Bài học về sự mạnh mẽ trong sự yếu đuối và ảo tưởng về sự kiểm soát
“Tôi nương cậy vào Chúa” là một điều dễ dàng để tuyên bố. Làm được điều đó là một chuyện khác.
Mỗi người trong chúng ta đều bị cám dỗ để kiểm soát hoàn cảnh và môi trường xung quanh, và vì vậy chúng ta bị thu hút bởi bất cứ điều gì sẽ giúp chúng ta đạt được sự kiểm soát đó — sức mạnh, năng lực, sự tự quyết. Tuy nhiên, thường không mất nhiều thời gian để những nỗ lực của chúng ta bị sụp đổ, đưa chúng ta (một lần nữa) rơi vào tình trạng hỗn loạn giữa sự bất ổn và lo lắng.
Chúng ta làm gì khiến chuyện này xảy ra? Và Đức Chúa Trời nói gì về sự làm thất bại cho chính mình trong việc chúng ta giành quyền kiểm soát? Tôi tin rằng có một bài học đơn giản được lồng trong câu chuyện của Môi-se.
Môi se 40 tuổi: Mạnh mẽ, nhưng yếu đuối
Vào thời điểm Môi-se giết một người Ai Cập vì đã đánh một nô lệ người Hê-bơ-rơ (chú ý là thời Môi-se chưa có từ Do Thái) (Xuất 2:11–12 ), ông được 40 tuổi. Cho đến thời điểm này, ông được nuôi dưỡng trong nhà Pha-ra-ôn với tư cách là con nuôi của con gái Pha-ra-ôn. Ê-tiên sau này mô tả về ông thế này: “Môi-se được học hỏi, hấp thụ kiến thức văn hóa Ai Cập, và ông có năng lực trong cả lời nói lẫn việc làm.” (Công vụ 7:22 ). Ông chắc chắn đủ kỹ năng chiến đấu để tự mình xử lý người Ai Cập. Không có gì ngạc nhiên khi Môi-se nghĩ rằng ông sẽ là người giải cứu dân sự Chúa khỏi Ai Cập. Ê-tiên dường như cũng ngụ ý điều này: “Môi-se đinh ninh anh em mình biết Chúa dùng mình giải cứu họ, nhưng họ không hiểu.” ( Công vụ 7:25 ).
Môi-se bốn mươi tuổi khỏe mạnh và có học thức, tài giỏi. Ông có ảnh hưởng chính trị, kiến thức quân sự, thể chất khỏe mạnh, và cảm thông sâu sắc với dân tộc mình. Chắc chắn ông là người của Đức Chúa Trời!
Đức Chúa Trời làm một số công việc tốt nhất của Ngài trong đồng vắng.
Nhưng tất cả đều sáng tỏ ra. Dân sự bác bỏ ông. Pha-ra-ôn muốn giết ông. Ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chạy trốn vào đồng vắng, kết hôn với con gái của một thầy tế lễ, có vài đứa con và chăn chiên cho bố vợ. Trong một nỗ lực đơn lẻ để kiểm soát mọi thứ trong tay mình, giấc mơ vĩ đại của Môi-se đã sụp đổ.
Sau đó, Môi se sống tiếp 40 năm tầm thường, mờ nhạt trong vùng hoang mạc. Nhưng như thường xảy ra, Đức Chúa Trời làm một số công việc tốt nhất của Ngài trong đồng vắng.
Môi se 80 tuổi: Yếu ớt, nhưng mạnh mẽ
Bốn thập kỷ dài sau đó, Chúa gặp Môi se tại một bụi cây đang bốc cháy. Ông là một người chăn chiên bình thường trong một khu vực bị lãng quên – chắc chắn rằng bất kỳ giấc mơ nào thể hiện sức mạnh đều đã tan thành mây khói. Nhưng Đức Chúa Trời muốn sử dụng Môi-se này – không phải là Môi-se của phiên bản trước đó. Không có gì ngạc nhiên khi Môi-se trả lời: “Con là ai mà bảo được Pha-ra-ôn phải để cho người Ít-ra-ên ra khỏi Ai Cập?”” (Xuất 3:11). Môi-se 80 tuổi rất yếu ớt. Ông thậm chí không thể nói chuyện lưu loát. Tại sao Chúa lại chọn ông — và tại sao là lúc này?
Môi-se đã đi từ chỗ “Đức Chúa Trời dùng tôi là phải lắm” đến chỗ “Tôi là ai mà Đức Chúa Trời dùng tôi? Và trong sự thay đổi đó, ông chứng minh rằng ông đã sẵn sàng.
Đức Chúa Trời hủy phá cơ cấu sức mạnh của Môi-se để ông biết được ai là người thực sự nắm quyền. Đức Chúa Trời không cần Môi-se; Môi-se cần Đức Chúa Trời. Và chiến lược của Môi se phản ánh thái độ mới của ông. Ông không tiến vào Ai Cập với một chiến lược quân sự phức tạp. Ông không tiến vào nhảy múa với một kho vũ khí tinh vi để trang bị cho một quốc gia nô lệ nổi dậy. Môi se đi khập khiễng, nói lắp và với một cây gậy — và thông qua ông, Đức Chúa Trời sẽ lật đổ quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và giải cứu dân Ngài. Chúa chọn người 80 tuổi chứ không phải người 40 tuổi, vì Môi-se càng lớn tuổi càng biết điểm yếu của mình là nền tảng cho sức mạnh của Chúa.
Chúa chọn người 80 tuổi chứ không phải người 40 tuổi, vì Môi-se càng lớn tuổi càng biết điểm yếu của mình là nền tảng cho sức mạnh của Chúa.
Chúa không cần chúng ta phải gây ấn tượng. Ngài dùng những bình đất tan vỡ ( 2 Cô 4: 7), là những người, giống như Môi-se, hỏi: “Tôi là ai mà Đức Chúa Trời dùng tôi?” Và chính lúc đó — trong sự thú nhận về sự yếu đuối — sức mạnh của ông được trọn vẹn, sự vinh quang hiển lộ, ân điển rạng ngời ( 2 Cô 12: 9–10 ). Tiếp nhận điều này sẽ giải phóng chúng ta ra khỏi việc cố gắng hành xử giống Chúa. Chúng ta không cần phải tự quản cai cuộc sống của mình hay kiểm soát mọi thứ trong tay nữa, nhưng được an nghỉ trong kế hoạch của Đức Chúa Trời chí cao. Bởi đó, chúng ta có thể chờ đợi.
Giữ mình yếu đuối để kinh nghiệm sức mạnh thật.
Có thể bạn được Chúa ban cho một số ân tứ đặc biệt. Nhưng hãy cẩn thận: những ân tứ đó có thể là điều ngăn trở bạn sâu nhiệm hơn trong mối quan hệ với Chúa, và không kết quả trong hội thánh địa phương, nhà riêng hay xóm giềng của bạn.
Bạn sẽ nương dựa nơi ai? Hãy đặt sự vững tin của hiện tại và hy vọng về tương lai trong tay năng quyền của Đức Chúa Trời, là Đấng luôn giữ mọi lời Ngài đã phán hứa.
An Nhiên
(Lược dịch theo: thegospelcoalition.org)
Caleb Brasher (MDiv, Chủng viện Thần học Baptist Đông Nam) là mục sư của Hội thánh The Grove ở Orlando, Florida. Sinh ra và lớn lên ở West Monroe, Louisiana, Caleb kết hôn với Lia và là cha của Millie, Jack và Brooks. Caleb yêu thích những bộ phim tuyệt vời và Bang Mississippi. Ông là một người đóng góp cho For the Church và 9Marks, và bạn có thể theo dõi ông trên Twitter.