Người Lãnh Đạo Hội Thánh Cần Phải Làm Đẹp Lòng Chúa Hay Con Người

Share

NGƯỜI ĐẦY TỚ CỦA ĐẤNG CHRIST

Trãi qua nhiều thời đại, con người luôn muốn tạo ấn tượng để thu hút người khác chú ý đến mình.  Con người muốn mình được nổi tiếng. Ngày nay, nhiều người muốn mình có nhiều fan hay followers (nhiều người theo mình).  Vì điều này cho họ cảm giác khoan khoái, được tôn sùng và kính nể.  Muốn tạo được những ấn tượng này, họ phải làm sao chứng minh bằng sự thành công qua những hình thức bên ngoài.  Động cơ thúc đẩy tạo ấn tượng để thu hút người khác đã len lỏi vào Hội Thánh Chúa cách rất tinh vi.  Nhiều người lãnh đạo Hội Thánh muốn thành công nên chú trọng bề ngoài.  Do đó họ tạo ấn tượng qua những sự kiện hoành tráng, những sứ điệp hấp dẫn, câu chuyện tiếu lâm, bắt chước Hội Thánh khác…để Hội Thánh họ được nổi tiếng, không bị chê (những điều này tự nó không sai hay có tội, nhưng nó sai và có tội khi có động cơ sai).  Có những người dùng thủ đoạn, hoặc dùng phương pháp đắc nhân tâm để đạt được ý mình (đắc nhân tâm là dùng kỷ năng giao tiếp khiến người ta thích mình và giúp mình đạt được mục đích; nhưng con cái Chúa phục vụ vì yêu Chúa, dùng tình yêu thương, và Lời Chúa khích lệ người khác phục vụ).  

Nhiều người ngày nay, hạ thấp tiêu chuẩn Lời Chúa để làm vui lòng con người. Họ chọn làm vui lòng con người hơn là Đức Chúa Trời.  Vì thế, họ vô tình đồng hoá Thánh Kinh với thế tục. Điều đáng tiếc là những người cho phép những điều này xảy ra là những người đầy tớ của Đấng Christ và còn là những người giữ chức vụ cao.  Bài viết này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn phù hợp với ánh sáng Thánh kinh. 

1. Chọn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời hay con người? 

Thánh Phao-lô khẳng định về chức vụ Chúa kêu gọi ông như sau: “Vậy, giờ đây tôi cố gắng để được lòng loài người hay Đức Chúa Trời? Hay tôi cố tìm cách làm đẹp lòng loài người chăng? Nếu tôi vẫn muốn làm đẹp lòng loài người thì tôi không phải là đầy tớ của Chúa Cứu Thế” (Ga-la-ti 1:10). Trong sách 1Tê-sa 2:4, Phao-lô xác nhận chức vụ Đức Chúa Trời ủy thác cho ông như sau:  “Vì Đức Chúa Trời đã xác nhận chúng tôi là đáng tin cậy để ủy thác Phúc Âm, nên chúng tôi cứ rao giảng, không phải để làm vừa lòng loài người nhưng đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng xem xét lòng chúng tôi”. 

Dù các sứ đồ bị bắt giải đến hội đồng, Thầy thượng tế uy hiếp và ngăn cấm họ giảng về danh Chúa Giê-su. Nhưng Phê-rơ và các sứ đồ đáp: “Phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người! (Công vụ 3:29) Thứ tự ưu tiên và nhiệm vụ của mục sư, hay những người đầy tớ phục vụ Đức Chúa Trời là phải làm đẹp lòng Ngài chứ không phải con người.  Do đó, câu hỏi chúng ta cần tự hỏi mình là: 

  • Tôi đang làm vui lòng con người hay là Đức Chúa Trời?
  • Nếu phải chọn lựa giữa sự vui lòng Chúa và con người tôi sẽ chọn ai?

2. Làm vui lòng con người sẽ có hậu quả gì?  

Lý do Đức Chúa Trời bỏ Vua Sau-lơ vì ông không vâng lời.  Không vâng lời ở điểm nào? Trong sách 1Sa-mu-ên 15:24-26, Vua Sau-lơ đã thú nhận với tiên tri Sa-mu-ên như sau: “Con có tội. Con đã vi phạm mạng lệnh CHÚA và lời ông dạy, vì con sợ các binh sĩ nên nghe theo lời họ.”  Ông Sa-mu-ên đáp lời vua Sau-lơ: “vì vua đã gạt bỏ lời CHÚA, và CHÚA cũng gạt bỏ vua, không cho vua cai trị dân Y-sơ-ra-ên nữa.” 

Lần thứ nhất, trong sách 1Sa-mu-ên đoạn 13 Sa-mu-ên kêu Vua Sau-lơ chờ ông bảy ngày, đừng ra trận, đợi ông đến rồi mới dâng của lễ (nên nhớ chỉ có thầy tế lễ và tiên tri mới được dâng của lễ).  Chờ đến ngày thứ bảy tiên tri Sa-mu-ên chưa đến, trong khi quân Phi-li-tin bao vây chung quanh, tình hình nguy kịch, còn binh sĩ nản lòng bỏ trốn dần. Vua Sau-lơ sợ binh sĩ bỏ mình đi hết nên ông dâng của lễ cho Chúa. 

Theo binh pháp điều Vua Sau-lơ làm là đúng; vì nếu để binh sĩ nản lòng là điều tối kỵ trong việc dụng binh. Nhưng đối với Chúa, Vua Sau-lơ không vâng lời vì ông trông cậy nơi sự giúp đỡ và sức mạnh của binh sĩ hơn là Đức Chúa Trời. Ông sợ con người hơn là kính sợ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời luôn thử người lãnh đạo trong tình huống tương tự như Vua Sau-lơ.  Vâng lời Chúa cách tuyệt đối.

Lần thứ hai, Chúa kêu ông tiêu diệt toàn dân A-ma-lét và tất cả gia súc, nhưng ông giữ lại vua A-ga và những súc vật to béo và dùng vua A-ga dẫn đi diểu binh thắng trận. Ông làm theo ý dân sự và binh sĩ mình.

Ngoài ra, vua Sau-lơ có sự kiêu ngạo, muốn được nổi tiếng và ông đã xây đài kỷ niệm cho mình (1Sa-mu-ên 15:12).  Ông muốn gây ấn tượng cho mọi người thấy tài năng và sự hùng mạnh của quân đội của ông.  Đó là tại sao ông không giết Vua A-ga nhưng dẫn vua này đi diễu binh thắng trận.    

Điều đáng buồn cho Vua Sau-lơ là không dễ dàng để được làm vua, nhưng thật là dại dột khi mất ngai vua. Đây là điều Sa-mu-ên nói với vua Sau-lơ: 

13Vua cư xử thật dại dột vì vua không tuân giữ mạng lệnh mà CHÚA là Đức Chúa Trời vua đã truyền cho vua. Nếu vua vâng lời CHÚA, Ngài sẽ lập ngôi vua vững bền đời đời trên nước Y-sơ-ra-ên. 14 Nhưng bây giờ, ngôi vua sẽ không bền. CHÚA đã tìm cho Ngài một người theo ý Ngài, và CHÚA sẽ lập người đó lên lãnh đạo dân Ngài, vì vua không tuân giữ mạng lệnh CHÚA.” (1Sa-mu-ên 13:13-14) 

Khi có người lãnh đạo nào làm theo ý người hay làm theo ý mình, thì Chúa sẽ bỏ họ và tìm người làm theo ý Ngài.  Điều đáng buồn cho chúng ta là người lãnh đạo Hội Thánh ngày nay, Chúa bỏ mình mà mình không biết, vì chúng ta thấy mình vẫn còn chức vụ cao, công việc vẫn trôi chảy và thành công, Hội Thánh phát triển, có nhà thờ mới xây.  Giống như vua Sau-lơ, vẫn còn ngai vàng, áo ngự bào, nhiều người tung hô vạn tuế, và ra trận vẫn thắng.

Qua bài học vua Sau-lơ chúng ta rút tỉa bài học rất quan trọng là “Thà mọi người bỏ mình, mà mình còn có Đức Chúa Trời; hơn là có tất cả mọi người nhưng Đức Chúa Trời bỏ mình”.

Trong sách Giê-rê-mi 17:5-6, CHÚA rủa sả những người nương dựa nơi con người như sau: “Khốn cho kẻ tin cậy loài người; Dựa vào người phàm làm sức mạnh; Và trở lòng lìa bỏ CHÚA.  Kẻ ấy giống như cây bách xù trong đồng hoang, mọc nơi sỏi đá trong sa mạc, nơi đất mặn, không người ở. Người ấy không hề nhận thấy phúc lành. Do đó, “Sợ loài người là một cái bẫy cho mình; Nhưng ai tin cậy CHÚA được an toàn” (Châm ngôn 29:25).

Chúa Giê-su nói khi Ngài trở lại sẽ xử phạt người quản gia không trung tín là “Đầy tớ ấy đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng và không làm theo ý chủ sẽ bị phạt đòn nhiều.  Còn đầy tớ không biết ý chủ mà phạm tội đáng phạt sẽ bị phạt đòn nhẹ hơn. Ai được cho nhiều (ân tứ, tài chánh, sức ảnh hưởng…) sẽ bị đòi nhiều; còn ai được giao nhiều (chức vụ cao, trách nhiệm…) sẽ bị hỏi nhiều hơn.” (Lu-ca 12:47-48). 

Nhiệm vụ của đầy tớ là biết ý chủ, làm theo ý chủ và làm vui lòng chủ mình. Đầy tớ nào biết ý chủ, nhưng không làm theo bị phạt nặng; không biết ý chủ để làm củng bị phạt, nhưng phạt nhẹ.  Ai được Chúa giao cho nhiều ân tứ, nhiều tiền, có tầm ảnh hưởng rộng, có chức vụ cao, hội thánh đông người, thì Chúa đòi hỏi nơi người đó cao hơn. 

Làm vui lòng con người sẽ có hậu quả là bị Chúa bỏ, bị rủa sả, bị phạt và không hề nhận thấy phúc lành

3. Tại sao chúng ta có những người lãnh đạo như Vua Sau-lơ? Những người lãnh đạo làm vui lòng con người?

Đáng lẽ Đức Chúa Trời là Vua của dân Y-sơ-ra-ên, nhưng vì dân sự vốn cứng lòng không muốn vâng lời Chúa, họ không muốn Đức Chúa Trời làm Vua của họ.  Họ muốn có vua như các dân khác cai trị họ, cầm đầu khi ra trận, và đánh giặc cho họ và Chúa cho họ Sau-lơ (1Sa-mu-ên 8).

Chúa phán với tiên tri Ê-xê-chi-ên 14:1-4, về những người có thần tượng trong lòng, đến nài xin Chúa ban cho.  Nghiã là họ biết những điều họ xin là điều tội lỗi, không đẹp lòng Chúa, nhưng vẫn xin, thì Chúa sẽ nhậm lời họ cầu xin.  Nhưng sau đó, chính họ sẽ trả giá cho sự cầu xin của mình.

Họ không muốn vâng lời và đầu phục Chúa, thì vua của họ sẽ không vâng lời và đầu phục Chúa. Họ muốn vua làm theo ý họ, thì Vua Sau-lơ làm theo ý họ.  Họ muốn có vua để gây ấn tượng cho các nước chung quanh, thì vua Sau-lơ sẽ không vâng lời Chúa giết vua A-ga nhưng dẫn vua này đi biểu dương thắng trận như điều lòng họ mong muốn.  Sau-lơ là sản phẩm từ sự đòi hỏi nơi dân Y-sơ-ra-ên. 

Khi vua của họ không vâng Lời Chúa, lúc kẻ thù khổng lồ đến, vua của họ sẽ trốn vì không có sức chống cự, vua sẽ không đứng ra bảo vệ họ. Đến lúc ấy, họ sẽ than khóc với CHÚA về vua mà mình đã chọn cho mình, nhýng Ngài sẽ không đáp lời họ kêu cầu” (1Sa-mu-ên 8:18). Nếu tín hữu và Ban Chấp Sự Hội Thánh muốn có mục sư làm theo ý mình, giảng theo ý mình, phục vụ sở thích mình, thì đừng ngạc nhiên khi có sự cố lớn xảy ra trong đời sống mình Chúa sẽ không giúp đỡ và mục sư mình sẽ bó tay và lẫn tránh. 

Sau-lơ cũng không thiết tha khi được giao cho công việc, ông làm việc nữa chừng, không đến nơi đến chốn.  Khi cha ông giao cho đi tìm con lừa, lúc hết thức ăn, lúc khó khăn, ông muốn bỏ cuộc trở về dùng lý do là sợ cha mình lo. Do đó, khi Chúa giao công việc, thì ông làm chỉ phần nào thôi, rồi viện lý do và đổ thừa cho người khác. 

Thật ra Sau-lơ không phải con người quan tâm đến Chúa và nhà Chúa, bằng chứng là tên đầy tớ, biết gần đó có vị tiên tri nổi tiếng Sa-mu-ên còn Sau-lơ thì không biết. Khi gặp khó khăn ông biết biết nhờ cậy Chúa, dù là khó khan mất lừa hay gặp Gô-li-át. Tên đầy tớ còn có tâm linh sáng suốt hơn cả Sau-lơ.  Tương tự như thế, ngày nay chúng ta cần cầu nguyện để không có những người lãnh đạo như Vua Sau-lơ, bề ngoài có chức vụ cao, có tầm ảnh hưởng lớn, có khả năng làm việc tốt, nhưng đời sống thuộc linh thì không bằng những nhân sự của mình.

Tại sao có những người Chúa nói bỏ rồi như Vua Sau-lơ, mà Ngài vẫn để trong vị trí đó? Tại sao không trừng phạt hay kiếm người khác thế?

  1. Chúa muốn dân sự trả giá cho sự chọn lựa sai lầm của mình, Ngài muốn họ hiểu biết phục vụ Đức Chúa Trời và phục vụ vua của họ khác nhau như thế nào?
  2. Vì Đức Chúa Trời là Đấng đầy tình yêu thương và giàu lòng thương xót, Ngài muốn Vua Sau-lơ hay những đầy tớ của Ngài thật sự ăn năn.  Giống như Đa-vít phạm tội nặng hơn Vua Sau-lơ nhưng ông thật sự ăn năn.
  3. Vì đàn chiên của Ngài.  Chúa thà là để chiên bị đói và khổ sở vì người chăn thuê hơn là bị sói ăn thịt. Chúa thà là để người chăn thuê ăn thịt vài con chiên hơn là cả bầy bị sói ăn.
  4. Đức Chúa Trời chờ đợi, Ngài phải trang bị một người mới tốt, một người luôn muốn làm đẹp lòng Ngài.  Chắc chắn Ngài sẽ dấy người ấy lên để thay thế. 
  5. Lý do chưa có người thế trong hiện tại, vì nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn. Nhưng hãy tin rằng Đức Chúa Trời muốn Hội Thánh cho Ngài có người lãnh đạo, như vua Đa-vít. Ngài sẽ đem đến và hãy tiếp tục cầu nguyện.

4. Đừng mắc bẩy bởi ấn tượng bề ngoài và cần biết tại sao Chúa bỏ mình

Tiên tri Sa-mu-ên là người từng trãi, đầy dẫn Thần Chúa, tuy nhiên ông vẫn bị đánh lừa bởi sự hào nhoáng bên ngoài của Ê-li-áp.  Khi thấy Ê-li-áp, ông nghĩ: “Chắc đây là người CHÚA chọn.”  Nhưng CHÚA bảo ông: “Con đừng chú ý diện mạo và dáng vóc cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Ta không xét đoán như loài người xét đoán, vì loài người chỉ nhìn thấy bề ngoài, nhưng CHÚA nhìn thấy tấm lòng bên trong.” (1Sa-mu-ên 16:6-7).  

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Chúa nói là Ngài gạt bỏ Ê-li-áp?  Ý Chúa gạt bỏ nghĩa là gì? Có phải chăng Ngài đã từng có ý muốn chọn Ê-li-áp làm vua, nhưng sau đó Ngài đổi ý gạt bỏ ông? Có thể ông được nằm trong danh sách tuyển chọn của Chúa, nhưng một thời gian ông không đạt tiêu chuẩn nên Ngài gạt bỏ.  Liệu Ê-li-áp có bao giờ nghĩ là Chúa có ý định chọn mình làm vua thế cho Vua Sau-lơ không? Ồ! nếu Ê-li-áp biết được Đức Chúa Trời sẽ chọn mình làm vua ông sẽ sống như thế nào? Tương tự như thế, có bao giờ chúng ta tự hỏi là: “Có khi nào nào Chúa muốn dấy tôi lên mà tôi không biết chăng? Hay Ngài gạt bỏ tôi mà tôi không biết chăng? Nếu như Chúa gạt bỏ tôi thì điều gì khiến Ngài gạt bỏ tôi?”

Chúa Giê-su phán với người Pha-ri-si là những người giả hình chỉ chú trọng bề ngoài: “Các ngươi làm ra vẻ công chính trước mặt người ta, nhưng Đức Chúa Trời biết lòng các ngươi; vì điều người ta đề cao lại là điều ghê tởm trước mặt Đức Chúa Trời (Lu-ca 16:15). Nếu ai làm việc gì để gây sự chú ý và được người khác khen thưởng thì sẽ không nhận được phần thưởng từ Cha trên trời (Ma-thi-ơ 6:1-4).

Hội Thánh Lao-đi-xê nói về mình là: ‘Ta giàu, ta đã làm nên giàu có, không cần chi nữa’.  Nhưng họ bị Chúa Giê-su quở trách họ là “hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh” và Ngài “sắp nhả họ ra khỏi miệng” Ngài. Vì họ không nhìn “biết mình cùng khốn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và lõa lồ” (Khải huyền 3:14-17).  Nếu chúng ta thấy mình đang có tinh thần hâm hẩm như Hội Thánh Lao-đi-xê, thì cần sốt sắng ăn năn để không bị quở trách và sửa phạt.  “Hãy mua vàng tinh luyện bằng lửa” của Ngài “để được giàu có, mua áo xống tinh bạch để mặc vào” cho “sự xấu hổ vì lõa lồ… khỏi lộ ra, và mua thuốc nhỏ mắt để nhỏ vào mắt ngõ hầu thấy rõ” (Khải huyền 3:18-19).

Đừng bị ấn tượng bên ngoài về chức vụ hay sự hoành tráng của nhà thờ nào đó rồi khen ngợi và bắt chước. Điều gì gây ấn tượng cho bạn là điều khiến bạn say mê, đeo đuổi và sẽ trở thành mục đích sống của bạn. 

5. Hãy cẩn thận về mục vụ Chúa giao 

Thánh Phao-lô cảnh cáo chúng ta là “Mỗi người phải cẩn thận về công trình xây cất của mình.  Vì không ai có thể đặt một nền móng nào khác ngoài nền đã lập tức là Chúa Cứu Thế Giê-su. Hễ ai dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô hay rơm rạ để xây nhà trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ được phơi bày rõ ràng. Ngày phán xét sẽ phô bày công trình đó ra vì ngày ấy sẽ xuất hiện trong lửa và lửa sẽ thử nghiệm công việc của mỗi người. Nếu công trình của người nào đã xây dựng còn tồn tại, người đó sẽ được phần thưởng.  Nếu công trình của người nào đã xây dựng bị thiêu đốt, thì công trình ấy sẽ mất đi còn người đó sẽ được cứu nhưng dường như qua lửa vậy (1Cô-rinh-tô 3:10-15).

Xin chú ý những người được cứu dường như qua lửa này là những người phục vụ Chúa có thể là nhân sự, mục sư hay là những người lãnh đạo cao cấp của giáo hội.  Chính Phao-lô nói về mình như sau:  “Tôi phải áp dụng kỷ luật và khắc phục thân thể tôi, e rằng sau khi giảng dạy người khác, chính tôi lại bị loại chăng (1Cô-rinh-tô 9:27). Do đó, là đầy tớ Chúa “Mỗi người nên xét chính mình” (1Cô-rinh-tô 11:28), và “nên xem xét việc làm của chính mình” (Ga-la-ti 6:4). “Hãy thử nghiệm cho biết điều gì đẹp lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:10). “Đừng rập khuôn theo đời này”, hay đừng bắt chước cách hành xử của thế gian.  Hội Thánh ở trong thế gian để đồng hoá thế gian, chứ không phải đem thế gian vào đồng hóa Hội Thánh.  Xin Chúa mở mắt, để chúng ta “được biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí, để thử nghiệm cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:1-2).

6. Những đầy tớ nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, Ngài sẽ ban phước và ban thưởng.

Phao-lô dạy chúng ta trong thư 2Cô-rinh-tô 5:9-10, “Như thế, dù còn trong thân xác hay lìa khỏi thân xác, mục đích của chúng ta là sống đẹp lòng Chúa Vì tất cả chúng ta đều phải ra trước tòa án Chúa Cứu Thế để mỗi người sẽ nhận phần của mình, tùy theo những điều thiện, điều ác mình đã làm khi còn ở trong thân xác”.

Đức Chúa Trời hứa cho những người đặt Ngài là nguồn tin cậy của mình như sau: “Phước cho người tin cậy CHÚA, Có CHÚA làm nguồn tin cậy mình.  Người ấy giống như cây trồng gần nước; Đâm rễ bên dòng sông; Không sợ nắng hạ đến, lá vẫn xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng lo, không ngừng ra trái” (Giê-rê-mi 17:7-8).  Khi đường lối chúng ta “đẹp lòng CHÚA, Ngài làm cho kẻ thù của” chúng ta “cũng hòa thuận với” chúng ta (Châm ngôn 16:7).

Môi-se dạy trong Phục truyền 5:32,33 “32 Vậy, anh chị em phải thận trọng thi hành những điều CHÚA, Đức Chúa Trời của chúng ta đã truyền dạy; đừng làm lệch qua phải hay qua trái, 33 nhưng phải theo đúng đường lối CHÚA, Đức Chúa Trời của anh chị em đã truyền để được sống, được thịnh vượng và trường thọ trong xứ anh chị em sắp chiếm hữu:.

Những biến động trên thế giới cho chúng ta thấy Chúa Giê-su sẽ trở lại thế gian một ngày rất gần.  Chúa Giê-su sẽ đến như vị Vua và như một chàng rể không phải để rước nàng dâu ô uế, đầy mùi hôi tanh của thế gian; nhưng Ngài đến để rước một Hội Thánh “quang vinh, không tì ố, không vết nhăn, không có gì khiếm khuyết, nhưng thánh khiết và toàn bích”.  Để chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa Giê-su, những người chăn cần sống đẹp lòng Chúa, thì bầy chiên mới sống đẹp lòng Chúa.  Chúng ta cần những người đầy tớ làm chỉ theo ý Đức Chúa Trời. Những người noi gương Chúa Giê-su “đẹp lòng Cha mọi đàng”.

Tín hữu Hội Thánh cần phải vui mừng và khích lệ mục sư của mình giảng lời thật từ Đức Chúa Trời, sung sướng khi mục sư mình đi truyền giáo và khích lệ hội thánh truyền giáo.  Tín hữu phải luôn khích lệ nhau sống đẹp ý Chúa. Chúng ta nên vui mừng hảnh diện trong Chúa khi thấy tín đồ Cơ đốc có đời sống thay đổi giống Chúa Giê-su hơn là vui mừng bị ấn tượng vì sự hào nhoáng bên ngoài của hội thánh, và những sự kiện do hội thánh tổ chức.  Chúng ta hãy chuẩn bị như cô gái Ê-xơ-tê, biệt riêng chính mình, tắm bằng nước thơm, trang sức những điều vua thích để gặp Chúa Giê-su, Vua muôn vua và Chúa các chúa là Đấng yêu chúng ta và hiến thân Ngài vì chúng ta.

 

Người dọn đường

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan