Tôi Sợ Đến Nổi Không Dám Đụng Vào Cuốn Kinh Thánh
Một nữ Cơ đốc nhân thoát khỏi Bắc Hàn chia sẻ sự sợ hãi, khi còn là một đứa trẻ, đến nỗi không dám chạm vào cuốn Kinh Thánh – nhưng cho biết Cơ Đốc Giáo đang phát triển trong xứ này mặc dù chính quyền đã dùng mọi cách độc ác để dập tắt.
Lớn lên trong một nước Cộng Sản độc tài – là nơi mà theo Cơ Đốc Giáo là tội trọng – Kim Sang Hwa không biết rằng cha mẹ của cô là những Cơ đốc nhân.
“Giống như rất nhiều gia đình tin kính, vào thập niên 1950s gia đình tôi bị lưu đày đến một làng hẽo lánh,” cô kể cho tổ chức theo dõi sự bắt bớ tôn giáo Mở Những Cánh Cửa USA
(Open Doors USA). “Họ luôn phải che dấu đức tin với thế giới bên ngoài, nhưng tôi nhớ có một đêm tôi thức giấc, lúc đó tôi mới 6 tuổi. Nhà của chúng tôi rất nhỏ nên tất cả mọi người ngủ chung một phòng. Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy ba má tôi nằm dưới cái mền và tôi có thể nghe tiếng nho nhỏ của đài radio. Sau này tôi biết ra là họ lắng nghe một chương trình của một đài phát thanh Cơ Đốc.”
Một ngày nọ, cô tìm thấy một cuốn Kinh Thánh được dấu kín trong tủ. Kinh hoảng, Kim định tố cáo cha mẹ với chính quyền; ở xứ này, các Cơ đốc nhân thường bị bắt vào các trại lao động khổ sai chỉ đơn giản vì có một cuốn Kinh Thánh.
“Tôi quá sợ hãi đến nổi không dám đụng vào cuốn Kinh Thánh, nhưng tôi không thể để nó ở đó,” cô hồi tường. “Tôi nhắm mắt lại, cầm lấy cuốn sách rồi đặt lại chỗ cũ. Tôi tính toán những cách giải quyết. Có nên báo cáo cho thầy cô? Hay là báo cáo cho an ninh? Trong 15 ngày tôi không thể gì khác ngoài chuyện suy nghĩ này. Tôi biết “bổn phận” của tôi là phải báo cáo về cuốn sách bất hợp phán này. Nhưng đây là gia đình của tôi có dính díu đến. Và tôi cũng có những câu hỏi cho chính mình: “Đức Chúa Trời này là ai? Hay là gì?”
Sau cùng, cô bé hỏi ba về cuốn sách bị cấm.
“Ông hết sức ngạc nhiên và ngồi kế tôi.” Cô kể lại. “Ông hỏi tôi: ‘Con có thấy những cây cổ thụ đó không?” Tôi gật đầy. “Ai làm nên chúng? Tôi nói không biết và ông giải thích cho tôi câu chuyện Đức Chúa Trời sáng tạo, có cả chuyện cách Chúa dựng nên A-đam và E-va.”
Từ đó trở đi, má của Kim bắt đầu dạy cô cách nhớ thuộc lòng các câu Kinh Thánh và Tín Điều Các Sứ Đồ. Ba của cô giải thích các sách Tin Lành, và ông nội dạy cô cách cầu nguyện: “Nói chuyện với Chúa. Không hơn, không kém.”
“Với tôi những câu chuyện và ý tưởng đó thật quá thích thú,” cô nói. “Tôi cũng đọc Kinh Thánh cho chính mình. Nhưng tôi nhận ra là rất nguy hiểm. Ba tôi luôn nhấn mạnh đừng chia sẻ bất cứ điều gì với bất cứ ai. Sau đó ông bắt đầu cầu nguyện thì thầm, hầu như là không nghe được, “Lạy Cha, giúp người dân Bắc Hành trước hết hãy tìm kiếm Vương Quốc Cha.”
Đôi khi, ba của Kim cũng gặp những người khác ở một điểm bí mật, là nơi họ cầu nguyện nguyện và học Kinh Thánh.
“Khi một trong những người khách của gia đình cô sắp sửa qua đời, ba tôi đến gặp tại giường lâm chung,” cô nhớ lại, “Ông ta thú nhận: ‘Tôi biết mọi sự về ông, gia đình ông và đức tin của ông. Tôi là một “ăng ten” được lệnh theo dõi ông.”
“Thế rồi sao?” ba tôi hỏi.
“Ông là người tốt. Tôi không bao giờ nói cho một ai biết ông là Cơ đốc nhân. Cho tôi biết làm sao tôi có thể trở nên một Cơ đốc nhân như ông.”
“Trong giờ phút cuối cùng, người này ăn năn và vào Vương Quốc Chúa. Cha tôi có thể giúp hướng dẫn ông đến đó,” cô nói.
Sau khi kết hôn, cô và chồng làm việc chăm sóc cho những người vô gia cư ở Bắc Hàn – nhưng cuộc sống càng lúc càng khó khăn.
“Cứ mỗi ba người, thì ít nhất có một người là ‘ăng-ten’,” cô nói. “Bởi vì sự khá giả của chúng tôi có được từ nghiệp vụ của ba và sự giúp đỡ của thân nhân ở Trung Quốc, chúng tôi bị dán nhãn ‘bọn theo chủ nghĩa tư bản.’ Lo sợ cho sự an toàn của gia đình, chúng tôi để lại đứa con trai 2 tuổi cho cha mẹ của chúng tôi và vượt thoát khỏi nước.”
Ngày nay, Kim sống ở Nam Hàn với gia đình của cô – nhưng cô hy vọng có ngày trở lại quê hương để sẻ chia Tin Lành.
“Ước gì tôi có thể trở lại Bắc Hàn và sẻ chia Tin Lành cho người ở đó và thông công với những tín hữu địa phương,” cô tâm sự. “Tôi yêu quí đức tin của họ. Tôi sẵn sàng chịu chết cho Tin Lành. Tôi nghĩ rằng nếu không có gia đình ở đây, Nam Hàn, tôi đã trở về và giúp những người khó khăn ở đó rồi.
Mỗi ngày, Kim cầu nguyện cho một ngày mà mỗi người ở Bắc Hành sẽ tìm kiếm trước hết Vương Quốc Chúa. Cũng có khi cô thất vọng, cô thú nhận.
“Cũng như nhiều tín hữu trên thế giới, tôi cảm thấy dường như không có gì thay đổi ở Bắc Hàn. Khi cầu nguyện, tôi thường hỏi Chúa: ‘Ý Chúa là gì? Tại sao Ngài muốn con cứ cầu nguyện cho Bắc Hàn?’ Nhưng sau đó Chúa nhắc tôi: ‘Con biết Bắc Hàn hơn ai hết. Con biết người dân ở đó và sự khốn khổ của họ. Nếu con không cầu nguyện thì ai sẽ cầu nguyện? Hãy trông cậy Ta. Hãy tin Ta.”
Tổ chức Open Doors xếp hạng Bắc Hàn trong danh sách Theo Dõi Thế Giới (World Watch List) là nước hàng đầu trong sự bắt bớ Cơ đốc nhân. Họ ước lượng có từ 30.000 đến 70.000 Cơ đốc nhân bị giam trong các trại lao động khổ sai.
“Cơ đốc nhân phải dấu kín đức tin của họ khỏi giới chức chính quyền, hàng xóm và thường khi họ cầu nguyện với mắt mở ra. Việc nhóm họp để ca ngợi hay thông công là không thể nào được. Thờ lạy gia đình cai trị họ Kim là mạng lệnh cho mọi công dân, và những ai không tuân theo (trong đó có Cơ đốc nhân) sẽ bị bắt, giam cầm, tra tấn hay bị giết.”
“Kim Chung-seong, một người đào thoát khỏi Bắc Hàn, tuyên bố ở Hội Nghị Thế Giới Bảo Vệ Cơ Đốc Nhân Bị Bắt Bớ vào tháng 5/2017 cho biết chính quyền sợ Tin Lành loan rộng.
“Điều mà chính quyền Bắc Hành sợ nhất, là sự lây lan của Tin Lành,” ông cho biết. theo Hãng Tin Công Giáo. “Bởi vì Kinh Thánh và Tin Lành nói lên sự thật. Một khi mà ánh sáng chiếu trong phòng tối, sự sáng hiện hữu trong phòng.”
“Họ (chính quyền) sẽ làm mọi cách để ngăn cản Tin Lành loan ra ở Bắc Hàn.” Ông cho biết chính quyền đã phải dựng nên một tổ chức quốc doanh gọi là Hiệp Hội Cơ Đốc Đại Hàn để lừa gạt những tín hữu.”
“Nhưng như quí vị có thể thấy rõ, chúng ta không thể bịt lại ánh mặt trời bằng bàn tay của chúng ta.”
(Nguồn: “North Korean Christian on Growing Up in Isolated Country: ‘I was Too Scared to Even Touch the Bible” – gospelherald.com)