Sự thú vị khi đọc sách Khải huyền.  Bảy lý do nên học sách Khải huyền

Share

Hãy thành thật rằng: sách Khải huyền có thể là quyển sách đáng sợ. Do đó, một số người trong chúng ta không muốn đọc sách Khải huyền, họ cho rằng sách này quá khó hiểu và khó giải thích, gây tranh cãi hoặc quá đáng sợ. Có lẽ chúng ta đã bỏ qua sách này vì cho rằng sách chỉ nói về tương lai, không có gì “thực tế” cho chúng ta ngày nay.

   Sự thật là dù lời tiên tri về ngày tận thế trong sách Khải huyền, đưa ra một số thách thức đối với chúng ta là những độc giả hiện đại, thì quyển sách này cũng mang lại sự sáng suốt, và hiểu biết cho người nào sẵn sàng tiếp cận sâu hơn. Sách Khải huyền, là một bức thư được viết ra để thúc ép chúng ta, phải trung thành với Đấng Christ khi chờ đợi sự tái lâm của Ngài. Đó là lời khích lệ vô cùng cần thiết cho hết thảy chúng ta!

“Tôi xin mời chúng ta tìm hiểu sách Khải huyền để tìm được niềm vui từ sách này”.

   Vì sách Khải huyền có nhiều số bảy (bảy Hội Thánh, bảy ấn, bảy tiếng kèn, bảy cái bát và nhiều số bảy khác nữa), nên có vẻ thích hợp để đưa ra bảy lý do cho thấy sách Khải huyền rất thú vị để nghiên cứu.

  1. Khải huyền là sứ điệp của Đức Chúa Trời gửi cho chúng ta.

   Thật là kinh ngạc, khi Đức Chúa Trời là Đấng tạo nên thế giới, đã hạ mình phán cùng chúng ta bằng ngôn ngữ của loài người. Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời của hoàn vũ phán dạy điều chúng ta cần biết nhất. Sứ điệp của Ngài, được truyền tải cho chúng ta một cách rất đặc biệt ở trong sách Khải huyền. Ngay từ đầu, chúng ta đọc thấy một chuỗi cung ứng đặc biệt:

   Sự mặc khải của Đức Chúa Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài, để bày tỏ cho các đầy tớ Ngài những việc sắp phải xảy đến. Ngài sai thiên sứ đến tỏ cho Giăng, đầy tớ Ngài, là người đã làm chứng cho Lời của Đức Chúa Trời và cho lời chứng của Đức Chúa Jêsus Christ, tức là tất cả những gì ông đã thấy. (Khải huyền 1:1-2)

   Những điều sứ đồ Giăng, đã viết trong sách Khải huyền đến từ Đức Chúa Cha, phán với Đức Chúa Jêsus Christ, phán với thiên sứ của Ngài, phán với sứ đồ Giăng là người đã viết ra những điều đó – trước tiên là cho bảy Hội Thánh đã tiếp nhận sách này, sau đó là cho tất cả mọi người lúc bấy giờ, hoặc sẽ trở thành kẻ dự phần trong “hoạn nạn, về nước, về sự nhịn nhục trong Đức Chúa Jêsus” (Khải huyền 1:9). Đức Chúa Trời có một sứ điệp trong sách Khải huyền mà chúng ta không muốn bỏ lỡ đâu!

  1. Khải huyền mở mắt chúng ta để nhìn thấy Đấng Christ đã sống lại và được vinh hiển.

   Hầu hết những hình ảnh trong trí của chúng ta về Chúa Jêsus, đều được định hình bởi các sách Phúc Âm. Trong tâm trí, chúng ta thấy Chúa là một hài nhi nằm trong máng cỏ, đang giảng dạy ở trên núi, bị treo trên thập tự giá. Nhưng trong Khải huyền, sứ đồ Giăng nhìn thấy Chúa Jêsus thật như chính Ngài ngay lúc này đây. Khi sứ đồ Giăng phải ngồi tù trên một hòn đảo gọi là Bát-mô, ông đã nghe thấy Chúa Jêsus phán với mình, ông cảm biết Chúa rờ đụng mình và đã thấy Chúa Jêsus trong sự vinh hiển phục sinh và thăng thiên (Khải huyền 1:9–20).

   Chúng ta không muốn sự hiểu biết của mình về Chúa Jêsus chỉ giới hạn trong những năm tháng mà Chúa đã đến làm người ở trên đất – tức là được vinh hiển như Phúc Âm mô tả. Chúa Jêsus mà chúng ta hay kêu cầu và thông công với Ngài mỗi ngày là Chúa Jêsus phục sinh và vinh hiển. Nhìn thấy Chúa như bây giờ, qua sự mặc khải, được thuật lại rất sống động của sứ đồ Giăng, chúng ta càng tin cậy Chúa hơn, nâng cao sự chú ý của chúng ta vào Ngài, và càng được vui mừng ở trong Chúa nhiều hơn nữa.

  1. Khải huyền cung ứng một hình ảnh về Chúa Jêsus đang ở với chúng ta.

   Trong Khải huyền 1, sứ đồ Giăng nhìn thấy Chúa Jêsus “ở giữa những chân đèn” (câu 13). Chúng ta được cho biết là những chân đèn tượng trưng cho các Hội Thánh (câu 20). Khi độc giả đầu tiên nhận được bức thư này nhóm lại để nghe đọc, hẳn lá thư này đã khích lệ họ rất nhiều rằng: “Chúa Jêsus không đứng ở đằng xa, trong khi các môn đồ chịu khổ vì Ngài. Chúa ở với họ, đi lại ở giữa họ, gìn giữ ngọn lửa Phúc Âm đang bùng cháy ở trong lòng họ, sửa dạy họ, chăm sóc họ, thêm sức cho họ”.

   Chúng ta cần những lời khuyên giống như vậy, có phải không? Thật vui biết mấy, khi hình ảnh từ sách Khải huyền bày tỏ Chúa Jêsus đang đứng ở giữa dân sự của Ngài. Trong khi chịu khổ để giữ lòng trung thành với Chúa, trong khi đối mặt với cám dỗ muốn chúng ta bất tín với Ngài, thì chúng ta có thể yên tâm biết rằng “Chúa ở với chúng ta, cung ứng điều chúng ta cần để bền lòng mà chịu khổ”.

  1. Khải huyền giúp chúng ta nhìn thấy thế giới từ góc nhìn của thiên quốc.

   Trong Khải huyền 4:1, sứ đồ Giăng ký thuật lại rằng ông được mời “lên” trời và đi vào một cái cửa mở ra. Lúc ấy, sứ đồ Giăng nhìn thấy ngôi của Đức Chúa Trời, và thấy sự thờ phượng như sấm sét đang diễn ra xung quanh ngôi. Nhưng từ vị trí thuận lợi ấy, ông cũng thấy những điều đang diễn ra ở trên đất, từ góc nhìn của thiên quốc.

   Đôi khi chúng ta ngu ngốc cho rằng: mình có hết dữ liệu cần thiết để đánh giá những điều đang diễn ra trên thế giới. Không đâu. Góc nhìn của chúng ta bị giới hạn, bởi nhân tính và điểm thuận lợi ở trên đất. Nhưng khi xem xét những điều sứ đồ Giăng ký thuật lại, sau khi đã nhìn thấy sự mặc khải, chúng ta có thể thấy rõ hơn bản chất thật của thực tại ở xung quanh mình. Đây là góc nhìn mà chúng ta cần. Thay vì thấy các vật của thế gian này là hấp dẫn, thì với góc nhìn của thiên quốc, chúng ta thấy chúng thật xấu xí, và chẳng có sự thỏa mãn. Thay vì thấy người tin Chúa bị bắt bớ là thất bại ê chề, chúng ta thấy đó là thắng lợi vẻ vang.

  1. Khải huyền đảm bảo với chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ xử lý điều gian ác trong thế giới này.

   Chúa Jêsus dạy chúng ta cầu nguyện rằng: “cứu chúng tôi khỏi điều ác!” (Ma-thi-ơ 6:13). Chúa giải cứu chúng ta từng ngày và Khải huyền cho chúng ta thấy rằng, một ngày nào đó Chúa sẽ giải cứu chúng ta một cách hoàn toàn. Cơn thịnh nộ của Ngài, sẽ là sự hồi đáp cho những lời cầu nguyện của chúng ta. Bạn và tôi không muốn sống mãi trong thế giới đầy rẫy sự gian ác, phản nghịch, thờ hình tượng và vô luân. Chúng ta không cần phải làm vậy. Khi ngày ấy đến, Đức Chúa Trời sẽ tẩy sạch mọi xấu xa và gian ác, khỏi tạo vật của Ngài, ban cho chúng ta một nơi ở là nhà đời đời.

  1. Khải huyền cho chúng ta thấy tương lai đời đời của chúng ta sẽ như thế nào.

   Đôi khi, khái niệm về “thiên quốc” hay “đời đời” có vẻ rất mơ hồ. Chúng ta muốn biết chi tiết hơn. Mặc dù, Kinh Thánh có thể không cung ứng tất cả chi tiết mà chúng ta muốn biết, nhưng các chương cuối cùng của sách Khải huyền, cho thấy những hình ảnh tuyệt đẹp rất độc đáo, giúp chúng ta cảm nhận được tương lai đời đời của mình.

   Khi thấy hình ảnh về hôn nhân ở trong sách, chúng ta có thể mỉm cười, cảm nhận được sự mật thiết mà chúng ta sẽ được tương giao, mặt đối mặt với Đức Chúa Trời. Khi chúng ta đọc thấy hình ảnh về một thành phố, chúng ta thấy mình có phần ở trong sự phong phú của một dân tộc gồm các dân, các nước và các thứ tiếng hiệp lại. Hình ảnh về một đền thờ, khiến chúng ta hình dung thiên quốc sẽ như thế nào, khi được sống trong vinh hiển chói lòa của Đức Chúa Trời đến đời đời. Khi chúng ta thấy hình ảnh về một khu vườn, chúng ta thở phào khi biết rằng thiên quốc sẽ là nơi có sự chữa lành, sự trọn vẹn và hoàn toàn được thỏa mãn đến đời đời. Chúng ta gần như có thể cảm nhận được niềm vui của cuộc hôn nhân này, thành phố này, đền thờ này, khu vườn này, có phải không?

  1. Khải huyền hứa hẹn phước hạnh.

   Khi nghĩ đến các phước lành, hầu hết chúng ta đều nghĩ đến các câu “Phước cho . . .” từ Bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 5:3-12). Nhưng chúng ta có biết, sách Khải huyền cũng nói về những phước hạnh chăng? Trong từng trang sách, chứa đựng bảy bảy câu nói về người được phước. Khi chúng ta nghiên cứu bảy phước hạnh trong sách Khải huyền, thì phước hạnh mà Đức Chúa Trời hứa, không giống với phiên bản đang lan tràn trên mạng xã hội ngày hôm nay đâu.

   Ai sẽ được phước theo sách Khải huyền đây? Những kẻ nghe và giữ những điều được viết trong sách Khải huyền (Khải huyền 1:3; 22:7). Những kẻ từ chối thỏa hiệp với thế gian (Khải huyền 19:9). Những kẻ chết trong Chúa (Khải huyền 14:13). Những kẻ tỉnh thức trông đợi sự tái lâm của Đấng Christ (Khải huyền 16:15). Những kẻ cùng trị vì với Đấng Christ (Khải huyền 20:6). Những kẻ đã giặt áo mình trong huyết Chiên Con, và có quyền ăn trái của cây sự sống (Khải huyền 22:14).

“Sách Khải huyền cho chúng thấy phước hạnh thật và lâu dài thay vì ơn phước giả tạo và phù du”.

   Chúng ta muốn định hướng cuộc sống của mình theo các phước hạnh này. Đây là phước hạnh được yên nghỉ đời đời trong ngày Sa-bát, mà A-đam đã không thể dẫn dắt nhân loại vào. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa Jêsus, tức là A-đam cuối cùng, sẽ dẫn chúng ta vào nơi yên nghỉ ấy. Khải huyền cho chúng ta thấy, Ngài sẽ làm điều đó như thế nào. Nhìn thấy trước phước hạnh này, khiến chúng ta tràn đầy niềm vui ngay hôm nay.

   Hỡi bạn tôi ơi, đừng sợ sách Khải huyền. Đừng bỏ qua sách này. Hãy đào sâu. Hãy khám phá. Hãy để góc nhìn của sách này thay đổi chúng ta. Hãy tìm thấy niềm vui ở trong sách ấy. Hãy kinh nghiệm phước hạnh đã hứa ban cho chúng ta ở trong sách.

 

(Nguồn: tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan