Những Nhà Thông Thái

Share

Khao Khát, Trả Giá Và Được Phước Lớn

 

1/ Ý NGHĨA KHAO KHÁT, TÌM KIẾM, TRẢ GIÁ VÀ TẬN HƯỞNG. 

Thế giới ngày nay đang biến ngày kỷ niệm Chúa Giê-su giáng sinh thành những ngày mua sắm, tiệc tùng xa xỉ, ngày nghỉ, vui chơi giải trí hay lễ hội hoành tráng bề ngoài v.v. mà chúng không có gì liên hệ với cuộc đời, sứ mạng và mục đích giáng sinh của Chúa Giê-su. 

Ngược lại với thế giới đó, chúng ta kỷ niệm ngày Giáng Sinh với lòng cảm tạ Ngài đã đến thế gian để ban cho mỗi người chúng ta một món quà vô giá là “tin lành.” 

Sứ điệp Tin lành đó nói rằng mục đích Ngài giáng sinh để chết thay cho mọi tội lỗi và mọi hình phạt mà mỗi người chúng ta đáng phải chịu để chúng ta có thể sống vui mừng, bình an, phục vụ, yêu thương và thỏa lòng trong Ngài. 

Tin lành đó mở mắt cho chúng ta biết Ngài đến để rao giảng về tình yêu thương tha thứ, cứu chuộc và quyền năng biến đổi của Đức Chúa Trời trên đời sống của những người quyết định nhận Ngài là Cứu Chúa của cá nhân mình và của nhân loại. 

Tin lành đó ban cho chúng ta có sức sống và hy vọng vững chắc của Chúa Giê-su để sống trở nên giống Ngài hơn trong mỗi ngày (Phi-líp 2:5-11; 5:1-2), đặc biệt là sống làm chứng về Ngài, rao báo tin lành của Ngài (Ma-thi-ơ 28:18-20, Công Vụ 1:8), và xây dựng hội thánh là thân thể của Ngài (1 Cô-rinh-tô 12).

Tin lành đó khiến chúng ta được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời, có đầy trọn tình yêu thương chan chứa thẩm quyền và năng lực của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12, BDM 2002) để sống đắc thắng tội lỗi và mọi quyền lực của sự tối tăm đã cai trị tâm trí và đời sống của con người trong quá khứ. 

Nhưng còn một ý nghĩa rất quan trọng khác, mà nếu thiếu ý nghĩa này, mọi ý nghĩa kể trên sẽ trở nên vô nghĩa. Kỷ niệm Chúa Giáng Sinh là để nhắc lại, làm vững mạnh và sâu xa hơn lòng khao khát, tìm cầu Chúa của chúng ta, gia đình và hội thánh.

Chẳng phải là dân Y-sơ-ra-ên thời Cựu Ước và dân Do Thái từ thời Tân Ước cho đến nay khao khát chờ đợi Đấng Cứu Thế sao? Và Ngài đến để làm trọn lời hứa của Đức Chúa Trời với các tổ phụ của họ là Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp v.v. sao? 

Chẳng phải là Thánh Linh đã thần cảm để biết bao nhiêu tiên tri thời Cựu Ước đã nói tiên tri về Ngài sao?

Chẳng phải là những nhà thông thái trong Ma-thi-ơ 12:1-12 khao khát, tìm kiếm, sẵn sàng trả giá và bởi đó mà họ nhận được nguồn vui lớn của việc gặp được hài nhi Giê-su – là một trong những hình ảnh quan trọng đặc biệt không thể thiếu được trong sự tích Chúa Giê-su giáng sinh sao? 

Chẳng phải có sự khác biệt giữa tiếp nhận món quà và lòng khao khát muốn có món quà là hai điều khác nhau nhưng tác động cũng khác nhau sao? Dù món quà đã có sẵn nhưng nếu không có lòng khao khát, tìm cầu và trả giá để đến nhận món quà thì không thể nào nhận được món quà. 

Chẳng phải các cuộc phục hưng trong lịch sử hội thánh đều bắt đầu từ những con người khao khát, tìm kiếm và sẵn sàng trả giá để gặp Chúa, sống theo Lời Chúa và tận hưởng chính Ngài. Chẳng phải các cuộc phục hưng đó đều bắt đầu từ những con người sống như là những “nhà thông thái” trong thời đại của họ sao? 

2/ PHỤC HỒI LÒNG KHAO KHÁT VÀ TÌM CẦU. 

1 Khi Đức Chúa Jêsus đã giáng sinh tại thành Bết-lê-hem miền Giu-đê, vào thời trị vì của vua Hê-rốt, có mấy nhà thông thái ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem hỏi rằng: 2 “Vua dân Do Thái vừa sinh tại đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương nên đến để tôn thờ Ngài.”

Ma-thi-ơ 2:1-2

Chữ “nhà thông thái” được dịch ra từ chữ “μαγοι” trong nguyên bản Ma-thi-ơ tiếng Hy-lạp. Chữ “μαγοι” này thường được dùng cho những nhà chiêm tinh hay thuật sĩ trong vùng Trung Đông và Á Châu có tiếp giáp với nền văn minh Hy-lạp. Mục đích và năng quyền cao nhất của các “μαγοι” là nhìn biết được những khải thị của thần linh đặc biệt qua việc xem sao trên trời và cầu nguyện. Những “μαγοι” này là những thầy tu cao cấp của những tôn giáo ở phương đông thời đó!

Chúng ta không có sự giải thích nào khác hơn – về sự kiện Đức Chúa Trời dùng ngôi sao để dẩn đường cho các “μαγοι” này tìm đến nơi “Vua dân Do Thái” hạ sinh – ngoài sự giải thích rằng Ngài biết rõ và đáp ứng với lòng khao khát chân lý và thờ phượng chân thần của họ. 

Điều này không có gì là khó hiểu. 

Thứ nhất, dù A-đam và Ê-va là tổ phụ loài người phạm tội khiến loài người bị mất đi mối tương giao toàn vẹn mật thiết với Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh vẫn hiện diện với họ để tiếp tục vận hành sự sống sáng tạo của Đức Chúa Cha cho thân thể, tâm hồn và tâm linh của họ. Trong sự sống sáng tạo đó có sự vận hành trong lương tâm của con người để bởi lương tâm đó mà con người dù không hiểu rõ ràng nhưng vẫn có thể cảm biết là có một “Đấng Sáng Tạo” tể trị mọi sự và muôn loài. Luôn luôn có những người – mà Ngài đã biết từ trước thuở sáng thế (Ê-phê-sô 1:4-6) — khao khát tìm cầu Đấng đó.

Thứ hai, bản chất của Đức Chúa Trời là luôn luôn đáp ứng với mọi người khao khát tìm cầu như vậy. 

Với dân Y-sơ-ra-ên là dân bội nghịch đến nỗi Ngài phải trừng phạt lưu đày họ thì Chúa phán trong Giê-rê-mi 29:13: “Các con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng. 

Trong thời Tân Ước, Chúa Giê-su nói với đoàn dân đông mau thay đổi lòng dạ: “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gỏ cửa sẽ mở cho.” (Ma-thi-ơ 7:7). 

Trước đức tin lớn lạ của thầy đội La-mã là người không thuộc về tuyển dân Do Thái, Ngài phán: “Thật, Ta bảo các ngươi, Ta chưa thấy ai trong Y-sơ-ra-ên có đức tin như vậy. 11 Ta bảo cho các ngươi biết: Từ đông phương, tây phương sẽ có nhiều người đến ngồi cùng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp trong vương quốc thiên đàng. 12 Nhưng các con của vương quốc lại bị ném ra chỗ tối tăm bên ngoài, nơi sẽ có than khóc và nghiến răng.”” (Ma-thi-ơ 8:10b-12).

Trong thời đại văn minh kỹ thuật số ngày nay, Chúa đang làm vô số những phép lạ để đem những người dù sinh ra, được giáo dục và lớn lên ở trong một xã hội và thế giới chống nghịch với niềm tin trong Chúa Giê-su – tiếp nhận Ngài. Có ai ngờ được nơi có Tin Lành đang phát triển mạnh nhất trên thế giới là I-ran. Trong số hàng triệu tín hữu Cơ đốc thầm lặng ở I-ran, có một tỷ lệ rất lớn, có thể là 30%-40% trong số họ đã gặp chính Chúa Giê-su trong những giấc mơ và khải tượng (1). Có một điều mà người ta không thể dùng lý trí của con người để giải thích được, là làm sao mà những người này làm sao nhận biết được “Đấng” hiện ra trong những giấc mơ và khải tượng đó là Chúa Giê-su! Chỉ có một cách giải thích là Đức Chúa Trời đã đáp ứng với lương tâm và lòng khao khát tìm kiếm Ngài của họ để bày tỏ cho họ biết đó là Chúa Giê-su.

Do đó một trong những điều không thể thiếu được khi chúng ta kỷ niệm Chúa Giê-su giáng sinh là sự xây dựng cho con dân Chúa và hội thánh có một linh thần khao khát và tìm cầu Chúa và lẽ thật của Ngài. Như vậy, chúng ta đang hợp tác với Ngài để xây dựng rất nhiều “nhà thông thái” cho hội thánh của Ngài; hay nói một cách khác, chúng ta đồng công với Chúa trong phần đại mạng lệnh xây dựng những người tin thành những những môn đồ tốt của Ngài. Để rồi như các nhà thông thái, con dân và hội thánh của Chúa sẽ tràn đầy những mặc khải và sự soi sáng của Chúa. 

Nếu đánh mất hay làm suy yếu đi linh thần khao khát và tìm cầu Chúa của hội thánh và con dân Chúa, chúng ta rơi vào tình trạng thờ phượng và phục sự Chúa bằng một đời sống khô cạn và nghèo nàn sức sống thuộc linh.

3/ TRẢ GIÁ ĐỂ SỐNG TIN CẬY VÀ TẬN HƯỞNG KẾT QUẢ VÌ TIN CẬY

Nhiều người khao khát nhưng không sẵn sàng trả giá. Một số người khác lại trả giá theo cách thiếu đức tin và tính toán của thế gian với cách nói rằng tôi phải thấy trước được phần sắp nhận được rồi tôi mới có thể hy sinh! Có người chỉ trả giá đến một mức nào đó rồi thôi, không thể trả giá đến mức bằng đời sống của mình. Nhưng các nhà thông thái đã trả giá bằng tất cả những gì mà họ có, thậm chí cả sinh mạng của họ.

Họ đi theo mặc khải và sự bày tỏ của Chúa cho dù sẽ gặp đủ mọi khó khăn, nguy hiểm và cả cái chết.

Dựa theo những nghiên cứu về những khía cạnh địa lý và văn hóa của chữ “đông phương” trong tiếng Hê-bơ-rơ, các nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho rằng chữ “đông phương” – nơi xuất phát những nhà thông thái – nói đến một vùng ở I-ran hay I-rắc ngày nay. Cách vua Hê-rốt tiếp họ và các lễ vật quý báu họ dâng cho hài nhi Giê-su như là vàng, nhũ hương và một dược cho thấy họ không chỉ là những “μαγοι” mà còn là những người quyền quý sống ở những thành phố lớn trong vùng “đông phương.” Hành trình từ một thành phố như vậy đến Giê-ru-sa-lem khoảng từ 600 đến 900 cây số đường bộ (2). Phần lớn của chặng đường này, của thời cách đây trên 2019 năm, là băng qua rừng núi, sa mạc với đủ mọi loại rủi ro rất lớn và rất dễ xảy ra từ bệnh tật, giặc cướp, đường xá nguy hiểm, sa mạc và cái chết v.v.

Không có một sự khao khát tìm kiếm hài nhi Giê-su đến mức “hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí (gồm cả ý chí), hết sức lực” (Mác 12:30) thì không ai có thể trả nổi cái giá phải trả để đi chặng đường này. Nền tảng của sự khao khát chính là đức tin, lòng tin cậy và vâng phục mọi điều Đức Chúa Trời bày tỏ, như các nhà thông thái đã tuyệt đối tin theo sự hướng dẫn của ngôi sao mà Ngài ban cho họ. 

Ngày giáng sinh nhắc chúng ta và hội thánh phải hết sức cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho mình (Mác 9:24). Trong một mặt khác, chúng ta phải hết lòng làm trọn phần trách nhiệm xây dựng chính mình trên đức tin rất thánh của chính mình (Giu-đe 20a) và cầu nguyện trong thánh linh (Giu-đe 20b). Cho dù chúng ta theo quan điểm thần học “truyền thống” hay “ân tứ” hay “phóng túng” v.v. chúng ta không thể chối bỏ sự cầu nguyện trong thánh linh. Chỉ bởi sự cầu nguyện trong thánh linh mới giúp cho chúng ta hiểu biết những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời và của con người (1 Cô-rinh-tô 2:10-15). Sự hiểu biết đó sâu nhiệm hơn hiểu biết kiến thức. Nó là sự nhận biết Ngài để trở nên người dự phần vào bản tính thiên thượng của Ngài (2 Phi-e-rơ 1:3-4) để chúng ta có thể đồng hành với Ngài 

Họ sẵn sàng bỏ đi quyền thế, giàu sang và danh vọng.

Quyền thế, giàu sang và danh vọng tự chúng không có gì là sai. Nhưng tham mê chúng là cội rễ của mọi điều ác (1 Ti-mô-thê 6:6-10). 

Là những nhà “thuật sĩ” nằm trong giai cấp lãnh đạo với đầy quyền thế, giàu sang và danh vọng, các nhà thông thái trong Ma-thi-ơ 2 phải chọn lựa hoặc là dập tắt lòng khao khát Chúa và bỏ đi hành trình đi Giê-ru-sa-lem đầy nguy hiểm để tiếp tục thụ hưởng những đặc quyền, đặc lợi của giai cấp của họ. Hoặc là họ sẽ đi theo tiếng gọi của Đấng đã đánh thức lương tâm và lòng khao khát của họ. Họ đã chọn chuyến đi thật xa, đầy nguy hiểm và sẵn sàng hy sinh mạng sống để tìm gặp hài nhi Giê-su. 

Họ không như chàng trai trẻ giàu có tiếc của cải không thể theo Chúa Giê-su (Mác 10:17-22). Họ khác với nhiều Cơ đốc nhân ngày nay vì tham danh lợi nên không thể sống theo lời kêu gọi của Ngài. Họ càng khác xa một số lãnh đạo Cơ đốc chọn con đường có danh tiếng được ơn thay vì đi theo đường lối “đơn sơ” phục vụ của Chúa. 

Chuyến đi Giê-ru-sa-lem sẽ không kết thúc với ngày họ rời Bết-lê-hem để đi một con đường khác trở về quê hương. Chuyến đi này chỉ là khởi đầu của một hành trình suốt đời thờ lạy Chúa. Nó sẽ khiến họ nghịch lại với gia đình, dòng tộc và cả hệ thống “tôn giáo” và xã hội mà họ đã từng là “nhà thông thái” lãnh đạo. Nhưng dù sống trước Chúa Giê-su hạ sinh, họ đã chọn không chỉ là đi theo con đường tìm đến “vua dân Do Thái mới sinh” mà chọn con đường sống khao khát, tôn thờ và vâng phục Chúa cho đến cùng. Họ chưa biết Kinh Cựu Ước như người Do Thái, chưa nghe được nhưng đã sống theo những lời Chúa Giê-su dạy sau này cho các môn đồ của Ngài:

Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa.

Ma-thi-ơ 6:33

29 Đức Chúa Jêsus đáp: “Thật, Ta bảo các con, không một ai vì Ta và Tin Lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, 30 mà bây giờ, ngay trong đời nầy, lại không nhận gấp trăm lần hơn về nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con cái, đất ruộng, cùng với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau.”

Mác 10:29-30

4/ Họ đi trong sứ mạng tiên tri mà không hề biết

Các nhà thông thái đã đem tặng cho Chúa Giê-su ba món quà là vàng, nhủ hương và mộc dược. Đây là lễ vật rất có giá trị. Nhưng họ lại không ngờ là những món quà của mình có mang ý nghĩa thuộc linh rất quan trọng và là hình ảnh tiên tri phản ảnh cho vương quyền của Vua Giê-su sau này. Các nhà thông thái này biết được hài nhi được sinh ra không phải là vua bình thường mà là vị Vua được sai đến từ trời cao, qua dấu hiệu của ngôi sao và ngôi sao này dẫn đường họ đến với hài nhi Giê-su.

  • Vàng

Điều dễ hiểu là vàng là chất liệu được dùng cho vua chúa biểu tượng cho sự giàu có, sang trọng và vương quyền. Điều nói đến Chúa Giê-su sinh ra để làm vua và cai trị. Nó đúng với lời tiên tri Ê-sai đã tiên đoán trong Ê-sai 9:5,6

5 Vì một con trẻ đã ra đời cho chúng ta, Chúng ta đã được ban cho một con trai. Quyền cai trị sẽ ở trên vai Ngài, Tên Ngài sẽ được xưng là; Cố Vấn Kỳ Diệu,(i) Đức Chúa Trời Quyền Năng, Cha Đời Đời, Hoàng Tử Bình An. 6 Quyền cai trị của Ngài cứ gia tăng, Nền hòa bình của Ngài sẽ vô tận; Trên ngôi Đa-vít; Và cho vương quốc mình. Ngài sẽ thiết lập và giữ gìn nó; Trong công bình và công chính từ nay cho đến đời đời.

  • Nhũ hương

Nhủ hương là hương liệu vô cùng đặc biệt vì nó được dùng để thờ phượng trong đền thờ. Nó được pha với dầu để xức cho vua và thầy tế lễ của dân Y-sơ-ra-ên. Nó cũng được dùng trong ngợi khen và cảm tạ Chúa. Khi dâng của lễ này họ đã hướng về Đấng Christ là Đấng mọi người phải tôn thờ, Ngài là vị Tế Lễ Thượng Phẩm không hề phạm tội, và ngồi bên hữu Đức Chúa Trời cầu thay cho chúng ta. Đồng thời cũng nói đến Chúa Giê-su là Đấng Chịu Xức Dầu làm Vua để giải cứu con người khỏi tội lỗi và sự áp bức của Satan.

  • Mộc dược

Đây là chất liệu dùng để ướp xác. Nếu được dâng cho vị vua bình thường thì sẽ mang ý nghĩa sĩ nhục, phạm tội coi thường và khi quân. Vì có ai dám tặng quà cho vị vua mới sinh là hương liệu ướp xác? Nhưng trong trường họp này thì hoàn toàn khác. Đây là món quà của hành động đức tin theo sự chỉ dẫn của Chúa. Vì mộc dược mang ý nghĩa vô cùng quan trọng nói đến sự khổ nạn và sự chết mà Chúa Giê-su phải chịu để chết thay cho tội lỗi nhân loại.

5/ Họ đi trong hành trình dù có sai lầm nhưng có kết thúc tốt đẹp

Trong hành trình họ đi phải đối diện với gian nan và nguy hiểm như đã nói trên. Ngoài ra, có lúc họ đã suy đoán sai lầm có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Họ đã lầm tưởng hài nhi mới sinh sẽ làm vua phải được sinh ra trong cung điện nên họ không đi theo ngôi sao, mà đi theo sự mặc định của mình là đến vua Hê-rốt để hỏi, nhưng lại không biết mưu đồ gia ác của vua Hê-rốt. 

7 Hê-rốt bí mật mời các nhà thông thái đến để tìm hiểu kỹ về thời gian ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua sai họ đi đến thành Bết-lê-hem và căn dặn: “Hãy đi dò hỏi thật kỹ về con trẻ ấy; khi tìm gặp rồi, hãy cho ta biết để ta cũng đến tôn thờ Ngài.”

Ma-thi-ơ 2:7-8

Để bảo vệ vương quyền của mình, Hê-rốt Đại Đế đã từng thanh toán một trong những người mẹ vợ, người con gái của người mẹ vợ đó (Hoàng Phi thứ hai của ông), và ngay cả Thái Tử mà ông đã chọn (con của hoàng phi thứ hai) và biết bao nhiêu người khác. Hê-rốt Đại Đế muốn quăng một mẻ lưới bắt và giết trọn từ hài nhi Giê-su là “vua dân Do Thái mới sinh.” Đây là âm mưu mà vua Hê-rốt lợi dụng những nhà thông thái này để giết Chúa Giê-su và họ không hề biết điều này và Chúa có cách siêu nhiên để báo cho họ biết đừng trở lại nơi vua Hê-rốt. Sau khi được Chúa báo cho họ biết, thì họ đã nhận ra lỗi lầm của mình có thể đem đến sự chết của hài nhi Giê-su thì họ vâng lời Chúa đi đường khác mà trở về xứ mình. 

9 Nghe vua truyền xong, họ liền đi. Kìa, ngôi sao họ đã thấy bên đông phương đi trước họ cho đến nơi con trẻ ở mới dừng lại. 10 Khi thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. 11 Vào đến nhà, họ thấy con trẻ và Ma-ri, mẹ Ngài, thì phủ phục xuống thờ lạy Ngài. Rồi họ mở hộp châu báu ra, dâng lên Ngài những lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược. 12 Sau đó, trong chiêm bao, họ được Đức Chúa Trời mách bảo đừng trở lại nơi vua Hê-rốt, nên họ đi đường khác mà về xứ mình

Ma-thi-ơ 2:9-12

Thật cảm tạ Chúa, dù những nhà thông thái, nhờ sức riêng, họ bị vua Hê-rốt lừa dối để giết Chúa Giê-su. Nhưng ý định của Đức Chúa Trời vẫn luôn được thực hiện dù đó là tội lỗi yếu đuối hay sai phạm của con người. Do đó chúng ta hãy sớm ăn năn, nhận biết lỗi lầm để kinh nghiệm như điều Chúa đã phán với sứ đồ Phao-lô: 

Ân sủng Ta đủ cho con rồi, vì quyền năng của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vì vậy tôi rất vui mừng, tự hào trong sự yếu đuối của tôi, để quyền năng của Chúa Cứu Thế có thể ở luôn trong tôi

2 Cô-rinh-tô 12:9

Kỷ niệm ngày Giáng Sinh là nhớ đến hành trình thuộc linh đi trong sứ mạng của Chúa. Có thể chúng ta sẽ không biết hết và biết tỏ tường những điều Chúa sẽ sai phái và sử dụng mình. Nhưng nếu chúng ta có sự nối kết với Chúa mỗi ngày, bước đi trong đức tin với sự vâng lời dù có lúc chúng ta có yếu đuối hay sai phạm thì hãy tin rằng “ân sủng và bình an tràn ngập trong anh chị em nhờ sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Giê-su, Chúa chúng ta (2 Phi-e-rơ 1:2). Lời Chúa luôn là sự động viên và nhắc nhở chúng ta tiếp tục. 

Tất cả chúng ta đều được Chúa kêu gọi sống một đời sống yêu thương, công bình, thánh khiết và chia sẻ tin lành v.v như nhau. Nhưng mỗi một người chúng ta là một chi thể trong thân thể của Chúa Cứu Thế Giê-su. Mỗi một chi thể có một sự kêu gọi, một “sứ mạng”, một cuộc đời với một mục đích riêng biệt (1 Cô-rinh-tô 12:14-26). Sẽ có nhiều lúc mà sự kêu gọi, sứ mạng, cuộc đời và mục đích đó – trong cách tính toán của xác thịt con người – là thất bại và hư mất. Nhưng với những trãi nghiệm của các nhà thông thái, chúng ta xác tín đó là con đường của sự bình an, hy vọng, kết quả yêu thương và đắc thắng. 

Xin Chúa dạy chúng ta biết truyền đạt được những ý nghĩa này cho gia đình, hội thánh và mọi người khác, đặc biệt là thế hệ sẽ nối tiếp chúng ta. Đồng thời, truyền đạt một cách đúng nơi, đúng lúc, đúng lời, đúng thái độ để nhiều người sẽ trở nên những môn đồ đem lại nhiều kết quả cho Chúa.

Lời cầu nguyện cảm tạ và cam kết Giáng Sinh:

Kính lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vô cùng. 

Từ trước khi sáng tạo vũ trụ và muôn loài, Ngài đã biết trước loài người sẽ phạm tội và làm hư mối tương giao giữa con người với Chúa. Nhưng Ngài đã chuẩn bị để giáng sinh làm người để chịu chết thay cho tội lỗi và hình phạt mà mỗi người chúng con đáng phải chịu.

Cảm tạ Chúa đã dùng mọi cách, mọi lúc và mọi nơi để đem tin lành cứu chuộc của Ngài đến cho mọi người và con. 

Từ trước khi sáng tạo vũ trụ và muôn loài, Ngài đã định cho Thánh Linh của Ngài luôn ban sự sống cho thân thể, sức sống cho tâm hồn, và vận hành tâm linh của chúng con. Để khi đến thời điểm của Ngài, sự sống đó đánh thức và dẫn lương tâm của chúng con đến sự khao khát và tìm cầu Ngài như Ngài đã làm cho những nhà thông thái ngày xưa.

Cảm tạ Chúa đã đến thế gian để chịu chết và sống lại để ban cho mỗi người chúng con sự bình an, vui mừng và biến đổi cho sự sống đời đời với Ngài. 

Xin Chúa mở mắt và tấm lòng thuộc linh của con để con khao khát và tìm cầu những điều vô giá này. Xin thêm sức cho con để con dám sống trả giá cho chúng. Xin thêm đức tin cho con, giúp con nhạy bén nhận biết Ngài nhiều hơn để con không sợ hãi trước mọi nghịch cảnh và quyết tâm đeo đuổi cho đến khi hoàn thành sứ mạng mà Ngài đã gọi con. 

Con cam kết sẽ là một môn đồ trung tín của Ngài. Con sẽ người vun trồng lòng khao khát, tìm cầu, trả giá và tận hưởng sự sống của Ngài ban cho.

 

Phạm Phi Phi & Dọn Đường Người

 ————————–

(1) https://ketnoiphuchung.com/song-ngam-phuc-hung-o-trung-dong-hoi-giao/

(2) https://bibleask.org/far-magi-travel-see-jesus/ nếu các nhà thông thái đến từ Allepo thì hành trình dài 400 miles; https://stevesimons.org/2016/12/18/what-east-were-the-wise-men-from/ 

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan