Lay Động Thế Giới Qua Sự Cầu Nguyện – Chương 12

Share

12

BẠN CÓ THỂ GIEO GIỐNG BẰNG GIỌT LỆ

 

Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình về” (Thi 126:5-6).

Nước mắt là quý báu trước mắt Chúa, những giọt nước mắt mong mỏi, đổ ra trong sự cầu thay hoặc những giọt nước mắt vui mừng, ngợi khen Chúa vì đã nhậm lời cầu nguyện. Con Đức Chúa Trời đã biết thế nào là đổ nước mắt trong sự cầu nguyện. Câu Kinh Thánh ngắn nhất trong bản Tiếng anh là: Chúa Jêsus khóc (Gi 11:35), không chỉ nói lên cách sâu xa về tình yêu và sự thương xót của Chúa Jêsus mà còn bày tỏ mối liên hệ giữa nước mắt và sự cầu thay của Ngài. Chúa khóc với chúng ta, khóc vì chúng ta khi Ngài vật lộn với những quyền lực tối tăm trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Hê 5:7).

Cần phải làm rõ rằng: ở đây chúng ta không nói về nước mắt của sự tự thương hại. Những giọt nước mắt như thế có thể đến từ xác thịt. Có thể điều đó sẽ giúp giải tỏa những căng thẳng, vì “một sự than khóc tốt” thường giúp ích cho tâm trạng của kẻ buồn bã ngã lòng. Nhưng việc tái diễn các giọt nước mắt tự thương hại sẽ không làm chứng gì được cho chiều sâu hay năng quyền thuộc linh. Ở đây chúng ta đang bàn về quyền năng của những giọt nước mắt là kết quả từ sự khao khát sâu xa trong tâm linh.

Bạn đừng bao giờ hổ thẹn về nước mắt đổ ra trong sự cầu thay đầy yêu thương. Thực ra, điều đó đã làm chứng với Đức Chúa Trời về việc bạn đã đồng hóa với người mà bạn cầu thay một cách sâu xa. Sự ao ước mãnh liệt của sự cầu thay như là một bằng chứng cho thấy Đức Thánh Linh đang cầu nguyện qua bạn. Những giọt nước mắt làm tăng thêm năng quyền, tính sâu sắc và riêng tư của sự cầu thay.

Sự cầu thay đầy nước mắt như thế rất dễ xảy ra khi bạn ở riêng với Đức Chúa Trời. Thường thì sự cầu nguyện riêng của chúng ta có thể sâu xa và mãnh liệt hơn là khi cầu nguyện chung. Những giọt nước mắt thật riêng tư đến nỗi linh hồn cầu nguyện đó có thể khóc tự nhiên và thoải mái hơn khi chỉ mình Đức Chúa Trời làm chứng cho điều đó. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể có một tấm lòng than khóc mặc dù không có giọt nước mắt nào chảy xuống gò má theo nghĩa đen. Đức Chúa Trời nhìn vào tấm lòng hơn là những điều khác (I Sam 16:7).

Những giọt nước mắt giống như các lời của bạn, vô cùng quan trọng. Dầu vậy, cần nhớ rằng Đức Chúa Trời thấy và biết bạn theo con người thật của bạn (II Sam 7:20; Gi 21:17). Đức Chúa Trời biết nỗi khao khát của bạn nhiều hơn là bạn có thể làm cho tiếng khóc của lòng mình sâu sắc hơn với Đức Chúa Trời. Nhưng đừng tìm cách tạo ra những giọt nước mắt bề ngoài. Điều đó có thể là giả hình. Hãy tiếp nhận những giọt nước mắt khi Đức Thánh Linh ban cho để cảm nhận từ tận đáy lòng những cảm xúc thật sự từ Đức Thánh Linh.

Khi đến thời điểm của sự than khóc

Đôi lúc, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đến sự than khóc (Truyền 3:4). Đây là lời kêu gọi đến sự đồng cảm, đồng dự phần với người khác trong sự cầu thay. Những lần như thế, chúng ta phải chắc chắn cầu nguyện bằng lời cầu nguyện “của mình” không phải lời cầu nguyện “của họ”. Chúng ta phải đồng hóa với những ai đang có nhu cầu, hơn là lên án và định tội họ. Thay vì cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha thứ sự quá nguội lạnh của họ” thì nên cầu xin “Lạy Cha, xin tha thứ Hội thánh chúng con về sự quá nguội lạnh của chúng con. Giúp chúng con biết yêu thương hơn, cầu nguyện nhiều hơn và kết quả hơn cho Ngài”.

Vì nhiều lý do, tôi tin rằng tình trạng thế giới hiện nay đáng phải than khóc.

Chúng ta cần đổ nước mắt vì nhân loại đã lìa bỏ Đức Chúa Trời! Các dân tộc đã quên mất Đức Chúa Trời (Thi 9:17). Họ không muốn giữ sự nhận biết Đức Chúa Trời (Rô 1:28). Họ bày tỏ sự khinh thường đối với lòng nhân từ, khoan dung và nhẫn nhục không dứt của Ngài (Rô 2:4). Họ thường cứng cỏi trước các sự sửa phạt của Đức Chúa Trời và họ gặt những gì đã gieo (Rô 2:5; Khải 16:21). Chúng ta cần phải than khóc cho thế giới này: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho dòng dõi ngang nghịch này!”

Chúng ta cần đổ nước mắt vì tội lỗi đang tăng gấp bội! Những kẻ gian ác đang đi từ chỗ tồi đến chỗ tồi tệ hơn, lừa dối và bị lừa dối (II Tim 23:13). Tất cả các tội lỗi được liệt kê trong (II Tim 3:1-5) đều quá rõ ràng: tư kỷ, ham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu nghịch cha mẹ, bội bạn, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép và nhân đức đó. Tất cả mọi điều này, kết hợp với toàn bộ những tội lỗi như bại hoại tình dục, hiếp dâm và tranh ảnh đồi trụy đã làm chai lì lương tâm của xứ sở chúng ta. Tội ác càng leo thang. Chủ nghĩa khủng bố, thói bạo dâm, và sự tàn ác có tính toán đã đạt đến mức không tưởng. Chiến tranh càng khủng khiếp hơn và hòa bình dường như lúc nào cũng mỏng manh. Loài người dường như kề cận sự tự hủy diệt. Làm sao chúng ta không đổ nước mắt được: “Lạy Chúa, xin thương xót dòng dõi đầy tội lỗi của chúng con!”

Chúng ta cần phải đổ nước mắt vì Hội thánh chúng ta quá mất sức sống và bất năng! Chúng ta có thể cảm tạ Đức Chúa Trời vì những tín đồ tận hiến ở nhiều vùng trên thế giới, và vì những gì Ngài đang hành động qua họ. Nhưng thế giới đã đánh mất sự tôn trọng của mình đối với Hội thánh Chúa nói chung vì chúng ta không đem lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời như đáng phải có.

Chúng ta “có tiếng là sống” nhưng rất thường xuyên lại hoàn toàn là đã chết (Khải 3:1). Chúng ta thiếu hụt quyền năng làm chứng về thế giới tâm linh và tin kính Chúa (II Tim 3:5). Có một sự ra đi hoặc trôi nổi từ đạo Tin Lành và các nhóm tà giáo đang tăng gấp bội (II Tim 4:3-4). Rất thường xuyên, tình trạng thuộc linh của chúng ta được mô tả Hội thánh Lao-đi-xê; chúng ta không nhận biết mình hâm hẩm, khốn nạn, nghèo đói về tâm linh, mù lòa và trần truồng về tâm linh như thế nào với Đức Chúa Trời (Khải 3:17). Số Hội thánh thật sự tốt đẹp được xem là phục hưng qua việc đa số thuộc viên không ngừng chinh phục linh hồn tội nhân và tham dự đầy hy sinh vào các cơ quan truyền giáo, có tỷ lệ thật nhỏ bé thay. Chúng ta cần khóc than cho chính mình: “Lạy Chúa, xin tái phục hưng chúng con!”

Chúng ta phải đổ nước mắt vì là dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta đang ngủ về thuộc linh. “Hãy ăn ở như vậy vì biết thời kỳ đương lúc chúng ta đây: Giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến. Đêm đã khuya, ngày gần đến” (Rô 13:11-12). Thật hổ thẹn vì đến nay chúng ta vẫn đang ngủ trong mùa gặt (Châm 10:5). Theo vĩ mô, chúng ta đánh mất sự làm chứng, lòng yêu mến sự chinh phục linh hồn hư mất của Hội thánh đầu tiên. Chúng ta bực tức với các tội lỗi trơ tráo, nhưng lại không cảm thấy khó chịu các Cơ Đốc Nhân chưa bao giờ đem được một linh hồn về cho Đấng Christ và sự cầu nguyện của họ hầu như chỉ là tư kỷ và rất hiếm khi đổ lệ cho thế giới này. Mùa gặt sẵn sàng nhất và lớn nhất trên đất kể từ ngày Lễ Ngũ tuần đến nay đang ở đây và chúng ta sống cuộc đời bình chân như vại theo sự bận rộn thường ngày; chúng ta có khuynh hướng chỉ đi xem lễ và coi việc truyền giáo đơn giản như một thứ tiêu khiển thay vì là nhiệm vụ của Hội thánh. Nguyện Đức Chúa Trời lay động làm chúng ta đổ nước mắt: “Lạy Chúa, xin đánh thức con và tiếp tục khuấy động Hội thánh con lần nữa!”

Chúng ta phải đổ nước mắt vì sự tái lâm của Đấng Christ quá gần mà công việc của chúng ta lại chưa hoàn thành! Trong các điều kiện được Kinh Thánh mô tả là cần phải xảy ra trước khi Chúa chúng ta trở lại, chỉ còn một điều có vẻ như đang thiếu: “Tin lành này về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến” (Mat 24:14). Nhiệm vụ được giao lớn nhất mà Đấng Christ truyền cho các môn đồ Ngài làm đại diện cho các Hội thánh trong mọi thời đại là đi khắp thế gian giảng Tin lành. Có lẽ 1/4 số người trên đất chưa bao giờ được nghe đến danh Chúa Jêsus Christ Ít ra 1/2 trong số họ đã không thể có được quyết định sáng suốt là tin nhận Ngài làm cứu Chúa đời mình. Bảng thống kê lạnh lùng có lẽ không lay động lòng chúng ta, nhưng cần nhớ rằng mỗi con số chỉ về 1 cá nhân – 1 con người có có thực sẽ trải qua cõi đời hoặc trên thiên đàng hoặc dưới hỏa ngục.

Cách đây vài năm, khi đang phục vụ Chúa với tư cách Hiệu trưởng một trường thần học ở Ấn Độ, tôi và các sinh viên của mình đã có một khóa đi thực tế từ làng này đến làng kia, chia sẻ sứ điệp Phúc âm và phân phát sách báo Cơ-đốc. Chúng tôi đã tập thói quen thỉnh thoảng đi cắm trại ở các khu làng để làm chứng và chăm sóc, phục vụ người dân ở đó.

Một đêm nọ trong một buổi nhóm tại làng, tôi đọc câu chuyện Giáng sinh ở Luca đoạn 2. Khi tôi khởi sự đọc, một già làng ngồi ở dưới sàn cắt ngang: “Từ ngày Con Trời giáng sinh đến nay là bao lâu rồi?” Tôi cho ông biết đã được gần 2.000 năm. Ông chỉ vào tôi với vẻ lên án: “Ông nói là ông đã biết được gần 2.000 năm ư? Ai đã giấu quyển sách đó trong suốt thời gian này?”

Trong trường hợp này bạn sẽ trả lời như thế nào? Nếu ông là anh của bạn, thì bạn sẽ chấp nhận lời biện minh nào khi anh mình không được ban cho một cơ hội duy nhất nào để được cứu rỗi? Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận điều gì như là lời biện minh đầy đủ khi chúng ta không biến điều này thành một gánh nặng cầu nguyện thiết tha mỗi ngày? Tình cảnh thế giới này đáng phải luôn khiến chúng ta đổ nước mắt. Một trong kho ký ức quý báu nhất của tôi là mẹ tôi luôn đổ nước mắt mỗi ngày khi cầu nguyện cho các dân tộc hầu như chưa hề nghe Phúc âm được cứu. “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con nước mắt khi chúng con cầu nguyện!”

Những người đã đổ nước mắt

Gióp đã làm chứng: “Chớ thì tôi không khóc kẻ gặp thời khó khăn sao? Lòng tôi há chẳng buồn thảm vì kẻ nghèo khổ sao?” (Gióp 30:25). Môi-se và các con cái Y-sơ-ra-ên đã khóc vì cớ tội lỗi của dân sự họ (Dân 25:6). Đa-vít đã làm chứng về việc ông đã khóc than và kiêng ăn cho dân sự Đức Chúa Trời như thế nào (Thi 69:10). Ê-sai đã kêu khóc cho nhu cầu của dân sự mình (Ês 16:9). Đức Chúa Trời đã phán cùng vua Giô-sia rằng: “Ngươi có lòng mềm mại, hạ mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, xé quần áo mình và khóc lóc trước mặt ta; bởi vậy nên ta cũng đã nghe ngươi” (II Vua 22:19). Khi Ê-xơ-ra than khóc cho dân sự mình, họ cũng bắt đầu khóc lóc và cầu nguyện (Êxơ 10:1). Nê-hê-mi “ngồi xuống và khóc (cho thành Giê-ru-sa-lem) Cư tang mấy ngày, tôi cữ ăn và cầu nguyện Đức Chúa của các tầng trời (Nê 1:4).        

Giê-rê-mi được biết đến như một tiên tri hay than khóc bởi có gánh nặng cầu nguyện lớn lao mà ông cưu mang cho dân sự mình: “Dân ta bị thương, ta vì đó bị thương; ta đương sầu thảm …Ôi! Ước gì đầu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn lệ! Hầu cho tôi vì …dân mình mà khóc suốt ngày đêm” (Giê 8:21; 9:1). “Nếu các ngươi chẳng nghe, linh hồn ta sẽ khóc thầm về sự kiêu ngạo các ngươi. Thật, mắt ta sẽ khóc nhiều, giọt lệ tuôn rơi” (13:17). “Mắt ta rơi lệ đêm ngày chẳng thôi; vì …dân ta tồi tàn, bị thương rất là đau đớn” (14:17). “Mắt ta hao mòn vì chảy nước mắt, lòng ta bối rối; gan ta đổ ra trên đất, vì sự hủy diệt con gái dân ta” (Ca 2:11). Mắt tôi chảy dòng nước, vì con gái dân tôi mắc diệt vong. Mắt tôi tuôn nước mắt, không thôi, cũng không ngớt cho đến chừng nào Đức Giê-hô-va đoái xem, từ trên ngó xuống. Mắt tôi làm khổ linh hồn tôi” (3:48-51).

Phao-lô, sứ đồ truyền giáo vĩ đại, cũng được biết đến vì chức vụ hầu việc Chúa đầy nước mắt của ông: “Vả, ấy là đương trong cơn khốn nạn lớn, tấm lòng quặn thắt, nước mắt dầm dề, mà tôi đã viết thư cho anh em” (II Cô 2:4). “…hằng ăn ở với anh em cách nào, anh em vẫn biết, tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt” (Công 20:18-19). “…nhớ lại rằng trong ba năm mỗi đêm và ngày, tôi hằng đổ nước mắt ra mà khuyên bảo cho mọi người luôn” (20:31).

Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta cầu nguyện bằng nước mắt

Đức Chúa Trời đã kêu gọi qua tiên tri Giô-ên: “Bây giờ cũng hãy hết lòng trở về cùng Ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu” (Giô-ên 2:12). Ngài kêu gọi các lãnh đạo Cơ-đốc cầu nguyện bằng nước mắt cho dân sự mình: “Các thầy tế lễ là những kẻ hầu việc Đức Giê-hô-va, khác khóc lóc giữa hiên cửa và bàn thờ mà nói rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va xin hãy tiếc dân Ngài… Làm sao để người ta nói giữa các dân tộc rằng: Nào Đức Chúa Trời chúng nó ở đâu?” (2:17). Đức Chúa Trời biết và ghi nhận nước mắt của chúng ta: “Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?” (Thi 56:8). Ngày của chúng ta tương tự như ngày mà Ê-sai đã gặp: “Trong ngày đó, Chúa là Đức Giê-hô-va vạn quân, gọi các người khóc lóc” (Ês 22:12).

Còn phải mất nhiều hơn cả nước mắt để cho lời cầu nguyện có hiệu quả; song lòng quặn thắt, linh hồn kêu gào với Đức Chúa Trời, chính là thực chất của sự cầu thay. Chai lì để mặt cho thế giới này xuống địa ngục, đó là tội ác thuộc linh. Cầu nguyện qua loa, mắt khô ráo, không quặn thắt đang khi thế giới chìm trong tội lỗi và đau khổ, đó là tội ác thuộc linh. Trở nên giống Chúa Jêsus khi lòng bạn than khóc với các kẻ than khóc (Rô 12:15). Trở nên giống Chúa Jêsus khi bạn được đổ đầy bằng lòng say mê yêu thương đến nỗi cầu nguyện mà tuôn đổ nước mắt cho những ai bị tan nát, xiềng xích và hủy diệt bởi tội lỗi.

Cầu nguyện không phải là giải trí hoặc tùy tiện với Cơ-đốc nhân, nhưng là công việc chính của nước Đấng Christ. Cầu nguyện là liên kết với Đức Chúa Cha – Đấng có lòng tan vỡ, với Đấng Christ – Thầy tế lễ thượng phẩm hay với than khóc và với Đức Thánh Linh – Đấng mềm mại đang cầu thay bằng cách chia sẻ tấm lòng và gánh nặng mà Ba ngôi yêu thương đang cưu mang trong chính Ngài.

Cầu nguyện bằng nước mắt là tiến hành một cuộc đầu tư đời đời, là gieo những giọt lệ của bạn cho mùa gặt đời đời. Chẳng hề có giọt lệ nào tuôn đổ trong sự cầu thay quặn thắt lại bị Đức Chúa Trời lãng quên, không ghi nhận hoặc kể là vô giá trị. Sự cầu thay bằng giọt lệ là một trong các hình thức cầu nguyện quyền năng nhất đã được biết đến. Quả thật, như Chúa ngự trên trời: “Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc, đem giống ra rải ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình” (Thi 126:5-6). Hãy cho phép bài thơ tôi viết khi còn ở Ấn Độ chia sẻ với bạn:

[bs-quote quote=”XIN BAN NƯỚC MẮT CHO CON

Xin ban cho con lệ tuôn trong mắt, con cầu xin Ngài – Cha yêu dấu:
Xin ban cho con nước mắt khi con cầu thay.
Xin ban cho con nước mắt khi con quỳ gối trước ngôi Cha mỗi ngày;
Xin ban cho con nước mắt cho đến khi con biết khẩn cầu.
Lạy Chúa – Đấng đã chịu đóng đinh, xin hãy đập tan tấm lòng bằng đá của con;
Xin làm tan chảy lòng con bằng lửa thánh của Ngài.
Xin tràn nhập linh hồn con bằng sự mãnh liệt của tình yêu Thiên thượng.
Nguyện con khao khát bằng sự khát khao của Ngài.
Hãy cất khỏi lòng con mọi sự chai lì,
Cho đến khi con đói khát và mong mỏi,
Cho đến khi sự khao khát về các linh hồn chìm trong tội lỗi
Hoàn toàn thiêu nuốt con.
Xin đổ đầy lòng con bằng nước mắt của Ngài; nơi thể hiện thập tự giá Ngài.

Cho đến khi mọi điều khác của thế giới này đều tan biến đi.

Cho đến khi mọi điều được con xem là rơm rác.

Để chỉ giữ lấp thập tự của Đấng bị đóng đinh.

Nguyện lòng con luôn sẵn chịu đóng đinh,

Nguyện nó tuôn đổ vì các linh hồn.
Nguyện gánh nặng quặn thắt cho các linh hồn làm tan chảy linh hồn con mỗi ngày.
Cho đến khi con được dự phần vào sự thương khó của Ngài nữa.
Xin ban cho con nước mắt, khi con rao giảng tình yêu hy sinh của Ngài;
Xin ban cho con nước mắt khi con kêu khóc cho loài người.
Xin ban cho con nước mắt khi con nhìn lên nơi thánh Ngài.
Tình yêu của Đức Chúa Trời, xin luôn làm tan chảy lòng con nữa.” style=”style-15″ align=”center”][/bs-quote]

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                      

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan