Có phải Jonathan Edwards đã bỏ bê gia đình của mình?
Jonathan Edwards có bỏ bê gia đình mình không?
Điều gì đã gợi lên câu hỏi này? Có bằng chứng nổi tiếng hoặc mới được phát hiện nào cho thấy Mục Sư Jonathan Edwards (1703-58) – một lãnh đạo của phong trào Đại Tỉnh Thức lần thứ nhất và được coi là nhà Thần học vĩ đại nhất của nước Mỹ – đã bỏ bê gia đình mình chăng? Dựa vào điều gì để cho rằng ông đã có một hôn nhân không mấy suôn sẻ với Sarah không? Con cái của ông có trở thành những kẻ tệ hại chăng?
Không. Thay vào đó, có thể lý do duy nhất khiến ai nấy cũng phải thắc mắc là từ lời bình luận rất ngắn nhưng nổi tiếng của Samuel Hopkins (1721-1823), ông là người viết tiểu sử đầu tiên về Edwards.
Hopkins, sau này đã trở thành một nhà Thần học có ảnh hưởng, đã từng sống ở nhà của Edwards trong sáu tháng để quan sát và học hỏi từ vị Mục Sư nổi tiếng này.
Trong quyển sách Đời sống và tính cách của cố mục sư Jonathan Edwards (1764), Hopkins đã viết rằng: “Ông thường dành mười ba giờ mỗi ngày để nghiên cứu”. Hopkins ngay lập tức lướt qua bình luận này mà không nói thêm lời nào về cách Edwards đã tận dụng khoảng thời gian ấy. Dựa vào thói quen của Edwards và các bản thảo, những bài giảng còn lưu lại, thì không khó để tìm ra diễn biến chung trong mười ba giờ đó. Tuy nhiên, chúng ta không thấy tài liệu nào đề cập về lịch trình hoặc chi tiết cụ thể mô tả những hoạt động của Edwards đằng sau cửa phòng của ông.
Chỉ có vậy thôi. Khi người ta đọc mười từ của Hopkins bằng góc nhìn của cuộc sống hiện đại, rồi tính toán thời gian ăn, ngủ, cùng những sinh hoạt khác, vài người sẽ kết luận rằng Edwards đã bỏ bê gia đình của mình. Những người thân của Edwards cũng hồi tưởng về chuyến cưỡi ngựa dài bốn dặm mỗi ngày của ông đến các ngọn đồi Sawtooth phía tây Northampton, ông sẽ xuống ngựa để suy gẫm và cầu nguyện trong lúc tản bộ, cũng như thói quen chặt củi để tập thể dục. Thêm vào đó, ngay cả những người trung thành ủng hộ Edwards nhất cũng có thể thắc mắc – giống như rất nhiều Mục Sư đã làm – rằng có phải ông đã hy sinh gia đình của mình để sống vì chức vụ hay không.
Tựa đề quyển sách sâu sắc do Elisabeth Dodds viết về “Mối lương duyên khác thường” giữa Jonathan và Sarah – Kết hôn với người đàn ông khó tính – không giúp xua tan nghi ngờ này, ít nhất là với người nào biết về quyển sách mà chưa đọc bao giờ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy Dodds đã đưa ra một bằng chứng chắc chắn về đời sống gia đình của Edwards.
Hội Thánh nhỏ của ông
Người nào đã đọc những bài giảng của Edwards về chủ đề gia đình sẽ thấy được sự chính thống theo Kinh Thánh. Không mấy ngạc nhiên khi, theo góc nhìn hiện đại, những dạy dỗ của Edwards về gia đình có vẻ khá nghiêm khắc. Nhưng lại phù hợp với cách dạy dỗ của cha mẹ Cơ Đốc trong thời của ông và sự dạy dỗ của Kinh Thánh về gia đình.
Ông thích so sánh gia đình giống như một “Hội Thánh nhỏ”. Ông đã dùng chính hình ảnh này trong một bài giảng được xuất bản sớm nhất của mình (1723) và một lần nữa trong “Bài giảng tạm biệt” gửi đến Hội Thánh Northampton 27 năm sau đó: “Gia đình Cơ Đốc cần phải giống như một Hội Thánh nhỏ, dâng lên cho Đấng Christ, hoàn toàn chịu ảnh hưởng và bị chi phối bởi điều răn của Ngài”. Edwards nói: “Gia đình cần phải có tình yêu thương giống như Hội Thánh, phải tập chú vào Đấng Christ và có trật tự theo Kinh Thánh”.
Trong bài giảng vào năm 1739, “tầm quan trọng của sự phục hưng giữa vòng những người lãnh đạo gia đình”, Edwards đã cảnh báo về việc “xúc phạm” Đức Chúa Trời khi “những người lãnh đạo gia đình là kẻ thù của Đức Chúa Trời hoặc nguội lạnh và chậm hiểu về đức tin”. Ông ủng hộ gia đình lễ bái phải xảy ra thường xuyên và người cha phải có trách nhiệm dạy dỗ con cái theo đường lối của Chúa. Tuy nhiên, tất cả sự dạy dỗ, cho dù trung tín với Kinh Thánh đến đâu, “sẽ kém hiệu quả trừ khi người lãnh đạo biết làm gương”. Vì thế, Edwards đã nhận thức rõ tầm quan trọng của sự gương mẫu giống như Đấng Christ ở trong gia đình.
Nhưng ông cũng biết rằng chẳng có sự dạy dỗ hay gương mẫu nào là đủ cả nếu Đức Thánh Linh không hành động ở trong lòng con cái. Vì vậy, ông kêu gọi các bậc cha mẹ hãy “tha thiết cầu nguyện” cho con cái của mình: “Chúng ta phải dốc lòng cầu thay cho con cái”.
Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe các Mục Sư có sự giả hình, thất bại trong việc thực hành những giáo lý thuần túy, mà họ đã rao giảng trước mặt hội chúng, ở trong đời sống cá nhân. Tuy nhiên, Edwards chưa bao giờ bị liệt vào trong số đó, thay vì thế ông còn nổi tiếng là người có sự nhất quán trong đời sống cá nhân và sự giảng dạy. Vậy, chúng ta hãy suy xét những khía cạnh khác.
Mối lương duyên khác thường nhưng hạnh phúc
Tại sao Elisabeth Dodds cho rằng Edwards là “người khó tính”? Không phải vì ông là người khó chịu hay khó gần. Đúng hơn là vì “một thiên tài hiếm khi nào là người chồng dễ dãi” (trang 31).
Trên thực tế, Dodds lập luận rằng sự tận tâm và sự lệ thuộc của Edwards vào Sarah là một trong những lý do khiến ông không phải là người chồng dễ dãi. Theo Dodds, Edwards thường mời Sarah cưỡi ngựa tiến vào rừng mỗi buổi xế chiều. Tại đó, ông bộc lộ hết những điều mình đã nghiên cứu cả ngày và phần chuẩn bị bài giảng của mình để bà suy xét, hoặc tìm cách góp ý giải quyết vài vấn đề của Hội Thánh. Dù bà được nghỉ ngơi sau khi hoàn thành việc nội trợ và có được cơ hội ra ngoài đã làm cho thể chất thấy sảng khoái một chút, nhưng Dodds kết luận rằng đôi khi Sarah “bị kiệt sức” vì những đòi hỏi căng thẳng về mặt tinh thần như vậy vào cuối ngày.
Đoạn thứ ba ở trong quyển sách, Dodds nói về Jonathan rằng: “Trên thực tế, ông là một người chồng dịu dàng và một người cha rất được con cái kính yêu”. Tuy nhiên, sống với một người đàn ông có “tính cách phức tạp” như thế cũng đồng nghĩa với việc hôn nhân của họ không phải là “chuyện tình thơ mộng”. Không có hôn nhân nào được như vậy đâu, ngay cả với hai người tin kính và hợp nhau như gia đình Edward.
Làm vợ của Mục Sư – đặc biệt là làm vợ của Mục Sư duy nhất trong thị trấn – thường rất khó khăn. Sarah biết mình luôn bị soi mói mỗi khi ra khỏi nhà, từ việc ăn mặc, tiêu xài tiền bạc cho đến thói cư xử của con cái. Jonathan luôn được trả lương thấp, vì thế tiền bạc rất là eo hẹp và áp lực tài chính gia tăng mỗi khi một trong số mười một đứa con của họ ra đời. Thêm vào đó là mấy lời chỉ trích mà Jonathan nhận được (cũng đè nặng lên Sarah) về các vấn đề của Hội Thánh, hết thảy những điều này sẽ làm cho bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên, Jonathan và Sarah vẫn yêu nhau, họ còn có một hôn nhân hạnh phúc nữa là đằng khác. Thực tế, khi nằm trên giường bệnh – đúng nghĩa đen mà nói thì trong giây phút cuối đời –Edwards gửi lời trăn trối đến người vợ đã kết hôn được 30 năm của mình, bà vẫn chưa chuyển đến Princeton, là nơi Edwards mới nhậm chức chủ tịch: “Xin gửi tình cảm chân thành nhất của tôi cho người vợ thân yêu, hãy nói với nàng rằng mối lương duyên bất thường, vốn đã tồn tại từ lâu giữa chúng ta, đã trở nên tự nhiên, giống như tâm hồn, nên sẽ còn mãi mãi”.
Tình cờ, Jonathan đặt tên cho đứa con đầu lòng của mình là Sarah.
Ba bữa mỗi ngày
Khi nói rõ phẩm chất của người trưởng lão, sứ đồ Phao-lô viết rằng: “Người ấy phải khéo quản trị gia đình mình, dạy dỗ con cái luôn biết thuận phục và lễ phép” (1 Ti-mô-thê 3:4).
Edwards đã xuất sắc làm được khía cạnh này, vì mỗi đứa con của ông đều được nuôi dưỡng rất tốt. Tất nhiên, các Mục Sư có thể (và đã) bắt “con cái mình vâng phục” cách hà khắc và độc tài, nhưng Edwards đã làm điều đó “bằng sự ngay thật trọn vẹn”. Về mặt này, các bậc phụ huynh đều biết rằng con cái bị bỏ rơi hiếm khi trở thành người tốt.
Rất nhiều bằng chứng cho thấy Edwards hoàn toàn không bỏ bê con cái của mình. Đầu tiên, Dodds viết rằng: “Sarah tin tưởng Edwards sẽ dành một giờ mỗi ngày toàn tâm chú ý đến gia đình”. “Ông chắc chắn dành một giờ vào cuối ngày để ở cùng các con”. Bao nhiêu người trong số mấy kẻ lên án Edwards có thể làm được như vậy? Hopkins đã quan sát và viết xuống một giờ đồng hồ.
Hơn nữa, chính Jonathan Edwards lỗi lạc đã kể lại rằng: “Khi [mấy đứa trẻ] đủ lớn, ông đã dẫn theo từng đứa một trong các chuyến đi của mình. Ông thường viết thư cho các con khi đi xa một mình”. Ngoài ra, Edwards “đã có quan điểm, khác thường vào lúc bấy giờ, rằng con gái cũng như con trai đều cần được giáo dục . . . Con gái, được cha dạy kèm ở nhà, đã học tiếng La-tinh, tiếng Hy Lạp, giỏi hùng biện và viết lách” (Kết hôn với người đàn ông khó tính, trang 50).
Tuy nhiên, Edwards đã chuyên tâm trong vai trò lãnh đạo thuộc linh của gia đình. Trong bài tiểu sử đoạt giải thưởng của mình, George Marsden viết rằng:
Edwards bắt đầu một ngày mới bằng lời cầu nguyện cá nhân, sau đó là cầu nguyện cùng gia đình, dưới ngọn nến vào mùa đông . . . Tất nhiên, chăm sóc đời sống thuộc linh của con cái là mối quan tâm hàng đầu của ông. Trong giờ tĩnh nguyện vào buổi sáng, ông đặt ra những câu đố Kinh Thánh bằng mấy câu hỏi phù hợp với độ tuổi của các con . . . Mỗi bữa ăn đều kèm theo giờ tĩnh nguyện của gia đình. (trang 133, 321)
Mỗi bữa ăn! Hãy lưu ý điều này ngầm nói rằng ông đã trực tiếp dùng bữa với gia đình ba lần mỗi ngày. Nếu chúng ta không biết thêm điều gì nữa về mối liên hệ của ông với con cái, thì những điều chúng ta đã biết về sự nhóm lại của “Hội Thánh nhỏ” để thờ phượng vài lần mỗi ngày sẽ lật đổ mọi ý kiến cho rằng Edwards đã bỏ bê gia đình của mình.
‘Mười ba giờ mỗi ngày’
Mặc dù gia đình Edwards sống trong một căn nhà hai tầng, nhưng không quá lớn theo tiêu chuẩn ngày nay. Một ngôi nhà như vậy thường có đến mười lăm người sống trong đó. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ tạo ra tiếng ồn đáng kể ngăn trở thời gian nghiên cứu của ông, không có tiếng nhạc du dương, không có thiết bị tạo âm thanh hoặc tai nghe khử tiếng ồn để giúp Edwards thoát khỏi những phiền nhiễu đó.
Dầu vậy, ông vẫn giữ đúng mười ba giờ mỗi ngày (ông có thể đi đâu nữa bây giờ?), ông sẽ xuất hiện khi cần thiết để dập tắt những tranh cãi giữa các con hoặc giải quyết bất kỳ vấn đề nào khác cần có sự can thiệp của ông. Hơn nữa, những đứa trẻ được phép vào phòng nghiên cứu của ông khi cần thiết. Sau một giờ mỗi tối dành cho các con, Edwards trở lại phòng nghiên cứu của mình thêm khoảng một giờ nữa. Vào giờ đi ngủ, Sarah ở với ông, họ cùng nhau kết thúc mỗi ngày bằng sự cầu nguyện.
Vậy, khi Hopkins viết rằng Edwards đã ở trong phòng nghiên cứu của mình mười ba giờ mỗi ngày, thì đúng là sai lầm khi hình dung ông đã hoàn toàn ở một mình trong toàn bộ thời gian ấy (đó cũng là nơi ông tư vấn cho các tín hữu của Hội Thánh), mà không hề tiếp xúc với gia đình. Trên thực tế, với những điều chúng ta đã biết, ông đã tiếp xúc và tương tác với gia đình của mình nhiều hơn bất kỳ người cha nào ngày hôm nay.
Cuối cùng, mặc dù bài viết này đề cập cụ thể về Jonathan, tôi không thể kết thúc mà không nhấn mạnh rằng phần lớn tính cách và sự thành công của mấy đứa trẻ trong nhà Edward cũng nhờ có tình yêu thương, sự dưỡng dục và sự dạy dỗ của Sarah. Tôi chắc rằng Jonathan cũng đồng tình. Họ thực sự đã có “mối lương duyên khác thường” và từ đó hình thành nên một gia đình phi thường.
Nguồn: https://tienphong.org