Sứ Mạng Phục Vụ Cộng Đồng – Phần 1

Share

Trong Phúc Âm Giăng, Chúa Giê-su dùng 7 hình ảnh để nói về Ngài: 

  • bánh sự sống (Giăng 6.35,48,51, BTTHĐ 2010) 
  • ánh sáng của thế gian (8.12, 9.5), 
  • cửa cho chiên vào chuồng (10.7,9), 
  • người chăn chiên nhân lành (10.12,14), 
  • sự sống và sự sống lại (11.25), 
  • đường đi, lẽ thật và sự sống (14.6), 
  • cây nho thật (15.1). 

Bảy hình ảnh này nói lên rằng Ngài vừa là nguồn tài nguyên vừa là người phục vụ ban sự sống đổi mới và sung mãn (Giăng 3.1-8, 10.10b) 

Kinh thánh dạy sâu xa hơn nữa rằng Chúa Giê-su có trọn vẹn mọi bản tính của Đức Chúa Trời (Giăng 10.30; Hê-bơ-rơ 1.3a) và một trong những bản tính đó là phục vụ (Mác 10.45). Điều này được thấy rõ qua sự kiện Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, trong khi hành động rửa chân này chỉ dành cho đầy tớ và nô lệ (Giăng 13.1-16). 

Bốn sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng cho thấy đời sống của Chúa Giê-su là một đời sống kết hợp giữa địa vị Ngài là Đấng Mê-si (có bản chất thiên thượng, là Nguồn Sống, tuôn đổ nguồn sự sống cho nhân loại) và địa vị Ngài là người phục vụ. Hình ảnh Chúa Giê-su đi vào cộng đồng người Do Thái với một địa vị Đấng Mê-si phục vụ đã được Lu-ca nói trong Công vụ 10.38: 

Thể nào Đức Chúa Trời đã xức dầu cho Đức Chúa Jêsus người Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền năng, rồi Ngài đi khắp nơi làm việc nhân đức và chữa lành tất cả những người bị ma quỷ áp chế, vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài.

Chúa Giê-su đã nhờ Đức Thánh Linh và không ngừng dốc đổ năng lực mình trong những lãnh vực thuộc linh dạy dỗ, rao giảng, chữa lành, đuổi quỷ khiến người chết sống lại (Ma-thi-ơ 4.23; Giăng 11). Thậm chí có lúc Ngài mãi lo phục vụ người khác đến nổi không ăn, nên bị gán là mất trí (Mác 3.21). 

Ngài không dừng tuôn đổ phục vụ trong lãnh vực thuộc linh mà còn phục vụ con người qua lãnh vực vật chất. Ngài dùng tiền bạc để giúp đỡ kẻ nghèo (Giăng 13.29). Ngài kêu người trai trẻ giàu có nếu muốn theo Ngài hãy bán hết gia tài cho kẻ nghèo rồi sau đó đi theo Ngài (Ma-thi-ơ 9.21). Dấu hiệu của sự ăn năn thật của Xa-chê là “phân phát một nửa tài sản của con cho người nghèo khổ, và nếu … có bóc lột ai bất cứ điều gì, … bồi thường gấp tư!” (Lu-ca 19.1-9). 

Để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giê-su đã xây dựng nên một sự quân bình giữa phục vụ đời sống thuộc linh và vật chất bằng cách ban cho mạng sống của chính Ngài, vì đây chính là mục đích Ngài đến. “Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác 10.45)

Sau khi Chúa Giê-su về trời, dưới sự vận hành của Đức Thánh Linh, sự phục vụ trong hội thánh đầu tiên được kể như là một nguồn tài nguyên xuất phát từ tình yêu thương. Họ đã xây dựng sự phục vụ cách quân bình giữa thuộc linh và vật chất như kể trên – đây là một bước ngoặt quan trọng của Hội thánh Giê-ru-sa-lem. Vì “Trong các tín hữu, không còn ai nghèo thiếu, vì những người có ruộng, có nhà đều bán đi, đem tiền bán tài sản (Công vụ 4:34). Để giải quyết vấn đề chu cấp cho những người góa bụa Do Thái và người không phải là Do Thái, Hội thánh Giê-ru-sa-lem thành lập các chức vụ chấp sự để các sứ đồ có trọn thời giờ cho sự cầu nguyện và phục vụ lời Chúa (Công Vụ 6.1-6). 

Sau khi xây dựng sự quân bình này thì kết quả là: “Đạo của Đức Chúa Trời ngày càng phát triển; số môn đồ tại Giê-ru-sa-lem gia tăng gấp bội. Rất nhiều thầy tế lễ cũng vâng theo đạo nữa (Công Vụ 6.7). Cần chú ý ở đây là các thầy tế lễ này là một thành phần lãnh đạo quan trọng trong dân Do Thái và họ cũng là thành phần chủ chốt trong việc áp lực Tổng Trấn Phi-lát đóng đinh Chúa Giê-su. 

Một trong những điều mà thư của Giáo Nghị Hội Giê-ru-sa-lem (Công Vụ 15) căn dặn Phao-lô khi đi công bố thư cho các hội thánh người không phải là Do Thái là các hội thánh đó phải “nhớ đến người nghèo” (Ga-la-ti 1.10). 

Lịch sử Hội thánh ghi lại rằng trước khi Hội thánh bị Hoàng Đế La-mã Constantine tôn làm “quốc giáo” vào thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên, đạo của Chúa phát triển sâu rộng trong xã hội của đế quốc La-mã. Ba nguyên nhân chính là: 

1/ Lòng tin kính, nhiệt tình làm chứng và sẵn sàng “tử đạo” trước những cơn bắt bớ kinh hoàng của nhiều hoàng đế La-mã trước Constantine, 

2/ Phẩm chất đạo đức cao của các Cơ đốc nhân (bày tỏ sự thánh khiết) khác với bản tính sa đọa của các tôn giáo và thần linh của các nước và các dân trong đế quốc La-mã. 

3/ Tình yêu thương cứu giúp người nghèo khó. Nhiều quan chức La-mã thời đó, như Plinny The Young, khi được sai đi thanh tra vấn đề “đạo cơ đốc” đã viết lên trong báo cáo cho Hoàng Đế La-mã những lời khâm phục về tình yêu thương cứu giúp này.

Trong thời kỳ nhà cải chánh khi Martin Luther viết lên và tranh biện cho “95 Luận Đề” của ông, ngoài việc bác bỏ “bùa xóa tội” và “thẩm quyền tuyệt đối của Giáo Hoàng,” ông nhấn mạnh trong Luận Đề 43 là hãy dùng tiền để giúp người nghèo khó hơn là dùng để mua bùa xóa tội. Martin Luther luôn đặt ưu tiên đem Lời Chúa đến cùng với sự giúp đỡ người nghèo. Ông thường chỉ trích giáo hội lúc đó đã phung phí tiền cho những công trình xây dựng “vương cung thánh đường” tráng lệ mà bỏ bê người nghèo.

Tiếp tục truyền thống vừa là nguồn tài nguyên và vừa là người phục vụ, các phong trào truyền giáo và phục hưng trong thời kỳ từ thế kỷ 19 và đến cuối thế kỷ 20 đều chú trọng đến các mục vụ giúp đỡ người nghèo khó. Nhiều cơ quan từ thiện của Công Giáo và Tin Lành tầm vóc quốc tế ngày nay được sinh ra trong những giai đoạn này: Cứu Thế Quân (Salvation Army), Veritas, World Visions, Baptist World Aid vv; không kể đến vô số các cơ quan khác hoạt động trong phạm vi quốc gia.

Nhưng còn quan trọng hơn nữa, là sau đó nhiều hội thánh địa phương hay hệ phái ở khắp nơi trên thế giới đã phát triển và mở rộng mục vụ giúp đỡ người nghèo khó thành mục vụ phục vụ cộng đồng với những chương trình như: cứu đói, xây nhà tình thương, cứu trợ thiên tai, tư vấn gia đình, giúp chăm sóc người già, hỗ trợ pháp lý, giáo dục và huấn nghệ, trợ giúp phương tiện làm việc vv… 

Khi thực hiện những chương trình này một cách đứng đắn, có chất lượng “nghiệp vụ” và kết hợp với phục vụ lời Chúa (làm chứng và chia sẻ Tin Lành) Cơ đốc nhân và Hội thánh đã khiến cộng đồng địa phương nhìn thấy hình ảnh của Hội thánh là một hình ảnh của sự cứu giúp và hy vọng. Phải chăng đây chính là đời sống mà Chúa Giê-su muốn chúng ta bày tỏ cho thế gian thấy mà Ngài đã dạy trong Ma-thi-ơ 5.14-16. Các con là: 

  • Ánh sáng cho thế gian. 
  • Một cái thành xây trên núi thì không thể bị che khuất được. 
  • Đèn mà đặt trên chân đèn để nó soi sáng mọi người trong nhà.  

Cho dù có nhiều vấn đề phức tạp như tình hình chính trị gây khó khăn, chính quyền can thiệp và tham nhũng, nhân sự và tài nguyên yếu kém và có những vấn đề tổ chức hành chánh phức tạp vv – phục vụ cộng đồng phải là một trong những sứ mạng quan trọng mà chúng ta không thể chối bỏ hay làm ngơ. Chúa Giê-su đã phán: “Thật, Ta bảo thật các con, người nào tin Ta cũng sẽ làm những việc Ta làm, và sẽ làm những việc lớn hơn nữa, vì Ta đi về với Cha.” (Giăng 14.12). Cơ đốc nhân và Hội thánh không thể chối bỏ hay làm ngơ rằng Chúa Giê-su là nguồn tài nguyên và người phục vụ, Ngài đã làm gương để cho hội thánh “noi dấu chân Ngài”.

Chúng ta vui mừng vì Chúa ban cho chúng ta sứ mạng phục vụ cộng đồng để qua đó chúng ta có thể đem tin lành bằng “lời” và “hành động” đến với mọi người, đặc biệt là những người nghèo khó chung quanh chúng ta. Vì khi chúng ta “thương xót người nghèo khó là tôn kính Ngài” (Châm ngôn 14:31b). Nhưng nếu ai trong chúng ta “bịt tai không chịu nghe tiếng kêu la của người nghèo khổ; Khi kẻ ấy kêu la thì chẳng ai đáp lại (Châm ngôn 21:13). Vậy, hãy cẩn thận, kẻo ánh sáng trong chúng ta trở nên bóng tối (Lu-ca 11:35). 

Hội Thánh là ánh sáng và là niềm hy vọng cho thế gian, tất cả chúng ta cần phải yêu thương phục vụ cộng dồng vì đó là một phần quan trọng của sứ mạng chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời (Ma-thi-ơ 5.16)

 

Phạm Phi Phi & Dọn Đường Người

(Phần 2 sẽ nói đến những vấn đề thực tế như vài cách thực tiễn để nhận ra một chương trình phục đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan