Con Trai Tôi Được Chúa Giải Cứu

Share

Tôi bước thụt lùi, nhìn theo chị, đầu đội chiếc nón lá đã cũ, tay vẫn còn ôm thúng mắm, bóng chị và con trai tôi khuất dần…

Trưa nay, trong không khí vui vẻ, gia đình chúng tôi ngồi quanh bàn ăn cùng với các cô từ thành phố xuống thăm. Chúng tôi có dịp kể lại những ơn phước lớn lao mà Chúa đã ban cho gia đình tôi.

Vĩnh Long là vùng đất tôi đã sinh ra và lớn lên. Lập gia đình, tôi sinh được 2 trai và 4 gái. Chẳng may con trai lớn của tôi là Nguyễn Văn Thạnh đã bị điên loạn từ khoảng năm 18 tuổi.

Con tôi đi học đến năm lớp 6 thì nghỉ vì hoàn cảnh gia đình. Lúc con được 15, 16 tuổi vẫn sinh hoạt bình thường như bao thanh thiếu niên khác. Nhưng đến khi con tôi được 18 tuổi thì nó trở nên hung dữ vô cùng, nó thường đi lang thang và nhất là hay đánh người trong nhà. Gia đình tôi phải cam chịu trong tình trạng này suốt nhiều năm nhưng không biết giải quyết thế nào. Nhiều lần công an đem nhốt nó theo yêu cầu của gia đình, nhưng rồi người ta cũng không có giải pháp nào nên lại đem trả. Còn nếu đem con vào nhà thương Biên Hòa thì buộc phải có tiền, mà gia đình tôi thì ngày ấy gạo còn không đủ cho bao nhiêu miệng ăn, chồng tôi cũng là một người bệnh, không thể làm ruộng, các con thì còn nhỏ…

Con trai tôi ngày càng điên loạn. Chẳng biết từ đâu mà nó có sức mạnh phi thường, người to vạm vỡ mà cứ hay đánh đập mọi người ở trong nhà, khiến chúng tôi phải chạy trốn. Không còn ai dám ở trong nhà, vợ chồng tôi phải trốn chui trốn nhủi…có nhiều hôm phải ngủ trong bụi cây ngoài vườn, hoặc dưới gốc chuối. Quá hãi hùng với tình trạng này, cả nhà quyết định sẽ bắt và trói nó vào một gốc cây, đó là giải pháp duy nhất. Thế là một ngày kia chúng tôi hiệp lực dùng dây lòi tói để trói nó và cột vào gốc cây tứ quý đằng sau vườn.

Thấy mình không còn được tự do, nó la hét tru tréo rất dễ sợ. Cũng có khi nó vùng vẫy và thoát ra được, rồi chúng tôi phải cột lại bằng dây xích có khóa. Con tôi cứ ở ngoài trời ngày đêm nhiều tháng chịu rét chịu lạnh, chịu nắng nóng… tùy theo thời tiết. Ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh tiểu tiện gì cũng tại một chỗ ấy. Có khi thấy con co ro dưới trời mưa lớn tôi đứt ruột nhưng chẳng biết phải làm gì! Tôi cứ nhủ thầm, “Tự mày hại mày, ai cứu được mày.” Nó chẳng ăn uống gì, dầu vậy gia đình cứ ba bữa đem cơm ra, nó thường hất đổ và lúc nào cũng muốn chụp đánh người trong tầm tay nên chẳng ai dám đến gần. Cả xóm không ai xa lạ gì về tình trạng đứa con điên loạn của tôi, họ chỉ bày tôi đi thầy này ông nọ nhưng không ai có thể kìm hãm nó mà đưa đến bất cứ đâu. Thật ra trong thâm tâm tôi thầm mong nó chết cho đỡ khổ nó mà cũng đỡ khổ cho cả gia đình. Con tôi bị cột vào cây tứ quý khoảng 4 tháng thì ngay cả cây tứ quý to bự cũng chết mà nó chẳng chết, tôi phải chuyển nó sang cây dừa.

Gia đình tôi rơi vào cảnh hoàn toàn tuyệt vọng.

Ngoài việc làm nông, thỉnh thoảng tôi vẫn mò cua bắt ốc đem ra chợ bán để kiếm thêm tiền nuôi con.

Một ngày kia, chợ đã gần tàn, mặt trời đã đứng bóng mà rổ cua của tôi vẫn còn, tôi năn nỉ chị bán mắm ngồi bên cạnh:

– Chị mua dùm tôi rổ cua này để tôi có tiền đong gạo cho các con vì sáng giờ nhà tôi không có gạo.

Chị đáp lời tôi với lòng nhân hậu rằng chị không ăn cua nhưng sẽ mua giúp tôi. Rồi chị hỏi tôi nhà ở đâu, chị muốn đến thăm cho biết. Thoạt đầu, tôi từ chối khéo và nói tôi ở rất xa, vì tôi không muốn bất cứ ai nhìn thấy căn nhà rách nát, nhiều lần bị con dày xéo thậm chí không còn một chỗ đàng hoàng để nằm. Lại thêm đứa con điên loạn ở sau vườn, có khi nó nằm yên dưới gốc cây, nhưng thường thì nó la hét rất đáng sợ. Nhưng rồi thấy lòng nhiệt tình của chị, tôi đã bằng lòng.

Mặc dầu đường xa, hai chị em vẫn lội bộ về đến nhà.

Chị vui vẻ bước vào căn nhà trống lồng lộng của tôi với mái lá rách nát. Nhìn thấy phần nào tấm lòng của chị, tôi dẫn chị ra phía sau vườn, đứng từ xa chỉ vào đứa con đang bị trói dưới gốc dừa. Vừa nhìn thấy con trai tôi thân hình ốm đói, cổ chân lở loét vì nhiều lần giằng co với sợi dây xích sắt để đòi tự do, chị bước tới một bước bày tỏ lòng thương xót, không ghê sợ và chạy trốn như những người khác.

Chị hỏi tôi:

– Nó đã bị cột trói thế này trong bao lâu?

Tôi thở dài thưa với chị:

– Đã khoảng tám tháng.

– Chỉ có Chúa mới cứu được con trai chị thôi, nhưng trước hết chị cần tiếp nhận Chúa, vì chị là mẹ nó.

Rồi chị ân cần giải thích về Chúa cho tôi và khích lệ tôi tin Ngài. Tôi bằng lòng vì chẳng còn sự lựa chọn nào khác và chị dẫn tôi vào nhà cầu nguyện mời Chúa ngự vào lòng.

Sau đó, chị cùng tôi bước ra sau vườn, đến chỗ con tôi đang bị trói. Tôi thấy chị vừa thì thầm trong miệng vừa bước đến gần con trai tôi và nói lớn:

– Chúa Giê-xu rất thương con, con có bằng lòng tin Chúa không Thạnh?

Nó gật đầu.

– Bây giờ cô sẽ cởi trói cho con và con phải ngoan.

Con trai tôi vui mừng ngúng ngoảy gật đầu – vì đã lâu nó chỉ la hét mà không nói được.

Chị quay qua bảo tôi giúp chị mở trói cho nó và chị sẽ đem nó về nhà chị để cầu nguyện, hỏi tôi có băng lòng không. Tôi không thể tin vào tất cả những gì tai mình vừa nghe. Tôi nhìn chị – cũng giống như tôi, một người đàn bà chân lấm tay bùn, cũng quê mùa chất phác – tại sao chị dám nói và làm điều mà ngay cả lực lượng công an và số đông người cũng không dám nghĩ đến!

Tôi như người trong mơ gật đầu và làm theo những lời hướng dẫn của chị.

Sợi dây xích nằm ở ngoài trời dưới mưa nắng quá lâu đã sét rỉ, không thể mở khóa được. Thế là tôi với chị, hai người đàn bà đã gần 60 tuổi, hì hục cưa sợi dây xích ra khỏi gốc dừa (vì cả gia đình chỉ đứng quan sát từ xa mà không ai dám đến gần). Cuối cùng dây xích sắt cũng đứt khỏi gốc dừa.

Chị dẫn con tôi ra ao, chân vẫn kéo lê sợi dây xích, thân hình đã quá tiều tụy, chỉ còn da bọc xương. Chị cứ luôn miệng nói:

– Nhân danh Chúa Giê-xu, xin Chúa giải cứu cho con.

Chị tắm gội cho nó từ đầu đến chân. Con tôi ngoan ngoãn vâng lời chị trước sự kinh ngạc của tôi và gia đình. rồi chị dẫn nó vào nhà, cắt tóc, cắt móng tay, móng chân, bảo tôi lấy cho nó một bộ đồ sạch, lấy cơm cho nó ăn.

Chị xin phép tôi dẫn nó về ở với chị, khi nào khỏe mạnh chị sẽ trả về cho tôi. Tôi chẳng biết phải trả lời thế nào, miệng há hốc, ấp úng, tôi muốn chị đem nó đi luôn nhưng không dám nói ra, sợ chị hiểu được ý tôi…

Chị dẫn nó đi, vẫn sợi dây xích trong chân, nó chịu để chị nắm tay đi ra khỏi ruộng. Tôi chạy với theo, đưa chị nắm thuốc mà nó vẫn thường uống mỗi khi lên cơn. Chị khoác tay:

– Không, chị đem về đi, nó không cần thuốc.

Tôi bước thụt lùi, nhìn theo chị, đầu đội chiếc nón lá đã cũ, tay vẫn còn ôm thúng mắm, bóng chị và con trai tôi đã khuất dần…

Tôi bước vào nhà thẩn thờ, vừa mừng vừa sợ, không tin nổi những gì mình vừa chứng kiến, rồi chạy ra gốc dừa để khẳng định điều này là thật, con tôi không còn ở đó. Đêm đó vợ chồng tôi không ngủ được đầu óc căng thẳng… cứ sẵn sàng tinh thần để bị công an kêu lên hoặc bị người ta chửi mắng vì tin tức con tôi đánh người mà tôi tin chắc thế nào cũng xảy ra!

Nhưng một ngày, hai ngày rồi ba ngày, chẳng nghe tin tức gì của nó!!!

Hai tuần sau chị đem nó trờ lại, hồng hào, mập ra và không còn hung dữ, biết gọi cha, gọi mẹ. Mọi người trong quê đổ ra xem, người ta nhìn chị bàn tán:

– Bà này ghê quá, bả có bùa ngải dữ lắm mới trị được thằng đó chứ dễ gì!

Con tôi không muốn bước vào nhà mà đòi theo ở luôn với chị. Chị cười với tôi rồi giải thích, “Vợ chồng tôi muốn nuôi nó luôn nhưng nhà tôi chật hẹp lắm, lại có con gái nữa nên nó ở không tiện. Tôi đưa nó về với chị rồi sẽ thường xuyên đến thăm.” Chị dặn tôi, mỗi khi nó trở nên hung dữ cứ nhân danh Chúa Giê-xu đặt tay trên nó cầu nguyện thì Chúa sẽ giúp nó bình thường trở lại.

Chị đã giữ đúng lời hứa với gia đình tôi, thường xuyên đến thăm con trai tôi, dạy con tôi lời Chúa. Nhưng chị không được cả gia đình tôi đón nhận cách dễ dàng, nhiều lời bàn ra tán vào, nghi ngờ tấm lòng của chị, cho rằng gia đình tôi đã bị dụ dỗ, làm cho ngay cả đức tin của tôi cũng nao núng. Gia đình bên nội của con trai tôi cật lực chống đối, cả bà nội và chú của nó đều nói:

– Điên một hồi thì tự nó phải hết chứ Chúa nào mà chữa lành, tất cả những người được lành là nhờ Chúa hết sao? Vậy thầy thuốc bác sĩ để làm gì! Thằng đó tốn biết bao là tiền thuốc bây giờ mới khỏi đó!

Tuy vậy! chị vẫn kiên trì đến nhà tôi, mềm mại ngay cả đối với những người lớn tiếng nạt nộ chị.

Theo thời gian gia đình tôi lần lượt tin Chúa, vừa con vừa cháu cả thảy là 9 người. Rồi lớp học Kinh Thánh được mở ra tại nhà tôi. Sau đó, những gia đình chung quanh tôi tiếp nhận Chúa và Hội Thánh được mở ra. Căn nhà của tôi trở thành nơi thờ phượng Chúa mỗi sáng Chúa Nhật hằng tuần, con cháu tôi say mê hát thánh ca và học thuộc Lời Chúa. Chúa lần lần cứu gia đình tôi khỏi cảnh nghèo khổ cùng tận. Chúng tôi đã xây được một gian nhà mái tôn, thoáng mát sạch sẽ hơn, không còn nền đất ẩm ướt nhưng đã lót được gạch tàu.

Tôi cảm ơn Chúa vì con tôi được Ngài giải cứu đến nay đã được ba năm. Sau này tôi mới biết ngày ấy chị đem con trai tôi đến thẳng buổi cầu nguyện tại Trà Ôn – cách nhà tôi 11 km. Nơi đó các anh chị em trong Hội Thánh đang có buổi cầu nguyện kiêng ăn liên tiếp trong ba ngày. Hôm đó là ngày thứ hai, nhưng vì tình trạng của con tôi, họ kiêng ăn dài ngày hơn cho đến khi con tôi được lành và sau đó đưa về nhà chị.

Sau khi tin Chúa vài tuần, tôi cũng bắt đầu được đặc ân tham dự những buổi cầu nguyện hằng tháng như vậy, vì chị nói lời cầu nguyện của tôi dành cho con là vô cùng quan trọng, chính tôi phải học biết cầu nguyện cho con.

Ngày nay, trước sự chứng kiến của các cô, con tôi từ đồng cầm cuốc trở về, vui vẻ nói chuyện, trả lời với mọi người và thừa nhận rằng Chúa đã cứu nó. Nay con tôi đã được 33 tuổi, có thể đi làm ruộng mướn, mỗi ngày kiếm được 50.000đ. Khi có người hỏi Thạnh có muốn cưới vợ không thì nó lắc đầu. “Chưa đâu, để hoãn hoãn kiếm tiền giúp bả cái đã.”

Chúa đã thương xót con tôi, thương xót tôi, từ những ngày rất tăm tối tôi đã vô tình muốn giết chính con mình, nhưng Chúa có chương trình cho con tôi sống để ngày nay gia đình tôi là người chứng kiến có thể kể lại về quyền năng lạ lùng của Ngài. Tôi hết lòng tạ ơn Chúa.

 

Nguồn: PHƯƠNG VY, Hạt Muối 8/2011 (ghi lại theo lời kể của chị Ba Nhỏ tại Vĩnh Long, ấp Gia kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan