Vương Quyền Thống Trị – Phần 1

Share

Chúa ban vương quyền thống trị & Cuộc chiến dành lại vương quyền thống trị

Khi nhìn sai trật và thiếu sót về địa vị Cơ đốc nhân của mình, chúng ta sẽ không thấy rõ chúng ta là “con cái có quyền phép” (Giăng 1:12 BTT 1925). Nguyên văn là exousia nghĩa là đặc ân, quyền hợp pháp/pháp lý, quyền làm chủ, quyền năng, thẩm quyền, năng lực. Đây là “vương quyền thống trị” Chúa ban lại cho chúng ta từ buổi sáng thế (Sáng Thế 1:28) để đắc thắng ma quỷ và thế gian (1 Giăng 2:13-14) và thành công trong mục vụ mà Chúa kêu gọi. Khi có cái nhìn sai trật và thiếu sót này, chúng ta sẽ không biết chắc về và tận hưởng một sự “sống sung mãn” mà Chúa ban cho để có thể kinh nghiệm được Ngài trong mỗi ngày (Giăng 10:10). Chúng ta sẽ không hiểu sâu xa những gì Chúa kêu gọi mình làm và sống theo, và bởi đó mà chúng ta không thể cầu nguyện cách sâu nhiệm. Chúng ta sẽ không vận hành được các ân tứ thuộc linh, các thẩm quyền, những nguồn vui thỏa và phước hạnh của “chức vụ” mà Chúa ban cho mình. 

Những điểm “không” này sẽ khiến cho chúng ta dễ hiểu sai rằng mọi thành công đã đạt được là do sự khôn ngoan và năng lực của mình để rồi dễ trở nên kiêu ngạo và lạm dụng chức vụ và quyền năng Chúa ban. Ngược lại trong những khi thất bại thì chúng ta dễ nản lòng, trách móc Chúa để rồi thối lui, bỏ cuộc.

Trong tình trạng hiểu thiếu sót và sai trật về địa vị Cơ đốc nhân của mình như vậy, chúng ta càng dễ dàng bị Satan và ma quỷ dùng những mưu kế quỷ quyệt lừa dối. Kinh Thánh nói rõ rằng dân sự Chúa “chết vì thiếu hiểu biết” (Gióp 36:12), bị “lưu đày vì thiếu hiểu biết” (I-sa 5:13) và “bị hủy diệt vì thiếu hiểu biết” (Ô-suê 4:6). Điều nguy hiểm nhất là trong những lúc đó đời sống đức tin của chúng ta sẽ có thể bị xuống cấp đến mức chúng ta bị biến chất trở nên những người theo đạo Giu-đa hay người Pha-ri-si và Sa-đu-sê của thế kỷ 21. Chúng ta có thể là những người luôn tra cứu Kinh Thánh, có đầy kiến thức Kinh Thánh nhưng không thật sự tìm đến Chúa Giê-su như là đến với Chúa Cứu Thế (Giăng 6:39-40) – và bởi đó dù có thuộc “chữ” trong Kinh Thánh (Giăng 8:47) nhưng không nghe được “lời” Đức Chúa Trời phán. Chúng ta có thể tin Chúa nhưng mù quáng chống lại và đánh phá hội thánh (và cũng là một dạng chống lại Đức Thánh Linh vận hành hội thánh) như Sau-lơ (Công Vụ 9:1-9; Ga-la-ti 1:13-14; Phi-líp 3:5-7). Chúng ta rơi vào tình trạng của một Cơ đốc nhân tin Chúa nhưng chưa trưởng thành và sống theo Chúa bằng “linh tôn giáo” hơn là bằng quyền năng của Đức Thánh Linh.

Trên đây là những lý do cho thấy có nhiều tôi con Chúa luôn phải sống trong sự thiếu thốn mọi mặt, khô cạn tâm linh, bị ma quỷ áp bức bằng bệnh tật, nghiện ngập, nghi ngờ, tiêu cực, nản lòng và thất vọng trong chức vụ. 

Sứ đồ Giăng đã chép như sau: “nhưng những ai tiếp nhận Ngài, nghĩa là tin danh Ngài, thì Ngài ban cho quyền trở nên con Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12). Chúa Giê-su đã đến để ban cho chúng ta quyền và địa vị là con cái Đức Chúa Trời. Ngài giải phóng chúng ta khỏi mọi quyền lực của ma quỷ và đắc thắng thế gian (1 Giăng 3:8b) để sống với một sự “sống sung mãn” (Giăng 10:10b). 

Có hai điều chúng ta không thể quên ở đây:

1/ Địa vị của Cơ-đốc nhân của chúng ta không do người khác nghĩ mình hay nói mình như thế nào? Không bởi quá khứ tốt hoặc xấu, nơi sinh trưởng, nguồn gốc gia đình, nghề nghiệp, sự thành đạt trong xã hội hay những kết quả phục vụ bề ngoài. Địa vị đó là do Đức Chúa Trời ban cho và không ai ngoài Ngài có thể cất đi địa vị này.

2/ Địa vị đó xác chứng “vương quyền thống trị” mà Chúa ban cho Cơ đốc nhân. Và đây là chủ đề của loạt bài viết này.

Cho đến nay, lẽ đạo Chúa Giê-su đến ban vương quyền thống trị cho Cơ đốc nhân vẫn là một lẽ đạo xa lạ. Đây cũng không phải là điều lạ duy nhất. Lịch sử hội thánh cho thấy vào đầu thế kỷ 16 khi nhà cải chánh Martin Luther được Chúa dùng để công bố 3 lẽ đạo “duy bởi ân điển”, “duy bởi đức tin”, “duy bởi Kinh Thánh” thì lúc ban đầu chỉ có một số rất ít những tu sỹ và thần học gia thuộc dòng “tiền cải chánh” (pre-reformation) hiểu và chấp nhận. Cho đến khi mọi người hiểu được thì 3 lẽ đạo này tạo nên một cơn sóng thần “cải chánh” Hội thánh của Chúa cho đến ngày nay. 

Lẽ đạo “vương quyền thống trị” sẽ dẫn chúng ta đến một bước cao hơn trong sự hiểu biết về tình yêu thương và ân sủng của Chúa có tràn đầy quyền năng đắc thắng và biến đổi mọi sự. Vì vậy chúng ta cần kiên nhẫn tìm hiểu, chỉnh sửa và vun đắp lại những nền tảng liên kết với nhau của lẽ đạo này. 

Mời bạn đọc cùng chúng tôi suy gẫm những nét chính của lẽ đạo này:

1/ Đức Chúa Trời sáng tạo con người với vương quyền thống trị nhưng con người phạm tội đánh mất vương quyền thống trị.

2/ Chúa Giê-su đến để cứu chuộc nhân loại. Ngài hủy phá công việc của ma quỷ và phục hồi địa vị là con cái có quyền phép và vương quyền thống trị cho những người tin kính.

3/ Đức Thánh Linh xức dầu ban vương quyền thống trị.

I/ ĐỨC CHÚA TRỜI SÁNG TẠO CON NGƯỜI VỚI VƯƠNG QUYỀN THỐNG TRỊ.

1/ Đức Chúa Trời sáng tạo muôn loài và ban cho loài người uy quyền để thống trị đất.

Kinh thánh Sáng thế 1:1 xác định rỏ ràng là “Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất.” Thi thiên 24:1 một lần nữa khẳng định “Quả đất và mọi vật trên đất, Thế giới và những người sống trên nó, Đều thuộc về CHÚA.” Thi thiên 115:16 nói rỏ hơn là “Các tầng trời cao nhất thuộc về CHÚA; Nhưng Ngài ban đất cho loài người.” Những câu Kinh Thánh này cho thấy Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo, Vua và Chúa của các tầng trời, nhưng Ngài ban trái đất cho loài người làm vua, cai quản và thống trị. 

Điều này đúng với mục đích ban đầu Đức Chúa Trời tạo nên loài người như hình thể Ngài và giống như Ngài để “quản trị” muôn loài, Sáng Thế 1:28: 

Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: “Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị (dominion=thống trị/cai trị) loài cá dưới biển, loài chim trên trời và mọi loài bò sát trên mặt đất.” 

Tất cả các bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt như BTT 1925, BDM 2002, BTTHĐ 2010, BHĐ, BPT vv đều dùng chữ “quản trị.” Tuy nhiên, tất cả các bản dịch tiếng Anh đã theo sát với nguyên bản Hê-bơ-rơ “raw-daw’” mang ý nghĩa cai trị, cai quản, thống trị, bắt khuất phục trên tất cả tạo vật do Ngài dựng nên – với các từ tiếng Anh như là have dominion, reign, rule over nghĩa là thống trị, quản trị, cai trị trên, bắt phải khuất phục.

Chúng ta cần chú ý là dù sau khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm tội bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, cho đến đời Nô-ê, Chúa vẫn cho loài người giữ lấy một phần quyền thống trị này trên loài vật, Sáng Thế 9:1-2:

1 Đức Chúa Trời ban phước cho Nô-ê và các con trai ông. Ngài nói với họ rằng: “Hãy sinh sản và gia tăng làm đầy địa cầu. 2 Tất cả các loài thú vật trên mặt đất, các loài chim trên trời, các loài sống động trên đất và các loài cá dưới biển đều sẽ kinh hãi, khiếp sợ các con; chúng đều được giao phó vào tay các con.

2/ Phạm Vi Thẩm Quyền Chứng Tỏ Đặc Tính “Thống Trị”

Sáng thế 2:15 cho biết, “CHÚA, Đức Chúa Trời đem người đặt vào vườn Ê-đen để canh tác và chăm sóc vườn.” Chúa dựng nên A-đam giao cho ông việc canh tác có toàn quyền thống trị trên vườn Ê-đen và tất cả các loài thú. Sau đó Chúa đem tất cả mọi loài thú đồngvà chim trên trời đến cho A-đam đặt tên (Sáng Thế 2:19-20). Trong truyền thống văn hóa và xã hội chính trị ngày xưa, chỉ có người cha, người chủ hay vua mới có quyền đặt tên. Tất cả những điều này chỉ rõ về thẩm quyền thống trị và bắt mọi vật phục ở dưới quyền ông. 

A-đam phải canh tác và làm cho vườn Ê-đen tốt đẹp sung túc. Ông đã làm tốt công việc này. Chúa giao công việc chăm sóc vườn cho A-đam trước khi ban cho ông người vợ là Ê-va. 

Ở đây dạy rằng chúng ta phải quản trị chính mình tốt, quản lý công việc và tài chánh Chúa giao cho mình tốt trước khi có gia đình và các mục vụ Chúa giao. Chúng ta phải xây dựng được chính mình trước khi xây dựng cho người khác. Chúng ta phải là những người được đầy ơn phước trước khi đem ơn phước cho người khác. Phương cách của chúng ta là cậy nhờ Chúa để có bản tánh tốt lành của Chúa để có thể thống trị, quản trị chính mình trước khi quản lý người khác. 

3/ Những Đặc Tính Của Uy Quyền Thống Trị Chúa Ban.

Sau đây là những đặc tính của uy quyền thống trị lành mạnh mà Chúa giao cho A-đam:

a. Sinh sản kết quả cho Chúa.

Sinh sản có nghĩa là sinh ra bông trái, tạo nên kết quả, làm phát triển, khiến gia tăng, có một sức sống tạo nên sự sinh sản. Sâu xa hơn, sinh sản là sáng tạo, làm cho đời sống của chúng ta và người khác có những kết quả tốt lành. 

Sinh sản cũng có nghĩa là dùng những điều gì Chúa đã ban cho để làm nên những điều mới để yêu thương phục vụ. 

  • Lý do chính của sự nghèo khó cả về vật chất lẫn tâm linh là vì không dốc lòng dốc sức để sống làm nên kết quả. 
  • Lý do chính trở nên giàu có về vật chất và tâm linh là vì dốc đổ vào sự xây dựng kết quả chính đáng, đặc biệt là sự sáng tạo và khám phá cái mới, khám phá để xây dựng từ những điều Chúa đã ban sẵn mà trước đây chưa biết và cũng để tận hưởng chúng.

b. Gia tăng gấp bội.

Gia tăng gấp bội cấp số nhân những gì mình có. Cùng sản phẩm, cùng phẩm chất nhưng tăng lên gấp bội.

c. Làm cho đầy dẫy đất.

  • Đổ đầy, làm cho đầy dẫy; Mở mang khắp nơi.
  • Phân phát sản phẩm khắp thế giới.
  • Tăng gấp bội là cùng 1 sản phẩm được tạo gấp bội lần.
  • Tạo sản phẩm không giàu; tăng gấp bội thì giàu.
  • Tăng gấp bội là giữ y nguyên phẩm chất sản phẩm. Quản lý tốt sản phẩm.

d. Hãy làm cho đất phục tùng.

  • Chiếm lấy chinh phục cả trái đất, bắt phục, dùng sức mạnh, bắt phục tùng.

II/ CUỘC CHIẾN DÀNH LẠI VƯƠNG QUYỀN THỐNG TRỊ

1/ Sau khi A-đam và Ê-va bị phạm tội thì trái đất thuộc về Satan.

Từ khi A-đam và Ê-va nghe theo lời con rắn ăn trái cây Chúa cấm không được ăn thì A-đam đã giao quyền thống trị của mình cho Satan. Chúa phán với Satan kẻ lừa gạt, “Dòng dõi mầy và dòng dõi người nữ thù nghịch nhau” (Sáng thế 3:15). Từ đó có một cuộc chiến không dứt giữa Satan và dòng dõi A-đam để xem ai là người thống trị. 

Chúa Giê-su là A-đam thứ hai. Trước khi thi hành chức vụ Ngài phải đối diện trước sự thách thức và cám dỗ của Satan, nó nhắc Chúa Giê-su là thế gian này thuộc về nó thống trị. Điều này được ký thuật trong Ma-thi-ơ 4:8,9 TTHĐ. 

8 Ma quỷ lại đem Ngài lên đỉnh núi cao, chỉ cho Ngài thấy tất cả các vương quốc trên thế gian với sự huy hoàng của chúng, 9 và nói: “Nếu ngươi sấp mình thờ lạy ta, ta sẽ cho ngươi tất cả những thứ nầy.” 

Sứ đồ Giăng nói trong 1 Giăng 5:19 như sau “Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều ở dưới quyền ma quỷ”. 

2/ Chúa Giê-su đến để hủy diệt quỷ vương và tước đoạt mọi thẩm quyền của nó.

Nhìn qua lăng kính trận chiến thuộc linh, sứ mạng và các danh hiệu của Chúa Giê-su chứng minh cho chúng ta thấy mục đích của Chúa Giê-su đến thế gian để thực hiện uy quyền hủy diệt quỷ vương và tước đoạt mọi thẩm quyền của nó. Sứ đồ Giăng xác định là “Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ” (1 Giăng 3:8).

Chúa Giê-su thực hiện bằng cách vâng phục Đức Chúa Cha, thậm chí chết trên thập giá: “Chính vì thế, Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh hiệu (Phi-líp 2:9) và bởi đó vương quyền thống trị của Ngài được công bố trong danh hiệu “Vua của các vua, Chúa của các chúa” (Khải huyền 17:14). Ngài cũng là Đấng trưởng nam trên kẻ chết và là Chủ Tể của các vua khắp thế giới (Khải huyền 1:5). 

Chúa Giê-su có thẩm quyền “…tước quyền các bậc lãnh đạo và giới thẩm quyền, qua thập tự giá. Ngài bêu xấu họ và điệu họ đi trong cuộc diễu binh thắng trận của Ngài” (Cô-lô-se 2:15). Qua thập tự giá, Chúa Giê-su đã tước quyền tất cả các bậc lãnh đạo và giới thẩm quyền gồm cả trời lẫn đất: 

“Để khi nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, Mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, Và mọi lưỡi đều phải xưng nhận Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa” (Phi-líp 2:10,11 BTTHĐ). 

Vương quyền của Chúa Giê-su có tầm vóc:

[bs-quote quote=”vượt trên tất cả mọi quyền thống trị, mọi thẩm quyền, mọi thế lực, mọi chủ quyền, và mọi danh hiệu, không chỉ trong đời nầy mà cả đời sắp đến nữa” style=”style-19″ align=”center” author_job=”Ê-phê-sô 1:21″][/bs-quote]

Chính vì thế Ngài tuyên bố quả quyết với các môn đồ Ngài là “Tất cả thẩm quyền trên trời, dưới đất đều đã giao cho Ta” (Ma-thi-ơ 28:18). Và Ngài phán cùng chúng ta trong Khải huyền 1:17,18 là, “Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết, và là Đấng sau cùng, 18 là Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ”. 

 

Người Dọn Đường & Phạm Phi Phi.

Ngoài các câu Kinh Thánh được ghi chú phần còn lại là được trích trong Bản Dịch Mới 2002

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan