World Mission Society Church of God (WMSCOD – Hội Thánh Của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Thế Giới) là một tà giáo bắt nguồn từ Bundang tại Đại Hàn. Tà giáo này tin Ahn Sahng-hong (An Xang-hồng) là Đấng Christ đã trở lại thế gian, và Jang Gil-ja – một phụ nữ lãnh đạo của tà giáo này – là Thiên Mẫu (God the Mother – Heavenly Mother).
Trong khi nhiều người tại Việt Nam chỉ mới biết Hội Thánh Của Đức Chúa Trời (HTCĐCT) là một tà giáo trong những tuần gần đây, từ lâu tổ chức này đã được xác định tại Đại Hàn, Hoa Kỳ, và một số nơi trên thế giới là tà giáo. Ngày 1/12/2004, The Christian Council of Korea, cơ quan đại diện các hệ phái Tin Lành tại Đại Hàn, đã công bố HTCĐCT là một tà giáo. Tháng 12/2015, tạp chí People tại Hoa Kỳ đã đăng một bài viết về tà giáo HTCĐCT và thuật lại kinh nghiệm của một phụ nữ tại New Jersey đã thoát khỏi tà giáo này. Ngày 20/2/2016, Đài Truyền Hình NBC tại Hoa Kỳ đã công bố một phóng sự điều tra về tà giáo này. Gần một năm sau đó, ngày 19/2/2017, Rick Alan Ross – một chuyên gia về tà giáo tại Hoa Kỳ – là người đã từng cố vấn cho FBI, chính phủ Israel và Trung Hoa về tà giáo – khẳng định HTCĐCT là một tà giáo.
HTCĐCT được thành lập vào năm 1985 tại Đại Hàn. Tà giáo này loan truyền rất nhanh. Theo tài liệu chính thức của HTCĐCT, đến năm 2017, tà giáo này có 6.000 nhà thờ với 2.700.000 thành viên đăng ký tại 175 quốc gia trên thế giới.
Nguồn Gốc
HTCĐCT phát xuất từ một tà giáo khác mang tên Witnesses of Jesus Church of God (WOJCOG – Hội Thánh Của Đức Chúa Trời Nhân Chứng Của Đức Chúa Jesus) do Ahn Sahng-hong thành lập vào năm 1964.
Ahn Sahng-hong sinh ngày 13/1/1918 trong một gia đình theo đạo Phật tại làng Gyenam-myeon, quận Jangsu, tỉnh North Jeolla, trong khoảng thời gian Đại Hàn bị Nhật chiếm đóng. Một thời gian sau, cha mẹ của Ahn Sahng-hong đến sống tại thành phố Busan và Ahn Sahng-hong đã trải qua thời niên thiếu tại quận Haeundae của thành phố này. Về sau, Busan trở thành trụ sở của giáo phái mà Ahn Sahng-hong thành lập. Năm 1936, Ahn Sahng-hong cùng mẹ sang Nhật, rồi sống tại đó 9 năm.
Năm 1947, Ahn Sahng-hong trở về Đại Hàn và sau đó gia nhập Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm tại Incheon. Theo tài liệu của HTCĐCT, Ahn Sahng-hong đã được Mục Sư Lee Myeong-deok cử hành thánh lễ báp-têm vào ngày 16/12/1948. Tuy nhiên, Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm vào năm 2011 đã công bố một thông báo cho biết là vào năm 1948 giáo phái này không có một mục sư nào tên là Lee Myeong-deok; do đó việc Ahn Sahng-hong được làm phép báp-têm vào ngày 16/12/1948 bởi Mục sư Lee Myeong-deok là không đúng sự thật. Thông báo này còn cho biết thêm là theo tài liệu ký lục của Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm, Ahn Sahng-hong đã được Mục sư Gim Seo-gyeong cử hành thánh lễ báp-têm vào ngày 9/10/1954. Khi đó, Ahn Sahng-hong đã được 36 tuổi.
Năm 1956, Ahn Sahng-hong tuyên bố Đức Chúa Jesus sẽ tái lâm trong vòng 10 năm. Mặc dầu lời tuyên bố này được tuyên bố từ một người chỉ mới nhận báp-têm được hai năm; dầu vậy đã có một số người tin theo lời của ông.
Ngày 5/4/1958, Ahn Sahng-hong đã kết hôn với Hwang Wonsun (1923-2008). Hai vợ chồng có được ba người con.
Tháng 3/1962, Ahn Sahng-hong đã bị Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm dứt phép thông công bởi vì ông cho rằng việc dùng thập giá trong Hội Thánh là phạm tội thờ hình tượng. Hai mươi ba người đã nghe theo Ahn Sahng-hong, và bỏ Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm đi theo ông.
Hai năm sau, ngày 28/4/1964, Ahn Sahng-hong thành lập Witnesses of Jesus Church of God (WOJCOG – Hội Thánh Của Đức Chúa Trời Những Nhân Chứng Của Đức Chúa Jesus) tại Busan. Giáo phái mới này đã chọn chữ “Hội Thánh Của Đức Chúa Trời” được trích từ I Cô-rinh-tô 1:2 để làm tên cho mình. Những tín lý chính của WOJCOG được in trong cuốn Cẩm Nang Tín Lý của Hội Thánh Đức Chúa Trời Những Nhân Chứng Của Đức Chúa Jesus (Doctrine Manual of the Witnesses of Jesus Church of God ) xuất bản vào năm 1972, và được giải thích trong khoảng hơn 20 cuốn sách do Ahn Sahng-hong viết.
Ahn Sahng-hong cho rằng các Hội Thánh thuộc Cơ Đốc giáo ngày nay đã đi lệch khỏi truyền thống của Hội Thánh vào thời các Sứ Đồ. Giáo phái của ông phục hồi lại những truyền thống này, bao gồm những điểm căn bản sau đây:
- Phụ nữ phải trùm đầu khi cầu nguyện.
- Phép báp-têm là bước đầu tiên hướng về sự cứu rỗi. Không ai nhận được sự cứu rỗi nếu không nhận báp-têm.
- Ngày Sa-bát phải được cử hành vào ngày thứ Bảy, không phải ngày Chúa Nhật. Tuy nhiên, ngày Sa-bát của HTCDCT chỉ kéo dài từ sáng thứ Bảy đến chiều thứ Bảy chứ không phải bắt đầu từ tối thứ Sáu đến chiều thứ Bảy như người Do Thái.
- Ngày 25 tháng 12 không nên được cử hành như là lễ Chúa Giáng sinh bởi vì đó là ngày lễ thần mặt trời.
- Sử dụng thập giá là một dạng của sự thờ hình tượng. Dùng những kiếng được chạm khắc hoặc sắp xếp thành hình vẽ trang trí trên các khung cửa nhà thờ cũng là thờ hình tượng.
- Người tin Chúa cần phải giữ bảy kỳ lễ được ghi lại trong sách Lê-vi chương 23 là lễ Vượt Qua, lễ Bánh Không Men, lễ Mùa Gặt, lễ Ngũ Tuần, lễ Kèn, lễ Chuộc Tội, lễ Lều Tạm,
Về căn bản, Ahn Sahng-hong muốn đem một số truyền thống của người Do Thái vào sinh hoạt của giáo phái mình. Quan điểm này tương tự như quan điểm của một số tín hữu người Do Thái trong Hội Thánh thời ban đầu muốn đem những sinh hoạt và tín lý của Do Thái giáo trong Cựu Ước vào Hội Thánh Đầu Tiên; tuy nhiên Sứ đồ Phao-lô đã giải thích những sự dạy dỗ đó là không cần thiết trong thời Tân Ước.
Ahn Sahng-hong lãnh đạo WOJCOG được gần 20 năm. Bên cạnh việc tiên đoán Đức Chúa Jesus sẽ tái lâm trong vòng 10 năm kể từ năm 1956, Ahn Sahng-hong đã giải thích và đã tiên đoán trong sách The Mystery of God and the Spring of the Water of Life – xuất bản vào năm 1980 rằng ngày thế giới sẽ tận chung vào năm 1988 – đúng 40 năm sau khi nước Do Thái được độc lập. Điều đáng lưu ý là cũng ngay trong năm 1980, Ahn Sahng-hong đã xuất bản một cuốn sách khác – The Bridegroom Was a Long Time in Coming, and They All Became Drowsy and Fell Asleep (1980) – và đưa ra một lời tiên đoán khác là thế giới sẽ tận chung vào năm 2012. Và như chúng ta biết, Đức Chúa Jesus đã không tái lâm trong khoảng thời gian giữa năm 1956-1966, và thế giới đã không bị hủy diệt vào năm 1988 hoặc 2012.
Ngày 24/2/1985, Ahn Sahng-hong bị nhồi máu cơ tim. Ngày 25/2/1985, ông qua đời tại bệnh viện Công giáo Maryknoll và được an táng tại nghĩa trang Seokgye, nằm về phía bắc của thành phố Busan. Trên mộ bia của ông có viết dòng chữ “Phần mộ của Tiên tri Êlijah Ahn Sahng-hong”.
Hai mươi ba năm sau, Hwang Wonsun – vợ của Ahn Sahng-hong – qua đời (4/9/2008). Bà được chôn phía sau phần mộ của Ahn Sahng-hong. Một mộ bia mới đã được dựng lên thay thế cho mộ bia cũ. Tên của cả Ahn Sahng-hong và vợ là Hwang Wonsun được khắc trên tấm bia mới này, và tên những người con của họ được khắc ở phía sau tấm bia.
Sự Phân Hóa
Khi Ahn Sahng-hong qua đời vào năm 1985, giáo phái WOJCOG của ông có được 13 chi hội tại Đại Hàn. Chưa được 10 ngày sau khi Ahn Sahng-hong chết, ngày 4/3/1985, 13 chi hội này đã tách thành hai nhóm. Biến chuyển này cho thấy đã có sự rạn nứt và tranh giành quyền lãnh đạo ngấm ngầm từ lâu trong giáo phái của Ahn Sahng-hong; và đến khi ông chết thì bộc phát ngay lập tức.
Nhóm thứ nhất được gọi là New Covenant Passover Church of God (Hội Thánh Đức Chúa Trời Giao Ước Mới Trong Lễ Vượt Qua) do vợ và các con của Ahn Sahng-hong lãnh đạo. Nhận xét về sinh hoạt thờ phượng của nhóm thứ nhất, phóng viên Lee Seung-yeon của tờ Modern Religion viết vào tháng Hai năm 2012 như sau: “Các buổi lễ thực hiện tại nhà thờ của nhóm Giao Ước Mới không khác bao nhiêu so với các nhà thờ Tin Lành chính thống. Các tín hữu cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jesus Christ và đọc Bài Cầu Nguyện Chung. Họ hát những bài thánh ca chính thống không sửa đổi. Giống như các tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm, họ giữ ngày thứ Bảy là ngày Sa-bát.”
Nhóm thứ hai được gọi là Witnesses of Ahn Sahng-hong Church of God (Hội Thánh Đức Chúa Trời Các Chứng Nhân Của Ahn Sahng-hong), do Kim Joo-cheol và một phụ nữ tên là Jang Gil-jah lãnh đạo. Hai tuần sau khi tuyên bố ly khai, ngày 22/3/1985 nhóm thứ hai này đã dời trụ sở từ Busan về Seoul. Trong quá khứ, nhóm này đã đề xướng tín lý về “Đức Chúa Trời Mẹ”. Năm 1978, một số người theo Ahn Sahng-hong đã ủng hộ một phụ nữ 36 tuổi tên là Um Sooin phát hành một số ấn phẩm nói rằng bà là “vợ của Đức Thánh Linh”, là “Giê-ru-sa-lem thiên thượng”, là “Giê-ru-sa-lem mới”, là “đấng an ủi được Đức Chúa Trời sai xuống”, và rồi họ công bố Um Sooin là “người mẹ của chúng ta đến từ trời” và Ahn Sahng-hong là Đấng Christ.
Tín lý về “Đức Chúa Trời Mẹ” đã khởi đầu từ đó. Chính Ahn Sahng-hong không chấp nhận tín lý này. Sau đó, Um Sooin và một số người công khai ủng hộ bà đã bị trục xuất khỏi WOJCOG. Một số những người khác im lặng ở lại với Ahn Sahng-hong nhưng vẫn ủng hộ quan điểm này. Khi Ahn Sahng-hong đã chết, họ chiếm quyền lãnh đạo để thực hiện điều mà họ mong muốn.
Một thời gian sau, do tên Hội Thánh Đức Chúa Trời Các Chứng Nhân Của Ahn Sahng-hong dễ bị nhận diện là tà giáo, cho nên những nhà lãnh đạo giáo phái này đã đổi tên chính thức của họ thành World Mission Society Church of God (WMSCOG – Hội Thánh Của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Thế Giới – HTCĐCT) để dễ len lõi trong cộng đồng Cơ Đốc và truyền bá sang các quốc gia khác. World Mission Society Church of God không phải là một hệ phái Tin Lành. Trong khi tên chính thức trong tiếng Anh của World Mission Society Church of God không có chữ Evangelical; tuy nhiên khi đến Việt Nam, tà giáo này đã thêm chữ Tin Lành vào tên của họ. Đây là một hành động không trung thực, là điều không nên làm với một tổ chức tôn giáo. Qua việc sửa đổi đó, tên của HTCĐCT trong website tiếng Việt của tổ chức này là Hội Thánh Của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới.
Tín Lý Của HTCĐCT
Ngày 2/6/1985, những nhà lãnh đạo của HTCĐCT công bố một số tín lý mới của giáo phái này, trong đó có:
- Ahn Sahng-hong được nhìn nhận là Đức Chúa Jesus Christ đã trở lại thế giới lần thứ hai (Đức Chúa Jesus Tái Lâm). Ahn Sahng-hong phải được xem là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.
- Jang Gil-ja được gọi là Thiên Mẫu (God the Mother), tức là Đức Chúa Trời thuộc giới nữ. Bà là người sẽ ban sự sống cho những người tin bà trong những ngày sau cùng.
- Cả Ahn Sahng-hong (Thiên Phụ) và Jang Gil-ja (Thiên Mẫu) đều được tôn xưng là Đức Chúa Trời.
- Các bài cầu nguyện hướng về Chúa phải được sửa lại để cầu nguyện cùng Đức Thánh Linh Ahn Sahng-hong.
- Phép báp-têm phải được thực hiện nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh – Ahn Sahng-hong.
- Loài người vốn là các thiên thần, vì phạm tội cùng Đức Chúa Trời nên bị đày xuống trần gian. Cách duy nhất để con người có thể trở về trời là giữ lễ Vượt Qua với bánh và rượu nho và làm theo những lời dạy trong Kinh Thánh được giải thích bởi Ahn Sahng-hong.
Do những tín lý sai lạc với Kinh Thánh, năm 2004 cộng đồng các Hội Thánh Tin Lành tại Đại Hàn chính thức công bố HTCĐCT là một tà giáo.
Hoạt Động Tại Việt Nam
Theo tài liệu của HTCĐCT, tà giáo này đã hoạt động tại Việt Nam gần 20 năm.
– Năm 2003, HTCĐCT thành lập chi hội tại Sài Gòn.
– Tháng 7/2010, HTCĐCT mở thêm một chi hội tại Hà Nội.
– Đại diện các tín hữu HTCĐCT từ Việt Nam đã đến tham dự các đại hội truyền giáo lần thứ 28 (11/2006), 35 (7/2008), 42 (4/2010), và 51 (5/2011) tại Đại Hàn.
– Trong video giới thiệu các Hội Thánh tại hải ngoại, HTCĐCT có đăng ảnh của hai chi hội tại Phú Nhuận và Sài Gòn.
– Trong những năm gần đây, HTCĐCT đã mở rộng hoạt động tại nhiều địa phương khác tại Việt Nam.
Vài Nhận Định Về HTCĐCT
Dưới đây là trích dẫn những tín lý của HTCĐCT về Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ được đăng trên trang web tiếng Việt của giáo phái này. Dựa vào những tài liệu chính thức của HTCĐCT đã được tổ chức này công bố, có rất nhiều lý do để khẳng định rằng HTCĐCT là một tà giáo.
Trong những phân tích dưới đây, phần trích dẫn được trích từ trong trang web tiếng Việt của HTCĐCT, và phần nhận định là của người viết.
1. Trích dẫn: “Hội Thánh của Đức Chúa Trời tin chắc vào Ba Vị Thánh Nhất Thể, và coi rằng sự biết về tên của Đức Chúa Trời là vấn đề liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi. Ba Vị Thánh Nhất Thể có nghĩa rằng Đức Chúa Trời Cha dầu có tên khác nhau tùy theo mỗi thời đại: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, nhưng bản chất là đồng nhất. Hội Thánh của Đức Chúa Trời tin rằng Đức Cha Giêhôva Đức Chúa Trời chính là Đức Chúa Jêsus, Đấng đến với tư cách là Con Trai (Đức Con) vào thời đại Tân Ước, còn Đức Chúa Jêsus Tái Lâm (Đức Thánh Linh) vào thời đại này theo lời tiên tri Kinh Thánh chính là Đấng An Xang Hồng.”
Nhận định: Những lãnh đạo HTCĐCT dạy cho các tín hữu của họ rằng Ahn Sahng-hong chính là Đức Chúa Jesus đã tái lâm; tuy nhiên họ quên rằng vào năm 1956 Ahn Sahng-hong đã tiên đoán trong vòng 10 năm sắp đến Đức Chúa Jesus sẽ tái lâm. Nếu Ahn Sahng-hong chính là Đức Chúa Jesus đã tái lâm thì ông đã không tiên đoán Đức Chúa Jesus sẽ tái lâm. Việc Ahn Sahng-hong tiên đoán Đức Chúa Jesus sẽ tái lâm mặc nhiên khẳng định rằng ông không phải là Đức Chúa Jesus đã tái lâm như những nhà lãnh đạo HTCĐCT công bố. Hành động của Ahn Sahng-hong tự chứng minh tín lý của HTCĐCT là sai lầm và giả dối
2. Trích dẫn: “Đấng Christ đến với tư cách là Đấng Cứu Chúa vào thời đại Đức Thánh Linh, được tiên tri rằng sẽ lên ngôi của vua Đavít, còn Đavít đã lên ngôi vua lúc 30 tuổi và cai trị 40 năm. Thế nhưng, Đức Chúa Jêsus chịu phép Báptêm lúc 30 tuổi, rao giảng sự dạy dỗ trong vòng 3 năm và bị đóng đinh trên thập tự giá và qua đời. Cho nên, Đức Chúa Jêsus Tái Lâm cũng phải chịu phép Báptêm lúc 30 tuổi, rao truyền Tin Lành trong vòng 37 năm, là thời gian còn lại theo lời tiên tri rồi qua đời. Đấng làm ứng nghiệm lời tiên tri này chính là Đấng An Xang Hồng.”
Nhận định: Để chứng minh rằng Ahn Sahng-hong là “Đấng Cứu Chúa” (Đấng Cứu Thế – Đấng Christ), tà giáo HTCĐCT đã nhấn mạnh rằng giống như Đức Chúa Jesus, Ahn Sahng-hong đã được làm báp-têm vào lúc 30 tuổi. Điều khác biệt là Đức Chúa Jesus thi hành chức vụ trên đất chỉ có 3 năm, còn Ahn Sahng-hong thi hành chức vụ của mình 37 năm; và điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu Ước rằng Đấng Cứu Thế xuất phát từ dòng dõi vua Đa-vít, giống như Đa-vít sẽ cai trị 40 năm. Lập luận nêu trên không thuyết phục vì nhiều lý do.
Thứ nhất, Kinh Thánh không hề nói rằng Đấng Cứu Thế sẽ hoạt động trên đất 40 năm giống như thời gian vua Đa-vít trị vì. Kinh Thánh nói rằng vương quốc của Đấng Christ không thuộc về thế gian này (Giăng 18:36), và Ngài sẽ cai trị trường tồn (Lu-ca 1:33).
Thứ hai, chi tiết về việc Ahn Sahng-hong nhận báp-têm vào năm 30 tuổi và hoạt động 37 năm không được xác nhận. Vào năm 2011, Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm đã công bố một thông báo cho biết là vào năm 1948 giáo phái này không có một mục sư nào tên là Lee Myeong-deok; do đó việc Ahn Sahng-hong được làm phép báp-têm vào ngày 16/12/1948 bởi Mục sư Lee Myeong-deok là không đúng sự thật. Thông báo này còn cho biết thêm là theo tài liệu ký lục của Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm, Ahn Sahng-hong đã được Mục sư Gim Seo-gyeong cử hành thánh lễ báp-têm vào ngày 9/10/1954. Khi đó, Ahn Sahng-hong đã được 36 tuổi, chứ không phải 30 tuổi.
Thứ ba, giả sử như Ahn Sahng-hong đã nhận báp-têm vào ngày 16/12/1948. Ahn Sahng-hong đã chết vào ngày 25/2/1985. Từ lúc nhận báp-têm cho đến khi chết, Ahn Sahng-hong chỉ hoạt động có 36 năm 2 tháng và 9 ngày, chưa đủ 37 năm để ứng nghiệm “lời tiên tri” như HTCĐCT công bố.
Thứ tư, HTCĐCT công bố rằng Ahn Sahng-hong chính là “Đấng Cứu Chúa” (Đấng Cứu Thế – Đấng Christ) đúng như Kinh Thánh đã tiên tri, tuy nhiên họ bỏ qua một chi tiết rất căn bản về của những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế được viết trong Kinh Thánh là Đấng Cứu Thế phải xuất phát từ dòng dõi của vua Đa-vít (Lu-ca 1:31-33). Ahn Sahng-hong là một người Đại Hàn, không phải là người Do Thái, và cũng không phải là dòng dõi của vua Đa-vít; do đó việc xưng tụng Ahn Sahng-hong là Đấng Cứu Thế là một sự giả dối ngụy tạo rõ ràng dễ nhận biết.
3. Trích dẫn: “Theo lời tiên tri Kinh Thánh, Đấng An Xang Hồng giáng sanh tại Đại Hàn Dân Quốc – nước đầu cùng đất phương Đông, bắt đầu cuộc đời Tin Lành vào năm 1948, và thăng thiên vào năm 1985.”
Nhận định: Những lời công bố này vô lý vì vài lý do. Thứ nhất, không có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh nói rằng có một “Đấng An Xang Hồng giáng sanh tại Đại Hàn Dân Quốc – nước đầu cùng đất phương Đông, bắt đầu cuộc đời Tin Lành vào năm 1948, và thăng thiên vào năm 1985”. Thứ hai, Đại Hàn không phải là “nước đầu cùng đất phương Đông”. Nhật Bản ở xa về phía đông hơn Đại Hàn. Cộng hòa Fiji là quốc gia ở xa nhất về phía đông nằm trên kinh tuyến 1800 E. Thứ ba, HTCĐCT công bố Ahn Sahng-hong đã thăng thiên vào năm 1985, tuy nhiên phần mộ và thi thể của ông vẫn còn tại Busan, Đại Hàn. Xin xem những hình chụp phần mộ và mộ bia của Ahn Sahng-hong tại một nghĩa trang ở phía bắc Busan.
4. Trích dẫn: “Căn cứ chính yếu mà Hội Thánh của Đức Chúa Trời tin rằng Đấng An Xang Hồng là Đức Chúa Jêsus Christ, là vì Ngài là Đấng ban sự sống đời đời cho loài người không thể tránh khỏi sự chết.”
Nhận định: Ahn Sahng-hong không phải là Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus cho nên ông không có quyền ban sự sống cho ai. Ahn Sahng-hong đã chết vào năm 1985 và phần mộ của ông vẫn còn tại Busan, Đại Hàn. Vợ của Ahn Sahng-hong cũng đã chết và được chôn bên cạnh ông.
5. Trích dẫn: “Lời tiên tri của Kinh Thánh cho biết rằng Đấng ban lại phước lành của sự sống đời đời cho nhân loại vào thời kỳ thể này, duy chỉ là Đức Chúa Trời, tức là Đức Chúa Jêsus Tái Lâm. Cho nên, Đấng An Xang Hồng, là Đấng khôi phục giao ước mới và dẫn dắt loài người đến con đường của sự sống đời đời và sự cứu rỗi, chính là Đấng Christ Tái Lâm, và là Đức Chúa Trời Cha.”
Nhận định: HTCĐCT đồng hóa Ahn Sahng-hong với Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Tái Lâm. Như đã trình bày trong phần #1, việc Ahn Sahng-hong tiên đoán Đức Chúa Jesus sẽ tái lâm đã gián tiếp tự xác nhận ông không phải là Đức Chúa Jesus Tái Lâm. Việc Ahn Sahng-hong tiên đoán sai đến ba lần về ngày Đức Chúa Jesus tái lâm và ngày tận thế chứng minh ông chỉ là một con người lầm lẫn, và hiển nhiên không phải là Đức Chúa Trời hay là Đức Chúa Cha như HTCĐCT đề xướng. Và do đó, tin vào “Đấng An Xang Hồng, là Đấng khôi phục giao ước mới và dẫn dắt loài người đến con đường của sự sống đời đời và sự cứu rỗi, chính là Đấng Christ Tái Lâm, và là Đức Chúa Trời Cha.” là mù quáng.
6. Trích dẫn: “Tín ngưỡng tin vào Đức Chúa Trời Mẹ là yếu tố hạt nhân và đặc thù của Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Nhiều người tin rằng Đức Chúa Trời là một Đấng – “Đức Chúa Trời Cha”, nhưng Hội Thánh của Đức Chúa Trời tin vào Đức Chúa Trời Mẹ nữa. Kinh Thánh làm chứng không chỉ “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời” (Mathiơ 6:9), mà còn làm chứng cả Cha phần linh hồn, lẫn Mẹ phần linh hồn, mà phán rằng “thành Giêrusalem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.” (Galati 4:26).”
Nhận định: Niềm tin vào “Đức Chúa Trời Mẹ” (Thiên Mẫu) là yếu tố căn bản và đặc thù của HTCĐCT; tuy nhiên chính Ahn Sahng-hong – người sáng lập HTCĐCT – không tin điều này.
Trong tác phẩm Problems with the New Jerusalem, the Bride and Women’s Veils (1980) Ahn Sahng-hong đã viết: “This booklet was published to prevent troublemakers who misinterpret and behave fanatically, [and] explain the errors in the books that Um Sooin published … women like Um Sooin have caused a great problem to arise with her corrupt ideas … The Jerusalem in Heaven is Our Mother … Um Sooin speaks as if she is out of her mind when she claims that the New Jerusalem is herself … they assert that Um Sooin is our mother who has come down from Heaven. … How extremely scandalous is this? With this type of misguided delusion, she has become a false prophet and has attempted to gain power. … The New Jerusalem which is written of in Revelation 21:1-4 … is a spiritual building not a person. …. Nobody except someone who is not in their right state of mind can believe and follow after this. … Because the interpretation of Um Sooin was made to match their claims, they have made these ridiculous interpretations. …”
Lược dịch như sau: “Cuốn sách nhỏ này được xuất bản để ngăn ngừa những người quấy rối, là những người có hành động cuồng tín, và cũng để sửa những sai lầm trong cuốn sách mà Um Sooin đã xuất bản … những phụ nữ như Um Sooin đã tạo nên một vấn đề rất lớn xuất phát từ những suy nghĩ băng hoại của bà … Giê-ru-sa-lem mới trên trời là mẹ của chúng ta … Um Sooin nói như người mất trí khi bà ấy tự nhận mình Giê-ru-sa-lem mới … họ khẳng định rằng Um Sooin là mẹ của chúng ta hạ giáng từ trời. … Chuyện này thật tai tiếng biết chừng nào? Với loại ảo tưởng lầm lạc này, bà trở thành một tiên tri giả và cố gắng đạt quyền lực. … Giê-ru-sa-lem mới được viết trong Khải Huyền 21:1-4 … là một tòa nhà thuộc linh chứ không phải là một con người. …. Không ai ngoại trừ những người có đầu óc bất bình thường có thể tin và theo điều này. … Bởi vì sự diễn giải của Um Sooin được tạo ra để phù hợp với những đòi hỏi của họ, họ đã thực hiện những sự diễn giải kỳ cục này. …”
Ahn Sahng-hong nói rõ chỉ có những người có đầu óc bất bình thường mới suy nghĩ rằng từ ngữ “Giê-ru-sa-lem mới” là một con người; và việc đồng hóa chữ “Giê-ru-sa-lem mới” để giải thích cách viết ẩn dụ của Sứ đồ Phao-lô về “Giê-ru-sa-lem ở trên trời là mẹ của chúng ta” trong Ga-la-ti 4:26 để ủng hộ tín lý “Đức Chúa Trời Mẹ” là một sự diễn giải Kinh Thánh kỳ cục.
Điều đáng ngạc nhiên là những người tin Ahn Sahng-hong là “Đức Chúa Trời Cha” lại không vâng lời ông trong tín lý này. Khi những người này muốn tin vào tín lý “Đức Chúa Trời Mẹ” thì họ bất chấp lời hướng dẫn của người mà họ gọi là “Đức Chúa Trời Cha”. Và khi họ đã bất chấp không nghe theo đấng mà họ nói là họ tin, thì làm thế nào họ có thể thuyết phục được người khác tin những gì họ tin là đúng. Tín lý của HTCĐCT mâu thuẩn từ trong bản chất và tự chứng minh những niềm tin của họ là sai trật.
7. Trích dẫn: “Hội Thánh của Đức Chúa Trời tập trung vào Đức Chúa Trời với hai giới tính được bày tỏ trong toàn bộ sách Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền. Trong Sáng Thế Ký chương 1, khi Đấng Sáng Tạo làm nên loài người thì phán rằng “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta.” rồi “Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” Kết luận là không chỉ có Đức Chúa Trời mang hình nam (Cha) mà còn có Đức Chúa Trời mang hình nữ (Mẹ).”
Nhận định: Để ủng hộ tín lý “Đức Chúa Trời Mẹ”, HTCĐCT đưa ra lập luận: “Đức Chúa Trời với hai giới tính được bày tỏ trong toàn bộ sách Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền”. Và để chứng minh điều này, HTCĐCT giải thích rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên người nam và người nữ giống như Ngài (Sáng Thế Ký 1:27); bởi vì đã có một phụ nữ được dựng nên cho nên phải có một Đức Chúa Trời là phụ nữ để giống để với người phụ nữ đã được tạo dựng.
Đây là một lập luận đơn giản nhưng không thuyết phục. Thứ nhất, kết luận của lập luận này ngây thơ – điều này giống như khi chúng ta nói một bé gái giống cha thì chúng ta phải kết luận rằng người cha của đứa bé gái đó phải là phụ nữ bởi vì bé gái là một người nữ. Dĩ nhiên khi nghe ai kết luận như vậy chúng ta chỉ mỉm cười. Thứ hai, cách giải thích này bỏ qua ý nghĩa của ngữ căn của chữ “giống như hình” trong Kinh Thánh. Chữ “giống như hình” trong nguyên văn Hebrew là בְּצֶ֥לֶם. Chữ בְּצֶ֥לֶם có nhiều ý nghĩa như “dạng” (shape), “bóng” (shade), “hình ảnh” (image), “hình thể” (form), “tương tự” (resemblance). Khi dịch Kinh Thánh, các dịch giả thường dịch là “giống như hình” và điều này không có nghĩa là A-đam và Ê-va giống y hệt như Đức Chúa Trời nhưng chỉ mang hình ảnh tương tự như Đức Chúa Trời. Nếu hiểu câu Kinh Thánh này rằng A-đam và Ê-va giống như Chúa từng bộ phận là hiểu biết cách quá hạn hẹp. Thứ ba, những người cố gắng giải thích câu Kinh Thánh Sáng Thế Ký 1:27 để ủng hộ tín lý “Đức Chúa Trời Mẹ” đã cố tình bỏ qua những chi tiết khác mà Kinh Thánh viết về việc tạo dựng người nữ. Kinh Thánh nói rõ, Ê-va – người phụ nữ đầu tiên được Đức Chúa Trời tạo dựng – đã được tạo dựng ra từ A-đam (Sáng Thế Ký 2:18-25) và giống như A-đam “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng Thế Ký 2:18). Từ những ký thuật nêu trên, chúng ta thấy rõ A-đam giống Đức Chúa Trời, Ê-va giống A-đam, và do đó Ê-va cũng giống Đức Chúa Trời. Và điều đó không có nghĩa là phải có một “Đức Chúa Trời Mẹ” để giống Ê-va như những người theo HTCĐCT giải thích.
8. Trích dẫn: ““Đức Chúa Trời” được ghi chép bởi danh từ số nhiều – “Êlôhim” hơn 2.500 lần trong Kinh Thánh bản gốc bằng tiếng Hêbơrơ, ngay từ câu đầu tiên của Kinh Thánh “Ban đầu Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Điều này có nghĩa rằng Đấng sáng tạo trời đất không phải là một Đấng Đức Chúa Trời, mà là “Các Đức Chúa Trời”. Hội Thánh của Đức Chúa Trời tin rằng ấy là vì có Đức Chúa Trời Cha cùng Đức Chúa Trời Mẹ.”
Nhận định: Trong nguyên văn Hebrew “Êlôhim” là “Đức Chúa Trời” được viết dưới hình thức số nhiều. Kinh Thánh cho biết chữ “Các Đức Chúa Trời” đó chính là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus và Đức Thánh Linh. Trong ký thuật về sự sáng tạo, Đức Chúa Trời hiện diện tại đó; Đức Thánh Linh trong danh hiệu Thần của Đức Chúa Trời đã hiện diện tại đó (Sáng Thế Ký 1:2); Đức Chúa Jesus, với danh hiệu là Ngôi Lời cũng hiện diện tại đó (Giăng 1:1-5). Do đó chữ “Êlôhim” nói về Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus, và Đức Thánh Linh.
Ngược lại, trong Kinh Thánh không có một câu nào giải thích rằng “Êlôhim” là “Đức Chúa Trời Cha” và “Đức Chúa Trời Mẹ”. Thêm vào đó như đã giải thích ở những phần trước, chính Ahn Sahng-hong cũng cho rằng việc cương giải Kinh Thánh để ủng hộ quan điểm “Đức Chúa Trời Mẹ” là cách diễn giải kỳ cục của những người có tâm trí bất bình thường. Và do đó lời công bố “Hội Thánh của Đức Chúa Trời tin rằng ấy là vì có Đức Chúa Trời Cha cùng Đức Chúa Trời Mẹ” khẳng định một niềm tin lầm lạc, không đặt căn bản trên Kinh Thánh – và nói theo ngôn ngữ của chính người sáng lập tà giáo này – của “những người có đầu óc bất bình thường.”
9. Trích dẫn: “Trong trang cuối cùng của Kinh Thánh, có xuất hiện Thánh Linh và Vợ Mới phán cùng loài người rằng “Hãy đến… Khá nhận lấy nước sự sống.” Vì Đấng có thể ban nước sự sống duy chỉ là Đức Chúa Trời, nên Thánh Linh tại đây chỉ ra Đức Chúa Trời Cha, còn Vợ Mới – Đấng ban nước sự sống cùng Cha, chỉ ra Đức Chúa Trời Mẹ.”
Nhận định: Tín lý của HTCĐCT đặt trên một niềm tin sai lạc vì đã hiểu lầm ý nghĩa câu Kinh Thánh Khải Huyền 22:17. Câu Kinh Thánh này chép như sau: “Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không.” (Khải Huyền 22:17). Khải Huyền là một sách tiên tri trong Thánh Kinh Tân Ước. Ngôn ngữ được dùng trong sách Khải Huyền là ngôn ngữ biểu tượng. Tuy nhiên, những người lãnh đạo HTCĐCT đã hiểu chữ “vợ mới” trong câu Kinh Thánh này theo nghĩa đen, nghĩa là một phụ nữ. Vì vậy họ dựng nên lý thuyết rằng mà bà Jang Gil-ja – “Đức Chúa Trời Mẹ” – là người vợ mới này; và Ahn Sahng-hong – “Đức Chúa Trời Cha” – là Thánh Linh. Hai người này có quyền ban sự sống đời đời trong ngày cuối cùng.
Những lãnh đạo của HTCĐCT cũng dùng những khái niệm khác trong Kinh Thánh như “Giê-ru-sa-lem thiên thượng” (Ga-la-ti 4:26) và “Giê-ru-sa-lem mới” (Khải Huyền 21:9-10) để gán cho bà Jang Gil-ja.
Khải Huyền 21:2 mô tả thành “Giê-ru-sa-lem mới” đẹp như một cô dâu “Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình.” Sau đó Sứ đồ Giăng mô tả tiếp “Một vị trong bảy thiên sứ đã cầm bảy bát đựng đầy bảy tai nạn cuối cùng, đến gần tôi, bảo rằng: Hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con. Rồi tôi được Thánh Linh cảm động, thiên sứ đó đưa tôi đến trên một hòn núi lớn và cao, và chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống” Khải Huyền 21:9-10. Khi đọc những câu Kinh Thánh này, người đọc có thể hiểu ngay “người vợ mới” và “Giê-ru-sa-lem mới” là một. Thật hiển nhiên, Giê-ru-sa-lem là một thành phố chứ không phải là một người. Thành phố là một cộng đồng của nhiều người chứ không phải là một cá nhân. Trong câu Kinh Thánh này, thành phố Giê-ru-sa-lem mới biểu tượng cho cộng đồng Hội Thánh. Chúa yêu Hội Thánh như tình yêu của một người dành cho người vợ mới của mình. Chữ “người vợ mới” và “Giê-ru-sa-lem mới” là những danh từ biểu tượng để chỉ về cộng đồng Hội Thánh chứ không phải là một phụ nữ như tín lý của HTCĐCT diễn giải.
Ga-la-ti 4:26 viết “Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta”. Câu Kinh Thánh này được Sứ đồ Phao-lô viết khi ông giải thích về sự tương phản giữa Cựu Ước và Tân Ước – giữa giao ước của luật pháp và giao ước của lời hứa và ân điển. Để minh họa, Sứ đồ Phao-lô so sánh biểu tượng về A-ga, một nữ nô lệ của Áp-ra-ham, và Sa-ra, vợ của Áp-ra-ham. A-ga biểu tượng cho sự trói buộc của luật pháp, và con trai của bà là Ích-ma-ên, là con trai của nô lệ và luật pháp. Sa-ra tượng trưng cho sự tự do, và con trai bà là Y-sác, là con của lời hứa và tự do. Vì luật pháp được Đức Chúa Trời ban tại núi Si-nai cho nên người nào sinh ra tại Si-nai (thuộc về giao ước cũ) thì bị ràng buộc bởi luật pháp; nhưng người nào được sinh tại Giê-ru-sa-lem thiên thượng (thuộc về giao ước mới) thì được tự do. Để giải thích cho ý nghĩa trong Ga-la-ti 4:26, Sứ đồ Phao-lô viết thêm trong Ga-la-ti 4:28, “Hỡi anh em, về phần chúng ta, chúng ta cũng như Y-sác, là con của lời hứa.”
Những người đọc Kinh Thánh thường xuyên đều biết rằng một số câu trong Kinh Thánh được viết dưới dạng thành ngữ. Ví dụ, thành ngữ “những con gái của Giê-ru-sa-lem”, nếu độc giả chưa quen với Kinh Thánh Cựu Ước, hoặc văn học Do Thái, khi đọc những dòng chữ này sẽ hiểu đơn giản là câu văn đang nói về những cô con gái của một bà mẹ tên là Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên đây là một thành ngữ, câu nói này thực ra có nghĩa là “dân cư của thành phố Giê-ru-sa-lem” – những đứa con biểu tượng cho dân cư, và người mẹ là biểu tượng cho thành phố. Do đó câu Kinh Thánh, “Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta” (Ga-la-ti 4:26) không có nghĩa là những người tin Chúa có một bà mẹ là thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao, nhưng câu Kinh Thánh này có nghĩa là những người tin Chúa là dân cư – là thành viên – của một Giê-ru-sa-lem mới – một cộng đồng mới – ở trên trời. Và như đã nói ở trên, Giê-ru-sa-lem mới chính là biểu tượng của Hội Thánh, được mô tả như một người vợ mới của Chúa; và do đó những người tin Chúa là thành viên của Hội Thánh, và là những đứa con của lời hứa đặt căn bản trên ân điển như Ga-la-ti 4:28 giải thích.
Rất tiếc, những người lãnh đạo HTCĐCT đã cố ý diễn dịch sai ý nghĩa những câu Kinh Thánh này, và đã xây dựng những tín lý sai lầm khiến nhiều người bị lầm lạc.
Tóm Lược
Có rất nhiều điều cần phân tích về tà giáo HTCĐCT. Trong khuôn khổ giới hạn của một bài viết, tác giả xin tạm ngừng ở đây.
HTCĐCT là một tà giáo bắt nguồn từ Đại Hàn, đã vào hoạt động tại Việt Nam khoảng 20 năm. Đây là một tà giáo nguy hiểm đối những người tin Chúa. HTCĐCT đã xúc phạm đến danh Chúa, truyền bá những niềm tin sai lạc, gây ngộ nhận với cộng đồng, làm công chúng nghi ngờ về niềm tin chân thật của người tin Chúa. Xin cầu nguyện để tà giáo này bị dẹp bỏ, để niềm tin chân thật nơi Chúa được sáng tỏ, và danh Chúa được tôn kính.
(Nguồn: thuvientinlanh.org)