II. Phiên Dịch Kinh Thánh:
Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam viết về Phan Khôi. Nhắc đến Phan Khôi, giới phê bình văn học thường coi ông là cha đẻ của phong trào thơ mới. Tuy nhiên, bàn về Phan Khôi mà không nhắc đến bản dịch Kinh Thánh (1925) do ông cộng tác thực hiện là một thiếu sót rất lớn. Đây là công trình mà Phan Khôi đã cống hiến nhiều thì giờ và tâm huyết nhất. Công trình này đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên sự nghiệp văn chương của Phan Khôi trong những năm tháng về sau.
Thật ra, bản dịch Kinh Thánh (1925) không những chỉ quan trọng đối với tín hữu Tin Lành tại Việt Nam nhưng đây còn là một tác phẩm văn học đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cách hành văn của văn chương Quốc Ngữ. Bản dịch Kinh Thánh (1925) giúp cho hậu thế hiểu rõ thêm về những cải tiến trong cách hành văn vào đầu thế kỷ 20 và hiểu rõ thêm về Phan Khôi, một trong những nhà văn giỏi chữ Quốc Ngữ nhất vào thời ấy.
Để hiểu tầm quan trọng của bản dịch Kinh Thánh 1925, chúng ta cần ôn lại một ít về lịch sử phát triển chữ Quốc Ngữ tại Việt Nam.
Theo Nghiêm Toản trong Việt Nam Văn Học Sử, lịch sử phát triển chữ Quốc Ngữ tại Việt Nam có thể chia làm ba giai đoạn chính:
1. Thời Kỳ Phôi Thai (1651-1913):
Thời Kỳ Phôi Thai bắt đầu từ khi chữ Quốc Ngữ được phát minh cho đến khi Đông Dương Tạp Chí ra đời (1913). Giai đoạn này kéo dài gần ba thế kỷ. Chúng ta không rõ các tác phẩm đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ đã được viết ra khi nào nhưng đến năm 1651, Linh Mục Alexandre de Rhodes cho in cuốn Phép Giảng Đạo Tám Ngày, cho biết đã tham khảo cuốn Từ Vựng An Nam – Bồ Đào Nha của Linh Mục Antoine de Barbosa, thì những người thuộc thế hệ sau mới biết đã có hai tác phẩm trên từ trước. Tuy nhiên sách phát hành vào lúc nào thì không ai biết rõ.
Suốt thời kỳ Phôi Thai, tại Việt Nam không có một sáng tác văn học nào bằng Quốc Ngữ. Đa số sách xuất bản là sách dịch hay sách biên khảo. Trong suốt hơn 230 năm đầu tiên, ngoài vài kinh sách do Giáo Hội Công Giáo phiên dịch và lưu hành nội bộ, không có một tác phẩm nào khác được phát hành.
Trong 30 năm cuối thời kỳ Phôi Thai, hai học giả xuất sắc là Trương Vĩnh Ký (1837-1898) và Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) đã hệ thống hóa lại chữ Quốc Ngữ. Hai ông muốn phổ biến chữ Quốc Ngữ rộng rãi cho toàn dân Việt nên đã dịch một số sách Hán văn, Pháp văn, chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ, đem in, rồi phổ biến cho công chúng. Từ đó, chữ Quốc Ngữ phát triển, không còn giới hạn sử dụng trong phạm vi của Giáo hội Công giáo nữa.
Một số tác phẩm quan trọng bằng Quốc ngữ được in trong thời kỳ này là: Truyện Giải Buồn (1880). Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895),… của Huỳnh Tịnh Của; Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Kim Vân Kiều, Trung Dung, Đại Học, Lục Súc Tranh Công,…do Trương Vĩnh Ký dịch thuật. Báo chí trong thời kỳ Phôi Thai có tờ Gia Định Báo (1865), Nông Cổ Mín Đàm (1900), Nhật Báo Tỉnh (1905), Đại Việt Tân Báo (1907), Đăng Cổ Tùng Báo (1907) và Lục Tỉnh Tân Văn (1910).
2. Thời Kỳ Tiệm Tiến (1913-1934)
Thời kỳ Tiệm Tiến bắt đầu khi Đông Dương Tạp Chí ra đời (1913) và kết thúc khi Nam Phong Tạp Chí đình bản (1934). Thời kỳ này chỉ kéo dài có 21 năm nhưng đây là giai đoạn quan trọng đã đặt nền móng cho việc phát triển chữ Quốc Ngữ.
Thời kỳ Tiệm Tiến (1913-1934) đã hình thành những tiêu chuẩn căn bản về cách hành văn, nhờ đó chữ Quốc Ngữ có thể diễn đạt trôi chảy các khái niệm mới trong nhiều lãnh vực. Yếu tố này rất quan trọng, vì cho đến khi ấy, giới trí thức Việt Nam vẫn còn nghi ngờ khả năng diễn đạt của chữ Quốc Ngữ, do đó họ vẫn dùng chữ Hán, chữ Nôm hoặc Pháp văn trong mọi ngành học thuật. Giai đoạn 1913-1934 dọn đường cho sự bộc phát những tác phẩm văn học trong những giai đoạn tiếp sau.
Hai cây viết có công lớn trong giai đoạn Tiệm Tiến là Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh. Hai người này vừa là chính trị gia vừa là những học giả. Phạm Quỳnh làm chủ bút tờ Nam Phong còn Nguyễn Văn Vĩnh vừa làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn trong Sài Gòn, vừa làm chủ bút tờ Đông Dương Tạp Chí tại Hà Nội. Nhận xét về cách hành văn của hai cây viết hàng đầu này các nhà phê bình văn học Việt Nam ghi nhận: văn của Nguyễn Văn Vĩnh giản dị bình dân; còn văn của Phạm Quỳnh là văn của học giả.
Sau Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí, rất nhiều tờ báo Quốc Ngữ khác đã lần lượt ra đời trong giai đoạn này, tuy nhiên chỉ có tờ Nam Phong do Phạm Huỳnh khởi xướng là tờ báo mẫu mực nhất vào thời đó. Nam Phong đã du nhập nhiều danh từ triết học, khoa học sang tiếng Việt, nhờ đó chữ Quốc Ngữ có thể diễn đạt được các khái niệm triết học và khoa học là hai lĩnh vực tương đối mới khi ấy.
Sau việc phát hành hàng loạt những tờ báo giá trị bằng chữ Quốc Ngữ và nhờ cuộc vận động của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục khởi xướng, số người đọc và viết Quốc Ngữ tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng.
3. Thời Kỳ Thành Lập
Sau năm 1934, chữ Quốc Ngữ đã tương đối ổn định về mặt cú pháp, kho từ vựng đã phong phú hẳn lên. Từ đó, văn xuôi Quốc Ngữ tiến đến trình độ có thể diễn đạt trôi chảy cả chiều rộng và chiều sâu mọi nghành học thuật như trong Hán văn và Pháp văn. Sự phát triển đó thể hiện rõ qua sự bộc phát về số lượng báo chí, các công trình biên khảo, thi ca, tiểu thuyết, kịch nghệ, nghị luận,… Rất nhiều tác phẩm văn học giá trị, điển hình là những tác phẩm của phong trào Tự Lực Văn Đoàn, xuất hiện trong thời kỳ này. Giai đoạn văn học 1934-1946 được xem là một giai đoạn vàng son của nền văn học Quốc Ngữ Việt Nam.
Bản dịch Thánh Kinh bằng Quốc Ngữ (1925) đã xuất hiện trong giai đoạn thứ II: thời kỳ Tiệm Tiến trong quá trình phát triển Quốc Ngữ. Bản dịch Kinh Thánh (1925) đã được xuất bản trước khi nền văn xuôi Quốc Ngữ thăng hoa. Đây là một trong những ấn phẩm hiếm hoi trong thời kỳ Tiệm Tiến của chữ Quốc Ngữ vẫn còn được phổ biến rộng rãi và được đọc rất nhiều cho đến ngày nay.
Theo các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam trong giai đoạn Tiệm Tiến, ngoài Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, những thành viên trong ban biên tập của hai tờ Nam Phong và Đông Dương Tạp Chí được xem là những cây bút hàng đầu của Việt Nam thời đó. Phan Khôi là một trong những nhân vật trên. Khi cụ Phan Kế Bính (1857-1921) được Nguyễn Văn Vĩnh mời làm phụ tá chủ bút cho tờ Đông Dương thì Phạm Quỳnh đã mời Phan Khôi cộng tác cho tờ Nam Phong.
Trong thời kỳ Tiệm Tiến, Nam Phong là tờ báo nổi tiếng nhất, phần Quốc ngữ là phần quan trọng nhất trên tờ Nam Phong. Ngay vào năm 1917, khi tờ báo được thành lập, Phan Khôi đã được Phạm Quỳnh, người được xem là giỏi Quốc Văn nhất thời đó, mời phụ trách phần Quốc Ngữ cho tờ Nam Phong. Chức vụ Trưởng Ban Biên Tập phần Quốc Ngữ cho tờ Nam Phong chứng tỏ Phan Khôi không những là người giỏi Quốc Ngữ nhất trong Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh, nhưng cũng là người rất giỏi Quốc Ngữ so với các nhà văn cùng thời.
Bên cạnh đó, Phan Khôi cũng từng cộng tác với Nguyễn Văn Vĩnh trong tờ Lục Tỉnh Tân Văn (1919), đây cũng là một tờ báo hàng đầu vào thời đó. Tuy nhiên, có lẽ dân miền Nam quen với văn chương bình dân của Nguyễn Văn Vĩnh nên không hiểu được Phan Khôi. Như vậy, chúng ta biết chắc rằng trình độ sử dụng chữ Quốc Ngữ của Phan Khôi khi ấy rất cao. Dù ông chưa được công chúng biết đến như vào những năm sau, nhưng đã được các học giả cùng thời coi trọng.
Thời gian cộng tác với hai học giả Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh cũng là thời gian Phan Khôi dịch Kinh Thánh. Do đó chúng ta biết rằng bản dịch Kinh Thánh do Phan Khôi thực hiện cũng là bản dịch có trình độ quốc văn rất cao vào thời ấy.
Ngày nay, nhiều đọc giả trong và ngoài Hội Thánh khi đọc Kinh Thánh thường chê bản dịch Kinh Thánh (1925) là khó hiểu và sai văn phạm. Tuy nhiên, như chúng ta biết: bản dịch trên đã ra đời trong giai đoạn Quốc Ngữ mới phát triển và còn đang trong thời kỳ định hình. Văn phạm khi ấy chưa thật hoàn chỉnh, nhiều từ ngữ và cách hành văn không linh hoạt trong sáng. Nếu chúng ta công tâm đặt bản dịch Kinh Thánh được thực hiện khoảng thời gian từ năm 1916 đến 1925 trong bối cảnh văn học khi bản dịch ra đời, chúng ta sẽ thấy đây là một tác phẩm rất giá trị. Bản dịch Kinh Thánh (1925) đã phản ảnh những ưu điểm đặc trưng của văn Quốc Ngữ trong giai đoạn văn học đầu của thế kỷ 20, mà ít có tác phẩm nào cùng thời có được.
Xét về giá trị tư tưởng của Kinh Thánh, chúng ta không cần phải đánh giá lại, vì đã quá thừa. Sự phát triển của Thánh Kinh đã giúp phát triển nền văn học của nhiều dân tộc trên thế giới. Hàng ngàn chữ viết của các dân tộc trên thế giới ngày nay bắt nguồn từ việc phát hành Thánh Kinh. Ngoài ra, Thánh Kinh cũng chính là nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm văn học. Trên thế giới ngày nay, không một thống kê nào có thể xác định được bao nhiêu tác phẩm văn học, nghị luận, thi ca, nhạc, kịch, điêu khắc, hội họa… lấy đề tài từ Kinh Thánh. Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như Paradise Lost, Quo Vadis, Barabas,… bắt nguồn từ Thánh Kinh. Rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc lấy đề tài từ Thánh Kinh đã trở thành những tác phẩm bất hủ trong kho tàng văn hóa thế giới.
Riêng về bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ (1925), dù không được xem là một tác phẩm văn học, nhưng bản dịch Kinh Thánh (1925) là một tác phẩm tiêu biểu đánh dấu những bước tiến quan trọng về mặt ngữ pháp và cách hành văn vào những thập niên đầu của thế kỷ 20.
Vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, nhờ ảnh hưởng của Phong Trào Đông Kinh Nghĩa Thục, chữ Quốc Ngữ được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, những người viết quốc văn đầu tiên lại là những nhà nho cho nên cách hành văn trong Quốc văn vào lúc đó bị ảnh hưởng sâu đậm của Hán văn. Đặc điểm của cách hành văn Quốc ngữ vào thế kỷ 20 có thể tóm lược như sau:
- Mạch văn chú trọng về âm điệu với mục đích làm cho câu văn đọc lên được êm đềm; do đó nhiều khi ý nghĩa không được sáng suốt, rõ ràng.
- Văn thường dùng lối biền ngẫu; nhiều khi hai đoạn giống nhau hoặc hai câu đối nhau, hoặc một câu chia làm hai phần đối nhau.
- Lời văn thường kiểu cách, cầu kỳ. Đôi khi dùng nhiều chữ Nho không cần thiết.
- Ý trong câu văn thường được nêu lên cách tổng hợp, đại khái. Câu không có mệnh đề chính, mệnh đề phụ.
- Cách đặt câu thường dài dòng, không khúc chiết và không có chấm câu phân minh.
Do cấu trúc văn phạm của chữ Quốc Ngữ khi đó chưa hoàn chỉnh, nên những nhà truyền giáo đầu tiên đã nghĩ đến việc dịch Kinh Thánh sang chữ Nôm. Công trình dịch Kinh Thánh sang chữ Nôm đã được xúc tiến và hoàn thành một số sách. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời biết được nhu cầu của dân Việt nên Ngài đã hướng dẫn các nhà phiên dịch Kinh Thánh chuyển hướng. Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh sang chữ Quốc Ngữ được thành lập và Phan Khôi là một thành viên trong ủy ban đó.
Theo các tài liệu trong Hội Thánh và ký ức của những đầy tớ Chúa, những thành viên chính thức làm việc trong Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh gồm có những vị sau:
- Giáo sĩ William C. Cadman: tốt nghiệp Toronto Theological College (Canada) và được huấn luyện tại trường Đào Tạo Giáo Sĩ tại Nyack (New York). Ngôn ngữ Anh, Pháp, Hán, Greek, Hebrew và Quốc Ngữ. Chức vụ: Trưởng Ban Phiên Dịch Kinh Thánh.
- Bà Giáo sĩ William (Grace) C. Cadman: Master về văn chương Hy Lạp (Greek). Ngôn ngữ: Anh, Pháp, La-tinh, Greek, Hebrew, Hòa Lan, và Quốc Ngữ.
- Giáo sĩ John Drange Olsen: tốt nghiệp trường Đào Tạo các Giáo sĩ tại Nyack (New York). Ngôn ngữ: Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy, Hán và Quốc Ngữ.
- Ông Trần Văn Dõng (Sài Gòn): tốt nghiệp Cao Đẳng Đông Dương tại Hà Nội. Ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp và Quốc Ngữ.
- Ông Nguyễn Hữu Phúc (Hà Nội): tú tài. Ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp và Quốc Ngữ.
- Phan Khôi (Quảng Nam): tú tài. Ngôn ngữ: Hán, Nôm, Pháp và Quốc Ngữ.
Nhìn vào thành phần trên, chúng ta thấy có đại diện cả ba miền Bắc, Trung, Nam và có thành phần tân học lẫn cựu học. Trong những người đó, Phan Khôi giỏi chữ Quốc Ngữ nhất nên được giao cho trách nhiệm phiên dịch chính. Ông có ưu điểm hơn những thành viên khác trong Ủy Ban Phiên Dịch là đã có kinh nghiệm làm báo một thời gian chung với những học giả uy tín nhất vào thời đó.
Là một nhà thơ nên khi dịch Thánh Kinh, Phan Khôi đã đem chất thơ vào bản dịch Kinh Thánh. Những khúc Kinh Thánh nổi tiếng mà người đọc khắp thế giới điều biết đến như Thi Thiên 23, Ê-sai 53, I Cô-rinh-tô 13, qua lời dịch của Phan Khôi đã trở nên thật sinh động. Những khúc Kinh Thánh này, dù thuộc loại thi ca hay văn vần trong nguyên bản, khi được đọc lên với những âm điệu trầm bổng trong bản dịch Việt Ngữ nghe giống như một bài hát. Những giai điệu này đã giúp cho người đọc dễ cảm nhận được vẻ đẹp của nội dung, và dễ dàng học thuộc những phân đoạn này trong Kinh Thánh.
Với khả năng thông thạo Hán văn, Quốc văn và Pháp văn, Phan Khôi có thể dịch nghĩa và làm cho câu văn phong phú, nhưng về quan điểm thần học, nghệ thuật tu từ, và văn phạm trong Thánh Kinh Hy Lạp, Hi-bá-lai và bản Pháp văn, Phan Khôi phải nhờ vào sự hổ trợ của các dịch giả khác. Nhìn vào tác phẩm mà các thành viên trong ủy ban đã để lại cho hậu thế, chúng ta có thể đoán Giáo sĩ John Drange Olsen chịu trách nhiệm về quan điểm thần học, Giáo sĩ William C. Cadman phụ trách về nghệ thuật tu từ và bà William C. Cadman chịu trách nhiệm về mặt ngữ pháp.
Với sự trợ giúp của các giáo sĩ, dù Phan Khôi chỉ dịch từ bản Văn Lý (Hán văn) và bản Louis Second (Pháp văn) nhưng bản dịch Kinh Thánh Việt văn (1925) đã tương đối trung thực theo bản gốc. Các nhà phiên dịch đã dành rất nhiều thì giờ đọc, hiệu đính, sửa đi sửa lại bản văn, hạn chế những sai sót đến mức tối đa. Sau mười năm làm việc, bản dịch được thực hiện xong. Trong hoàn cảnh khi ấy không có computer lại thiếu cả máy đánh chữ, thì đây là một thời gian kỷ lục.
Theo các tài liệu của Hội Thánh Việt Nam thì bản dịch được đem in tại Trung Hoa và phát hành ngay năm 1925. Một tài liệu khác của Thánh Kinh Hội cho biết bản Kinh Thánh đầu tiên được phát hành vào năm 1926. Một thời gian sau, bản dịch Kinh Thánh này đã được Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chính thức công nhận và vẫn còn được lưu dụng cho tới ngày hôm nay.
Ngày nay, giáo hội Tin Lành và Công giáo Việt Nam đã có nhiều bản dịch Kinh Thánh khác nhau, tuy nhiên theo các học giả, bản dịch mà Phan Khôi cộng tác thực hiện vẫn là bản Kinh Thánh được tín nhiệm nhiều nhất. Hiện tại, một số từ ngữ dùng trong bản dịch Kinh Thánh (1925) đã không còn phổ biến hay đã thay đổi ý nghĩa theo thời gian, khiến cho người mới đọc Kinh Thánh lần đầu cảm thấy khó hiểu. Sau 70 năm, văn phạm Việt Nam đã cải tiến rất nhiều nên một số cách hành văn được dùng trong bản dịch Kinh Thánh (1925) đã trở nên tương đối xưa. Trong tương lai, một vài bản dịch mới sẽ ra đời nhưng chắc rằng bản dịch Kinh Thánh (1925) của Phan Khôi vẫn còn giá trị và vẫn được sử dụng, tham khảo lâu dài về sau. Khi nhận xét về giá trị văn học, thông thường giá trị văn học của một tác phẩm được đánh giá dựa trên hai căn bản chính: những bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình và phản ứng của độc giả. Một số dịch phẩm tôn giáo khác như Trung Dung, Đại Học (Trương Vĩnh Ký dịch), Nho Giáo (Trần Trọng Kim dịch), dịch giả và tác phẩm đều được phê bình đánh giá, tuy nhiên trong suốt bảy thập niên qua, không mấy nhà phê bình văn học Việt Nam dành thì giờ nghiên cứu phê bình bản dịch Kinh Thánh của Phan Khôi.
Trước hiện tượng này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những lời giải thích khác nhau: có thể vì Nho giáo ảnh hưởng hàng ngàn năm và trở nên gần gũi với dân Việt hơn Cơ Đốc giáo nên Nho giáo được giới phê bình quan tâm lưu ý hơn. Một lý do khác được nêu lên là Thánh Kinh không phải là một tác phẩm văn học nhưng là một kinh điển nên ít ai dám đánh giá. Ngoài ra, có lẽ trong quá khứ vì Thánh Kinh đã không được bày bán trong những nhà sách phổ thông nên số độc giả bị hạn chế. Do ít độc giả ngoài Hội Thánh được đọc Thánh Kinh nên những nhận xét về Thánh Kinh từ văn giới Việt Nam cũng hiếm có.
Tuy nhiên, có một lý do khác mà chính Phan Khôi cũng nhận thấy đó là văn giới Việt Nam hiểu biết rất ít về Thánh Kinh. Thậm chí khi tra cứu tài liệu để viết bài này, trong các sách nghiêu cứu văn học sử Việt Nam, phần các tác phẩm dịch thuật trong thập niên 20, cũng không thấy sách nào đề cập đến Thánh Kinh. Phan Khôi, trên tờ Phụ Nữ Tân Văn số 74 ngày 16/10/1930, đã nhắc nhở văn giới Việt Nam về sự thiếu hiểu biết đó:
“Ở đời này, bất kỳ nước nào, nếu là một nước văn học đứng đắn thì trong đó cũng có chịu ảnh hưởng của Thánh Kinh. Đương thời đây, các nhà văn học đại gia bên Tầu, dầu không phải là tín đồ Cơ-đốc đi nữa, trong khi họ làm văn cũng dùng đến chữ trong Kinh Thánh luôn luôn…
Hết thảy những nhà văn học Pháp dầu không theo đạo nữa cũng đều có học qua Kinh Thánh hết; bởi vì văn chương ở đó mà ra. Vậy mà thấy kẻ học ở ta đây ít người biết đến Kinh Thánh thì cái học ấy cũng được gọi là cái học không có gốc. Có nhiều chữ trong tiếng Pháp, nhiều không xiết kể, nếu chẳng biết Kinh Thánh thì chỉ hiểu nghĩa cạn mà thôi. Ai đã thông thạo Kinh Thánh rồi thì chắc hiểu sâu hơn mà lấy làm khoái lắm. Văn Quốc ngữ ta cũng nên dùng chữ Kinh Thánh vào. Làm như vậy thì tiếng mình được dồi dào thêm, chớ có hại gì đâu.”
Thái độ của những nhà nghiên cứu phê bình đã như thế còn thái độ của độc giả thì thế nào.
Linh Mục Phan Phát Hườn, trong Việt Nam Giáo Sử, dầu không công nhận giá trị văn học của bản dịch Kinh Thánh 1925 nhưng đã ghi nhận rằng: “Từ khi toàn bộ Thánh Kinh được xuất bản vào năm 1925 đến năm 1937, Thánh Kinh đã được tái bản nhiều lần và những Phúc Âm trong Kinh Thánh được in thành hàng triệu sách nhỏ để phát cho dân chúng.”
Thực tế cho biết trong suốt 70 năm qua, không kể Tân Ước và những sách nhỏ, toàn bộ bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ (1925) đã được tái bản nhiều lần tại Anh Quốc, Đức, Hồng Kông, Đại Hàn, Mỹ, Liên Xô và Việt Nam. Chỉ riêng tại Việt Nam trong hai năm 1995-1996 đã tái bản 100.000 cuốn Kinh Thánh. Dầu không có số liệu thống kê chính thức nhưng trong 70 năm qua, chắc chắn bản dịch Kinh Thánh 1925 đã phát hành trên vài trăm ngàn bản. Đây có lẽ là tác phẩm bằng Việt Ngữ được xuất bản nhiều nhất từ trước đến nay và cũng là tác phẩm Việt Ngữ có nhiều người đọc nhất từ xưa đến nay.
Thật vậy, hiện nay cả trong nước lẫn hải ngoại, sau nhiều biến chuyển lịch sử, ngoại trừ Thánh Kinh, thật khó cho bạn đọc muốn tìm một ấn phẩm được xuất bản từ thập niên 20. Nếu có, số lượng cũng không nhiều và giá cả cũng không rẻ. Tuy nhiên, dầu ở trong nước hay tại hải ngoại, bất kỳ nơi nào có cộng đồng Tin Lành, nơi đó bạn có thể tìm thấy bản dịch Kinh Thánh mà Phan Khôi đã góp phần.
Trong suốt 70 năm qua, không có tác phẩm nào được người đọc đọc thường xuyên như bản dịch Thánh Kinh của Phan Khôi. Hàng chục ngàn tín hữu Việt Nam đọc Kinh Thánh hằng ngày. Hằng trăm ngàn người khác nghiên cứu Lời Chúa hằng tuần qua cuốn Kinh Thánh đó. Nhìn về tương lai, nếu không có những thay đổi quan trọng, chắc chắn bản dịch Kinh Thánh này vẫn còn được lưu dụng để phổ biến Lời Chúa trong thập niên tới.
Vì không phải là một nhà ngôn ngữ học và thiếu tài liệu nên người viết không dám phân tích sâu vào những ưu điểm về mặt ngữ pháp trong bản dịch Kinh Thánh (1925) đối chiếu với những tác phẩm cùng thời. Tuy nhiên, khi đọc kỹ Thánh Kinh chúng ta sẽ thấy bản dịch Thánh Kinh (1925) không có những khuyết điểm về văn phạm như những nhược điểm trong cách hành văn như đã nêu ở phần trên.
Để có một khái niệm cụ thể hơn về những ưu điểm trong nghệ thuật hành văn của Thánh Kinh, bạn đọc có thể đối chiếu giữa Thánh Kinh và Cổ Học Tinh Hoa, một tác phẩm do Ôn Như Hầu Nguyễn Văn Ngọc biên soạn cũng được phát hành cùng năm 1925.
Điểm khác biệt chính giữa Cổ Học Tinh Hoa và bản dịch Thánh Kinh (1925) là Cổ Học Tinh Hoa được dịch thoát ý còn Thánh Kinh phải dịch trung thực theo cách hành văn trong nguyên bản. Cổ Học Tinh Hoa được hiệu đính nhiều lần sau lần phát hành đầu tiên để cập nhất hóa với giọng văn phổ thông. Riêng bản dịch Thánh Kinh (1925), cho đến nay (1996) chưa hề một lần nào được hiệu đính. Đây là một thiếu sót, nhưng cũng là một cái may, vì bản Kinh Thánh mà chúng ta đang đọc vẫn giữ nguyên những đặc điểm như lần đầu phát hành cách đây hơn 70 năm.
Dầu có những khác biệt như vậy nhưng khi đối chiếu hai bản văn người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy cách hành văn của Thánh Kinh chặc chẽ và trong sáng hơn nhiều. Người viết cũng có dịp đọc và so sánh Thánh Kinh với cuốn Sử Ký Thanh Hoa, do học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch và xuất bản năm 1916 – cùng năm với Thánh Kinh được dịch – và cũng dẫn đến một nhận xét tương tự.
Người viết hy vọng rằng một ngày nào đó, các học giả Việt Nam sẽ có một công trình nghiên cứu kỹ càng về bản dịch Kinh Thánh 1925. Chúng ta tin chắc rằng bản dịch này sẽ được trả lại một chỗ xứng đáng và giá trị trong văn học sử Việt Nam.
Nguyệt San Linh Lực (1997)