Tôi là Cơ đốc nhân ngoại quốc đang sống ở Việt Nam và phục vụ trong Hội thánh suốt thập kỷ vừa qua, tôi muốn chia sẻ một góc nhìn về công tác truyền giáo dưới tư cách là người không thuộc văn hóa Việt Nam, đang học tập về văn hóa và nghiên cứu Lời Chúa, dưới đây là 5 điều cần làm để truyền giáo ở Việt Nam.
1. Hãy để Lời Chúa phán
Một trong những vấn đề lớn nhất mà phần đông các nhà truyền giáo truyền thống gặp phải khi tiếp cận Việt Nam đó là họ quá tin vào những giả định về thế giới quan. Đa số các cách tiếp cận này (như Bốn định luật thuộc linh . . .) đều xuất phát từ Tây phương và hiệu quả chủ yếu vì chúng dựa trên những nét tương đồng văn hóa khi nói đến: Đức Chúa Trời, con người, tội lỗi, sự công bình, thiên đàng và địa ngục. Tôi cho rằng những công cụ này cũng phải được điều chỉnh ngay bây giờ trong thời đại “hậu lẽ thật” ở phương Tây, lại càng cần được điều chỉnh hơn nữa ở một đất nước như Việt Nam, là nơi có những thuật ngữ tương tự được định nghĩa bằng các giả thiết tôn giáo khác nhau, xuất phát từ Phật giáo, Đạo giáo và sự thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Thay vì chỉ dựa vào những công cụ trình bày có nguy cơ mang đến sự hiểu lầm cao, hãy để tôi đề xuất phương pháp kể chuyện Kinh Thánh nhằm thực hiện công việc nặng nề này. Phương pháp này bắt đầu bằng việc mời bạn bè của chúng ta đọc và thảo luận vài chương đầu tiên của sách Sáng thế ký (ít nhất là chương 1-3).
Khi làm vậy, chúng ta có được hai lợi ích lớn: đầu tiên, nó cho phép chúng ta đi từ bối cảnh của câu chuyện Kinh Thánh, có thể định nghĩa được phần lớn những thuật ngữ quan trọng cần thiết để hiểu thông điệp của Phúc âm. Từ Sáng thế ký 1-3, chúng ta tìm được định nghĩa theo Kinh Thánh về tạo vật, Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa, con người là tạo vật theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời, đức tin, tội lỗi, sự mặc cảm tội lỗi, sự hổ thẹn, ân điển, sự cứu chuộc và lời hứa về Con Đức Chúa Trời.
Thứ hai, khác hoàn toàn với ngôn ngữ của con người; Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và có quyền năng giống như Lời Chúa phán khi tạo dựng vũ trụ. Tiếng phán của Đức Chúa Trời trong Sáng thế ký 1:3 khiến muôn vật có sự sống như thế nào, thì Lời Chúa phán trong Công vụ 2, được sứ đồ Phi-e-rơ rao truyền đã khiến 3,000 người tiếp nhận sự sống mới, cũng thể ấy. Chúng ta tin rằng sự tương tác với Lời Chúa cũng mang lại tác dụng tương tự. Đó là lý do cho đến nay, chúng ta vẫn phải giảng dạy Lời Chúa trong Hội thánh! Đọc, giải nghĩa và áp dụng Lời Chúa là công cụ quyền năng nhất trong hộp phụ tùng của các nhà truyền giáo.
Đề xuất của tôi là hãy đưa bạn bè và người thân của chúng ta đến với Cội rễ. Toàn bộ Kinh thánh tập trung vào câu chuyện của Phúc âm. Hãy dẫn bạn bè đến với Chúa Jêsus bằng cách cho họ đọc câu chuyện về Chúa Jêsus. Điều này sẽ mất nhiều thời gian hơn là một cuộc gặp gỡ truyền giáo nhanh chóng hoặc một chương trình truyền giảng, nhưng Phúc âm đến với chúng ta trong bối cảnh của một câu chuyện, vì vậy hãy để sức mạnh của câu chuyện phát huy tác dụng của nó.
2. Hãy để công lý được bày tỏ
Gần đây có một vài gợi ý về việc vươn đến những người thuộc văn hóa trọng sĩ diện (như Việt Nam) rằng: chúng ta phải tập trung trình bày Phúc âm vào việc Chúa đã cất sự xấu hổ của chúng ta trên thập tự giá, hơn là cất đi tội lỗi của chúng ta. Gợi ý này dựa trên giả thiết cho rằng: nhiều nền văn hóa ở phương Đông không vận hành trong thế giới quan về tội lỗi và sự trong sạch, cho nên về mặt khách quan không thể hiểu rằng: cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời cần phải được thỏa mãn ở trên tội lỗi của chúng ta, hầu cho chúng ta được xưng công bình (được cứu).
Giả thiết này không chỉ mang tính phân biệt chủng tộc, mà còn hiểu sai về văn hóa Việt Nam lẫn thần học Kinh Thánh. Đầu tiên, nếu ai để ý, khái niệm công lý được khắc sâu trong văn hóa Việt Nam và cơ bản nhất là trong quan niệm về “quả báo”. Theo quan niệm này, quả báo là thế lực vũ trụ chịu trách nhiệm giải quyết những sai trái để duy trì trật tự và công bằng trong vũ trụ; đảm bảo rằng mọi sai trái đều phải được sửa lại cho đúng một cách lạnh lùng và máy móc. Mặc dù khái niệm này khác biệt rõ rệt với thế giới quan Cơ đốc, nhưng nó là một ví dụ rõ ràng về tư duy công lý ở Việt Nam và là cầu nối để chúng ta có thể liên kết với ý tưởng về sự chuộc tội trong Kinh thánh.
Nhưng về cơ bản, trong bối cảnh Kinh thánh, sự hổ thẹn không bao giờ tách rời khỏi sự mặc cảm tội lỗi. Hãy xem qua Sáng thế ký 2-3, sự hổ thẹn và sợ hãi của A-đam lẫn Ê-va bắt nguồn từ sự mặc cảm tội lỗi của họ khi vi phạm mạng lịnh của Đức Chúa Trời trong 2:17, đó là không được ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. Trong 2:25, chúng ta biết rằng trước khi họ phạm tội, cả hai đều “trần truồng và không xấu hổ” nhưng khi đã phạm tội, họ thấy mình lõa lồ (3:7), mặc dù họ đã luôn khỏa thân trước đó.
Điều này ngụ ý rằng sự xấu hổ là kết quả của mặc cảm tội lỗi, thậm chí là biểu hiện thuộc thể của vị trí pháp lý mà họ đang nắm giữ. . . cũng như nỗi sợ hãi mà họ biết sẽ phải đối diện với Đức Chúa Trời (3:10). Do đó, những nỗ lực của họ trong (3:7) để che thân bằng lá cây không chỉ đơn thuần là nỗ lực che đậy sự xấu hổ hữu hình, mà còn là nỗ lực để che đậy tội lỗi vô hình của họ.
Cũng hãy xem xét trình tự phản ứng của Đức Chúa Trời khi nói chuyện với A-đam trong (3:17-19). A-đam đã “ăn trái cây mà Đức Chúa Trời đã dặn không nên ăn”. Đây không chỉ là cảm giác tội lỗi đơn thuần mà là thật sự vi phạm mạng lệnh của Chúa. Sự xấu hổ của A-đam xuất hiện dưới hình thức sự rủa sả. Người đã từng được tạo dựng để quản trị mọi tạo vật nay lại bị cai trị; người đã từng bước đi với Đức Chúa Trời trong vườn mà giờ chẳng hơn gì bụi đất. Nhưng sự rủa sả không chỉ mang đến sự xấu hổ mà còn là nỗi sợ hãi, sợ hãi về sự hành hạ đau đớn và kết cuộc cuối cùng của cuộc đời. Mặc dù xấu hổ và sợ hãi có lẽ là những cảm giác hữu hình hơn, nhưng chúng không tách rời khỏi sự mặc cảm tội lỗi, vậy thì nếu chúng ta muốn giải quyết sự xấu hổ và sợ hãi, trước tiên chúng ta phải đối diện với sự mặc cảm tội lỗi.
Tuy nhiên, ngay cả trong Sáng thế ký 3, chúng ta cũng thấy một khuôn mẫu mà Đức Chúa Trời dùng để đối phó với sự xấu hổ, sợ hãi và mặc cảm tội lỗi của chúng ta. Trong khi Sáng thế ký 3:15 cung ứng hy vọng cho nhân loại về một Đấng Cứu Thế sẽ mang đến sự hổ thẹn và cái chết cho con Rắn, thì trong 3:21, chúng ta thấy Đức Chúa Trời giải quyết nhu cầu cần được xưng công bình tức thời của A-đam và Ê-va thông qua cái chết của một con thú vô danh, để che đậy sự lõa lồ của họ.
Ở đây chúng ta có câu trả lời cho vấn đề xấu hổ về tội lỗi. Một con vật vô tội chết thay cho kẻ có tội, sự sống của nó khỏa lấp nhu cầu được xưng công bình bên trong của họ, còn lớp da của nó che đậy sự xấu hổ và sợ hãi bên ngoài. Đây là mô thức trong Kinh Thánh về việc dâng sinh tế, được nói rõ hơn trong sách Xuất Ê-díp-tô ký và Lê-vi ký. Cuối cùng, để làm trọn việc che đậy tội lỗi và xóa bỏ sự xấu hổ, Chúa Jêsus đã chịu chết trên thập tự giá để làm sinh tế cứu chuộc mọi người.
Vậy đâu là hệ lụy cho công tác truyền giáo ở Việt Nam? Chìa khóa để gỡ bỏ xiềng xích của sự sợ hãi và xấu hổ hiện hữu trong đời sống của nhiều người Việt là giúp điều chỉnh lại thế giới quan của họ, thông qua lăng kính của mối liên hệ đổ vỡ với Đức Chúa Trời. Cách duy nhất để thực sự giải quyết sự xấu hổ và sợ hãi không phải là tuân theo những điều răn, không phải là làm tròn bổn phận hiếu thảo, cũng không phải đảm bảo tất cả vong linh được cúng kiếng đầy đủ, mà Đức Chúa Trời phải hành động để hàn gắn sự rạn nứt ở trong lòng họ vì sự mặc cảm tội lỗi. Ngài đã làm điều đó trên thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ.
Khác xa với sự vận hành lạnh lùng, vô tri của vũ trụ như Thuyết quả báo, thì công lý của Đức Chúa Trời là sự mật thiết, sự gần gũi và sự dồi dào trong tình yêu thương trước sau như một . . . Chúa đã gánh thay tội lỗi, chịu xấu hổ và chịu chết, mà đáng ra chúng ta phải chịu để nếm biết niềm vui trong mối liên hệ được phục hòa với Đức Chúa Trời. Chúa không chỉ đơn thuần cân bằng và đảm bảo sự hài hòa của vũ trụ; Ngài còn trả hết mọi món nợ còn lại để đem con người về với Đức Chúa Trời.
Mặc dù có nhiều điều để nói về chủ đề nầy, nhưng chúng ta không thể rao giảng Phúc âm ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào, nếu không giảng Tin lành cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi thông qua sự chết của Đức Chúa Jêsus Christ.
3. Hãy chiếu sáng ra
Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được; Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.
— Ma-thi-ơ 5:14-16
Trong khi tôi có thể dễ dàng chỉ ra sự cần thiết của đời sống Cơ đốc là phải: giảng Tin lành không chỉ bằng lời nói, mà bằng chính đời sống vâng phục của chúng ta ở trước mặt Đức Chúa Trời nữa, nhưng đó không phải là điểm chính trong phần nầy. Đúng hơn, tôi muốn tập trung vào điều mà tôi tin rằng Chúa Jêsus muốn đề cập khi Ngài phán về những điều trên, đó là Hội thánh.
Điều này được ký thuật trong Bài giảng trên núi, Chúa Jêsus đang phán cùng các môn đồ của Ngài không chỉ với tư cách cá nhân mà còn là một tập thể. Giống như một người lữ hành mệt mỏi khi ngước nhìn bầu trời đêm và nhìn thấy ánh đèn của một thành phố ở đằng xa đang thắp lên hy vọng về sự nghỉ ngơi, thì Hội thánh cũng bày tỏ Phúc âm bằng cách sống trong sự vâng phục Đấng Christ, bày tỏ cho thế giới thấy bản chất của Đức Chúa Trời, là Đấng mà chúng ta đang thờ phượng.
Điều này tương tự với điều mà Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 13:34-35: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta”. Như mục sư Mark Dever từng nói: Hội thánh là nơi Tin lành được bày tỏ. Tin lành được bày tỏ khi chúng ta giữ lối sống của tình yêu hy sinh trong cộng đồng với nhau. Khi thế giới nhìn thấy những người không có điểm chung, ngoài đức tin nơi Đấng Christ, có thể yêu thương nhau một cách hy sinh, họ sẽ thấy bằng chứng về sự đáng tin cậy của Tin lành.
Trên thực tế, hình ảnh về những người đến từ các nền văn hóa và sắc tộc khác nhau, hiệp lại cùng nhau, hình thành một dân tộc mới tại Hội thánh địa phương, như sứ đồ Phao-lô đã nói trong Ê-phê-sô 3:9-10, là đỉnh điểm của kế hoạch huyền nhiệm mà Đức Chúa Trời dành cho dân ngoại ở trong Đấng Christ: “Sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội thánh mà bày tỏ ra cho những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời”. Chúng ta đã đọc thấy chỗ nầy chưa? Hội thánh địa phương nhỏ bé của chúng ta là công cụ mà Đức Chúa Trời dùng để bày tỏ sự khôn ngoan vinh hiển của Ngài trong sự cứu chuộc chúng ta!
Tại sao đây lại là một khía cạnh quan trọng của công tác truyền giáo ở Việt Nam? Vì thường có những lời cáo buộc chống lại Cơ đốc giáo ở các nền văn hóa như Việt Nam, là văn hóa chú trọng vào bổn phận gia đình và sự thờ cúng, cho rằng Cơ đốc giáo chỉ là một khía cạnh vô đạo đức của văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân từ Tây phương, kêu gọi những người trẻ từ bỏ quyền lợi và cộng đồng để theo đuổi sự cứu rỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong Hội thánh, người ta lại thấy đức tin cá nhân của chúng ta thực sự gắn kết với một cộng đồng, và cộng đồng ấy không chỉ đơn thuần là những người giống với chúng ta, mà thường là một cộng đồng đa dạng và khác biệt với chúng ta.
Chính điều này làm chứng cho việc Đức Chúa Trời yêu thế gian và Đấng Christ đã chết vì mọi người. Hội thánh tại địa phương lại cho thấy rằng: sự cứu rỗi không dành cho các ứng cử viên sáng giá nhất (tức là những người giống chúng ta nhất, hoặc những người sùng đạo nhất), mà thật ra lại dành cho những người mà chúng ta có thể ít kỳ vọng nhất, từ đó mà có một tình yêu hy sinh cho tất cả mọi người, vượt xa các hệ thống tôn giáo, truyền thống và văn hóa.
Đây cũng là một bằng chứng tuyệt vời cho những người sẵn sàng đồng ý với mọi khía cạnh của Phúc âm, bỏ lại nỗi sợ để đưa ra quyết định không tham gia vào việc thờ cúng của gia đình nữa, là việc mà một người theo Chúa Jêsus nhất quyết phải làm. Ngay cả khi đức tin của họ dẫn đến sự rạn nứt với gia đình, thì vẫn có một gia đình khác để yêu thương, hỗ trợ và sát cánh với họ trong những thử thách.
4. Hãy để câu hỏi bùng cháy
Chúng ta có bao giờ để ý Chúa Jêsus thường kết thúc những câu chuyện dụ ngôn của Ngài bằng một cái kết mở không? Ví dụ như truyện dụ ngôn nổi tiếng về người con trai hoang đàng trong Lu-ca 15:11-32. Rõ ràng, Chúa đang đề cập đến hai đối tượng khán giả trong cả Chương 15. Đối tượng đầu tiên là người thu thuế và người có tội, được nhắc đến trong 15:1 chép rằng: “hết thảy đều đến gần đặng nghe Ngài giảng”. Xuyên suốt Chương 15, Chúa Jêsus nhấn mạnh đến niềm vui của Đức Chúa Trời khi tội nhân ăn năn và quay trở lại cùng Ngài; đỉnh điểm là đứa con hoang đàng trở về trong vòng tay của cha mình ở trong 15:20-24. Đối tượng thứ hai là người Pha-ri-si và thầy thông giáo, được nhắc đến trong 15:2, họ “lằm bằm mà nói rằng: Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi, và cùng ăn với họ!”
Đỉnh điểm của những điều Chúa muốn phán cùng họ được tìm thấy trong 15:25-32 và lời tường thuật của người anh trai, là nhân vật biểu tượng cho người Pha-ri-si và thầy thông giáo. Lúc này, trong dòng chảy của câu chuyện, bữa tiệc mừng ở nhà của người cha là đại diện cho Nước thiên đàng. Vì vậy, khi Chúa Jêsus kết thúc câu chuyện dụ ngôn bằng lời thoại của người cha dành cho người con trai cả, đang giận dữ từ chối tham gia bữa tiệc, rằng: “Con ơi, con ở cùng cha luôn, hết thảy của cha là của con. Nhưng thật nên dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được.”ngụ ý ở chỗ nầy là: người anh trai không thực sự hiểu cha mình và tấm lòng của ông, bởi vì nếu người anh trai hiểu cha mình thì chắc hẳn cũng sẽ tham dự bữa tiệc, nhưng người anh trai đã chọn ở ngoài Vương quốc.
Nhưng, chúng ta có để ý sau đó Chúa Jêsus không quay sang người Pha-ri-si và giải thích tất cả những điều này, Ngài cũng không phán bất cứ lời nào đại loại như: “Vậy, Ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đến dự tiệc thì sẽ bị quăng ra nơi tối tăm”. Đôi khi Ngài cũng làm như vậy, nhưng không phải lúc nào cũng thế; đôi lúc Ngài để những hàm ý cháy âm ỉ trong lòng người nào nghe Ngài phán. Ngài cho phép họ ở trong sự khó chịu dai dẳng của những câu hỏi, hoặc một số nhà truyền giáo mô tả rằng: Ngài để lại một viên sỏi nhỏ trong giày của họ.
Ý tôi ở đây là gì? Tôi tin chắc rằng vì văn hóa “giữ thể diện” của Việt Nam mà chúng ta thường vội vã đáp ứng ngay lập tức, thế là gây bất lợi cho việc truyền bá Phúc âm. Khi đó, người nghe sẽ từ chối một cách lịch sự để chúng ta không cảm thấy xấu hổ. Điều này có thể được khuếch đại trong các buổi truyền giảng tại Hội thánh, các tín hữu được yêu cầu đưa thân hữu đến rồi đứng chung quanh họ, khi mục sư kêu gọi mọi người tiếp nhận Chúa, vì áp lực từ những người xung quanh sẽ tạo ra một mong muốn trong lòng thân hữu, không phải họ thật sự muốn đến với Đấng Christ, nhưng họ tiếp nhận Chúa vì không muốn bản thân, bạn bè hoặc nhà truyền đạo cảm thấy xấu hổ.
Tôi không nói rằng: “Đừng bao giờ kêu gọi tiếp nhận Chúa”, nhưng tôi mong chúng ta phải thực sự khôn ngoan trong khía cạnh này. Giống như Chúa Jêsus, chúng ta cần luyện tập để cho phép những thắc mắc bùng cháy, vì thế chúng ta cần tin vào quyền phép của Đức Thánh Linh hơn là tin vào những áp lực tâm lý mà chúng ta tạo ra. Điều này thường đòi hỏi phải có các cuộc trò chuyện liên tục, nhiều cuộc gặp mặt hoặc đọc Kinh thánh cùng nhau, nhiều lần ngồi trên hàng ghế của Hội thánh, trước khi chúng ta bắt đầu kêu gọi họ tiếp nhận Chúa.
Thông thường, sau khi đọc Kinh thánh và xem lại sứ điệp Phúc âm với một ai đó, tôi sẽ hỏi người đó là: “Có điều gì khiến bạn không tin chăng?” Lúc này, ngay cả khi họ chưa sẵn sàng quyết định; họ vẫn đang suy nghĩ về câu hỏi và những trở ngại thực tế đang cầm giữ họ. Điều này không chỉ đưa trái bóng vào sân, mà còn cho tôi cơ hội để trao đổi về các trở ngại, nhằm giúp họ sửa chữa những giả thiết hoặc khẳng định sai, rồi khắc phục bằng những giả thiết đúng. Điều này có thể xảy ra sau một lần trò chuyện, nhưng lại thường xảy ra sau khi những thắc mắc và sứ điệp của Tin Lành đã có thời gian thấm nhuần trong tấm lòng và tâm trí họ.
5. Hãy để sự vui mừng trở thành mục tiêu của chúng ta
Cuối cùng, chúng ta cần nhớ rằng mục tiêu của công tác truyền giáo không chỉ đơn thuần là khiến ai đó sợ hãi mà tránh né địa ngục. Tôi hoàn toàn tin rằng địa ngục là có thật và khủng khiếp, thật vô tâm khi không cố gắng giúp người khác tránh khỏi hỏa ngục đời đời, nhưng nếu đó là mục tiêu duy nhất của chúng ta thì tôi nghĩ chúng ta đã lỡ mất tiêu chuẩn của Thánh Kinh. Sứ đồ Giăng viết trong 1 Giăng 1:4 rằng: các sứ đồ đã “viết những điều đó hầu cho sự vui mừng được đầy dẫy”. Tránh khỏi hỏa ngục chỉ là một phần, còn biết Chúa thật trọn vẹn mới là kinh nghiệm được vui sướng ở trong mối liên hệ với Ngài.
Tôi cho rằng mục tiêu của các tác giả Tân Ước không chỉ tập trung vào tương lai, mà họ còn mong chúng ta sẽ nếm biết được niềm vui trong ở trong đời này. Hãy lắng nghe những gì Phao-lô nói trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9-10 chép rằng: “Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Đấng đã chết vì chúng ta, hầu cho chúng ta hoặc thức hoặc ngủ, đều được đồng sống với Ngài”. Ở đây, thức hay ngủ là ẩn dụ cho việc sống hay chết, những gì Chúa muốn phán là: bất kể chúng ta đã chết và ở với Đấng Christ trong cõi đời đời hay chúng ta vẫn đang sống, thì mục tiêu vẫn là: chúng ta “được đồng sống với Ngài”. Đây cũng là điều Chúa Jêsus đưa ra trong Giăng 17:3 khi Ngài phán: “sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. Sự sống đời đời không chỉ đơn thuần đề cập đến sự sống sau khi chết, mà còn là mối liên hệ được phục hồi với Đức Chúa Trời thông qua Chúa Jêsus . . . khôi phục lại cuộc sống tràn đầy niềm vui mà A-đam đã có với Đức Chúa Trời trong vườn Ê-đen!
Khi chúng ta chia sẻ Phúc âm ở Việt Nam, hãy nhớ rằng đa số mọi người đều không nghĩ đến thiên đàng và địa ngục. Trên thực tế, hầu hết mọi người đều làm tất cả những gì có thể để sống xót qua ngày. Trong khi thiên đàng và địa ngục cần được đề cập đến trong việc truyền giáo, thì hy vọng, noeefm vui và bình an hiện tại có thể là dấu hiệu cho của một đời sống được phục hòa với Đấng Tạo Hóa. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta trình bày một thông điệp về sự khỏe mạnh, giàu có và hạnh phúc bất tận – những điều nầy sẽ che khuất thông điệp lớn hơn về sự sống ở trong Đức Chúa Trời — nhưng mà để nói rằng Tin Lành của chúng ta không chỉ đơn thuần là “bảo hiểm thiên đàng”.
Kết luận
Còn rất nhiều điều cần nói, nhưng tôi nghĩ là: nếu chúng ta ghi nhớ 5 điều này trong tâm trí, chúng ta có thể tìm được sự vui sướng vô cùng trong công tác truyền giáo, chúng cũng là phương tiện để Đức Thánh Linh vận hành, nhờ đó mà chúng ta được giải phóng khỏi việc cố gắng làm thay phần của Chúa.
(Nguồn: tienphong.org)