết qua sự cầu nguyện và kiêng ăn (c.21).

Lần khác, khi các môn đồ kinh ngạc vì quyền phép Chúa khiến cây vả đương bị héo, Ngài còn nhắc rằng họ không chỉ làm được như vậy mà còn có thể truyền cho núi này tự quăng mình xuống biển, vì “trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả” (Mat 21:21-22). Mác ghi lại cùng một sự kiện với lời Chúa phán: “Bởi vậy ta nói cùng các ngươi: Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ ban cho các ngươi” (Mác 11:24).

Đức Chúa Trời mong đợi con cái Ngài đương đầu với các núi và dời chúng đi (xem chương 15). Ngài không muốn chúng ta dừng bước vì núi, nhưng muốn chúng ta chấp nhận chúng như một thách thức – hoặc để biến chúng thành những xa lộ cho sự vinh hiển lớn hơn của Đức Chúa Trời hay là quăng chúng xuống biển, hoàn toàn cất chúng khỏi tầm nhìn, như thể chúng chưa từng có mặt. Chúa bảo đảm điều này sẽ xảy ra khi chúng ta tin cậy, đối diện với các núi, tin, song cũng nhắc nhở rằng việc dời núi có thể cần sự cầu nguyện và kiêng ăn lâu dài hơn. Đức Thánh Linh sẽ ban phép lạ đó. Điều này không đến từ thế quyền và năng lực của chúng ta (Xa 4:6).

Hàng trăm núi đang cản trở bước tiến của công tác truyền giáo và Hội Thánh Đấng Christ ngày nay, vì hầu như chúng ta chỉ nương cậy nơi sự khôn ngoan, kỹ năng và nỗ lực của riêng mình. Hầu như chúng ta làm hết mọi việc ngoại trừ thật sự phó mình cho cầu nguyện và kiêng ăn!

Cầu nguyện có quyền năng mạnh mẽ để dời núi vì Thánh Linh sẵn sàng thúc đẩy chúng ta cầu nguyện và dời đi các núi đang ngăn trở mình. Cầu nguyện có quyền năng chuyển các núi đồi thành xa lộ.

Quyền năng chúc phước

Chúa của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời hay ban phước. Lời Ngài đầy những lời hứa được nhân lên rằng Ngài thật sẽ ban phước. Chúng ta có thể biết chắc rằng Ngài muốn ban phước cho con người, nhất là những con cái biết vâng lời Ngài, ngoại trừ khi Ngài cần phải kỷ luật hoặc sửa phạt họ.

“Rồi Ngài đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước” (Công 10:38). Giống như Chúa, chúng ta phải sống cuộc đời đem lại phước hạnh cho mọi người khi có dịp. Là môn đồ Chúa chúng ta cần được nhận biết qua các việc lành đem lại phước hạnh cho người khác (Mat 5:16; Êph 2:10). Chúng ta phải dư dật trong việc lành (I Tim 6:8) và cần trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành (II Tim 3:17).

Cách tốt nhất cho Cơ Đốc Nhân để chuyển giao phước hạnh là qua sự cầu nguyện. Chúng ta có cơ hội cầu nguyện cho những người mình không thể tiếp xúc được. Từ các vị lãnh đạo đất nước hay Hội Thánh cho đến các người nghèo túng, khốn khổ – chúng ta có thể đem phước hạnh cho họ qua lời cầu nguyện. Từ gia đình và các bạn thân thường gặp, cho đến những người chúng ta chỉ gặp đôi lần hay mới nghe về họ – chúng ta có thể là các nhân tố của Đức Chúa Trời đem ơn phước Ngài đến cho họ. Lời xin thường được lặp lại nhiều lần: “Nhớ cầu nguyện cho tôi” là lời khẩn cầu ơn phước và giúp đỡ.

Là Cơ Đốc Nhân, ta nên suốt đời làm phước cho người khác. Bạn có thể đem nguồn phước hạnh, sự tươi mới và khích lệ đến bất kỳ nơi nào bạn đi bằng cách kết thúc mỗi ngày bằng lời cầu nguyện liên tục cho người khác. Khi thời gian và cơ hội cho phép, bạn nên chúc phước bằng mọi cách mà mình có thể (Gal 6:10). Sự có mặt của bạn luôn phải đem phước hạnh. Điều này là thật khi bạn trung tín xin phước hạnh của Chúa tuôn đổ trên mọi người xung quanh. Bạn có thể tìm được cơ hội để lắp đầy ngày giờ của mình bằng các lời cầu nguyện chúc phước nếu biết chú ý quan sát.

Tướng Stonewall nói: “Tôi đã định thói quen trong đầu là không bao giờ đưa cốc nước lên miệng mà không xin Chúa chúc phước, dán một lá thư mà không đặt một lời cầu xin bên dưới, nhận thư mà không hướng lòng về Chúa, hoặc đổi lớp mà không để một phút cầu khẩn cho các sinh viên sĩ quan là người ra trường hay mới vào”.

Một thầy thuốc yêu dấu người Anh ở thế kỷ 17, ngài Thomas Browne, nêu gương sáng về những lời cầu nguyện chúc phước không thôi. Ông nói: “Tôi đã quyết tâm cầu nguyện nhiều hơn nữa và liên tục, cầu nguyện ở mọi nơi mà sự yên tĩnh mời gọi, ở trong nhà, trên xa lộ hoặc đường phố; và muốn rằng mọi con đường hay ngõ ngách trong thành phố đều làm chứng rằng tôi đã không bao giờ quên Đức Chúa Trời… Tôi chủ động cầu nguyện cho bất cứ nhà thờ nào mà mình đi qua, nguyện Đức Chúa Trời được tôn vinh, những linh hồn hư mất sẽ được cứu ở nơi đó; hàng ngày tôi cầu nguyện cho các bệnh nhân đau yếu của mình và của các thầy thuốc khác. Khi vào bất kỳ nhà nào tôi nói: Nguyện sự bình an của Đức Chúa Trời ngự nơi đây; sau khi nghe một bài giảng, tôi xin Chúa chúc phước trên lẽ thật của Ngài và trên người rao giảng; khi thấy một người đẹp, tôi ngợi khen Chúa vì sự sáng tạo của Ngài và cầu nguyện cho vẻ đẹp của một linh hồn như thế, xin Chúa khiến người ấy giàu có bằng sự duyên dáng bề trong, hầu cho vẻ đẹp cả trong lẫn ngoài có thể tương xứng; khi thấy một người dị tật, tôi cầu xin Chúa ban cho họ tâm hồn lành mạnh và liền theo đó là vẻ đẹp của sự phục sinh”.

Apraham được Đức Chúa Trời hứa ban phước và khiến ông thành một nguồn phước (Sáng 12:2). Điều này phải là kinh nghiệm của mỗi Cơ Đốc Nhân – Đức Chúa Trời càng ban phước, mỗi chúng ta càng phải chúc phước cho người khác. Cầu nguyện là con đường chắc chắn dẫn đến phước hạnh, là phương tiện lớn nhất để làm nguồn phước cho người khác. Cầu nguyện là ân tứ quyền năng của Đức Chúa Trời để chúc phước cho người khác. Vậy, hãy lấp đầy mỗi ngày bằng những lời cầu nguyện chúc phước và nắm chặt quyền năng lớn mà Đức Chúa Trời đã ban cho bạn!

 

Wesley L. Duewel

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan