“Tôi không muốn trở thành một kẻ nghiện rượu”.
“Mang thai sẽ cản trở hoàn thành chương trình học của tôi”.
“Tôi biết nếu mình làm báp-tem thì mẹ sẽ thấy tôi đang rất nghiêm túc trong việc nầy”.
Tôi đã từng nghe các bạn trẻ mà tôi chăm sóc chia sẻ những điều tương tự như trên. Họ sinh ra trong gia đình tin Chúa, lớn lên trong Hội thánh, sau quãng thời gian sống như đứa con hoang đàng, họ trở lại, nhưng không phải vì đã được nếm biết Đức Chúa Trời là tốt lành (Thi thiên 34:8), mà vì họ đã nếm trải sự cay đắng từ hậu quả của tội lỗi.
Bề ngoài tưởng chừng như họ rất ghét tội lỗi, nhưng thật ra họ chỉ ghét hậu quả của tội lỗi mà thôi. Họ muốn bông trái trong đời sống thấm nhuần tình yêu của Đấng Christ — một cuộc đời không mặc cảm tội lỗi, không xung đột, có các mối quan hệ lành mạnh và tự tôn — nhưng không đâm rễ trong Đấng Christ. Họ muốn nhận được tất cả ích lợi tùe đời sống hiệp một với Đấng Christ, nhưng lại không dâng trọn tấm lòng để vui hưởng mối quan hệ với Ngài.
Vui hưởng bông trái trong đời sống với Đấng Christ (tự do khỏi tội lỗi và sự mặc cảm) khác với việc nhìn thấy vẻ đẹp của chính Ngài. Một người cai rượu vì căm ghét sự say xỉn khác với việc vì người đó được nếm trải mùi vị của nước hằng sống (Giăng 4:10).
Ích lợi bên cạnh Đấng Christ
Bởi vì luật pháp của Đức Chúa Trời được viết trên bia lòng của chúng ta, đó là bằng chứng cho người chưa tin Chúa thấy rằng những ham muốn xác thịt như nghiện rượu, giận dữ, gian dâm đều là xấu xa (Rô-ma 2:15; Ga-la-ti 5:19-21). Cố gắng thoát khỏi những ham muốn xác thịt mà không dựa vào Đấng Christ là nỗ lực làm hài lòng Đức Chúa Trời bằng sức riêng của mình.
Cho dù chúng ta đang cố gắng khiến bản thân, gia đình, bạn bè hay cấp trên cảm thấy hạnh phúc, nhưng chỉ thay đổi hành vi không thôi thì khác nào đang bị cầm tù; chúng ta chỉ đang bỏ gánh này để mang gánh khác, gánh của “biểu hiện tốt” hoặc đời sống trong sạch. Cố gắng giữ luật pháp mà không có sự vùa giúp của Chúa Cứu Thế toàn hảo thì chúng ta sẽ phải đối diện với hoàn cảnh bi thương vô cùng.
Lần đầu tôi được nghe Phúc âm là lúc đang hát trong một ban nhạc róc. Tôi đã đáp ứng bằng cách rời khỏi ban nhạc và tham gia vào một Hội thánh địa phương, đây là nơi tôi nhanh chóng được khuyến khích dự phần vào mục vụ âm nhạc. Bề ngoài, tôi gạt bỏ thói nghiện rượu và tội giận dữ, nhưng trong lòng vẫn còn kiêu ngạo, thích được khen và ca tụng trong ở trong Hội thánh. Tôi đã có thái độ thờ phượng Chúa sai trật mà không bị phát hiện, ngay cả khi hướng dẫn Hội thánh trong sự thờ phượng.
Thông thường, khi cố gắng làm vui lòng Đức Chúa Trời bằng cách tham gia các hoạt động của Hội thánh, chúng ta sẽ chuyển sự tập trung từ Đức Chúa Trời sang chính mình. Người khác có thể không nhận ra điều này. Họ cho rằng miễn là chúng ta vẫn điềm tĩnh, sống độc thân và chăm chỉ, thì đời sống thuộc linh của chúng ta vẫn khỏe mạnh.
Chúng ta hoàn toàn có thể hát những bài ca du dương dâng lên Chúa Jêsus trong khi tấm lòng vẫn còn xa cách Ngài. Chúng ta cũng có thể điều chỉnh hành vi của mình nhằm lén lút đem thần tượng vào Hội thánh mà không bao giờ hoàn toàn thay thế chúng bằng Đức Chúa Trời chân thật. Nếu chúng ta không quăng xa những thần tượng đó xuống khỏi ngai lòng của mình để nhường chỗ cho Chúa Jêsus, thì chúng ta chẳng có sự thay đổi thật sự nào cả.
Từ gánh nặng này sang gánh nặng khác
Sứ đồ Phao-lô đề cập trong thư tín Ga-la-ti rằng chịu phép cắt bì theo hình thức không có giá trị gì nếu không có “đức tin thể hiện qua tình yêu thương” (Ga-la-ti 5:6); điều này tương tự với những hình thức thể hiện trong Hội thánh. Chúng ta có thể tham gia các hoạt động Hội thánh với động cơ trong sạch hoặc không trong sạch. Bề ngoài, chúng ta có thể vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời vì đó là điều tốt (Rô-ma 7:16) và đạt được thành tựu (Giô-suê 1:8), dẫu trong lòng chúng ta không hề nhận biết sự tốt lành của Đức Chúa Trời và tìm kiếm Ngài trên cả mọi điều. Dù vâng theo luật pháp và làm điều đúng đắn, nhưng chúng ta vẫn là nô lệ cho những thần tượng gian ác và Đấng Christ chẳng ích lợi gì cho chúng ta cả (Ga-la-ti 5:2).
Chúng ta có thể đánh lừa loài người bằng sự năng nổ của mình trong các hoạt động của Hội thánh và khiến mọi người nghĩ rằng chúng ta thật công chính, nhưng chúng ta không thể qua mặt Chúa được — và chính Ngài đã chỉ cho chúng ta cách tốt hơn. “Chữ [luật pháp] làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống” (2 Cô-rinh-tô 3:6). Chỉ có công việc của Chúa Jêsus và sự chết của Ngài thế chỗ cho chúng ta mới có thể mở đường cho chúng ta.
Chúng ta có thể nhận được sự chấp thuận của cả Hội thánh mà vẫn mất linh hồn mình (Mác 8:36). Người nào thần tượng việc thể hiện tốt trước Hội thánh có thể giỏi tự chủ trong xác thịt và bề ngoài tạo ra bông trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22–23). Nhưng bông trái của tình yêu thương và sự vui mừng trong Đức Chúa Trời không thể được sản sinh trong xác thịt.
Đức Chúa Trời không hài lòng về những tín đồ tốt với trái Thánh Linh bịa đặt. Đây không phải là sự thánh khiết, mà là thờ hình tượng dưới một tên gọi khác. Chúng ta phải tìm kiếm Đức Chúa Trời trước hết và trên hết mọi điều, chứ không chỉ đơn thuần là bông trái trong đời sống hướng về Đức Chúa Trời.
Đâu là gốc rễ vui mừng của chúng ta?
Trong quyển Địa ngục của Dante, ông đã miêu tả kẻ giả hình trong âm phủ mặc chiếc áo choàng nạm ngọc tuyệt đẹp, lót bên trong bằng chì nặng. Hành động tốt của chúng ta có thể hấp dẫn những người xung quanh, nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy sự xấu xa của tấm lòng chọn theo chủ nghĩa đạo đức hơn là vẻ đẹp vô hạn của chính Ngài.
Như John Piper đã từng khuyên, hãy tự hỏi: Gốc rễ vui mừng của chúng ta là gì? Đó là quà Chúa ban, hay là chính Ngài?
Chúng ta có đang theo đuổi những hành vi tôn giáo hoặc thói cư xử tốt như một phương tiện để tìm kiếm sự chấp nhận và làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt hơn chăng? Đây là chiếc áo choàng lót chì nặng nề mà chúng ta có thể mang trên đường đến sự phán xét.
Nhưng trong ân điển của Ngài, Đức Chúa Trời đã cung cấp một chiếc áo choàng khác. Nhờ ân điển, chúng ta có thể mặc lấy Đấng Christ (Gióp 29:14; Rô-ma 13:14). Chúng ta có thể gánh lấy ách dễ chịu của sự thờ phượng thật nếu chúng ta quay về với vẻ đẹp của Chúa Jêsus.
(Nguồn: tienphong.org)