Mười Cảm Khái Sống Thực Sự Của Chúa Giê-su 

Share

(Kinh Thánh được dùng từ Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010)

Mấy năm trước đây, tôi nghe được một người khôn ngoan cầu nguyện, “Làm tan vỡ lòng của con Chúa ơi, với những gì đã làm tan vỡ lòng của Ngài.” Tôi không bao giờ quên được lời khẩn cầu đó. Và trong suốt các năm, tôi thường tự hỏi nếu cảm xúc của tôi đồng hành với cảm xúc của Chúa.

Có phải là tôi sẽ buồn giận trong những tình huống đã làm buồn giận lòng Chúa hay tôi sẽ bỏ ra thời giờ và năng lực để chống lại những gì mà Chúa chẳng quan tâm đến? Trong một mặt khác, tôi sẽ quay mặt làm như không thấy những gì làm Chúa Giê-su cảm động đổ nước mắt hay tôi sẽ thất bại không nhận biết những con người và những tình trạng đã khuấy động nên lòng thương xót và hành động đáp ứng của Ngài?

Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời trong xác thịt, đã trải nghiệm đủ mọi loại cảm xúc trong 33 năm trên đất của Ngài. Kinh Thánh cho biết rằng Ngài cảm nhận và trải nghiệm đặc biệt trong 3 năm chức vụ công khai. Và trong khi chúng ta có khuynh hướng cho rằng càng ít cảm xúc tức là càng “thuộc linh” hay càng được Thánh Linh kiểm soát – thì Kinh Thánh cho thấy rất rõ là Chúa Giê-su đã kinh nghiệm rất nhiều cảm xúc và sự tiết độ lành mạnh. Chúng ta có thể kể ra ở đây 10 cảm xúc mà Chúa Giê-su bày tỏ để chúng ta có thể thấy là những cảm xúc và đáp ứng của chúng ta hòa hợp với của Ngài:

1. Sự vui mừng – Vì làm vui làm Đức Chúa Cha.

Trong khi Chúa Giê-su thường được nhắc đến như là “một người của sự buồn bực và khốn khổ” (Ê-sai 53.3), Ngài cũng được biết đến là một người trải nghiệm sự vui mừng. Trong Giăng 15.10-11, Chúa Giê-su bảo các môn đệ nếu họ vâng giữ các điều răn của Ngài, họ sẽ ở trong tình yêu thương của Ngài như Ngài đã vâng giữ các điều răn của CHA Ngài và ở trong tình yêu thương của CHA. Ta nói với các con những điều nầy để niềm vui của Ta ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.Loại vui mừng gì mà Chúa Giê-su nói đến ở đây? Sự vui mừng đến bởi sự vâng phục CHA toàn vẹn . Sự vui mừng từ việc làm trọn sứ mạng của Ngài trên đất. Sự vui mừng bởi làm vui lòng CHA trên trời.

Hê-bơ-rơ 12.2 chép, vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời.”

Bằng cách nào mà “sự vui mừng” hiện diện được trong cùng một câu có những chữ “chịu thập tự giá” và “điều sĩ nhục”? Bởi vì Chúa Giê-su biết đến không chỉ sự vâng phục toàn vẹn với CHA, nhưng cũng về niềm vui cho điều sẽ xảy đến – phần thưởng đời đời, được hiệp một toàn vẹn trở lại với CHA trên Thiên Đàng, đảm bảo được sự cứu rỗi đời đời cho mọi người tin.

Quý vị có tìm được sự vui mừng trong những tình huống tốt đẹp hay tình trạng biết được tất cả sẽ thuận lợi trong thế giới của mình? Hay quý vị biết được một sự vui mừng sâu đậm bởi tập chú vào phần thưởng đời đời ban cho sự vâng phục Cha trên trời, cảm biết được nụ cười của Ngài khi mỗi ngày đầu phục Ngài, và chỉnh sửa tâm trí của mình vào điều sẽ đến (Cô-lô-se 3.2).

2. Kiệt sức – Trước những đòi hỏi của mục vụ. 

Quý vị có từng suy nghĩ rằng mình không thể đối mặt với người khác nữa hay trước những áp lực? Có thấy rằng để giải quyết thì mình phải đi ra khỏi chỗ hiện tại và có giờ tĩnh lặng cho chính mình? Nếu quý vị cảm nhận như vậy sau khi đã cố gắng mọi cách để trở nên mọi thứ cho mọi người, quý vị cần có những hàng ranh giới trong đời sống và công việc của mình, và cần có một sự nhắc nhỡ là quý vị không chịu trách nhiệm về tất cả mọi sự. 

Nhưng nếu quý vị đang cảm thấy kiệt sức và bị nhận chìm bởi một sự đổ dồn liên tục vào trong mục vụ của mình, quý vị cần biết rằng chính Chúa Giê-su cũng cảm thấy như vậy. Ngay cả Con của Đức Chúa Trời, sau một thời gian kéo dài mục vụ, phải rút lui ra khỏi đoàn dân đông để tái đổ đầy và nạp lại năng lực qua sự “yên nghĩ” và tương giao tĩnh lặng với Cha của Ngài (Ma-thi-ơ 14.13, Mác 6.31, Lu-ca 5.16, Giăng 6.15). 

Khi cần phải ra tách ra khỏi mọi người, có phải là vì quý vị mệt mỏi về họ? Hay vì quý vị khao khát đến với Cha để tái đổ đầy, tái tập chú và tái lập ưu tiên? Quý vị có thể nhận ra tấm lòng của Chúa Giê-su khi quý vị tách ra trong lúc này và sau đó tìm sự yên nghĩ và mối thông công tĩnh lặng với Cha trên trời.

3. Nổi Giận – Vì sự giả hình của những con người “tôn giáo.”

Thay vì giận dữ với những tội nhân, Chúa Giê-su tức giận với những kẻ gọi là “có tôn giáo” là người chăm chút đến một hình ảnh không tì vết bên ngoài nhưng tràn đầy sự phê phán, cứng lòng bên trong. Chúa Giê-su dùng những lời nghiêm khắc đối với giới lãnh đạo tôn giáo trong thời của Ngài, với những lời nói như là, “Hỡi loài rắn, dòng dõi rắn độc kia, làm thế nào các ngươi thoát khỏi sự đoán phạt của hỏa ngục được? (Ma-thi-ơ 23.33). 

Sự căm phẫn của Chúa Giê-su về việc các nhà lãnh đạo tôn giáo áp bức người dân về mặt thuộc linh giống như là Đức Chúa Trời đoán xét những “người chăn” của Y-sơ-ra-ên trong Ê-xê-chi-ên 34. Chúa Giê-su còn diễn tả những tiên tri giả như là sói dữ đội lốt chiên (Ma-thi-ơ 7.15).

Quý vị có tức giận về những người lãnh đạo trong hội thánh hay cộng đồng tôn giáo đã lạm dụng quyền thế để chăm sóc cho sự tiện nghi và hình ảnh của họ hơn là cho các tín hữu, và “lột da đàn chiên” với danh nghĩa phục vụ Chúa? Quý có nổi giận khi một ai đó, dùng danh Đấng Christ hay địa vị linh vụ, dẫn dắt những người tin khác đi lạc hay phá hoại đời sống môn đồ và tăng trưởng của tân tín hữu? Quý vị có ghét chủ nghĩa theo luật pháp đến mức nói rõ về nó đúng như nó là như vậy? Chúa Giê-su đã làm như thế. Và Ngài chẳng hối tiếc chút nào.

4. Kinh tởm – sự tham lam, kỳ thị và áp bức kẻ nghèo

Chúa Giê-su hoàn toàn tức giận với những kẻ đổi tiền trong đền thờ. Không phải chỉ vì “ngươi không được bán những thứ đó trong hội thánh” hay “hội thánh trở nên cái chợ” (như chúng ta khi còn nhỏ nghe học ở Trường Chúa Nhật) nhưng cũng vì những nhà lãnh đạo tôn giáo đang áp bức tài chánh và thậm chí lừa gạt những người muốn có những sinh tế dâng lên tôn ngợi Chúa. Họ đổi tiền phạm luật và gian trá trong sân dành cho người ngoại, ngăn cản làm cho những người tin không phải là người Do Thái không thể tôn thờ Chúa với những sinh tế. Những hành động như vậy của họ chính thực là kỳ thị chủng tộc và Chúa Giê-su hết sức kinh tởm (Giăng 2.13-17).

Sự phân biệt, kỳ thị và trục lợi từ những tấm lòng tốt lành của những người khác khiến Chúa Giê-su phải “bạo động.” Ngài lật đổ các bàn đổi tiền, quăng ghế, và làm cho ở đó rối loạn. Đây là cảm xúc? Đố bạn biết là gì? Không tự chủ? Không phải vậy, chính là sự sốt sắng về Nhà Chúa thiêu đốt (Thi Thiên 69.9).

Những sự áp bức người nghèo khó, loại trừ người khác ra khỏi sự thờ phượng, giải quyết không đạo đức về tài chánh hội thánh, hay một thái độ kỳ thị chủng tộc trong hội thánh có làm nổi lên sự kinh tởm trong quý vị không? Có lẽ là có?

5. Đau buồn – trước sự tàn phá của tội lỗi và sự chết. 

Khi người bạn thân thiết La-xa-rơ chết và em gái của người là Ma-ri nói lên những lời đau thương thất vọng, “Thưa Chúa, nếu có Chúa ở đây thì anh con không chết

(Giăng 11.32), Chúa Giê-su xúc động. Chắc chắn là Ngài biết rõ Ngài sẽ khiến La-xa-rơ sống lại từ kẻ chết và đó là lý do Ngài để cho La-xa-rơ chết và ở trong mộ 4 ngày (Giăng 11.4-7,14). Nhưng chúng ta đọc ra rằng, “33 Đức Chúa Jêsus thấy Ma-ri khóc, và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, thì trong lòng bồi hồi, xúc động và hỏi: “Các con đã chôn anh ấy ở đâu?” 34 Họ đáp: “Thưa Chúa, xin hãy đến xem.” 35 Đức Chúa Jêsus khóc.” (câu 33-35). Không lẽ Ngài khóc vì Ma-ry đã nghĩ rằng Ngài làm cô thất vọng? Hay là vì sự mất đi của La-xa-rơ? 

Ngài đã thấy kết quả tàn khốc của tội lỗi mà Ngài biết rõ hơn ai hết rằng sự chết không phải là một phần tự nhiên của đời sống, nhưng là điều nghịch thường nhất mà một con người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời phải trải nghiệm. Và đối diện với sự kinh khiếp mà con người trải nghiệm nọc độc của sự chết khiến Ngài phải khóc. Không lâu sau đó, Chúa Giê-su sẽ làm trọn mục đích của Ngài đến thế gian bằng cái chết trên thập giá để xóa bỏ nọc độc của tội lỗi và sống lại từ kẻ chết để chiến thắng mộ (1 Cô-rinh-tô 15.45-55).

Quý vị sẽ tuôn nước mắt khi một người thân yêu mất đi? Quý vị có nhức nhối trong lòng về một ai đó đã bị xé ra khỏi cuộc đời của mình? Trong khi chúng ta có hy vọng và đảm bảo về những người tin cậy Chúa Giê-su sẽ nhận sự cứu rỗi và sống đời đời, sự chia cách tạm thời do cái chết gây ra vẫn làm đau lòng Đức Chúa Trời. Thi Thiên 116.15 nói với chúng ta rằng, “Sự chết của những người thánh. Là quý báu dưới mắt Đức Giê-hô-va.”

Nếu mất đi một người bởi cái chết khiến bạn tuôn nước mắt, điều đó cũng cảm động Con của Đức Chúa Trời đổ lệ.

6. Thương xót – Những người hư mất và bị chà đạp.

Ngày xưa tôi thường chỉ trích những kẻ không tin Chúa và sống đời sống bất khiết. Tôi từng nghĩ là những người phải sống trên đường phố là vì họ đã từ chối Đấng Christ và quyết định những chọn lựa xấu xa. Kết quả là tôi đốt đi những nhịp cầu thông cảm và quan hệ. Tôi đã từng kết luận như vậy. 

Nhưng Chúa Giê-su có lòng thương xót những người đau khổ cho dù là bởi bệnh tật (Ma-thi-ơ 9.20-22) hay bởi sống tội lỗi (Giăng 8.1-11). Cho dù điều gì đã khiến họ như vậy, Chúa Giê-su nhìn họ như là những người được dựng nên trong hình ảnh của Đức Chúa Trời và thương xót họ cho dù họ bẩn thĩu, phung hủi, nổi loạn, lây loan bệnh và bị bỏ quên.

Khi quý vị thấy một người sống với tội lỗi của họ, bạn sẽ thờ ơ hay than khóc? Lòng của quý vị có cảm động để cầu nguyện cho người đó được giúp đỡ, chữa lành, yên nghĩ, và cứu chuộc? Lòng thương xót của quý vị có đủ mạnh để khiến bàn tay của quý vị hành động, giúp đỡ vv. Đó là những gì Chúa Giê-su sẽ làm.

7. Bực mình – Trước sự học hỏi chậm chạp và thiếu đức tin. 

Trong Ma-thi-ơ 17, khi một người đem đứa con bị quỷ ám đến với Chúa Giê-su, thưa rằng các môn đệ của Ngài không thể đuổi được quỷ, lời cứng rắn của Ngài là chứng cớ cho thấy Ngài bực mình với những người đã thấy mọi dấu lạ và phải biết sâu sắc hơn là nghi ngờ Ngài là ai: “Hỡi thế hệ vô tín và ngoan cố kia, Ta sẽ ở với các ngươi cho đến chừng nào? Ta sẽ chịu đựng các ngươi cho đến bao giờ? Hãy đem đứa bé lại đây cho Ta.” Đức Chúa Jêsus quở trách quỷ, và nó liền ra khỏi đứa bé; ngay lúc ấy, đứa bé được lành (câu 14-18). 

Chúa Giê-su cũng tỏ sự bực dọc với các môn đệ khi họ vẫn chậm hiểu. Sau khi đã giảng dạy trước trong ngày đó về Vương Quốc Chúa và sự lớn lên của đức tin, Chúa Giê-su được các môn đệ đánh thức khỏi một giấc ngủ ngon bằng lời cáo trách Ngài chẳng quan tâm đến chuyện họ có thể bị chết chìm vì sóng gió sắp làm tàu bị lật úp. Chúa Giê-su quở trách gió và biển “Hãy yên đi, lặng đi.” Rồi Ngài quay lại và rõ ràng là bực dọc, và hỏi họ “Sao các con sợ hãi đến thế? Các con không có đức tin sao?” (Mác 4.35-41).

Trong khi quý vị sống theo mạng lệnh Chúa để dạy các tín hữu trẻ, quý vị có thể yên lòng rằng Chúa Giê-su hiểu rõ sự bực dọc của quý vị khi mà một ai đó được dạy bằng Lời Chúa trong sự hướng dẫn tốt nhất có được mà vẫn không thể áp dụng đức tin của họ trong một tình trạng khó khăn.

8. Thống khổ – Với sự đau đớn cùng cực sắp đến.

Khi Chúa Giê-su đổ mồ hôi máu và nước mắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê trước khi bị bắt, đó không phải là vì Ngài sợ hãi chuyện sắp xảy đến. Đó là một sự thống khổ, biết rằng Ngài phải mang lấy tội lỗi của cả thế gian trên vai của Ngài, Ngài sẽ phải chịu chia cách kinh khủng với Cha Ngài. Chúng khiến Ngài cầu nguyện khẩn thiết, và trong sự thống khổ như thế, Ngài đổ mồ hôi máu và nước mắt khi Ngài cầu nguyện, “Lạy Cha, nếu Cha muốn xin cất chén này khỏi Con! Dù vậy xin ý Cha được nên…” (Lu-ca 22.42)

Quý vị có cảm thấy kinh khủng trước cuộc giải phẫu sắp đến? Một buổi trị liệu bằng hóa trị? Một cuộc thử thách hay tra vấn mà quý vị phải hồi tưởng lại những điều đau đớn và buồn thảm? Chúa Giê-su hiểu mọi sự. Hê-bơ-rơ 4.15 đảm bảo rằng chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm là người có thể cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta, và cũng chịu sự đau đớn thống khổ hơn tất cả những gì mà tất cả chúng ta đã trải nghiệm

9. Cảm thông – Với sự đau thương của người khác.

Chúng ta không có “hồ sơ” nói về Chúa Giê-su cảm thương cho chính Ngài hay cứ mãi vấn vương với sự đau khổ của riêng Ngài. Thí dụ, Ngài chẳng nói hết tháng này đến tháng nọ về thời gian tranh chiến với ma quỷ trong đồng hoang (Giăng 4.1-11) hay cứ than trách về những người đã bỏ rơi Ngài sau khi đã nhận được từ Ngài. Ngài không khiến các môn đồ phải dấy lên ủng hộ Ngài sau khi Giu-đa phản bội Ngài. Thay vì như vậy, Chúa Giê-su chú tâm đến những người khác và những đau đớn trong thân thể và tâm hồn mà họ đang trải nghiệm.

Với biết bao nhiêu đau đớn về thể xác qua sự bắt giam, tra tấn và tội hình trên thập giá, tấm lòng và tâm trí của Ngài tập chú đến nỗi đau thương tâm hồn mà mẹ Ngài đang trải nghiệm khi bà chứng kiến sự tra tấn và cái chết của con đầu lòng của bà. Quan tâm và chăm sóc cho bà sau cái chết của Ngài, là hơn hết trong tâm trí của Ngài (Giăng 19.25-27).

Quý vị có đau đớn chung với những người khác khi họ bị tổn thương về thân thể, cảm xúc và tâm linh? Chúa Giê-su không bao giờ coi nhẹ bất cứ nỗi đau của một ai, so sánh nó với của ai khác, hay nói với người ta “đừng than khóc.” Ngài cùng đau thương với nỗi đau thương của họ.

10. Tha thứ – Trước sự phản bội. 

Trước khi bị bắt, Chúa Giê-su bảo các môn đồ rằng tất cả họ sẽ tan lạc trong đêm vì cớ Ngài (Ma-thi-ơ 26.31). Thật họ đã lìa bỏ Ngài trong giờ đen tối nhất của Ngài dù trước đó chỉ vài giờ họ đã sẻ chia buổi ăn tối và mỗi người đã nói rằng sẽ không rời khỏi Ngài. Dù vậy, Ngài mở rộng ân sủng của Ngài với tất cả họ sau khi Ngài sống lại từ kẻ chết. Ngài còn làm cho chắc chắn rằng Ngài lập lại lời tuyên bố tình yêu thương của Ngài cho Phi-e-rơ ba lần – bằng với ba lần Phi-e-rơ chối bỏ tình yêu thương của Ngài và quan hệ với Ngài.

Chúa Giê-su truyền cho chúng ta hãy khác với thế gian bằng cách yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ chúng ta (Ma-thi-ơ 5.43-44). Có gì khó bằng yêu thương và tha thứ những kẻ đã một lúc nọ tuyên xưng tình yêu của họ cho chúng ta và sau đó phản bội chúng ta? Quý vị có thể mở rộng ra ân sủng, tình yêu và sự tha thứ cho những người đã như vậy với chúng ta? Khi quý vị làm như vậy, quý vị đang bày tỏ cũng một tình yêu, ân sủng và sự tha thứ mà Chúa Giê-su đã bày tỏ.

 

NguyễnTrọng

(Lược dịch theo: crosswalk.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan