Tôi tưởng rằng Đức Chúa Trời không thể nào yêu thương được kẻ tử tội giết người. Tôi đã sai. Tôi tìm được sự sống đời đời trong khi chờ đợi bị tử hình
Tôi lớn lên trong thập niên 1960s ở một vùng ngoại ô thành phố Los Angeles. Bảy người chúng tôi, hai người lớn và năm trẻ em, sống chật vật trong một căn nhà nhỏ có 2 phòng ngủ. Cha tôi làm ở một hãng sản xuất dây chuyền; mẹ tôi làm bồi bàn ban đêm. Cả nhà tôi cật lực làm việc, nhưng đời sống gia đình hoàn toàn đảo lộn – một căn nhà dựng trên bãi cát lún.
Hội thánh, niềm tin và Kinh Thánh là những gì xa lạ với gia đình tôi. Mẹ tôi luôn phải có những viên thuốc. Tôi không biết chúng là gì và bà mua chúng ở đâu, nhưng mỗi sáng về đến nhà là bà luôn luôn tìm thuốc ngủ và mỗi tối khi rời khỏi nhà để đi làm bà cũng phải có những viên thuốc để có thể đi làm. Cho dù đang “lên” thuốc hay bình thường, bà luôn luôn nóng cáu và đánh chúng tôi bằng bất cứ cái gì mà tay bà với được. Tôi luôn có cảm giác tôi là đứa mà bà ít chăm sóc đến nhất. Nhìn lại, đó là điều khởi đầu sự đánh mất lòng tự trọng của tôi.
Một ngày kia, khi tôi lên chín tuổi, đang ở trong bếp thì bà vụt chạy ra ngoài đường, một chiếc xe đang chạy đến đụng bà và một khoảnh khắc ngắn sau đó bà chết. Cha tôi, trước đây không bao giờ uống hơn mức xã giao, nhanh chóng tìm quên trong rượu. Một sáng kia, tôi tĩnh dậy bắt gặp ông đang sờ mó tôi. Rút cuộc thì cảnh sát can thiệp, nhưng ông và mấy người anh của tôi thuyết phục được họ là tôi chỉ có một giấc ác mộng thôi.
Đó là giọt nước cuối cùng làm tràn đầy ly. Tôi đã phải sống với một người mẹ bỏ rơi tôi, một người cha sờ mó tôi, và những anh chị em cũng chẳng khác họ. Nên đến năm 10 tuổi thì tôi bỏ nhà ra đi, bị bắt đưa vào nhà thiếu nhi mồ côi hay nhà cha mẹ đỡ đầu, rồi lại bỏ nhà ra đi như một loài thú đi hoang, rồi bị bắt lại và đưa đến một nơi khác…để cứ sống trong cái vòng xoay đó trong 3 năm liền. Trong thời gian đó tôi đã trải qua 8 gia đình đỡ đầu. Một số gia đình rất tốt, nhưng quý vị lại không được ở lại trong gia đình đó, vì thời đó người ta sắp xếp theo cách không muốn cho những người như tôi sẽ bám víu vào họ.
Đảo Lộn Cảm Xúc
Khi ở trong trại giáo huấn thiếu niên, qua mấy đứa con gái lớn hơn, tôi học biết về ma túy, “Một cách tuyệt vời để quên đi những nan đề của mày.” Đó là những năm 1960s và California đang trở nên một ổ ma túy. Người ta biết rất ít về những nguy hiểm của ma túy, và thật là dễ mà có chúng. Khi tôi say thuốc loại có tên là Seconal, thường được gọi là “Đỏ,” thì cái nhìn về mình thấp hèn biến mất. Tôi là một tay du côn trong nhóm dùng ma túy chúng tôi. Tôi mau chóng có nhiều bạn.
Năm 13 tuổi, tôi gặp Sammy Perillo 19 tuổi. Chúng tôi đi qua biên giới vào Mexico để cưới nhau “chớp nhoáng.” Để gần Sammy và bạch phiến, tôi bắt đầu chích. Sammy và tôi có một con gái nhỏ xinh đẹp nhưng bé chết khi còn là một ấu nhi. Sau khi Sammy vô tù, tôi sinh đôi con của anh, nhưng chỉ một cháu sống được. Từ đó trở đi tôi không bao giờ thấy Sammy nữa.
Để có tiền cho cơn nghiện và con trai, tôi làm nghề múa khỏa thân. Vì cần tiền, tôi tham gia với một người tên Mike Briddle để cướp một trong những khách quen. Trên đường chạy trốn khỏi California cùng với Mike và vợ của y, chúng tôi quá giang xe đến Houston, Texas. Một người lạ đang tìm người giúp ông dọn nhà cho chúng tôi quá giang. Mike để ý thấy ông này có một cọc tiền. Đang trong lúc vả thuốc, chúng tôi giết chết ông ta và bạn của ông rồi chạy trốn đến Colorado.
Ba người chúng tôi ở tạm trong một khách sạn xơ xác ở Denver. Nhưng tôi nhận ra tôi không thể trấn áp được những xúc cảm đảo lộn trong lòng. Đó như là một ngọn lửa nhỏ từ một miếng than cháy thiên thượng đang sắp sửa phựt lên lửa lớn. Tôi ra tự thú với cảnh sát, và họ trục xuất tôi đến Texas, nơi tôi đã bị kết án tử hình khiếm diện. Một phiên toà được nhanh chóng thiết lập và tuyên án tử hình bằng cách chích thuốc độc.
Trong mỗi ngày với ma túy ở California, tôi thường nói, “Cho tôi chết với kim chích trên tay.” Bây giờ điều đó, lời của tôi đã lên án tôi. Trong khi chờ đợi ở Houston để được chuyển đến trại tù nữ trước khi bị tử hình, một người đàn bà trong mục vụ thăm tù đến thăm. Thiên thần này nói về Đấng Christ và con đường tha thứ của Ngài. Tôi tiếp nhận. Tôi sẵn lòng. Và tôi mong được nghe thêm nữa. Dưới sự hướng dẫn của bà, tôi đọc lời cầu nguyện xưng tội. Sau 24 năm bị quăng đi quăng lại như là một cục đất dơ bẩn, Chúa đổ nước sự sống và bắt đầu nắn tôi cho mục đích của Ngài.
Nhận Biết Sự Tha Thứ
Nhiều tín hữu gặp Chúa Giê-su trong một cách đầy kịch tính, và họ thay đổi ngay, như Sau-lơ trên đường đi Đa-mách. Với những người khác như tôi, tôi cảm nhận sự cứu chuộc đến như là một tiến trình hơn là một giây phút. Nó đòi hỏi thời gian.
Ngay lúc tiếp nhận Chúa Giê-su, tôi cảm nhận sư thay đổi, nhưng tôi thấy thật khó mà tin là sự thay đổi là thật. Làm sao mà Chúa có thể tha thứ tôi về tội kinh khủng mà tôi phạm? Tâm trí tôi nói rằng không thể như thế được. Linh hồn tôi thật thống khổ.
Sau khi tôi được chuyển đến Huntsville, Texas, thiên thần của tôi từ Houston vẫn đến thăm tôi. Bà mang đến cho tôi một cuốn kinh thánh, và để giải tỏa sự nghi ngờ của tôi bà thường nói, “Pam à, phải tha thứ cho chính mình. Không làm như vậy tức là đang bác bỏ ân sủng và sự thương xót của Chúa.” Nhưng bà cũng táo tợn nói tôi hãy dùng ân tứ Thánh Linh nói tiếng lạ – mà tôi thấy không thể làm được. Một lần nữa tôi cảm thấy xẹp xuống và không được yêu thương – dù là bởi Chúa.
Giường ngủ trong phòng giam của tôi là một miếng bê tông liền với tường. Tôi bò xuống dưới và kéo tấm phủ giường xuống sàn để làm một cái lều. Trong đó, tôi khóc và cầu xin Chúa cho tôi nói tiếng lạ, nhưng tất cả những gì tôi làm được là kêu gào những tiếng không ý nghĩa. Nước mắt tôi đổ xuống ướt sàn nhà.
(Nghĩ lại, tôi không trách người đàn bà thánh thiện này về niềm tin của bà về ân tứ nói tiếng lạ. Thực ra, bà cho tôi có một động lực để dấn thân và tiếp tục học Kinh Thánh, là chỗ dạy tôi biết Đức Thánh Linh có thể ban những ân tứ khác).
Chỉ khi một người đàn bà tên là Karla Faye Tucker đến để chờ án tử hình thì tôi mới kinh nghiệm sự tin cậy toàn vẹn vào sự cứu chuộc của mình. Tôi cố dẫn dắt bà đến với Đấng Christ như chính tôi, nhưng Chúa làm điều đó qua một nguồn khác. Có một chương trình kịch múa rối trong tù do nhóm Teen Challenge tổ chức, có kèm theo quà tặng là Kinh Thánh. Karla làm một người “nói” trong kịch này. Sự cứu chuộc của Karla Faye thật là lạ thường, sống động và đáng là đề tài cho những cuốn phim. Tiếng nói cam kết với Đấng Christ của bà vang đi khắp thế giới trước khi bà chịu tử hình. Và sự cải đạo kỳ diệu của bà là một chất xi-măng thuộc linh tôi cần. Khi đó tôi biết ngay rằng trong Đấng Christ, Chúa có thể tha thứ bất kỳ ai, cho dù tội của họ ghê gớm đến đâu.
Nhà tù không có Đấng Christ cũng gần như là Hỏa Ngục. Bạn cô độc, trống rỗng tâm linh, và chỉ biết sống với lòng thù ghét. Nhưng Cơ đốc nhân chúng ta có nguồn vui khiến kích động người khác phải hỏi lý do tại sao. May mắn thay, hệ thống tù ở Texas cho phép hội thánh, các nhóm học Kinh Thánh, và ngay cả phòng ở tập thể theo niềm tin được phát triển. Những buổi nhóm lại được mở rộng cho mọi người, và tôi đã làm chứng trong nhiều lần.
Năm 2000, tôi nhận được một tin tốt lành: Án của tôi đã được giảm từ tử hình thành tù chung thân, và hôm nay, khi tôi đang cầu nguyện cho được án tù treo bên ngoài sau 40 năm trong tù giam, tôi cảm tạ Chúa đã dẫn đường cho tôi đến sự cứu rỗi – ngay trong những lúc tôi sụp xuống tận đáy của cuộc đời tăm tối, ngay trong những khi tôi đã làm hết chọn lựa xấu xa này đến chọn lựa kinh khiếp khác. Nếu sự vui mừng cảm tạ thoát khỏi cái án tử hình là một thì sự vui mừng cho sự sống đời đời của tôi là 1000.
Hiện nay Pamela Perillo là người huấn luyện chó phục vụ những cựu chiến binh phế tật của chương trình the Patriot PAWS program.
John T. Thorngren là tác giả cuốn sách Sự Cứu Rỗi Trong Hàng Tử Tội (Salvation on Death Row: The Pamela Perillo Story (KiCam Projects).
Nguyễn Trọng
(Lược dịch theo: christianitytoday.com)