Trái Thánh Linh là một cụm từ được tìm thấy trong Kinh Thánh ở Ga-la-ti 5:22-23 (BTTHĐ 2010). Nó đề cập đến chín thuộc tính của một đời sống Cơ đốc nhân được linh ứng bởi Đức Thánh Linh sống trong họ. Những đức tính ấy là yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ. Mỗi phẩm tính này đều quan trọng để sống một đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Khi chúng ta tìm kiếm sự hiện diện của Chúa với lòng khiêm nhường và đức tin, chúng ta có thể trãi nghiệm được sự vui mừng và bình an thật khi sống theo thánh ý Chúa. Trái của Thánh Linh là điều cần phấn đấu xây dựng hằng ngày: một đời sống phong phú trong sự hiệp thông với Đức Chúa Trời.
Nhưng trái của Thánh Linh là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ. Không có luật pháp nào cấm các điều đó.
— Ga-la-ti 5:22-23
Từ Hy Lạp được dịch là “trái” nói đến một sản phẩm tự nhiên của một sinh vật. Phao-lô đã dùng từ “trái” để giúp chúng ta hiểu sản phẩm của Đức Thánh Linh, là Đấng sống bên trong mỗi người tin. Trái của Thánh Linh được sinh ra bởi Thánh Linh, không phải bởi Cơ đốc nhân. Từ Hy Lạp là số ít, cho thấy “trái” là một tổng thể thống nhất, không phải là những đặc tính độc lập. Khi chúng ta tăng trưởng, tất cả các đặc tính của Đấng Christ sẽ được biểu hiện trong đời sống của chúng ta.
Tuy nhiên, giống như trái vật chất cần thời gian để lớn lên, trái Thánh Linh sẽ không chín muồi trong đời sống chúng ta chỉ sau một đêm. Giống như một người làm vườn thành công phải chiến đấu với cỏ dại để hưởng được trái ngọt mong muốn, chúng ta phải liên tục làm việc để loại bỏ “cỏ dại” của bản chất tội lỗi cũ muốn bóp nghẹt công việc của Thánh Linh trong cuộc sống của chúng ta.
Đức Thánh Linh ban cho chúng ta quyền năng để bác bỏ những ham muốn tội lỗi cũ. Chúng ta có thể nói “không” với tội lỗi và chấp nhận “lối thoát” mà Đức Chúa Trời cung cấp một cách thành tín (1 Cô-rinh-tô 10:13) bằng cách sống theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.
Khi chúng ta trao cho Thánh Linh nhiều quyền kiểm soát hơn trong cuộc sống của mình, Ngài bắt đầu thực hiện trong và qua chúng ta điều mà chỉ Ngài mới có thể làm – tạo hình chúng ta và khiến chúng ta trở nên giống như Chúa Giê-xu (2 Cô-rinh-tô 3:17-18).
Vì mục tiêu của Đức Chúa Trời dành cho tất cả con cái Ngài là để chúng ta trở nên giống như Chúa Giê-xu (Rô-ma 8:29), nên Đức Thánh Linh không ngừng hành động để cất khỏi đời sống chúng ta những “hành động của bản chất tội lỗi” (Gal. 5:19) và thay vào đó bày tỏ bông trái của Ngài . Vì vậy, sự hiện diện của “trái Thánh Linh” là bằng chứng cho thấy bản tính của chúng ta ngày càng giống Đấng Christ hơn.
Phao-lô sử dụng chín đặc điểm để mô tả trái của Thánh Linh trong sách Ga-la-ti. Chúng ta hãy xem danh sách trái của Thánh Linh và ý nghĩa của từng đặc điểm:
Trái của tình yêu thương
Thưa anh em yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời. Ai yêu thương thì sinh bởi Đức Chúa Trời và nhận biết Đức Chúa Trời. Ai không yêu thương thì không nhận biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương.
— 1 Giăng 4:7-8
Đúng, tình yêu trong Kinh thánh là một sự lựa chọn, không phải là một cảm giác. Nó có chủ ý thể hiện bản thân theo những cách yêu thương và luôn tìm kiếm lợi ích cho người khác. Tình yêu trong Kinh thánh phụ thuộc vào tính cách của người cho chứ không phải cảm xúc. Chẳng hạn, một tín đồ trưởng thành thể hiện tình yêu thương sẽ không sử dụng quyền tự do của mình nếu hành động đó có thể gây hại cho một tín đồ Đấng Christ khác theo một cách nào đó. Thay vì liều lĩnh khiến Cơ đốc nhân chưa trưởng thành thắc mắc và vấp ngã, tín đồ trưởng thành sẽ không sử dụng sự tự do của mình vì tình yêu thương đối với anh em mình (Rô-ma 14:1-15). Tình yêu chọn gạt bỏ sở thích, ước muốn của bản thân sang một bên, và thậm chí đôi khi cần đặt người khác lên trên hết (Phi-líp 2:1-3).
Trái của sự vui mừng
Cầu xin Đức Chúa Trời là nguồn hi vọng làm cho anh em ngập tràn niềm vui và bình an trong đức tin, để nhờ năng quyền của Đức Thánh Linh, anh em được chứa chan hi vọng!
— Rô-ma 15:13
Đôi khi Cơ đốc nhân chúng ta có xu hướng xem nhẹ ý nghĩa của sự vui mừng. Tuy nhiên, từ Hy Lạp được dịch là “vui mừng” trong Ga-la-ti 5 có nghĩa là “vui mừng và đẹp lòng” – về cơ bản thì thế gian cũng có ý nghĩa tương tự khi nói về niềm vui. Đó là một cảm giác vui mừng dựa trên hoàn cảnh của chúng ta.
Đáng buồn thay, niềm vui của thế gian không thể kéo dài vì nó dựa trên những điều chóng qua đi và những hoàn cảnh vật chất nhất thời. Nhưng niềm vui của Chúa được thiết lập trong hoàn cảnh thuộc linh vĩnh cửu của chúng ta. Khi chúng ta bám chặt lấy Chúa Giê-xu, hằng ngày ở trong mối quan hệ cứu rỗi với Ngài, chúng ta sẽ kinh nghiệm niềm vui trọn vẹn mà Ngài đã hứa (Giăng 15:4-11).
Trái của sự bình an
Người nào để tâm trí mình nương cậy nơi Chúa
Thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn,
Vì người tin cậy Ngài.— Ê-sai 26:3
Thế gian không đem lại sự bình an. Chỉ cần nhìn xung quanh. Thế gian không thể ban cho vì thế gian không biết Đấng là sự bình an. Nhưng đối với những người có Thánh Linh của sự bình an bên trong chúng ta, thì sự bình an của Đấng Christ là điều có thể có được, bất kể hoàn cảnh của chúng ta ra sao (Giăng 14:27). Chúng ta có thể từ chối sự hỗn loạn của thế gian và nắm lấy sự bình an của Chúa. Sách Phi-líp cho chúng ta biết cách như thế nào (Phi-líp 4:4-9).
Thứ nhất, hãy chọn vui mừng trong Chúa và trong sự biết được Ngài là ai. Thứ hai, hãy đem tất cả những lo lắng, sợ hãi và quan tâm của bạn đến với Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện. Thứ ba, hãy lấp đầy tâm trí bạn bằng lẽ thật của Đức Chúa Trời. Và thứ tư, hãy chọn suy nghĩ về những điều thuộc về Chúa.
Trái của sự kiên nhẫn
Phải hết sức khiêm nhu, mềm mại và nhẫn nhục, hãy chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương…
— Ê-phê-sô 4:2
Chúng ta không thấy nhiều sự kiên nhẫn trong thế giới ngày nay, ngay cả trong hội thánh. Có thể một phần lý do là do văn hóa muốn có ngay theo nhịp độ nhanh của cuộc sống của chúng ta. Nhưng Cơ đốc nhân có mọi thứ chúng ta cần để kiên nhẫn vì chúng ta có Đức Thánh Linh sống trong chúng ta khao khát thể hiện đặc tính của Ngài cho những người xung quanh. Những người kiên nhẫn chịu đựng hoàn cảnh và những người khác, ngay cả khi bị thử thách nặng nề. Những người kiên nhẫn thể hiện sự chịu đựng, nhịn nhục và kiên trì.
Tân Ước cũng đặc biệt kết nối sự kiên nhẫn với việc chia sẻ Tin Lành. Đức Chúa Trời kiên nhẫn chờ đợi những kẻ hư mất đến với Ngài (2 Phi-e-rơ 3:9) và Ngài kêu gọi dân Ngài kiên nhẫn khi chúng ta mở rộng lời mời về sự cứu rỗi trong Đấng Christ cho người khác (2 Ti-mô-thê 4:20).
Trái của sự nhân từ
Anh em là những người được tuyển chọn của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu. Vậy, hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục…
— Cô-lô-se 3:12
Các đặc tính của “lòng tốt” và “sự tốt lành” có liên quan chặt chẽ với nhau. Chúng cùng nhau trình bày bức tranh về một người không chỉ sở hữu lòng tốt và sự liêm chính, mà còn thể hiện điều đó một cách tràn đầy qua cách họ cư xử với người khác.
“Việc tốt lành trong hành động” này phản ánh lòng nhân từ và tốt lành của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời đã bày tỏ lòng nhân từ và sự tốt lành của Ngài đối với chúng ta trong sự cứu rỗi của chúng ta (Tít 3:4) và sẽ tiếp tục “sự phong phú vô hạn của ân điển Ngài” cho đến đời đời (Ê-phê-sô 2:7)!
Trái của sự trung tín
Chủ nói với người ấy: ‘Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm! Ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi cai quản nhiều. Hãy vào chung hưởng niềm vui với chủ ngươi.’
— Ma-thi-ơ 25:21
“Trung tín” là đáng có thể dựa vào hoặc đáng tin cậy. Đối với Cơ đốc nhân, đây là sự trung thành đặc biệt với Đấng Cứu Thế đã cứu chuộc chúng ta. Do đó, sự trung thành của Cơ đốc nhân là sự phục tùng và vâng phục liên tục và nhất quán đối với cùng một Thánh Linh, Đấng cung cấp khả năng để chúng ta trung thành.
Thái độ này trái ngược hoàn toàn với “sự trung thành” trước đây của chúng ta đối với những ước muốn và đường lối tội lỗi của chúng ta. Từ này cũng mô tả một người nào đó sẵn sàng chịu bắt bớ và thậm chí chịu chết vì cớ Đấng Christ. “Chúng tôi cũng tự hào về anh em trong các Hội Thánh của Đức Chúa Trời, về sự kiên nhẫn và đức tin anh em trong tất cả những bắt bớ và hoạn nạn mà anh em đang chịu.” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:4)
Trái của sự mềm mại hay nhu mì
Hãy cho mọi người biết tính nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi!
— Phi-líp 4:5
Liên kết chặt chẽ với sự khiêm tốn, sự dịu dàng là ân sủng của tâm hồn. Đó không phải là sự yếu đuối, mà thay vào đó là sức mạnh được kiểm soát. Chẳng hạn, trong lá thư thứ hai của Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê, ông viết rằng “đầy tớ của Chúa” sẽ “dùng sự mềm mại sửa trị những kẻ chống đối mình” (2 Ti-mô-thê 2:25). Và trong lá thư của Phao-lô gửi cho hội thánh ở Ga-la-ti, ông viết rằng những người mắc tội nên được phục hồi trong “sự mềm mại” (Ga-la-ti 6:1).
Tính dịu dàng, đối lập với tính tự khẳng định và tư lợi, cũng là yếu tố chính tạo nên sự hiệp nhất và bình an trong thân thể Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:2).
Trái của sự tự chủ hay tiết độ
Người nào không chế ngự lòng mình, Khác nào một cái thành đổ nát, không tường lũy.
— Châm Ngôn 25:28
Đặc điểm cuối cùng trong sự mô tả của Phao-lô về trái của Thánh Linh cho chúng ta thấy lại danh sách “các công việc của xác thịt” của ông trong Ga-la-ti 5:19-21. Những người trong chúng ta có sự ngự trị của Đức Thánh Linh có sức mạnh để kiểm soát những ham muốn tội lỗi của chúng ta, để nói “không” với xác thịt của chúng ta. Sự tự chủ cho chúng ta sức mạnh để nói “xin vâng” với Thánh Linh và nuôi dưỡng một mùa gặt bội thu, tươi đẹp của trái thánh linh!
Bước đi trong Thánh Linh
Vậy những người thuộc về Đấng Christ Jêsus đã đóng đinh xác thịt cùng với các đam mê và dục vọng mình trên thập tự giá rồi. Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống thì hãy bước theo Thánh Linh. Chớ tìm kiếm hư danh mà khiêu khích và ganh ghét nhau.
— Ga-la-ti 5:24-26
Ánh Dương & Ngọc Nga
(Lược dịch theo: crosswalk.com)