Nếu có một thứ tội hoành hành trong hội thánh ngày nay, đó là tội chối bỏ đi sự cầu nguyện. Rất thường khi chúng ta đánh mất những điều Chúa muốn làm cho chúng ta bởi vì chúng ta không cầu nguyện.
Là Cơ đốc nhân, chúng ta không muốn phá vỡ những mạng lệnh của Chúa, những mạng lệnh về những điều phải làm. Nhưng chúng ta cũng có thể phạm tội theo dạng không làm những điều đáng phải làm.
Chúng ta cần cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau. Chúng ta có thể cầu nguyện ở mọi nơi. Phao-lô cầu nguyện trong ngục tối. Đa-ni-ên cầu nguyện trong hang có những con sư tử đói. Phi-e-rơ cầu nguyện trên mặt hồ, và sau đó ông cầu nguyện dưới nước. Giô-na cầu nguyện từ bụng con cá khổng lồ. Điều chính yếu là chúng ta cầu nguyện.
Chúa không quan tâm về chiều dài thời gian hay sự lưu loát của lời cầu nguyện của quý vị; Ngài quan tâm về tấm lòng cầu nguyện của quý vị.
Chúa nhìn vào tấm lòng hơn là mọi thứ khác. Chúa Giê-xu phán, “Cha các con biết các con cần gì trước khi các con cầu xin Ngài”(Ma-thi-ơ 6:8, BTTHĐ 2010). Nếu vậy thì tại sao chúng ta cầu nguyện? Câu trả lời rất đơn giản. Cầu nguyện không phải là thông báo tin tức đến cho Chúa; cầu nguyện là mời gọi Chúa. Khi tôi kêu cầu Chúa trong lúc cầu nguyện và dâng lời khẩn nài, tôi không thông tin cho Chúa biết về những điều Ngài không biết nhưng là tôi mời Chúa vào trong tình cảnh, những thách thức và những vấn đề của tôi.
Giá trị của cầu nguyện là nó giữ tôi trong mối liên hệ với Chúa. Khi có người yêu cầu tôi cầu nguyện cho họ, tôi luôn luôn cố gắng làm điều đó ngay để cho tôi không quên đi. Khi Cơ đốc nhân đối diện với một cơn khủng hoảng và kêu gọi những Cơ đốc nhân khác nhớ đến họ mà cầu nguyện, thì đó là một điều rất tốt. Chúa Giê-su nói, “Ta lại bảo các con, nếu hai người trong các con hiệp ý với nhau ở dưới đất mà cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Ta ở trên trời sẽ ban cho họ” (Ma-thi-ơ. 18:19). Chẳng có gì để thắc mắc ở đây: Có quyền năng ở trong sự hiệp một cầu nguyện.
Ngay cả khi chúng ta quên cầu nguyện, chúng ta có thể được an tâm mà biết rằng Chúa Giê-xu Christ trên thiên đàng đang cầu thay cho chúng ta. Hê-bơ-rơ 7.25 chép, “Bởi đó, Ngài có thể cứu toàn vẹn những người nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những người ấy.” Và Rô-ma 8:34: “Ai sẽ là người kết án họ khi mà Đấng Christ Jêsus là Đấng đã chết và cũng đã sống lại, Đấng đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời và cầu thay cho chúng ta?”
Robert Murray M’Cheyne, một Mục sư Tô-cách-lan vào thế kỷ 19 nói rằng, “Nếu tôi có thể nghe Đấng Chirst đang cầu nguyện cho tôi ở phòng kế bên, tôi sẽ không sợ cả một triệu kẻ thù. Nhưng tầm cách xa không là gì cả; vì Ngài đang cầu nguyện cho tôi!” Điều đó thật là đúng.
Câu hỏi là Chúa Giê-xu cầu nguyện những gì khi Ngài cầu thay cho chúng ta? Câu trả lời trong sách Tin Lành Giăng chương 17. Đây là lời cầu nguyện mà chỉ có Chúa Giê-xu có thể cầu nguyện. Nó cho chúng ta thấy được chiều sâu thẳm trong lòng ước mong của Ngài về chúng ta. Nó cho chúng ta thấy tấm lòng của Ngài. Chúa Giê-su cầu nguyện rất nhiều. Ngài là Đức Chúa Trời đang đi ở giữa chúng ta, nhưng Ngài luôn luôn cầu nguyện với Cha.
Trước khi chọn 12 sứ đồ, Ngài cầu nguyện suốt đêm (Lu-ca 6.12). Chúng ta thấy Ngài cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê khi suy niệm về cơn thống khổ trên thập giá sẽ đến, “Cha ơi! Nếu chén nầy không thể cất đi được mà con phải uống, thì xin ý Cha được nên.” (Ma-thi-ơ 26:42).
Chúng ta cũng thấy Ngài cầu nguyện trên thập giá. Thật vậy, lời cầu nguyện đầu tiên trên thập giá là, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34). Và lời cuối cùng của Ngài trên thập giá cũng là lời cầu nguyện: “Lạy Cha, Con xin giao linh hồn lại trong tay Cha!” (c. 46).
Chúa Giê-xu luôn luôn cầu nguyện. Nếu Chúa Giê-xu, là Đức Chúa Trời, còn thấy sự cần thiết phải cầu nguyện, thì chúng ta càng phải cầu nguyện khẩn thiết nhiều hơn nữa phải không? Với tất cả những lỗi lầm, thiếu sót và yếu đuối của chúng ta, chúng ta càng phải theo gương cầu nguyện mà Chúa Giê-xu đã lập nên cho chúng ta nhiều hơn nữa phải không?
Chúa Giê-xu có thể cầu nguyện lời cầu nguyện đặc biệt trong Giăng 17 một cách riêng tư. Nhưng Ngài đã muốn các môn đồ nghe lời cầu nguyện này, nên Ngài đã cầu nguyện lớn tiếng. Trước hết, Chúa Giê-xu cầu nguyện cho chính Ngài. Ngài nói với Cha là Ngài đã hoàn tất công việc trên đất (c.1-5). Thứ hai, Ngài cầu nguyện cho các môn đồ. Ngài cầu nguyện rằng Cha sẽ giữ gìn và thánh hóa họ (c.6-19). Rồi Ngài kết thúc bằng lời cầu nguyện cho mọi người tin – đó là Hội thánh mà sau này sẽ hình thành (c.20-26).
Điều này đem chúng ta trở lại với câu hỏi tại sao cầu nguyện. Tại sao chúng ta cầu nguyện? Vì Chúa sẽ cho phép những hoàn cảnh xảy ra trong đời sống của chúng ta để giữ gìn chúng ta biết dựa vào Ngài. Nếu quý vị không bao giờ có một vấn đề gì cả, không có một cái hóa đơn không thể trả nổi, nếu quý vị hay gia đình quý vị không bao giờ có một bệnh tật, một tranh chấp, một nan đề, nếu quý vị luôn luôn biết câu trả lời cho tất cả mọi sự, nếu quý vị luôn luôn làm quyết định đúng … liệu quý vị vẫn tiếp tục cầu nguyện?
Chúa sẽ cho phép những điều như vậy xảy ra trong đời sống của chúng ta để giữ chúng ta lệ thuộc vào Ngài. Chúng ta kêu đến Ngài vì chúng ta cần sự vùa giúp của Ngài. Đó là lý do tại sao Chúa không cho chúng ta tất cả những quà tặng vinh hiển của Ngài trong cùng một lúc. Ngài muốn nghe từ chúng ta. Và Ngài muốn trả lời sự cầu nguyện của chúng ta. Chúa Giê-xu đã dạy, “Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ, vì Cha các con đã bằng lòng ban vương quốc cho các con rồi.” (Lu-ca 12:32).
Nhưng cũng Chúa đã phán, “Thật vậy, Ta sẽ ban phước cho con. Ta sẽ cung ứng cho con. Nhưng Ta muốn con đến với Ta. Ta muốn tương giao với con. Ta muốn thời giờ với con.” Đó là lý do tại sao Chúa Giê-xu dạy chúng ta cầu nguyện, “Xin cho chúng con hôm nay thức ăn đủ ngày” (Ma-thi-ơ 6:11). Cha Trên Trời của chúng ta yêu thích tuôn đổ ơn phước trên chúng ta. Đó là nguồn vui của Ngài. Nhưng chúng ta phải đến với Ngài.
Chúa sẽ làm trọn phần của Ngài. Nhưng nếu chúng ta kéo bàn tay chúng ta ra khỏi bàn tay của Ngài, đó sẽ làm nên vấn đề. Chúa đang bám vào quý vị, nhưng quý vị có muốn bám vào Chúa không?
Trong Giăng 17, Chúa Giê-xu cầu nguyện bảo toàn chúng ta. Ngài muốn chúng ta an toàn trong Ngài. Ngài cũng cầu nguyện cho chúng ta được nên thánh, có nghĩa là chúng ta được thánh hóa và biệt riêng cho Ngài. Và Ngài cầu nguyện rằng chúng ta hiệp một và yêu thương lẫn nhau.
Đất nước của chúng ta đang bị chia rẽ theo nguồn gốc sắc tộc, quan điểm chính trị và xuất thân xã hội. Nhưng chúng ta có thể có sự hiệp một lại như là những người theo Chúa Giê-xu Christ. Chúng ta có thể không đồng ý về mọi chuyện, nhưng chúng ta có thể yêu thương lẫn nhau. Đó là những gì Chúa Giê-xu đang cầu nguyện. Ngài đang cầu nguyện rằng chúng ta sẽ làm những điều như vậy.
DTCMS
(Lược dịch theo: outreachmagazine.com )
Greg Laurie là Mục sư trưởng Hội thánh “Harvest Christian Fellowship” ở Riverside và Irvine, California. Ông cũng là người sáng lập Đoàn Truyền Giảng “Harvest Crusades” chuyên về thực hiện những chương trình truyền giảng lớn trên thế giới. Bài viết này trích từ mục viết hàng tuần của ông trên tờ World Net Daily.