Chính những người lãnh đạo – dù là lãnh đạo gia đình, nhóm bạn, nhóm nhỏ hay hội thánh vv – cũng vật lộn với vấn đề cầu nguyện. Những khám phá sau đây có vẻ khó tin nhưng chúng có căn nguyên để giải thích.
1/ Những người trong vị trí lãnh đạo sống theo bản chất, là những người “làm” việc sửa chữa.
Chúng ta thường là những người phải tìm cách giải quyết những vấn đề, cố gắng kiếm những câu trả lời và gắng sức lần nữa nếu lần đầu không kết quả. Do phải kiên trì làm những điều này, dù là những điều tốt, chúng ta trở nên có khuynh hướng đặt sự cầu nguyện là giải pháp cuối cùng!
2/ Chúng ta chưa học cách cầu nguyện sâu nhiệm.
Các hội thánh đã làm nên lỗi lầm này trong lãnh vực kỷ luật thuộc linh: Chúng ta kêu gọi các tín hữu làm những điều này điều nọ nhưng phải thành thực mà nói rằng chúng ta chưa dạy dỗ họ cách thực hiện. Là người lãnh đạo trung thực, chúng ta phải nhìn nhận là chính chúng ta cũng chưa học hỏi sâu nhiệm về cách cầu nguyện.
3/ Sự cầu nguyện dần dần trở thành nghi thức hơn là quan hệ.
Chúng ta biết là phải cầu nguyện, cho dù chúng ta chưa biết cách cầu nguyện, và thế là chúng ta phóng vào những sinh hoạt cầu nguyện – khiến cho không phải là do quan hệ với Chúa dẫn chúng ta đến sự cầu nguyện, nhưng là nghi lễ tôn giáo đặt chúng ta vào sự cầu nguyện.
4/ Tính chất “không thật sự cầu nguyện” tiềm ẩn trong những sự cầu nguyện theo hình thức.
Chúng ta có thể nói về cầu nguyện, dạy về cầu nguyện, viết về cầu nguyện và ngay cả hướng dẫn nhiều người hiệp lại cầu nguyện – nhưng làm mọi điều này mà không nhận biết rằng sự cầu nguyện từ tấm lòng cá nhân bộc phát lên là sự cầu nguyện tốt nhất.
5/ Chúng ta không thật lòng tin rằng cầu nguyện làm nên kết quả.
Chưa hề có người lãnh đạo hay tổ trưởng nào mà tôi biết đến dám nói rằng cầu nguyện chẳng đi đến đâu. Thế nhưng đời sống cầu nguyện của chúng ta cho thấy điều ngược lại. Chúng ta kinh ngạc (vì trước đó không tin) khi Chúa trả lời sự cầu nguyện của chúng ta.
6/ Chúng ta chưa từng để cho lòng mình tan vỡ.
Sứ đồ Phao-lô, một người lãnh đạo lỗi lạc, học biết về năng quyền của sức mạnh trong sự yếu đuối (2 Cô-rinh-tô 12.7-10). Chính trong chỗ yếu đuối của chúng ta mà chúng ta học cầu nguyện, nhưng người lãnh đạo thường theo bản tính của con người xác thịt mà tập chú vào sự dùng sức mình để tranh chiến chống lại sự yếu đuối, thay vì cầu nguyện trong sự yếu đuối đó.
7/ Những người lãnh đạo đọc Lời Chúa một chiều.
Những người lãnh đạo chúng ta thường đọc Lời Chúa như là đọc những thông tin hay kiến thức Kinh Thánh hoặc thần học hơn là thấy và đọc lên những sự biến đổi đời sống. Khi chúng ta đọc Lời Chúa theo cách đó, chúng ta mất đi những cơ hội đối thoại với Chúa, mà đối thoại với Chúa chính là một ý nghĩa của sự cầu nguyện.
8/ Có người lãnh đạo đã mất hy vọng.
Điều này có thể xảy ra! Những người lãnh đạo đã kiên tâm cầu nguyện trong quá khứ có thể đánh mất lòng trông cậy khi mà gánh nặng của những biến cố như tranh chấp trong hội thánh, xung đột gia đình, biến chuyển sức khỏe vv xảy ra ngay trong hay sau những giai đoạn kiên tâm cầu nguyện. Phản ứng tiêu cực khi có lời cầu nguyện không hay chưa được đáp lời có thể dẫn đến sự mất lòng tin cậy và từ đó mất lòng cầu nguyện.
9/ Chúng ta đánh mất trọng tâm của Tin Lành là đời sống cầu nguyện của Chúa Giê-su.
Một giáo sư thần học thách thức tôi đọc Phúc Âm Lu-ca với trọng tâm này trong tâm trí và đời sống cầu nguyện của tôi không còn như trước đây nữa. Tôi cũng thách thức quý vị làm như vậy.
10/ Chúng ta không có người mẫu mực để noi theo.
Nhiều người lãnh đạo chúng ta không có người chiến sỹ cầu nguyện mẫu mực cho mình học theo.
11/ Chúng ta không có những mục tiêu được Chúa ban cho.
Chỉ khi chúng ta vật vã cố gắng hoàn thành một điều gì đó ngoài khả năng của mình thì chúng ta mới cầu nguyện khẩn thiết.
Ngọc Nga
(Lược dịch theo: churchleaders.com)