Tôi đã viết rất nhiều bài báo về cách xử lý với các nhà lãnh đạo Cơ đốc sa ngã. Điều đáng buồn là cách xử lý lại là một lý do đơn giản góp phần làm nhiều nhà lãnh đạo Cơ đốc sa ngã. Nhưng với mỗi trường hợp mới xảy ra như vậy, thật luôn luôn đáng phải xem lại và nhớ đến các nguyên tắc Kinh thánh.
Hai chủ đề chính trong Kinh thánh, tất nhiên, là liên quan đến lời kêu gọi nên thánh vì Đức Chúa Trời là thánh, và ân điển và lòng thương xót của Đức Chúa Trời khi chúng ta phạm tội. Luôn luôn, chúng ta cần nắm giữ cả hai lẽ thật này của Kinh thánh mặc dù chúng có vẻ xung đột với nhau. Và thường thì Cơ đốc nhân sẽ bám vào cái này trong khi loại trừ cái kia.
Tất cả chúng ta đều biết những Cơ đốc nhân theo kiểu Pha-ri-si rất nhanh chóng lên án. Trong sự tự xưng công nghĩa, họ vui vẻ và nhanh chóng chỉ tay về phía người anh chị em đã sa ngã, nhưng dường như không bao giờ nghĩ rằng họ cũng – trong những hoàn cảnh nhất định nào đó – cũng có thể dễ dàng sa ngã như vậy. Họ quên lời dạy của Phao-lô là ‘Phải thận trọng, kẻo chính mình cũng bị cám dỗ’ (Ga-la-ti 6: 1).
Và thế rồi cũng có những Cơ đốc nhân về cơ bản dường như chỉ nháy mắt cảm thông với tội lỗi và biết rất ít về lời kêu gọi nên thánh trong Kinh thánh. Đôi khi họ có thể mau mau nói, “Dù vậy, nhưng vì ân điển của Chúa”. Vâng, điều đó chắc chắn đúng – tất cả chúng ta đều có khả năng sa ngã theo nhiều cách. Nhưng chúng ta không thể lấy đó làm cái cớ cho sự không vâng phục và tội lỗi.
Hoặc tệ hơn, họ sẽ nói, “Chà, chúng ta chỉ là con người”. Tất nhiên chúng ta con người, nhưng dân sự của Đức Chúa Trời được kêu gọi đến một điều gì đó cao cả hơn. Chúa Giê-xu thực sự đã nói rằng chúng ta phải trở nên toàn hảo như Cha chúng ta ở trên trời (Ma-thi-ơ 5:48). Đó thực sự là một tiêu chuẩn rất cao.
Hầu hết các bạn đều biết về trường hợp mới nhất của một nhà lãnh đạo đã làm rung chuyển thế giới Cơ đốc. Ở Mỹ, mục sư Matt Chandler của một hội thánh “mega” ở Texas đã bị ngưng chức trong một thời gian. Như một báo cáo đã nói:
Mục sư Matt Chandler của The Village Church đã công bố vào Chủ nhật rằng ông có một mối quan hệ online không phù hợp với một phụ nữ và nhận kỷ luật ngưng vô thời hạn việc tuyên giảng và giảng dạy. Chandler nói với hội thánh của mình, rằng mối quan hệ không phải là tình dục hay lãng mạn, nhưng các trưởng lão tin rằng những tin nhắn trực tiếp quen thuộc và thường xuyên được trao đổi qua Instagram là “không được bảo vệ và không khôn ngoan” và “tiết lộ điều gì đó không lành mạnh trong tôi”. Chandler cho biết ông đồng ý với đánh giá của họ và biết ơn về sự giám sát linh vụ này.
Ở đây tôi không có ý định đi sâu vào tất cả các chi tiết của trường hợp cụ thể này. Tôi chỉ đơn giản muốn xem xét một số vấn đề rộng hơn về tội lỗi trong hội thánh – đặc biệt là liên quan đến các nhà lãnh đạo – và cách chúng ta nên phản ứng với nó. Tôi đã viết nhiều bài về kỷ luật nhà thờ, vì vậy những bài báo đó cũng nên được lưu ý ở đây (xem bài viết này – bằng tiếng Anh).
Một điều luôn đáng ghi nhớ là mức độ nghiêm trọng của tội lỗi, và sự cao cả của sự tha thứ thiên thượng. Cả hai đều phải được khẳng định đầy đủ và giữ vững. Và chúng ta phải luôn luôn bắt đầu với chính mình, và không chỉ nghĩ về điều này cho những người khác. Tất cả chúng ta đều là tội nhân và tất cả chúng ta đều cần đến ân điển của Đức Chúa Trời từng giây từng phút.
Một ngày kia, tôi đang nghĩ về một đoạn văn nổi tiếng trong các sách phúc âm. Khi Phi-e-rơ hỏi Chúa Giê-su rằng ông nên tha thứ cho một anh em phạm tội với mình bao lâu một lần, Chúa Giê-su trả lời, không phải “bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy” (Ma-thi-ơ 18:21). Chúng ta nên sẵn lòng tiếp tục mở rộng lòng thương xót và sự tha thứ cho người khác.
Nhưng phạm tội với anh em, tất nhiên cũng là phạm tội với Chúa (mọi tội lỗi cuối cùng đều là nghịch lại với Chúa). Vậy điều đó có nghĩa là nếu Đức Chúa Trời muốn chúng ta háo hức và sẵn lòng tha thứ cho người khác, thì Đức Chúa Trời còn háo hức và sẵn lòng tha thứ cho chúng ta bao nhiêu nữa? Ngài muốn tha thứ cho chúng ta nhiều hơn chúng ta nghĩ. Đó là tin lành vì chúng ta thường phạm tội hàng ngày và thổi bay nó và gây ra sự đau buồn cho Đức Chúa Trời của chúng ta. THẬT là tin lành.
Với tư duy này, chúng ta có thể xem xét các trường hợp như của Chandler. Và để giúp tôi tỏ rõ ra thêm về tất cả những điều này, hãy để tôi đề cập ngắn gọn đến hai bài báo gần đây đều đề cập đến trường hợp của anh ấy. Không đến nỗi là họ có hai quan điểm đối lập nhau. Hai tác giả về cơ bản có thể đồng ý với nhau, nhưng họ có một số quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Tác phẩm đầu tiên đến từ mục sư người Úc Mark Powell. Ông nói về “Matt Chandler và Ân điển của Chúa”. Ông nghĩ rằng tình huống đã được xử lý tốt và chúng ta nên biết ơn vì điều đó. Ông viết:
“Tựu chung lại, nó dường như là một phản ứng kiểu mẫu đối với một tình huống bi thảm. Người ta chắc chắn sẽ nói nước đôi về chuyện như vậy thì phải làm như vậy để việc đó được thực hiện tốt hơn, nhưng việc lãnh đạo một hội thánh vượt qua những tình huống này thì thật là khó. Và điều quan trọng cần nhớ là – không giống như những người lãnh đạo ở The Village Church – chúng ta không có tất cả thông tin. “
Ông tiếp tục liệt kê năm điều hữu ích mà tất cả chúng ta có thể học được từ trường hợp đáng buồn này, mà tôi ở đây chỉ đơn giản trình bày dưới dạng đại cương:
Thứ nhất, từ những lời của Phao-lô trong 1 Ti-mô-thê 5:20, lý do tại sao người lãnh đạo phạm tội bị quở trách công khai là “để người khác có thể nhận lấy lời cảnh cáo cho chính họ”.
Thứ hai, tất cả chúng ta – những người lãnh đạo cũng như tín hữu – hãy ghi nhớ lời cảnh báo rằng, “Đó là những gì đã xảy ra, nhưng vì ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta phải xử lý như vậy”.
Thứ ba, chúng ta phải chống lại sự cám dỗ của việc phán xét.
Thứ tư, đó là thời gian để đau buồn và thương tiếc.
Và cuối cùng, thứ năm, tất cả chúng ta nên tái cam kết với lời cầu nguyện.
Bài viết tốt.
Mục sư người Mỹ Dave Miller đã viết một bài báo có tựa đề “Ngừng hoan nghênh những mục sư công khai thú nhận tội lỗi của họ”. Đó là một từ khó nhưng là một từ đáng để nghe.
Ông nói một phần nhận xét của ông ở đây:
Từ khi nào mà việc đưa ra những lời hoan nghênh nhiệt liệt đối với những người đã phạm tội không đủ tư cách (hoặc gần như không đủ tư cách) trở nên thích hợp trong mục vụ hội thánh? Bạn có thể nhớ câu chuyện công khai về lạm dụng tình dục của Jules Woodson. Sau nhiều năm từ chối và trốn tránh, người mục sư đã lạm dụng cô nhiều năm trước đó đã đứng trước hội thánh đông đảo của mình và đưa ra một phiên bản tẩy trùng về “những thất bại” của ông ta. Ông ta đã nhận được sự đứng lên hoan nghênh và ủng hộ nhiệt liệt.
Gần đây hơn, một mục sư khác đứng ra thú nhận một vụ ngoại tình (một lần nữa, đưa nó ra ánh sáng tốt nhất có thể), và người phụ nữ có liên quan đến nói sự thật. Cô cáo buộc mục sư về tội cưỡng hiếp theo định nghĩa của luật định và một số hành động xấu xí nhất có thể tưởng tượng được. Tất nhiên, mục sư vẫn được người ta đứng lên hoan nghênh nhiệt liệt.
Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng cả hai nhà thờ đó sau này đều hối hận về hành động của họ. Tuy nhiên, họ tôn vinh và hoan nghênh những kẻ ngược đãi. Khi làm như vậy, họ đã lên án những người sống sót và làm cho những người này càng thêm đau khổ.
Khi một người lãnh đạo hội thánh đứng ra thú nhận tội lỗi, đó là thời gian để than khóc và thời gian để rơi nước mắt. Ăn năn đòi hỏi sự trung thực, hạ mình và đau thương chứ không phải là một loại đáp ứng bằng cách quản lý bề ngoài, kiểm soát sự tường thuật, hoặc che giấu những sự kiện xảy ra.
Lỗi thường nằm ở sự lãnh đạo hơn là ở các hội chúng. Những “lời thú tội” này thường được dàn dựng để đưa mục sư sa ngã ra với một hình ảnh có ánh sáng tốt nhất có thể được. Những sự việc bị che giấu. Toàn bộ câu chuyện không được trình bày. Sự đổ lỗi được chuyển sang người khác. Những lời bào chữa được đưa ra. Với tất cả những gì đã được kể ra thì mục sư hoặc những người lãnh đạo hội thánh điều khiển câu chuyện để diễn ra lời thú tội dưới một ánh sáng anh hùng.
Đó là thao tác trong sách giáo khoa. Thật không may, trong nhiều hội thánh lớn — và ở những nơi khác — mọi người bị đặt vào chỗ nhìn thấy các mục sư của họ gần giống như thần thánh, vì vậy khi ông thú nhận tội lỗi, họ nhảy vào một câu chuyện về sự cứu chuộc và đáp lại bằng những tràng pháo tay nhiệt liệt.
Nhưng cách giải quyết như vậy phải bị chấm dứt. Chúng ta không thể để cho những lời thú nhận tội lỗi lại được toàn thể hội chúng đứng lên hoan nghênh vì nó không phục vụ mục đích thuộc linh, và đặc biệt là trong những tình huống này, chúng chỉ gây ra tổn thương và tổn hại. Nếu một tội nhân thực sự ăn năn, anh ta không muốn được ca ngợi. Nếu anh ta không thực sự ăn năn, anh ta không đáng được như vậy.
Trong hầu hết các trường hợp, hội thánh chỉ được cung cấp một phần của câu chuyện hoặc một phiên bản đã được làm sạch của nó — thường là câu chuyện thuận lợi nhất đối với mục sư.
Vâng, những hội thánh này yêu những người giảng thuyết của họ. Là một mục sư, tôi đánh giá cao điều đó. Họ muốn tin vào những điều tốt nhất về và cho những người lãnh đạo của họ. Đó là một mong muốn tự nhiên và thậm chí là mong muốn đáng được tôn trọng. Nhưng những lời hoan nghênh thường trực cho những hành vi sai trái là không thể chấp nhận được. Chúng ta không hoan nghênh tội lỗi. Chúng ta không cổ vũ nó. Chúng ta đau buồn về nó. Vì vậy, hãy để dành những lời hoan nghênh thường trực cho sân bóng thi đấu.
Cả hai mục sư này đều cung cấp cho chúng ta những lẽ thật trong Kinh thánh mà chúng ta phải nghiêm túc thực hiện. Nhưng hãy để tôi kết thúc bằng cách đưa ra một lời khuyên nhỏ rất thực tế để giúp các nhà lãnh đạo hội thánh – và tất cả các Cơ đốc nhân – tránh được cạm bẫy của sự cám dỗ và tội lỗi. Trong tập sách mới “Một Lời Kêu Gọi Toàn Diện, Cấp Tiến Với Sự Thánh Khiết” (A Radical, Comprehensive Call to Holiness) Joel Beeke và Michael Barrett dành gần 500 trang để giải quyết vấn đề cực kỳ quan trọng này.
Trong khi toàn bộ tập sách rất giá trị, tôi chỉ xin đưa ra hai đoạn văn ngắn gọn về vấn đề cốt yếu của “những phương tiện giải trình tính chịu trách nhiệm của con người”:
Trong thời đại chủ nghĩa cá nhân, chúng ta có xu hướng coi đời sống thuộc linh của mình là mối quan tâm của chính mình chứ không phải việc của ai khác. Một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn việc sa sút hoặc bắt giữ được nó sớm trong tiến trình của nó là sự tự nguyện chịu trách nhiệm với một người bạn là người sẵn sàng thường xuyên đặt ra những câu hỏi khó và đưa ra những lời cảnh báo và khiển trách một cách có tính yêu thương khi anh ta thấy bạn bắt đầu bị trượt vào trong một lãnh vực cụ thể của sự cám dỗ (Hê 3:13, 10: 24-25; Châm 27: 5-6).
Ngoài ra, hội thánh của bạn có trách nhiệm sửa chữa bạn một cách riêng tư, khiển trách bạn một cách công khai, và thậm chí loại bỏ bạn khỏi tư cách thành viên nếu bạn không ăn năn tội lỗi của mình (Ma-thi-ơ 18: 15-18; Hê-bơ-rơ 13:17). Mục đích của sự sửa chữa như vậy là để phục hồi bạn từ chỗ bị sa ngã và giúp bạn gánh lấy những gánh nặng thuộc linh của bạn (Ga-la-ti 6: 1-2). Hãy yêu thương những vị trưởng lão của bạn vì họ đã nổ lực giúp đỡ bạn. Tha thứ cho những bất toàn của họ về cách họ làm điều đó (Thi 141: 5). Chính Chúa Giê-su Christ hiện diện trong kỷ luật của hội thánh, Ngài kỷ luật bạn một cách có toàn quyền, vì vậy hãy để những lời khuyên dẫn bạn đến với Đấng Christ (Ma-thi-ơ 18:20; 1 Cô 5: 4). Để nó rất có thể cứu được linh thần của bạn trong Ngày Phán xét (1 Cô 5: 5).
Tất cả chúng ta đều cần ân điển của Đức Chúa Trời và sự giúp đỡ của các anh chị em để giữ chúng ta trên con đường “hẹp.” Trong trường hợp của Chandler, chúng ta hãy giữ lấy ông trong lời cầu nguyện của chúng ta. Và xin hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo của chính bạn, và những người khác, cảm tạ Đức Chúa Trời vì ân điển vô song – và sự thánh khiết tuyệt đối của Ngài.
Nguyễn Trọng & Nguyễn Bình
(Lược dịch theo: mychristiandaily.com)