SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Share

Sau khi hỏi rằng: “Đức Chúa Trời là Ai và Danh Ngài là gì?” – thì Đức Chúa Trời trả lời rằng: “Ta là Đấng Ta là” – chúng ta tiếp tục với một thực tại không thể chế ngự, không thể kìm hãm và có thể kiến tạo tương lai trong câu trả lời cho câu hỏi: “Vì sao Đức Chúa Trời tạo nên thế giới?”

   Câu trả lời ngắn nhất, được vang vọng khắp cả Kinh Thánh, đó là Đức Chúa Trời đã tạo nên thế giới vì sự vinh hiển của Ngài. Chúng ta sẽ nói về ý nghĩa của điều này ngay thôi, nhưng trước tiên hãy cùng thiết lập một dữ kiện. Hãy chú ý các câu Kinh Thánh trong Ê-sai 43:6-7 chép rằng: “Ta sẽ bảo phương bắc rằng: Hãy buông ra! và bảo phương nam rằng: Chớ cầm lại làm chi! Hãy đem các con trai ta về từ nơi xa, đem các con gái ta về từ nơi đầu cùng đất, tức là những kẻ xưng bằng tên ta, ta đã dựng nên họ vì vinh quang ta; ta đã tạo thành và đã làm nên họ”. Ngay cả nếu nghĩa hẹp nhất là: “Ta đã làm nên Y-sơ-ra-ên vì sự vinh hiển của Ta” đi nữa, thì việc sử dụng các từ dựng nên, tạo thành và làm nên đang hướng chúng ta quay trở lại với công tác sáng tạo của buổi ban đầu. Đây là lý do Y-sơ-ra-ên có mặt trên đất. Đây chính là lý do mọi thứ tồn tại – vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Được tạo nên vì sự vinh hiển của Ngài

   Khi chương đầu tiên của Kinh Thánh nói rằng: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ” (Sáng thế ký 1:27) là có ý gì?

   Hình có nghĩa là hình. Hình ảnh được tạo ra để diễn đạt bản gốc. Chỉ về bản gốc. Làm nổi bật bản gốc. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài để cả thế gian tràn ngập hình ảnh của Đức Chúa Trời. Hình ảnh của Đức Chúa Trời. Hàng triệu ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Vậy thì chẳng ai bỏ lỡ mất trọng tâm của sự sáng tạo, ý nghĩa của việc làm người – đó là nhận biết, yêu mến và bày tỏ Đức Chúa Trời.

   Các thiên sứ kêu lên rằng: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài!” (Ê-sai 6:3). Cả đất này tràn ngập những kẻ mang ảnh tượng của thiên thượng, những bình bằng đất mặc lấy sự vinh hiển. Không chỉ có loài người – mà còn thiên nhiên nữa! Tại sao chúng ta lại sống trong một thế giới choáng ngộp như thế này? Lần nọ, tôi được biết rằng ở ngoài vũ trụ có rất nhiều vì sao đến nỗi lời lẽ và âm thanh của loài người xuyên suốt cả lịch sử cũng không thể nào nói hết được. Tại sao vậy?

   Kinh Thánh cho biết rõ điều này: “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Thi thiên 19:1). Có người hỏi rằng: “Nếu trái đất chỉ là hành tinh duy nhất có sự sống và loài người là vật thọ tạo duy nhất biết lý luận trong số các vì sao trên trời, thì tại sao vũ trụ lại rộng lớn và bao la như vậy?”

   Câu trả lời là vì chúng ta không phải là trung tâm của vũ trụ. Mà Đức Chúa Trời mới là trung tâm của mọi sự. Đó là một lời nói giảm. Đức Chúa Trời đã tạo nên chúng ta để biết Ngài, yêu Ngài và bày tỏ Ngài. Chúa còn ban cho chúng ta phương cách để bày tỏ Ngài là ai nữa.

   Phương cách đó là vũ trụ. Vũ trụ đang rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, còn chúng ta tồn tại là để nhìn thấy, kinh ngạc và tôn vinh hiển Đức Chúa Trời khi nhìn thấy vũ trụ. Ở chỗ này, sứ đồ Phao-lô viết rằng: “những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa” (Rô-ma 1:20-21).

   Thảm kịch lớn nhất trong vũ trụ đó là mặc dù loài người được tạo nên để tôn vinh hiển Đức Chúa Trời, thế nhưng họ đã sống xa cách mục đích ấy và còn “đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát” (Rô-ma 1:23) – đặc biệt là chính hình ảnh mà họ nhìn thấy trong gương. Đây chính là bản chất của thứ mà chúng ta gọi là tội lỗi.

   Vậy, tại sao Đức Chúa Trời lại tạo nên vũ trụ? Chủ đề vang vọng xuyên suốt cả Kinh Thánh, từ cõi đời đời cho đến cõi đời đời, giống như sấm chớp vang rền, đó là Đức Chúa Trời đã tạo nên thế giới này vì sự vinh hiển của Ngài.

Lời chứng của tiên tri Ê-sai

   Ê-sai đơn giản nói rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên thế giới vì sự vinh hiển của Ngài (câu 7). Ông tiếp tục dẫn chúng ta trở về với thực tại ấy hết lần này đến lần khác để giúp chúng ta cảm biết được điều này và khiến thực tại ấy kết cấu lại suy nghĩ của chúng ta.

  • Mọi nơi sủng thấp sẽ được cao lên; mọi núi mọi gò sẽ bị hạ xuống… Bấy giờ sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra, và mọi xác thịt đều sẽ xem thấy; vì miệng Đức Giê-hô-va đã phán vậy. (Ê-sai 40:4-5)
  • Ta là Đức Giê-hô-va: ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh hiển ta cho một đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn trọng ta cho những tượng chạm! (Ê-sai 42:8)
  • Hỡi các nơi sâu dưới đất, hãy reo la! Hỡi các núi, rừng cùng mọi cây cối trên rừng, hãy cất tiếng mà hát! vì Đức Giê-hô-va đã chuộc Gia-cốp, và sẽ tỏ sự vinh hiển Ngài ra trong Y-sơ-ra-ên. (Ê-sai 44:23)
  • Ta vì danh mình mà tạm nhịn giận ta; vì sự vinh hiển mình mà nhịn nhục đối với ngươi . . . ta đã thử ngươi trong lò hoạn nạn. Ấy là vì ta, vì một mình ta, mà ta sẽ làm điều đó; vì ta há để nhục danh ta sao? Ta sẽ chẳng nhường sự vinh hiển ta cho thần nào khác. (Ê-sai 48:9-11)
  • Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi Y-sơ-ra-ên, ngươi là tôi tớ ta, ta sẽ được sáng danh bởi ngươi. (Ê-sai 49:3)
  • Này, sự tối tăm vây phủ đất, sự u ám bao bọc các dân; song Đức Giê-hô-va dấy lên trên ngươi, vinh quang Ngài tỏ rạng trên ngươi. (Ê-sai 60:2)
  • Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng Tin Lành cho kẻ khiêm nhường . . . đặng ban . . . áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề; hầu cho những kẻ ấy được xưng là cây của sự công bình, là cây Đức Giê-hô-va đã trồng để được vinh hiển. (Ê-sai 61:1–3)

Tôn vinh hiển có nghĩa là gì

   Đức Chúa Trời đã tạo nên thế giới, “để được vinh hiển”. Điều này không có nghĩa là “để Chúa được vinh hiển hơn”. Đừng hiểu mấy chữ được vinh hiển giống như tô điểm. Thí dụ, “tô điểm” có nghĩa là làm cho một căn phòng thô trở nên đẹp hơn. Chúng ta không làm cho Đức Chúa Trời được đẹp hơn. Đó không phải là ý Chúa phán về việc được vinh hiển.

   Khi Đức Chúa Trời tạo nên thế giới, Chúa không tạo ra vì Chúa có nhu cầu, hay yếu đuối, hay thiếu thốn gì cả. Chúa tạo nên muôn vật bằng sự trọn vẹn, sức mạnh và sự toàn hảo của Ngài. Khi Jonathan Edwards nói rằng: “Không có gì phải bàn cãi về sự thiếu hụt hay trống rỗng của suối nước vì nó có thể chảy tràn lan ra trên mọi thứ” (Yale: Các tác phẩm, Quyển 8, trang 448). Vậy thì chúng ta không tôn vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách làm cho Ngài được vinh hiển hơn, mà bằng cách nhìn thấy, say mê và bày tỏ sự vinh hiển của Ngài (cũng giống như nhận biết, kính yêu và bày tỏ vinh hiển ấy).

   Cũng hãy xét kỹ về mấy từ tán dương (Phi-líp 1:20 chép rằng “Đấng Christ vẫn được tôn vinh trong đời sống tôi” [megalunthesetai]). Chúng ta tán dương sự vinh hiển của Đức Chúa Trời giống như kính thiên văn, chứ không phải kính hiển vi. Kính hiển vi làm cho những vật rất nhỏ trở nên lớn hơn kích thước thật của chúng. Kính thiên văn làm cho những vật lớn không tả nỗi khi nhìn từ đằng xa vẫn giữ được kích thước thật của chúng. Đời sống của chúng ta phải trở nên giống như kính thiên văn để làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Chúng ta được tạo nên để nhìn thấy sự vinh hiển của Ngài, bị rúng động trước sự vinh hiển của Ngài, và sống như thế để giúp người khác nhìn thấy và say mê Ngài vì chính Ngài.

   Để nhận biết, kính mến và bày tỏ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời – đây là lý do vì sao vũ trụ tồn tại. Nếu điều này thực sự bắt lấy sự chú ý của chúng ta, thì nó sẽ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và cảm nhận của chúng ta về mọi thứ. Vì bây giờ chúng ta đã biết vì sao mọi thứ lại có mặt trên đời. Chúng ta không thể biết hết mọi thứ – vô số thứ – nhưng chúng ta biết một điều quan trọng về mọi thứ, chúng ta biết rằng mọi thứ tồn tại vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

   Vậy thì khi biết được điều này – mọi thứ tồn tại vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời – tức là biết được một điều quan trọng về mọi thứ. Chúng ta biết được mục đích tối hậu vì sao chúng có mặt trên đời. Đó là điều thật kinh ngạc.

Sự vinh hiển tập trung tại thập tự giá

   Đồng thời, nói đơn giản là Đức Chúa Trời đã tạo nên thế giới vì sự vinh hiển của Ngài vẫn còn quá chung chung. Chúng ta không thể thêm dấu chấm hết ở đây được. Điều này vẫn chưa liên quan gì đến các thân vị trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời và dòng lịch sử mà Đức Chúa Trời đang lèo lái. Câu hỏi không chỉ là: “Tại sao Đức Chúa Trời tạo nên thế giới?” mà tại sao là thế giới này? – tại sao lịch sử loài người hàng ngàn năm qua có được buổi ban đầu thật vinh hiển, một sự sa ngã trong tội lỗi thật kinh khủng, lịch sử về dân Y-sơ-ra-ên, Con Đức Chúa Trời đến thế gian, sự chịu chết thay, sự sống lại khải hoàn, sự thành lập Hội thánh, lịch sử truyền giáo thế giới cho đến ngày hôm nay? Tại sao lại là thế giời này? Lịch sử này?

   Câu trả lời ngắn gọn nhất là vì sự vinh hiển của ân điển Đức Chúa Trời đã được biểu lộ và bày tỏ ra đến đỉnh điểm qua sự chết để cứu chuộc của Chúa Jêsus. Hoặc là có thể nói một cách đầy đủ là: thế giới này – lịch sử đang được phơi bày ra – được tạo nên, được lèo lái và được giữ vững bởi Đức Chúa Trời hầu cho ân điển của Ngài, được bày tỏ ra đến đỉnh điểm qua sự chết và sự sống lại của Chúa Jêsus cho tội nhân, sẽ được vinh hiển suốt cõi đời đời trong sự vui mừng của những kẻ được cứu chuộc khi họ tôn cao Đấng Christ.

   Để nói một cách cụ thể hơn, khi đời sống chúng ta có Đức Chúa Trời làm trung tâm thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang sống tôn cao Đấng Christ và bị chi phối bởi Phúc Âm. Có một sự kết nối không thể tách rời giữa sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, sự vinh hiển của ân điển, sự vinh hiển của Đấng Christ và sự vinh hiển của thập tự giá. Thật vậy, mọi tạo vật tồn tại vì sự vinh hiển của ân điển Đức Chúa Trời được biểu lộ và bày tỏ ra đến đỉnh điểm qua sự chết để cứu chuộc của Chúa Jêsus.

   Hãy cùng xem thử sự vinh hiển của Đức Chúa Trời có liên quan như thế nào với thập tự giá của Đấng Christ. Chúng ta có thể xem xét điều này trong năm bước.

SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC BÀY TỎ ĐẾN ĐỈNH ĐIỂM CŨNG LÀ

SỰ TỎ RA CỦA ÂN ĐIỂN NGÀI, SỰ NGỢI KHEN LÀ KẾT QUẢ CỦA ĐIỀU NÀY.

   Đức Chúa Trời “đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài, để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 1:5–6). Nói cách khác, sự vinh hiển của ân điển Đức Chúa Trời – mà sứ đồ Phao-lô gọi là “sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhân từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Ê-phê-sô 2:7) – là mục đích cao nhất và cuối cùng trong sự mặc khải của vinh hiển Đức Chúa Trời. Mục tiêu của sự tiền định đó là chúng ta sống để khen ngợi vinh hiển của ân điển này đến đời đời.

   Đây là mục đích cao nhất của vinh hiển Đức Chúa Trời. Còn mọi điều khác, kể cả cơn thịnh nộ của Ngài, đều phục vụ cho mục đích cuối cùng này, vì sứ đồ Phao-lô nói rằng: “Nếu Đức Chúa Trời muốn tỏ ra cơn thạnh nộ và làm cho biết quyền phép Ngài, đã lấy lòng khoan nhẫn lớn chịu những bình đáng giận . . . để cũng làm cho biết sự giàu có của vinh hiển Ngài bởi những bình đáng thương xót” (Rô-ma 9:22-23). Cơn thịnh nộ là điều gần cuối. Sự vinh hiển của ân điển Đức Chúa Trời được bày tỏ ra cho những bình đáng thương xót – mới là điều cuối cùng.

TỪ TRƯỚC KHI SÁNG THẾ, ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ ĐỊNH TRƯỚC SỰ KHEN NGỢI VINH HIỂN CỦA ÂN ĐIỂN NGÀI.

   “Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ . . . để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 1:4,6). Ân điển không phải là ý nghĩ nảy ra quá muộn để giải quyết sự sa ngã của loài người. Có một kế hoạch, vì ân điển là đỉnh điểm trên ngọn núi vinh hiển của Đức Chúa Trời. Ngài đã tạo nên thế giới này vì sự vinh hiển của Ngài. Ngài đã tạo nên thế gian vì sự vinh hiển của ân điển Ngài.

KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ SỰ KHEN NGỢI VINH HIỂN CỦA ÂN ĐIỂN NGÀI SẼ XẢY RA QUA CHÚA JÊSUS.

   “Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài . . . để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 1:5–6). Sự tiền định này để khen ngợi vinh hiển của ân điển Đức Chúa Trời đã xảy ra “qua Đức Chúa Jêsus Christ”. Trong mối thông công đời đời của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đã định trước rằng ân điển của Đức Chúa Trời sẽ được bày tỏ ra đến đỉnh điểm qua công tác cứu chuộc của Đức Chúa Con.

   Một lần nữa, sứ đồ Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời “đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn là theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng” (2 Ti-mô-thê 1:9). Vậy, từ trước vô cùng, kế hoạch này là để mặc khải về sự vinh hiển của ân điển Đức Chúa Trời, cụ thể là qua Đức Chúa Jêsus Christ.

TỪ TRONG CÕI ĐỜI ĐỜI, KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ SỰ VINH HIỂN CỦA ÂN ĐIỂN ĐỨC CHÚA TRỜI SẼ ĐẠT ĐẾN ĐỈNH ĐIỂM TRONG CÔNG TÁC CỨU CHUỘC CỦA CHÚA JÊSUS.

   Chúng ta thấy điều này trong ở trong danh dùng để đóng ấn ở trên quyển sách của những kẻ được chuộc từ trước vô cùng. Trước khi loài người phạm tội, thì Con Đức Chúa Trời đã được định trước để chịu chết thay cho họ rồi. Chúng ta biết điều này vì, từ trước khi sáng thế, sách sự sống đã được đặt tên rồi. Khải huyền 13:8 cho chúng ta biết rằng “những kẻ không có tên ghi trong sách sự sống của Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế” sẽ trở thành những kẻ thờ lạy con thú.

   Từ trước khi sáng thế, tên của quyển sách là “sách sự sống của Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế”. Kế hoạch là sự vinh hiển. Kế hoạch đã có ân điển. Kế hoạch đã có Đấng Christ. Kế hoạch đã có sự chết. Còn sự chịu chết thay cho tội nhân như chúng ta là trái tim của Phúc Âm, đó là vì sao sứ đồ Phao-lô gọi là “sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ” (2 Cô-rinh-tô 4:4).

DO ĐÓ, MỤC ĐÍCH TỐI HẬU CỦA VIỆC TẠO RA, LÈO LÁI VÀ GIỮ VỮNG THẾ GIỚI NÀY LÀ SỰ KHEN NGỢI VINH HIỂN CỦA ÂN ĐIỂN ĐỨC CHÚA TRỜI QUA SỰ CHỊU CHẾT THAY CHO TỘI NHÂN CỦA CON NGÀI TRÊN THẬP TỰ GIÁ.

   Đây là lý do vì sao sách Khải huyền cho thấy chúng ta sẽ hát “bài ca Chiên Con” ở trong cõi đời đời (Khải huyền 15:3). Chúng ta sẽ nói bằng lòng kính mến và lời ngợi khen rằng: “Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Ngài đã chịu giết, lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước” (Khải huyền 5:9). Chúng ta sẽ khen ngợi Cứu Chúa của chúng ta đến mười ngàn lần. Nhưng chúng ta sẽ không nói được điều gì vinh hiển bằng điều này: Ngài đã chịu giết và cứu chuộc hàng triệu người.

   Vậy, chúng ta có một câu hỏi kết luận rằng: “Tại sao Đức Chúa Trời tạo nên thế giới?” Chúng ta trả lời bằng câu Kinh Thánh: Đức Chúa Trời tạo nên thế giới vì sự vinh hiển của Ngài. Đức Chúa Trời không tạo ra mọi thứ vì Ngài có một nhu cầu nào đó. Ngài không tạo ra mọi thứ vì Ngài có sự thiếu hụt nào đó đến nỗi cần phải bù đắp cho đủ. Ngài không hề cô đơn. Ngài có niềm hạnh phúc tột cùng ở trong mối thông công của Ba Ngôi Đức Chúa Trời – Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Ngài tạo nên thế giới để bày tỏ vinh hiển của Ngài hầu cho dân sự của Ngài nhận biết, kính mến và bày tỏ chính Ngài.

   Tại sao Ngài tạo nên thế giới rồi để nó trở nên như ngày hôm nay? Một thế giới đầy tội lỗi? Một thế giới đã đổi vinh hiển của Ngài để lấy hình tượng khác? Tại sao Ngài cho phép, chi phối và giữ vững một thế giới như thế này? Chúng ta trả lời rằng: để sự khen ngợi vinh hiển của ân điển Đức Chúa Trời được bày tỏ ra đến đỉnh điểm qua sự chết của Chúa Jêsus.

Những câu hỏi đúc kết

   Lý do tối hậu cho sự tồn tại của muôn vật là để rao truyền sự vinh hiển của ân điển Đức Chúa Trời, hầu cho những kẻ được chuộc đến từ mọi dân, mọi nước, mọi thứ tiếng, mọi dân tộc sẽ vui mừng ngợi khen ở trong cõi đời đời. Muôn vật được tạo nên và được giữ vững vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, đỉnh điểm là sự vinh hiển của ân điển Ngài, rạng ngời nhất ở trong sự vinh hiển của Đấng Christ, tập trung chủ yếu vào sự vinh hiển của thập tự giá. Vì thế, tôi hỏi rằng:

  • Có phải sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là vầng dương sáng ngời nhất đang chờ đợi ở chân trời tương lai của chúng ta không? Sứ đồ Phao-lô đã phơi bày tấm lòng của Cơ Đốc nhân trong Rô-ma 5:2 rằng “chúng ta…vui mừng với hy vọng được hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời”.
  • Có phải sự vinh hiển của ân điển là Tin lành ngọt ngào nhất cho linh hồn xấu xa của chúng ta chăng?
  • Có phải sự vinh hiển của Đấng Christ ở trong đời sống của chúng ta là hiện thân của ân điển Đức Chúa Trời trong đời này không?
  • Có phải sự vinh hiển của thập tự giá là hình ảnh vui buồn đẹp đẽ cho những linh hồn được cứu rỗi của chúng ta không?

 

(Nguồn:https://tienphong.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan