Tại các quốc gia phát triển có yêu cầu chích nhiều liều vaccine cho trẻ sơ sinh nhất thì xu hướng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng là cao nhất, theo một nghiên cứu được bình duyệt công bố ngày 20/07 trên tập san Cureus.
Nhà nghiên cứu Neil Miller, giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học và Y tế ở New Mexico và Gary Goldman, người có bằng tiến sĩ khoa học máy điện toán, đã thực hiện một số phân tích dựa trên dữ liệu năm 2019 và 2021 để khám phá mối quan hệ giữa số lần chích ngừa cho trẻ nhỏ của các quốc gia phát triển và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo các chuyên gia y tế toàn cầu, rất ít biện pháp y tế công cộng có thể so sánh được với tác động của vaccine, vốn được cho là đã làm giảm bệnh tật, tàn tật và tử vong do nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy các quốc gia phát triển yêu cầu chích ngừa cho trẻ sơ sinh nhiều hơn có thể gây ra những hậu quả không lường trước được, đó là tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em, đặt ra thách thức với ý kiến cho rằng chích nhiều vaccine hơn luôn dẫn đến tử vong thấp hơn.
Ông Miller nói với The Epoch Times trong một email, “Bài viết của chúng tôi đã nghiên cứu mối liên hệ tiềm ẩn giữa số liều vaccine dành cho trẻ nhỏ mà các quốc gia phát triển yêu cầu và tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ của chính nước này. Ví dụ, một số quốc gia chích vaccine viêm gan B và bệnh lao (BCG) cho trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh. Chúng tôi thấy rằng các quốc gia yêu cầu chích cả hai loại vaccine có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh xấu hơn đáng kể so với các quốc gia không yêu cầu chích vaccine.”
Nghiên cứu ban đầu của Miller và Goldman là từ năm 2011 khi họ xuất bản một bài viết sử dụng dữ liệu năm 2009 cho thấy tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cao hơn tại các quốc gia phát triển cao yêu cầu chích ngừa cho trẻ sơ sinh nhiều nhất.
Nghiên cứu gần đây đã sao chép nghiên cứu ban đầu, bằng cách sử dụng dữ liệu năm 2019 và 2021 từ 50 quốc gia hàng đầu nơi liều vaccine cho trẻ em nằm trong khoảng từ 12 đến 26 tuổi. Kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ tăng thêm 0.167 ca trên 1,000 ca sinh sống đối với mỗi liều vaccine được bổ sung thêm vào lịch trình chích, điều này ủng hộ phát hiện của nghiên cứu trước đó.
Vào năm 2009, hai mươi chín quốc gia có tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ cao hơn Hoa Kỳ, nhưng đến năm 2019, Hoa Kỳ đã tụt xuống vị trí thứ 44 trong bảng xếp hạng tỷ lệ tử vong của trẻ nhỏ và vào năm 2021, xếp thứ 50—mặc dù là quốc gia yêu cầu nhiều liều vaccine cho trẻ nhỏ nhất.
Chích ngừa viêm gan B và bệnh lao có thể làm tăng tỷ lệ tử vong.
Trong nghiên cứu mới nhất này, Miller và Goldman đã mở rộng phạm vi, đánh giá tác động của vaccine viêm gan và bệnh lao đối với tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh (trẻ dưới 28 ngày tuổi), trẻ nhỏ đến 1 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi. Dữ liệu tử vong và lịch trình chích vaccine được tổng hợp từ UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Âu Châu và chính phủ các quốc gia.
Kết quả phân tích đã chứng minh rằng chích vaccine viêm gan B và bệnh lao cho trẻ sơ sinh có thể không góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong nói chung ở các quốc gia nơi mà trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong do hai căn bệnh này thấp. Ở những quốc gia này, trẻ sơ sinh thực sự có thể gặp rủi ro lớn hơn khi chích ngừa.
Giảm liều vaccine cho trẻ sơ sinh làm giảm tỷ lệ tử vong.
Sử dụng dữ liệu năm 2021, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy con số chênh lệch có ý nghĩa thống kê là 1.28 ca tử vong ở trẻ nhỏ trên 1000 ca sinh sống, giữa các quốc gia hoàn toàn không chích vaccine cho trẻ sơ sinh và những quốc gia yêu cầu chích hai liều vaccine. Đối với mỗi lần giảm sáu liều vaccine trong giai đoạn trẻ nhỏ, tỷ lệ tử vong trên 1,000 ca sinh sống ở lứa tuổi này giảm một ca.
Ngoài ra, vaccine được chích trong năm đầu đời có ảnh hưởng lớn hơn đến tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi so với vaccine được chích trong năm thứ hai đến năm thứ năm của cuộc đời, cho thấy những trẻ nhỏ nhẹ cân hơn và được chích nhiều vaccine hơn trong thời gian ngắn hơn có nhiều khả năng gặp phản ứng bất lợi dẫn đến nhập viện hoặc tử vong.
Ông Miller giải thích với The Epoch Times, “Vaccine viêm gan B và bệnh lao được chích ngay sau sinh khi hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành và trẻ em còn nhẹ cân, có thể làm tăng nguy cơ bị các phản ứng bất lợi nghiêm trọng và tử vong, điều này cuối cùng góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ dưới 5 tuổi.”
Trình tự chích ngừa và sự kết hợp có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong.
Theo ông Miller, ở hầu hết các quốc gia, hơn một nửa số ca tử vong ở trẻ em xảy ra trong thời kỳ sơ sinh, với khoảng 75% số ca tử vong ở trẻ sơ sinh diễn ra trong tuần đầu tiên sau khi chích vaccine cho trẻ sơ sinh. Các trường hợp tử vong xảy ra trong giai đoạn này có tác động lớn đến tỷ suất tử vong sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ em dưới 5 tuổi.
Nghiên cứu cho biết tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Hoa Kỳ chiếm 61% tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ và 52% tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Nhưng Miller cho biết các bác sĩ, nhân viên điều tra và các giám định viên y tế khác “buộc phải phân loại sai và che giấu các trường hợp tử vong liên quan đến vaccine” vì không tồn tại các phân loại nguyên nhân tử vong liên quan đến việc chích vaccine cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, vaccine có “tác dụng không đặc hiệu” có thể làm tăng hoặc giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm mà vaccine không có tác dụng phòng ngừa. Ông Miller nói thêm, “Một số trường hợp tử vong liên quan đến vaccine sơ sinh có thể đến muộn, có thể do một số cơ chế mồi hoặc độc tính tích lũy làm tăng nguy cơ phản ứng nghiêm trọng hoặc gây tử vong đối với vaccine được chích sau đó.”
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên EBioMedicine cho thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh do mọi nguyên nhân tăng gấp đôi sau khi vaccine bạch hầu-uốn ván-ho gà (DTP) và vaccine bại liệt đường uống được đưa vào Guinea-Bissau. Tỷ lệ sống sót của trẻ nhỏ được chích vaccine DTP mà không uống vaccine bại liệt xấu hơn so với trẻ không được chích vaccine DTP.
Trình tự chích ngừa cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, theo nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tập san Vaccine, cho thấy so với những bé gái tuân theo lịch trình chích được khuyến cáo, các bé gái được chích vaccine năm trong một sau khi chích vaccine sởi có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao gấp 5 lần trong vòng sáu tháng theo dõi.
Các tác giả cũng cho biết, “Người ta cho rằng việc cung cấp các liều vaccine còn thiếu sẽ luôn khiến đứa trẻ có lợi hơn là không cung cấp. Điều này có thể sai.”
Theo ông Miller và ông Goldman, 17 trong số 18 phân tích xác nhận rằng tại các quốc gia phát triển, việc chích nhiều liều vaccine hơn dẫn đến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cao hơn. Họ đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách vaccine xác định tác động đầy đủ của lịch chích ngừa hiện tại đối với các tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, nghiên cứu về tính an toàn của số liều vaccine được khuyến nghị cho trẻ em và cách vaccine được sử dụng, để xác nhận rằng vaccine đang tác động tích cực đến sự sống còn của trẻ em.