Không phải ai làm công việc Chúa đều là người của Chúa. Nhiều người mà chúng ta nghĩ là hầu việc Chúa, nhưng Chúa không hề kể họ là người của Ngài. Họ nói họ biết Chúa và phục vụ Ngài nhưng Chúa nói Ngài không biết họ và Ngài kẻ họ là kẻ ác và loại bỏ họ. Chúa Giê-su phán trong Ma-thi-ơ 7:21-23 như sau:
21Không phải hễ ai nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ đều sẽ vào Nước Thiên Đàng đâu, nhưng chỉ những người làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời. 22 Vào ngày ấy, nhiều người sẽ nói với Ta rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng con đã nhân danh Ngài nói tiên tri, nhân danh Ngài trừ quỷ, nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ.’ 23Nhưng Ta sẽ phán cùng họ rằng: ‘Ta không biết các người, hỡi những kẻ gian ác, hãy lui ra khỏi Ta!’
Ngoài ra, nhiều người cho mình hay được nhiều người tin là người hầu việc Chúa có sự xức dầu và đầy quyền năng, nhưng Chúa Giê-su xem họ như năm người nữ đồng trinh đã hết dầu; và Chúa Giê-su cũng nói “Ta nói thật với các cô, ta không biết các cô là ai cả” (Ma-thi-ơ 25:12), và họ cũng chẳng được vào dự tiệc cưới Ngài dành sẳn. Tại sao có những việc như thế?
1. Những người hầu việc cái bụng của mình
Kinh Thánh cho chúng ta danh sách của những người hầu việc Chúa như:
Hóp-ni và Phi-nê-a là những người hầu việc Chúa với chức vụ là thầy tế lễ, nhưng họ là những người sống hư hỏng, ăn cướp của lễ dâng lên Chúa, ăn nằm với những người nữ phục vụ đền thờ, không nghe lời khuyên dạy của người khác dù là cha mình. Chúa kể họ phạm tội nặng. Ngài loại dòng dõi Hê-li khỏi chức vụ, giết họ và phạt dòng dõi của họ. Chúa chừa một người trong dòng dõi họ khiến người này phải ăn xin
1 Sa-mu-ên 2:12-17; 22-25
Vua Sau-lơ được xức dầu làm vua, nhưng ông đã làm theo ý mình và chìu theo ý của binh sĩ không vâng lời Chúa nên bị Chúa loại. Chúa phán với ông Sa-mu-ên trong 1 Sa-mu-ên 15:11, “Ta hối tiếc đã lập Sau-lơ làm vua, vì người đã bỏ, không theo Ta, và không thi hành mạng lệnh Ta”. Sa-mu-ên đã nói với vua Sau-lơ, “Vì vua đã gạt bỏ lời Chúa, Nên Ngài cũng gạt bỏ vua, không cho vua cai trị nữa.” (1 Sa-mu-ên 16:23).
Ê-li-áp anh của Đa-vít người có dóc dáng diện mạo cao lớn, khiến tiên tri Sa-mu-ên nhầm lẫn đây là người Chúa sẽ xức dầu làm vua. Nhưng Chúa đã phán với Sa-mu-ên: “Đừng xét theo diện mạo và vóc dáng cao lớn của nó, vì Ta đã loại bỏ nó” (1 Sa-mu-ên 16:17 BTTHĐ).
Sứ đồ Giu-đa hầu việc Chúa, đi cùng các môn đệ Chúa Giê-su, giảng Tin Lành chữa bệnh đuổi quỷ. Có chức vụ là thủ quỹ, nhưng tham lam ăn trộm tiền dâng hiến và bỏ túi riêng. Ông đã bán Chúa Giê-su là thầy mình với 30 miếng bạc. Sau đó ông hối hận treo cổ tự tử chết, có thể sau đó dây treo cổ bị đứt thân thể ông rớt xuống đất lòi ruột ra, chết thật thê thảm (Ma-thi-ơ 27:5; Công vụ 1:18).
Người của Chúa không phải là người đứng vào chỗ của Chúa để lên án người khác. Tiên tri Giô-na được Chúa gọi đi đến Ni-ni-ve giảng cho dân chúng và cả thành ăn năn nhưng ông đã trốn Chúa, không muốn làm theo ý Ngài. Ông không muốn Chúa tha thành Ni-ni-ve nhưng muốn Chúa hủy diệt họ. Ông lên án và định tội họ. Dù ông là tiên tri, nhưng không mang tấm lòng yêu thương và thương xót của Ngài.
Nhiều người phục vụ Chúa chỉ biết lên án, phê phán và định tội những người khác. Họ quên đi rằng chính Chúa Giê-su cũng không hề định tội người đàn bà tà dâm khi Ngài còn trên đất. Chúa Giê-su phán: “Đừng đoán xét thì các con khỏi bị đoán xét. Đừng lên án thì các con khỏi bị lên án (Lu-ca 6:37). Gia-cơ đã khẳng định rằng:
Chỉ có một Đấng ban hành Kinh Luật và xét xử, là Đấng có khả năng cứu rỗi và tiêu diệt. Nhưng anh chị em là ai mà lên án người đồng loại mình?
Gia-cơ 4:12
Phao-lô dạy chúng ta không lên án những người bị sa ngã, vì họ là đầy tớ của Chúa không phải của chúng ta. Ông nói như sau:
Ngươi là ai mà lên án đầy tớ của người khác? Nó đứng vững hay ngã xuống, đó là việc của chủ nó; nhưng nó sẽ đứng vững vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng
Rô-ma 14:4
Sứ-đồ Phao-lô đã phân tích trong sách Rô-ma 16:17-18 giữa hai nhóm người phục vụ Chúa và phục vụ cái bụng mình hay chỉ muốn làm theo ý mình. Những người lên án anh em mình là những người gây chia rẽ, tạo bè phái và gây cho người khác vấp phạm. Phao-lô đã nói về họ như sau:
17 Thưa anh chị em, tôi khuyên anh chị em đề phòng những kẻ gây chia rẽ và gây vấp phạm, trái với giáo huấn mà anh chị em đã học; hãy lánh xa họ đi! 18 Vì những kẻ đó chẳng phục vụ Chúa Cứu Thế, Chúa chúng ta đâu, song phục vụ cái bụng họ và dùng những lời đường mật nịnh bợ để quyến rũ lòng người thật thà.
2. Người của Chúa là người làm theo ý Chúa
Người hầu việc Chúa mà Đức Chúa Trời kể là “Người của Chúa” là người phục vụ Chúa cách thật sự. Họ có những yếu tố Chúa mà xác nhận như những người sau đây:
- Tiên tri Sa-mu-ên là người Chúa chọn và Ngài nói về ông như sau: “Người ấy sẽ làm mọi sự đẹp lòng Ta và theo ý Ta” (1 Sa-mu-ên 2:35).
- Đức Chúa Trời loại bỏ vua Sau-lơ và đặt Đa-vít lên ngôi, vì ông là người được Ngài chứng nhận: ‘Ta đã tìm thấy Đa-vít, con Gie-sê, người mà Ta hài lòng, Người sẽ thực hiện tất cả ý định của Ta.’ (Công vụ 13:22).
- Đức Chúa Cha đã xác nhận về Chúa Giê-su như sau: “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn.” (Ma-thi-ơ 3:17).
- Ê-tiên là một chấp sự được chọn trong “bảy người được chứng nhận là tốt, đầy dẫy Thánh Linh và khôn ngoan”. Ông “đầy dẫy ân sủng và quyền năng Đức Chúa Trời, thực hiện nhiều phép mầu và dấu lạ vĩ đại giữa dân chúng”. Những nhóm người tôn giáo thời đó không thể tranh luận và chống lại nổi trí khôn mà ông nhờ Đức Thánh Linh để nói. Ông bị ném đá chết, tuy cuộc đời ông ngắn ngủi, nhưng kết thúc quá tốt đẹp. Chúa Giê-su đã đứng lên khỏi ngai mà Ngài ngồi bên hữu Đức Chúa Trời để tiếp linh hồn ông (Xem Công vụ đoạn 6 và 7).
Do đó, muốn trở thành người của Chúa, mục đích của Cơ-đốc nhân là phải trở nên người mà Chúa muốn mình trở nên. Họ phải kỷ luật chính mình để nhờ đó khải tượng, sứ mạng của Chúa được hình thành qua họ. Phao-lô đã nói người của Chúa phải như những lực sĩ theo kỷ luật khắt khe và có sự tập trung cao độ. Ông đã chia sẻ kinh nghiệm mình như sau:
25 Mỗi lực sĩ đều theo kỷ luật khắt khe về đủ mọi thứ, họ chịu như vậy để đoạt mão hoa chiến thắng sẽ tàn héo, nhưng chúng ta chịu như thế để nhận được mão hoa chiến thắng không phai tàn. 26 Về phần tôi, tôi chạy đua không phải là chạy vu vơ, tôi đánh, không phải là đánh gió. 27 Nhưng tôi phải áp dụng kỷ luật và khắc phục thân thể tôi, e rằng sau khi giảng dạy người khác, chính tôi lại bị loại chăng
1 Cô-rinh tô 9:25-27
Trong sách 1 Cô-rinh-tô 3:10-15, Phao-lô đã căn dặn những người phục vụ Chúa thật phải xây dựng chức vụ mình tuyệt đối trên nền móng là Chúa Giê-su Christ. Mỗi người phục vụ Chúa phải cẩn thận về công trình xây cất của mình.
12 Hễ ai dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô hay rơm rạ để xây nhà trên nền ấy, 13 thì công việc của mỗi người sẽ được phơi bày rõ ràng. Ngày phán xét sẽ phô bày công trình đó ra vì ngày ấy sẽ xuất hiện trong lửa và lửa sẽ thử nghiệm công việc của mỗi người. 14 Nếu công trình của người nào đã xây dựng còn tồn tại, người đó sẽ được phần thưởng. 15 Nếu công trình của người nào đã xây dựng bị thiêu đốt, thì công trình ấy sẽ mất đi còn người đó sẽ được cứu nhưng dường như qua lửa vậy.
Điều này cho chúng ta thấy, có thể sẽ có những người cả đời hầu việc Chúa, nhưng tất cả công trình xây dựng của họ bị thiêu đốt và mất hết, còn họ may mắn được vào thiên đàng – được cứu nhưng dường như qua lửa.
3. Những yếu tố hình thành người của Chúa
a. Phân biệt giữa yêu và ghét để sống theo Lời Chúa
Người của Chúa phải biết “ai muốn kết bạn với thế gian đều trở thành kẻ thù nghịch của Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 4:4). Họ phải yêu những gì Chúa yêu và ghét những gì Chúa ghét. Họ biết Lời Chúa và yêu mến Lời Ngài như tác giả Thi thiên 119:11 nói: “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi; Để tôi không phạm tội cùng Ngài”. Qua việc yêu mến Lời Chúa, đọc, suy ngẫm, thuộc lòng Kinh Thánh người của Đức Chúa Trời sẽ biết sống đẹp lòng Ngài như Vua Đa-vít đã ước ao và ông xin Chúa là “Nguyện lời nói của miệng tôi và sự suy gẫm của lòng tôi đẹp ý Ngài” (Thi thiên 19:14).
b. Có mối tương giao với Chúa
Một nhân viên nếu không biết chủ mình thì làm sao có thể làm theo ý chủ? Người của Chúa mà không biết Chúa của mình là ai và bản tánh Ngài như thế nào thì làm sao làm theo ý Ngài và làm đẹp lòng Ngài? Chúa đã nói về vua Đa-vít ” Người sẽ thực hiện tất cả ý định của Ta”, và lý do Chúa đã khen ông là vì Đa-vít với tất cả ước ao và khao khát đã xin Chúa như sau:
Tôi đã xin CHÚA một điều, Là điều tôi sẽ tìm kiếm. Ấy là tôi được ở trong nhà CHÚA; Đến suốt đời, Để chiêm ngưỡng sự tốt đẹp của CHÚA; Và cầu hỏi trong đền thờ Ngài
Thi thiên 27:4
Môi-se đã không thỏa lòng với quyền năng lớn lao mà Chúa đã bày tỏ qua ông, ông đã xin Chúa cho ông được thấy Ngài và biết đường lối Chúa để ông biết Chúa và chiêm ngưỡng vinh quang Chúa (Xuất 33).
Chúa Giê-su nói trong Giăng 15, Ngài là gốc nho còn chúng ta là nhánh, nếu không nối liền với Ngài chúng ta chẳng làm chi được. Sức sống của người Đức Chúa Trời là qua sự tương giao với Chúa Giê-su mỗi ngày.
c. Có mối quan hệ đúng đắn và yêu thương giúp đỡ người khác
Thi thiên 1:1 cho chúng ta biết “Phước cho người nào không đi theo mưu kế kẻ ác; Không đứng trong đường tội nhân; Không ngồi chung với kẻ nhạo báng”. Người của Chúa sẽ không kết bạn với người thế gian, dự phần những cuộc vui xác thịt như người thế gian vì họ không muốn đem mình vào sự cám dỗ để trở nên ô uế. Vì Lời Chúa đã nói rõ về việc kết bạn với người thế gian là phạm tội tà dâm và là kẻ thù nghịch Chúa (Gia-cơ 4:4).
Người của Chúa phải giống Chúa qua việc yêu thương, chấp nhận và dễ tha thứ cho người khác. Họ không để sự tổn thương và rễ cai đắng mọc lên trong mình (Hê-bơ-rơ 12:15). Nhưng hy sinh cho những người khác. Chúa Giê-su phán:
12 Đây là điều răn Ta truyền: Các con hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu các con. 13 Chẳng có tình yêu nào vĩ đại hơn là tình yêu của người chịu hy sinh tính mạng cho bạn hữu mình
Giăng 15:12,13
Người của Chúa không ganh tị so sánh mình với người khác nhưng giúp ngưới khác tốt và thành công hơn mình. Giô-na-than muốn giúp Đa-vít làm vua thay vì mình là thái tử sẽ làm vua. Ba-na-ba giúp Phao-lô thành công hơn mình. Tiên tri Ê-li giúp tiên tri Ê-li-sê nhận sự xức dầu gấp đôi mình. Giăng Báp-tít nói về Chúa Giê-su là “Ngài phải được tôn cao, còn ta phải hạ xuống” (Giăng 3:30). Chúa Giê-su giúp các môn đệ Ngài làm việc vĩ đại hơn Ngài.
d. Có tinh thần trách nhiệm
Người của Đức Chúa Trời phải biết rõ sự kêu gọi, khải tượng và sứ mạng Chúa sai mình và trung tín bước đi và làm trọn điều Ngài giao phó. Có 3 trách nhiệm mà người của Chúa phải chú ý như sau:
- Trách nhiệm với chính mình
Người của Chúa phải có trách nhiệm với chính mình là gìn giữ và kỷ luật đời sống mình trong sạch và thanh liêm. Giữ cho tâm trí kiên định để không sa vào sự cám dỗ, giữ thân thể khỏe mạnh để hầu việc Chúa lâu dài và giữ cho tâm linh của mình luôn đầy dẫy Thánh Linh để nhạy bén đi trong sự dẫn dắt của Chúa. Nhờ đó chúng ta có danh tiếng tốt, không làm người khác vấp phạm và không để danh Chúa bị chê cười. Sống công chính, công bằng và chính trực. Phao-lô nói về mình như sau: “Ta tạ ơn Đức Chúa Trời là Đấng ta phụng sự với lương tâm trong sạch (2 Ti-mô-thê 1:3). “Tôi phải áp dụng kỷ luật và khắc phục thân thể tôi, e rằng sau khi giảng dạy người khác, chính tôi lại bị loại chăng” (1 Cô-rinh-tô 9:27).
- Trách nhiệm với gia đình
Người của Chúa phải có đời sống “không có gì đáng trách như Phao-lô đã đưa ra những nguyên tắc của người giám mục như sau:
2 Vậy, giám mục phải là người không có gì đáng trách, một chồng một vợ, tiết độ, tự chủ, nhã nhặn, hiếu khách, có tài dạy dỗ, 3 không nghiện rượu hoặc hung bạo, nhưng là người hiền hòa, không hay gây gỗ, không tham tiền, 4 khéo quản trị gia đình mình, dạy dỗ con cái biết vâng phục với tất cả lòng tôn kính
1 Ti-mô-thê 2:2-4
Người của Chúa phải chu cấp nhu cầu cuộc sống cho người thân mình. Vì “nếu có ai không cấp dưỡng cho bà con, nhất là cho gia đình mình, thì kẻ đó đã chối bỏ đức tin, còn tệ hơn người vô tín” (1 Ti-mô-thê 5:8). Ngoài ra, họ có trách nhiệm hướng dẫn thuộc linh với những người trong gia đình mình.
- Trách nhiệm với sứ mạng
Người Đức Chúa Trời phải siêng năng làm trọn những gì được người lãnh đạo trong Hội Thánh giao phó và những gì Chúa kêu gọi mình. Họ không bỏ cuộc nửa chừng, dù bị tổn thương, hay không được tôn trọng. Chúa Giê-su phán:
Ai trung tín trong việc nhỏ cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất chính trong việc nhỏ cũng bất chính trong việc lớn.
Lu-ca 16:10
Chúa Giê-su cũng ví dụ về người đầy tớ giỏi và trung tín được Vua khen:
Được lắm, đầy tớ giỏi của ta. Vì ngươi trung tín trong việc nhỏ nên ngươi sẽ được quản trị mười thành.
Lu-ca 19:17
Phao-lô căn dặn Hội Thánh Ê-phê-sô: “Vậy, là một tù nhân vì Chúa, tôi khuyên anh chị em hãy sống xứng đáng với ơn kêu gọi của Ngài” (Ê-phê-sô 4:1). Cuối cuộc đời ông đã nói: “Ta đã chiến đấu trong một trận chiến anh dũng, đã hoàn tất cuộc chạy đua, đã giữ được đức tin’ (2 Ti-mô-thê 4:7 BTTHĐ).
Khi rời Hội Thánh Ê-phê-sô Phao-lô đã nhắn nhủ họ như sau:
28 Anh em hãy giữ mình và toàn thể bầy chiên mà Thánh Linh đã đặt anh em làm giám mục,để chăn dắt Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. 29 Tôi biết rằng sau khi tôi ra đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào giữa anh em, chẳng dung tha bầy chiên đâu. 30 Và giữa anh em sẽ có những người nổi lên dùng lời xuyên tạc để lôi cuốn các môn đồ theo họ. 31 Vậy anh em phải tỉnh thức, hãy nhớ rằng suốt ba năm, cả ngày lẫn đêm tôi không ngừng đổ nước mắt khuyên bảo mỗi người luôn
Công vụ 20:28-31
Người của Chúa coi trọng sứ mạng của Chúa giao quan trọng hơn cả thức ăn của mình. Chúa Giê-su phán: “Trong khi còn ban ngày, ta phải làm trọn những việc của Đấng đã sai ta đến” (Giăng 9:4). “Thức ăn của Ta là tuân theo ý muốn của Đấng đã sai Ta và hoàn thành công việc Ngài” (Giăng 4:34).
Kết
Có một sự khác biệt rất lớn của người của Chúa và người hầu việc Chúa bị Ngài loại bỏ. Người hầu việc Chúa bị Ngài loại bỏ là người chỉ phục vụ cái bụng, làm theo ý riêng, tìm vinh hiển và lợi lộc cho mình. Họ so sánh, lên án định tội anh chị em mình và không có mối quan hệ mật thiết với Chúa Giê-su. Họ thích gần gủi và sống như người thế gian. Họ có thể phục vụ Chúa nhưng Ngài không quen biết họ, thậm chí họ có thể sẽ không được vào thiên đàng, nếu may mắn thì họ được cứu dường như qua lửa, vì họ không làm theo ý Cha trên trời và không xây dựng mục vụ trên nền tảng là Chúa Giê-su hay lời Ngài.
Người của Chúa là người có sự nối kết mật thiết với Chúa Giê-su, biết và hiểu ý Ngài và làm Ngài hài lòng. Họ khao khát là “được ở trong nhà CHÚA; Đến suốt đời, Để chiêm ngưỡng sự tốt đẹp của CHÚA; Và cầu hỏi trong đền thờ Ngài (Thi thiên 27:4) nhờ đó họ có thể thực hiện tất cả ý định của Ngài. Họ xây dựng mục vụ trên nền tảng là Chúa Giê-su, có đời sống kỷ luật cao, có mối quan hệ đúng đắn yêu thương tha thứ, muốn người khác được thành công và tôn trọng hơn mình. Họ biết chu toàn trách nhiệm và sứ mạng Chúa giao.
Sau khi báo trước những dấu hiệu xảy ra trước sự tận thế, Chúa Giê-su bèn dùng ví dụ về người chủ trở về thưởng cho đầy tớ trung tín và phạt đầy tớ gian ác là kẻ Ngài gọi là đạo đức giả và Ngài ra lệnh ném đầy tớ này vào nơi than khóc và rên xiết nghĩa là hỏa ngục (Ma-thi-ơ 24:36-51). Do đó hỡi những đầy tớ yêu dấu của Chúa Giê-su, chúng ta hãy trở thành “người của Chúa” là đầy tớ thật sự và trung kiên cho đến chết. Chúa Giê-su phán:
Con hãy trung tín cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho con mão sự sống
– Khải huyền 2:10bVậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến. Vì thế, các con phải sẵn sàng vì Con Người sẽ đến vào giờ các con không ngờ.
– Ma-thi-ơ 24:43,44Phải, Ta đến mau chóng! A-men. Lạy Chúa Giê-su, xin Ngài đến!
– Khải huyền 22:20
Người Dọn Đường
(Ngoại trừ ghi chú về bản dịch, các câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Bản Dịch Mới 2002)