NGUỒN ĐẮC THẮNG CÁM DỖ CỦA CHÚA GIÊ-SU
Thần tính và nhân tính hài hòa với nhau trong con người của Chúa Giê-su là kiểu mẫu Đức Thánh Linh vận hành xây dựng và biến đổi đời sống của mỗi người tin kính. Khi chúng ta sống với lòng ăn năn tội, tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa và tiếp nhận lời hứa của Ngài ban Đức Thánh Linh (Giăng 14.16-18,26; Giăng 16.7-8,13; Công Vụ 1.8; 2.38-39) thì Đức Thánh Linh vận hành biến đổi và hình thành nên con người và sự sống của Chúa Giê-su trong chúng ta (Ga-la-ti 2.20). Con người và sự sống của Chúa Giê-su trong chúng ta sinh ra và phát triển trong chúng ta mọi thần tính và mỹ đức của Đức Chúa Trời cùng với mọi nhân tính tốt lành có trong Chúa Giê-su. Bởi đó mà chúng ta có một đời sống mới sung mãn trong thân thể, tâm hồn và tâm linh (Giăng 10.10b). Sự kiện Chúa Giê-su đắc thắng sự cám dỗ của ma quỷ trong 40 ngày đêm trong đồng hoang sau khi được đầy dẫy Thánh Linh là một trong những sự kiện quan trọng giúp chúng ta nhận biết sâu nhiệm hơn về nguồn gốc của sự cám dỗ mà nhiều người đầy dẫy Đức Thánh Linh đã sa ngã. Chúng ta sẽ tìm ra những chìa khoá để đắc thắng từ thần tính và nhân tính của Chúa Giê-su.
Cả ba sách Tin Lành Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca cùng cho biết là sau khi Chúa Giê-su chịu báp-tem và được đầy dẫy Thánh Linh, Đức Thánh Linh đưa Ngài vào đồng hoang để chịu quỷ vương cám dỗ. Lu-ca 4.1-3 cho biết chi tiết: “1 Đức Giê-su đầy dẫy Thánh Linh, từ sông Giô-đanh trở về và được Đức Thánh Linh đưa vào đồng hoang, 2 để chịu quỷ vương cám dỗ trong bốn mươi ngày. Trong những ngày đó, Ngài không ăn gì cả, nên đến cuối thời gian này, Ngài đói. 3 Quỷ vương nói với Ngài: “Nếu ông là Con Đức Chúa Trời, hãy bảo viên đá này biến thành bánh đi!” Sự kiện quỷ vương cám dỗ phần ‘con người’ của Chúa Giê-su là một xác minh thêm vào những xác minh khác rằng mặc dù Chúa Giê-su chính là Đức Chúa Trời Ngôi Hai đến thế gian, Ngài sống với tất cả bản tính của con người. Ngài không phải là ‘thần’ mượn xác người như những tà thuyết mà Giáo Nghị Hội Chalcedon vào năm 451 bác bỏ. Ngài không phải là một tiên tri như Hồi Giáo dạy tín hữu của họ. Ngài không phải chỉ là một con người toàn vẹn như Jehovah Witness luôn cố giải thích. Chúa Giê-su sống trọn vẹn với thần tính của Đức Chúa Trời và nhân tính của con người; và sự hòa hợp của hai bản tính này trong Ngài là nguồn gốc của bản tính đắc thắng ma quỷ.
Lu-ca 4.1 nhấn mạnh là ngay khi Chúa Giê-su chịu báp-tem thì Ngài đầy dẫy Thánh Linh. Mác 1.12 nhấn mạnh rằng ngay sau đó Đức Thánh Linh ‘giục’ Ngài vào đồng hoang để chịu Sa-tan cám dỗ trong bốn mươi ngày. Cũng giống như vậy, sau khi Đức Thánh Linh ngự đầy dẫy chúng ta, sẽ có một thời điểm mà Ngài đưa chúng ta vào thử thách giống như Ngài đã đưa Chúa Giê-su vào đồng hoang để chịu cám dỗ. Chúa Giê-su là tấm gương và mẫu mực chiến thắng mọi cám dỗ trong thử thách. Con người và sự sống của Chúa Giê-su trong chúng ta chính là nguồn phát sinh mọi ý chí và năng lực giúp chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ của ma quỷ. Chúa Giê-su đã chiến thắng những cám dỗ lớn nhất sau đây:
1. Cám dỗ 1: Chứng minh mình là ai bằng cách dùng quyền năng Thánh Linh để thỏa mãn xác thịt
Ma-thi-ơ 4.1-3 cho thấy một Sa-tan rất quỷ quyệt. Nó không nói Chúa Giê-su hãy phạm tội nghịch lại Đức Chúa Cha. Với những con người đầy dẫy thánh linh, ma quỷ không cám dỗ họ phạm những loại tội ăn cắp, ăn trộm, ngoại tình, lừa dối vv. Chỉ sau khi chúng ta sụp đổ tâm linh rồi, nó mới đem đến những loại cám dỗ đó. Nó chỉ nói rằng Chúa Giê-su đang có nhu cầu hết sức quan trọng của thân thể và sự sống. Ngài đã kiêng ăn 40 ngày. Ngài đang rất đói. Thân thể Ngài suy sụp và sự sống bị đe dọa vì đói. Đây là lúc Ngài dễ sa vào chước cám dỗ nhất. Nó đem cho Chúa Giê-su những lý do chính đáng như: Hãy xử dụng quyền năng của Đức Chúa Trời để đáp ứng cho nhu cầu của thân thể và sự sống của mình. Hãy hóa đá thành bánh để ăn. Đức Chúa Trời há chẳng ban bánh ma-na cho dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng sao?
Ma quỷ rất thâm độc ở đây. Vì nó biết Chúa Giê-su vừa được Cha Ngài khen: “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn.” Một người vừa được khen, vừa thành công sẽ thường bị ma quỷ dụ dỗ bằng cạm bẫy chứng minh chính mình thêm. Nó muốn Chúa Giê-su chứng minh Ngài là Con của Đức Chúa Trời bằng cách dùng quyền năng của Đức Thánh Linh để thỏa mãn cơn đói của mình. Sự xức dầu quyền năng của Đức Thánh Linh trên một người nào, không được dùng để chứng minh hay để làm thỏa mãn nhu cầu của cá nhân đó, vì nó chỉ được dùng cho công vụ hủy phá công việc của ma quỷ (Công vụ 10:38). Chúa Giê-su tuyên bố trong Lu-ca 4:18 là “Thần Chúa ngự trên Ta; Vì Ngài đã xức dầu cho Ta; Để truyền giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ, Ngài đã sai Ta công bố cho kẻ bị tù được phóng thích, Cho kẻ mù lòa được sáng mắt, Cho người bị áp bức được giải thoát.”
Đây là loại cám dỗ Satan đã dùng cám dỗ A-đam và Ê-va và họ đã thất bại trong vườn Ê-đen chỉ vì muốn mình bằng Đức Chúa Trời (chứng minh mình là ai hay sự khẳng định về giá trị mình), họ nghe theo lời của con rắn ăn trái cấm! Họ đánh mất vị trí và thẩm quyền quản trị Chúa ban. Chúa Giê-su không nghe theo lời Satan cám dỗ, nhưng vâng phục Cha Ngài dù Ngài sẽ phải chết nhục nhã (Phi-líp 2:8). Chúa Giê-su đã coi việc vâng phục Cha Ngài quan trọng hơn sự đòi hỏi trong cùng lúc của hai nhu cầu lớn nhất trong đời sống của một con người: (1) Nhu cầu sống chết của sự sống thân thể; và (2) Nhu cầu xác định ‘tôi là ai’ – tôi có phải là con cái của Đức Chúa Trời – và tôi sẽ sống theo sự xác định đó. Bởi đó Chúa Giê-su, trong vị trí là con người như A-đam, đã chiến thắng loại cám dỗ mà A-đam và loài người chúng ta đã thất bại. Ngài đã dành lại được sự sống toàn vẹn và thẩm quyền mà A-đam và loài người đã bị mất đi vì thất bại trước sự cám dỗ của ma quỷ (Rô-ma 5.12-19). Bởi đó tất cả thẩm quyền từ trên trời, dưới đất và bên dưới đất đều phải quỳ dưới xuống trước danh Ngài (Phi-líp 2.8-11). Điều vô cùng đặc biệt là Chúa Giê-su đã trao vị trí và thẩm quyền A-đam đã đánh mất cho chúng ta (Ma-thi-ơ 28.18; Giăng 20.21-23).
Satan cũng dùng cách thâm độc này với chúng ta. Nó muốn chúng ta nghe theo lời khuyên “tốt” của nó. Lời khuyên có vẻ đúng và tốt để thỏa mãn nhu cầu của mình; chứng minh địa vị và giá trị của mình để người chung quanh biết chúng ta là người đầy tớ Chúa được ơn Chúa. Nhưng thâm độc là ở chỗ khi chúng ta không vâng lời Chúa, nhưng lại vâng lời Satan thì chúng ta sẽ ở dưới thẩm quyền của nó và sẽ không có năng lực để sống đắc thắng và không có uy quyền đuổi ma quỷ bỏ chạy. Gia-cơ 4:7 dạy, “Vậy, hãy đầu phục Đức Chúa Trời nhưng chống lại quỷ vương thì nó sẽ trốn xa anh chị em.”
Khi chúng ta là những đầy tớ được đầy sự xức dầu và ơn quyền của Chúa thì rất thường là tiền bạc, sự được nhiều người yêu thương và tôn trọng chắc chắn sẽ đến. Chúng ta cần vâng phục Chúa mà giữ mình trong mục đích và nếp sống mà Chúa kêu gọi mình. Vì ma quỷ sẽ tìm mọi cách cám dỗ khiến chúng ta đi sai hướng đi xử dụng quyền năng của Thánh Linh chỉ để phục vụ vương quốc Chúa. Nếu chúng ta rẽ đời sống của mình vào sự tìm kiếm một đời sống xa hoa để thỏa mãn con người xác thịt của mình. Nếu chúng ta chỉ tìm kiếm phép lạ để xác định mình. Chúng ta sẽ giống như nhiều đầy tớ được ơn lớn của Chúa sa ngã vì loại cám dỗ như trên.
Chúa Giê-su đã phá tan lời cám dỗ hóa đá thành bánh. Ngài trả lời: “Kinh Thánh chép: ‘Con người sống không phải chỉ nhờ bánh, nhưng cũng nhờ mọi lời phán (lời Rhema, lời từ Thánh Linh)’ của Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 4.4) Người được đầy dẫy Thánh Linh phải sống “nhờ mọi lời phán của Đức Chúa Trời”, phải luôn đói khát và quý trọng Lời Chúa hơn bất cứ nhu cầu nào của cuộc sống, hơn bất cứ phước hạnh, tiếng khen hay sự thành công nào mình đạt được. Chúa Giê-su đã nhờ cậy Đức Thánh Linh qua sự mặc khải của Lời Đức Chúa Trời và dùng lời Đức Chúa Trời để chiến thắng cám dỗ này. Đầy dẫy Thánh Linh và đầy dẫy Lời Đức Chúa Trời phải đi đôi với nhau và bổ sung cho nhau. Thiếu Lời Chúa, chúng ta sẽ mất đi sự sống và sự sáng của Chúa (Giăng 1:4), chúng ta không hiểu ý chỉ của Chúa và không biết cách thực hiện ý chỉ đó, và kế đó là không thấy được những quỷ kế lừa dối của ma quỷ. Thiếu ‘Linh” chúng ta sẽ không có mặc khải (Rhema) của Chúa, tuy có kiến thức Kinh Thánh nhưng đời sống khô cằn, không có quyền năng của Thánh Linh để sống theo đúng Lời Chúa được.
2. Cám dỗ 2: Dùng quyền năng Thánh Linh để chứng minh khả năng của mình
Không cám dỗ được bằng quỷ kế này, Sa-tan cám dỗ bằng một quỷ kế khác thâm độc hơn. ‘5 Rồi quỷ đem Ngài vào thành phố thánh, đặt Ngài đứng trên nóc đền thờ 6 và nói: “Nếu ông là Con Đức Chúa Trời, hãy lao mình xuống đi, vì Kinh Thánh chép: ‘Ngài sẽ truyền cho các thiên sứ bảo vệ ngươi, Đỡ ngươi trên tay, Kẻo chân ngươi vấp phải đá chăng.’ ” (Ma-thi-ơ 4.5-6). Phải rồi, mọi việc phải có Lời Chúa soi dẫn. Có lời Chúa trong Thánh Thi 91.11,12 nói rõ là Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ bảo vệ ông. Vậy ông hãy lên nóc đền thờ Giê-ru-sa-lem cao hàng vài chục thước và lao mình xuống đi. Đã có thiên sứ bảo vệ. Ông sẽ không bị hề hấn gì. Mọi người sẽ vô cùng kinh ngạc vì có người rơi hay ‘giáng xuống’ từ trên cao vài chục thước xuống sân nền đá đền thờ Giê-ru-sa-lem mà không chết và không bị thương tích gì cả. Sau khi lao mình xuống như vậy, ông sẽ mạnh mẽ rao giảng Tin Lành, sẽ không bị chống cự hay bắt bớ. Họ sẽ tung hô ca ngợi ông là Đấng Mê-si và tiếp nhận Tin Lành mà Đức Chúa Trời sai ông đến thế gian để rao giảng.
Ma quỷ thường cám dỗ những người được đầy dẫy Thánh Linh tìm kiếm sự nổi bật để thu hút người chung quanh chú ý đến mình. Nó lừa dối nói rằng giá trị của họ dựa trên khả năng họ có. Giá trị ‘được ơn’ của họ dựa trên sự phô trương ra được những biểu hiện quyền năng của Đức Thánh Linh. Giá trị của họ là do những kiến thức, bằng cấp và tài năng của họ. Họ cho rằng qua những sự chứng minh này, họ nhanh chóng đạt kết quả cho chức vụ của mình và mục vụ của hội thánh. Họ sẽ có số đông người tin theo, được nhiều người khác biết về mình là đầy ơn và có quyền năng Thánh Linh vv… Ẩn mình trong những lời cám dỗ này là sự kiêu ngạo tìm sự vinh hiển cho riêng mình. Và dĩ nhiên nghe theo lời cám dỗ của ma quỷ tức là chịu phục thẩm quyền của nó và dẫn đến sự hủy diệt.
Chúng ta thấy hình ảnh gương mẫu của Chúa Giê-su trong thân vị con người. Có nhiều lúc Chúa Giê-su đã cấm ngặt các môn đệ Ngài và những người chung quanh không được thuật những phép lạ Ngài làm cho người khác nghe (Mác 3:12; 5:43; 7:36; 9:9). Có lúc khi mọi người đuổi theo Ngài nhưng Chúa Giê-su lánh họ để đi vào nơi thanh vắng trò chuyện với Cha Ngài và để tránh sự tôn ngợi Ngài một cách sai trật của đoàn dân đông (Mác 1.35; Giăng 6.14-15)
Khi đối diện với cám dỗ chứng minh giá trị này “Đức Giê-su trả lời: ‘Kinh Thánh cũng chép: ‘Đừng thách thức Chúa là Đức Chúa Trời của ngươi’” (Ma-thi-ơ 4.7). Dân Y-sơ-ra-ên đã thách thức Đức Chúa Trời có thể làm phép lạ ban thịt cho họ, Chúa đã nhậm lời, nhưng khi bắt đầu ăn thịt thì họ bệnh tật và chết (Thánh thi 106:14,15; 78:27-31; Dân số 11:31,32). Chúa Giê-su xác định dù Ngài đến thế gian với hoàn toàn nhân tính là con người, nhưng Ngài không sống theo phần bản tính xác thịt yếu đuối của con người. Nhân tính của Chúa Giê-su đã trong lúc này là quyết định vâng phục chương trình cứu chuộc của Cha mình với sự đồng công của Thánh Linh. Theo chương trình này, kết thúc của đời sống rao giảng Tin Lành của Ngài không phải là sự tung hô của đoàn dân đông mà là cái chết đau thương và nhục nhã trên thập tự giá của Ngài mà đoàn dân đông sẽ đòi hỏi. Chúa Giê-su cũng xác định thần tính của Ngài là Ngài có đầy thẩm quyền trên ma quỷ. Ngài ra lệnh cho nó không có quyền thách thức Ngài. Các bản dịch tiếng Anh nói rất mạnh và rõ: “Do not put the Lord your God to the test”, có thể được lược dịch là: “Ngươi không được phép thử Chúa là Đức Chúa Trời của ngươi.”
Người đầy dẫy Thánh Linh dễ bị phần con người xác thịt của mình chìu theo sự cám dỗ của ma quỷ đi vào con đường tìm kiếm và xây dựng sự vinh hiển riêng cho mình hoặc chiếm lấy sự vinh hiển Chúa. Nhiều con người, nhiều chức vụ và nhiều hội thánh đã bị tổn hại trầm trọng trong nhiều thế hệ liên tiếp vì tham muốn kết quả và thành tích bề ngoài và bởi đó mà bị ma quỷ lừa dối chạy theo những phương pháp tổ chức hay mô hình phát triển nhân bội không đi theo đường lối của Chúa. Nhưng người đầy dẫy Thánh Linh chỉ biết sống tìm sự thành công hay kết quả và vinh hiển cho Chúa – đó là sống theo gương của Chúa Giê-su chia xẽ Tin Lành bằng tình yêu thương và quyền phép của Đức Chúa Trời biến đổi đời sống. Người đó sống với quyết tâm vâng phục Lời Chúa và xử dụng đúng thẩm quyền của mình để chiến thắng ma quỷ.
3. Cám dỗ 3: Chọn con đường tắt – con đường huy hoàng và dễ dàng không trả giá
Sau hai lần cám dỗ bị thất bại, ma quỷ phải dùng cách sau cùng. Khác với hai lần trước, nó không tìm được gì trong Kinh Thánh để bóp méo và cám dỗ Chúa Giê-su. Lần thứ 3 “Quỷ lại đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, chỉ cho Ngài xem tất cả các vương quốc trên thế giới với sự huy hoàng của chúng” ( Ma-thi-ơ 4:8). Nó hứa rằng: “thờ lạy ta, ta sẽ ban cho ông tất cả mọi vinh hiển của thế gian” (Ma-thi-ơ 4.9). Hãy chú ý các chử “đem Ngài lên một ngọn núi rất cao” và “chỉ cho Ngài xem tất cả các vương quốc trên thế giới với sự huy hoàng của chúng”. Sa-tan nói rằng ông là Con Đức Chúa Trời. Con Đức Chúa Trời phải là chủ tể toàn thể loài người. Ông không cần phải đi con đường thập giá. Vẫn có cách để mọi quyền thế trên trời, dưới đất và bên dưới đất phải quỳ xuống trước mặt ông. Ông chỉ cần cúi đầu “thờ lạy” ta, thì ta “sẽ ban cho tất cả mọi vinh hiển của thế gian”.
Satan muốn cám dỗ Chúa Giê-su là Ngài có thể đạt được mục đích Cha Ngài giao phó, nhưng không theo cách của Đức Chúa Trời là con đường vác thập giá lên Gô-gô-tha; nhưng theo cách của Satan là đi đường tắt. Con đường dễ dàng con đường không phải trả giá; con đường đầy xa hoa và huy hoàng. Khi Chúa Giê-su yêu sự huy hoàng của thế gian “thì tình yêu thương của Đức Chúa Cha không ở trong” Ngài nữa (1Giăng 2:15). Nhưng Chúa Giê-su muốn Ngài “đẹp lòng” Cha Ngài “mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3.17).
Khi mắt của những đầy tớ Chúa không còn quan tâm đến những tội nhân hư mất, không còn nhìn thấy những người bệnh tật với lòng thương xót, không còn nhìn việc rao giảng Tin Lành và môn đồ hoá là sứ mạng chính mà Chúa giao cho mình; nhưng chỉ chú tâm xây dựng một vương quốc cho cá nhân mình, Hội Thánh mình, hay cho giáo hội mình, thì một điều chắc chắn là tình yêu của Đức Chúa Trời không còn ở trong họ nữa. Họ trở nên hâm hẩm như Hội Thánh Lao-đi-xê (Khải huyền 3.14-23).
Lần cám dỗ thứ ba này Satan càng bị thảm bại hơn nữa. Chúa Giê-su ‘đuổi’ Sa-tan đi: “Hỡi Sa-tan hãy lui ra khỏi Ta!” (Ma-thi-ơ 4.10a). Các bản dịch tiếng Việt dùng từ ‘lui ra’ hay ‘lui ngay’ vv… không mạnh mẽ như các bản tiếng Anh: “Away from me” – có thể được lược dịch là ‘Cút ngay ra khỏi nơi ta hiện diện’. Thẩm quyền và quyền năng đuổi Sa-tan đến từ đời sống thờ phượng và phụng sự Chúa: “Hãy thờ lạy Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi.” (Ma-thi-ơ 4.10). Thờ phượng Đức Chúa Trời sẽ khiến chúng ta yêu Chúa hơn thế gian. Còn phụng sự là gì? Chúa Giê-su đến không phải đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình cứu chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28). Phục vụ “là tuân theo ý muốn của Đấng đã sai” Ngài “và hoàn thành công việc” Cha Ngài đã sai (Giăng 4:34).
Chìa khóa đắc thắng là sống theo gương của Chúa Giê-su.
Ba sự cám dỗ mà Sa-tan cám dỗ Chúa Giê-su đều đánh mạnh vào bản tánh xác thịt con người mà Ngài phải đối diện. Cái đói nói đến nhu cầu sự sống của thân thể (xác thịt). Hóa đá thành bánh nói đến nhu cầu muốn xác định mình là ai và giá trị của đời mình là gì – để sống theo sự xác định đó. Gieo mình từ nóc đền thờ Giê-ru-sa-lem vừa nhấn mạnh một lần nữa nhu cầu thứ hai này vừa nhấn mạnh đến nhu cầu sống kết quả trong chức vụ. Hình ảnh có tất cả thế gian vinh hiển huy hoàng nói đến nhu cầu giả là sự sống xa hoa, huy hoàng và quyền thế tể trị phải có của một người là ‘Con Đức Chúa Trời’. Chúng ta có lời Chúa dạy rất rõ ràng: “Vì mọi sự trong thế gian như dục vọng của xác thịt, dục vọng của mắt và kiêu ngạo về cuộc sống vật chất đều không đến từ Đức Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian. 17 Và thế gian cùng với dục vọng của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý định của Đức Chúa Trời tồn tại đến đời đời’ (1 Giăng 2.16-17).
Khi phối hợp và suy gẫm những ký thuật của ba sách Tin Lành Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca về sự kiện Chúa Giê-su chịu cám dỗ và đắc thắng, chúng ta thấy rõ hơn về bản thể của Chúa Giê-su. Ngài vừa có thần tính vừa có nhân tính và cả hai bản tính này cùng hiệp một với nhau trong Ngài và Ngài đã đắc thắng thế gian và Satan. Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một gương là một người có nhân tánh và thần tánh là có Đức Thánh Linh ngự bên trong họ có đủ năng lực để đắc thắng kẻ cám dỗ. Phao-lô nói: “Chẳng có cơn cám dỗ nào đã chinh phục anh chị em mà vượt quá sức loài người. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài sẽ không để anh chị em bị cám dỗ quá sức mình, nhưng trong khi bị cám dỗ sẽ mở lối thoát để anh chị em có thể chịu đựng được.” (1Cô-rinh-tô 10:13).
Đức Thánh Linh đang muốn ngự vào đầy dẫy trong mỗi cơ đốc nhân để Ngài có thể vận hành xây dựng con người và bản tính của Chúa Giê-su trong chúng ta. Đức Thánh Linh vận hành xây dựng bằng bước thứ nhất là Ngài giáng trên làm đầy dẫy Thánh Linh trong Cơ đốc nhân. Bước thứ hai là đến một thời điểm nào đó, Ngài sẽ đem họ vào trong thử thách, chịu Sa-tan cám dỗ. Trong thử thách và sự cám dỗ này, người cơ đốc nhân trui rèn nhân tính để giống Chúa Giê-su qua quyết định vâng phục Đức Chúa Trời. Và “dù sống trong xác thịt” nhưng họ “không chiến đấu theo xác thịt đâu” (2Cô-rinh-tô 10:3). Họ dùng thẩm quyền và Lời Chúa chống cự ma quỷ. Họ luôn thờ phượng Chúa và phục vụ Ngài để Đức Thánh Linh có thể luôn gia tăng trong họ mọi thần tính và mỹ đức tốt lành giống Chúa Giê-su.
Sau mỗi lần trui rèn và đắc thắng, hai kết quả lớn lạ đã xảy ra cho Chúa Giê-su sẽ tiếp tục tái diễn trong đời sống của người tin kính. Ma-thi-ơ 4.11 cho biết: “quỷ vương bỏ đi và các thiên sứ đến phục vụ Ngài.” Giống như Chúa Giê-su, người tin kính sẽ chiến thắng ma quỷ và nhận được sự phục vụ của các thiên sứ. Lu-ca 4.14 cho biết: “Đức Giê-su đầy quyền năng của Thánh Linh trở về Ga-li-lê.” Điều lớn hơn hết là Đức Thánh Linh cất nhắc người tin kính từ chỗ “đầy dẫy Thánh Linh” đến chỗ “đầy quyền năng của Thánh Linh”. Họ sẽ nhận sự sống sung mãn và phục hưng cho chính mình. Họ sẽ được Chúa đại dụng làm những con người tuôn tràn sự sung mãn và phục hưng trong họ cho nhiều người và nhiều hội thánh khác.
Chìa khóa của thẩm quyền và quyền năng đắc thắng ma quỷ để xây dựng hội thánh của Chúa không phải là sức mạnh tài chánh, tổ chức điều hành, lý thuyết thần học và tín lý, nhân sự, sự vâng giữ những truyền thống tốt đẹp vv… mặc dù những điều này là những điều mà hội thánh cần có.
Chìa khóa đó là học theo gương Chúa Giê-su. Hội thánh đầu tiên khởi đầu từ một nhóm nhỏ 120 người nam (chưa kể các người nữ). Họ trung tín và can đảm nhóm lại cầu nguyện và thờ phượng trong thành Giê-ru-sa-lem. Đến ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh giáng lâm trên họ. Họ được đầy dẫy Thánh Linh và mạnh dạn rao giảng Tin Lành. Hàng ngàn người trở lại tin nhận Chúa. Từ ngày đó trở đi và cho đến ngày nay, ở đâu có sự thờ phượng và phụng sự, ở đó có Đức Thánh Linh vận hành phát triển hội thánh về cả phẩm chất lẫn số lượng. Chúng ta đã biết về những cuộc phục hưng ở Trung Hoa, Nam Mỹ, Châu Phi và Indonesia vv. Thờ phượng và phục vụ là hai chìa khóa của những cuộc phục hưng này.
Tóm tắt những đặc điểm của đời sống đắc thắng của Chúa Giê-su:
Những điều không:
–Không dùng quyền năng của Đức Thánh Linh để thoả mãn nhu cầu thể xác
–Không chứng minh giá trị của mình theo những cách không đẹp lòng Chúa.
–Không để cho nếp sống khoe khoang kiêu ngạo ngầm tiềm tàng bên trong mình.
–Không đi đường tắt để đạt được mục đích.
–Không yêu sự huy hoàng và quyền thế của thế gian.
Luôn sống với:
–Sống nhờ mọi lời nói ra từ Đức Chúa Trời.
–Đầy dẫy Thánh Linh và lời Đức Chúa Trời.
–Dùng lời Đức Chúa Trời để chống trả sự cám dỗ.
–Vâng phục và làm theo ý định của Đức Chúa Trời dù phải trả giá thật đắt.
–Xây dựng mối tương giao thờ phượng Đức Chúa Cha để luôn yêu Cha và làm theo việc Cha Ngài sai phái
–Dùng thẩm quyền và Lời Chúa để đuổi kẻ cám dỗ.
Phạm Phi Phi & Người Dọn Đường