Thiên Chúa Diệu Kỳ

Share

Buổi sáng, bầu trời trong xanh. Những cánh hoa lung linh khoe sắc thắm. Cầm tờ báo “Hạt Muối” trên tay, tôi chọn tựa đề để đọc: “Cuộc thi viết về những cuộc đời được Chúa biến đổi”. Ôi, hay quá! Tôi reo lên… Một cuộc thi mang nhiều ý nghĩa.

Những ơn phước Chúa bỗng chốc dào dạt, xao động trong tôi. Bất giác, tôi nghĩ về ông Năm, người đàn ông xưa ấy…

Ngày ấy, mảnh đất Cà Mau còn hoang sơ, sông nước mênh mông. Một người nông dân dắt díu vợ con từ mãi Nha Trang, miền Trung về đây tìm nơi sinh sống. Cái buổi ban đầu, sao khổ quá! Bao khó khăn chồng chất  trên vai, trong khi tài sản ông Năm chẳng có chi ngoài áo quần với một vài túi xách. May mắn, ông được một người bà con giúp đỡ, cho che tạm một mái lều tranh ở cuối vườn. Ngày mưa, đêm gió trôi qua theo năm tháng. Lúc ấy, vợ chồng ông còn khỏe mạnh, cuốc cày gánh vác thay nhau chăm lo cho con cái. Nhưng rồi, niềm vui nhanh chóng qua đi, vợ ông mang chứng phong thấp. Bà bị tê nhức hai chân, nhất là đầu gối, đi đứng rất khó khăn. Tiền bạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi, nợ nần chồng chất. Nhìn vợ, nhìn con, lòng ông tràn ngập một nỗi buồn vô hạn. Cuộc sống đi dần trong bế tắt. Dầu vậy, ông vẫn gắng sức đi làm, tìm mọi cách để chèo chống cho gia đình vượt qua cảnh túng ngặt. Tháng ngày gieo neo, đoạn trường khổ ải, gạo mắm, thuốc thang, đêm khuya thì trải lòng nhẩm kinh. Ông đặt tất cả niềm tin vào suối Đạo từ bi với hi vọng đổi đời nhưng vẫn là những âm thanh vô vọng của nỗi buồn bất tận.

Gia sản của ông Năm chẳng có gì, ngoài người vợ đau ốm triền miên cùng với bầy con nheo nhóc. Thất vọng, chán chường. Cơn tuyệt vọng cứ kéo dài mãi. Cho đến một ngày kia, ông chợt suy nghĩ: “CHẾT?”. Chỉ có CHẾT mới là con đường giải thoát. Ông bần thần suy nghĩ, và quyết định đưa ra “sáng kiến” này cùng vợ. Bà Năm nghe xong, lẳng lặng không nói, đau xót nhìn chồng, rồi bà khóc. Những giọt nước mắt buồn tủi rơi xuống ướt đẫm gương mặt bà. Cuộc sống ngắn ngủi vậy sao? Cả gia đình bà phải từ giã thế giới này ư?

Thế rồi, trưa hôm ấy, cả nhà đang say ngủ…

Những đứa trẻ vẫn hồn nhiên. Những gương mặt xanh xao, thơ ngây trong giấc ngủ êm đềm…

Bà Năm nằm thở dài. Hình ảnh gói thuốc chuột ông mua lúc sáng, để chiều nay trộn vào nồi cháo, cứ ám ảnh tâm trí bà. Bà đưa tay vuốt nhẹ gương mặt từng đứa con thân yêu mà bà đã rứt ruột sinh ra. Chúng phải chết sao? Cả nhà phải chết sao? Bà lặng thinh ngồi gục đầu không nói. Một lúc sau, bà ngẩng đầu lên, hít mạnh thật sâu, luồng hơi thở đầy căng làm bà nghe chừng dễ chịu hơn đôi chút. Bà toan tính, làm cách nào đây để cái chết đến với gia đình mình thật mau, và không đau đớn. Giữa lúc bà đang suy nghĩ, thì điều kỳ lạ xảy ra. Bà nghe như có tiếng nói thì thầm vào tai nhưng rõ lắm: “Hãy đọc KINH THÁNH”, “Hãy đọc KINH THÁNH”, “Hãy đọc KINH THÁNH”…

Bà bật dậy, lấm tấm mồ hôi trán, “Hãy đọc KINH THÁNH”. Tiếng nhủ ba lần, sao ai nói vào tai bà nhỉ? Lạ quá, bà thắc mắc, suy nghĩ mãi rồi bà giấu điều ấy trong lòng vì không biết tỏ bày cùng ai.

Còn ông Năm, sau khi nghe bà Năm yêu cầu hoãn việc bỏ thuốc chuột vào nồi cháo, thì ngày hôm sau, khi đi tìm thuốc nam cho bà Năm, ông gặp bác Tư Châu, một người mù cuối xóm. Ông Năm than thở nỗi khổ của gia đình mình với Bác Tư, thì bác Tư khuyên, “Ông bà nên TIN NHẬN CHÚA đi”. Sau khi nghe ông Tư làm chứng về tình yêu thương của Chúa Giê-xu, lòng ông Năm bỗng bật sáng lên một niềm hy vọng. Ông chạy nhanh về nhà, thuật lại những điều vừa nghe với vợ. Bà Năm ngạc nhiên lắm và kể lại những điều mình nghe thấy trong buổi trưa hôm trước cho chồng. Ông Năm thừ người suy nghĩ…

Hôm sau, ông Năm quyết định dìu bà Năm đi gặp ông Tư Châu để hỏi về chuyện “THÁNH KINH”.

Ông Tư Châu tuy mù lòa, nhưng rất yêu mến Chúa. Ông trung tín đi nhà thờ và luôn tìm hiểu về KINH THÁNH. Khi ông bà Năm đến nhà, ông Tư vui vẻ đón rước, rồi giải thích:

-THÁNH KINH là LỜI của CHÚA, tiếng nói mà bà Năm nghe được hôm đó chính là lời của Đức Thánh Linh.

Khi hiểu được như vậy, ông bà Năm mừng rỡ lắm. Đêm hôm đó, khi đọc quyển Kinh Thánh ông Tư Châu đưa, ông bà Năm cảm thấy đời mình tươi sáng, hạnh phước hơn. Càng đọc, càng thấu hiểu về sự tỏ bày từ Kinh Thánh. Chỗ nào không hiểu, họ lại tìm đến ông Tư Châu hay cô Bảy (là cháu ruột Mục Sư Phong chủ tọa Hội Thánh Tin Lành Thành Phố Cà Mau, hiện cô đang sinh hoạt cùng Hội Thánh Tin Lành Túc Trưng, Định Quán, Đồng Nai).

Rồi mỗi ngày, niềm tin nơi Chúa càng thêm mạnh mẽ, ông bà cùng các con quyết định tiếp nhận Ngài. Lúc đó vào khoảng đầu năm 1980. Người hướng dẫn ông bà tiếp nhận Chúa là gia đình bác Tư Châu và cô Bảy.

Từ khi biết Chúa, gia đình ông bà Năm thật bình an. Họ ca hát vui vẻ, không còn suy nghĩ về cái chết nữa. Chúa bắt đầu thay đổi từ tấm lòng cho đến hoàn cảnh sống, ông bà tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. Tôi còn nhớ, bởi tấm lòng yêu mến Chúa, ông Năm đã chèo thuyền suốt đêm để đưa vợ con đi thờ phượng Chúa tại Hội Thánh Tin Lành Tân Đức, Cà Mau vì nhà thờ cách nhà ông mấy chục cây số.

Sau bao năm bước đi với Chúa, Ngài đã ban phước dư dật trên gia đình cách lạ lùng, ông bà mua được nhiều ruộng đất, đồ dùng gia đình tiện nghi hơn. Sau đó, Ông Năm chuyển gia đình về xã Hải An, gần chợ Vàm Đầm để sinh sống. Ông trồng lúa, nuôi tôm, được mùa dư dật. Gia đình ngày càng khấm khá. Các con ông hiền hậu thông minh, học giỏi và có nhiều năng khiếu như đàn, vẽ…

Khi tôi viết bài này, ông Năm không còn nữa. Hơn ba mươi năm rao giảng Tin Lành khắp vùng, ông xuôi ngược trên các kênh đào, sông, rạch… Ông gieo ra được rất nhiều hạt giống. Những điểm nhóm Tin Lành mọc lên khắp nơi: từ Hải An, Vàm Đầm, đến kênh Thầy Bảy… Những thân mầm sống đạo cứ vươn lên, những lá mầm đức tin vẫn xanh tốt.

Bây giờ bà Năm sống bình an và hạnh phúc vui vẻ sum vầy bên con cháu. Bà siêng năng học Kinh Thánh và dành thời gian cho công việc Chúa. Anh Sơn, con trai ông, hiện cũng là chấp sự Hội Thánh Tân Đức (Cà Mau), con gái út và các cháu sinh hoạt ở Hội Thánh Tin Lành Cà Mau. Duy chỉ có một người con gái thứ, lấy chồng giáo viên ở Miền Đông, sinh hoạt tại Hội Thánh Túc Trưng, Định Quán, Đồng Nai. Người chồng đó chính là tôi, người đang gom góp những tư liệu, những kỷ niệm về tháng ngày của mẹ và cha trong gia đình vợ tôi, để kết nối và lắp ghép dựng lên một bức tranh lung linh kỳ diệu về sự nhiệm mầu của Chúa, Đấng Cứu Rỗi, Công Bình và yêu thương.

 

(Nguồn: Hạt Muối, 8/2011)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan