Thiên Tai – Con Người – Đức Chúa Trời

Share

Bạn thân mến,

Thế kỷ 21 sẽ là một thế kỷ của thiên tai.  Chỉ trong vòng 15 năm qua, tính riêng những trận động đất và sống thần mà thôi, trái đất của chúng ta đã có nhiều trận động đất khủng khiếp.  Tháng 12 năm 2004, Trận động đất cấp 9 ở dưới đáy Ấn Độ Dương đã gây nên một cơn sóng thần tsunami dữ dội tàn phá các vùng biển của các nước trong khu vực Nam Á đặc biệt Indonesia, giết chết gần 228.000 người trong đó có 170.000 ở Indonesia.  Đây là trận động đất và sóng thần giết chết nhiều người nhất trong lịch sử được ghi chép của nhân loại.  Năm 2010 động đất cấp 7 ở Haiti giết đi gần 160.000 người và hủy diệt 280.000 nhà cửa và tòa nhà.  Năm 2011 động đất cấp 9 vùng đáy biển Nhật Bản gây ra sóng thần Tohoku Tsunami khiến khoảng 16.000 người chết, san bằng 127.000 tòa nhà và gây hư hại nặng cho gần 300.000 tòa nhà khác.  Mới đây hai trận động đất vào tháng 4 và sau đó tháng 5 năm 2015 ở Nepal đã cướp đi sinh mạng của 7600 người, gây thương tích cho trên 16.000 người, hủy diệt 234.000 căn nhà và ảnh hưởng trầm trọng trên đời sống của hơn ba triệu người.

Những trận động đất, sóng thần, bão lụt hay các loại thiên tai khác –  tàn phá sinh mạng con người và cơ sở vật chất ở một cường độ rất lớn trong một khoảnh khắc rất ngắn – đã khiến bạn và tôi cũng như nhiều người dễ nghĩ đến câu hỏi “Tại sao Đức Chúa Trời cho phép thiên tai xảy ra?”   Một số rất đông trong những người đặt câu hỏi này với ý quy trách nhiệm cho Đức Chúa Trời.  Từ năm 1776, David Hume, một triết gia Anh, đã lập luận với ba ý “chỉ trích” Đức Chúa Trời:  (1) Nếu Chúa không thể ngăn ngừa được thiên tai thì rõ ràng là Ngài bất lực!  (2) Nếu Chúa có thể ngăn ngừa được thiên tai nhưng không ngăn ngừa thì Ngài thật độc ác!  (3) Nếu Chúa có lúc ngăn ngừa thiên tai ở nơi này rồi trong một lúc khác gây ra thiên tai ở nơi khác thì thì Sự Ác hủy diệt khởi nguồn từ đâu.

Đối diện với lập luận này, Tổng Giám Mục Anh Giáo địa phận York Jonh Sentamu cho biết:  “Tôi không thể nói được gì để giải thích cho hợp lý về thảm nạn này.  Tất cả những gì tôi biết được là sứ điệp về sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-su nói rằng Ngài đang ở với chúng ta.”  (I have nothing to say to make sense of this horror – all I know is that the message of the death and resurrection of Jesus is that he is with us).  Ở đây, chúng ta có thể thấy John Sentamu, đứng từ vị trí của một Cơ Đốc Nhân, có ý nói rằng chúng ta không thể nào hoàn toàn giải thích được tại sao những trận thiên tai kinh hoàng có thể xảy ra.  Nhưng chúng ta biết rằng Chúa Giê-su, đấng đã chết và đã sống lại luôn ở cùng chúng ta.  Cũng từ vị trí đó, một tu sĩ bề trên Công Giáo Canon Giles Fraser cho rằng hãy đáp ứng với thiên tai bằng cách  “đừng lý luận nhưng hãy cầu nguyện”.   Dĩ nhiên, từ vị trí là một người tin kính Chúa, tâm tình của John Sentamu, Giles Fraser và chúng ta không chỉ ở mức tìm một giải thích ‘triết lý’ hay hợp lý về tại sao thiên tai hiện hữu trên thế giới hay cầu nguyện suông cho nạn nhân và vùng đất bị thiên tai.  Trong cơn hoạn nạn, chúng ta cam kết làm điều cụ thể và tích cực nhất là đáp ứng bằng lòng thương xót, hành động góp phần cứu trợ và cầu nguyện không những chỉ cho nạn nhân và nơi bị tàn phá mà còn cho sự ‘chữa lành’ và tái thiết của họ và đất nước họ nữa.

Dù vậy, tôi nghĩ là chúng ta nên chia sẻ thêm với nhau vài giải thích làm sáng tỏ hơn mối quan hệ giữa thiên tai, con người và Đức Chúa Trời.

1.  Thiên tai là một sự vận hành tự nhiên của thiên nhiên để giữ sự quân bình cho chính nó và qua đó duy trì sự sống của muôn loài trên trái đất.  

Lấy một thí dụ điển hình là động đất.  Các nhà địa chất học và địa chấn học cho biết trái đất của chúng ta không phải là một khối đặc cứng.  Lõi trong của trái đất là một khối đặc nóng 5.500 độ C với sắt và nickel là hai thành phần chính.  Bọc quanh lớp lõi trong này là một lõi ngoại vi cũng với sắt và nickel nhưng ở thể lỏng với sức nóng tương tự.  Rồi đến một lớp dày khoảng 2.900 km có độ nóng vài ngàn độ C với phần phía dưới của nó trong thể đặc và càng lỏng dần khi càng đến gần vỏ trái đất để tạo nên phần trên là dung nham (núi lửa).  Vỏ của trái đất có độ dày khác nhau nhưng với chỗ dày nhất là 60 km thì võ trái đất rất mỏng so với toàn khối dung nham và nham thạch ở bên dưới.  Với cấu trúc này thì vỏ của trái đất bao gồm đất liền và đáy biển là những khoảnh đất mỏng ‘trôi nổi’ trên khối chất lỏng khổng lồ đó.  Sức tổng hợp lại của mưa, bão, tuyết, băng hà, lực hấp dẫn trái đất, nhiệt độ trái đất, chuyển động của khoảnh đất này trên chất lỏng vv… làm nên một sức bào mòn rất mạnh những khoảnh đất này.  Nếu không có những chuyển động làm trổi lên những khoảnh đất thay vào chỗ bị bào mòn như vậy, thì đến một lúc nào đó, những khoảnh đất của vỏ trái đất mà chúng ta đang sống ở trên sẽ bị chìm xuống dưới khối chất lỏng dung nham.  Những chuyển động này sinh ra động đất.  Động đất phá hủy mọi sự sống trong tầm hoạt động của nó nhưng đồng thời nó cũng khiến cho những khoảnh đất khổng lồ khác tiếp tục ‘trôi nổi’ không bị chìm xuống và do đó nó giúp giữ gìn mọi sự sống những khoảnh đất khổng lồ này.  

Vậy nên theo khoa học thì động đất nói riêng và thiên tai nói chung là những vận hành tự nhiên của thiên nhiên để giữ sự quân bình cho chính nó và qua đó duy trì sự sống của muôn loài trong thiên nhiên?  Nếu bạn không tin Chúa hiện hữu mà chỉ tin vào kiến thức và sự giải thích hợp lẽ khoa học thì bạn có nghĩ rằng giải thích này là đầy đủ rồi không?  Hay bạn đang có một ý niệm về Chúa hiện hữu và bạn sẽ thắc mắc tại sao Đức Chúa Trời không làm cho thiên nhiên vận hành sự quân bình của nó theo cách không có động đất hay thiên tai xảy ra.  Mời bạn và tôi nghe giải thích thứ 2.

2.  Thiên nhiên không thể vận hành tự điều hòa chính nó theo cách không có thiên tai xảy ra vì thiên nhiên đã bị hư hoại bởi tội lỗi của con người.  Dù vậy trong mọi sự Đức Chúa Trời có chương trình yêu thương lạ lùng cho mỗi người chúng ta.

Lời Chúa cho biết tội lỗi đem đến sự hư hoại của cả con người lẫn thiên nhiên.  Tội lỗi của con người chúng ta dẫn đến bệnh tật, sự chết thân thể và hư mất linh hồn (Sáng Thế 2.17-18; Ê-xê-chiên 18.4,20;  Rô-ma 3.23 và 6.23 xem thêm Giăng 3.16;  Khải Huyền 20.11-15 vv).  Tội lỗi cũng làm thiên nhiên trở nên hư hoại.  Kinh Thánh cho biết tình trạng này:  19 Tạo vật nôn nóng tha thiết trông chờ sự hiện ra của các con cái Đức Chúa Trời. 20 Vì tạo vật quy phục sự hư ảo, không phải do tự nguyện, nhưng do Đấng bắt chúng quy phục trong hy vọng, 21 bởi vì chính tạo vật sẽ được giải phóng khỏi làm nô lệ cho sự hư nát để được tự do vinh quang của con cái Đức Chúa Trời (Rô-ma 8.19-21, Bản Dịch 2002).  Bởi trở nên hư hoại nên thiên nhiên sinh ra thiên tai để làm quân bình dòng sự sống của chính nó!  

Nếu bạn và tôi TIN có một Đức Chúa Trời sáng tạo mọi sự tốt lành, nếu chúng ta TIN rằng tội lỗi làm hư hoại cả con người lẫn thiên nhiên thì chúng ta không gặp khó khăn để nhận ra rằng sau cùng chính con người chúng ta là nguồn gốc sâu xa của thiên tai.  Có lẽ bạn và tôi nên thay đổi câu hỏi “Tại sao Đức Chúa Trời cho phép tai họa thiên nhiên xảy ra?” thành câu hỏi “Tập thể loài người chúng ta đã làm gì khiến thiên nhiên bị hư hoại đến mức sinh ra những thiên tai kinh khủng, dù là để điều hòa chính nó và sự sống trên đất?”  Xin bạn đừng hiểu lầm nhé!  Chúng ta không vội vã gán ghép một ai đó hay một tội nào đó là nguyên nhân của một thiên tai ở đây hay ở đó.  Chúng ta không thể nói một cách võ đoán và vô trách nhiệm rằng Tsunami 2004 tàn phá vùng duyên hải Thái Lan vì nước này là cái nôi của kỹ nghệ mãi dâm.  Điều tôi muốn nói là mức tội lỗi của toàn thể nhân loại, trong đó có chính tôi, là một trong những nguyên nhân của các thiên tai.

Nói đến đây thì các triết gia vô thần và nhiều người khác đưa lên câu hỏi mà người tin kính Chúa cần suy gẫm:  “Thế thì những vị có đức tin hay có tôn giáo nào đó cho chúng tôi biết những bà mẹ, những người cha, con trẻ còn bú vv… đã bị thiên tai giết đi – họ là gì đối với Đức Chúa Trời?”  

Tôi đã vật lộn với câu hỏi này trong rất nhiều năm.  Tôi đề nghị chúng ta suy nghĩ về ý thức trong trả lời của Tổng Giám Mục John Sentamu, rằng trong mọi sự sống và chết, Chúa hằng ở cùng chúng ta.  Đức Chúa Trời cao sâu hơn tất cả những gì con người thọ tạo chúng ta có thể nghĩ đến.  Có một câu nói rằng nếu chúng ta hiểu được mọi sự về Đức Chúa Trời thì cái Đức Chúa Trời mà chúng ta hiểu được đó không phải là Đức Chúa Trời.  Chúng ta không thể hiểu được chiều cao, chiều sâu và chiều rộng của quyền năng và tình yêu thương lớn lạ của Ngài.  Chúng ta không thể dùng suy nghĩ dựa vào thế giới và quy luật đạo đức xã hội của chúng ta để làm thành một khuôn khổ đạo đức và sau đó đem Đức Chúa Trời vào trong khuôn khổ đạo đức đó để bắt lỗi Ngài vì Ngài có một chương trình mà chúng ta chưa hiểu được và chương trình này không hoạt động theo cái ‘logic’ của chúng ta.

Đức Chúa Trời có một chương trình mà chúng ta không thể hiểu được.  Ngài đã yêu thương mỗi người chúng ta đến nỗi Ngài đem Chúa Giê-su đến thế gian chết thay cho tội lỗi và hình phạt của mỗi người chúng ta; Ngài đã sống lại để ban sự sống “thắng sự chết” thật vĩnh phúc cho mỗi người chúng ta.  Dù chúng ta đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chúa vẫn tuôn đổ trên chúng ta dòng yêu thương, sáng tạo và ơn sức lạ thường của Ngài; đức tin của chúng ta giúp chúng ta sống trong dòng yêu thương, sáng tạo và ơn sức lạ thường đó;  chúng ta nhận được từ Ngài một nguồn an ủi, hy vọng và ơn sức trong nghịch cảnh.  Và như vậy, chúng ta vẫn có câu hỏi tại sao thiên tai xảy ra nhưng chúng ta có câu gốc cho đời sống trong thiên tai hay nghịch cảnh – hãy sống trong dòng yêu thương của Đức Chúa Trời để vươn lên trong mọi nghịch cảnh. Sống trong TÌNH YÊU THƯƠNG của Ngài tức là sống yêu thương người khác.  Tôi ước ao và xin Chúa thêm sức cho tôi, vì tôi không làm bằng sức mình được, rằng tôi có thể yêu thương mọi người chung quanh nhiều hơn và chân thành hơn.  Với tình yêu thương đó chúng ta có thể làm được một số việc để tránh được hay giảm thiểu được sự hủy diệt của thiên tai.   Lời và lòng cầu nguyện chân thành có thể khiến Đức Chúa Trời can thiệp vào thiên nhiên bất toàn để thiên tai không xảy ra (Giô-na 3.1-10;  Gia-cơ 5.17).  Tích cực dùng mọi phương tiện khoa học kỹ thuật cũng giúp chúng ta tránh được các thiên tai hay giảm thiểu được tầm hủy diệt của chúng.  

Nói đến đây chắc bạn cũng hình dung ra được một phần mức thương vong hủy diệt của thiên tai nhiều khi không do chính thiên tai gây ra nhưng do những sai phạm nghiêm trọng của con người.  Trận động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, vào ngày 12/5/2008, dù ở cấp 7.8 nhưng cũng không thể gây đến mức 69.000 người chết, 292.000 người bị thương, 18.000 người mất tích – đặc biệt với một tỷ lệ trẻ em rất cao.  Lối xây cất ăn gian vật liệu và nạn tham nhũng trong kỹ nghệ xây cất là nguyên nhân đưa số thương vong và thiệt hại lên đến mức cao như vậy.  Nhiều khu chung cư và trường học đã mau chóng sụp đổ toàn phần khiến tỷ lệ trẻ em thương vong cao bất thường.

3.  Lối sống phá hoại thiên nhiên của con người là một nguồn sinh ra những thiên tai.  

Nói một cách khác lối sống phá hoại thiên nhiên của con người ở khắp nơi trên thế giới là nguyên nhân gây ra những thiên tai ‘nhân tạo’.  Phá rừng thì lũ lụt theo mùa mưa mà đến.  Ngăn đê hay xây đập nước một cách vô trách nhiệm làm cho khô hạn vùng này mà lũ lụt vùng khác.  Lượng khí thải của những thế kỷ “công nghiệp hóa” đã qua và trong những thế kỷ sắp tới tiếp tục sinh ra thêm hiệu ứng nhà kiếng mà theo nhiều nhà khoa học sẽ làm đại lục băng Nam Cực tan chảy – sẽ khiến nhiều vùng đất rộng lớn, thậm chí nhiều quốc gia ‘đảo” nằm giữa đại dương sẽ bị chìm dưới đại dương trong tương lai.  Cũng hiệu ứng nhà kiếng này sẽ làm nên những thay đổi lớn và nghịch thường về thời tiết và khí hậu làm tổn hại nặng không những cho sự trồng trọt và chăn nuôi mà cho cả sức khỏe của mọi sinh vật trên thế giới.  Còn nhiều thứ con người chúng ta làm để sinh ra thiên tai ‘nhân tạo’ mà bạn và tôi chưa kể đến ở đây.

Bạn thân mến, thiên tai hủy diệt sinh mạng và tài sản của mọi người – từ người gian ác cho đến người đạo đức, từ người không tôn giáo đến người có tôn giáo, từ người chống nghịch Chúa đến người tin kính Chúa.   Là một người tin kính Chúa, tôi hiểu rằng rất khó để có thể giải thích tại sao Chúa cho phép thiên tai hủy diệt kinh hoàng xảy ra.  Tôi cũng hiểu rằng rất khó để hiểu được tội lỗi của tập thể loài người chúng ta đã tác động như thế nào khiến cho thiên nhiên ‘hư hoại’ sinh ra những thiên tai để làm quân bình sự sống trên trái đất.  Những cái khó hiểu trên đây không làm tôi thất vọng và tiêu cực.  Trái lại chúng giống như là cái nền làm nổi bật những điều tôi “biết” và “tin” chứa đầy hy vọng, bình an, tin kính và yêu thương trong tôi.  Tôi ghi lại vắn tắt đây nhé:  

(1) Chúa luôn ở cùng mỗi người chúng ta trong mọi lúc mọi nơi, trong lúc vui thỏa cũng như thiên tai.  Chúa cao sâu vô cùng nên chúng ta không thể đặt Ngài vào  trong phạm trù hay khung đạo đức của con người chúng ta để bắt lỗi và chỉ trích Chúa tại sao Ngài để cho thiên tai xảy ra.

(2) Tôi tin vào tình yêu thương quan phòng lạ lùng của Đức Chúa Trời  Ngài có một chương trình mà chúng ta không thể hiểu được.  Ngài đã yêu thương mỗi người chúng ta đến nỗi Ngài đem Chúa Giê-su đến thế gian chết thay cho tội lỗi và hình phạt của mỗi người chúng ta; Chúa Giê-su đã sống lại để ban sự sống “thắng sự chết” thật vĩnh phúc cho mỗi người chúng ta.  Vì vậy chúng ta tin chắc rằng phía sau mọi nghịch cảnh và thiên tai vẫn có bàn tay quan phòng của Ngài làm nên những điều xây dựng chúng ta ngoài tầm hiểu biết và cảm nhận của chúng ta.  Chúa Giê-su nói rằng dù chúng ta đang ở trong bất cứ thuận cảnh hay nghịch nào thì Ngài vẫn đang tuôn tràn dòng sáng tạo và sự sống yêu thương lạ thường của Ngài vào trong chúng ta.   

(3) Thiên tai nhắc chúng ta hãy yêu thương và quý trọng lẫn nhau.  Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta, vì chúng ta khó làm được điều này bằng sức con người của mình, sống kính yêu Chúa và yêu thương người khác (Lê Vi 19.18;  Phục Truyền 6.4-6; Mác 12.28-31)

Điều lớn nhất và ưu tiên nhất mà chúng ta cần trong thiên tai hay nghịch cảnh không phải là những giải thích logic toàn vẹn về tại sao chúng có thể xảy ra, mặc dù đó là điều cần suy gẫm. Điều lớn nhất và ưu tiên nhất mà chúng ta cần trong thiên tai hay nghịch cảnh chính là sự an ủi, hy vọng, tình yêu và ơn sức vươn lên lạ lùng.   Chỉ có mối quan hệ mật thiết giữa con người chúng ta và Đức Chúa Trời mới cung cấp được cho chúng ta những điều này. 

 

 

Naphtali

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan