Trong quá trình phục vụ Chúa, đào tạo môn đồ, chúng ta cần có LỜI CHÚA dạy dỗ, khích lệ, khuyên lơn, động viên, thách thức, sửa trị và cáo trách vv… Nhưng chúng ta cần tránh hai hiểu biết sai lầm về tầm vóc sâu nhiệm và quyền năng của Lời Chúa. Sai lầm thứ nhất, khước từ thẩm quyền hoàn toàn của Kinh Thánh. Lời Chúa là Lời được thiết lập đời đời cao hơn tất cả mọi văn hóa, truyền thống và thời đại. Chúng ta phải xác định là tất cả những gì Kinh Thánh dạy từ Cựu Ước đến Tân Ước đều dành cho chúng ta, và ích lợi cho chúng ta. Người hầu việc Chúa, không được kén chọn giảng dạy những điều mình thích, còn những điều không biết thì không tin, khước từ, lên án cho là không còn nữa, sai lầm và tà giáo. Ngoài ra, chúng ta cũng không được biện hộ văn hóa Kinh Thánh không thích hợp cho ngày nay. Chúa phán như sau:
“Cho đến khi trời đất qua đi thì một chấm,một nét trong Kinh Luật cũng không qua đi cho đến chừng tất cả được thành tựu”
Ma-thi-ơ 5:18“Ta là CHÚA, Đức Chúa Trời ngươi, Đấng dạy dỗ để ngươi được lợi ích, Đấng dẫn đường để ngươi đi theo
I-sa 48:7
Sai lầm thứ hai là không tin, nghi ngờ hay chối bỏ sự vận hành của Đức Thánh Linh. Trong đó gồm có những chức năng như sự đặt tay công bố hay khai phóng Lời Chúa qua sự mặc khải, lời tiên tri với sự xức dầu Thánh Linh. Sự sai lầm này rất lớn và quan trọng vì nó làm Đức Thánh Linh buồn, cản trở cho chức vụ giảng dạy có năng quyền và cản trở Đức Thánh Linh đem đến sự bức phá cho dân sự Chúa.
I. LỜI CHÚA LÀ NGUỒN GỐC SỰ CHUYỂN GIAO THUỘC LINH
Chúng ta cần hiểu rằng có một mối quan hệ sâu xa giữa Lời Logos (Ngôi Lời) và Lời Rhema (Lời Sự Sống).
1. LỜI LOGOS / NGÔI LỜI
Chúa Giê-su là Ngôi Lời (Lời Văn Tự). Ngài là Kinh thánh và cả hai là đời đời. Kinh Thánh và Chúa Giê-su là một. Kinh thánh không phải là một trong những quyển sách của Đức Chúa Trời cho chúng ta, nhưng là quyển sách duy nhất của Đức Chúa Trời. Vì nó bày tỏ chính Ngài, về Ngài và giúp chúng ta sống cho Ngài. Một mặc khải chân lý duy nhất cho con người về Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su cầu nguyện với Cha Ngài: “Xin Cha dùng chân lý thánh hóa họ. Lời (Logos) Cha chính là chân lý” (Giăng 17:17). Chương đầu của sách Tin Lành Giăng nói như sau về lời Logos:
Trước khi sáng tạo vũ trụ đã có Ngôi Lời (LOGOS). Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ngay từ ban đầu Ngài đã ở cùng Đức Chúa Trời. Tất cả đều được Ngài sáng tạo. Không gì hiện hữu mà không do Ngài. Trong Ngài có nguồn sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. (Giăng 1:1-4).
Trong Lời Logos chứa đựng sự hiện diện, quyền năng sáng tạo, ban sự sống và quyền năng của sự sáng đắc thắng sự tối tăm. Lời Logos đem sự tái sanh giúp Cơ-đốc nhân được lớn lên. Thánh Phê-rơ nói về Lời Logos như sau:
Vì anh chị em đã được tái sanh không phải bởi những hạt giống hư nát nhưng bởi hạt giống không hư nát, là lời hằng sống (Logos) và hằng còn của Đức Chúa Trời. (1 Phê-rơ 1:23)
2. LỜI RHEMA / LỜI SỰ SỐNG
Chúng ta cần phải tôn trọng tiếp nhận Lời Logos cũng như Lời Rhema, vì đều đến từ Đức Chúa Trời. Lời Rhema có thể định nghĩa như “Đức Thánh Linh hà hơi vào Lời Logos đem đến sự sống, quyền năng, và đức tin để làm thành và trọn những gì Chúa hứa và bày tỏ”. Nội dung Lời Rhema phải là Lời Logos hay chứa đựng Lời Logos. Đây là lời được Đức Chúa Trời dùng để phán đặc biệt và riêng biệt cho một người, một gia đình, một nhóm người, một hay nhiều dân tộc vv… Lời Rhema có thể chia làm 3 phần:
- Lời mặc khải từ Kinh thánh bởi Đức Thánh Linh,
- Lời trực tiếp Chúa phán với cá nhân và
- Lời tiên tri hay lời nói qua tiên tri.
Trong lúc bị thử thách Chúa Giê-su đã dùng Lời Logos và khiến nó trở thành vũ khí chống trả Satan như sau: “Kinh Thánh chép: ‘Con người sống không phải chỉ nhờ bánh, nhưng cũng nhờ mọi lời (lời Rhema) phán của Đức Chúa Trời!’ (Ma-thi-ơ 4:4).
Lời Rhema giúp chúng ta lớn lên mạnh mẽ trong Chúa, đắc thắng mọi nghịch cảnh và kẻ thù. Nó đồng thời có thể trở thành lời tiên tri đem đến định hướng cho chúng ta. Chúa phán: “Tai các ngươi sẽ nghe tiếng nói từ phía sau: “Đây là con đường, hãy đi theo” khi các ngươi rẽ sang bên phải hay bên trái (I-sa 30:21). “Vì không có lời tiên tri nào đến bởi ý người, nhưng người ta được Đức Thánh Linh tác động nói ra từ Đức Chúa Trời” (2 Phê-rơ 1:21). Chúng ta cần hiểu rỏ về sự áp dụng Lời Rhema như sau:
- Lời Rhema phải xuất phát từ Chúa. Lời Rhema có thể bị áp dụng sai giống như Lời Logos.
- Lời Rhema không thể hiểu và áp dụng dùng bằng tâm trí nhưng phải do Thánh Linh hướng dẫn.
- Lời Rhema có thể không xảy ra nhưng không có nghĩa là lời đó không đến từ Chúa, vì nó tùy thuộc vào người tiếp nhận.
3. SỰ CHUYỂN GIAO ĐẶT TAY XỨC DẦU BẰNG LỜI RHEMA
Muốn có sự bức phá tâm linh, ngoài sự hiểu biết Lời Chúa, kiến thức Kinh Thánh, tri thức thuộc linh và sự soi sáng bởi Lời Rhema – chúng ta cần phải đi xa thêm bước nữa là cần phải có sự khai phóng sự xức dầu còn gọi là sự chuyển giao thuộc linh (Spiritual impartation).
Sự đặt tay chuyển giao sự xức dầu rất quan trọng vì nó sẽ đưa người tín hữu đến những lãnh vực bức phá mà họ vừa học được đồng thời trải nghiệm những gì họ đã học qua. Người nhận được sự chuyển giao này sẽ bước đi trong chiều kích thuộc linh cao, họ biết được thiên mệnh của mình, được trở thành con người của sứ mệnh. Họ bước đi trong đức tin, hoạt động trong những ân tứ và các lãnh vực siêu nhiên mà trước đây họ chưa bao giờ đạt được và làm những việc họ chưa bao giờ làm qua.
Người đặt tay xức dầu thường sẽ được Chúa mặc khải nói lời tiên tri, dùng để xây dựng Hội Thánh hay thân thể Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 14:3). Lời này sẽ gây dựng, khích lệ, an ủi, ban mạng lệnh, định hướng, khai phóng ân tứ Thánh Linh, sự xức dầu vv… cho người nhận. Riêng người nhận sẽ được Thánh Linh ấn chứng trong lòng từ Lời Chúa. Nếu không phải do sự cảm thúc của Thánh Linh thì sự đặt tay khai phóng có thể xuất phát từ cảm xúc, cảm tình, nhân linh hay tà linh.
II. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ SỰ CHUYỂN GIAO THUỘC LINH
Có một quy luật phổ thông là khi một người có virus có thể chuyển giao sang người khác qua không khí hay qua sự tiếp xúc thân cận. Khi chơi thân với một người nào thì chúng ta có thể bị lây nhiểm tính tình của họ. Một người có sức ảnh hưởng mạnh có thể tạo nên ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực khi họ bước vào một căn phòng có người. Tương tự như thế có chuyển giao thuộc linh từ Thánh Linh hay từ tà linh đến với con người.
1. Sự xức dầu chuyển giao thuộc linh tạo nên tác động rất lớn
Kinh thánh minh chứng những con người sau khi được đặt tay khai phóng sự xức dầu chuyển giao thuộc linh thì có một tác động rất lớn xảy ra sau đó. Họ được thay đổi làm những việc siêu nhiên, có khi thì nhanh chóng và bất ngờ như sau:
- Sự đặt tay chúc phước hay chuyển giao phước hạnh có quyền năng đến nổi Gia-cốp thèm khát, ông phải giả làm Ê-sau để cướp lấy phước hạnh của anh mình. Điều này khiếu Ê-sau đem lòng thù hận Gia-cốp nhiều năm, và ông chờ đợi cơ hội để giết em mình.
- Gia cốp chúc phước cho các con và cháu mình thì có sự chuyển giao thuộc linh, khiến những người này trở thành tổ phụ của 12 chi phái (Sáng Thế 48:9-22 – 49:1-28).
- Môi-se vì quá bận rộn nên không thể coi sóc nhiều công việc trong một lúc nên Chúa kêu Môi-se chọn 70 trưởng lão để phụ giúp ông. Khi họ đến Trại Hội Kiến.
Ngài lấy một phần Thần Ngài đang ngự trong ông và đặt trong bảy mươi trưởng lão. Khi Thần Chúa ngự trên họ, các trưởng lão liền nói tiên tri, nhưng không cứ nói mãi (Dân số 11:25).
- Sau khi Sau-lơ được Sa-mu-ên xức dầu khai phóng để trở thành vua, ông đã đi đến buổi họp mặt của các tiên tri. Từ hôm đó Sau-lơ đã trở nên một con người khác, ông có thể nói tiên tri, thậm chí được kể vào hàng tiên tri (1 Sa-mu-ên 10:1-12).
- Đa-vít sau khi được Sa-mu-ên xức dầu, ông giết hạ tên khổng lồ Gô-li-át mà nguyên cả nước Y-sơ-ra-ên, vua Sau-lơ và tất cả những người dũng sĩ sợ hãi tránh né. Sau đó Đa-vít đã trở thành vị vua vĩ đại của dân Y-sơ-ra-ên.
- Khi A-na-nia đến đặt tay cho Sau-lơ thì đôi mắt mù ông được mở ra và được đầy dẫy Thánh Linh. Từ đó khởi đầu chức vụ sứ đồ Phao-lô vĩ đại (Công vụ 9:17-18).
- Ti-mô-thê được các trưởng lão đặt tay phong chức, khai phóng lời tiên tri và ân tứ Đức Thánh Linh để phục vụ hội thánh. Phao-lô đã nhắc lại Ti-mô-thê như sau: “Đừng quên, cũng đừng coi thường ân tứ con đang có, là ân tứ Chúa ban cho con qua lời tiên tri, khi các trưởng lão đặt tay trên con” (1 Ti-mô-thê 4:14).
2. Nhận sự chuyển giao sự xức dầu qua phục vụ người lãnh đạo.
Chúng ta trung tín phục vụ ai thì sự xức dầu của người đó sẽ tràn xuống với mình. Vì sự xức dầu từ trên đầu chảy xuống (Thánh thi 133). Ân tứ quyền năng Thánh Linh và phước hạnh sẽ từ trên chảy xuống, nếu chúng ta trung thành với người lãnh đạo, thì sự xức dầu đó sẽ được chuyển giao qua chúng ta.
- Trước khi chết Môi-se đã làm sự chuyển giao thuộc linh và khai phóng Thần Chúa qua môn đệ mình để Giô-suê tiếp nối chức vụ của của ông chiếm đất hứa. Kinh Thánh ghi lại như sau:
“Giô-suê con trai của Nun được đầy dẫy thần trí khôn ngoan, vì Môi-se có đặt tay trên ông. Như vậy toàn dân Y-sơ-ra-ên vâng phục Giô-suê và làm theo điều CHÚA đã truyền dạy Môi-se” (Phục truyền 34:9).
- Kinh Thánh cho biết sau khi Ê-li-sê được Ê-li-sê kêu gọi đi theo, ông “bèn lìa khỏi Ê-li trở về, bắt một đôi bò giết đi, và lấy cày làm củi mà nấu thịt nó, rồi cho các tôi tớ mình ăn. Đoạn, người đứng dậy, đi theo Ê-li, và hầu việc người (còn có nghĩa phục vụ như là đầy tớ (1 Các vua 19:21). Ê-li-sê phục vụ Ê-li những chuyện nhỏ như múc nước đổ xuống tay cho Ê-li rửa (xem 2 Sử Ký 3:11). Dù nhiều lần bị thầy mình là tiên tri Ê-li không cho đi theo, nhưng Ê-li-sê đã trung tín phục vụ thầy mình nên ông đã nhận sự xức dầu gấp đôi của Ê-li.
Khi chúng ta trung tín phục vụ người lãnh đạo mình trong việc nhỏ thì Chúa là Đấng nhìn thấy công việc chúng ta làm Ngài sẽ gia tăng sự xức dầu và ân tứ để chúng ta phục vụ Ngài có kết qủa hơn.
3. Người được xức dầu có thể chuyển giao khai phóng cho người khác
Ngày hôm nay không giống Cựu Ước, mỗi Cơ-đốc nhân vốn có sự xức dầu vì chúng ta ở trong Đấng Christ là Đấng Chịu Xức Dầu. Sự xức dầu giúp chúng ta hiểu biết chân lý và mọi điều, cho nên khi nan đề đến, khi kẻ thù tấn công nếu chúng ta nhờ cậy Chúa, Ngài sẽ bày tỏ và giúp chúng ta làm sao để chiến thắng (1 Giăng 2:20,27).
Khi Chúa Giê-su thi hành chức vụ, Ngài đặt tay cho những người ô uế thì họ được lành. Ngài đặt tay cho người đàn bà bị quỷ ám 18 năm thì bà này được chữa lành. Vì thế, ngày nào chúng ta ở trong Đấng Christ và giấu Lời Ngài ở trong chúng ta thì chúng ta càng được dầm thấm trong sự sức dầu và nó được gia tăng theo ngày tháng. Từ đó chúng ta có thể có nhiều ơn hơn và nhiều ân tứ Thánh Linh để chuyển giao đến những người khác.
Đấng Christ đã hà hơi trên các môn đệ và truyền bảo họ: “Hãy nhận lãnh Thánh Linh! Các con tha tội ai thì họ được tha. Các con buộc tội ai thì họ bị buộc tội.” (Giăng 20:21,22). Dầu Thánh Linh từ trong Chúa Giê-su qua sự hà hơi, đã chuyển giao sức sống năng quyền vào các môn đồ để họ giảng Tin Lành, mở mang Nước Chúa, giống như A-đam từ bụi đất thành đã được Chúa “hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống” (Sáng thế 2:7).
Phao-lô đã nói cho tín hữu của Hội Thánh Rô-ma là “Vì tôi rất mong đến thăm anh em để chia sẻ (impart hay truyền đạt, chuyển giao) với anh em sự ban cho thiêng liêng (ân tứ Thánh Linh), nhờ đó anh em được vững mạnh (Rô-ma 1:11 BTTHĐ 2010). Điều này cho thấy khi Phao-lô đến với Hội Thánh Rô-ma ngoài việc truyền đạt qua sự giảng dạy thì ông đặt tay chuyển giao tâm linh để họ nhận ân tứ Chúa, và nhận sự tuôn đổ Thánh Linh khiến người tín đồ được vững mạnh.
Chúng ta thấy dấu hiệu tương tự được xảy ra khi sứ đồ Phao-lô đến Hội Thánh Ê-phê-sô, ông gặp các môn đệ ở tại đây. Những người này chỉ nhận Báp-tem bằng nước, nhưng chưa nhận Báp-tem Thánh Linh. Sau khi được Phao-lô giải thích, họ đó đồng ý “chịu báp-tem nhân danh Chúa Giê-su. Khi Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Linh giáng xuống trên các môn đệ đó, họ nói các tiếng lạ và lời tiên tri” (Công vụ 19:5-6). Ân tứ Thánh Linh được khai phóng trên các môn đệ sau khi được Phao-lô đặt tay khai phóng sự xức dầu chuyển giao tâm linh.
4. Người nhận xức dầu sẽ được đưa vào sứ mạng cho chiến trận
Sự xức dầu giúp cho chúng ta mạnh mẽ, tăng thêm sự hiểu biết và mặc khải dẫn đến đức tin để làm những việc táo bạo cho Chúa. Người sau khi được xức dầu luôn gặp thách thức, nan đề đối diện cuộc chiến, vì sự xức dầu là để đi vào sự kêu gọi của Chúa và là sứ mạng để hủy phá công việc của quỷ vương. Như Đa-vít sau khi đươc xức dầu ông đối diện với tên khổng lồ Gô-li-át và giết chết hắn. Do đó người được xức dầu luôn có nan đề, kẻ thù và bị chống đối. Vì thế, đừng nghĩ rằng sau khi nhận sự xức dầu chúng ta sẽ thấy cuộc sống dễ dàng và tốt đẹp hơn. Chúng ta thấy điều này qua chức vụ của Chúa Giê-su khi đến quê hương mình ở Na-xa-rét, Ngài công bố trong Lu-ca 4:18,19 như sau:
“Thần Chúa ngự trên Ta; Vì Ngài đã xức dầu cho Ta để truyền giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ, Ngài đã sai Ta công bố cho kẻ bị tù được phóng thích, cho kẻ mù lòa được sáng mắt, cho người bị áp bức được giải thoát, Và công bố kỷ nguyên thi ân của Chúa.”
Qua gương của Chúa Giê-su, chúng ta được xức dầu là để đi vào sứ mạng giúp đỡ, giải cứu, chữa lành cho những người khác thoát khỏi quyền lực quỷ vương. Do đó chúng ta cần bảo vệ sự xức dầu và làm cho mình luôn được đầy dầu, tức đầy dẫy Thánh Linh và đầy dẫy quyền năng Đức Thánh Linh.
Người có dầu sẽ luôn có lửa, có lửa sẽ có ánh sáng. Chúa Giê-su đã dùng câu chuyện 10 người nữ đồng trinh cho chúng ta hiểu người có dầu sẽ có lúc hết dầu, và khi hết dầu thì hết lửa. Câu chuyện 10 người nữ đồng trinh nói về những người được biệt riêng ra với sứ mạng chờ đợi chàng rể đến. Nhưng nếu không giữ cho mình lúc nào cũng đầy dầu chúng ta sẽ không làm tròn sứ mạng Chúa sai phái chúng ta, thậm chí bị Ngài đóng cửa từ chối không tiếp nhận vào thiên đàng.
Hãy luôn nhớ, bất cứ bất cứ kẻ thù nào Chúa đem đến trước chúng ta, không phải để nó thắng hơn và làm hại chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta chiến thắng chúng bằng sự xức dầu Ngài ban cho chúng ta. Vì người đầy dẫy sự xức dầu sẽ có sự hiểu biết, được Chúa ban mặc khải chiến trận và nhận sự đắc thắng.
5. Sự chuyển giao sự xức dầu thuộc linh cần được khơi lại để chiến thắng nghịch cảnh
Như đã nói trên người được xức dầu sẽ nhận những lời tiên khi, khải tượng về sứ mạng của mình họ sẽ đối diện với nghịch cảnh và kẻ thù. Có lúc họ sẽ lâm vào tình trạng giống như Đa-vít bị Vua Sau-lơ săn đuổi tìm cách giết, ông đã lâm vào đường cùng phải giả điên. Nhiều bài thơ của Đa-vít trong Thánh Thi nói lên những tiếng kêu cầu đến Chúa trong những lúc tuyệt vọng. Phao-lô đã cho vị mục sư Ti-mô-thê trẻ tuổi bí quyết đắc thắng khi yếu đuối nản lòng là:
“ta nhắc con khơi dậy ân tứ Đức Chúa Trời ban cho con khi ta đặt tay trên con. Vì Thánh Linh Đức Chúa Trời ban cho chúng ta không làm cho chúng ta nhút nhát, nhưng trái lại, Thánh Linh Ngài khiến chúng ta nên mạnh mẽ, giàu tình thương và biết tự chủ” (2 Ti-mô-thê 1:6,7)
Đừng quên, cũng đừng coi thường ân tứ con đang có, là ân tứ Chúa ban cho con qua lời tiên tri, khi các trưởng lão đặt tay trên con (1 Ti-mô-thê 4:14).
Ti-mô-thê, hỡi con, ta căn cứ vào các lời tiên tri về con trước đây mà truyền lời răn bảo này cho con. Con hãy nhớ lại những lời tiên tri ấy mà chiến đấu anh dũng, giữ vững đức tin và lương tâm tốt. Một số người đã chối bỏ lương tâm nên mất đức tin luôn (1 Ti-mô-thê 1:18,19).
Như vậy chìa khóa cho việc đắc thắng nghịch cảnh nản lòng là khơi lại sự xức dầu chuyển giao thuộc linh mà mình đã nhận trước đây trong đó gồm các lời tiên tri, khải tượng mà Chúa đã hứa cho mình. Hãy công bố nó ra, suy ngẫm nó cùng với những lời hứa Chúa hứa trong Kinh Thánh như: “Trong tất cả các lời hứa tốt lành mà CHÚA đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào không thành tựu; tất cả đều ứng nghiệm” (Giô-suê 21:45).
III. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ SỰ CHUYỂN GIAO TÀ LINH
1. Tác động của sự chuyển giao tà linh
Nếu như Kinh Thánh cho biết có một sự chuyển giao khai phóng từ người đầy dẫy sự xức dầu khiến ô uế trở nên thánh sạch; người bị quỷ ám sau khi đặt tay thì được tự do; từ những tín hữu bình thường, và khiến họ trở nên mạnh mẽ, làm những việc phi thường táo bạo cho Chúa thì ngược lại có một sự chuyển giao từ thế giới tối tăm khiến những người đang mạnh mẽ bị sa ngã và nhiều người bị dẫn dụ vào tà giáo. Đây là điều chúng ta phải rất cẩn thận. Chúng ta hãy xem những chuyển giao từ thế giới tối tăm sau đây:
- Sự chuyển giao tội lỗi qua dòng dõi từ A-đam đến loài người, tội nói dối từ Áp-ra-ham đến Y-sác rồi đến Gia-cốp. Tà dâm ô uế và giết người từ Vua Đa-vít chuyển sang con cái ông.
- Từ tà linh ở trong con người sang bầy heo.
- Từ người ô uế đụng vật nào thì vật đó bị ô uế, còn ai đụng đến đồ vật ô uế đó sẽ bị sự ô uế đó chuyển sang mình (Lê-vi 15:27). Đa-ni-ên và ba người bạn vì không muốn bị ô uế bởi ăn đồng cúng cho thần tượng nên họ chỉ ăn rau và uống nước lạnh.
- Tà linh của sự sợ hãi từ 10 thám tử sang tất cả dân Y-sơ-ra-ên. Tà linh thường truyền thông tin rất nhanh, trong trường hợp này, chỉ trong một ngày tin tức từ 10 thám tử lan đến cả trại quân gồm vài triệu người.
- Linh tà thuật từ Giê-sa-bên chuyển sang tiên tri Ê-li chỉ qua lời nói khiến ông bỏ chạy và muốn chết.
- Lời Chúa ghi rõ về sự chuyển giao tất cả tội lỗi từ người qua con thú được chép trong Lê-vi 16:20-22 (xem thêm Lê-vi 4:27-29).
“Khi đã làm xong lễ chuộc tội cho nơi thánh, trại hội kiến và bàn thờ, A-rôn sẽ đem con dê đực còn sống đến. Người đặt hai tay lên đầu con dê, xưng nhận tất cả gian ác và vi phạm của dân Y-sơ-ra-ên, để các tội lỗi đó trên đầu con dê và giao nó cho một người đã chỉ định để thả vào sa mạc. Con dê sẽ mang trên nó tất cả tội lỗi của họ và được dẫn đến một nơi cô tịch, tại đó người kia sẽ thả cho nó đi trong sa mạc.”
- Trong Tân Ước Phao-lô dạy trong 1 Cô-rinh-tô 6:15-16 về việc không được ăn nằm với gái điếm, vì sẽ kết hợp với họ. Vì tà linh trong người gái điếm sẽ chuyển giao sang và kết hợp trong thân thể của người Cơ-đốc nhân.
“Anh chị em không biết rằng thân thể anh chị em là một phần thân thể của Chúa Cứu Thế hay sao? Thế thì tôi có nên lấy một phần thân thể của Chúa Cứu Thế làm thân thể của gái điếm không? Không khi nào. Anh chị em không biết rằng: Ai ăn nằm với gái điếm tức là kết hợp thành một thân thể với nó sao? Vì Kinh Thánh chép: Hai người sẽ trở nên một thân.”
- Người có sự cay đắng nếu không tìm cầu sự hòa thuận và đeo đuổi sự thánh hóa sẽ bị tà linh cay đắng gây nên sự lộn xộn chia rẽ trong hội thánh. Kinh Thánh dạy như sau:
“Hãy tìm cầu sự hòa hiếu với mọi người và đeo đuổi sự thánh hóa, vì nếu không thánh hóa, không ai được thấy Chúa. Hãy thận trọng để trong anh chị em đừng có ai hụt mất ân sủng của Đức Chúa Trời; đừng để rễ cay đắng mọc ra gây rối và do đó làm ô uế nhiều người” (Hê-bơ-rơ 12:14,15)
2. Cẩn trọng đừng vội để bất cứ ai đặt tay chuyển giao trên mình
Vì thế Cơ-đốc nhân đừng vội nhờ ai đó đặt tay cầu nguyện cho mình nếu như chưa biết rõ về họ. Thí dụ như nếu có một tín hữu Cơ-đốc tên là A, nhưng đồng thời sống trong tội lỗi và làm đồng bóng bói khoa đặt tay cầu nguyện cho anh B, thì anh A khai phóng điều gì cho anh B? Công chính hay tội lỗi? và anh A chuyển giao linh gì? Thánh Linh hay tà linh? Chắc chắn là anh A chuyển giao tội lỗi và tà linh mình có cho anh B. Ngoài ra chúng ta cũng không biết anh A cầu nguyện với ai? Đức Chúa Trời hay thần của mình?
Cơ-đốc nhân cần phải tránh những nơi massage, vì ở đây thường có nhiều tà linh (đây là chỗ dẫn đến phạm tội). Có nơi họ làm phép trên dầu để thoa trên người khách, họ cầu khấn đeo bùa để những thần may mắn để đem khách đến cho họ. Có người vừa niệm kinh vừa massage cho khách để nhận được tiền thưởng. Những Cơ-đốc nhân yếu đuối khi được những được những nhân viên đặt tay xoa bóp này sẽ dễ dàng sa ngã, mất đức tin vì bị những tà linh từ những nhân viên chuyển sang mình. Còn những đầy tớ được Chúa nếu đến những nơi massage này có thể giảm sút sự xức dầu.
Đừng thấy hể ai có chức vụ thì nhờ người đó đặt tay cầu nguyện cho mình. Vì họ có thể là sứ đồ giả, tiên tri giả, những người chăn thuê… Vì họ có thể là Ba-la-am tham tiền hoặc họ có thể là người đang sống trong tội lỗi, hoặc đã ngã theo tà giáo mà chúng ta không biết.
Nếu như ai đó nói những điều không hiệp với Thánh Linh trong lòng khiến bạn bất an, thì đừng nói A-men, nhưng hãy nói nhân danh Chúa Giê-su ta không nhận lời này. Ngoài ra sau khi được cầu nguyện thấy có dấu hiệu linh tà linh lạ trên người thì hãy công bố: Nhân danh Chúa Giê-su ta trục xuất tất cả tà linh nào vừa xâm nhập vào ta hãy rời khỏi ta ngay tức khắc. Khi có ai cầu nguyện cho mình, nếu muốn an toàn thì hãy công bố: Nhân danh Chúa Giê-su, ta công bố được bao phủ bởi huyết Chiên Con, và ta chỉ nhận những gì từ Chúa và khước từ bất cứ điều gì từ thế lực tối tăm đến trên hồn linh và thể xác ta. Xin Đức Thánh Linh xức dầu cho con và ban cho con những gì từ Cha thiên đàng.
3. Bảo vệ bầy chiên Chúa giao
Phao-lô căn dặn những người lãnh đạo Hội Thánh Ê-phê-sô rất kỷ lưởng trước khi ông rời họ trong sách Công vụ 20:28-30 về sự tấn công của Satan. Vì có những người có linh nổi loạn hay linh tà giáo, tôn giáo nổi lên chống lại Hội Thánh.
28 Anh em hãy giữ mình và toàn thể bầy chiên mà Thánh Linh đã đặt anh em làm giám mục, để chăn dắt Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. 29 Tôi biết rằng sau khi tôi ra đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào giữa anh em, chẳng dung tha bầy chiên đâu. 30 Và giữa anh em sẽ có những người nổi lên dùng lời xuyên tạc để lôi cuốn các môn đồ theo họ.
Người mục sư cần phải tìm hiểu rõ người sứ đồ, tiên tri, mục sư… trước khi mời họ đến giảng cho hội thánh mình. Hãy xem xét có khi những người mang lửa lạ đến hội thánh có có lửa lạ xuất hiện trong dân sự Chúa. Hãy tìm hiểu kỷ trước khi mời ai làm quản nhiệm hay phụ tá cho Hội Thánh mình, ĐỪNG NHÌN VÀO BẰNG CẤP SẼ BỊ LỪA. Hãy nhờ Đức Thánh Linh soi sáng hướng dẫn và ban cho mình ân tứ phân biệt.
Ngày nay có một số mục sư, nhân sự, tín hữu chạy theo giáo sư giả và tiên tri giả lý do là họ nghĩ ai cũng là người của Đức Chúa Trời nên muốn đến thông công và nhờ họ cầu nguyện hoặc giúp đỡ cho mình. Nhưng không ngờ bị linh tà giáo của những người này nhảy sang mình lúc nào không biết, và không lâu thì bị sa ngã. Đừng trông mong và vội vàng nhìn những người có chức vụ lớn thành công và muốn họ giúp đỡ, vì không hẳn tất cả mọi người đến với chúng ta đều là từ Chúa cả. Nhiều người vì quá hấp tấp không cầu hỏi Chúa nên chọn nhầm A-ga và sinh ra Ích-ma-ên. Phao-lô đã ngăn cấm về sự thông công này như sau:
“Đừng mang ách chung (đi chung đường, thông công thân mật, hùn vốn làm ăn hoặc cưới gả) với người không tin. Vì công chính với gian ác có thể nào chung phần được không? Hay ánh sáng và bóng tối có thể nào liên hợp được không? Chúa Cứu Thế hòa hợp với quỷ vương sao được? Hay người tin có chung phần gì với kẻ không tin?” (2 Cô-rinh-tô 6:14,15)
4. Bí quyết ngăn chặn những linh lạ xâm nhập
a) Sự trưởng thành
Phao-lô nói người trưởng thành có “tầm thước vóc dáng đầy trọn của Chúa Cứu Thế… không còn là trẻ con nữa, bị sóng đánh trôi giạt và cuốn theo mọi luồng gió đạo lý của những người bịp bợm, xảo trá dùng thủ đoạn lừa gạt” (Ê-phê-sô 4:13-14).
b) Thử người và tà linh
Chúa Giê-su khen và nói Hội Thánh Ê-phê-sô là Hội Thánh không “dung túng những kẻ tà ác, biết con đã thử những kẻ tự xưng là sứ đồ mà thực ra không phải, con đã nhận chân rằng chúng giả dối” (Khải huyền 2:2). Sứ đồ Giăng dạy chúng ta “đừng tin tưởng mọi thần linh, nhưng phải thử các thần linh xem có phải phát xuất từ Đức Chúa Trời hay không?” (1Giăng 4:1).
c) Cần sự xức dầu và ân tứ phân biệt các linh
Người đầy dẫy sự xức dầu sẽ có sự hiểu biết (1 Giăng 2:20,27); sẽ có ân tứ phận biệt các linh (1 Cô-rinh-tô 12:10).
Kết
Lời Chúa là lời đời đởi bao gồm Lời Logos và Rhema. Đức Thánh Linh đem Lời Logos thành Lời Rhema là Lời Sự Sống cho dân sự Ngài. Do đó, sự chuyển giao thuộc linh rất quan trọng, chúng ta không được coi thường hay thờ ơ vì nó đem đến những điều rất tốt lành từ Đức Thánh Linh. Sự đặt tay truyền đạt chuyển giao sự xức dầu là yếu tố rất cần thiết để người tín hữu có sự bức phá tâm linh, trở nên vững mạnh, tiến thêm những bước thuộc linh để trở nên giống Chúa và phục vụ Ngài có hiệu quả hơn. Hội Thánh cần có thực hành những điều này, trong sự khôn ngoan thiên thượng và trong trật tự của Chúa. Các đầy tớ Chúa cần được gia tăng sự xức dầu để có thêm năng quyền hầu việc Chúa và giúp ích cho thân thể Đấng Christ. Tất cả tín hữu cần khao khát để nhận lãnh những sự khai phóng và các ân tứ thuộc linh này. Chúng ta hãy “khao khát những ân tứ thuộc linh” và “hãy tìm kiếm cho được dư dật các ân tứ đó để xây dựng Hội Thánh” (1 Cô-rinh-tô 14:12). Đồng thời hãy khơi lại những sự chuyển giao này khi đối diện nghịch cảnh và nan đề để cho mình luôn mạnh mẽ.
1 Ti-mô-thê 4:1 chép “Đức Thánh Linh phán rõ ràng: Vào thời đại cuối cùng, sẽ có một số người chối bỏ đức tin, chú tâm vào các thần lừa dối và đạo lý của ác quỷ”. Do đó chúng ta phải rất cẩn thận, sẽ có sự chuyển giao đến từ tà linh. Đừng vội để ai đặt tay cho mình. Khi có ai đặt tay cho mà chúng ta cảm nhận không bình an, hay thấy có những dấu hiệu không đến từ Chúa thì phải ngưng ngay. Vì chúng ta đang ở vào thời kỳ cuối cùng, Satan và ma quỷ đang sai phái người của chúng lẻn vào hội thánh để phá hoại. Do đó, hỡi những người lãnh đạo và con dân Chúa hãy đầy dẫy Thánh Linh và quyền năng Ngài. “Phải mạnh mẽ trong Chúa và nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy trang bị mọi khí giới của Đức Chúa Trời để anh em có thể đứng vững chống lại các mưu kế của ma quỷ (Ê-phê-sô 6:10,11). A-men.
Người Dọn Đường & Phạm Phi Phi
Ngoài các câu Kinh Thánh được ghi chú phần còn lại là được trích trong Bản Dịch Mới 2002