Làm sao chúng ta nhận biết được giá trị của một điều nào đó?
Giá trị thường được định đoạt bằng hai yếu tố. Thứ nhất, người có thẩm quyền cao nhất trong lãnh vực định giá cho biết mức giá trị của nó. Cùng là hai cái nhẫn vàng nhìn giống như nhau, nhưng người thợ bạc chuyên nghiệp có thể nói cho chúng ta biết cái nhẫn nào có giá trị hơn. Thứ hai, những gì mà điều đó cống hiến cho cuộc sống thực tế của con người. Trong sa mạc không có người, không có nước và không có cách đi đến nơi có người ở — thì một bao giấy bạc 1 triệu đô la Mỹ còn thua một bình nước uống.
Là người tin kính Chúa, chúng ta thấy ngay lập tức giá trị của một người là do cái nhìn của Chúa về người đó và do những gì mà người đó có thể cống hiến cho chính mình, gia đình, hội thánh và xã hội. Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy rằng thờ phượng là một trong những nguồn sinh ra những giá trị và địa vị cao quý của con người chúng ta; và thờ phượng biến đổi con người chúng ta trở nên những nguồn phước cho người khác. Xin sẻ chia với bạn đọc loạt bài tâm tình gồm những bài viết ngắn về giá trị của sự thờ phượng với bài khởi đầu hôm nay có tựa đề “Thờ Phượng Làm Nên Sự Khác Biệt Giữa Con Người Và Loài Thú”.
1. Con người phạm tội gian ác hơn loài thú.
Từ khi tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va phạm tội. Tội lỗi đã lan truyền vào trong thế gian. Kinh Thánh cho biết, “Lòng người ta là dối trá hơn muôn vật, Và rất là xấu xa. Ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17.9). Chúng ta đang sống trong một thế giới mà càng ngày con người càng buông mình trong những hành động tội lỗi với những tấm lòng độc ác không thể tưởng tượng được.
Hãy tạm kể ra ở đây vài biến cố tà ác làm chấn động thế giới:
— Ngày 12 tháng 2 năm 1993 tại Liverpool nước Anh, bé Patrick James Bulger, mới hai tuổi, bị bắt cóc, hành hạ và giết chết một cách dã man bởi Robert Thompson và John Venables. Robert và John chỉ là hai cháu thiếu niên mới 10 tuổi.
— Một bà mẹ người Pháp tên là Veronique Courjault, nay 47 tuổi, vào ngày 18 tháng 6 năm 2009 đã bị tuyên án về tội giết ba đứa con vừa mới sinh vào các năm 1999, 2002 và 2003. Veronique khai rằng đã thiêu xác hài nhi đầu tiên trên lò sưởi.
— Ngày 29 tháng 8 năm 1984, một người cha tên là Josef Friztl, lúc đó đã 59 tuổi, lừa con gái của mình là Elisabeth mới 18 tuổi vào hầm nhà (basement) để giam giữ, cưỡng hiếp và bạo hành trong suốt 24 năm trời. Elisabeth mang thai sinh ra bảy người con và một lần xảy thai. Friztl đã che giấu một tội ác của mình một cách tinh vi bằng cách ngụy tạo ra thư “bỏ nhà ra đi” của Elisabeth, ngụy tạo ra chuyện có người “bỏ rơi” ba đứa con của Elisabeth trước cửa nhà để vợ chồng y nhận chúng làm con nuôi, và giam Elisabeth cùng ba đứa con khác cho đến khi bị bắt vào ngày 26 tháng 4 năm 2008. Trong suốt 24 năm đó, không một ai ở quận Amtestten (Austria) là nơi gia đình Fritzl sinh sống, kể cả cảnh sát “đánh hơi” được sự kiện kinh khủng này.
Chúng ta không thể đơn giản và vội vàng nói rằng những tội ác kinh hoàng ở trên chỉ là một vài trường hợp đơn lẻ cá nhân, để rồi dựa trên những ưu điểm về tri thức, sự khôn ngoan, khả năng sinh tồn và tiến hóa hay những tiến bộ trong các lãnh vực khoa học và xã hội vv… để thuyết giảng rằng con người là một sinh vật có nhân cách hay là một chủng loại cao hơn tất cả các loài thú.
Hiếm khi chúng ta tìm được một con chó phản chủ nhưng từ xưa đến nay, trong xã hội loài người, người phản bội người là chuyện xảy ra như cơm bữa. Những loài thú dữ như hổ, báo, sư tử săn giết những con thú khác theo bản năng kiếm ăn sinh tồn. Khi đã no nê thì chúng không còn đi săn giết nữa trong khi con người giết nhau không ngừng vì tham vọng vô đáy và lòng thù hận không bao giờ chấm dứt. Hổ, báo và sư tử không biết suy nghĩ và làm được những kế hoạch giết hại hay lưu đày hàng chục triệu người dân của mình hay hàng trăm dân tộc khác như các bạo chúa của các đế quốc Ai-cập, đế quốc Ba-by-lôn, Đức Quốc Xã, Quân Phiệt Nhật Bản, Liên-sô (Lenine và Staline), Trung Quốc (Mao Trạch Đông với thời kỳ Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa…). Chúng ta không thể quên rằng những bạo chúa này phải có được sự cộng tác của nhiều thành phần khác nhau từ bình dân đến trí thức để có thể làm nên những tội ác kinh khủng như vậy.
2. Giá trị của con người là do được Đức Chúa Trời dựng nên để có mối tương giao và truyền thông với Ngài và bởi đó mà khác loài thú.
Dù con người từ xưa đến nay đã xấu xa tội lỗi đến đâu đi nữa, Kinh Thánh vẫn nói đến một sự khác biệt giữa con người và loài thú. Kinh Thánh nói rằng con người có một địa vị đặc biệt chỉ dưới Đức Chúa Trời nhưng cao trọng hơn muôn loài (Thánh Thi 8.1-8).
Hãy so sánh vài phần Kinh Thánh nói về cách Chúa dựng nên loài người và loài thú để nhận biết điều khác biệt lớn lạ này:
CHÚA, Đức Chúa Trời nắn lên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống (Sáng Thế 2.7).
CHÚA, Đức Chúa Trời lấy đất nắn nên mọi thú đồng và mọi chim trời rồi đem đến cho người để xem người đặt tên chúng là gì; và bất cứ tên gì người gọi mỗi sinh vật đều thành tên riêng của nó. A-đam đặt tên cho tất cả các loài gia súc, chim trời và thú rừng (Sáng Thế 2.19-20).
Hình ảnh người và thú đều được Chúa dùng đất nắn lên nói đến người và thú đều giống nhau ở chỗ có thân thể, cảm xúc, tâm tính và ý muốn. Chúng ta khóc than khi gặp cảnh đau buồn hay bất hạnh. Con chó biết sủa khóc đau đớn khi bị chủ bỏ ngoài trời lạnh hay đánh đập vô cớ. Hai người nam sẽ tranh chiến bằng cách này hay cách nọ để có được trái tim của người nữ mà họ đều yêu. Hai chú gà trống đá nhau để quyết định ai sẽ “cặp’ với cô gà mái. Chúng ta không thể vui vẻ một cách vô tình khi người thân yêu đau bệnh. Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.
Tiếp tục so sánh hai phần Kinh Thánh ở trên chúng ta thấy rõ chỉ có con người được Chúa hà sinh khí là thần linh của Ngài và cũng là nguồn sự sống cho họ. Sự hà hơi này làm cho chỉ riêng con người có linh hồn; và linh hồn này quý hơn cả thế gian (Ma-thi-ơ 16.26).
Thêm nữa, Sáng Thế Ký 1.26-28 cho biết là Chúa dựng nên con người theo “hình ảnh” của Ngài. “Hình ảnh” ở đây không phải là nói về vóc dáng thân thể thể lý nhưng nói đến những bản tính và mỹ đức của Chúa mà Chúa đặt vào lòng con người như yêu thương, công bình, lương tâm phân biệt thiện và ác, trí tuệ khôn ngoan, ý hướng thánh khiết vv.
Vì được Chúa dựng nên theo “hình ảnh” của Ngài và nhận sự “hà hơi” hay nhận thần sự sống của Ngài như vậy nên chỉ có con người mới có thể tương giao và truyền thông với Đức Chúa Trời và chỉ có con người mới được Ngài ban địa vị là “Elohim”, là “thần”, tức là địa vị là con của Đấng Chí Cao (Thánh Thi 82.6) với chức năng quản trị muôn loài (Sáng Thế 1.26-28, 2.19-20).
Điều làm cho con người khác với loài thú, giá trị cao quý chỉ riêng con người mới có được, chính là do con người có địa vị là con cái của Đức Chúa Trời, mang lấy bản thể của Ngài và do đó là loài duy nhất có thể tương giao và truyền thông với Ngài.
3. Thờ phượng là điều làm nên sự khác biệt giữa con người và loài thú, và là nguồn gốc của một đời sống thành công và tận hưởng địa vị cao quý là con người.
Mối tương giao và truyền thông đặc biệt chỉ có giữa con người với “trời” này tạo nên một ý thức thờ phượng có sẵn trong mỗi một người chúng ta.
Cho dù con người phạm tội sống theo ý riêng của mình mà không nhận biết Ngài để tôn thờ Ngài, để rồi tôn thờ những con người khác (cũng bất toàn) hay thậm chí tôn thờ những loài thú hay những tạo vật thiên nhiên (đá, núi, sông, sấm sét, mặt trời vv) – nhưng ý thức thờ phượng đó vẫn vận hành trong tâm hồn và tâm linh của con người. Tận sâu thẳm trong lòng con người, dù là người có niềm tin, tôn giáo hay vô thần – nhất là đến lúc gần chết – ai cũng có một ý niệm về một đấng chủ tể mà mình sẽ phải đối diện.
Ý thức thờ phượng sinh ra hành động thờ phượng. Loài thú không có ý thức và hành động thờ phượng. Con người thờ ai hay thờ cái gì thì sẽ trở nên giống thần mình thờ phượng (Thánh thi 135.16). Một khi con người sống với ý thức và hành động thờ phượng thì con người mới hoàn toàn thật sự là là con Đức Chúa Trời và thật sự cao trọng hơn loài thú. Thờ phượng Chúa là điều làm nên sự khác biệt giữa con người và loài thú.
Rất đáng tiếc là nhiều người đã từ khước giá trị cao quý Chúa ban cho mình. Họ không ý thức được rằng những bản tính và mỹ đức của Ngài trong con người chúng ta là nguồn gốc sâu xa của những điểm ưu việt của con người như tri thức, khôn ngoan, khả năng sinh tồn và những tiến bộ trong các lãnh vực khoa học và xã hội vv…. Họ không cảm tạ và tôn thờ Chúa Sáng Tạo. Họ kiêu ngạo cho rằng chính con người là nguồn gốc của mọi điều lớn lạ này. Họ đang thờ phượng chính mình! Họ thờ phượng những gì làm họ thỏa mãn lòng dục của mình như tiền của, danh vọng, sự thành công bề ngoài, danh tiếng đạo đức vv…
Khi con người khi sống theo sự kiêu ngạo hay dục vọng của xác thịt mà không thờ phượng Đức Chúa Trời, sống không theo Lời Chúa, thì họ sẽ như loài thú sinh ra rồi bị săn bắt, hủy diệt và chết. Phê-rơ đã khẳng định điều này như sau:
Đặc biệt là những người chạy theo những dục vọng hư hoại của xác thịt, khinh dễ uy quyền. Những người ấy hỗn láo, kiêu căng không sợ phạm đến các đấng vinh quang… Những người này phạm thượng đến những việc mà họ không hiểu. Họ như loài vật vô tri, sinh vật của thiên nhiên, được sinh ra để bị săn bắt và hủy diệt, họ cũng như thú vật rồi sẽ chết mất. – 2 Phê-rơ 2:10,12
Kết cuộc của những cuộc đời kiêu ngạo luôn luôn là thảm bại và sụp đổ. Hậu quả của sự thờ phượng con người, dù là tôn thờ một hay nhiều người nào đó, hay tôn sùng cái tôi của mình, sau cùng vẫn là nỗi thất vọng sâu thẳm. Người càng mê tín dị đoan thờ lạy vong linh hay tà thần càng bị ma quỷ trói buộc và thậm chí cai trị dẫn đưa đến sự hủy hoại tâm hồn và cả thân thể. Kết quả sau cùng của mọi loại thờ phượng này là cùng với ma quỷ bị hư mất trong hồ lửa đời đời (Khải Huyền 20.14-15).
Nói đến ý thức và “hành động” thờ phượng, chúng ta không thể không nói đến sự kiện ma quỷ đang tìm mọi cách để phá hoại và hủy diệt ý muốn tốt lành của con người chúng ta là muốn biến ý thức thờ phượng thành hành động thờ phượng và sau đó thành nếp sống thờ phượng. Ma quỷ không muốn con người thờ phượng Đức Chúa Trời. Nó tìm mọi cách che mắt, lừa dối và cám dổ để những người có ý thức thờ phượng, đặc biệt những người chưa biết đến Chúa, bị lầm lạc vào chỗ hoặc là chối bỏ sự hiện hữu của Ngài hoặc là thờ phượng bất cứ một điều gì hay một ai, miễn đó không phải là Đức Chúa Trời. Ma quỷ muốn mọi người không thờ phượng Chúa như nó để con người tự làm mình xuống cấp thành loài thú, và sẽ cùng chung với nó số phận đời đời trong hồ lửa địa ngục.
Nhưng mọi quỷ kế tối tăm của ma quỷ không vượt qua được tình yêu đầy sự khôn ngoan và quyền năng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời yêu thương mỗi một người chúng ta. Ngài không muốn một ai bị hư mất trong tội lỗi. Ngài có chương trình cứu chuộc mọi người. Ngài dùng mọi cách để mở lòng mở trí chúng ta, giúp chúng ta nhận biết Ngài, giúp chúng ta biến ý thức thờ phượng thành hành động tin nhận Ngài và thờ phượng Ngài.
Theo chương trình của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su đã đến thế gian để chết thay cho tội lỗi của con người, giải phóng người tin nhận Ngài làm chủ đời sống của mình ra khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Ngài phục sinh sống lại vinh hiển để làm cho chúng ta trở nên một con người mới được “tái sinh” với ơn quyền sống đắc thắng tội lỗi và sự chết. Sau khi phục sinh ở với các môn đệ trong 40 ngày, Chúa Giê-su đã về trời và theo lời Ngài hứa ban, Đức Thánh Linh được ban trọn vẹn cho chúng ta.
Đức Thánh Linh vận hành sức sống biến đổi thần linh, tâm hồn và thân thể của chúng ta qua việc chúng ta xây dựng mối tương giao và truyền thông với Đức Chúa Trời. Đừng coi thường nhưng hãy trung tín cầu nguyện, học Kinh Thánh, tham gia các buổi nhóm, các công việc phục vụ vv… để Đức Thánh Linh gia tăng trong chúng ta sức sống của những bản tính của Chúa như tình yêu thương, sự bình an, tính công bình, lương tâm phân biệt thiện và ác, sự khôn ngoan của Chúa, năng quyền sống thánh khiết và phục vụ, sức phục hồi sau những lần yếu đuối phạm tội vv.
Công tác của Đức Thánh Linh là giúp chúng ta giống Chúa Giê-su. Phao-lô cho biết
Vì những người Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định trước cho họ nên giống như hình ảnh Con của Ngài để Con này trở thành con cả giữa nhiều anh chị em. Những người nào Ngài đã định trước thì Ngài cũng đã kêu gọi; những người Ngài đã kêu gọi thì Ngài cũng đã làm cho trở nên công chính, người nào Ngài đã làm cho công chính thì Ngài cũng đã tôn vinh. (Rô-ma 8.29-30)
Đức Thánh Linh vận hành như vậy để chúng ta tận hưởng đời sống vui mừng và sung mãn mọi mặt trong Chúa; để chúng ta làm chứng cho những người khác tìm đến và tiếp nhận Ngài để họ cũng có và tận hưởng một đời sống phước hạnh và thỏa lòng như chúng ta; và làm chúng ta được sẵn sàng cho ngày Chúa Giê-su trở lại tiếp nhận chúng ta vào nước Đức Chúa Trời vĩnh phúc.
Kết luận:
Giá trị của con người chúng ta không phải do chính con người chúng ta định giá qua những gì chúng ta thành đạt, tiến bộ hay do chúng ta tự khẳng định mình là ai. Giá trị cao quý chỉ riêng con người mới có được, điều làm cho con người khác với loài thú, chính là do Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta với địa vị là con cái của Ngài và mang lấy bản thể của Ngài để chúng ta có một mối tương giao và truyền thông kỳ diệu với Ngài. Mối tương giao và truyền thông kỳ diệu đó là THỜ PHƯỢNG. Khi chúng ta sống và hành động thờ phượng Chúa là khi chúng ta làm nên sự khác giữa con người và loài thú. Thờ phượng là nguồn sinh ra mọi điều tốt lành, chữa lành và biến đổi đời sống tâm linh, tâm hồn và thân thể con người chúng ta. Người thờ phượng sẽ là người được Chúa dùng để biến đổi người khác, gia đình và xã hội.
Càng thờ phượng Chúa tức là càng đến gần Ngài thì chúng ta càng trở nên giống Chúa Giê-su. Hãy ý thức điều này và ghi tạc trong trí và tấm lòng mình. Hãy giữ gìn giá trị và địa vị cao quý là con người của chúng ta bằng một đời sống thờ phượng Chúa một cách “hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức” (Mác 12.30a). Hãy xây dựng một đời sống thờ phượng Chúa như vậy bằng cách giữ mình được đầy dẫy Thánh Linh để có thể ca ngợi và tôn vinh Chúa bằng linh thần, tâm hồn, trí tuệ và cả thể chất của mình như Phao-lô kêu gọi: “nhưng hãy đầy dẫy Thánh Linh. Hãy dùng thánh thi, thánh ca và ca khúc thiêng liêng mà đối đáp nhau, hãy hết lòng đàn ca chúc tụng Chúa.” (Ê-phê-sô 5.19b-20). Hãy giữ gìn mối quan hệ tương giao đặc biệt giữa con người và Đức Chúa Trời đặc biệt bằng sự cầu nguyện, cảm tạ (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5.16-18; Phi-líp 3.4-6) và sự nhóm hiệp lại để tôn thờ Chúa, thông công với nhau và phục vụ mọi người (Hê-bơ-rơ 10.25). Hãy chứng tỏ đời sống đó bằng cách suy nghĩ, nói, làm và tiếp nhận vào lòng của chúng ta những điều gì khiến cho người khác nhìn biết được sự vinh hiển và tình yêu thương cứu chuộc của Ngài. Hãy xin Chúa giúp chúng ta sống là “muối và ánh sáng” cho thế gian (Ma-thi-ơ 5.13-16).
Cảm tạ Chúa vô cùng vì Ngài đã dựng nên chúng ta là những con người có ý thức thờ phượng, và đã mở lòng và trí của chúng ta để nhận biết và thờ phượng Ngài.
Hẹn gặp lại nhau trong bài thứ hai kế tiếp “Người Thờ Phượng Chúa Là Người Có Giá Trị Tột Đỉnh Đối Với Chúa” và mong sẽ được tiếp tục với bài thứ ba “Ý Nghĩa Và Bốn Chiều Không Gian Của Sự Thờ Phượng.
Phạm Phi Phi & Người Dọn Đường