Phao-lô cho biết rõ khi dốc lòng theo Đấng Christ chúng ta phải chiến đấu chống lại những lực lượng ma quỷ (Ê-phê-sô 6:12). Thực tế là kẻ thù luôn tìm cách hủy phá những nguồn vui trong Chúa của chúng ta để cho những lời chứng của chúng ta về Đấng Christ mất đi hiệu quả và sức mạnh. Đây là những cách của nó:
1/ Nó muốn chúng ta phóng đại lên những lỗi lầm của mình, sống với chúng và tranh chiến với việc chấp nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Thật khó mà nói về ân sủng khi mà chúng ta không sẵn sàng nhận lãnh ân sủng.
2/ Nó muốn chúng ta cứ dán mình vào một sự than trách hơn là thấy mọi sự tốt lành Chúa đang làm qua chúng ta. Một số người trong chúng ta sẽ cứ tập chú vào một người than trách mặc dù có hàng chục người được cứu trong ngày hôm đó.
3/ Nó dẩn dụ chúng ta vào tội lỗi giấu kín. Công việc của sự che giấu là hút mất đi ra khỏi chúng ta sự vui mừng bên trong, làm chúng ta dựng ra sự vui mừng giả tạo bên ngoài.
4/ Nó dẫn chúng ta chỉ thấy những điều tiêu cực trong bài giảng hay buổi nhóm. Một từ ngữ vụng về, một thí dụ không rõ ràng, một giây phút quên mất, một số phút dài hơn bình thường, một câu Kinh Thánh được trích dẩn không thích hợp – và những cái một đó cứ văng vẳn trong lòng chúng ta trong suốt cả ngày (nếu không lâu hơn!)
5/ Nó bắn những mũi tên vào gia đình chúng ta. Cái đau gây ra bởi những trận tấn công thuộc linh trên những người thân yêu của chúng ta thật là sâu – đặc biệt khi chúng ta cảm nhận ra đó là vì chúng ta trung tín theo Chúa. Trong những giây phút yếu đuối nhất, chúng ta dễ tự hỏi có đáng cho chúng ta phải chịu đựng như vậy không!
6/ Nó cướp đi những bài ca ngợi của chúng ta. Tôi không phải là một ca sĩ, nhưng tôi thích hát. Vợ tôi biết ngay là có chuyện nắm lấy tâm trí của tôi khi nàng không nghe tiếng hát của tôi trong nhà. Cho dù đó là chuyện gì đi nữa, nó lấy đi sự vui mừng của tôi.
7/ Nó xoay nhu cầu cần tự kiểm điểm mình thành phê phán những người khác. Tất cả chúng ta cần đánh giá về chính mình. Điều này không luôn luôn dễ dàng. Sa-tan luôn luôn muốn chúng ta đổ lỗi cho nhau về những chuyện sai trái như đã xảy ra giữa A-đam và E-va trong vườn Ê-đen. Sự vui mừng nhòa nhạt đi khi mọi người khác bị trở thành vấn đề.
8/ Nó thúc giục chúng ta đến chỗ cô lập chính mình. Với những ai có khuynh hướng sống đơn độc, kẻ thù rất vui khi chúng ta một mình đánh trận chiến thuộc linh. Chúng ta sẽ tìm thấy mình trong hang núi như Ê-li, tưởng tượng rằng chúng ta là người duy nhất thật sự sống theo Chúa.
9/ Nó vui mừng khi các Mục sư, người lãnh đạo và chúng ta cạnh tranh với nhau. Tất cả chúng ta đang ở trong một đội ngũ, nhưng chúng ta sẽ không biết điều này khi mà chúng ta cứ lo khư khư bảo vệ “lãnh địa” của mình, so sánh con số nhiều hay ít, và sẵn sàng “bắt chiên” để gia tăng sự phát triển của nhóm của mình.
10/ Nó mời mọc chúng ta hãy bỏ quên tĩnh nguyện cá nhân. Và thế là chúng ta không chỉ thiếu đi thời gian với Chúa nhưng cũng làm tăng lên mặc cảm tội lỗi đã không trung tín. Sự thất vọng và bực dọc thế vào chỗ của sự vui mừng.
Văn Bình
(Lược dịch theo: chucklawless.com)